Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.543.447
 
BẢO THÁP: Biểu tượng văn hóa cửa thiền giữa dòng thế tục
Trần Kiêm Ðoàn

 

 

 

 

 

 

 

Tháp Báo Ân chùa Bằng A

 

Nghệ thuật kiến trúc đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Phật giáo Đông cũng như Tây, quá khứ cũng như hiện tại. Nét kiến trúc tự căn bản đã mang nhiều ý nghĩa. Một ngôi chùa hay bảo tháp biết đặt đúng chỗ đã tự nói lên những điều thâm diệu mà ngôn từ bình thường từ miệng, từ chữ nghĩa không đủ sức nói lên. Những ngôi chùa thâm u, im lặng chìm trong thiên nhiên mây khói của Nhật Bản tự nó đã nói lên lời thiền tịnh. Những ngôi chùa ẩn hiện trong hang động hay ven sườn núi cheo leo của Tây Tạng tự nó là hỉnh ảnh tuyết sương của hành giả trên lối đạo an nhiên thiểu dục, vô thường. Những ngôi chùa với kiến trúc đồ sộ và màu sắc sặc sỡ của Trung Quốc mang đậm tính “nhập thể tướng, độ quần sinh” của hành giả Đại thừa. Bởi vậy, tuy chỉ là hình tướng phù vân, nhưng dáng vẻ riêng của mỗi công trình xây dựng đều mang dấu ấn của hướng tu, nếp nghĩ, lối sinh hoạt – điều kiện cơ bản cấu thành văn hóa – của một bộ phái hay một ngôi chùa.

 

 

 

Tháp Quán Thế Âm chùa Vĩnh Nghiêm

 

 

Bảo tháp là biểu tượng văn hóa cửa thiền. Có những ngôi tháp làm cho ngôi chùa tăng thêm sự thiêng liêng nổi tiếng: Đó là trưởng hợp bảo tháp (ngôi tháp cao quý).  Nhưng cũng có những ngôi tháp “phá cảnh” ngôi chùa, làm cho ngôi chùa ngày càng bị lãng quên và đi xuống.

 

Nhiều nghìn năm trước khi đạo Phật ra đời, “tháp” là nấm mồ của hàng vua chúa như Kim tự tháp ở Ai Cập, tháp Chàm ở nước ta. Sau ngày đức Phật Thích Ca nhập diệt, tháp trờ thành một biểu tượng thiêng liêng chứa kim thân xá lợi của đức Phật. Khái niệm về “tháp” thay đổi hoàn toàn từ hình thức cũng như về nội dung. Tháp trở thành một công trình mỹ thuật kiến trúc chùa viện và tháp là nơi trưng bày những di vật thiêng liêng của các bậc giác ngộ và thánh trí. Càng về sau, tự thân ngôi tháp hay tháp xây dựng trong quần thể của chùa viện được sử dụng linh động hơn làm nơi thờ phụng di vật kỷ niệm và tro cốt của hàng danh sư, đại tăng có công lớn với đất nước, xã hội, môn phái. Từng bước, nương theo sự “ứng dụng linh động” nầy, hàng vua chúa và hào phú đã lạm dụng đem quyền thế và tiền bạc biến bảo tháp cửa thiền thành nơi đựng tro cốt của hàng bạo chúa và phàm nhân. Đặc biệt tại một số vùng của các quốc gia có sự tiếp cận và pha trộn giữa đạo Phật và “tôn giáo dân gian” địa phương như xứ chùa tháp Miên, Nam Ấn, Nam Dương, Mã Lai... thì tháp chùa thường bị lợi dụng biến thành đền thờ và kho chứa tro cốt của Đa Thần giáo và Bái Vật giáo.

 

Bảo tháp trong mỹ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

 

 Trong nhiều đặc tính và hình tượng tiêu biểu của mỹ thuật kiến trúc chùa viện Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay, hình ảnh ngôi Tháp Chùa vẫn là hình ảnh biểu trưng cho tinh thần văn hóa Phật giáo. Mái chùa, bảo điện, hình tượng, quy mô... của một ngôi chùa có thể đổi thay theo hoàn cảnh văn hóa và nhu cầu thời đại, nhưng tháp chùa vẫn là một biểu tượng thiêng liêng nhất cho lịch sử và sức sống của một ngôi chùa.

 

Theo Kiêm Đạt trong Mỹ thuật Phật giáo:

 

Ba kiến trúc Phật Giáo cơ bản là Saitya (Chi đề), Vihâra (Tự) và Stupa (Tháp) đã tồn tại ở Việt Nam dưới nhiều dạng thức: Chùa ở dạng hang động, chùa ở dạng kiến trúc theo quy ước thường thấy và chùa ở dạng bảo tháp.

 

Theo Từ Hải Từ Điển của Trung Hoa có viết như sau: Sách "Từ Vực" nói: Tháp là phù đồ, nơi chôn xương Phật, cũng gọi là Tháp bà, Phù đồ (hay Phù tề); còn có một tên nữa là Phù họa hay Phật Đồ đều là tiếng Phật; nó do chữ "Hãn đổ ba" (Stupa) hay "Xuất đô bà" (Dagoba) nói theo âm Hán Việt. Theo nghĩa đạo Phật, nó là mồ mã, là linh miếu. Về tầng tháp thì trong Kinh Niết Bàn, quyển 41, có chỉ cách xây tháp: Phật tháp thì 13 tầng, Bích Chi Phật tháp thì 11 tầng, A La Hán tháp thì 4 tầng... Còn Tháp của vị Chuyển Luân Vương thì chẳng nên xây tầng; là vì vị Chuyển Pháp Luân chưa thoát khỏi các mối khổ trong tam giới.

 

 

Tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm

 

Phù đồ, bảo tháp là biểu tượng thiêng liêng nhất trong kiến trúc Phật giáo. Tại đất Phật Ấn Độ, phù đồ được coi như là chính sự hiện diện của đức Phật. Các tu sĩ chỉ cần một chỗ trú ngụ tạm thời trong những hang động hay những gian nhà đơn sơ trong rừng cây. Những cơ sở quy mô, đẹp đẽ thì chỉ được dùng trong việc thờ phụng. Khi Phật giáo được truyền sang Trung Quốc và Việt Nam, song song với sự phát triển của giáo pháp Đại Thừa, tháp và chùa phát triển đồng bộ trên căn bản “chùa thờ Phật, tháp hướng Phật”. Mỗi bảo tháp được xây dựng như phần tinh hoa hướng Phật của chùa. Tháp trở thành chiếc cầu tâm linh giữa người tu và chư Phật. Do vậy, những giáo phái Phật giáo khác nhau cũng đã có những lý giải khác nhau về tháp. Như Tịnh Độ Tông thì thiên về hình tượng các tầng tháp là biểu trưng cho các kiếp tu (Tam phẩm vãng sanh) như loại tháp Hoà Phong (chùa Dâu - Bắc Ninh), tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (chùa Động Ngọ - Hải Hưng), tháp Bút (Hà Bắc). Phật giáo Mật Tông thiên về loại hình “Cối Kinh” . Phật Giáo Tiểu thừa lại thiên về loại tháp "bát úp" xây theo hình quả chuông.Những ngôi tháp nầy chính là ngôi đền thờ, trong đó thờ đức Thích Ca Mâu Ni.

 

Đạo Phật Việt Nam đời Lý (1010-1225) và đời Trần (1226-1400) đã có sự chuyển biến đồng hành với tinh thần độc lập dân tộc. Mặc dầu ảnh hưởng của một một nền Phật học Hán Tạng du nhập từ Trung Quốc quá lâu dài và nặng nề; nhưng sự vươn mình của đạo Phật Việt Nam ra khỏi quán tính Trung Hoa không bao giờ ngừng nghĩ. Thể hiện đậm nét nhất là nghệ thuật kiến trúc chùa tháp:  Điện Phật được mở ra rộng rãi hơn và thờ ngôi Tam Bảo là chính. Những bảo tháp không còn được đặt vị trí trung tâm, mà được xây trước chùa hay hai bên chùa. Có bốn bảo tháp lớn được xây dưới triều Lý Thánh Tông là: Tháp Báo Thiên (1057) tháp Tường Long (1059), tháp chùa Phật Tích (1066) và tháp Thăng Bình (1068). Vua Lý Nhân Tông cũng cho xây rất nhiều tháp. Có những tháp phải xây trong nhiều năm mới hoàn tất.

 

Vào đời nhà Lý các tháp thường là kiến trúc chính, là trung tâm điểm của toàn bộ ngôi chùa. Tuy nhiên các tháp của đời Trần đều là những kiến trúc có tính chất phụ thêm cho quần thể chùa chiền.

 

Các bảo tháp xây dựng đời nhà Trần là sự tiếp nối công trình xây dựng đời Lý. số lượng khá nhiều, có vị trí quan trọng trong kiến trúc Phật Giáo của giai đoạn nầy. So với những tháp đời Lý, tháp đời Trần có kích thước và hình dáng thanh và gọn hơn, tuy nhiên, mô thức đại cương đều giống nhau. Những ngôi tháp nầy được dựng lên với mục đích làm nơi thờ Phật và lưu giữ những di tích mang tính chất kỷ niệm của Phật giáo. Điển hình là các tháp Phổ Minh (Hà Nam Ninh), tháp Bình Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phú) tháp Bảo Thắng (Quỳnh Lâm, Quảng Ninh)... Cũng có tháp để làm mộ của các sư tăng, như các tháp của vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang (Trúc Lâm tam Tổ) ở Trúc Lâm Yên Tử.

 

Qua đời Lê, Nguyễn thì sự phát triển chùa chiền ứng hợp với sinh hoạt xã hội trực tiếp hơn là ở tầm cao mang tính tượng trưng thời Lý Trần. Tuy những hình thức bảo tháp cũng được tôn vinh và phát huy xây dựng khắp nơi nhưng không trở thành trung tâm điểm của một ngôi chùa hay một quần thể chùa chiền.

 

Phần lớn những bảo tháp thời Lý Trần có tuổi cả 1000 năm thì chỉ còn lưu tên gọi hay ở dạng phế tích, cổ sử hoặc vẫn tồn tại dưới dáng vẻ tôn tạo, phục chế hay trùng tu. Ngày nay, các bảo tháp còn tồn tại gần với sơ bản nguyên thủy nhất là các bảo tháp đời Nguyễn. Số lượng nhiều nhất là ở Huế.

 

 

Tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ

 

 

Hành hương qua bảo tháp

 

Mùa Xuân năm nay, 2012, tôi có dịp viếng một số bảo tháp của các chùa Việt Nam. Tháp cổ xưa tuổi cả ngàn năm như chùa Bảo Tháp ở Thanh Trì bên bờ sông Nhuệ. Tháp xây khi tôi còn là thanh niên như tháp Vĩnh Nghiêm ở Sài gòn. Tháp mới tạo dựng còn nước sơn nguyên thủy đầu tiên như tháp chùa Linh Ứng ở Bãi bụt Đà Nẵng. Tháp mới nhất là tháp chùa Từ Đàm ở Huế.

 

Nếu khách hành hương hiếu kỳ với những con số “kỷ lục” thì viếng Tháp Báo Ân (Hà Nội). Tháp được xây dựng trong khuôn viên chùa Bằng A. Đây là ngôi bảo tháp cao nhất ở Việt Nam mà tôi được viếng. Tháp có 13 tầng, cao 57 mét. Bên trong thờ 104 pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng. Chung quanh tháp có 4 pho tượng tứ trấn Thiên Vương bằng đá. Trên 8 cửa ở tầng 1 có 8 pho sách đúc bằng đồng, chạm nổi những bài thiền kệ. Bên cạnh tháp là 18 pho tượng La Hán. Khi đứng ngoài, từ xa nhìn tới và từ dưới nhìn lên, ban đầu tôi có một cảm giác hơi lạc lõng vì dáng tháp quá cao, vượt hẳn với quần thể chung quanh. Nhưng khi vào bên trong, nội dung bài trí nghệ thuật và hòa điệu tạo nên một cảm giác thanh thản và an lạc.

 

Trên đường từ Bắc vào Nam, nếu vẫn còn thích chút lãng mạn đá mòn, rêu nhạt thành cổ, đường xưa... thì nên dừng chân ở Huế là nơi vẫn còn  nhiều bảo tháp. Những bảo tháp rất cổ nhưng vẫn còn đứng vững với thời gian là tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ, tháp Bồ Đề chùa Từ Hiếu, tháp Nguyên Thiều chùa Quốc Ân, tháp Liễu Quán chùa Thuyền Tôn... và bảo tháp mới nhất ở Huế là tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm, xây dựng và hoàn thành cùng thời với việc đại trùng tu chùa vào năm 2009. Tháp có 7 tầng, cao 27 mét. Bên trong đặt tượng Phật 7 đời trong quá khứ. Tháp có tên Ấn Tôn vì nguyên gốc chùa Từ Đàm do thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn vào thế kỷ 17 lấy tên là Ấn Tôn có nghĩa là lấy sự truyền tâm làm tôn chỉ. Năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong cho chùa là “Sắc Tứ Ấn Tôn Tự”. Đến năm Thiệu Trị 1841, chùa được đổi tên là Từ Đàm, có nghĩa là đám mây lành.

Nếu ở Huế, tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ tạo nên hình tượng bảo tháp như một lời thơ thiền hòa điệu với cảnh chùa và thiên nhiên, sông núi bao la thì ngược lại, tháp Ấn Tôn chùa Từ Đàm làm cho không gian tự nhiên của tổng thể ngôi chùa bé lại vì kiến trúc đồ sộ của khung kỹ thuật đã vượt lên phần mỹ thuật. Hơn thế nữa, bảo tháp thường hiện hữu giữa cảnh núi sông chứ núi sông không hiện sinh từ trong lòng bảo tháp.

 

Trước khi về lại xứ sở vắng bóng “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...” tôi đến viếng tháp Vĩnh Nghiêm. Bốn mươi năm tôi mới về thăm lại chùa Vĩnh Nghiêm Sài gòn (cũng có một chùa Vĩnh Nghiêm khác ở miền Bắc). Từ xa đã thấy tháp Quán Thế Âm chùa Vĩnh  Nghiêm sừng sững với dáng uy nghi, cân đối và mỹ thuật. Tháp có 7 tầng, cao 40m, nằm phía bên phải cổng tam quan. Gần 20 năm sau, 1982, một tháp khác của chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng bên phải, cao 25m, nằm phía đằng sau chùa ở một vị trí khuất và kín đáo với khu vực công cộng. Đây là tháp cất giữ tro cốt người quá vãng đựng trong những bình sành do thân nhân mang tới ký tự với nhà chùa. Tháp tro cốt được đặt tên là “Tháp Xá lợi Cộng Đồng”! Đã có rất nhiều ý kiến góp ý về cụm từ “xá lợi” không thích hợp vì đây là tháp đựng tro cốt của người thường chứ không phải là “xá lợi” của các bậc tôn đức. Hiện nay tháp tro cốt chứa trên hai mươi mấy ngàn bình đựng thi hài người đã tịch diệt.

 

Năm 2003, một ngôi tháp bằng đá đặc, được khắc chạm đầy nghệ thuật, được dựng lên bên trái của chùa để thờ vị sáng lập chùa là hoà thượng Thích Thanh Kiểm và Thích Tâm Giác.

 

Khi bàn về hình ảnh “tháp chùa trong Văn Hóa Phật Giáo”, cách bố trí các ngôi tháp của Chùa Vĩnh Nghiêm đã cho tôi một ấn tượng khá sâu sắc. Nhà chùa có sự phân định rạch ròi: Đâu nơi thờ Phật (tháp Quán Thế Âm), đâu là nơi thờ Tổ khai sáng (tháp Đá), đâu là nơi phổ độ vong linh đại chúng (tháp Cộng đồng).

 

Thời Minh Trị, thiền sư Minh Đăng Tuệ Minzu Kaishiwa đã ban nội chỉ cho chư Tăng trước bảo tháp Kinkaku-ji ở Kyoto (1377), lời nhắn nhủ đã được nhắc nhở lại ngay sau trận động đất 2011: “Kiến thức vững vàng về các nguyên lý Phật học, khả năng ứng dụng và điều hợp nghiêm cẩn theo truyền thống văn hóa cửa thiền và ý hướng phát huy tình thần vô ngã không dính mắc là những công hạnh hàng đầu trong việc hộ trì Tam bảo của những vị trú trì tôn túc xưa nay. Đồng thời, đó cũng là nền tảng xây dựng bảo tháp tự chân tâm chứ không phải bằng xi măng và đá gạch đẽo, khiêng mang đến từ bên ngoài nên sẽ không có thiên tai nào phá hủy được”. (Kaishiwa, Japanese Stupas. 2011)

 

Khi có tin các thầy địa lý nổi tiếng của Trung Quốc ra tay cho xây dựng những tháp chùa để trấn yểm sự hưng thịnh của Phật giáo phương Nam, Tuệ Quang Tổ Sư đời Trần ghi trong pháp chỉ về nguyên tắc xây dựng chùa tháp như sau:

 

Chánh đạo bất kinh phong thủy bá

Chân tâm vô úy điện lôi thần

Tả, hữu, tiền đình duy Phật tháp

Bàng viên hậu điện vọng linh am

 

Tạm dịch:

 

Chánh đạo sá gì trò phong thủy

Chân tâm chẳng sợ sấm hung thần

Phải, trái, tiền đường xây tháp Phật

Vườn bên, nhà hậu cúng am linh

 

Nghĩa là khi xây dựng chùa tháp đúng chỗ như: Bên phải, bên trái, phía trước xây bảo tháp thờ Phật và vườn cạnh sau chùa có am vọng linh là đi đúng với chánh đạo, tâm thành thì chẳng còn lo gì chuyện phong thủy, sấm sét tinh ma đầy hư vọng.

 

Đạo Phật nhập thế không đồng nghĩa với thế tục hóa

 

Khuynh hướng “nhập thế, cứu thế” của Phật giáo Đại Thừa ngày càng thể hiện rõ nét trong xã hội ngày nay. Nhưng sự quan ngại lớn nhất của quá trình “đem đạo vào đời để cứu đời” là khả năng an trú trong giới luật của hàng tăng lữ và sức cuốn hút của tham ái giữa cuộc đời thường. Cuộc đối mặt giữa thánh và phàm đang trở thành một sự thách thức trực tiếp. Tuy thể hiện khi ẩn, khi tàng, khi biến tướng dưới muôn vàn hình thái nhưng vô cùng bạo liệt.

 

Nói đến đạo Phật, người ta thường nghĩ ngay đến nguyên lý nhà Phật là “vạn pháp giai thị Phật pháp”, nghĩa là toàn thể cuộc sống chẳng có gì bí ẩn vượt ra ngoài tầm nhìn của nhà Phật. Tuy nhiên, mỗi vật, mỗi việc, mỗi sự vật không khác nhau về bản chất tuyệt đối (tánh); nhưng lại đều khác nhau hình thái, dáng vẻ (tướng) và cách tác động, sinh hoạt, vận hành (dụng). Tất cả các bảo tháp xưa nay đều không khác nhau về tính rỗng lặng và quá trình biến hoại không ngừng nhưng lại khác nhau về hình thể, về cách sử dụng của nhà chùa nơi dựng tháp. Văn hóa chùa tháp là văn hóa tâm linh tiềm ẩn hay hiển lộ trong suối nguồn giáo lý nhà Phật. Bởi vậy, chùa tháp là nơi thờ tự và ngưỡng vọng. Tuyệt nhiên không phải là nơi trưng bày, cúng tế, lễ lạc mang nặng tính chất cầu xin, khoe mẽ hay mua bán. Những ngôi bảo tháp mà người viết có dịp trình bày trên đây, tuy có lịch sử cách xa nhau hàng nghìn năm nhưng đều có chung một đặc tính lịch sử là thanh tịnh, thiêng liêng. Chưa có trường hợp bảo tháp bị các hàng giáo phẩm tự viện lạm dụng, biến tướng thành những ngôi tháp chứa tro cốt nặng tính thị trường hơn là thuần khiết tôn giáo.

Đặc biệt là trong một hoàn cảnh văn hóa mới của người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, tính “dụng” của chùa tháp đang bị thách đố không ngừng trước khuynh hướng “thế tục hóa”.  Có thể đơn cử một trường hợp tham khảo (a case study) như sau:

 

Một ngôi chùa Việt Nam ở Mỹ vừa được tôn tạo với kinh phí hàng triệu đô la trong khu đất vườn chùa cũ. Trú trì chùa là một nhà sư trẻ, bản lĩnh, năng động, từ đất Việt sang định cư ở Mỹ trên dưới mười năm và lên hàng trú trì rất sớm. Vì nhu cầu xây dựng nhà chùa không giới hạn nên nhà sư thường xuyên bị cuốn hút vào công việc xây dựng: Hết chánh điện đến các dự án tượng đài. Tượng đài chưa xong đến lễ hội. Lễ hội vừa dứt đến tiệc gây quỹ. Đến viếng khu quần thể chùa mới xây, người ta hoa mắt và lòng thanh tịnh giảm xuống vì quá nhiều ảnh tượng Phật, bồ tát, la hán, chúng sanh, tượng đài, giả sơn, hoa viên, cổ mộc... được trưng bày la liệt khắp nơi. Kể cả tượng Quan Công râu dài mặt đỏ thủ đại đao và Trương Phi râu hùm dựng ngược to lớn hơn người thường đặt đứng gác ngay trước chánh điện.

 

Chùa có một dự án vừa mới khởi công là việc xây dựng một “bảo tháp” đựng tro cốt do một “đại gia” tài trợ. Sự quan ngại gây ra tranh cãi đầu tiên chưa phải vấn đề gì xa hơn là vị trí tháp tro cốt đặt không đúng chỗ. Từ cổng tam quan đi vào và tính theo chiều tiền - hậu của khuôn viên chùa thì tháp tro cốt ở bên phải và ngang tầm với bậc cấp bước vào chánh điện.

 

Nhà sư trú trì trả lời cho mọi sự góp ý với kết luận “tiến công” như sau: “Văn hóa Phật giáo phải được thay đổi và ứng dụng linh động theo hoàn cảnh mới ở Mỹ!”

Những vị góp ý và thỉnh ý trình bày như sau:

 

1. Đứng về văn hóa Phật giáo thì “tiền Phật hậu thánh” hay phát triển rộng trong dân gian sau nầy “tiền Phật hậu linh” là một nguyên tắc mềm dẽo nhưng “tùy duyên bất biến” của Phật giáo Đại thừa. Nguyên tắc nầy được vận dụng trong trường hợp nhà chùa có thêm phần “phổ độ chúng sanh” bằng phương thức sử dụng phần sau chùa (hậu linh) để thờ tro cốt của một số người quá vãng có thân nhân mang tới ký thác cho nhà chùa. Văn hóa Phật giáo có thể tùy hoàn cảnh và tùy nhu cầu mà hóa độ. Tuy nhiên, bảo tháp xây dựng dính liền hay ở vị trí trực tiếp với tiền đình của chùa chỉ thờ những biểu tượng của Phật và thánh chúng. Nhất định không được tùy tiện thờ nhục thân tro cốt của phàm nhân.

 

Đó là chưa bàn đến lý nhà Phật về thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) do duyên hợp mà thành. Khi hết duyên thì vạn sự đều không. Lập tháp thờ tro cốt trong chùa là chấp ngã. Muốn linh hồn vãng sanh thì phải cần “phá ngã vãng sanh”. Do đó, xiển dương việc giữ tro cốt người quá vãng lại trong chùa là phi Phật pháp.

 

2. Đứng về văn hóa Việt Nam thì “sống nhà, thác mồ” nên khi “mồ yên thì mả đẹp; động mả thì ngã mồ”. Thế nào là động, thế nào là an?

 

Trường hợp vua Tự Đức (1848-1883) thật đáng tham khảo. Trong số 13 vua triều Nguyễn, vua Tự Đức được xem là ông vua có kiến thức Tam giáo, đặc biệt là Phật học vững vàng và suốt đời rất có hiếu với mẹ. Khi có người tâu vua rằng, nên lo hậu sự cho mẹ vua là bà Từ Dũ bằng cách tìm một nơi trong những bảo tháp nổi tiếng nhất của Huế để gởi tro xác của bà khi quá vãng để bà được “văn kinh thính pháp”. Nhà vua đã trả lời rằng: “Mẫu hậu ta tuy là bậc mẫu nghi thiên hạ; tuy nhiên, vẫn chưa thoát ra khỏi vòng lục dục thất tình của nhân thế. Trong lúc lý nhà Phật coi vạn sự giai không và bảo tháp là nơi phụng tự những bậc xuất trần xuất thế. Việc thờ tro cốt trong chùa viện đã là việc không nên rồi. Nay lại tính chuyện đưa hậu thân của mẹ ta vào chung bảo tháp với các bậc thượng thừa Phật thánh thì khác nào nhốt chim đồng nội với rồng trên mây, với phượng hoàng trên núi vào trong chiếc lồng son Tam Bảo. Mới nghĩ đến cũng đủ làm cho mẫu hậu ta lo sợ rồi, nói chi đến bình tâm mà văn kinh thính pháp.” (Khải truyền. NXB. Đông Phương, 2001).

 

3. Đứng về văn hoá Âu Mỹ thì đặc tính quan trọng hàng đầu của văn hóa phương Tây là sự phân định rõ ràng giữa quyền tự do cá nhân và tập thể.  Một cơ sở xây dựng lên do sự đóng góp chung của đại chúng thì phải phục vụ đại chúng. Chùa, bảo tháp dựng lên là tài sản và phương tiện chung của tập thể. Nay biến chùa hay bảo tháp làm nơi “dưỡng linh, dưỡng địa”, phục vụ cho một số người đem quyền thế hay tiền bạc ra mua quyền lợi đặc thù là vừa không hợp tình mà cũng chẳng hợp lý trong hoàn cảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay.

 

Trong sách Hành hương qua những Di tích Bảo Tháp tại Việt Nam, nhà nghiên cứu cổ vật Trúc Sơn Trương Công Minh đã liệt kê khái quát lược sử, hình ảnh, di tích và phế tích của hơn 300 bảo tháp từ các chùa viện của Phật giáo Việt Nam. Ông nhận định rằng: “Bảo tháp là biểu tương văn hóa của một ngôi chùa. Nhưng càng ngày khuynh hướng thế tục hóa đã làm phai mờ dần hình ảnh thiêng liêng của bảo tháp. Có 3 trường hợp vô tình hay cố ý, tính ‘dụng’ của bảo tháp thường bị lạm dụng là: (1) Xây bảo tháp làm vật trang trí không đúng thời, không đúng chỗ cho một quần thể chùa chiền. (2) Xây bảo tháp để vinh danh và thờ phụng một hay nhiều nhân vật bất xứng nhưng được thế lực giàu có, quyền thế lợi dụng tôn xưng. (3) Xây bảo tháp để đựng tro cốt những người thường vô danh chẳng có công trạng gì với xã hội hay với ngôi tự viện phụng tự nhưng do thân nhân đem vàng bạc ra mua.” (TCM. Sđd;tr. 216)

 

Thời hiện đại, tác động tiền làm chủ – money talk – của kinh tế thị trường đang diễn ra sôi nổi, tạo ảnh hưởng vật chất thực dụng đầy tiêu cực đến mọi ngõ ngách trong cuộc sống.  Từ nhỏ đến lớn như tình cảm, đạo lý, phong hóa; từ cá nhân đến tập thể như mỗi người, thầy giáo, thầy thuốc, giới lãnh đạo; từ đời thường đến tâm linh như cửa tiệm, nhà buôn, chùa chiền, tu viện… rất khó có nơi nào tránh khỏi nanh vuốt cuốn hút của kinh tế thị trường. Không ít chùa chiền đã biến thành “Tiệm Phật” (chữ của Alan Maspero – Buddha Enterprises) với đủ màn đóng góp, cúng dường, gây quỹ thường xuyên. Cảnh báo chí quảng cáo rầm rộ, tệ nạn sân chùa thanh tịnh trang nghiêm biến thành sấn khấu ăn uống, bán vé, nhạc giựt xập xình, ca sĩ uốn éo, la hét hay nức nở những bản tình ca đầy “tam độc” trước sự “thưởng lãm” của chư tăng ni… không còn là giới cấm.

 

Một khi văn hóa tôn giáo bị lạm dụng và thoái trào thì đời sống tâm linh sẽ bị suy đồi và ảnh hưởng tiêu cực trên đời đời sống tinh thần sẽ kéo dài đến cả một, vài thế hệ.

 

Kết luận

 

Cuộc cách mạng truyền thông đại chúng và khoa học kỹ thuật hiện nay đã làm dấy lên những thử thách mới cho tôn giáo nói chung. Riêng đối với Phật giáo Việt Nam, vấn đề càng trở nên đa diện hơn – nếu không muốn nói là nhiêu khê và phức tạp – bởi tinh thần tự do phóng khoáng của đạo Phật đã theo trào lưu toàn cầu hóa mà mở ra quá nhiều hướng. Tuy nguyên tắc đa nguyên, đa hệ là môi trường lý tưởng của khả năng phát huy và sáng tạo; nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa của mầm mống phân hóa và phân tranh phe phái cục bộ như Phật tử trong cũng như ngoài nước đang chứng kiến và nếm trải trong những năm qua.

Đạo Phật có cương lĩnh thành văn rất minh bạch. Đó là giới luật, giáo chỉ, giáo pháp và kể cả giáo điều. Thế nhưng, có luật lệ và tự do dân chủ là một việc; còn có khả năng và tinh thần thi hành và sử dụng nghiêm chỉnh những luật tắc ấy hay không là việc khác.

 

Nhu cầu đời sống tâm linh của con người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay nặng tính xã hội nhân sinh nhiều hơn nhu cầu triết lý tư tưởng.  Do đó, tôn giáo ngày nay là đáp số cho khát vọng giải thoát hay cứu rỗi phần đời còn lại hơn là thênh thang đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn siêu hình xa xôi.  Trên những vùng đất mới, vai trò người tu sĩ đang bớt dần phần “tĩnh” như xưa mà chuyển sang phần “động” trước yêu cầu thực tế.  Hệ quả tất nhiên là đáng mừng vì đạo pháp có cơ phát triển và hưng thịnh hơn; nhưng đồng thờì cũng đáng quan ngại vì dưới sự tác động thiên hình vạn trạng của vật chất thì giá trị tâm linh sẽ rất dễ biến tướng theo nghiệp chướng của mô thức “kinh tế thị trường” trong tôn giáo.

 

Người viết bài nầy, mạo muội bàn đến những giá trị tâm linh của bảo tháp. Nhưng xin được nhấn mạnh về những Bảo Tháp tâm truyền nhiều hơn là những bảo tháp gạch đá thế truyền.

 

Kính chúc Tứ Chúng và mọi người mùa An Cư Kiết Hạ năm Nhâm Thìn đều xây dựng thành công một bảo tháp tâm truyền cho chính mình và tạm quên đi hình tướng những bảo tháp xây bằng gạch đá thế truyền đã khiến tâm mình bất tịnh.

 

Sàigòn – Cali mùa An cư kiết Hạ 2012

 

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3265
Ngày đăng: 26.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Triết Lý Âm Dương, Ngũ Hành Nghĩ Về Một Cách “Chào” Mang Bản Sắc Việt Nam - Mai Bá Ấn
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu -2 - Nguyễn Quỳnh USA
Viên Ngọc Quý Của Du Lịch Vũng Tàu - Đinh Văn Hạnh
Du lịch duyên hải nam Trung bộ: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ VĂN HÓA BIỂN - Đinh Văn Hạnh
Toward A Cultural World: Communicative Culture - Về Một Thế-Jới Văn-Hóa: Văn-Hóa Jao-Lưu - Nguyễn Quỳnh USA
Dân Chủ và văn hóa Việt Nam - Nguyễn Đăng Trúc
Nhìn Nhận Phạm Quỳnh Trong Quá Trình Phát Triển Văn Học Việt Nam Đầu Thế Kỷ XX Đến Năm 1945 - Trần Thanh Hà
Văn-Hóa Việt-Nam 18 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 17 - Nguyễn Thế Thoại
Văn-Hóa Việt-Nam 16 - Nguyễn Thế Thoại
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)