Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
554
115.991.857
 
Không Có Gì Trôi Đi Mất
Trần Trung Sáng

 

 

Không Có Gì Trôi Đi Mất – bút ký của Hồ Duy Lệ là một trong 4 tựa sách đầu tiên của  Tủ sách “Đáp lời sông núi” do Đại học Duy Tân phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh thực hiện (bao gồm bộ 30 tập), ra mắt vào dịp kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất đất nước. Đây là những trang văn viết về lịch sử, những trang sử ký, những trang hồi ký chân thật, không phô trương sự nghiệp riêng, không kể công, giúp ta tìm lại cảm hứng, những gì chìm lấp dưới tro bụi thời gian và bệnh lãng  quên thành ánh sáng trong cuộc sống hiện đại.

 

Nhà văn Hồ Duy Lệ nguyên là sinh viên Luật khoa Đại học Huế (1962-1965), cơ sở cách mạng của MTDTGP Quảng Nam-Đà Nẵng, từng bị bỏ tù ở nhiều trại giam Huế, Đà Nẵng..., từng bị Nguyễn Chánh Thi - thiếu tướng tư lệnh vùng I chiến thuật trực tiếp tra khảo, khỏ đầu đến gãy ba – ton. Do vậy, với tư cách người trong cuộc, bút ký đã được tác giả miêu tả như một bức tranh chân thực và đầy chi tiết sống động. “ Tất cả những gì mi phải làm là viết một câu thật. Hãy viết câu thật nhất mà mi biết”, ngay trang viết đầu tiên, tác giả đã trích dẫn câu nói như vậy của nhà văn E. Hemingway.

 

Qua hơn 460 trang sách, tập bút ký không chỉ phản ánh, tái hiện khá đầy đủ hình ảnh phong trào tranh đấu công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Trung và tại Đà Nẵng từ 1954 đến 1975, mà còn có cả những diễn biến bao gồm thành quả và không ít hệ lụy của con người và sự việc đến tận hôm nay. Trong đó, bên cạnh những con người thầm lặng vô danh, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận diện ra những cái tên, những gương mặt...nếu không thân quen thì cũng khá biết. Đó là: Hồ Nghinh, Mười Chấp, Hà Kỳ Ngộ, Lê Công Cơ, Phan Chánh Dinh, Vĩnh Kha, Năm Dừa, Ngô Tấn Kháng, Hồ Ngọc Ninh, Cẩm Nhung, Trần Quang Tuấn, Huỳnh văn Chính, Ngô Đình Thới...Họ là những người giữ vai trò lãnh đạo cao nhất...cho đến chị tiểu thương, anh sinh viên yêu nước, cậu bé liên lạc...

 

Những trang sách cũng dẫn dắt bạn đọc trở lại Đà Nẵng với những tháng ngày dầu sôi lửa bỏng, hiện rõ lên mồn một từng ngã tư, từng con hẻm... Đó là thời điểm 1963-1964, với các cuộc đấu tranh “9 ngày làm chủ”. Đó là 1966, với “76 ngày làm chủ”. Năm 1968, với chiến dịch “Tổng công kích, tổng nổi dậy”. Những năm 1970, với các cuộc xuống đường chống trò hề độc diễn, chống Thiệu – Kỳ - Có...

 

Đáng chú ý nhất từ phần đầu của tập sách, đó là chương viết về “anh hùng Lê Độ”. Hôm ấy, vào tối 14-4-1965, kẻ thù đã lặng lẽ đưa anh Lê Độ vào sân vận động Chi Lăng chớp nhoáng dựng pháp trường hành quyết theo lệnh của Nguyễn Chánh Thi. Nguyên nhân là Lê Độ đã đưa plastic vào khách sạn Caravell trên bờ sông Hàn để diệt lính Mỹ. Sự việc không thành, anh bị địch bắt và đưa ra hành quyết để ra oai làm khiếp đảm và cảnh cáo làn sóng đấu tranh đang bừng lên ở đô thị Đà Nẵng. Từ đó tên anh đi vào lịch sử. Hành động của Lê Độ cũng tương tự hành động của Nguyễn văn Trỗi, nhưng theo tác giả: “Sau gần 20 năm Nguyễn văn Trỗi được phong tặng danh hiệu anh hùng. Còn Lê Độ thì suốt mấy mươi năm ròng, chỉ có người dân sông Hàn , dân Đà Nẵng gọi là anh hùng”. Nhiều người vẫn còn biết mơ hồ về Lê Độ, thậm chí không thể trả lời được khi ai đó đặt câu hỏi  cụ thể về anh.

 

Nhiều hình ảnh đẹp, ly kỳ như những bộ phim gián điệp, đó là hành tung xuất quỷ nhập thần của Năm Dừa, Ngô Tấn Kháng trước họng súng của bọn cảnh sát, mật vụ không ngừng bủa vây.

Năm Dừa là một trong những người thực hiện thành công trong việc xâm nhập, tiếp cận với thợ máy, bà con tiểu thương, với phong trào trí thức, sinh viên, học sinh ở thời điểm lịch sử có tính quyết định trong cuộc đấu tranh chống Mỹ -ngụy ở các đô thị miền Nam.. Thời kỳ ấy, nhiều người thường nghĩ về Năm Dừa như một huyền thoại, ngưỡng mộ anh  như một người anh, người lãnh đạo gần gũi, chân tình, dũng cảm, mưu trí...

 

Còn với Ngô Tấn Kháng? Hẳn rằng tác giả Hồ Duy Lệ đã rất nặng tình khi dành riêng chương sách mang tên “ Không gì trôi mất” để kể lại những câu chuyện đầy xúc động về  anh. Có rất nhiều điều đáng nhớ, nhưng xin hãy lưu ý việc này: Ấy là vào đầu xuân 1972, Nguyễn Bá Tùng, Bí thư khu 2 cùng ngồi với Ngô Tấn Kháng ở khu vực dưới chân Bồ Bồ, thì bất ngờ sau khi một chiếc tàu gáo ập xuống tung quả mù đỏ phủ khói thì lập tức 8 chiếc trực thăng HUIA xuất hiện sà thấp đổ quân. Một gã chiêu hồi nhảy xuống, bắt loa rao kêu gọi đầu hàng, vì mục đích cần bắt sống cả hai người. Cùng hai đồng đội khác, tất cả kêu nhau chạy. Trong vòng vây hãm quyết liệt, ông Tùng trúng đạn, Kháng phải xốc ông lên vai chạy. Máu  và phân ướt tràn lưng Kháng, nhưng chỉ được một đoạn, thì ông Tùng thở xòa tắt lịm. Kháng đặt ông dưới giao thông hào, rồi chạy thục mạng về phía sông Yên, nhảy ào xuống sông, lặn vô hờm (hang) thoát chết. Sau khi chôn cất ông Tùng, 4 tháng sau Kháng lại bị phản bội rơi vào tay giặc, khi đang trá hình trong bộ đồ đại úy biệt động quân giữa lòng Đà Nẵng. Từ đó Kháng bị đưa đi Côn Đảo đến tận ngày hòa bình. Năm 1975, trở về Đà Nẵng, chuẩn bị được bố trí Phó Bí Thư Tỉnh đoàn, thì một chiếc xe công vụ đến tận cơ quan mời Ngô Tấn Kháng vào nhà giam Hội An nhận diện một người. Đến khi bị đẩy vào phòng, anh mới biết mình bị giam. Có thông tin, khi bị đich bắt,  Kháng khai báo và làm tình báo cho Mỹ. Nhưng sau 9 tháng được thả, không ai kết luận, không có án, không ai ra tay cứu, kể cả ông Hồ Nghinh cũng lắc đầu. Từ đó, anh xách rựa lên rừng đốn củi, đốt than chở về Hòa Khánh bán kiếm tiền ăn và ...nhậu, cho đến tận ngày bị bạo bệnh, qua đời cách nay khoảng 10 năm. Trước đó, trong những ngày đau đớn của cuộc đời, có lần ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy (là con trai ông Tùng) biết chuyện, có những nghĩa cử động viên, giúp đỡ Kháng thì mọi việc đã muộn màng!

 

Lê Công Cơ, người có mặt xuyên suốt tập sách, người giữ vai trò tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Đà Nẵng, người từng bị Nguyễn Chánh Thi phát lệnh truy nả, treo giá  bạc triệu... sau những năm tháng vào sanh ra tử, giải phóng chẳng bao lâu, đến 1992 thì xin về “vườn” lập trường Đại học dân lập Duy Tân. Bởi với ông, cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước đã thành công, nhưng vẫn còn nhiều khát vọng dỡ dang, chưa tròn vẹn...

 

Tập bút ký cũng dành nhiều trang viết cho cuộc sống đổi thay từng ngày, sau hòa bình năm 1975, rõ hơn, khi Đà Nẵng là thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương, với những cây cầu mới bắc qua sông, những con đường rộng mở, những ngôi nhà cao tầng, Khu thể thao đa năng, Métro, Khu triển lãm quốc tế...mọc lên thu hút và quyến rũ con người...Tác giả cũng nhìn nhận lạc quan, đặc biệt là những thành viên Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng ngày ấy: “ những anh em còn sống, phần lớn đều thành đạt...”.

 

Dù vậy, gập tập sách lại, những dư vị còn đọng lại trong đầu ta bỗng ngồn ngộn cảm xúc dâng trào. Nó không chỉ có nồng ấm tin yêu, mà pha lẫn khá nhiều chua xót. Bởi những sự thật vẫn còn nguyên, không hề trôi đi mất, không thể quay lưng chối bỏ. Và điều còn lại cần phải băn khoăn: người ta sẽ ứng xử ra sao với sự thật ấy  trên hành trang bước đến tương lai?

 

Ảnh: Bìa sách Không có gì trôi đi mất của Hồ Duy Lệ

 

 

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 2335
Ngày đăng: 10.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người ở lại Hồng Kông - Lê Hải*
Từ thế-giới-tôi đến với thế-giới-bạn - Trần Hữu Dũng
Làng báo Việt ở Sài Gòn giai đoạn 1916-1930 - Lê Hải*
Ta Lại Lên Đường Ca Hát Và Thơ… - Võ Quê
Châu Á trong tiến trình hội nhập - Lê Hải*
Giêsu Con của Con người - Nguyễn Ước
Văn Học Miền Nam Lục Tỉnh - Nguyễn Văn Hầu - Võ Công Việt
“Vách đá cheo leo” – Tâm thế của người cầm bút: Bao dung & Hàm súc. - Trần Hữu Dũng
Bản Tin Và Điện Mừng - Huỳnh Văn Úc
Tình dục luôn đắt hàng. - Nguyễn Thị Hải Hà
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)