Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.608.318
 
Nhân cách lớn làm nên một con người
Trần Ngọc Trác

Nhà thơ Quang Dũng, tên thật là Bùi Đình Diệm sinh năm 1921 và mất năm 1988 tại hà Nội. Ông là tác giả của một số bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ… Ngoài ra ông còn là một họa sĩ, nhạc sĩ.  Sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, ông bị phê bình nặng nề, sống  ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Con gái ông, Bùi Phương Hạ lận đận vì lý lịch của cha.
Năm 1982, Quang Dũng vào thăm con gái ở khu kinh tế mới Lâm Đồng, sống ở đó vài năm. Nhà thơ Trần Ngọc Trác khi đó làm việc tại đây, đã có mối quan hệ thân thiết với hai cha con nhà thơ. Trác đã có một số bài viết về nhà thơ Quang Dũng sau khi ông mất. Bùi Phương Hạ cũng qua đời sau ông vài năm.Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Quang Dũng, Trần Ngọc Trác đã có bài viết “Nhân cách lớn làm nên một con người”.

 

 

Cuối năm 1982 tôi rời Đà Lạt đưa gia đình về định cư ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Gia đình tôi có hai cháu nhỏ. Cháu trai đầu ba tuổi và cháu gái mới sinh được ba tháng tuổi. Cuộc đời tôi bắt đầu từ những năm tháng khốn khó của thời bao cấp.

Tôi gởi cháu trai vào học lớp mẫu giáo của cô Bùi Phương Hạ. Không ngờ Hạ chính là

con gái của nhà thơ Quang Dũng.

 

 

Nhà thơ Quang Dũng và con gái Bùi Phương Hạ (ảnh tư liệu của TNT)

 

Những năm đó ở vùng kinh tế mới, lãnh đạo Hà Nội đưa các thầy cô giáo của thủ đô tăng cường vào dạy học ở Lâm Đồng. Rất nhiều cô gíáo xinh đẹp đã có mặt ở đây. Hạ là một trong những cô giáo như thế.

 

Một buổi chiều, chúng tôi đốt lửa lên nấu một nồi chè đỗ đen, loại đỗ có hạt rất to do tôi trồng vừa mới thu hoạch mấy ngày. Chúng tôi với mấy cô giáo dạy mẫu giáo quây quần bên nồi chè ngun ngút khói, thơm lựng, trong đó có Hạ.

 

Hạ kể: Khi em lớn lên, em đi học ở Hà Nội mới biết thơ của cha bị coi là tiểu tư sản. Trong sách giáo khoa trung học còn có những dòng rất nặng nề về thơ của cha. Các anh chị em của em lớn lên sinh sống thật khó khăn. Bài thơ “ Tây tiến” nổi tiếng của cha trở thành oan gia cho gia đình. Họ bảo: Cha em đã đi theo cách mạng, chiến đấu mà còn mơ tưởng về những cô gái Hà Nội, là tiểu tư sản phải xem xét lại. Vậy là cuộc đời của cha em lận đận cho đến ngày qua đời trong đói khổ ở bệnh viện. Bản thân em ra trường không được vào biên chế Nhà nước. Nhưng em không quan tâm lắm, em muốn các cháu bây giờ được đi học, được vui vẻ là em mừng lắm rồi.

 

Trong ánh mặt Hạ lúc đó ánh lên những giọt nước mắt long lanh. Trong ánh đèn điện tù mù ở kinh tế mới tôi nhận thấy trong mắt em buồn. Nỗi buồn xa xăm vời vợi của một thời tuổi trẻ như chúng tôi.

 

Trong câu chuyện, tôi cố hướng về những kỷ niệm ngày xưa của nhà thơ Quang Dũng, nhưng Hạ bảo : Buồn lắm anh ơi! Và không kể gì nhiều về cha mình.

 

Từ đó, chúng tôi coi nhau như anh em một nhà. Nhà thơ Quang Dũng lên thăm và ở lại với con gái rất nhiều ngày. Ông rất thương con vì thơ mình mà vất vả, oan khiên từ những bài thơ lãng mạn mà mình đã viết:


Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùng.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

 

Những câu thơ lung linh ,sáng lòa, sang trọng như thế mà trở thành nỗi đau cho cuộc đời các con, có lẽ nhà thơ Quang Dũng cũng không bao giờ lường hết được.

 

Một lần nhà thơ Quang Dũng đến chơi nhà, ông đã hướng dẫn cho tôi cách tập thể dục mỗi sáng sớm trước khi bước ra khỏi giường. Ông bảo: Cần phải có một số động tác vận động làm cho toàn thân ấm lên. Không được vùng dậy bước xuống đất mà chưa khởi động. Rồi ông “ biểu diễn” cho tôi xem.

 

Nhà thơ Quang Dũng cao to như Tây. Ông từng bị dân quân bắt trói dẫn về trụ sở xã, vì tưởng ông là phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc. May có người biết chuyện nói cho bà con nghe, ông mới được thả.

 

Nhà thơ Quang Dũng ăn uống rất khỏe, nhưng rất từ tốn, chậm rãi. Hôm đó, tôi nấu một nồi bắp nếp Tây Nguyên. Đây là sản phẩm tôi lao động tự túc trên mảnh đất sau đài truyền thanh của vùng. Quả bắp to dài, hạt mẩy. Quả bắp vừa nhắc từ nồi ra còn nóng hổi. Tôi mời ông dùng, ông cảm ơn vừa cầm quả bắp, vừa ăn vừa nói chuyện. Một hồi lâu ông bảo: Mình đếm được 987 hạt nhé! Và cầm bát nước bắp luộc lên uống từ tốn. Tôi thật ngạc nhiên.

 

Nhà thơ Quang Dũng hay đến nhà tôi chơi. Nhà tôi lúc đó nằm ở dưới thung lũng của dốc Phì Phò, khu Đống Đa kinh tế mới Hà Nội. Căn nhà gỗ tôi mua lại của một thanh niên tiền trạm vừa về Hà Nội. Nhà lợp ngói prociment, ba bức tường xung quanh làm bằng đất sét trộn với rơm.Mặt trước là những tấm ván thưng, đứng ở ngoài nhìn thấy rõ bên trong. Quanh năm gió lùa lồng lộng. Nền nhà đất lổm chổm. Tuy vậy nhà vẫn có ba gian, xung quanh vườn toàn cỏ tranh. Nhà thơ Quang Dũng đến chơi, thường chống gậy. Cháu trai đầu của tôi khi nghe ông đến lại chạy lên dìu ông xuống nhà. Nhà hơi dốc, nhưng ông vẫn đi. Một lần, ông vừa đi chơi Đà Lạt về mang theo một nải chuối chín. Ông bảo: Đây là quà của hai cháu nhỏ.

 

Tôi hay gọi nhà thơ Quang Dũng bằng bác. Hai bác cháu nói chuyện rất tâm đắc. Nhà thơ Quang Dũng hôm đó ở lại dùng cơm trưa với gia đình. Đến chiều, tôi đưa nhà thơ Quang Dũng về nhà Bùi Phương Hạ. Nói là nhà của Hạ, thật ra là căn phòng nhỏ trong khu tập thể dành cho giáo viên. Hai bác cháu vừa đi chậm rãi, vừa nói chuyện từ khu Đống Đa vào đến Trường Đông Anh dưới dốc Bà Mão hơn 7 cây số. Nhưng khi tôi hỏi nhà thơ Quang Dũng về những ngày khó khăn khi bài thơ Tây Tiến bị “ đánh”, thì bác nói sang chuyện khác, và có chút gì đó sờ sợ trong ánh mắt của nhà thơ. Tôi lại nói sang chuyện khác, thấy nhà thơ vui hẳn lên. Bác hỏi tôi về việc Hạ sẽ lấy chồng ở Nam Ban, ý tôi thế nào.v.v…Những lúc rỗi, ông hay lên Đà Lạt chơi và rất yêu vùng đất này. Nhà thơ cũng có dự định vào Nam Ban ở hẳn với gia đình tôi để viết truyện ký, làm thơ. Nhưng mấy năm sau trở về Hà Nội do sức khỏe không được tốt nên nhà thơ không vào được nữa.

 

Một lần, nhà thơ Quang Dũng bị tai biến. Bàn tay của nhà thơ không duỗi ra được. Bùi Phương Hạ chăm sóc cho bố tận tình. Nhưng hằng ngày nhà thơ Quang Dũng vẫn đi ra giếng của hợp tác xã cách khu tập thể giáo viên mấy trăm mét, xách nước về cho Hạ. Hạ không đồng ý, nhưng nhà thơ bảo rằng: Cần phải tập luyện để bàn tay trở lại như cũ. Lần sau, vào thăm nhà thơ Quang Dũng, bác khoe đã viết được rồi và đưa cho tôi xem mấy trang bản thảo nhà thơ vừa viết xong. Nét chữ tuy không còn như xưa, nhưng vẫn hiện lên những cảm xúc mà ông dành tâm huyết thổ lộ trong đó.

 

Ngày Bùi Phương Hạ còn dạy học ở Nam Ban, Hạ có tặng cho tôi một bức ảnh về nhà thơ Quang Dũng đội mũ ca-lô. Tôi thấy chiếc mũ hơi là lạ. Tôi hỏi. Hạ giải thích: Đó là chiếc mũ làm bằng…chiếc khăn quàng bằng len. Em quấn chiếc khăn lên đầu bố, kết thành chiếc mũ ca-lô như thời bố đi bộ đội Tây tiến. Con trai bác Trần Lê Văn ( bạn thân của nhà thơ Quang Dũng) đã chụp bức ảnh này và tặng em. Sau đó tôi đã gởi bức ảnh kèm theo bài viết về Quang Dũng in trên báo Lâm Đồng.

 

Khoảng cuối năm 1984, Bùi Phương Hạ và một số cô giáo đi tăng cường ở vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng được trở về thủ đô. Tháng 8 năm 1988, tôi ra Hà Nội và cùng anh trai tôi là nhà văn Trần Phương Trà, công tác ở Ban văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đi xe đạp đến trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Hôm đó là ngày tang thương của giới văn nghệ. Nỗi buồn không sao tả nổi, khi ba chiếc quan tài sắp xếp bên nhau của nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và cháu Lưu Quỳnh Thơ. Không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ, đau buồn, nước mắt cũng lặng lẽ trào ra.

 

Sau đó, tôi đề nghị anh trai tôi chở tôi ghé qua thăm nhà thơ Quang Dũng ở nhà số 45 khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Thời kỳ đó, Quang Dũng đang bệnh nặng. Ông nằm trên chiếc giường bệnh, phủ drap trắng. Tôi không tin trước mắt mình là nhà thơ Quang Dũng. Một con người to cao như Tây ngày nào, bây giờ là một bộ xương khô, teo tóp, lọt thỏm trên chiếc giường hơn một mét rưỡi. Trên khuôn mặt ông vẫn rạng rỡ. Mắt ông nhắm nghiền. Bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng ghé miệng vào tai nhà thơ nói nhỏ: Có anh Trác ở Lâm Đồng ra thăm ông. Tôi thấy trên khóe mắt nhà thơ hai giọt nước mắt rơi ra lăn xuống đôi má hóp. Miệng ông thoáng một nụ cười nhẹ. Hôm đó tôi mang theo máy ảnh, nhưng không dám chụp, sợ ánh đèn flass lóe lên ảnh hưởng đến sức khỏe của nhà thơ Quang Dũng. Trên đường về, tôi kể lại, anh trai tôi trách sao không chụp ảnh. Mỗi lần nhớ đến, tôi rất lấy làm tiếc.

 

Rời Hà Nội trở về Đà Lạt, trong một thời gian ngắn sau đó tôi nhận được tin nhà thơ Quang Dũng đã từ trần tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

 

Sau này khi theo học khoa ngữ văn trường Đại học Đà Lạt năm 1986, tôi đã làm luận văn tốt nghiệp “ Đất nước, con người trong thơ Quang Dũng”, là một trong những luận văn lúc đó được nhà trường đánh giá cao.

 

Để có những ngày bên nhà thơ Quang Dũng, tôi thầm cảm ơn Bùi Phương Hạ. Hạ có chiều cao như bố. Mỗi lần anh em đi chơi với nhau, tôi bao giờ cũng đi trên lề cao, Hạ đi dưới lòng đường. Tôi chỉ có 1,65 mét, trong lúc đó Hạ cao hơn 1,7 mét. Khuôn mặt của Hạ đẹp như bố, mắt to, mũi cao. Về sau, Hạ lấy Nam, sinh được cháu Bảo. Cháu Bảo rất đẹp trai, khuôn mặt giống mẹ.

Khi nghe tin Bùi Phương Hạ mất, tôi thật sự bàng hoàng. Thương Hạ, tôi viết bài thơ:


Cha thương em lặn lội lên rừng
Đêm trở rét dạ sờn không đủ ấm
Ngoài kia gió quần lên cấp chín
Dáng cha to bè đốt lửa đêm đêm.

Em bình lặng như đời trong sạch quá
Em vô tư đến lớp đến trường
Bầy em nhỏ trong căn nhà nhỏ
Làm dịu êm một kiếp ly hương.

Mười năm ra trường còn lận đận
Vì em – con Quang Dũng nhà thơ
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,” *
Câu thơ xưa gian khó đến bây giờ…

Hà Nội hôm nay nhà cao, đường rộng
Em trở về tay trắng như xưa
Ba năm lên rừng, em vào biên chế
Cuộc đời thêm trang biết mấy cho vừa.

Anh thảng thốt
không ngờ
em ra người thiên cổ
Ngày nào đây còn sưởi lửa cùng nhau
Nhà thơ lớn – cha em ngồi đó
Bóng ông đỏ lừ sáng mãi mai sau.

 

Mấy lần ra Hà Nội, tôi đến thăm nhà thơ Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lữ Giang, nhạc sĩ Mặc Hy … những người bạn rất thân của nhà thơ Quang Dũng, tôi được nghe nhiều câu chuyện về nhà thơ Quang Dũng, càng hiểu hơn nhân cách lớn của ông. Bây giờ tôi không còn được thấy nhà thơ Quang Dũng, em Bùi Phương Hạ bằng xương bằng thịt – nhưng hình ảnh của hai bố con ông luôn hiện hữu trong tôi. Những kỷ niệm không thể nào quên ấy sẽ mãi mãi đi suốt cuộc đời của tôi. Đó là những con người mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng. Những năm tháng khó khăn ,vất vả của thời bao cấp không làm cho hai bố con gục ngã. Nhân cách lớn đã làm nên một con người, không chỉ là những bài thơ để đời và ở lại với triệu triệu trái tim người mà là đạo lý làm người của nhà thơ Quang Dũng.

 

*   Thơ Quang Dũng

 

 

Trần Ngọc Trác

Đọc thơ giữa rừng

 

Kính tặng nhà thơ Quang Dũng

 

Ngọn gió ùa qua rừng cây rung lên,
Những chiếc lá dập dờn trong tiếng gió.
Câu thơ trầm xoắn một vùng đất đỏ,
Câu thơ bay lên cháy bỏng ở trong đời.

Người đọc thơ không trẻ không già,
Lời thơ không cầu kỳ khúc chiết.
Người đọc thơ chẳng hề biết mệt,
Niềm vui ở bên mình, công chúng yêu thơ.

Nước mắt không rơi ra, ai đó khóc thầm
Vội đưa cánh tay trần lên chấm mắt…
Câu thơ như lời khuyên thầm nhắc,
Một chút thơ thôi xao xuyến bao lòng.

Câu thơ không đài các, gọt dũa tận cùng
Nơi đọc thơ cần chi nhà văn hóa.
Giữa đồi rừng mọi điều như mới lạ
Tiếng hoan hô lay động rừng già…

Người nghe thơ có trẻ, có già
Cả cháu bé còn đòi hương sữa mẹ.
Những câu thơ hay, ý thơ mới mẻ
Thơ vào lòng người nhè nhẹ ơn sâu.

Thơ giao duyên nối nhịp bắc cầu
Người đọc thơ, người nghe thơ-đồng cảm.
Ở nơi đây không còn chi lạ lẫm,
Thơ bay lên trầm lắng muôn màu.

Thơ với tình người ơn nghĩa vạn đời sau…

Kinh tế mới Hà Nội 3.1986
.

 

Trần Ngọc Trác
Số lần đọc: 1938
Ngày đăng: 09.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cha Tôi - Ngô Nhật Đăng
Ký (vô tích) sự vòng Bờ Hồ - Nam Dao
Xem Bóng Rỗi Hát Tế, Múa MâmVàng - Phạm Nga
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở - Minh Nguyễn
Sắc Màu Vùng Cao Nguyên Đá - Nguyễn Thị Hậu
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Gặp hai ông tướng tại New York - Trần Hoài Thư