Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
737
115.995.179
 
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2
Khuyết danh

Một trạm nghỉ mát trên cao của Đông Dương:

Ba Vì

G. Tucat

Trú sứ Pháp tại Sơn tây

Sự xa xôi hoặc chật hẹp của các khu nghỉ mát trên cao có từ trước ở Bắc Kỳ như Sa pa (Chapa), Tam Đảo (Tam dao) và Mẫu Sơn (Mau son) đã buộc chính quyền, từ đầu năm 1942, phải xây dựng một khu nghỉ mát mới ở núi Ba Vì (Bavi) trong tỉnh Sơn Tây (Son tây).

Điều ngạc nhiên là cách đây hai năm nhiều người Pháp và An Nam vẫn còn chưa biết có một địa điểm như vậy chỉ cách Hà Nội có 55 km và đã có đường theo sườn Bắc lên tới độ cao 400, 500 mét ngay từ năm 1924.

Tại sao trước đây người ta dừng lại ở độ cao 400 mét? Tại sao không lên cao hơn nữa? Đường phân thủy không dùng được chăng? Địa hình của nó ra sao? Bí mật của ngọn núi thần đáng gờm đối với những người không bao giờ thỏa mãn như Jules Boissière[i] là gì? là các hang động hay các khu rừng của nó? ảo ảnh nào trong các hang tối do những người am tường báo trước đang chờ đợi khách mạo hiểm? Ngược với mọi suy nghĩ thông thường, vì sao trước đây không một điểm nghỉ mát quan trọng nào được thiết lập trong dãy núi này?

Đó là những câu hỏi được báo chí, kể cả tạp chí của chúng tôi, tranh luận mới đây. Lý do gì đi nữa, tình trạng đó là kết quả của các văn bản cho thấy chính quyền bảo hộ luôn luôn từ chối ném tiền vào Ba Vì trước khi trang bị xong cho các khu Sa pa và Tam đảo.

Ba Vì là nơi ở của các thần của người An Nam.

Trong số những lý lẽ rất chặt chẽ và thuyết phục, ai dám không tin là các thần không chịu bỏ núi Tản viên, nơi từ lâu quyến rũ con người? Các thần gợi ý con người xây dựng nơi nghỉ hè xa chỗ các thần, về phía Thập lục châu (Seize Châu), một nơi rất khan hiếm thực phẩm và vào đó chỉ nhờ một chiếc xe cổ lỗ để vào được rồi, oái oăm thay, lèn nhau như trong một rạp xiếc chật chội, trong đó chân phải dò từng bước và sương mù khắp nơi.

Các thần tươi cười vui vẻ với những ai vào khu vực của các thần với tấm lòng nhiệt tình, khoan dung và từ thiện? Không phải là những thần như Boissière mô tả: núi của các thần không ẩn sau những hang động hay rừng cây đầy mãng xà ác thú. Núi của các thần chỉ có các giống thú thần tiên: sóc đủ cỡ và đủ màu da, đen, xám, đỏ hung hung, gà lôi trắng, hoẵng và từng đàn chim dẽ nhiều đến ngạc nhiên khi chúng ra đi vào tháng mười một.

Ba Vì, tên thường gọi của núi Tản Viên, có sự tích rất dân dã. Theo sự tích này, núi là nơi ở của Sơn Tinh. Trong cuộc sống trần thế, vị thần này là một tiều phu tên là Nguyễn Trung ở làng Giáp Thượng dưới chân núi. Do có đức độ, Sơn Tinh được phú cho những phép thuật ghê gớm. Sơn Tinh tranh với Thủy Tinh chinh phục con gái vua Hùng Vương, một vị vua sống vào khoảng năm 350 trước công nguyên và có kinh đô ở quãng Việt Trì hiện nay. Để phục thù sự thất bại, Thủy Tinh vây hãm núi Tản Viên bằng nhiều con sông: Sông Đáy ở phía Đông, Sông Đà ở phía Tây và ở phía Bắc là Sông Hồng rất lớn với những dòng nước khôn lường. Từ đó, năm nào vào tháng sáu, tháng bảy, Sơn Tinh cũng phải chống chọi với sự hận thù không sao nguôi của Thủy Tinh. Từ cuộc chiến đó, xuất hiện hai câu thơ nổi tiếng:

Chừng nào còn núi còn sông

(Tanh qưon verra le mong Tan Viên et les neuves du Tonkin)

Còn chuyện báo oán còn ghen chuyện tình

La guerre allumée par le vengeanee et la ìalousie se répétera cha que année sanh pouvoir jamais s,éteindre)

Nguyễn Trung làm nhiều việc tốt cho nhân dân với lòng thanh thản. Ông mang lại sự thanh bình cho những nơi bị tàn phá. Nhằm bố trí các trạm trong khu vực của mình, ông ra lệnh xây dựng ba ngôi đền ở núi Tản Viên: Đền Thượng ở trên đỉnh núi, đền này nay đã biến mất, Đền Trung trên sườn phía tây và Đền Hạ dưới chân núi thuộc địa phận làng Thu Pháp. Ông còn cho xây bốn đền khác quanh núi nằm theo bốn hướng: Đền Và ở phía Đông trong làng Yên Vệ, đền Yên Cư ở phía Tây, đền Yên Lạc ở phía Bắc trong địa phận tỉnh Vĩnh Yên, đền Vật Lai ở phía Nam trong địa phận phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn tây.

Năm 31 tuổi, nhằm tháng 5 năm Đinh Hợi, Nguyễn Trung biến mất trong vùng rừng núi thanh lãng. Ngọc hoàng thượng đế xếp Nguyễn Trung vào hàng bất tử và cho làm thần núi Tản Viên. Từ đó, thỉnh thoảng thần lại xuống trần để làm vơi bớt nỗi khổ ải của đồng bào. Khi thần tới núi Ba Vì, hổ báo và các thần khác ngoan ngoãn đi theo hầu. Năm 618, quan đô hộ của nhà Đường là Cao Biền, một người giỏi thuật phong thủy, lên núi Tản Viên tìm cách đuổi thần đi nhưng mọi cố gắng của ông ta bị thất bại thảm hại.

Theo dân chúng, ngày xưa trên núi Ba Vì có một cây tên là vô phong độc giao thảo có thể tự di chuyển không cần tác động của gió. Lá của cây này có hai phiến có thể mở ra khép lại theo ý.

Năm 1072, vua Lý Nhân Tôn cho xây trên đỉnh núi một cái tháp hai mươi tầng.

Năm 1836, tức năm Minh Mệnh thứ 17, nhà vua ra lệnh khắc hình núi Tản Viên vào cửa đỉnh thờ vua Thuận Tôn. Thần Tản Viên là một trong Tứ Bất Tử (bốn thần không chết) của An Nam, ba vị kia là Phù Đổng Thiên Vương thờ ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Trử Đồng Tử thờ ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Từ Đạo Hạnh thờ ở chùa Sài Sơn, phủ Quốc Oai, Sơn Tây. Thần Tản Viên là thần của các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ. Theo địa bạ thời Gia Long, làng Giáp Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây đã cúng 278 mẫu ruộng làm ruộng thờ thần Tản Viên.

Trong thời kỳ hiện đại, cuộc thâm nhập đầu tiên vào núi do Trú sứ Pháp tại Sơn Tây là Muselier thực hiện vào năm 1902. Bia khắc tại chùa Vi Thuy (Tông) cho thấy, ông này đã cho trùng tu lại Đền Thượng ở trên đỉnh núi tại một khu đất bằng phẳng rộng khoảng 2000 m2 và cho làm một con đường lên đó. Con đường này được ghi trên bản đồ tỉ lệ 1/100.000. Xuất phát từ một con đường của trại binh, con Lagarrigue xây dựng từ tháng 5-1937 tới tháng 3- 1938 thì hoàn thành. Trung tâm của quân đội tiếp nhận các đơn vị người gốc châu Âu. Hiện nay, khu có mười lăm ngôi nhà kiên cố và hai nhà ăn. Bất chấp những khó khăn hiện nay, công tác xây dựng vẫn tiếp tục một cách tích cực.

Năm 1937, ông Regimbaud, chủ khách sạn Tông, xây dựng ở giữa rừng tại độ cao 600 mét trên sườn Bắc một ngôi nhà sàn nhỏ làm nơi nghỉ hè và trồng thử các loại rau và cây ăn quả.

Hè 1940, khoảng sáu mươi trẻ em Pháp và An Nam, dưới sự hướng dẫn của ông R.P. Seitz, tới cắm trại trong rừng ở độ cao 800 mét trên sườn Bắc, trên “cao nguyên Regimbaud”. Đó chính là xuất xứ của Trại Thanh Niên (Cam de Jeunesse) hiện nay. Năm 1941, ông Seitz thành công trong việc xây dựng, bằng phương tiện riêng, tại đây hai ngôi nhà xây, trong đó một ngôi dài tới 30 mét.

Năm 1942, với sự giúp đỡ của chính quyền, thêm ba ngôi nhà mới nữa được xây dựng. Được hoạch định để đón nhận 400 thanh niên, trại này nằm ở sườn Bắc, trải dài từ Đông sang Tây trên một diện tích khoảng mười hecta. Trại có hai nhà lớn, dành làm nhà ăn và nhà ngủ, một nhà lớn dành cho quản trị hành chính, các nhà phụ trợ (xưởng giặt, xưởng cơ khí, các của hàng...), một nhà bếp rộng rãi, một nhà thờ nhỏ với những hàng ghế lễ đơn giản đến cảm động. Có một sân rộng rãi giữa nhà thờ và ngôi nhà chính nằm bên đỉnh Bắc. Trong đêm tối khối núi đồ sộ này tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ trong ánh lửa trại.

Núi rừng chỉ nhường vừa đủ chỗ cho Trại xây dựng các công trình cần thiết. Chỉ và chỉ do cần thiết nên chỉ có nhà bếp được dành cho những “tiện nghi”. Các nơi khác đều đòi hỏi sự nỗ lực của các trại viên.

Dưới sự lãnh đạo của ông Seitz, một nhà giáo dục sâu sắc và nhiệt tình được trợ giúp của các sĩ quan và tu sĩ tận tụy, khoảng 250 tới 350 thanh niên Pháp- Nam bó mình hai tháng liền trong những bài rèn luyện thân thể và kỷ luật tinh thần, nhúng bài chỉ tạo ra những con người rắn chắc và lành mạnh. Khi lê bước ở cuối hàng trong một buổi tập, viên cai lính thủy đánh bộ này (chỉ Seitz) đã càu nhàu một cách hoàn toàn không sáo rỗng “người ta đi bằng đầu hơn là đi bằng chân”. Ông đã nhận được nhiều lời xin lỗi.

Con đường lên độ cao 1000 mét bắt đầu ngày 26-2-1942. Hai kilômét đầu lên tới độ cao 600 mét được hoàn thành ngày 1-5-1942 sau trong hai tháng thi công, cho phép lên tới Trại Thanh niên. Các công trình đã được tiếp tục sau khi hoàn thành việc nghiên cứu đường vạch ngày 18-9-1942: lô số 1 ở độ cao 1000 mét hoàn thành ngày 23-4-1943. Hiện nay, con đường lên tới độ cao 500 mét của lô thứ hai. Con đường, dài 6 km từ đường quân sự tới đỉnh đèo, đã được các tù nhân thi công dưới sự giám sát của hai ông thanh tra lính cơ (Garde Indochinoise) là Méehard và Grimaud. Ông Grimaud, vốn là thành phần ưu tú, chết vì lao lực vào tháng 1-1944. Cần phải san phẳng những khối đá lớn, xây một bức tường chống sạt lở dài khoảng 200 mét. Có ba khuỷu gấp độ nghiêng không quá 10%.

Đúng như tên gọi, núi Ba Vì có ba đỉnh. Núi chạy theo hướng Tây Bắc- Đông Nam dạng vòng cung có bề lồi hướng về phía Tây Nam. Đỉnh Đông Nam cao nhất: 1284 mét. Đỉnh giữa: 1160 mét và đỉnh Tây Bắc: 1140 mét.

Tương lai của trại hiện nay như thế nào? Nó có những lợi ích gì so với các trại có trước như Chapa, Tam Đảo?

Từ hai mươi năm nay đã có ý kiến dai dẳng Ba Vì không thể là một trại nghỉ mát vì không có nước. Người ta thấy khẳng định này trong các thư từ chính thức cách đây mười lăm năm. Đúng là ở Ba Vì không có những thác nước lớn như ở Tam Đảo. Tuy nhiên, thác nước đầu tiên đã được phát hiện ở đỉnh và đã được nhìn thấy từ máy bay. Nhưng thác này lại đổ xuống sườn phía sông Đà và đường dẫn tới nó rất độc hại nếu để nguyên rừng. Điều chứng minh cho khẳng định này là tại cao nguyên tọa lạc ở lô số 1, lô dễ vào và dễ khai thác nhất, quả thực không có một con suối nào. Nhưng những cuộc thăm dò năm 1942 từ đỉnh Giữa tới đỉnh Nam, trong khu vực lô thứ 2, đã phát hiện được những nguồn nước thường xuyên đủ cung ứng cho yêu cầu hàng ngày của 4000 người. Các nguồn nước này cách lô số 1 khoảng 1,5 km. Do đó có thể dẫn nước về lô này. Việc dẫn nước, trên bản vẽ mới chỉ là phác thảo, hiện đang được thực hiện.

Trại Ba Vì, ngay cả khi phát triển hết cỡ, không thể so được với trạm Sapa. Nó sẽ phát triển theo chiều dài và khi phát triển hết cỡ cũng chỉ được 4 cây số Nhưng trại sẽ quan trọng hơn trại Tam Đảo và có thể chứa được số biệt thự nhiều gấp đôi Tam Đảo. Ở đây có 50 lô với lô nhỏ nhất có diện tích 1200m2, trong đó chỉ riêng lô số 1 đã có số biệt thự bằng một nửa con số 105 biệt thự của Tam Đảo.

Tại độ cao 600 mét cũng có thể xây dựng được nhiều lô nữa để có thể nói tới một trại nghỉ mát Ba Vì.

Các thông số khí hậu thu thập trong hai năm qua cho phép khẳng định Ba Vì không ẩm như Tam Đảo. Đường phân thủy luôn luôn thông thoáng gió, về mùa hè không có sương mù. Nhiệt độ thấp nhất và cao nhất quan sát được là 17o8 và 29o6. Về mưa, vũ lượng ở đây bằng vũ lượng ở Sơn Tây. Trại nghỉ mát Ba Vì sẽ được nhiều người quan tâm hơn do gần Hà Nội và dễ tới hơn so với những trại khác. Chẳng cần vượt cầu Doumer hay cầu Đuống. Quãng đường chỉ có 65 km: 40km từ Hà Nội tới Sơn Tây, 19km từ Sơn Tây tới độ cao 400 và 6km từ độ cao 400 tới độ cao 1000. Trong 65km trên, có 11km đường đèo.

Khu đồng bằng dưới chân núi là nguồn cung cấp thực phẩm. Sơn Tây - Tông là một khu dân cư quan trọng, điểm dân cư có số lượng người châu Âu xếp thứ hai hiện nay ở Bắc Kỳ. Ở Tông có một khách sạn kiểu châu Âu. Việc cung ứng sữa và bơ, thứ rất cần cho trẻ em, do các trang trại của ông Michaud bảo đảm. Hơn mọi nơi khác, Ba Vì là xứ sở của trẻ em. Chúng tôi đã nói qua về Trại Thanh niên, nơi chỉ nhận những trẻ em trên mười tuổi. Hiện nay, các em nhỏ tuổi hơn ở trong biệt thự Borel tại độ cao 400 dưới sự điều khiển của các nữ tu Dòng Đức Mẹ.

Ba Vì lôi cuốn các em bởi sự huyền bí. Đây là nơi lý tưởng của những cuộc “thám hiểm”: rừng hoang sơ và hầu như không có một con đường mòn nào. Ai là người đầu tiên phát hiện ra Hồ Gấu, ra những hốc đá có dầu tuôn chảy? Ai cũng có thể là những khách viễn du liều lĩnh, kể cả những khách chưa tới mười tuổi. Núi rừng là nơi thần tiên của khách. Như vậy Ba Vì đang được quy hoạch cho nhiều năm.

Những khó khăn về giao thông, chỉ vừa mới xuất hiện gần đây, đã cản trở việc xây dựng của tư nhân và chính quyền. Khi điều kiện cho phép, việc phát triển các trại ở đây sẽ được thực hiện theo quy củ và có phương pháp của một kế hoạch vạch trước. Tất nhiên sẽ có một số tư nhân ngoan cố và có thái độ ác cảm, những người không hòa hợp được với lợi ích chung.

______________________

Những trạm nghỉ mát trên cao của Đông Dương:

Sapa

103o52 Đông

22o22 Bắc

Đỉnh Fansipan, ông hoàng của các ngọn núi ở Đông Dương, “núi có sườn gập ghềnh” người Mán gọi là Hoàng Liên Sơn, khối núi vươn lên trời, bức tường mầu xanh sẫm, những đỉnh núi kỳ vĩ ở độ cao ba nghìn mét. Những đám mây nặng nề, những màn sương nhẹ che phủ dãy núi thay đổi không ngừng. Những chiếc thác rạch vách núi thành những đường thẳng đứng dài óng áng như bạc.

Dưới chân núi, Sapa mỉm cười trong ánh mặt trời tháng sáu.

Những cây đào trĩu quả đổ bóng lên những bức tường đá xám. Rồi những dàn nho. Cao hơn, nơi gợi nhớ tới những đồng cỏ trên cao ở châu Âu, là bãi chăn thả với những con bò hung hung đỏ, trắng và những hàng rào bằng cây đầy mấu. Trong buổi lễ ở thị trấn, chiếc gác chuông mới nâng cây thập tự bằng đá trắng lên bầu trời.

Những ngôi biệt thự rêu phong hoặc mới vững chắc, những lán gỗ, bãi tập đua ngựa quây bằng đá trắng như đá hoa cương, một đường phố lúc vụt lên, lúc lao xuống giữa những cửa hàng sặc sỡ; một ngôi chợ sạch sẽ với mái ngói, gỗ pơmu và, than ôi, cả mái tôn kinh khiếp!

Lướt nhanh qua mọi thứ đang vui tươi dưới ánh mặt trời là những giải sương mảnh mai. Một sự thanh lãng tràn ngập, một sự trong mát cao nhã ngoài đồng bằng Sông Hồng ngột ngạt pha đôi chút lộn xộn.

Thật ngạc nhiên khi thấy những cặp má hồng hào của những đứa trẻ ở Sapa, thế nhưng má của những người bạn Pháp của chúng cũng bắt đầu hồng theo.

Sapa đã phát triển.

Từ năm 1910 tới năm 1920, có sáu biệt thự được xây dựng trong đó có biệt thự Mangin.

Từ năm 1920 tới năm 1930: Tòa Công sứ, các khách sạn và hai mươi tám ngôi nhà.

Từ năm 1930 tới năm 1940: hai mươi sáu biệt thự và nhà thờ.

1941: một biệt thự.

1942: bẩy biệt thự.

1943: mười ngôi nhà.

Người đứng đầu Liên bang[ii] quyết định vạch ra một quy hoạch trước khi xảy ra những sai lầm không thể sửa chữa được. Một nhà quy hoạch đô thị, nói đúng ra là một nghệ sĩ toàn diện, chuẩn bị công việc.

Thoạt đầu, bản quy hoạch làm ta bối rối. Giống như một bức tranh siêu thực khó hiểu, bản quy hoạch như một chiếc bảng mầu của một họa sĩ thuốc nước: đỏ son, hồng, nâu hạt dẻ, nâu đen, xanh lục, xanh dương, cam, tím quỳ. Tất cả thể hiện trên một mặt phẳng trong khi thực địa là các thung lũng, khe, đồi, dốc. Bản quy hoạch nghiêm ngặt có đôi chút gai góc làm người ta sáng ý ra. Bằng các thuật ngữ nghề nghiệp chính xác, ý đồ của nhà đô thị học rõ ra và trở nên sinh động. Trước mắt chúng ta, ẩn sau Sapa hiện tại là Sapa tương lai. Quy hoạch tôn trọng những gì quá khứ và hiện tại đã xây dựng. Tuy nhiên, ở mức độ không đừng được, quy hoạch đã sửa chữa những sai lầm quá lộ liễu. Quy hoạch chuẩn bị cho sự phát triển hài hoà của một đô thị to lớn. Đường thuộc địa số 4 mở rộng sẽ là một con đường rộng và đẹp đi qua trung tâm thành phố. Trên đường vào thành phố, phía bên bên trái là những biệt thự của Ngân hàng Đông Dương; tiếp đến, con đường sẽ chạy qua một khu vực lưu không, men theo sườn Bắc của dãy Sang-ta-van. Ở phía Bắc và phía Nam thành phố sẽ có những khu dành riêng để bảo vệ thành phố. Tại đó sẽ có các công viên và khách sạn xanh tươi cây lá.

Xa hơn nữa về phía Bắc là khu công nghiệp và thương mại.

Về phía Tây của khu trên, các vườn cây sẽ tạo thành một khu đệm giữa khu công thương nghiệp và một chiếc hồ. Tiếp đến là khu thể thao với sân bóng và các bãi chơi trong vùng đầm lầy hiện nay của cao nguyên Lo-sui-Tong. Những nhát cuốc đầu tiên đã bắt đầu cho các công trình này.

Trên các sườn phía Nam của cao nguyên Lo-sui-Tong là các biệt thự hạng hai. Người ta đã vạch ra chỉ giới của các con đường. Một số đường đã bắt đầu khởi công. Tuy nhiên, tại khu vực cao, các khu rừng cấm một khi trở thành không thể thiếu được sẽ ngăn cản việc mở rộng thành phố.

Trung tâm thành phố sẽ thay đổi ít. Tại đây, một gara ôtô buýt hiện đại, một trạm hiến binh, một trạm y tế và một trường học sẽ thay thế cho các cơ sở khiêm tốn hiện nay. Khu hành chính của chính quyền An Nam ở trung tâm sẽ nằm ở vị trí tốt hơn.

Người ta sẽ xây một chiếc cổng đôi để trang trí cho phố Muong-bo đồng thời làm chỗ trú mưa cho khách bộ hành.

Một khu vực rộng được dành cho khu hành chính.

Nhà của Toàn quyền sẽ được xây dựng ở phía Tây dãy Song-ta-van, tại một chỗ cao có những khối đá đen lẫn trong rừng pơmu trông xuống thành phố.

Ở phía Bắc sân vận động, sẽ xây dựng về phía Tây thành phố những bãi rộng dành cho thanh niên, khu làng đại học, các khu rừng phục vụ công tác y tế.

Về phía Nam thành phố, trên những đồi trông xuống thung lũng Sông Muong-bo là các biệt thự đẹp hạng nhất ngăn cách với các biệt thự hạng hai ở phía Bắc bằng một khu trồng rau hàng lối ngay ngắn. Các biệt thự hạng hai này sẽ phủ kín hết các sườn núi phía Nam của khu dân cư hiện nay.

Về phía Đông Bắc của thành phố, khu quân đội vẫn giữ nguyên nhưng có thể hy vọng khu doanh trại này sẽ có sự cải thiện về mặt mỹ học. Hiện nay đang tiến hành mở rộng biệt thự dành cho hạ sĩ quan.

Khắp nơi là những khoảng lưu không thoáng đãng, những vùng cây xanh, ánh sáng, những cảnh mang lại niềm vui cho sự thưởng ngoạn, cho trẻ em. Những người thợ sẽ cố gắng thực hiện điều đô đốc muốn và nhũng thai nghén của các nghệ sĩ. Như một thiếu niên tươi cười, Sapa, nữ hoàng của độ cao, đang chuẩn bị bộ áo cho ngày mai.

______________________

Sầm sơn

Ưng Quả

Sự chú ý của khách du lịch hoặc khách nghỉ hè khi đi trên tỉnh lộ 8 nối Thanh Hoá với Sầm Sơn trước hết hướng vào sự thẳng băng đến kỳ lạ của con đường trải nhựa đẹp đẽ này. Hai hàng phi lao đều đặn bên đường thỉnh thoảng lại rắc ánh nắng trong trẻo lên đường khiến người ta muốn đích tới cứ mãi mãi ở vô tận để khỏi mất cảm giác vui tươi của chuyến đi.

Tuy vậy, tới cây số 9, sau khi tiếng ồn ào của thị tứ nhỏ bé Chợ - môi biến mất, đường không một bóng cây và trở nên ngoằn nghèo nhưng vẫn không lệch khỏi hướng chung Tây Bắc - Đông Nam. Tới cây số 14, ta gặp ở bên phải những đồi như bát úp của dãy Sầm Sơn. Chúng ta đi song song với dãy núi hoa cương này hai cây số. Tên nguyên thuỷ của dãy núi được dùng đặt cho cả khu nghỉ mát. Cuối cùng hiện ra những ngôi biệt thự hồng và trắng ngà của thị trấn vui tươi. Các biệt thự, ngôi ở chót vót trên đỉnh núi, ngôi ở lưng chừng núi, nhiều hơn cả là những ngôi thu mình trong rừng phi lao. Khu rừng này chạy từ mũi đá phía Nam đổ về phía Bắc bao lấy biển. Thế là chúng ta đã tới chỗ tiếp giáp của hai khu đô thị. Sầm Sơn Thượng (Sam-son le Haut) ở bên phải và Sầm Sơn Hạ (Sam-son le Bas) ở bên trái.

Mặc dù trông có vẻ phức tạp nhưng thực ra toàn bộ khu vực hoàn toàn được xác định về mặt tạo sơn học. Từ xa xưa, toàn khu vực Sầm Sơn được hình thành từ dãy đá hoa cương hiện nay. Dãy này chạy theo hướng chung Đông - Tây gồm 12 ngọn đồi liên tiếp có chiều cao không quá 100m. Đỉnh cao nhất của dãy (79,3m) nằm xa nhất về phía Đông tại Núi Voi. Cực Bắc của Núi Voi nhô ra một bán đảo nhỏ gọi là Núi Cô - Giai. Khắp nơi là đá hoa cương bị đứt gãy thành các khối mà phong hoá đã làm tròn trịa và thời gian phủ lên màu xám. Bị kích thích vì sự giống nhau đến khó hiểu, óc tưởng tượng dân dã đã đặt cho chúng những cái tên đẹp: chỗ này là Tổ Rùa (Cou de la Tortue) chỗ kia là Đầu Voi (Tête de Eléphant) lại có chỗ là Núi Mũ (Bonnet), núi Mào Gà (Crête du Merle). Chen giữa các khối, các núi là những bãi đất, bãi cát hay những thùng nước sâu suối đổ vào. Dựa vào bức tường đá, qua nhiều thế kỷ đã hình thành dải duyên hải mà phần rìa chính là bãi biển Sầm Sơn. Bãi chạy dài 10 km từ mũi Núi Voi tới Cửa Lạch - Triều, cửa chính của Sông Mã. Bãi biển hầu như bằng phẳng. Chính sự bằng phẳng này phần nào giải thích sự di chuyển của cửa Lạch Triều về phía Nam. Theo sách Địa chí đời Tự Đức, cửa này trước thời Tây Sơn (1778-1802) nằm xa hơn về phía Bắc 4 km trên đất hiện nay của làng Xuân - vi và Bang - Tri. Các rừng phi lao khắp nơi đã ngăn chặn được sự di chuyển của cát và nhóm rừng dày đặc xa nhất về phía Bắc mang một cái tên khá nên thơ: Rừng Huyền bí (Forêt Mystérieuse).

Điểm nghỉ mát xinh đẹp này được phát hiện ra vào khoảng năm 1900, lúc đường Xuyên Đông Dương làm tới Thanh Hoá. Không kể những người sau này, chỉ riêng ba viên quan liên tiếp cai trị Thanh Hoá sớm nhất là Moulié, Soler, Pasquier đã đua với các quan Nam triều phát triển Sầm Sơn, nơi họ biết sẽ phát triển rất nhanh. Lúc đó các điểm nghỉ mát trên cao còn chưa được biết tới nên hầu như các viên chức Bắc Kỳ tới thuê ở các làng Sầm Sơn hoặc cho gia đình tới.

Sau chiến tranh 1914-1918, các điểm Tam Đảo và Sapa được sửa sang lại, phần lớn dân nghỉ hè Bắc Kỳ rời bỏ Sầm Sơn để lên các điểm nghỉ trên cao xem thế nào. Nhưng sự chững lại một thời gian của Sầm Sơn như chuẩn bị một bước nhảy xa hơn. Bãi biển lại lôi cuốn một lượng lớn người châu Âu. Thêm vào đó là nhiều người An Nam từ Thanh Hoá, Hà Nội, Nam Định và các đô thị ở châu thổ sông Hồng cũng đổ tới. Ngày nay, Sầm Sơn là một trong những điểm nghỉ mát bên biển quan trọng nhất của Đông Dương.

Lẽ tự nhiên, quy hoạch đô thị của Sầm Sơn đã thúc đẩy sự phát triển bộ mặt của nó. Sầm Sơn hiện nay gồm hai trung tâm đô thị với tổng diện tích 244 hecta.

1. Sầm Sơn thượng. Khu đô thị này nằm trên những sườn núi đá tạo nên vùng cao chúng tôi mô tả ở trên. Khu này chiếm phía Nam khu nghỉ mát, trông ra biển, phía tây là những cánh đồng lúa ngút mắt. Đất quanh khu cao này đã được phân chia và 40 biệt thự, (32 biệt thự một tầng và 8 biệt thự có tầng lầu) trong đó có biệt thự của Trú sứ và Tổng đốc, đã được xây dựng. Nhiều đường rộng và tốt ngang dọc khu cho phép đi dạo bộ hoặc bằng ô tô. Trung tâm được phủ xanh bằng thông, phi lao và các loại cây có hương thơm của địa phương.

2. Sầm Sơn Hạ. Đây là khu dân cư cổ nhất nằm từ mũi Sầm Sơn Thượng tới Cửa Lạch - Triều. Trong khu, 214 nhà gạch, trong đó có 22 nhà tầng, không kể nhà trong chợ, xếp thành 4 dãy phố dọc theo 2km bờ biển. Ngăn cách bãi biển với các phố là một hàng rào phi lao để bảo vệ khu dân cư khỏi cát lấn Đó là những ngôi nhà duyên dáng kiểu cách khác nhau được dậu cây hay thảm cỏ bao quanh đóng bằng cổng gỗ hoặc cổng xi măng. Chính trong khu này, người ta vạch các đường phố chính và xây dựng khách sạn, công sở, trong đó có nhà Bưu điện, trạm Điện báo và Điện thoại, chưa kể một nhà máy phát điện.

Nếu Sẩm Sơn bị phân chia thành hai khu đô thị khác nhau thì nó lại hoàn toàn thống nhất về khí hậu, biển cả và sự quyến rũ.

Khí hậu Sầm Sơn gần giống khí hậu Thanh Hoá cách đó 16km nhưng với đặc điểm dễ nhận ra là được gió biển và gió từ đất liền thổi ra làm thông thoáng.

Tháng lạnh nhất là tháng Một và tháng Hai. Nhiệt độ trung bình vào tháng Một là 15,7o, nhiệt độ thấp nhất trong tháng này là 13,1o. Tháng 6 và tháng 7 là những tháng nóng nhất. Tháng 6 nhiệt độ trung bình là 28,9o, nhiệt độ cao nhất là 33oc. Khí hậu ấm áp đó tương đối khô. Vũ lượng hàng tháng của các tháng 12, 1 và 2 không bao giờ vượt quá 7,5 mm và lượng mưa hàng tháng ít khi vượt quá 1800mm. Biển Sầm Sơn yên tĩnh suất mùa nóng. Nước biển mát và khá trong. Khu vực này có nhiều loại cá khác nhau: nục, thu, các loại; rồi tới các loại giáp xác: tôm, cua, tôm hùm. Cuối cùng là ốc, sò, nghêu. Đó là chỉ những loại nhuyễn thể đáng chú ý nhất đánh bắt đòi hỏi những ngư dân cần cù có te, lưới và thuyền tam bản.

Bãi Sầm Sơn Hạ dài gần 10km. Khi nước triều rút xuống, lộ ra bải phẳng lì chạy dài hàng trăm mét xuống biển. Sầm Sơn Thượng có những bãi nhỏ trong các vụng đá. Các vụng này chia cắt rìa ngoài của doi đá nhô ra biển. Trong các vũng thụt vào như vậy sinh sôi nẩy nở các loài động vật tĩnh lặng. Cầu gai, ngọ nguậy dưới các hốc đá, san hô mọc trong các vụng nhỏ trong suốt. Chính ở khu vực này, về phía đông của Núi Voi, có Bãi Kho báu (Plage du Trésor). Bãi được đặt tên như vậy sau khi người ta tìm thấy ở đây vào năm 1934 một kho báu gồm nhiều thỏi vàng và bạc và nhiều tiền đúc năm Cảnh Hưng cũng như tiền Trung Quốc có niên đại từ thời nhà Minh và nhà Thanh.

Với tiện nghi như ý, Sầm Sơn hiến cho khách nghỉ hè những thú vui thông thường của một điểm nghỉ bên bãi bể như tắm, câu cá, quần vợt. Mặc khác, sự tráng lệ của Sầm Sơn mời chào những chuyến đi dạo và dã ngoại. Sầm Sơn Hạ chìm trong bóng mát êm dịu của vô số loại cây có hương thơ, ấn trong màn phi lao chạy dài về khu Rừng Huyền bí ở phía Bắc. Trở thành rừng bảo tồn số 494 từ năm 1928 với diện tích 175 hecta và bị phân chia thành mười lô rừng cây sống một năm, khu rừng này sẽ luôn luôn giữ được đủ huyền bí để lôi cuốn những người mơ mộng và cô đơn. Một con đường bộ nằm hoàn toàn dưới bóng cây chạy xuyên suốt chiều dài khu rừng. Đi quá xa nữa tới tận những làng mạc cần cù của Phủ Quảng Xương người ta có thể vui thích quan sát một số công nghệ địa phương như làm nước mắm, làm quạt, dệt chiếu.

Các bãi biển Sầm Sơn Thượng lôi cuốn những người tìm kiếm vẻ lạ của thiên nhiên và đôi khi thuần tuý khoa học. Nhưng một trong những niềm vui hiếm hoi nhất Sầm Sơn cung hiến cho khách nghỉ hè là leo lên chỗ cao nhất của Núi Voi vào lúc sáng sớm hay chiều tà. Tại đây có một chòi ngắm cảnh cho phép du khách bao quát hết toàn cảnh vui tươi ở phía dưới. Về phía Đông và phía Nam, biển xanh ngắt gợn sóng phản chiếu nghiêng nghiêng. các tia nắng, đây đó là mầu nâu của những thuyền tam bản hoặc mầu trắng của những cánh chim hải âu Về phái Bắc là cảnh tượng mà người ta đoán là Rừng Huyền bí; về phía Tây là những cánh đồng mầu mỡ bao la của Thanh Hoá với những đảo nhỏ xanh tươi. Đó là những ngôi làng bị chia cắt bởi Sông Mã, Sông Chu và chi lưu của chúng cũng như mạng thuỷ nông.

Tới Sầm Sơn cần phải tới thăm đền Độc Cước. Theo truyền thuyết, đền thờ thần hộ mệnh cho Sầm Sơn. Vị thần này nguyên là một người chỉ có một chân thích làm việc thiên. Sùng tín đạo Phật, người này lên đỉnh ngọn đồi cao nhất của Sầm Sơn để tu niệm. Trong một hôm giông bão, theo truyền thuyết là ngày 7 tháng 1 âm lịch, sau khi nước biển rút xuống và sóng rút khỏi các sườn núi, các tín đồ kinh hoàng và thương tiếc khi thấy vị thánh của họ biến mất. Khi thấy một vết chân to lớn trên tảng đá núi Cô-giai, mọi người tin rằng đó là vết chân vị chân tu để lại trước khi thoát khỏi kiếp luân hồi lên niết bàn. Tháng ba ngay năm đó, dân trong vùng thấy bồng bềnh ở biển dưới chân núi một bè gồm một trăm cây gỗ lim. Họ cho đó là ý thần nên quyết định dùng số gỗ đó dựng ba ngôi chùa để thờ thần, trong đó ngôi chính nằm trên tảng đá có dấu chân của thần.

Điều chúng ta quan tâm trên hết không phải là thần tích về Sầm Sơn, sự méo mó của dân chúng về một số sự kiện tích cực, mà là sự lôi cuốn không cưỡng được đặt dấu ấn vào hồn du khách và âm hưởng trữ tình và tôn giáo lan toả trong những người của thi giới đã tới đây. Bài thơ xúc cảm nhất là những bài làm vào đầu thế kỷ, khi Sầm Sơn bắt đầu rũ bỏ tấm màn che huyền thoại và huyền bí để. trở thành một điểm nghỉ mát hiện đại. Trong số nhiều bài thơ làm vào năm Thành Thái thứ 14 (1902) chúng tôi xin kể bài của ông Phạm Liêu, tri huyện Nga Sơn và ông Vương Duy Trinh, tổng đốc Thanh Hoá lúc đó. Hai vị là những nhà nho nổi tiếng thời đó. Chúng tôi xin chép lại dưới đây bài bát cú của ông Vương Duy Trinh xem như một thí dụ cổ điển về sự tôn vinh Sầm Sơn và các vị thần bản địa:

Giám[iii] hỏi duyên gì với nước non,

Đã lâu hay mới dấu chân còn?

Bể sâu dài rộng bao nhiêu thước,

Núi đó kìa đây mấy chục hòn?

Đà dựng cây xanh lồng gió mặn,

Sóng dồi cát bạc lẫn trắng tròn.

Có Thầy có cảnh thêm vui vẻ

Non nước thề cùng mảnh sắt son.

(Tháng 11 năm Thành Thái thứ 14)

Người ta có thể thấy trước tương lai của Sầm Sơn với sự tin cậy và lạc quan. Sự phát triển nhanh chóng vừa qua của nó sẽ tiếp tục hàng năm với những tiến bộ mới. Sầm Sơn Thượng, mới xây dựng gần đây, sẽ nhanh chóng mở rộng ra theo hướng trở thành một trung tâm theo kiểu châu Âu trong khi Sầm Sơn Hạ càng ngày càng chiếm được sự chiếu cố của khách nghỉ hè An Nam. Khí hậu dễ chịu và trong lành, vị trí không đâu sánh được khiến Sầm Sơn trở thành một trong những điểm nghỉ mát bên biển hàng đầu của Đông Dương.

______________________



[i] Viên chức thuộc địa, nhà văn, nghiện thuốc phiện

[ii] Chỉ Đô đốc Decoux, Toàn quyền Liên bang Đông Dương

[iii] Giám trong nguyên văn.

Khuyết danh
Số lần đọc: 3380
Ngày đăng: 11.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Khuyết danh
6 biểu tượng thiên nhiên của Phần Lan - Khuyết danh
Văn Thánh Miếu - Khuyết danh
Nghĩ về ông Phan Thanh Giản - Nguyễn Hữu Hiệp
Thượng Tân Thị (1879-1966), giai tế đất Vĩnh Long - Lê Tương Ứng
Làng Vĩnh Hòa Đông : - Nguyễn Thị Diệp Mai
Danh nhân văn hóa – lịch sử : Trương Vĩnh Ký - Khuyết danh
Tháp cổ Bình Thạnh (Trảng Bàng - Tây Ninh) - Khuyết danh
Nhà công tử Bạc Liêu - Khuyết danh
Văn Thánh miếu Vĩnh Long - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Khu di chỉ Óc Eo (khảo cổ)
CHỢ ÂM DƯƠNG - NƠI (dân tộc học)
Chợ Việt Nam (dân tộc học)
Bình thơ : (văn hóa)
Phù điêu (nghệ thuật)
Võ Việt Chung và (thời trang)
Tranh dân gian (hội họa)
Dân ca (dân ca)
Văn Thánh Miếu (lịch sử)
Lý Cái Mơn (ca cổ)
Tranh dân gian (hội họa)
Ngày bình yên (thời trang)
Bàn tay (điêu khắc)
Bên nhau (điêu khắc)
Chim lửa (điêu khắc)
Cô gái vuốt tóc (điêu khắc)
Mối quan hệ (điêu khắc)
Ngọc (điêu khắc)