Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.367 tác phẩm
2.747 tác giả
454
116.376.922
 
Gốm Chăm Bầu Trúc
Lê Ký Thương

 

Gốm Chăm Bầu Trúc - tên gọi đó đã lôi cuốn chúng tôi, những người mê sáng tác gốm, từ TP. Hồ Chí Minh vượt hơn ba trăm ba mươi cây số đường bộ đến làng Bầu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vào một trưa tháng tư nắng đổ lửa. Làng nằm trầm lặng sau lưng khu hành chính huyện Ninh Phước và thị trấn Phước Dân. Thọat nhìn toàn cảnh làng, không thấy dáng vẻ của một làng gốm thủ công cổ truyền mà mấy năm trở lại đây báo chí trong nước nhắc đến nhiều lần, và Nhà nước đang có đề án xây dựng làng thành Bảo tàng Dân tộc học ngoài trời để bảo tồn, nghiên cứu, phát triễn nghề gốm và phục vụ khách du lịch. Nó giống như những ngôi làng Chăm Bà-la-môn ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong sân vườn mỗi khuôn viên nhà đều không có cây - theo quan niệm của họ: cây cao bóng cả là nơi trú ngụ của thần linh, chỉ trồng ở các đền tháp. Ngay ở đầu đường vào làng, sát quốc lộ 1A, cũng không có một tấm bảng  giới thiệu cho du khách biết Làng Gốm Bầu Trúc chỉ cách  500 mét, một làng nghề đã có từ  thời Vua Chăm Pô Klong Garai (trị vì 1151 - 1205) vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

 

Theo truyền thuyết, ông tổ nghề gốm Bầu Trúc là Pô Klong Chan, người bạn chí cốt của vua Pô Klong Garai từ thời niên thiếu. Pô Klong Garai lúc sinh thời mình đầy ghẻ lác, đi ở đợ chăn trâu. Một hôm đàn trâu bị lạc, Pô Klong Garai đi tìm thì gặp Pô Klong Chan, hai người kết thân với nhau. Lúc bấy giờ, Pô Klong Garai quyết định bỏ đàn trâu, trốn chủ và cả hai rủ nhau đi buôn trầu. Trên đường đi bán trầu, khi đến  hòn đá chẻ thuộc làng Chung Mỹ ngày nay, Pô Klong Garai cảm thấy đau nhức toàn thân, không thể đi tiếp. Pô Klong Chan thương bạn nhưng không biết phải làm gì, đành bỏ bạn ở lại rồi chạy về nhà báo tin cho cha mẹ bạn biết. Đến chiều tối, khi Pô Klong Chan cùng gia đình Pô Klong Garai trở lại nơi này thì họ đều ngạc nhiên thấy một con rồng đang liếm toàn thân Pô Klong Garai. Và mầu nhiệm thay, ghẻ lác trên người Pô Klong Garai biến mất, ông trở thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú... Khi trở thành vua xứ Pandarang, nhớ đến tình bạn cao đẹp ngày xưa, Pô Klong Garai mời Pô Klong Chan về triều phong chức tước, nhưng Pô Klong Chan từ chối. Ông trở về quê, tập họp dân làng dạy nghề gốm. Nhớ công ơn to lớn của bậc tiền hiền, dân làng lập đền thờ Pô Klong Chan ngay tại làng cũ Hamu Trok, tôn vinh ông là Thần làng và tổ sư nghề gốm.  Từ bao đời nay, hàng năm, người Chăm Bầu Trúc đều tổ chức 4 lễ cúng tế trang trọng Thần Pô Klong Chan vào bốn thời điểm khác nhau.

 

Đoàn chúng tôi “cùng ăn ở, cùng làm gốm” với gia đình chị Đàng Thị Bến, em của họa sĩ-điêu khắc gia Đàng Năng Thọ - người con làng Bầu Trúc. Gia đình chị Bến rất hiếu khách, chúng tôi cảm thấy thoải mái khi sống và sáng tác gốm trong thời gian hai tuần lễ ở đây. Nhà chị rộng, có một gian phụ bên trái từ cổng vào, nối liền với gian chính, chứa đầy sản phẩm gốm mỹ nghệ chưa tiêu thụ được. Phía sau gian  phụ là gian bếp hẹp, kế đến là nhà ngang, nơi làm gốm, không rộng lắm, và tiếp theo là chuồng heo rộng được dùng làm kho chứa đất sét khô, còn heo thì thả rong như những nhà khác trong làng.

 

Lần đầu tiên, chạm tay vào lọn đất lú lanh trộn với cát sông Lu được thằng Cu Hai, con chị Bến,  nhồi nhuyễn bằng sức mạnh của đôi bàn chân, tôi bất chợt sung sướng khi nghĩ mình may mắn được chạm vào da thịt của một phần di sản văn hóa Chăm đã có gần tám trăm năm nay! Vẫn đất sét lấy từ mỏ cách làng ba cây số, vẫn cát sông Lu chảy qua làng, vẫn rơm rạ có sẵn ngoài đồng, vẫn trấu từ hạt lúa họ làm ra... “Cây nhà lá vườn”, đời đời tiếp nối, chỉ với đôi bàn tay khéo léo, họ đã làm ra những sản phẩm gia dụng mà tổ tiên tôi nhiều đời liên tục đã sử dụng. Tôi đã ăn cơm nấu bằng chiếc nồi làm từ đây, uống nước đựng trong chiếc vò làm từ đây... Và bây giờ những sản phẩm gốm đó vẫn còn sản xuất ở đây. Trong ký ức của tôi sống lại hình ảnh người đàn bà Chăm đầu đội chiếc giỏ tre to đựng nào lu, vò, nồi, niêu, trả, chậu, ấm nấu nước, lò đun, lò đổ bánh căn...  và cả chiếc đồng binh bằng đất, trọng lượng đến sáu bảy chục kí lô, chân trần đi bán dạo khắp các làng quê dưới nắng hè oi ả. Thật cảm động khi nghe chị Bến kể hồi nhỏ, mười, mười một tuổi, đã được mẹ truyền nghề và thường xuyên theo mẹ đội gốm đi bán khắp nơi. Nhà quá nghèo, không có tiền mua lấy đôi dép, trưa nắng đi chân trần trên đường nhựa giống như đi trên than hồng, nóng rộp da, phải bứt cỏ bện vào bàn chân, nhưng đi được mươi bước thì dép cỏ lại bung ra, thôi đành cắn răng chịu rát mà đi, riết rồi quen dần...

           

Từ lâu, đồ gốm gia dụng Bầu Trúc gắn liền với sinh họat hàng ngày trong gia đình người Việt cư ngụ ở vùng duyên hải và cao nguyên miền Trung . Thế mà bây giờ tôi mới tận mắt thấy phương thức làm gốm của họ. Cụ Trượng Thị Dạn, 76 tuổi, lưng đã còng nhưng đôi mắt còn tinh anh và đôi bàn tay tuy nhăn nheo nhưng còn rất nhuyễn, đã đi quanh hòn kê là chiếc lu cũ lật ngược,  nặn từ lọn đất hình quả bí thành những chiếc bình cao khoảng 60 cm, mỗi chiếc mất nửa tiếng, tất cả hình dáng và kích cỡ đều như nhau. Thật đáng khâm phục! Những người tài nghệ như cụ ở làng còn rất ít. Những chiếc bình cụ nặn , ngay sau đó, được một nghệ nhân trẻ, đắp thêm chi tiết và hoa văn, thực hiện thêm vài công đọan như nạo mỏng, miết láng để tạo thành sản phẩm mỹ nghệ.

 

Từ khi đồ gia dụng nhôm nhựa phổ biến, gốm Bầu Trúc ngày càng mất thị trường tiêu thụ. Đời sống dân làng đã khó khăn càng khó khăn thêm. Gần đây, nhiều gia đình chuyển hướng làm gốm thủ công mỹ nghệ, nhưng chưa tìm được đầu ra hoặc không biết đâu mà tìm, chỉ có một số ít gia đình tự tìm kiếm thị trường thì tạm sống được.

 

Buổi tối, ngày áp chót của Trại sáng tác, đang mùa trăng sáng. Chúng tôi trải chiếu ngoài sân  uống nước trà, trò chuyện cùng gia đình chị Bến và canh những sản phẩm của chúng tôi đang nung lộ thiên trên một bãi đất trống, cạnh sân. Thật ra, “canh” chỉ là cái cớ để chúng tôi tận dụng dịp may được ngắm trăng sáng giữa một không gian rộng lớn, yên lành và thoáng mát. Một không gian không hề có ở Sài Gòn đô hội hay một nơi nào khác. Mong sao cái không gian này, trong tương lai gần  sẽ giống như những Tháp Chăm nổi tiếng, là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

 

Bầu Trúc 22-4-2004

TP.HCM 15-5-2004

 

Lê Ký Thương
Số lần đọc: 2765
Ngày đăng: 09.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt Văn - Hà văn Thùy
Thềm Biển Đông – Chiếc Nôi Của Người Việt - Hà văn Thùy
Một Số Loại Hình Gốm Men Qua Cuộc Khai Quật Địa Điểm Đoan Môn Và Bắc Môn - Trần Anh Dũng
Vật liệu kiến trúc 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Hoàng thành Thăng Long - Trần Anh Dũng
Khai Quật Khu Lò Luyện Sắt Vườn Lò (Hiệp Hòa –Bắc Giang) - Trần Anh Dũng
Nghề Gốm ở Tân Phước Khánh (Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm hiểu nghề gốm ở Hưng Định (tỉnh Bình Dương) - Trần Anh Dũng
Tìm Hiểu Nghề Gốm ở Hưng Định (Tỉnh Bình Dương ) - Trần Anh Dũng
Đồ gốm sứ trang trí hình em bé - Trần Anh Dũng
Làng gốm đất nung Bửu Long - Trần Anh Dũng
Cùng một tác giả
Biển của tôi (tạp văn)
Hồn Sách Cũ (tạp văn)
Sài Gòn – Ăn (tạp văn)
Sài Gòn - Sách (tạp văn)