Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
621
115.981.710
 
Kinh Tế Phật giáo 4
Quán Như Phạm Văn Minh

 

Chương Năm

 

Cơn Sóng Thần Toàn Cầu Hóa

 

 

Sóng thần lên

 

 

Những đợt sóng ngầm toàn cầu hóa đã bắt đầu từ đầu thập niên 80 nhưng có lẽ sau chiến tranh Việt Nam, các đợt sóng này tạm thời trì trệ. Kinh tế Mỹ bị khủng khoảng nặng nề vì chiến tranh Việt nam và Nixon, dưới áp lực bãi nhiệm của Quốc Hội Mỹ, đã phải từ chức. Bị báo chí Mỹ gọi Nixon là một ‘tên lương lẹo chánh trị’ (a political crook), Nixon còn lương lẹo bằng cách quỵt nợ cho nước Mỹ. 

 

 

Noreena Hertz

 

 

Nixon tuyên bố bãi bỏ những quy ước tiền tệ thiết lập giữa Mỹ và Anh sau thế chiến thứ Hai, thường gọi là quy ước Bretton Woods. Nhằm duy trì quân bình cho hệ thống tiền tệ thế giới, tiền tệ phát hành trên phải tính theo tỷ giá với đồng Mỹ kim và số lượng phát hành Mỹ Kim phải được bào đảm bằng một số lượng vàng dự trữ tương xứng, thường gọi là kim-bản-vị. Bỗng nhiên vào 15 tháng 8 năm 1971, Hoa Thinh Đốn đơn phương thả nổi đồng Mỹ Kim và bãi bỏ sự bảo đảm của Mỹ Kim bằng lượng vàng dự trữ ở Fort Knox!  Các nước khác, kể cả các đồng minh Tây Phương, đành riu ríu thả nổi giá trị tiền tệ của mình theo đồng Mỹ Kim. Đây là hình thức hạ giá đồng Mỹ Kim và có nghĩa là Mỹ sẽ không trả đủ những món nợ đã mắc cho các nước khác. Mỹ còn tuyên bố một biện pháp nâng cao hạn ngạch hàng nhập cảng để bảo vệ kỹ nghê của quốc gia mình. Điều nghịch lý là các cơ quan chủ yếu của hệ thồng Bretton Woods, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và WTO, xem việc nâng hạn ngạch là trở ngại lớn nhất cho mậu dịch quốc tế. Lại thêm một trường hợp ‘làm những gì mà tôi nói chớ đừng làm những gì mà tôi làm. Khi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1975 kinh tế Mỹ đang đứng trên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế đình trệ (stagflation) mà hậu quả không lường trước được.

 

Trong giai đoạn này còn có hai biến cố khác nữa ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế thế giới: thứ nhất, Ấn Độ và ngay sau đó, Hồi Quốc, cho nổ hai quả bom nguyên tử đầu tiên và các nước sản xuất dầu hỏa thành lập tổ hợp OPEC để kiểm soát lượng dầu sản xuất và giá dầu. Những biến cố này khiến những bộ óc của Mỹ phải thay đổi các nhìn về chiến tranh lãnh thổ của chủ nghĩa thực dân cũ, vừa tốn kém nhân lực tài lực nhưng kết quả nhiều khi bất trắc. Các chiến lược gia của Tân cổ điển (neo-cons) hay Tân tụ do (neo-liberals), thay đổi cái nhìn chiến lược, trong đó thương mãi được dùng để thay thế cho quân sự trong việc bành trướng của chủ nghĩa tư bản, hiện hay được gọi là phong trào toàn cầu hóa.

 

Vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia giàu mạnh nhất thế giới gần như đồng loạt xuất hiện: Margaret Thatcher được bầu làm lãnh tụ đảng Bảo Thủ Anh và Ronald Reagan, đại diện đảng Cộng Hoà, đắc cử tổng thống. Thân thế và dòng dõi của cả hai đều khiêm nhường: Margaret Thatcher là con của một người bán tạp hóa và Reagan là một tài tử màn bạc hạng B, thế nhưng cả hai đều được nhớ tới như hai người sáng lập của chủ nghĩa kinh tế thị trường, thường được gọi là chủ nghĩa Thatcher(ism) và Reagan(ism).

 

Về kinh tế đây là lúc ảnh hưởng của Samuelson hầu như tàn phai và các nhà kinh tế trong trường phái Chicago, như Milton Friedman và Friedrich Hayek, tăng gia ảnh hưởng không những về mặt học thuật mà còn trên chánh sách công quyền.  Những chánh sách này có thể được đặt tên khác nhau, nhưng tựu trung đi ngược lại với chánh sách can thiệp do ảnh hưởng của Keynes các quốc gia Mỹ và Tây Âu sau thế chiến. Sau đây là những chánh sách và biện pháp kinh tế  chủ yếu của các nhà kinh tế tân cổ điển:

 

  • Chánh sách kinh tế thị trường làm sống lại lý thuyết ‘bàn tay vô hình’ lèo lái guồng máy kinh tế và biến những ‘mơ ước’ của Adam Smith thành một thứ khoa học tất định, không thể nào tránh được. Vì dựa trên lý thuyết cổ điển của Smith, các nhà kinh tế này tự gọi mình ‘tân cổ điển’ (Neocons) và tự cho mình là trí thức tiến bộ nên nhiều khi còn gọi là ‘tân tự do’ (Neo-liberals).
  • Nhờ tự do mậu dịch, hiệu năng kinh tế tăng lên và hậu quả là làm tăng tổng sản lượng quốc gia, nâng cao mức sống của tất cả mọi người. Đó là cơn thủy triều nâng tất cả ‘các thuyền lên’, dù thuyền lớn hay nhỏ, dù là thuyền tam bản của nhà nghèo hay du thuyền yatch của người giàu! Guồng máy cổ động cho kinh tế thị trường dùng chiến dịch ‘hô khẩu hiệu’ là nếu thực hiện những biện pháp kinh tế thị trường ‘đến nơi đến chốn’, nạn nghèo đói sẽ biến mất. Tự do mậu dịch liên kết với tự do chánh trị như TT Bush tuyên bố trong diễn văn đọc State Union đọc trước lưỡng viện quốc hội vào năm 2002: “Ở mọi nơi, tự do thị trường và tự do thương mại và tự do xã hội chnứg tỏ khả năng nâng cao đời sống của mọi người’.
  • Một trong những niềm tin tưởng của kinh thế thị trường là ‘sàn lọt xuống nia’ hay theo nguyên ngữ ‘trickle down’, nước chảy xuống chỗ trũng. Nếu giới giàu kiếm ra nhiều lợi tức, họ sẽ có tiền đầu tư vào kỹ nghệ và doanh nghiệp mới, và do đó tạo ra công ăn việc làm cho giới công nhân, thành ra ai cũng có lợi cả. Ai cũng đều cũng có thể tham dự và hội nhập vào giấc mơ tư bản. Đừng trễ chuyến tàu tư bản lịch sử. Đừng làm mất cơ hội bằng vàng. Có một dạo trên báo chí Việt Ngữ, từ cựu Thủ  Tướng, đến cựu Đại Sứ  ‘dĩ ư’ (cho đến) nhà báo, dân chúng ngoài phố đều la to khẩu hiệu ‘hội nhập, hội nhập, đừng bỏ mất cơ hội bằng vàng’. Quả là một hình ảnh thú vị khi thấy những người đã từng tranh đấu cho độc lập quốc gia lớn tiếng cổ động hoan hô cho một hình thức cực đoan của chủ nghĩa tư bản mà viễn tượng vẫn là một thế giới mịt mùng.

 

  • Chánh phủ không thể nào thực hiện được mục tiêu cung cấp công ăn việc làm cho tất cả mọi người và cũng không có khả năng cung cấp trợ cấp an sinh như thời vàng son ở các nước Tây Phương sau thế chiến thứ Hai.  John Moore, Bộ Trưởng An Sinh trong chánh phủ Thatcher, vào năm 1987 công kích chánh sách an sinh, nhất là an sinh đồng loạt ở Tây Âu, cho rằng chánh sách này đã khuyến khích dân chúng tự xem mình là ‘nạn nhân của hoàn cảnh’ nhưng thực ra đã tạo ra tâm lý ỷ lại vào chánh quyền’. Các nước Tây Phương dần dần xiết chặt chánh sách an sinh. Dưới chánh phủ Reagan, những tiêu chuẩn được cấp an sinh đã bị xiết chặt và không phải chỉ có đảng Cộng Hòa mới thi hành hành chánh sách giảm hay huỷ bỏ an sinh. Năm 1993 chánh phủ Clinton đã thực hiện chánh sách ‘Cải tổ an sinh’ đòi hỏi những người thất nghiệp phải đi tìm việc làm hay trả lại món nợ trợ cấp mà họ đã mắc của cộng đồng. Những cải tổ mà Clinton thực hiện được chính Reagan và Bush cha cũng chưa dám hay chưa thực hiện nổi. Hiện nay ở Úc luật cải tổ an sinh đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, tiêu chuẩn trợ cấp càng ngày càng thắt chặt, không những đối với người thất nghiệp mạnh khỏe, mà còn đối với phụ nữ ở nhà nuôi con, những người lớn tuổi nhưng chưa về hưu, những người có khuyết tật…Các nhân viên CentreLink của Úc tuyên bố trên báo chí là họ lo sợ rằng những người bị cắt trợ cấp sẽ có thể có phản ứng tuyệt vọng bằng cách hành hung nhân viên. Các tổ chức từ thiện do các giáo hội Thiên Chúa cũng tỏ ý không muốn hợp tác với các biện pháp khắc nghiệt mới.
  • Để tránh sự chống đối của công nhân, chánh phủ tìm cách làm giảm bớt thế lực nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn công nhân Mỹ chưa bao giờ có đủ sức mạnh để chống lại các biện pháp kinh tế của chánh phủ, tuy nhiên khi các kiểm soát viên không lưu Mỹ đình công, Reagan đuổi việc tất cả và dùng quân đội để tạm thay thế và tuyển  dụng toàn bộ nhân viên mới. Dưới thời chánh phủ Lao Động của thủ tướng Bob Hawkes, chánh phủ Úc cũng sa thãi toàn bộ phi công đình công. Vào năm 1981 khi công nhân Anh bạo động ở Brixton, bộ trưởng lao động Anh mai mỉa ‘ngày xưa cha tôi không có bạo động, nhưng ông tiếp tục cưỡi xe đạp đi tìm việc làm’. Chánh phủ Thatcher đã sử dụng khầu hiệu ‘cưỡi xe đạp để đi tìm việc làm’. Hiện chánh phủ Úc sau khi dành được đa số ghế tại Thượng Viện, đã đưa ra dự luật Cải Cách Nhân Dụng, bãi bỏ quyền đình công truyền thống của nghiệp đoàn, bãi bỏ quyền lợi căn bản của công nhân với các khẩu hiệu ‘uyển chuyển lực lượng lao động để cạnh tranh với lao động trên thế giới’.
  • Các nhà kinh tế tân cổ điển khuyến khích những chánh sách kinh tế do các kinh tế gia ở Đại học Chicago phát khởi về chánh sách công quyền cũng như tài chánh, tiền tệ và kinh tế vĩ mô (Macro-economics).
  •  Một trong những chính sách quan trọng của Milton Friedman và trường phái Chicago là tư hữu hóa. Chánh phủ càng nhỏ và càng ít can thiệp đến hoạt động doanh nghiệp càng tốt. Từ năm 1979 đến 1997 chánh phủ Thatcher tư hữu hóa và bán tài sản quốc gia cho các tổ hợp tư nhân trị giá 67 tỷ Bảng Anh. Năm 1979 chánh phủ Anh sở hữu các cơ sở kinh tế hạ tầng như than đá, luyện kim, khí đốt, điện lực, nước uống, hệ thống hỏa xa, hàng không, truyền thông, năng lượng nguyên tử, kỹ nghệ đóng tàu, dầu, ngân hàng, chuyên chở hàng hải và đường bộ, nghĩa là tất cả kỹ nghệ hạ tầng cơ sở của quốc gia. Đến năm 1997, tất cả các kỹ nghệ này đều nằm trong tay tổ hợp tư nhân.Sau khi tư hữu hóa xong, chánh phủ phải tạo một hoàn cảnh thương mại thuận lợi và thích hợp để các tổ hợp sinh lời: hạ mức đóng thuế. Theo Noreena Hertz, tổ hợp News Corporation của tỷ phú Rupert Murdoch trên toàn cầu chỉ đóng mức thuế là 6%. Thuế thu nhập cá nhân của Murdoch là 1%, nghĩa là mỗi đồng kiếm được ông ta chỉ đóng 1 xu! Năm 1998 tỗ hợp Murdoch không đóng một đồng thuế nào cho chánh phủ Anh, mặc dù lợi tức của tổ hợp này là 1.4 tỷ. Người giàu nhất ở Úc, Kerry Packer ngang nhiên tuyên bố trong một cuộc điều tra của Thượng Viện, ông ta chỉ đóng thuế ở một mức tối thiểu, không dư một đồng. Mức đóng thuế của Packer là bao nhiêu: là 6%! Thuế lợi tức cá nhân cho những người lợi tức thấp nhất ở Úc: 15%. Càng nghèo càng đóng thuế nhiều. Mỗi lần tuyên thệ nhậm chức, việc đầu tiên của một Tổng Thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà là giảm thuế, từ Reagan cho đến Bush cha và Bush con đều hành động như nhau. Các tổng thống này học một thầy, một sách. Qua 3 đời Tổng Thống Cộng Hoà mức thuế cao nhất của Mỹ hạ xuống từ 70 đến 28%.

 

  • Một trong các hoạt động kinh tế vĩ mô nữa cần thực hiện là kiểm soát mức lạm phát.  Người ta chứng kiến hiện tượng đối nghịch trong kinh tế tư bản là tỷ lệ thất nghiệp và mức lạm phát. Cái này lên thì cái kia xuống. Lạm phát nghĩa là tiền mất giá, mãi lực kém đi, càng giàu càng mất nhiều. Thất nghiệp cao thì chỉ có công nhân và gia đình họ chịu. Châm ngôn của kinh tế thị trường là, thà để nạn thất nghiệp cao hơn lạm phát cao.
  • Một nguyên tắc quan trọng khác nữa là cởi trói các lề luật phức tạp về tài chánh để thu hút vốn đầu tư bên ngoài và đây là điều kiện quan trọng cho các nước nghèo muốn vay tiền IMF. Các tổ hợp có thể lưu chuyển vốn hay lời ra vô một quốc gia một cách dễ dàng, nhất là hiện nay nhờ kỹ thuật hoán chuyển điện tử, chỉ cần một sáng một chiều, hàng tỷ Mỹ Kim có thể đồ vào hoặc rút ra một quốc gia một cách dễ dàng. Cũng vì nguyên tắc tài chánh tự do này, các quốc gia Nam Mỹ như Argentina, Brazil và Thái Lan bị khánh tận trong nháy mắt, bừng con mắt dậy, thấy ngân khố rỗng không.

 

 

Sóng thần tràn qua biên giới

 

Lý thuyết gia kinh tế thị trường chủ trương phát triển bằng cách khuyến khích xuất cảng hàng hóa và tự do mậu dịch xuyên quốc gia, kinh tế tư bản Anh-Mỹ cần phải tìm thêm thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Các tổ chức IMF, World Bank đặt điều kiện cho các quốc gia muốn mượn tiền phải thi hành các biện pháp trong Washington Consensus. Các quốc gia cần tiền phát triển dù muốn hay không đành chấp nhận những điều kiện này: bãi bỏ ngạch hạn hàng nhập cảng, tự do mậu dịch, giải phóng các lề luật tài chánh và tư hữu hóa, cũng như thi hành các biện pháp kinh tế vĩ mô, như kiểm soát lạm phát, quân bình ngân sách, bớt chi tiêu vào các dịch vụ công ích. Cơn sóng thần lan qua từ quốc gia nyà tới quốc gia khác không có gì ngăn cản nổi.     

 

Hai học trò ngoan ngoãn đầu tiên của kinh tế thị trường là ba nước láng diềng tương đối giàu có nhất Nam Mỹ, Argentina, Brazil và Mexico. Vào đầu thập niên 90, Tổng thống Fernando Collor de Mello của Brazil, Carlos Menem của Argentina và Carlos Salinas de Gortari của Mexico đồng loạt áp dụng những chánh sách có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong việc cởi trói kinh tế, chấp nhận cạnh tranh thị trường và mở cửa kinh tế cho thế giới, Các nhà lãnh đạo này tin rằng sở dĩ nước họ chưa phát triển được là vì ‘không chịu áp dụng đúng mức kinh tế thị trường trong thời gian qua’. Ngay cả Pinochet sau khi nhờ CIA đảo chánh Tổng thồng đảng xã hội thiên tả Allende, dù cai trị Chile bằng biện pháp quân phiệt sắt máu, cũng vội vã mời một đoàn chuyên viên kinh tế từ Đại Học Chicago sang để cố vấn về kinh tế thị trường. Chưa đầy một thập niên sau, cả ba anh học trò ngoan của kinh tế thị trường mới thấm thía hương vị của chánh sách toàn cầu hóa.

 

Cũng vào thập niên 80, cả thế giới đều trầm trồ khen ngợi các con rồng Á Châu- Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Đại Hàn, càng có thể bằng chứng cho thấy hiệu năng của kinh tế thị trường. Ở Đông Á, Thái Lan là anh học trò giỏi và ngoan. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế Á Châu vào năm 1997, Thái Lan gần như khánh tận trong khi Đại Hàn và Mã Lai nhờ vốn tiết kiệm quốc gia và không chịu mở ngỏ thị trường tiền tệ và tài chánh theo áp lực của IMF nên đã hồi phục nhanh nhất.

 

Các quốc gia Âu Châu là thành trì của chủ nghĩa can thiệp Keynesian và là những quốc gia có hệ thống an sinh đã đâm chối mọc rễ cũng bắt đầu rúng động. Đó là giai đoạn mà ảnh hưởng của Samuelson còn mạnh, nghĩa là quần chúng còn vững lòng tin vể một đội ngũ chuyên viên có tinh thần khoa học. Giscard D’estaing là một chuyên viên tài chánh thượng thặng, biểu hiện cho tinh hoa của trí thức và chuyên viên Pháp, và là khuôn mẫu cho các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ. Ông được bầu tổng thống vào giữa năm 1974 lúc mà thế giới trãi qua một thời kỳ rối loạn kinh tế giữa cơn bãp táp khủng hoảng dầu hỏa: lạm phát phi mã, tỷ lệ thất nghiệp cao và không tăng trưởng. Một đêm Giscard xuất hiện trên truyền hình để hiệu triệu dân Pháp. Ông nói là có một thế lực toàn cầu đang hoạt động. Đây là thế lực mới. vô địch và không thể tránh được. Lực lượng của kinh tế kết hợp toàn cầu. Không có quốc gia nào có thể cưỡng kháng được. Ông hoàn toàn bất lưc. Lời tuyên bố của Gistaing có thể xem là lời tuyên bố chính thức của cơn sóng thần toàn cầu hóa.   

 

Bộ trưởng Ngân Khố của chánh phủ Lao Động Úc, Paul Keating, báo động là nếu Úc không chịu cải cách kinh tế vĩ mô, Úc sẽ có nhiều triển vọng trở thành một nước cộng hòa trái chuối (a Banana Republic), ám chỉ các nước nghèo mạt rệp ở Trung và Nam Mỹ. Dù là một chánh phủ Lao Động, Keating thi hành những biện pháp cải cách còn bạo hơn đảng bảo thủ: cởi trói các qui luật về tiền tệ và tài chánh quốc tế để thu hút đầu tư bên ngoài và nhất là bắt đầu chánh sách tư hữu hóa, không thua gì những biện pháp của Thatcher. Trường hợp quốc gia có đa số dân chúng gốc Anglo-Celtic hăm hở theo kinh tế thị trường nồng nhiệt nhất là New Zealand. New Zealand là một quốc gia nhỏ cạnh và có thể chế chánh trị và văn hóa tương tự như Úc. Thế nhưng vào giữa thập niên 1980, đảng Lao Động đắc cử và đột nhiên áp dụng những biện pháp kinh tế theo đúng khuôn của kinh tế thị trường: giảm thiểu lề luật về thương mại và tài chánh, tư hữu hóa tài sản quốc gia, giảm thuế và chuyển gánh nặng thuế má từ những người có lợi tức cao xuống những người có lợi tức thấp. Bộ trưởng Bộ Ngân Khố Roger Douglas tuyên bố chắc nịch là ‘không có con đường nào khác’, cũng giống như Giscard D’Estaing trước đây tuyên bố là nước Pháp bất lực, không thể làm gì hơn.

 

Đến khi nội các Lao Động New Zealand nhận ra là cái giá xã hội phải trả cho các biện pháp kinh tế thị trường quá cao, mọi chuyện đã dĩ lỡ, trở thành sự đã rồi (fait accompli). New Zealand một sớm một chiều đã trở thành thí dụ điển hình cho một quốc gia gương mẫu của chánh sách toàn cầu hóa và chủ nghĩa kinh tế thị trường (market economy) của phe tân bảo thủ (neo-cons). Mặc dù năm 1996 New Zealand được xếp hạng ba trong số những quốc gia về mức cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế và kiểm soát được nạn lạm phát, nhưng nạn nghèo khó tăng gia trong một xã hội gồm phần lớn là giai cấp trung lưu. Hơn 20% dân New Zealand trong hạn tuổi làm việc sống nhờ trợ cấp an sinh; lương tối thiểu của công nhân trẻ giảm từ $14,700 xuống còn $8,000. Cùng một luận điệu như nhau, các người bênh vực các biện pháp kinh tế thị trường nói là không đau không đạt được thánh quả gì (no pain no gain) cần phải có một cái nhìn dài hạn. Hiện dân New Zealand di cư vào Úc lên tới 15% tổng số dân chúng và có ít người muốn sống ở thiên đường mà các nhà kinh tế tân cổ điển hứa hẹn.     

 

Âu Châu không hăm hở gia nhập kinh tế thị trường kiểu Mỹ lắm và thường nghi ngờ Anh là con ngựa thành Troye của Mỹ, môt phần vì cơ cấu an sinh xã hội trở thành truyền thống và có lẽ vì tâm lý ‘coi thường’ anh ‘nhà giàu mới’ hung hăng, nên chỉ cải cách rất nhỏ gịot,  Tuy nhiên nạn kinh tế khủng hoảng cứ trở đi trở lại mà không có nhà kinh tế nào dám xác định nguyên nhân, bắt đầu đặt câu hỏi về ảnh hưởng kinh tế can thiệp của Keynes. Thủ tướng Lionel Jospin phải đối đầu với tỷ lệ thất nghiệp 10.6% mặc dù miễn cưỡng với cái giá xã hội phải trả khi áp dụng những biện pháp của kinh tế thị trường tuyên bố “YES cho kinh tế thị trường nhưng NO cho xã hội thị trường’. Nhưng cũng như Giscard, Jospin cũng bất lực và nương theo cơn sóng thần: Pháp phải xét lại mức trợ cầp an sinh vì xem đây là cái ‘bẫy nghèo khó’ vì nhiều người xem lãnh trợ cấp an sinh là một ‘nghề’ và xét lại mức lương tối thiểu có thể làm các tổ hợp lớn không muốn đầu tư. Cho đến năm 1995, ở Ý và Pháp chánh phủ đã bán cho tư nhân một số tài sản quốc giá trị giá 50 tỷ. Helmut Kohl, thủ tướng Đức, cũng phải theo chánh sách tư hữu hóa, giảm thuế thương nghiệp, giới hạn quyền lực nghiệp đoàn và nhất là giảm bớt các quyền lợi an sinh, y tế và giáo dục.

 

Bức tường Bá Linh sụp đổ

 

Vào mùa thu 1988, Mikhail Gorbachev đến New York đọc một diễn văn lịch sử tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, thú nhận khối Cộng Sản đã thất bại trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 70 năm với khối tư bản. Một năm sau đó (1989) bức tường Bá Linh sụp đổ. Liên Bang Sô Viết cũng sụp đổ. Chủ nghĩa tư bản xuất hiện như một nhà vô địch không đối thủ. Chủ nghĩa kinh tế thị trường càng lan nhanh như những cơn sóng thần, không có gì cản nổi. Chủ nghĩa tư bản không chìến thắng nhờ Star War giả tưởng, mà nhờ các tổ hợp Coca Cola. Các hệ thống truyền thông của Rupert Murdoch và Ted Turner đã khiến cho chánh quyền Sô Viết không còn che dấu được sự phồn thịnh của xã hội Tây Phương. Dân chúng tại các nước Đông Âu sau bao nhiêu năm bị đóng cửa, có dịp cởi trói, không những chấp nhận chế độ chính trị tây phương mà còn thanh niên còn mê nhạc Rock, ăn McDonald, mặc quần jeans Levi. Nga sau đó cũng chấp nhận dân chủ hóa, bán tháo bán đổ tài sản quốc gia và chỉ trong vòng vài năm, bị phá sản và Boris Yelsin phải giả say giả tỉnh, tuyên bố quỵt nợ thế giới. Sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa về kinh tế và chính trị đã ảnh hưởng dây chuyền đến hai quốc gia lớn nhất Á Châu. Ấn Độ sau mấy mươi năm muốn lãnh đạo khối các quốc gia không liên kết đã theo chánh sách chỉ huy kinh tế, thất bại trong việc giúp hơn 1 tỷ dân thoát cảnh nghèo khó, đã bắt đầu thí nghiệm chánh sách kinh tế thị trường. Trung Quốc sau bao năm muốn tạo thành một mô thức xã hội chủ nghĩa cho các nước Á Phi, đã bắt đầu áp dụng chánh sách ‘mèo nào cũng là mèo, miễn là bắt được chuột’. Sự toàn thắng của kinh tế thị trường, một hình thức cực đoan của chủ nghĩa tư bản, không còn ai phủ nhận được. Sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc sụp đổ, Nam Phi được Nelson Mandela lãnh đạo. Tuy Mandela là một nhân cách lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng chánh phủ ANC triệt để áp dụng các biện pháp kinh tế thị trường vì tin đó là con đường duy nhất đưa đến một nền kinh tế để thoát khỏi nạn nghèo khó.  Đảng ANC không còn nhắc đến chánh sách Mác Xít mà họ chủ trương khi còn tranh đấu trong bóng tối với chế độ kỳ thị chủng tộc. Chánh phủ Nam Phi thay đổi mầu da nhưng tài sản cũng còn nằm trong tay người da trắng.

 

Cơn sóng thần toàn cầu hóa không còn sức mạnh nào ngăn cản nổi! Trong thập niên 90 các nhà kinh tế thị trường có thể khoa trương ‘Free man- Free Market’.

 

 

Độc quyền ý thức hệ

 

Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, khối tư bản không cần dùng viện trợ để mua đồng minh nữa. Khầu hiệu mới của các nước tư bản là ‘buôn bán, không phải viện trợ’. Các nhà kinh tế thị trường cho ràng chỉ có buôn bán mới giúp các quốc gia đang phát triển vượt qua tình trạng nghèo đói. Tại các nước Tây Phương, hệ thống an sinh bắt đầu bị xói mòn, nhất là tại Âu Châu. Chánh phủ các nước Tây phương do đó thà chi tiêu ít nhiều cho an sinh của dân chúng sở tại, vì dù sao họ cũng lá thần phần có lá phiếu quyết định đi hay ở của chánh quyền. Khẩu hiệu mới là ‘từ thiện bắt đầu từ trong nhà’ (Charity begins at home). Thay vì viện trợ, tiền đổ vào các nước khác dưới hình thức đầu tư FDI. Trong năm 1990 tiền viện trợ của các nước Tây phương cho các nước nghèo là 60 tỷ  trong khi tiền FDI  chỉ có 20 tỷ. Ngược lại vào năm 1997 tiền đầu tư FDI cho các nước nghèo là 160 tỷ trong khi tiền viện trợ chỉ còn 40 tỷ. Phần lớn tiền FDI đổ vào các cơ sở doanh nghiệp tư nhân. Cả thế giới chỉ còn một ý thức hệ duy nhất: ý thực hệ tự do thương mại, từ đông sang tây, từ các quốc gia nghèo phương Nam đến các quốc gia giàu phương Bắc. Về mặt văn hoá và triết lý con người bị thu hẹp lại thành con người kinh tế (Homo Economicus), sống chỉ để tiêu thụ, tiêu thụ, không có gì ngoài tiêu thụ.

 

Tả hữu, hữu tả 

 

Sự toàn thắng của kinh tế thị trường làm mờ nhạt về các lập trường cố hữu ở Tây Phương; phe hữu-phe tả. Các nhà kinh tế thị trường tự gọi mình là Tân- Bảo thủ (Neo-cons) đồng thời cũng gọi  là Tân-Tự do (Neo-libs). Để chứng tỏ thuyết kinh tế thị trường đầy tính khoa học, chủ thuyết này cũng được gọi là kinh tế hợp lý (Economic Rationalism).

 

Phong trào kinh tế thị trường khởi đầu từ đảng Bảo thủ do Thatcher và đảng Cộng Hoà của Reagan, nhưng ‘phe tả’ không bao giờ chịu chậm chân. Không những chủ trương can thiệp của Keynes đã chết mà chủ trương dùng chuyên viên quản trị khoa học của Samuelson cũng không còn. Nói như Giscard, lực lượng kinh tế thị trường đang hoạt động, không một chuyên viên hay một quốc gia nào có thể kháng cự được. Vai trò của quốc gia bị giới hạn tối đa và không còn công dân, chỉ còn là những người tiêu dùng.Tiêu chuẩn thương mai sẽ được xem ưu tiên và nếu có một sự xung đột nào giữa thương mại và luật lệ của chánh phủ sở tại, luật lệ phải được thay đổi để thông đường cho các hoạt động thương mại.

 

Vào năm 1994 đảng Lao Động Anh hủy bỏ điều 4 của hiến chương đảng ‘tôn trọng tài sản quốc gia’ và Tony Blair gọi đảng mình là Tân-Lao Động, thi hành một chánh sách kinh tế Thatcherism không thua gì Thatcher: bãi bỏ chánh sách truyền thống của phe tả, dùng thuế vào các việc công ích. Nhiệm vụ phân phối tài sản và an sinh không còn là nhiệm vụ của chánh phủ nữa, tất cả đều do thị trường quyết định. Đảng Tân Lao động Anh chấp nhận chánh sách kinh tế vĩ mô của đảng Bảo thủ trước đây, như quân bình ngân sách, giữ mức lạm phát thấp và tiếp tục con đường tư hữu hóa của Thatcher trước đây.

 

Ở bên kia bờ đại dương, Hội Đồng Lãnh Đạo Đảng Dân Chủ cũng từ bỏ lập trường phe tả tiến bộ củs Dukakus trước đây. Đảng ‘Tân’ Dân chủ  dưới sự lãnh đạo của Bill Clinton không còn ưu tiên quan tâm đến công lý xã hội, mà chỉ quan tâm đến doanh nghiệp, đầu tư và tự do và cạnh tranh của thi trường.

 

Vào giữa thập niên 80 chính đảng Lao Động Úc  phát động chánh sách kinh tế thị trường, hùng hổ không thua gì Thatcher và Reagan. Bộ trưởng Ngân Khố và sau này là thủ  tướng Lao Động Úc, Paul Keating là người phát động cải tổ kinh tế vĩ mô đầu tiên, mở đường cho chánh sách kinh tế thị trường cực đoan nhất trong lịch sử Úc từ trước tới nay dưới chánh phủ Howard.

 

Quan sát chánh sách của các phe tả và hữu, người ta không còn biết đâu là tả, đâu là hữu. Mitterand tư hữu hóa nhiều công ty hơn là chánh phủ hữu phái trước đó Giữa Mitterand và Chirac chưa biết ai thiên hữu hơn ai!   

 

 

Thênh thang thuyền về              

 

Sự bùng nổ của kỹ thuật truyền thông khiến cho việc cởi trói cho thị trường tài chánh thêm dễ dàng. Ngoài việc mua bán trên thị trường chứng khoán, hiện nhiều người còn đánh bạc trên trị giá của tiền tệ và sản phẩm tiêu dùng trong tương lai (derivatives) trong các hedge funds như một sòng bạc vĩ đại, khiến cho việc lưu chuyển tiền tệ vượt biên giới quá dễ dàng. Mỗi ngày ‘trên giấy tờ’ hay đúng ra là trên hồ sơ điện tử, mỗi giờ có hàng tỷ đô được chuyển từ nơi này đề nơi khác. Dưới áp lực của IMF, chánh quyền sở tại hoàn toàn bất lực, có muốn ngăn cản cũng không làm sao ngăn cản được, vì đây là những hoán chuyển ảo, trên internet, không dính líu gì đến tiền mặt. Đây là những thương vụ không cần tiền mặt và hiện nay tiền mặt chỉ dùng vào các thương vụ bán lẻ. Trong tương lai gần, có thể tiền mặt không còn cần nữa, như tên thường gọi, một cashless society.

 

Hiện tượng thứ hai là sự tăng trưởng của các tổ hợp quốc tế, không những về mặt số lượng mà còn trên con số doanh thu. Hiện 100 tổ hợp quốc tế có tài sản tương đương với 25% tài sản quốc tế. Số lượng doanh thu hàng năm của 6 tổ hợp lớn nhất thế giới trị giá tư 111 tỷ đến 126 tỷ, nhiều hơn GDP của 21 quốc gia đang phát triển. Số doanh thu của các tổ hợp tương đương với 40% số doanh thu toàn cầu. Các tổ hợp cũng dùng tài chánh đầu tư FDI trên khắp thế giới, từ 60 tỷ vào năm 1980 lên đến 394 tỷ vào năm 1997. Các tổ hợp có thể đặt văn phòng trung ương ở một quốc gia, sản xuất hàng hóa ở các quốc gia có công nhân rẻ và có đội ngũ tiếp thị và quảng cáo hùng hậu. Các sản phẩm này được nhận diện bằng những nhãn hiệu (logo) duy nhất.

 

Sự tăng trưởng doanh thương đưa đến sự phồn thịnh của quốc gia và làm tăng mức sống của dân chúng các nước đang phát triển, như những người cổ động cho toàn cầu hóa thường dùng hình ảnh ‘triều lên, triều lên, ngọn sóng, ngọn sóng, thênh thang thuyền về’. Ai cũng nghĩ là sẽ có ngày mình trở nên giàu có như tên một trò chơi trên Ti Vi, Who wants to be a Millionaire. Ở các nước phát triền, như Anh, 60% dân chúng hiện nay tự nhận mình là giai cấp trung lưu. Tỷ lệ thất nghiệp thấp so với năm 1980. Nạn lạm phát vẫn còn nhưng so với những năm khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1970 thấp hơn nhiều.

 

Nước Mỹ dưới thời Bill Clinton, thời gian tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 30 năm qua, và lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, nước Mỹ có ngân sách thặng dư liên tiếp trong nhiều năm. Chỉ khi George W. Bush đăng quang tổng thổng và phát động chiến tranh Irap, ngân sách Mỹ mới thâm thủng trở lại.   

 

Ở các cường quốc hạng trung như New Zealand, từ năm 1992, tăng trưởng trung bình mỗi năm là 4% và nạn thất nghiệp hạ xuống còn một nửa. Ở Úc mức tăng trưởng cao nhất so với các nước tiên tiến. Chile, học trò cưng của kinh tế thị trường ngay từ thời Pinochet đến 1998, tăng trưởng mỗi năm 7%.  

 

Kinh tế thuộc các nước đang phát triển chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường và tự do mậu dịch quốc tế cũng tăng trưởng một cách ngoạn mục. Mặc dù là một nước ‘độc tài’ về chính trị’, Singapore, một con hổ Á Châu, trước khủng hoảng tài chánh năm 1997, có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, mức GDP chỉ thua Nhật, đội ngũ công nhân trình độ chuyên nghiệp cao. Một học trò ngoan khác của kinh tế thị trường, Thái Lan, từ năm 1975 mức GDP tăng trưởng cao gấp 3 lần. Trước khi theo học kinh tế thị trường, chỉ có 1/6 dân Thái có nước sạch để uống, Hiện nay số lượng dân có nước sạch để uống là 4 phần 5. Ấn Độ và Trung Hoa trước đó là ‘Tàng Long, Phục Hổ’ trong vòng 10 năm tới sẽ là các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mexico sau thương ước các Quốc Gia Bắc Mỹ 1994, đã tạo ra nửa triệu công ăn việc làm mới mà trước đó không ai nghĩ là có thể thực hiện được.

 

Kinh tế thị trường thoạt nhìn có kết quả đúng như lời các nhà kinh tế thị trường tuyên bố: triều lên nâng cao thuyền lớn cũng như thuyền nhỏ, nước giàu cũng như nước giàu? Những dữ liệu này chưa đủ thuyết phục những người chống Toàn cầu hóa sao?

 

Nhưng cả mặt trăng có phần tươi sáng cũng có phần u tối. Khi cuộc biểu tình bạo động chống WTO, hội nghị G8, hội nghị hiệp thương các quốc gia Châu Mỹ … ở Seattle (tháng 12 năm 1999), Washington tháng 4 năm 2000, Prague tháng 9 năm 2000, Buenos Aires tháng 3 năm 2001, Quebec (tháng 3 năm 2001) và Genoa (tháng 7, 2001)  vân vần…  mọi người mới tự hỏi: những người chống đối toàn cầu hóa là ai? Bush mỉa mai các thành phần biểu tình phản đối chắc chắn không phải là ‘bạn của người nghèo’. Câu trả lời còn đòi hỏi thông tin và tài liệu mới có thể làm sáng tỏ, nhưng một điều chắc chắn một điều là, chỉ có những người bạo phổi điếc không sợ súng như Nguyễn Cao Kỳ, mới dám tuyên bố chánh phủ của mình là ‘chánh phủ của người  G.W. Bush cha cũng như con, hãnh diện chánh phủ đại diện cho các tổ hợp và những  người như Rupert Murdoach, được đảng Cộng hòa tiếp tục giảm thuế từ năm này sang năm nọ.

 

Các con số thống kê trong bài này trích lại từ tác phẩm Hertz, Noreena. The Silent Takeover. Global Capitalism and the Death of Democracy. William Heinemann, London,

 

Quán Như Phạm Văn Minh
Số lần đọc: 1390
Ngày đăng: 23.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kinh Tế Phật giáo 3 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 2 - Quán Như Phạm Văn Minh
Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng - Mai Bá Ấn
Kinh Tế Phật giáo 1 - Quán Như Phạm Văn Minh
Sài Gòn Xanh Ký Ức - Thiên Hà
Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Du Không Dịch “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Ra Tiếng Việt - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tế Hanh – Người Trò Chuyện Cùng Hoa Cỏ - Mai Bá Ấn
Từ “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Đến “Truyện Kiều” Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Từ Ghi Chép Về Vương Thúy Kiều Trong Minh Sứ Đến Truyện Kiều Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Cùng một tác giả