Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
741
115.995.143
 
Phim chuyển thể văn học: một chút tâm sự
Anh Dũng

 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hãng phim Hội Điện ảnh VN đã có ý định dàn dựng một loạt các bộ phim truyền hình có giá trị nhân văn, dựa theo các tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930 -1945. Một việc làm đáng trân trọng, dù không ít lo ngại trong cái thời mà phim thị trường lên ngôi này…

 

Như chúng ta đều biết hầu hết các tác phẩm văn học kinh điển, nổi tiếng của thế giới đều đã được chuyển thể thành nhiều bộ phim lớn nhỏ khác nhau, và trong đó vô số phim đã trở thành những tác phẩm kinh điển như Cuốn theo chiều gió, Bố già, Bản danh sách của Schindler, Cầu sông Kwai, Chiến tranh và hòa bình, Romeo và Juliet, Giã từ vũ khí, Cái trống thiếc, Solaris, Chùm nho uất hận, Gia tài vĩ đại, Cao lương đỏ, …các phim hoạt hình Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Thằng gù nhà thờ Đức Bà,... Nhiều người có thể không mấy hài lòng với các phim chuyển thể sau khi đã đọc nguyên tác, nhưng có một thực tế là khi văn hóa xem đã trở nên rộng rãi hơn văn hóa đọc, thì các phim chuyển thể lại là một kênh để đưa các tác phẩm văn học có giá trị đến gần hơn với quần chúng đông đảo, và không ít người đã từ chỗ thích thú phim, chuyển sang mê nguyên tác văn học và có thói quen đọc sách.

 

 

Giờ đây, khi mà  tình trạng lười đọc đã xâm nhập vào cả một bộ phận trí thức, sinh viên, chứ chưa nói gì đến tầng lớp lao động, thì việc chuyển thể các tác phẩm văn học có ý nghĩa thành phim là một việc làm cần thiết. Vào dạo những năm 1980 rất nhiều các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945 đã được chuyển thể thành phim khá thành công, như Bỉ vỏ, Giông tố, Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn,… rồi sau cả các tác phẩm văn học giai đoạn sau như Người đi tìm dĩ vãng (chuyển thể  từ cuốn Ăn mày dĩ vãng  của Chu Lai),… Rồi vô số các phim truyền hình dài tập nước ngoài hấp dẫn khán giả chiếu dạo đó cũng là các phim chuyển thể, như Người nông dân nổi dậy, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Tất cả các dòng sông đều chảy, Chim tải cúc hay hót, Con đường đau khổ,… Thời đó đời sống tinh thần thiếu thốn, nên người ta đọc tiểu thuyết cổ điển nhiều lắm, chẳng bù cho bây giờ, vô số cô cậu ngồi trên ghế đại học chuyên ngành xã hội – nghệ thuật mà cũng chẳng bao giờ mò đến đọc tiểu thuyết. Các tiểu thuyết bán chạy, giờ cũng hay là các sách kiếm hiệp hay tâm lý tình cảm, sến rệt, kiểu Kim Dung, Quỳnh Dao, cùng lắm là các tiểu thuyết như Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Kiêu hãnh và định kiến, Tình sử Angélique… rồi thì mấy cuốn gần đây hơn mang tính thị trường nhiều hơn như Chạng vạng,… mà đọc nhiều là các chị văn phòng rảnh rỗi, hay mấy cô cậu tuổi teen. Các đối tượng tìm đến các sách của Leo Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Victor Hugo,  Honoré de Balzac, Henryk Sienkiewicz, Mạc Ngôn,...chủ yếu là những người lớn tuổi. Đến Tây du ký, một trong tứ đại kỳ thư của Trung Quốc, văn phong khá bình dân, giới trẻ cũng không đọc nhiều bằng xem phim, trong khi Nhục bồ đoàn thì có vẻ như rất hay được chuyền tay nhau đọc.

 

Sở thích xem phim ảnh bây giờ cũng khác xưa nhiều. Đành rằng đa số các phim nghệ thuật khá kén khán giả nhưng ít ở đâu lại kén khán giả như ở Việt Nam. Có dạo, các rạp cho chiếu phim  Định mệnh (Inglourious Basterds), một trong các phim đề cử Oscar không quá kén khách, và rất ăn khách ở nước ngoài, nhưng về Việt Nam vẫn ế chổng chơ. Người ta đồn rằng phim đề tài chiến tranh không mấy thu hút khán giả Việt Nam, nhưng thực tế tuy đề tài chiến tranh song bộ phim lại có tính nhân văn rất cao, và có thể nếu không phải kịch bản giả tưởng cộng với cái nhìn không quá thiện cảm một chiều về quân đội Đồng minh, có lẽ nó đã giành Oscar... Phim rạp còn đỡ, sở thích phim truyền hình lại ngao ngán hơn nhiều.  Các phim ăn khách trên truyền hình đa số vẫn là các phim phải dùng đến những người mẫu nóng bỏng ăn mặc khêu gợi,  hay những câu chuyện tình đẫm nước mắt, tay ba tay bốn éo le, với kịch bản theo motif quen thuộc. Có người ở đài truyền hình than phiền khán giả ở nông thôn đa số không thích phim Tây, người lại bảo các đài hay chiếu phim truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ vì nó rẻ, mua một cho 10, các đài tha hồ đổi chác cho nhau thay nhau chiếu. Thị hiếu phim ảnh cũng bị lệch lạc đi vì thế. Nhiều người thèm muốn xem các phim chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển, kiểu như Hamlet, Othello, Oliver Twist, Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Quo Vadis,… chỉ có nước thuê băng đĩa là nhanh nhất. Các đài chẳng mấy khi chiếu các phim đó, hoặc nếu có cũng mấy khi chiếu lại.

 

 

Phim giờ cũng thương mại hóa nhiều. Cả hai phim của Hollywood dựng theo truyện Bạch Tuyết chiếu đầu năm nay đều khá ăn khách, nhưng kịch bản khác xa với nguyên tác, một thiên về hài, một thiên về hành động, nhàn nhạt không gây ấn tượng. Phim Bel Ami không lọt vào danh sách cạnh tranh giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin đầu năm nay, trong khi On the Road thì trượt Cành cọ vàng, thậm trí không đoạt giải thưởng nào tại Liên hoan phim Cannes, chất lượng đều chỉ trên trung bình một chút. Hừng Đông phần hai vẫn được các fan tuổi teen hóng đợi, mặc cho phần một dù ăn khách nhưng bị chê bai nhiều, được đề cử 8 giải Mâm xôi vàng. The Hunger Games chất lượng khá tốt, nhưng bị nhiều người chê là đậm chất bạo lực, về nhì trong số các phim ăn khách nhất Bắc Mỹ đầu năm nay (chỉ sau The Avengers, một phim chuyển thể khác), đều là phim giải trí hướng đến đối tượng trẻ. Từ nay đến cuối năm, vẫn còn có rất nhiều phim chuyển thể ra mắt mà hi vọng là không sặc mùi thị trường, như Những người khốn khổ, Cuộc đời của Pi, Những đứa trẻ lúc nửa đêm, Gatsby vĩ đại, Anna Karenina, Thằng cười, The Hobbit… và gối sang năm sau là những Romeo và Juliet, Gia tài vĩ đại, chuyển thể tiếp theo của Nàng Bạch Tuyết,…

 

Với dự án làm phim chuyển thể kể trên của Hãng phim Hội Điện ảnh VN, cần nhấn mạnh giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn đỉnh cao của nền văn học và nghệ thuật Việt Nam, với rất nhiều các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ rất tên tuổi và để lại rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian. Để có thể có một thế hệ như thế, với các tác phẩm như thế, hẳn chúng ta đều biết môi trường giáo dục thời đó ra sao, hoàn cảnh sáng tác, tác động của thị trường hay định hướng, cơ chế kiểm duyệt không như các giai đoạn sau này,….Chỉ cần các đạo diễn, biên kịch, diễn viên,… có tâm, có tài, lao động nghệ thuật nghiêm túc, hướng đến các khán giả yêu điện ảnh chân chính, thì không nghi ngờ gì, những bộ phim như vậy sẽ đậm chất nhân văn và mang những giá trị nghệ thuật đích thực mà sự tán dương của khán giả giành cho thì có lẽ không có giải thưởng nào sánh được.

 

Ảnh: Chùm nho uất hận

 

Anh Dũng
Số lần đọc: 2470
Ngày đăng: 07.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xem phim Người nông dân nổi dậy, ngẫm công lý và một nền tư pháp trong sạch - Anh Dũng
Jacquou, người nông dân nổi dậy - từ tiểu thuyết đến phim - Hà Anh
Phim Có Thể Là Một Áng Văn Học Không ? - Vũ Ngọc Anh
Chuyến Xe Mang Tên Dục Vọng - Sâm Thương
Công Dân Kane: Số Phận Con Người - Sâm Thương
Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp - Sâm Thương
James Dean: đại biểu của thế hệ lạc lõng - Sâm Thương
Ra mắt Tập Phim Những bông hoa tôi - Nhiều Tác Giả
Sâm Thương, Một thuở đam mê, một thời yêu dấu - Nhiều Tác Giả
Chuyện Dế Mèn - Phạm Toàn