Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
678
116.546.836
 
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng
Phạm Nga

 

 

Hằng năm, cứ vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, lễ vía Bà lại diễn ra suốt ngày đêm tại miếu thờ Ngũ Hành trong khuôn viên chùa Vạn Thọ bên bờ kênh Nhiêu Lộc, quận Nhất, Sài Gòn. Buổi sáng đã có một nhóm tế nam, với y trang đỉnh đạc áo thụng xanh, nón cánh chuồng diễn nghi thức học-trò lễ, nhưng được bà con, cô bác thích thú mong đợi và kéo đến xem đông hơn là nhóm tế bóng rỗi vào đám buổi chiều.

 

Được mời tế Bà đã nhiều năm liên tục tại ngôi miếu này, chị Năm Tốt, trưởng nhóm, đã mệt nhọc cho biết: “ Cứ cỡ 18 và 19 ta tháng này hằng năm, tôi đi kêu mấy chị em quá khó là khó vì ai nấy tứ tán hết, cũng tại cùng lúc vô số miếu Ngũ Hành ở vùng Sài Gòn này đều cúng vía Bà. Như xong ở đây, đến năm giờ chiều là chị em tôi phải lập tức chạy xuống miếu Bà ở Thủ Đức”.

 

Xưa nay, hể nói tới dân bóng rỗi  – hay gọn hơn, dân bóng – người ta liên tưởng ngay đến các cậu thanh niên pê-đê, tức là nam giới nhưng vẫn được coi là nữ giới, vẫn là “mấy chị em” như chị Năm Tốt vừa đề cập.

 

Tuy nhiên, qua thâm niên 22 năm theo nghề, chị Năm cho biết là dù nghề tế gắn liền với hình ảnh những cậu trai (cả đàn ông trung niên) “bóng” ưỡn a ưỡn ẹo, nhưng đúng ra, một nhóm tế thông thường bao giờ cũng gồm luôn cả các cô gái, các chị trung niên, các lớn tuổi và các chú, các ông nữa. Điển hình như nhóm của chị đang lãnh đám ở đây, quả là rất đề huề về các mặt giới tính, tuổi tác, thế hệ, kinh nghiệm…

 

Đang đứng cạnh bàn thờ Năm Bà Ngũ Hành là chị Bảy Thi, khoảng chừng trên 40 tuổi, vừa gõ trống lịnh vừa hát  “chầu mời”, tức phần mở đầu một buổi tế đúng bài bản. Ngồi gần đó là ông Ba Lựa, tuổi phải trên 60, vốn là nhạc sĩ cổ nhạc, đã từng theo gánh hát và chơi trên đài phát thanh. Sát bên là chú Hai Xiêm trung niên, đang thủ cây ghi-ta điện 6 dây phím lõm để hòa theo tiếng đàn cò của ông Ba. Tập kế của “chầu mời” đáng lý là phần việc của bà Phước, tuổi cũng ngang ông Ba Lựa, nhưng bữa nay do bận việc nhà, bà không đến được. Tên tuổi của  Phước thì nức tiếng trong nghề tế bóng rỗi hiện nay ở Sài Gòn. Các nhóm tế khác như nhóm Bạch Hồng ở quận 8, Bảy Tước ở Tân Qui, Ngọc Quyên ở quận 6, Minh Đức ở Hốc Môn .v.v, hễ gặp thì thảy đều cung kính, cúi đầu trước vị sư mẫu dạy nghề  tế, múa, hát này.

 

Vậy là chị Năm bước ra, khoác vào chiếc áo tế mà chị Bảy vừa trao lại, tiếp tục hát “chầu mời” thay cho Phước.  Áo tế, hay áo lễ, được may bằng gấm đỏ, kiểu không có tay áo, giống áo đạo bào của thầy cúng, thầy pháp nhưng rực rỡ hơn vì nhiều chỗ đính hạt cườm, thêu kim nhũ rất kiểu cọ, rối rắm. Chị Bảy Thi nói đây là một chiếc áo cũ, đã bao lần xuất hiện trên sân khấu hát bội mà một bạn hát (diễn viên) nhường lại, có sửa sang chút đỉnh, nên chỉ tốn có 400,000 đồng, chứ may mới phải tốn cả triệu đồng.

 

Chợt bà con bá tánh xì xào, hay từ chỗ đứng, chỗ ngồi xa thì nhiều người rủ nhau đến gần bàn thờ Bà hơn. Diễn viên bóng rỗi được khán giả mong đợi nhất nảy giờ đã khoác lên thân hình thon thả của mình chiếc áo tế. Vẫn là hát “chầu mời” tiếp diễn nhưng bà con không hề thấy chán, vì đó là em Ngọc Hậu xinh đẹp ra đứng  trước micrô.

 

Lúc ngồi tại bàn, đối diện với Hậu, tôi đã không khỏi khen thầm đôi mắt, đôi mày được make-up rất kỹ càng cùng làn da khá mịn màng trên khuôn mặt của… chàng trai 33 tuổi, đang mặc áo bà ba mỏng tanh, lộ rõ áo nịt ngực này! Không biết tên khai sinh của  anh bóng này là gì, nhưng về cái nghệ danh Ngọc Hậu nghe đầy nữ tính, rất gợi cảm kia thì anh chàng  đã chọn cho mình suốt 17 năm theo nghề. Tôi có cảm giác như, dù có là hậu duệ thiệt thọ của bà Eva hay không đi nữa, em Hậu, với mặt-mũi-mình-mẫy như thế, trông vẫn trẻ, khá trẻ so với cái tuổi Mẹo tức 34 tuổi ta của em. Tôi thoáng nghe được từ bàn trà bên cạnh, một ông nào đó thốt ra luôn một câu nghe thật kỳ cục, rằng “Cái thằng…, coi bộ còn muốn đẹp hơn con gái!”.

 

Trước cái nhìn thiếu kềm chế của phía đàn ông xung quanh, Hậu có vẻ thích thú, hả dạ, kiểu phụ nữ tự biết là mình đẹp. Hậu còn có luôn cái kiểu rất con gái là cúi mặt lõn lẽn, chạy trốn ánh mắt chăm chú của người đối diện, khi kiếm chuyện hỏi tôi:

- Chú có chụp hình bàn thờ Tổ của tụi này không vậy chú?

Thật tình là tôi có giật mình, bèn giả lã hỏi lại:

- À, à… Nghề tế cũng có tổ riêng sao Hậu? Bàn nào đâu?

 

Tại một chiếc bàn nhỏ kê gần các nhạc công, được xem là biểu trưng “Tổ” của nghề tế là một bức tranh lụa vẽ hai tiên nữ đứng cạnh một cái cây có 12 đóa hoa vàng nở rộ mà Hậu gọi là cây “bông Càn Thọ”. Khi không có được bức tranh hiếm quí, chỉ truyền thừa trong nghề tế này thì các nhóm tế có thể thay thế bằng bức tranh Bát Tiên, theo kiểu hình vẽ “Bát tiên quá hải” trang trí trên những cái chén, cái tô xưa của Trung quốc, gồm toàn những nhân vật huyền thoại như Hà Nguyệt Cô, Lã Đồng Tân, Tế Điên, Lý Thiết Quày.v.v…

 

Sau khi kết thúc phần tụng “chầu mời” trước micrô và tạm nghỉ vài phút, Hậu ra diễn  nghi thức kế tiếp là múa tế “dưng bông”. Em vừa thay y, tức xỏ vô chiếc váy lụa trắng là tiếng đàn, tiếng trống, tiếng nhịp gõ đã háo hức vang lên. Cứ mỗi lần Hậu lượn người tới bàn Tổ là một trong một bộ năm cái chén đầy ắp bông cúc vàng để trên bàn lần lượt biến thành một thứ đạo cụ ngộ nghĩnh. Hậu khéo léo đặt từng cái chén lên đầu, buông tay, ngồi thụp xuống, đứng lên, xoay tròn nhiều vòng, chấp tay lạy…, mỗi cử chỉ đều nhuần nhuyễn, tinh tế y như của một nữ vũ công dạn dày  kinh nghiệm. Những chuỗi động tác nhanh, gọn, dứt khoát như thế cứ như từ thân hình mảnh mai, thướt tha của vũ công mà hòa quyện một cách mông lung, hư ảo vào những cụm khói nhang, khói trầm đang tỏa lan nghi ngút từ các bàn thờ lớn, nhỏ trong miếu. Vị chánh tế tóc bạc trắng, mặc áo thụng xanh đang đứng cạnh bàn thờ Bà, gần như giật mình, thảng thốt khi vũ công thoáng một cái đã tiến đến sát bên ông, trao chén hoa cúc để ông đặt lên bàn thờ…

 

Tiếng đàn, trống đã dịu đi khi các chị em nhóm tế luân phiên phục vụ cho nghi thức “gởi” của bà con cô bác. “Gởi” có nghĩa là khách dự lễ đưa một ít tiền cùng mảnh giấy ghi tên, họ của mình cho người tế, để người này ê a tụng những lời cầu xin Bà phò hộ cho người “gởi” được gia đạo bình an, buôn may bán đắt.

 

Sau đó, buổi tế đã náo nhiệt trở lại với phần diễn cuối cùng: múa dân gian. Tùy theo người tế cầm vật gì trên tay mà phần múa này sẽ phân ra là múa mâm vàng/mâm bạc, múa bông huệ, múa lục bình… Đậm nét nghệ thuật múa dân gian nhất, giống trên sân khấu giải trí nhất, là múa mâm vàng, hôm nay cũng do Ngọc Hậu biểu diễn.

 

Trước tiên, từ bàn thờ Tổ, Hậu trình ra một tòa lâu đài đồ mã cao khoảng 5 – 6 tấc, phất bằng giấy nhũ vàng óng ánh, được dán dính vào giữa một cái mâm nhôm cỡ trung trung. Vài người bước vào, dùng cọng bún dán sơ sài vào mâm mấy tờ giấy bạc 20 ngàn, 50 ngàn. Muốn hưởng những tờ tiền thưởng đó thì trong tất cả các động tác của cánh tay cầm, đỡ mâm, người múa phải làm sao cho những tờ bạc không rơi khỏi mâm. Hậu có làm rơi hết một tờ 20 ngàn trong một thoáng úp ngược mâm. Bù lại, mọi người phải vỗ tay khen ngơi khi Hậu tung xoáy mâm lên khoảng không với khi Hậu ngữa mặt, dựng vành mâm vào nhân trung, rồi chu môi, giang rộng hai  tay, vừa múa vừa giữ thăng bằng cho mâm vàng trong khoảng 2 - 3 phút.

 

Rồi chiếc áo tế lại được Đào cởi ra, giao lại cho một “nghệ sĩ” bóng rỗi khác. Đó là em Đào, có vẻ lớn tuổi hơn Hậu, giọng tế khàn khàn và nước da ngăm đen thì khó có thể nói là xinh đẹp như Hậu. Nhưng Đào múa giỏi hơn. Sau màn múa không chút khiếm khuyết với một cành hoa huệ dựng đứng trên vai, Đào ngữa mặt, rồi từ đúng chỗ nhân trung dưới lỗ mũi, em dựng thẳng đứng một đoạn ống nước bằng nhựa. Kế đó, trong lúc Đào quì thẳng lưng, tay giữ cho ống nước đứng yên, một bạn diễn bước vào đặt trên đầu kia của cái ống hai con dao cho nằm ngang, cái dưới cái trên theo hình chữ thập. Khi mọi thứ đã thăng bằng, Đào nói nhỏ “xong!”, cả hai người cùng buông tay và bạn diễn bước ra, Đào từ từ đứng lên…  Nhà tạp kỹ đã khiến mọi người muốn nín thở khi vừa giữ thăng bằng cho mấy món hung khí, vừa uốn éo thân mình theo tiếng đàn, trống. Xong màn múa dao, ai nấy đều vỗ tay tán thưởng, thưởng thêm tiền để Đào diễn tiếp qua màn múa mâm bạc, với kiểu quì chàng hảng chân, ưỡn lưng xuống nái gần sát mặt đất…

 

Theo chị Năm Tốt, tháng Ba âm lịch là tháng làm ăn khấm khá nhất của nghề tế bóng rỗi.  Các nhóm tế liên tục đi diễn từ các miếu Ngũ Hành ở quận Nhứt, Bình Thạnh, Gò Vấp, đình thần ở Phú Nhuận, miếu Bà ở Tân Phú, cho đến Dinh Cô ở Long Hải.v.v…, và thù lao bèo nhất cho một buổi vào đám cũng cỡ 1.5 - 2 triệu. Tháng Tư thì “lai rai” vì trong tháng này chỉ có vía Bà Chúa Xứ và vía Bà Thiên Hậu. Còn các tháng khác trong năm, các nhóm chỉ chờ được kêu đi cúng Bà Cữu Thiên Huyền Nữ, bà Mẹ Sanh ở vùng ngoại ô, tại nhà các gia đình theo tập tục xưa của người mình, với thù lao chỉ 500 – 600 ngàn đồng một buổi, còn phải bao luôn cả mâm vàng, mâm bạc y như đi tế ở chùa, miếu. Chị Năm chắt lưỡi nói khó có ai sống nổi, dù là sống tạm qua ngày tháng, nếu chỉ có một nghề tay-trái là nghề tế.

 

Xưa nay, khi theo nghề tế chuyên nghiệp, với ít nhiều kiêu hãnh, những bạn bóng rỗi như em Hậu, em Đào đã hiển nhiên tự phân biệt mình với các em pêđê chỉ có thể đi ca, diễn nhạc tân, nhạc cổ, trích đoạn tuồng cải lương một cách nghiệp dư ở những đám ma, đám cúng thất. Cũng mang tiếng là bán nam bán nữ như dân pê-đê, và vài khi túng kẹt quá thì cũng phải chấp nhận đi hát đám lai rai cùng các nhóm pê-đê “kiếm chút cháo” , nhưng dân bóng rỗi theo nghề tế phải trải qua cả một quá trình bái sư, thờ tổ, học nghề, khổ công tập dợt với nhóm… Để rồi, trên những sàn diễn thường rất chật hẹp, gò bó ở các ngôi chùa, miếu, nhà tư gia…, có khi chỉ là một, hai chiếc chiếu trải ra, chị em phải sử dụng thuần thục, khi thì nhạc khí là cái trống lịnh, khi thì đạo cụ độc đáo là cành hoa huệ, tách trà, bình bông, cái mâm vàng, con dao yếm…, cũng như phải thật điêu luyện, diễn cảm khi hát “chầu mời”, tụng lời “gởi” của bá tánh, và đặc biệt không được phép có sai sót về các tuyệt kỹ múa tế như múa “dưng bông” hay múa dân gian là múa mâm vàng. Trước mắt công chúng, chị em vừa là thầy tế, thầy cúng chuyên góp phần thực hiện một số nghi thức tế, lễ rất đặc trưng phục vụ cho mảng tín ngưỡng dân gian người Việt mình, cũng vừa là nghệ nhân ca, múa cổ truyền phục vụ cho nhu cầu giải trí của bà con.

 

Dù không được ngành lao động - xã hội công nhận như một nghề chính thức có tên trong danh sách nghề nghiệp trong xã hội, nhưng nghề tế có khác gì nghề diễn viên ca-múa-nhạc và tạp kỹ, vốn được các cơ quan quản lý nghệ thuật trình diễn cấp thẻ đàng hoàng, một khi các chị em bóng rỗi cũng rày rạc đêm ngày biểu diễn tài nghề của mình trước công chúng, khiêm tốn kiếm sống qua ngày?./.

 

 

Phạm Nga
Số lần đọc: 3595
Ngày đăng: 14.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Gặp hai ông tướng tại New York - Trần Hoài Thư
Mẩu Chuyện Đứt Quãng Sau 30 – 4 Về Dân Học Văn Khoa - Phạm Nga
Những Ngày Cuối Cùng Của Tướng Nguyễn Khoa Nam - Lê Ngọc Danh
Kỷ Niệm Tháng Tư - Nguyễn Hồng Nhung