Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
444
115.985.786
 
Du lịch duyên hải nam Trung bộ: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VĂN HÓA BIỂN
Đinh Văn Hạnh

 

Duyên hải Nam Trung Bộ là phần đất của tám tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trên dãi đất hình chữ S, đây là phần đất “nhô ra nhiều đầu nối”, “vươn ra biển”, là nơi đón ánh bình minh đầu tiên… mà với thế đất như vậy trên thế giới thường thấy là “giao điểm động”, là nơi gặp gỡ của các luồng văn hóa, văn minh.

 

Trên bản đồ hàng hải của “Người Bồ Đào Nha trên bờ biển Việt Nam và Champa”, chúng ta thấy từ thế kỷ 16-17 người Bồ (gần như làm chủ giao thương Viễn Đông) đã đi lại rất nhiều trên vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ, trong khi đó đối với vùng biển Tây Nam Bộ và vịnh Bắc Bộ gần như họ rất ít ghé. Hầu hết các “bến đỗ” trong hành trình của người Bồ trên lãnh hải Việt Nam là từ Malaysia đến Côn Đảo (Pulo Condor), Nước Mặn (Nehorman/ Quy Nhơn), Hội An (Faifo), Cù Lao Chàm (Champello) rồi sang Ma Cao, Quảng Đông (Trung Quốc)… Vài thập niên trở lại đây người ta đã phát hiện khá nhiều tàu cổ bị chìm trên biển, hầu hết là tàu buôn, chở hàng hóa, gốm sứ, có niên đại cách nay ba bốn trăm năm... Các tàu cổ được phát hiện đó chủ yếu trên vùng biển Nam Trung Bộ. Ở vùng biển Đông Nam Bộ chỉ mới phát hiện một chiếc còn chưa thấy phát hiện tàu cổ chở hàng hóa nào bị chìm trong vùng vịnh Bắc Bộ. Điều đó có thể làm người ta liên tưởng rằng vùng biển nào phát hiện được nhiều tàu đắm chứng tỏ có mật độ tàu đi lại nhiều hơn không phải là không có cơ sở.

 

Nam Trung Bộ vốn là phần đất của Vương quốc Champa. So với nhiều quốc gia khác ở vùng Đông Nam Á, Champa lập quốc muộn, nhưng sau đó một vài thế kỷ, Champa đã có bước phát triển rực rỡ, là một trong những vương quốc phồn thịnh của vùng Đông Nam Á đương thời. Người Chăm vốn có truyền thống đi biển. Biển đã trở thành con đường giao lưu hàng hóa và văn hóa, đưa Champa đến với thế giới bên ngoài. Từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất, tàu thuyền của người Chăm đã vượt đại dương đến những vùng đất xa xôi. Người Chăm đã đến Ấn Độ giao thương, buôn bán và đã biết đến văn minh Ấn Độ. Sự phát triển đời sống, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm rõ ràng có phần từ những chuyến vượt biển với ý thức chủ động tiếp thu thành tựu văn minh rực rỡ bên ngoài. Chính sự tiếp thu đó giúp Champa trong thời gian ngắn đã có bước phát triển vượt bậc, để lại những di sản văn hóa phong phú, đa dạng có một không hai cho hậu thế, trong đó nổi bật là Thánh địa Mỹ Sơn, một trong những địa chỉ quan trọng kết nối, hình thành Con đường di sản thế giới miền Trung…

 

Người Việt bấy giờ thực sự chưa có truyền thống khai thác nguồn lợi biển như người Chăm. Những hải trình xa xôi trên biển đến những vùng đất mới chưa thấy nói tới đối với người Việt. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng một điều dễ thừa nhận là trong thiên niên kỷ đầu công nguyên, trong khi người Chăm đã định hình văn hóa biển thì những yếu tố văn hóa biển của người Việt còn hết sức mờ nhạt, ngay cả đối với vùng duyên hải Bắc Bộ.

 

Trong quá trình di cư từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào Nam Trung Bộ, người Việt không chỉ “giáp mặt với biển” trong quá trình di chuyển mà dãi đất Trung Bộ nhỏ hẹp, sau lưng là núi cao rừng thẳm, như bức trường thành không lối mở, trước mặt là biển buộc họ không chỉ sống với nghề trồng tỉa trên đất mà còn biết dựa vào biển, gắn với biển và sống trên biển: đánh bắt hải sản và mở hải trình giao thương. Biển trở thành “đại lộ” giúp họ vận chuyển, trao đổi hàng hóa của xứ sở mới dồi dào tài nguyên và của cải họ sản xuất được... Nam Trung Bộ của Đàng Trong với những Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nước Mặn… không chỉ là nơi xuất phát của thương nhân người Việt mà còn là những địa chỉ hấp dẫn, điểm đến của thuyền buôn ngoại quốc, từ Nhật Bản, Trung Hoa đến Bồ Đào Nha, Hà Lan… suốt nhiều thế kỷ. Những cảng thị lần lượt ra đời trên đất Đàng Trong, kết nối các vùng đất khác nhau của Nam Trung Bộ với thế giới bên ngoài (dường như là nhiều hơn ra Bắc-do nội chiến hay vào Nam-vì chỉ mới được khai phá bước đầu).

 

Trên nền văn hóa biển của cư dân bản địa sinh sống trước đó với những tập tục, tín ngưỡng phù hợp với phong thổ bản địa, lưu dân Việt trực tiếp tiếp xúc và đã diễn ra qua trình tiếp biến văn hóa. Một mặt chính cuộc sống gắn với biển, nghề nghiệp khai thác nguồn lợi biển; mặt khác chính tầng văn hóa biển trầm tích bản địa đã sớm tạo cho cư dân Việt duyên hải Nam Trung Bộ định hình những yếu tố văn hóa biển trên cơ sở đó phát triển văn hóa biển. Văn hóa hóa biển Nam Trung Bộ định hình trong hành trình nam tiến, rõ ràng hơn thời các chúa Nguyễn, khi đất nước chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài và phát triển thời các vua Nguyễn. Đây cũng là thời kỳ chúng ta thấy đã diễn ra quá trình chuyển đổi nhanh chóng và “triệt để” giữa người Chăm và người Việt trong khai thác nguồn lợi biển. Trong khi người Việt trên dãi đất Nam Trung Bộ từng bước làm chủ biển cả thì người Chăm vốn có truyền thống đi biển với một bề dày văn hóa biển lại “lùi xa vào đất liền”, biển như một địa bàn chưa từng “liên quan”. Đồng thời cũng có một “diễn biến” khác: một đời sống đậm chất văn hóa biển của lưu dân Việt dọc duyên hải Nam Trung Bộ đã đưa đến nhiều điểm khác biệt với văn hóa truyền thống bản quán. Rõ ràng Nam Trung Bộ đã có những yếu tố văn hóa biển “đến trước một bước” so với các vùng miền khác.

 

*

Nam Trung Bộ là địa bàn giàu tài nguyên du lịch, có thể nói là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng bậc nhất của cả nước[1]. Đầu năm 2002, lần đầu tiên Paul Stoll đã đưa ra ý tưởng/ khái niệm “Con đường di sản thế giới miền Trung”. Đây là một chương trình du lịch có tầm quốc tế, mở ra khả năng kết nối và quảng bá thế mạnh văn hóa Việt ra thế giới bên ngoài vốn là điểm yếu của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch miền Trung nói riêng trước đó. Con đường di sản thế giới miền Trung sau đó không chỉ là sự nối kết của các di sản thế giới như Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn mà còn thu hút hơn trăm thành viên từ Nghệ An đến Khánh Hòa, rồi Lâm Đồng cùng hàng chục đối tác trong và ngoài nước tham gia. Và như vậy “đại lộ du lịch” miền Trung không chỉ dừng lại ở những di sản thế giới ngay cả đối với những vùng đất có di sản thế giới mà còn mở ra rất nhiều cơ hội cho những di sản văn hóa khác chưa lọt vào danh sách di sản thế giới của miền Trung cũng trở thành những địa chỉ độc đáo rất đáng để khách du lịch dừng chân. Vốn văn hóa biển lâu đời, có nhiều nét độc đáo của Nam Trung Bộ cũng vì thế có điều kiện để khai thác và giới thiệu với du khách. Văn hóa biển Nam Trung Bộ không chỉ là những yếu tố của tín ngưỡng, lễ nghi, của lễ hội nghinh Ông, lễ hội Cầu ngư, Thủy long Thần nữ… mà còn là tập tục, nếp sống, sinh hoạt, lao động sản xuất… của những vạn chài, làng chài, phố chài…

 

Suốt dọc duyên hải Nam Trung Bộ, từ sau Tết cho đến quá giữa năm du khách có thể được tham quan những lễ hội độc đáo, đậm chất văn hóa biển. Đà Nẵng, đô thị phát triển bậc nhất của miền Trung vẫn bảo tồn nhiều lễ hội cộng đồng của cư dân các ngành nghề, trong đó nổi bật lễ Cầu ngư ở Sơn Trà, Thanh Khê… Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, các trò chơi sôi động, hấp dẫn, như hát bội, bài chòi, hát hò khoan đối đáp, đua ghe, đấu vật, đua thuyền, thi nấu cơm, làm bánh… thu hút hàng ngàn người tham dự.

 

Ở Quảng Nam, nổi bật với lễ hội cúng cá Ông, lễ hội Cầu Bông, bên Cửa Đại, rất gần trung tâm phố cổ Hội An đang thu hút nhiều du khách nước ngoài…

 

Ngãi cũng có rất nhiều lễ hội cá Ông, nhưng nổi bật, thu hút sự quan tâm có lẽ là lễ Khao lề Thế lính (không chỉ thể hiện một cách độc đáo truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi gợi ý thức, trách nhiệm cộng đồng mà còn giúp ích cho việc hiểu biết đời sống sinh hoạt văn hóa, quan niệm tín ngưỡng của cư dân biển đảo Nam Trung Bộ).

 

Lễ hội cầu ngư gắn liền hình thức diễn xướng hát Bả trảo có lẽ là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nổi bật của ngư dân Bình Định. Nội dung bài hát Bả trạo cấu trúc chặt chẽ, tái hiện khá trọn vẹn, sâu sắc quan niệm, cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất trên biển của ngư dân Bình Định tiêu biểu cho dòng Bả trạo miền biển Nam Trung Bộ.

 

Ở Phú Yên, lễ hội sông nước Tam Giang, lễ hội đầm Ô Loan, lễ hội Cầu ngư… bên cạnh những nghi thức tín ngưỡng riêng có là những hoạt động đậm chất văn hóa biển địa phương, như đua thuyền, kéo co dưới nước, thả hoa đăng, múa siêu, sõng chài, sõng lưới, sõng chống sào, lắc thúng chai… hấp dẫn, thu hút hàng ngàn người tham dự…

 

Ở Khánh Hòa cũng có lễ hội cá Ông như các địa phương láng giềng. Nhưng điểm riêng có có lẽ là lễ hội Yến Sào (nơi diễn ra lễ hội là miếu thờ Bà Chúa đảo Yến, Hòn Nội-một chuyến đi thuyền ra Hòn Nội dự lễ Yến Sào chắc chắn là hấp dẫn đối với khách du lịch). Festival Biển Nha Trang hai năm một lần là một sản phẩm văn hóa du lịch khá thành công, nhưng cũng cần được chú y khai thác nhiều hơn những yếu tố văn hóa biển không chỉ của riêng Khánh Hòa mà của cả vùng đất Nam Trung Bộ…

 

Ninh Thuận nổi bật với những lễ hội của người Chăm mà ở đó người ta có thể nhận thấy dấu vết trầm tích văn hóa biển truyền thống. Bình Thuận, cực nam của Nam Trung Bộ nổi tiếng với lễ hội Nghinh Ông (thần cá voi), nghinh Ông - Quan Thánh Đế Quân, được xem là lễ hội nghinh Ông lớn nhất Việt Nam…

 

Chúng ta vẫn thường quan tâm, giới thiệu và tự hào về những nét đẹp truyền thống, thái độ ứng xử nhân văn của ngư dân trước biển (đối với các loại sinh vật biển, với bạn xưa lái cũ)… nhưng thử hỏi đã có địa phương nào tổ chức để khách du lịch trong nước và quốc tế được nhìn tận mắt nghi thức nghinh cúng Ông (thần cá voi), nghinh cúng Bà (Thủy Long thần nữ) trên biển? Chính những vạn chài, làng chài Nam Trung Bộ đã góp trên 20% sản lượng đánh bắt hải sản của cả nước. Phố chài Nam Trung Bộ tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự sinh động của quá trình đô thị hóa cũng như sự chuyển đổi văn hóa, xã hội trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà ở đó tập tục, truyền thống không những được duy trì mà còn có sự dày công tìm tòi, phát hiện, phục dựng di sản văn hóa truyền thống đã và đang bị mai một (những hoạt động văn hóa trên đảo Lý Sơn gần đây là một ví dụ nổi bật, cần tạo cơ hội cho khách du lịch quốc tế biết đến nhiều hơn).

 

Những năm gần đây, một số làng tộc người miền núi được đầu tư xây dựng thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa tộc người. Sự đầu tư những khu du lịch như thế ngoài đầu tư cơ sở vật chất còn phải ưu tiên cho cơ sở hạ tầng, rất tốn kém. Một số làng nghề thủ công truyền thống cũng đã được quan tâm tổ chức thành điểm tham quan, du lịch, nhưng gần như chưa thấy có điểm du lịch văn hóa biển nào được quan tâm đầu tư. Xác định chiến lược phát triển kinh tế biển, xây dựng nền kinh tế biển (tương xứng với tiềm năng biển) Việt Nam thế kỷ XXI không thể không quan tâm đến văn hóa biển một cách thực tế.

 

Có một câu hỏi có lẽ sẽ được quan tâm là trên dãi đất tám tỉnh Nam Trung Bộ liệu có sự độc đáo, riêng có nào cho từng địa bàn khả dĩ hấp dẫn khách du lịch khi hành trình đến với loại hình văn hóa biển? Ở miền Tây Nam Bộ, thế mạnh nổi bật trở thành nguồn lực độc đáo để phát triển du lịch là du lịch sinh thái miệt vườn. Nhưng du khách thấy khi đi du lịch từ Tiền Giang qua Bến Tre về Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng v.v người ta thấy đó là “nét độc đáo phổ biến” từ tên gọi cho đến cách thức tổ chức, đối tượng tham quan: đến Tiền Giang gặp tour Về với Đồng bằng sông Cửu Long; sang Bến Tre chỉ cách đó một dòng sông lại gặp Du thuyền trên sông Mékong; đến Vĩnh Long vẫn Về cùng văn minh sông nước miệt vườn; rồi sang Cần Thơ (cũng chỉ cách một con sông) lại tiếp tục là Du lịch sông nước, nhà vườn, chợ nổi… Về cách thức tổ chức và “các món” mà du khách được thưởng lãm chỉ là đi thuyền trên sông Mékong, chèo xuồng trong rạch, lên vườn ăn trái cây, tát nước (mương) bắt cá, nghe đàn ca tài tử… Một hành trình du lịch chỉ mấy ngày mà du khách không nhận được điều mới lạ từ các địa phương, cảm thấy như có sự copy lẫn nhau, chỉ cần đi một tỉnh và một điểm là đủ. Như vậy thật khó hình dung tầm vóc văn minh miệt vườn, tầm vóc văn hóa Mékong Việt Nam. Địa lý môi sinh và sắc thái văn hóa đồng nhất, có điều kiện tương đồng của Đồng bằng sông Cửu Long vừa thuận lợi nhưng cũng hết sức khó khăn cho việc tổ chức hoạt động du lịch nếu chỉ dừng lại phạm vi từng địa phương mà thiếu đi sự kết nối vùng…

 

Dẫn chứng từ cách làm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi muốn lưu ý hai điểm. Thứ nhất, trên dãi đất kéo dài chừng 800km, văn hóa biển Nam Trung Bộ là tổng thể thống nhất với những yếu tố, biểu hiện độc đáo, khác nhau. Thứ hai, sự kết nối vùng của Con đường di sản thế giới miền Trung là một thương hiệu, một thuận lợi lớn để văn hóa biển cũng như những di sản khác trở thành sản phẩm của “Con Đường”. Nhưng các sản phẩm đó phải được quy hoạch trên một tổng thể chung ở quy mô cấp vùng, miền. Từ những nét tương đồng, văn hóa biển Nam Trung Bộ là một sản phẩm văn hóa du lịch của tám tỉnh nhưng mỗi tỉnh quan tâm đầu tư, khai thác ưu thế, nét riêng của địa phương, tạo thành chuổi địa chỉ độc đáo, hấp dẫn, riêng có trong hành trình khám phá văn hóa biển Nam Trung Bộ.

 

*

Với một dãi đất hẹp, nằm trên trục giao thông có đầy đủ “không, sắt, thủy, bộ” thuận lợi, những di sản văn hóa như dựa lưng vào non xanh, quay mặt ra biển thì biển như cửa ngõ để khám phá vùng đất này. Du lịch duyên hải-biển-đảo, hành trình khám phá văn hóa biển phải thực sự trở thành thế mạnh, nguồn lực phát triển của Nam Trung Bộ. Hành trình khám phá lịch sử Nam Trung Bộ cũng là Hành trình khám phá văn hóa biển - “slogan” đó cũng là thế mạnh du lịch, làm phong phú thêm Con đường di sản thế giới miền Trung.

 



[1] Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, ngày 6-3-2011, có bài “Phát triển du lịch từ mưa, bão lụt miền Trung: Làm cối xay gió thay vì xây tường”, cho biết sự đồng tình của các cấp lãnh đạo và ngành du lịch trong Hội thảo diễn ra trước đó một ngày tại Hà Nội… Rằng mưa gió ở Huế, bão tố ở Đà Nẵng và những trận lụt như một chu kỳ hàng năm ở Hội An (đây vốn là những địa chỉ dày đặc di sản và giàu tiềm năng du lịch bậc nhất của Việt Nam), nhưng từ tháng 9 đến tháng 12 âl lượng khách sụt giảm nghiêm trọng vì khó khăn khách quan từ phía thiên nhiên (mưa lụt, bão tố). Dường như trong hoàn cảnh bất lợi của thời tiết, du lịch Huế, Đà Nẵng, Hội An đã tìm được những loại hình sản phẩm du lịch: tĩnh tâm trong mưa Huế, cảm giác mạnh trong mong manh giữa sống và chết trong bão tố và ấn tượng khó quên đi thuyền giữa phố cổ ngập lụt… Thông tin trên gợi cho mọi người nhiều suy nghĩ về sự táo bạo, tìm tòi sản phẩm mới, về khả năng biến những bất lợi thành ưu thế và cả câu hỏi về việc tại sao nhiều tài nguyên sinh thái và nhân văn khác của các địa phương trên chưa được quan tâm khai thác mà những người làm du lịch đã chú ý tới loại hình du lịch “đầy bất trắc” như mưa gió, bão lũ?

 

Đinh Văn Hạnh
Số lần đọc: 11393
Ngày đăng: 02.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu - Nguyễn Quỳnh USA
Dân Chủ và văn hóa Việt Nam - Nguyễn Đăng Trúc
Nhìn Nhận Phạm Quỳnh Trong Quá Trình Phát Triển Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX Đến Năm 1945 - Trần Thanh Hà
Văn-Hóa Việt-Nam 18 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 17 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 16 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 15 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 14 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 13 - Nguyễn Thế Thoại
Nghiên Cứu Văn Hoá Từ Góc Nhìn Nhân Học Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Cùng một tác giả
Thần và Đất (lịch sử)