Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
728
116.469.059
 
Kinh Tế Phật giáo 5
Quán Như Phạm Văn Minh

 

Chương Sáu

Thần Học Kinh Tế

 

Nhiệm vụ chính tôn giáo tìm cách giải thích ý nghĩa đời sống, xác định vai trò của con người trong vũ trụ và hình thành một nhân sinh quan, hay nói như Aristotle, “chúng ta nên sống đời mình như thế nào”.  Nếu hiểu tôn giáo theo nghĩa khái quát như trên, tôn giáo truyền thống càng ngày càng thoái hóa và dần dần bị thay thế bởi hệ thống giá trị thế tục khác. Hiện nay khoa học đóng vai trò chính trong việc giải thích thế giới hiện tượng và kinh tế cung cấp một hệ thống giá trị mới: chủ trương tiêu thụ.

 

Các tôn giáo truyền thống càng lúc càng phản ứng thụ động, thường tiếp tục bám víu vào các nguyên tắc thần học đã bị thế kỹ ánh sáng bỏ rơi, như cấm ngừa thai, cấm ly dị hay chống trợ tử tự nguyện, biến tôn giáo thành một pháo đài kiên cố thay vì xem đó là con đường hành đạo. Các buổi truyền đạo trên truyền hình, ca hát như bị lên đồng lúc hành lễ, biến tôn giáo thành thứ quảng cáo thương mại rẻ tiền. Tôn giáo truyền thống không còn cung cấp sinh hoạt tâm linh nào khả dĩ có thể ‘giải hoặc’ hệ thống giá trị của kinh tế thị trường và chủ nghĩa tiêu thụ.

 

Các nhà kinh tế lúc nào cũng tự hào về tính “khoa học”, “khách quan” và không dính dáng tới một hệ thống giá trị nào và chắc chắn sẽ cực lực phải đối khi môn kinh tế bị gọi là một thứ ‘thần học’.

 

Kinh tế chủ nghĩa xã hội bị sụp đồ khi chiến tranh lạnh kết thúc, kinh tế tư bản độc chiếm ‘thị trường’ và trong quá trình toàn cầu hóa, đã tích cực rao giảng về một ‘thiên đường mới’, trong đó cái vòng lẩn quần sản xuất-tiêu thụ- tiếp tục sản xuất- tiếp thụ tiêu thụ không bao giờ chấm dứt. Quốc gia hối hả lo thi hành chánh sách để tăng trưởng kinh tế, cá nhân hối hả tiêu thụ như thể không có ngày mai, như hình ảnh của con chó tiếp tục đuổi theo cái đuôi của mình. Có người ví von thanh lịch hơn: chúng ta đuổi theo ‘nhu cầu’ tiêu thụ như một người tập thể dục, chạy trên một treadmill, càng chạy càng nhanh, nhưng trên thực tế vẫn đứng yên một chỗ! Nếu có ai hỏi các nhà kinh tế ‘khoa học, khách quan’ là, nếu trong quá trình sản xuất-tiêu thụ, thìên nhiên bị hủy hoại vì nguyên liệu không tái tạo bị khai thác một cách vô trách nhiệm, họ trả lời tài nguyên chỉ là một nhu yếu trong quá trình sản xuất và cần thiết để tăng trưởng kinh tế. Nếu được hỏi là nếu quê hương xanh của chúng ta bị đe dọa trầm trọng vì thiên tai, hạn hán bất thường, có phải do hậu quả của hiện tượng global warming gây ra không, các nhà kinh tế trả lời nhiệm vụ chính của mình là giúp kinh tế tăng trưởng, còn việc bảo vệ môi trường là công việc của các nhà tranh đầu cho môi trường.  Trong tiến trình toàn cầu hóa, nếu nhân công các nước nghèo được trả lương với giá rẻ mạt và việc làm chỉ còn là phương tiện kiếm tiền để tiêu thụ và như thế lao động mất hết ý nghĩa sáng tạo, họ trả lời các nước nghèo nên cám ơn toàn cầu hóa đã đem công ăn việc làm cho công nhân thay vì than phiền. Đối với họ, lao động là yếu tố trong quá trình sản xuất và chi để ý chi phí lao động ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Nếu có ai hỏi tại sao kinh tế thị trường tăng trưởng trong hơn 20 năm qua, tại sao hiện nay một phần năm nhân loại vẫn chưa có nước sạch để uống và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn trẻ em ở Phi Châu và Đông Á chết vì thiếu dinh dưỡng hay vì đói, các nhà kinh tế trả lời họ không phải là nhà chính trị và không có trách nhiệm phân phối lợi tức. Cuối cùng nếu có ai hỏi tiêu thụ có đem đến hạnh phúc không, họ cho đây là nhiệm vụ của tôn giáo. Tuy nhiên họ cam đoan là nếu cứ để guồng máy kinh tế hoạt động tự nhiên, thế nào cũng có một ngày nhân loại sẽ hưởng thành quả tốt đẹp.

 

Các nhà kinh tế gia không chịu nhận chính họ là những nhà truyền đạo mới trong thời hiện đại hứa hẹn một thiên đường hạ giới của một tôn giáo mới: tôn giáo tiêu thụ!

 

Khoa học hay thần học?

 

Chưa có thời đại nào tất cả mọi giá trị của đời người được quyết định bởi một tiêu chuẩn duy nhất là lợi nhuận. Những hậu quả khốc hại như môi sinh bị tàn phá, bất công xã hội và hố sâu giữa người giàu và nghèo trong một quốc gia và giữa các quốc gia, sự sa đọa phầm chất con người và giá trị đạo đức được biện chính bằng ‘tư lợi’ ‘tăng trưởng’. Các nhả kinh tế không ngần ngại giả định ‘bản chất’ con người là tham lam và luôn luôn vì tư lợi và tham lam là điều tốt vì là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế ca ngợi mánh mung có giá trị kinh tế trong khi công bằng chẳng đem lại lợi ích nào cả. Fair is foul and foul is fair.

 

Các giả định của kinh tế thi trường gần gũi với các giả định của thần học KiTô-Do Thái hơn là có tính khoa học, nếu chúng ta hiểu khoa học như các phương pháp khách quan được sử dụng trong khoa Vật lý hay hóa học. Khi giới thiệu Kinh Tế Phật Giáo trong Small Is Beautiful, E. F. Schumacher đã phê bình các nhà kinh tế bị ‘mù lòa về siêu hình’. Giả định bản chất con người tham lam, hành động bị thúc đầy vì tư lợi là một hệ luận tất nhiên của thần học Ki Tô và Do Thái và chủ nghĩa cá nhân trong xã hội Tây Phương. Giả định về ‘bản chất’ con người chẳng khác gì các ‘giả định’ của Khổng Mạnh về con người ‘nhân chi sơ, tính bản thiện’, ‘bất nhẫn chi tâm’, hay giả định bản tính con người là Ác như Tuân Tử, hoặc giả định của Phật Giáo xem con người có đủ cả hai chủng tử thiện ác.

 

 

Daniel Kahneman

 

Một giả định khác của kinh tế thị trường là con người khi chọn lựa các hoạt động kinh tế thường dựa trên tiêu chuẩn ‘hợp lý” và gọi kinh tế học là kinh tế thuần lý, Economic Retionalism. Ba năm trước đây, Giáo sư Daniel Kahneman, người chia giải Nobel kinh tế với Vernon Smith, không phải là một nhà kinh tế, mà là một tâm lý gia.  Kahneman nhận thấy rằng khi chọn lựa một quyết định kinh tế, tứ một thanh thiếu niên 15 tuổi đến một người có bằng tiến sĩ, đều dựa trên nhận thức chủ quan về mối nguy hiểm có thể đưa đến, thay vì cân nhắc lợi hại dựa trên lý trí. Nghĩa là những lựa chọn của người tiêu thụ thường dựa trên yếu tố tình cảm. Mặc dù giả định ‘bàn tay vô hình’ của Adam Smith điều khiển các hoạt động kinh tế một cách ‘hợp lý’ đã bị bất tín nhiệm từ lâu, các nhà kinh tế thị trường vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến tánh cách ‘tất nhiên’ của của các hoạt động và hậu quả kinh tế. Các nhà kinh tế này ‘tin rằng’ kinh tế có những định luật ‘tự nhiên’ và ‘tất yếu’ như các định luật tư nhiên trong vật lý! Dùng các biện pháp ‘nhân tạo’ để can thiệp có thể làm đảo lộn trật tự kinh tế, và do đó có thể ảnh hưởng đến ‘an sinh’ của con người về lâu về dài. Các kết quả kinh tế bao giờ cũng công bằng và không thể tránh được. Can thiệp chỉ lảm cho ngày đến ‘thiên đường hạ giới’ chúng ta càng xa thêm. Chúng ta phải ‘tin’ vào vận hành tự nhiên của kinh tế và sẽ có một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều được hưởng tiện nghi do thành quả kinh tế. Các lời hứa này chúng ta đã quen tai, từ nước Chúa đến thiên đường. Thêm một giả định vế thiên đường tiêu thụ cũng không hại gì.

 

Những giả định này đã trở thành những ‘giáo điều’. nghĩa là có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi văn hóa, mọi quốc gia. Nếu hiện nay vẫn có những những hậu quả tai hại như sinh môi bị tàn hại, bất công xã hội. đó là những phản ứng phụ cần phái có trong quá trình phát triển! Không có gì phải lo và giữa vững lòng tin, thế nào cũng có ngày chúng ta đến thiên đường hạ giới. Giáo hội kêu gọi con chiên hết một lòng tin vào Thiên Chúa, các nhà kinh tế thị trường cũng kêu gọi người tiêu thụ giữ vững niềm tin của mình.  Hai giả định dựa trên trực giác và lòng tin hơn trên lý trí: nếu đừng can thiệp kết quả của hoạt động kinh tế luôn luôn hợp lý và công bằng.

 

Hoạt động của thị trường tư bản tuân theo một định luật tự nhiên, cũng như luật tự nhiên của Vật lý hay Hóa học. Đúng theo tinh thần duy lý của thời hiện đại, các nhà kinh tế cố gắng đồng hóa luật kinh tế tự nhiên với luật tự nhiên của khoa vật lý. Các gì tung lên thì phải rơi xuống. Cung ít cầu nhiều thì giá phải lên. Kết quả kinh tế đương nhiên không thể tránh được. Nếu có ai có người hỏi là dựa trên nền tảng nào để kết luận kết quả của thị trường không thể nào tránh được, các nhà kinh tế học không có câu trả lời nào khác hơn là họ ‘tin’ như vậy.

 

Sự tràn ngập của kinh tế thị trường trên thế giới không đưa đến những ‘tự do kinh tế’, hưởng được thành quả của thiên đường kinh tế như các lý thuyết gia tiên đoán, ít ra cho đám đông nghèo khổ trong các quốc gia chậm phát triển và người nghèo trong các nước giàu có, dù rằng định nghĩa về mức nghèo khó có thể khác nhau.

 

Kinh tế tư bản toàn cầu chứa đựng nhãn quan về thế giới và hàm chứa một hệ thống giá trị về cuộc đời, cũng như bất cứ một tôn giáo và triết lý nào khác. Nó hàm chứa quan niệm về hữu thể học và đạo đức, ‘hướng dẫn’ các tín đồ, trong trường hợp này là người tiêu thụ, cách ở đời.

 

Hệ thống kinh tế thị trường phát sinh từ điều kiện lịch sử, cách mạng kỹ nghệ, với mục đích tổ chức một ‘trật tự mới’, nghĩa là nó có thể thay đổi, phát triển, biến hóa sang một hướng mới. Không làm gì có chuyện ‘không thể tránh được’.

 

Với một phái bộ ‘truyền giáo’ hữu hiệu, tức là những nhà kinh tế thị trường, với một thần học truyền thừa từ Ky Tô và Do Thái Giáo và chủ nghĩa cá nhân Tây Phương, tôn giáo thế tục mới còn có phương tiện và tài nguyên vĩ đại do các tổ hợp quốc tế, cơ quan truyền thông và kỹ thuật quảng cáo để ‘cải đạo’ hàng tỷ tín đồ mới, từ các nước nghèo Phi Châu và Đông Á, cho đến thanh thiếu niên nam nữ tại các nước phát triển. Thanh thiếu niên điển hình, nghèo cũng như giàu, ở Tây Phương uống coca cola, ăn hamburgers, mang giày Nike, CD Walkman và smart phone. Tất cả đều là sản phẩm các Logo nổi tiếng. Các hãng quảng cáo đã dùng các nhà tâm lý chuyên nghiệp truyền bá kỹ thuật nhồi sọ đám đông. Không phải chỉ có đám đông bình thưởng phản ứng theo tâm lý tập thể, mà ngay chính những trí thức lỗi lạc ở các viện đại học đã quên mất tinh thần phê phán cố hữu, đã góp tay đào tạo những nhà truyền giáo tương lai cho kinh tế thị trường. Ở viện đại học Sydney vào cuối thập niên 70 đã có cuộc tranh chấp kịch liệt giữa hai phân khoa kinh tế chính thống và kinh tế chánh trị. Khoa trưởng phân khoa Kinh Tế Chánh Trị cuối cùng bị áp lực phải từ chức và phân khoa này phài sát nhập vào kinh tế chính thống. Phân khoa kinh tế chỉ còn đào tạo các chuyên viên thương mại, tài chánh, kinh toán, quản trị cho guồng máy của kinh tế thi trường. Các tổ hợp quốc tế chỉ cần những người truyền đạo này chớ không cần đến những nhà kinh tế phê phán, vì một ngày nào đó, những người này có thể trở thành những người nổi loạn từ bên trong, như Joseph Stiglitz .

 

 

Joseph Stiglitz

 

Phương tiện ‘truyền giáo’ hữu hiệu nhất là quảng cáo. Ti vi, báo chí, ngoài đường góc phố, khu thương mại, không có chỗ nào là không tràn ngập quảng cáo để quyến rũ chúng ta tiêu thụ. Theo Clive Hamilton trong tác phẩm Affluenza, mỗi ngày một người dân Mỹ nhận được 9 ngàn quảng cáo dưới nhiều hình thức! Theo một báo cáo của Ủy Ban Phát Triển Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, các tổ hợp và cơ sở thương mai thế giới đã dành một ngân sách là 435 tỷ đồng cho việc quảng cáo, trong đó tiền quảng cáo của các tổ hợp Mỹ chiếm một nửa ngân sách trên. Các nhà truyền giáo thời thực dân phải thành lập phái bộ truyền giáo đi năm châu bốn bể để ‘dành’ tín đồ, cải đạo từ dân bản xứ. Ngày nay các tổ hợp kinh tế có đủ phương tiện truyền thông để tẩy não tập thể. Các quảng cáo hàm ý là nếu không tiêu dùng các sản phẩm có Logo mắc tiền là…quê mùa, không giống ai! Các thể tháo gia, nghệ sĩ nổi tiếng, người mẫu sexy đã được mướn để quảng cáo sản phẩm. Tư hang cùng ngỏ hẻm, trẻ em giàu, nghèo đều đòi hỏi cha mẹ mua những sản phẩm này mang mặc do giống thần tượng của mình. Giá thị trường của các sản phẩm này được khuếch đại lên hàng trăm lần để bù đắp vào chi phí quảng cáo. Có nhiều trẻ em da đen ở Mỹ sẵn sàng mua giày và áo thung có logo, mặc dù cha mẹ các em sống nhờ food stamps.

 

Có một vài quảng cáo thông minh có thể làm người tiêu thụ cười hay suy nghĩ, tuy nhiên phần lớn nhằm khích thích ham muốn tình dục và dùng kỹ thuật tâm lý kích thích đua đòi và những người không chịu tiêu thụ là ‘thua’ láng diềng. Người tiêu thụ cảm thấy rối loạn vì quảng cáo tràn ngập và không còn phân biệt đâu là nhu cầu và ham muốn. Nhiều người bị nhiễu loạn tâm lý, cái gì cũng muốn nhưng không bíết mình thực sự muốn gì. Càng ham muốn tiêu thụ thì càng thấy ‘thiếu’. Nói như các hiền triết Đông Phương, chúng ta không biết khi nào là đủ, cho nên không bao giờ thấy đủ và không biết là lúc nào nên dừng lại.  

 

Dựa trên căn bản khoa học nào các nhà kinh tế thị trường cho rằng động cơ thúc đầy con người hành động là tư lợi? Trong lịch sử nhân loại có bao nhiêu người đã coi thường mạng sống, nói chi là tư lợi nhỏ nhen, để hy sinh cuộc đời mình cho đại cuộc, đồng bào, đất nước? Kinh tế thị trường cho rằng các luật lệ vận hành kinh tế là các luật ‘tự nhiên’ như các định luật vật lý. Kinh tế không thể đặt ngang hàng với vật lý về tiêu chuẩn khoa học. Khoa kinh tế dù dùng biểu đố, thống kê và toán học  nhưng không thể nào đặt ngang hàng với các khoa học thuần lý và thực nghiệm, không có những định luật hay mô thức kinh tế nào có thể gọi là duy lý và không thể tránh được. Từ ngữ economic rationalism là từ ngữ tự mâu thuẫn. Như Daniel Kahneman đã nhận định, phần lơn những chọn lựa kinh tế liên hệ đến nhu cầu thiết thân của con người, trong đó có nhu cẩu tình cảm, như nhu cầu được chấp nhận mình vào một đoàn thề, như cầu được người khác yêu thương và kính trọng. Các định luật kinh tế không những không hiển nhiên, mà còn bất trắc và nhiều khi không thể tiên đoán được. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, mức tăng trưởng mức thất nghiệp thường xảy ra bất ngờ như một cơn bão và khi biết ra thì đã quá muộn. Mặc dù hình ảnh bàn tay vô hình của Adam Smith đã bị phủ nhận từ lâu, nhưng các nhà truyền đạo cổ võ cho tôn giáo tiêu thụ tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố ‘tất nhiên’ này chỉ để nhắm đến một hậu ý: tránh sự can thiệp vào các vận hành ‘tự nhiên’ của tiến trình kinh tế!  Trong xã hội Tây Phương, ít nhất cho đến thời phục hưng, không có một lý thuyết kinh tế không liên hệ đến đạo đức. Thời Adam Smith kinh tế được dạy trong các đại học như là một bộ môn triết lý. Trong các xã hội truyền thống Đông Phương nơi quyền lợi tập thể được xem là thiêng liêng, các hoạt động kinh tế không bị tách rời khỏi sinh hoạt xã hội. Cá nhân và tư lợi chỉ được chú trọng tới khi thần học Ky Tô sụp đổ và khi các giáo phái thệ phản giải thích lại sự cứu rỗi và mối truyền thông với Thượng Đế. Thượng đế thần học cũ đã chết như Nietzche tuyên bố và Thượng đế kinh tế ích kỷ và tư lợi ra đời. Nguồn gốc thần học của kinh tế thị trường đã hiện nguyên hình.

 

Nhà xã hội Max Weber đã khám phá ra mối liên hệ giữa thần học Tin lành và kinh tế thị trường. Tác phẩm Đạo Đức Tin Lành và Tinh Thần của Chủ Nghĩa Tư Bản, chính tư tưởng Calvin đã khuyến khích đề nghị tiêu chuẩn cho những người được chọn lựa và cứu rỗi ngay tại đời này: sự thành công về mặt kinh tế được chấp nhận như là dấu hiệu được Thượng Đế cứu rỗi. Tuy nhiên tư tưởng Puritan khuyến khích tín đồ tiếp tục sống một cuộc đời thanh bạch và khắc kỷ, thay vì tiêu xài cá nhân, tiếp tục đầu tư vào tư bản sản xuất. Tuy nhiên hình ảnh Thượng Đế càng ngày càng mờ nhạt, các nhà tư bản không còn giữ tinh thần khắc kỷ, và tư bản thay vì là một phương tiện chứng tỏ mình được cứu rỗi, trở thành mục đích tối hậu của hoạt động kinh tế. Tư lợi không những trở thành động cơ chính trong các hoạt động kinh tế, tiêu thụ trở thành mục đích tối hậu của đời người. Cả hệ thống kinh tế khuyến khích mọi người cùng tiêu thụ, tiếp tục tiêu thụ, không có gì ngoài tiêu thụ. So help me God! Không còn tin vào sự cứu rỗi ở đời này cũng như đời sau,  mọi người xem hưởng thụ tiện nghi vật chất trở thành tiêu chuẩn giá trị duy nhất. Mối lo sợ của Nietzche đã thành sự thật: sau khi thượng đế thần học đã chết, con người đã sống trong xã hội hư vô như những loài ngạ quỷ: giá trị tâm linh không còn, chết là hết, sống ngày nào cứ hưởng thụ thả cửa ngày ấy!    

 

Nếu tư lợi là động cơ chính trong guồng máy sản xuất, các hạt giống tham và si được tưới tẩm trở thành ‘tươi tốt’ nhất. Hạt giống tham lam biến con người chạy theo tư lợi và ham muốn tiêu thụ mà họ biết là không bao giờ thỏa mãn được. Đã tham lam thì không còn tình nghĩa và đạo đức. Không có tôn giáo nào khuyến khích tham lam, ngay cả đạo đức Tin Lành cũng khuyến khích tín đồ sống khắc kỷ, trong sạch và chỉ dùng thành quả vật chất như bằng chứng cho thấy mình được chọn lựa. Giáo pháp của đức Phật về điểm này rất minh bạch: tham và si làm con người chìm đắm trong ái dục và làm con đường giải thoát càng ngày càng xa thăm thẳm. Giả sử như tham lam tư lợi là đức tánh ‘tự nhiên’ đi nữa, các tôn giáo cũng khuyến khích tín đồ tiết chế long tham lam, không có công khai cổ võ như kinh tế thị trường. Phật giáo khuyến khích tín đồ hành trì lục mật, trong đó quan trọng nhất là bố thí và Phật tử dù sơ cơ đến mấy cũng đều biết tham là một trong những trở ngại lớn nhất trên đường tu tập.

 

Những lời tuyên bố như ‘Greed is good”, “ Foul is Fair” cho thấy hệ thống giá trị của kinh tế thị trường là phản đề của tất cả tôn giáo truyền thống. Về phương diện tôn giáo, tự tánh ‘tư lợi’ là một diễn dịch méo mó của thần học Tin Lành và về phương diện văn hoá và lịch sử, nó thừa hưởng chủ nghĩa cá nhân thực dụng của Tây Phương. Giáo điều này phải được thách đố trên bình diện đạo đức, thực chứng, công bằng xã hội. Đối với Phật giáo, đây không thể hiện chính kiến và là biểu hiện của vô minh, cần phải được ‘giải hoặc’.  David Loy cho rằng nguyên tắc chống bất công xã hội của các tôn giáo được thần không đủ sức thuyết phục người tiêu thụ chống lại cơn sóng thần kinh tế thị trường mà cần có một sự chuyển hóa tâm linh, như ‘lộ đồ’ hành trì bát chánh đạo của đạo Phật. Có chánh kiến, trí tuệ, chúng ta sẽ thấy là việc tích tụ tài sản và tiêu thụ thả cửa không làm cho chúng ta hạnh phúc. Khi đói khổ, chúng ta nói ‘dĩ thực vi thiên’ hay ‘có thực mới vực được đạo’. Nhưng khi đã được ăn no mặc ấm, thay vì tiếp tục bị ám ảnh bởi ăn ngon mặc đẹp, chúng ta biết chúng ta còn có những nhu cầu thiết thân khác, như nhu cầu tâm linh, văn hóa, nghệ thuật…Biết đến đâu là tri túc, tri chỉ, ngừng lại ở ngưỡng cửa vật chất, là biết bắt đầu con đường hạnh phúc. Người Tây Phương cũng không nói gì khác hơn: chúng ta không thể sống không có bánh mì, nhưng cũng không sống chỉ vì bánh mì. Tục ngữ Việt nam thẳng thừng hơn: ăn để sống, không phải sống để ăn. Ăn no mặc ấm xong, chúng ta cần thỏa mãn những nhu cầu thanh cao khác. Đông Tây gặp nhau ở chỗ này: trung đạo của đạo Phật gặp gỡ 

 

Một nhà sử học Pháp, cho cuộc cách mạng kỹ nghệ đã làm một cuộc cách mạng về ‘nhu cầu’, hay nói đúng hơn chuyển hoá nhu cầu thành ham muốn không bảo giờ có thể thoả mãn được. lồ ‘thổi phồng’ và nhào nặn lên. Đây là quá trình tẩy não người tiêu thụ nhằm chế tạo ra những ‘nhu cầu’ giả tạo để vận hành guồng máy kinh tế và tạo ra lợi nhuận cho các tổ hợp. Nếu đây là như cầu ‘tự nhiên’ cần thoả mãn, tại sao các tổ hợp thương mại bỏ ra những món tiền quá lớn để quảng cáo? Các nhà kinh tế tiếp tục biện chính bằng lý luận như guồng máy vận hành ‘tự nhiên’ và không nên ‘can thiệp’ để thay đổi các kết quả này, cho dù ‘cơn mê tăng trưởng’ đã gây ra tàn hại cho hệ thống sinh thái, tạo ra những bất công xã hội lớn lao không tiền khoáng hậu và hủy hoại tận cùng nền tảng đạo đức, Đông cũng như Tây. Nếu đạo đức tiêu thụ phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nó có thể thay đổi và cần thay đổi.  Homo sapiens đã bị thu nhỏ thành Homo economicus. Lối ăn tiêu thả cửa đã làm các mối liên hệ xã hội sụp đổ và một hậu quả nghịch lý là càng tiêu thụ, dân chúng ở các nước phát triển càng thấy không thoả mãn và không cảm thấy hạnh phúc. Giả sử nhưng chúng ta đều đồng ý với Đức Đạt Lai Lạt Ma là ai cũng đều muốn hạnh phúc, câu hỏi căn bản từ thời Aristote trở lại ám ảnh chúng ta: chúng ta nên sống cuộc đời như thế nào để được hạnh phúc an lạc?

 

 

Chương Bảy

 

Nhân chứng từ bên trong

 

Trong chương trước chúng tôi đã lược qua những nhận định và phê bình về nền tảng kinh tế từ những triết gia và các nhà đạo đức, như của David Roy, giáo sư  triết lý. Các nhà kinh tế dĩ nhiên muốn bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của những ai không phải là ‘kinh tế gia’.  

Sau đây, chúng ta thử xét qua lý luận của một nhà kinh tế ‘đúng nghĩa’ được ấn chứng của các đồng nghiệp. Người đó chính là Amartya Sen, người được giải Nobel về Kinh Tế năm 1998, hiện là Giáo Sư kinh tế tại đại học Harvard. Sen là một nhân chứng từ bên trong. Sen sẽ nói về những giả định nền tảng của kinh tế như động lực tư lợi, tính hợp lý và khoa học của kinh tế. Đây đích thực là luận cứ của nhân chứng từ nên trong.  

 

 

Amartya Sen

 

Có mấy điểm đáng chú ý về Amartya Sen. Ông gốc Ấn Độ, Giáo Sư về Kinh Tế và Triết Lý, chủ tịch Hội Kinh Toán, chủ tịch hội Kinh Tế Gia Ấn - Mỹ, cũng như hội kinh tế toàn cầu. Ông tốt nghiệp đại học Cambridge, chuyên về kinh tế phát triển và kinh tế an sinh.

 

Ấn Độ là quốc gia dân chủ lớn nhất toàn cầu. Dù độc lập đã hơn nửa thế kỷ, phần lớn dân Ấn hiện nay vẫn chưa được hưởng tiện nghi kinh tế tồi thiểu. Cho nên chẳng ai lấy làm lạ khi thấy Amartya Sen viết nhiều về nguyên do bất bình đẳng như Về Bất Bình Đẳng Kinh Tế (On Economic Inequality) (1973, 1997), Nghèo Đói (Poverty and Famines), Tài Nguyên, Giá Trị và Phát Triển (Resources, Values and Development) (1984) Duyệt Xét Lại Bình Đẳng (Equality Reexamined) (1992) và hai tác phẩm ‘giải hoặc’ luận điệu của nhóm kinh tế Tân Cổ Điển về động lực tư lợi và tính hợp lý của kinh tế học: Phát Triển như là Tự Do (Developmemt as Freedom (1999) và Lý Tính và Tự Do (Rationality and Freedom (2002). Phần lớn tài liệu và lập luận trong bài này dựa trên lập luận của Amartya Sen trong Bàn Về Đạo Đức và Kinh Tế (On Ethics and Economics (1987). 

 

Đường Đi Không Hai

 

Cha đẻ của kinh tế tư bản, John Stuart Mill, trong Principals of Political Economy, cảnh cáo là những người nào muốn đi vào ngưỡng cửa kinh tế phải bỏ lại bên ngoài tình cảm cá nhân, bao giờ cũng phải ghi nhớ động lực ‘nguyên chất, giản dị và cứng rắn’ của các hoạt động kinh tế đã được tôn sùng từ thời Adam Smith: tìm mọi cách tăng tối đa quyền lợi của mình. Con người kinh tế là con người ‘thực tế’, không phải là triết nhân sống trên mây hay như hiền giả sống ở thời rạng đông của lịch sử, thường được gọi là thời Trục, từ Đức Phật, Khổng Tử ở phương Đông, đến Socrate hay Aristote ở phương Tây. Tuy nhiên các nhà kinh tế tân cổ điển chỉ muốn nhớ những nguyên tắc nào của Adam Smith có thể biện minh cho lý thuyết tự do cạnh tranh và cố tình bỏ quên những yếu tố đạo đức trong The Wealth of Nations The Theory of Moral Sentiments, và quên rằng Smith là Giáo Sư Triết Lý Đạo Đức tại đại học Glasgow và môn kinh tế thời đó được dạy ở Đại Học Cambridge như là môn ‘khoa học về đạo đức’!  

 

Kinh tế càng ngày càng chiếm địa vị quan trọng trong chương trình giảng dạy tại đại học cũng như trong đời sống quốc gia, trở nên độc lập với triết lý trong đại gia đình ‘khoa học xã hội’. Đến năm 1930, trong tác phẩm An Essay on the Nature and Significance of Economic Science, Lionel Robbins tuyên bố chính thức ‘đoạn tuyệt’ với triết lý, và nhất là với nguyên tắc đạo đức.  

 

Có hai nguồn quan trọng ảnh hưởng đến Kinh Tế và cả hai đều liên hệ mật thiết với chánh trị, theo định nghĩa của Aristote, dù theo hai hướng khác nhau. Khuynh hướng đầu xem Kinh Tế, cũng như bất cứ một khoa nào khác, chỉ là một phương tiện phục vụ đời sống tập thể, cộng đồng hay quốc gia. Trong thời khai nguyên của lịch sử, vài trăm năm trước và sau Tây lịch, thời mà Đức Phật gọi là thời chánh pháp được truyền bá rộng rãi, Aristote đã viết trong tác phẩm Politics, xem chính trị là khoa chủ yếu mà ông gọi là ‘the Master Art’. Chính trị phải tìm cách tận dụng những ‘khoa học” khác, trong đó có kinh tế. Cũng như các hiền triết thời Trục, Aristote nói rất rõ về điểm này: “Tích tụ tài sản không phải là mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm; tài sản chỉ có ích khi được sử dụng vào mục đích khác”. Trong chương trước, chúng tôi có nhắc đến câu hỏi tổng quát của Aristote, không những liên hệ với kinh tế mà còn liên hệ đến đạo đức và tôn giáo: “Chúng ta nên sống đời ta như thế nào?” Thái độ này, theo Amartya Sen, tương phản với động cơ hạn hẹp bảo vệ tư lợi mà kinh tế hiện đại luôn luôn nhấn mạnh. Vấn đề đạo đức liên hệ đến quyền lợi cộng đồng, dù theo định nghĩa như thân nhân, láng diềng, đồng bào hay nhân loại. Aristote phát biểu rõ ràng về điểm này trong Nicomachean Ethics: “ làm lợi cho một cá nhân là một điều tốt, nhưng tốt hơn nữa là đóng góp cho công ích của một tập thể hay quốc gia”. Vào thời các hiền nhân trong lúc rạng đông của lịch sử Đông cũng như Tây, công ích tập thể bao giờ cũng được đem ra làm tiêu chuẩn đo lường mọi hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động kinh tế.  

 

Nguồn ảnh hưởng thứ hai để ý đến hiệu năng của các hoạt động kinh tế, đặt những mục tiêu như tăng hiệu năng công nhân, giảm chi phí sản xuất, kiểm soát tiền tệ vân vân và thiết kế mô thức thực hiện các mục tiêu đó. Đây là cơ sở tiếp liệu, kỹ thuật điều động các phương thức sản xuất, cổ động tiêu thụ, quảng cáo sản phẩm hay tăng trưởng kinh tế. Các chuyên viên kinh tế không quan tâm tới những yếu tố phi kinh tế, như cách sử dụng phung phí tài nguyên, làm tổn hại môi sinh, sự tan rã trong mối liên hệ cá nhân, gia đình hay xã hội. Nói theo từ chuyên môn, họ chỉ để ý đến tứ bản kinh tế chứ không quan tâm đến tư bản thiên nhiên hay tư bản xã hội (social capital). Thí dụ như chánh phủ hiện cầm quyền tại Úc (2005) đề nghị thay đổi luật lao động để Úc có thể cạnh tranh hữu hiệu với lao động của các nước khác. Trong tương lai, công nhân phải chấp nhận những kỹ thuật mới để làm tăng hiệu năng, làm việc nhiều giờ hơn bằng cách đổi ngày nghỉ hằng năm và ngay cả  giờ ăn trưa thành tiền. Hậu quả là công nhân về nhà chỉ có đủ thì giờ để ngủ, không có cả thì giờ nhìn mặt hay gần gũi vợ con, không có một cuộc sống gia đình bình thường, chỉ vì chánh phủ muốn nhân công có thị trường nhân dụng uyển chuyển, có thể cạnh tranh  trên thế giới. Một thành quả mà lao động quốc tế phải tranh đấu hàng thế kỷ mới đạt được, đó là số giờ lao động tối đa là 40 mỗi tuần, không cánh mà bay, lẳng lặng biến mất. Số giờ làm việc trung bình của công nhân hiện nay ở Úc là 50 giờ. Chưa đủ, chánh phủ còn biền đổi ngày chủ nhật thành một ngày làm việc bình thường và cho phép công nhân nào muốn làm việc thêm ngày chủ nhật cứ ..tự nhiên thương thuyết với chủ nhân. Nghĩa là công nhân có thể làm việc đến 60 giờ mẫu tuần nếu muốn! Ngay cả khi dự luật lao động mới chưa thành hình, trên nhật báo The Sydney Morning Herald, tổng giám mục Thiên Chúa tại Sydney, George Pell, chỉ trích chánh phủ muốn ban hành đạo luật lao động cho… Robots. Các giáo hội Anh Giáo và tin lành Uniting Church từ trước thường ủng hộ chánh sách bảo thủ của chánh phủ, cũng lên tiếng phản đối. Ngoài chuyện ngày chủ nhật là thiêng liêng, ngày các tín đồ ngoan đạo đi lễ nhà thò, còn là ngày gia đình gặp nhau: cắt cỏ, tổ chức Barbecue, đưa con cái đi chơi thể thao hay xem các trận thể thao. Tổng Giám Mục Anh Giáo địa phận Sydney, tỏ ý lo ngại luật lao động cải cách không đếm xỉa đến nhu cầu của trẻ em, gia đình, liên hệ xã hội, làm tan rã mối liên hệ nền tảng của xã hội (SMH 11/10/05). Làm như thể con người sinh ra chỉ để làm việc kiếm tiền. Úc là một trong 10 nước có đời sống an lac nhất thế giới. tại Âu Châu đời sống vất vả hơn nhiều và trong số báo ngày 3 tháng 10, tờ Time cho biết là hiện công nhân Đức chấp nhận là việc thêm giờ mà không đòi thêm lương, chỉ vì sợ mất việc. Tờ Time cũng cho biết ở Anh có 3 triệu 6 công nhân làm việc hơn 48 giờ mỗi tuần. Sự ổn định trong công ăn việc làm chỉ còn là chuyện ‘dĩ vãng’. Tại các nước Âu Châu khác như Pháp, Đức, Ý và Hoà Lan hiện có từ 12% đến 15% làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Thị trường nhân dụng uyển chuyển theo các kinh tế gia neo-cons có nghĩa là làm việc thêm nhiều giờ nhưng lương không tăng, hợp đồng ngắn hạn, chủ nhân cần thì giữ công nhân, không thì tự tiện sa thãi. Chánh phủ Howard của Úc sắp sữa đưa ra một đạo luật cho phép các xí nghiệp thâu dụng dưới 500 công nhân có quyền sa thãi bất cứ ai bất cứ lúc nào và nhân công không có quyền thưa kiện chủ nhân về tội sa thãi bất công. Cạnh tranh là lý do đưa ra để biện minh cho phương pháp quản lý kinh tế hiện đại này. Hiện có phong trào bỏ các công việc căng thẳng và nhiều giờ để tìm các công việc ít lương hơn nhưng ít ra cũng có đời sống gia đình bình thường. Phong trào này được gọi là xuống cấp (‘Downsizing’), do những viên chức quản lý cao cấp khởi đầu. Lý do giản dị là vì họ là những người có bằng cấp cao, kinh nghiệm nhiều, nên có thể thay đổi công việc dễ dàng. Các công nhân lao động trong các xưởng sản xuất không có cơ hội thay đổi công việc nên vẫn tiếp tục ‘cày’ 50, 60 giờ mỗi tuần để có thể ’cạnh tranh’ với lao động thế giới!  

 

Vai trò của các chuyên viên quản lý kinh tế dĩ nhiên càng ngày càng trở nên quan trọng, nhiều khi còn thay thế cả các nhà tư bản chủ nhân các cơ sở kỹ nghệ. Họ là những người đề nghị các mô thức kinh tế để làm tăng năng xuất lao động, sản xuất, tiếp thị. Thêm vào đó có sự tiếp sức của các nhà tâm lý, nghiên cứu phản ứng của người tiêu thụ để vận dụng vào kỹ nghệ quảng cáo. Ví dụ như trong siêu thị, các nhà tâm lý nghiên cứu thói quen của phụ nữ và trẻ em trong khi mua thức ăn. Kệ trên cao để hàng gì, kệ dưới để hàng gì, kệ nào vừa tầm trẻ em thí phải để món hàng nào. Các nhà tâm lý này biết rằng khi các em đòi mua bánh kẹo, ít có cha mẹ nào nỡ lòng từ chối. Đạo quân khổng lồ trong kỹ nghệ quảng cáo: người mẫu, các thể tháo gia vô địch, đào kép điện ảnh, thần tượng của thanh thiếu niên. Kích thích tình dục được khai thác triệt để chiêu dụ khách hàng. Thường chúng ta hay nói các đài truyền hình không phải trả tiền. Ở một xã hội lúc nào cũng ca tụng tư lợi, vinh danh lòng tham lam, không làm gì có chuyện ‘ăn trưa không trả tiền’. Người tiêu thụ chính là những người trả tiền điều hành và tiền lời hàng năm cho các tổ hợp truyền hình. 

 

Ngay từ thế kỷ 17 đã có những chuyên viên  kinh tế, như Sir William Petty, áp dụng toán học để tăng hiệu năng của các hoạt động kinh tế. Nhưng đến thế kỷ 20, khuynh hướng kỹ thuật trở thành dòng kinh tế chính thống. Đây là dòng chảy chính của  các khuynh hướng kinh tế khác chỉ còn là kinh, rạch. Trong số các giải Nobel về kinh tế từ lúc bắt đầu (1969) đến năm 1996, số lượng các nhà kinh tế Mỹ (kể cả những người nhập tịch Mỹ) là 24 trên 40, phần lớn là chuyên viên về kinh toán. Kinh toán dùng phương pháp thống kê và phân tích toán học về các mối liên quan của các hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế Âu Châu, gồm cả Anh, phần lớn xem kinh tế như một phần của bối cảnh lịch sử thay vì như một khoa học độc lập tất định như các chuyên viên kinh toán mong muốn. Một kinh tế gia Anh, quê hương của Smith, Sir John Hicks, và một số kinh tế gia Đức, có khuynh hướng nghiên về kinh tế hoạch định, hơn là chánh sách tự do mậu dịch của Mỹ. Sự tương phản vẫn còn căng thẳng cho đến nay, mặc dù hai bên đều đồng ý quá trình toàn cầu hóa. 

 

Một điều lý thú là Amartya Sen có nhắc đến một quyển sách viết về ‘khoa học làm giàu’ và tác giả là một Bộ Trưởng dưới thời Hoàng đế Chandragupta thuộc triều đại Mauryan, Kautilya. Tác giả này không ai khác hơn là cháu nội của Hoàng đế A Dục! Kautila thảo luận về đủ mọi vấn đề, từ xây dựng làng xã đến việc thâu thuế, từ việc bảo quản kế toán đến ngăn ngừa tham nhũng, từ chánh sách ngoại giao đến tìm cách gây ảnh hưởng trong các phe phái thù nghịch. Kautila cũng đề nghị dùng những biện pháp cứng rắn, ‘không tình cảm’ như trong kinh tế hiện đại. Ngay cả các tác phẩm của Socrate hay Aristote cũng không đề cập đầy đủ chi tiết về kinh tế cụ thể như tác phẩm của Kautila, người cùng thời với Aristote. Kautilya đáng được gọi là chuyên viên quản lý kinh tế tiên phong.   

 

Amartya Sen nhìn nhận rằng các chuyên viên kinh tế đã thành công trong việc làm tăng hiệu năng các hoạt động kinh tế và đạt đến những mục tiêu cần thiết như tăng năng xuất lao động, lợi tức, khai thác trị trường vân vân…, nhất là thuyết ‘Quân bình tổng quát” (General Equilibrium) trong liên hệ sản xuất và thị trường. Thuyết này cho thấy hoạt động kinh tế bị chi phối bởi nhiều động lực hỗ tương khác nhau. Nhờ hiểu rõ các động lực ảnh hưởng lên hoạt động kinh tế, những biện pháp tương ứng được đề nghị. Sen đưa ra thí dụ về nạn đói kém. Nạn đói kém trên thực tế không liên hệ với mức cung cầu, nghĩa là mức thiếu hụt thực phẩm không gây ra đói kém, mà vì những chính sách về giá cả trong các quốc gia sản xuất dư thừa. Vào cuối thập niên 70, nông gia Úc đã sát hại hàng ngàn gia súc rồi đem chôn tập thể chỉ nhằm mục đích duy trì mối quân bình giả tạo giữa cung và cầu và do đó để giữ giá. Trong khi trên thế giới có hàng triệu người thiếu dinh dưỡng hay chết đói, hành động này, theo quan điểm đạo đức, là hành động bất nhân. Những các kinh tế gia không xét đến các yếu tố ‘phi kinh tế’ trong khi đưa ra quyết định. Họ lý luận là nếu không giết gia súc để giảm mức cung thì hàng loạt nông gia sẽ bị phá sản. Cứu các nông gia Úc khỏi bị phá sản, về mặt kinh tế, là một chuyện quan trọng hơn là cứu hàng triệu người bị thiếu ăn hay chết đói trên các phần đất khác. Viết tới đây tôi liên tưởng đến nạn đói năm Ất Dậu (1945) ở Việt Nam. Nhiều người cho là lúc đó lúa gạo miền Nam dư thừa, và nạn đói là do hậu quả của chánh sách thực dân và các chánh quyền gọi là ‘quốc gia’ hợp tác với ngoại bang, hơn là vì thiếu thực phẩm. Hy vọng có nhà kinh tế lịch sử nghiên cứu lại giai đọan này, dựa trên dữ kiện và con số đáng tin. 

 

Tôi xin lấy một thí dụ khác nữa để thấy động cơ hành động của người bình thường phức tạp hơn là động cơ đơn giản như bảo vệ quyền lợi cá nhân: nạn tham nhũng. Tham nhũng xảy ra tại bất cứ một quốc gia nào, dân chủ hay độc tài, tư bản hay cộng sản. Ngày xưa dưới thời Đệ nhị Cộng Hoà, Thủ Tướng Trần Văn Hương xem việc tìm người tham chánh như ‘ra chợ mua cá’. Có cá tươi, cá ương. Nhưng ông già gân tuyên bố một câu bất hủ: “Nếu loại hết người tham nhũng ra ngoài chánh phủ, tôi lấy ai làm việc”. Ngày nay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, lẽ ra phải trung thành với chủ trương của Marx bênh vực người nghèo khó và áp bức, hay ý nguyện xây dựng một quốc gia giầu đẹp như cụ Hồ đã nhiều lần khẵng định, hiện nay từ báo chí đến đài truyền hình từ Quốc Hội đến phủ thủ tướng, ai cũng lo ngại nạn tham nhũng có thể trở nên căn bệnh trầm kha, hết ‘thuốc chữa’. Nhiều người chống chế độ đương thời, tuyên bố hiện nay nạn tham nhũng gấp ‘trăm’ lần con số ‘cá ươn’ trong chế độ cũ. Tôi không có con số tin cậy để kết luận, nhưng cũng như mọi người, tin rằng tham nhũng có thể là mối đe dọa trầm trọng đến quá trình phát triển kinh tế và ‘đổi mới’ chánh trị, nếu có. Tại sao các viên chức nhà nước tham nhũng? 

 

Nguyên nhân tham nhũng có thể do lương công nhân viên quá thấp không đủ sống, có thể vì lòng tham (có gì lạ đâu? Greed is Good!), có thể ‘thượng bất chánh, hạ tất loạn’, người trên ăn được thì cấp dưới tội gì không ăn. Có thể không có hệ thống tư pháp công minh, nên nhiều người ăn hối lộ mà không thấy ai bị trừng trị cả. Có thể là thiếu hệ thống đạo đức hay không còn ai tin vào hành vi đạo đức nữa. Ngay cả những người tượng trưng cho đạo đức, như các tu sĩ tôn giáo cũng tham nhũng. Có một giải pháp nào để bài trừ tham nhũng hữu hiệu không? Tôi xin nhắc tới nguyên tắc căn bản của Phật Giáo Nhập Thế: chuyển hoá cá nhân và chuyển hóa xã hội là hai yếu tố không thể tách rời nhau được. Nhà làm luật cứ đặt ra đạo luật bài trừ tham nhũng, nhà tôn giáo tạo điều kiện cho tín đồ tu chứng để chuyển hóa tâm linh. Định chế không làm người ta tốt, nhưng không có định chế thì không xong. Nguyên nhân tham nhũng không đơn giản như những người ’chống chế độ chết bỏ’ (CCCB), bảo rằng hễ có “dân chủ’ là hết tham nhũng! Cứ nhìn các nước ‘dân chủ’ (sic) Á Châu như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Singapore và ngay cả các nước dân chủ Tây Phương, đâu cũng có tham nhũng. Ở Tiểu Bang New South Wales Úc, chánh phủ thành lập Ủy Ban ICAC bài trừ tham nhũng. Có tham nhũng nên chánh phủ mới lập Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng, nếu không lập ra làm chi cho tốn tiền. Khi thảo luận đến quá trình toàn cầu hóa, tôi sẽ trở lại vấn đề tham nhũng ở các nước dân chủ Tây Phương.  Động cơ duy nhất mà các nhà kinh tế hiện đại hay nhắc tới là bản tính tham lam, bảo vệ tư lợi, nhưng nguyên nhân của hành động tham nhũng trùng trùng, không thể quy chiếu về một nguyên nhân duy nhất, như độc tài hay dân chủ.    

 

Thay vì thu hẹp động cơ hành động vào yếu tố đơn giản, nếu mô thức kinh tế hiện đại để ý đến những yếu tố đạo đức và xã hội khác, theo Amartya Sen, những mô thức kinh tế này còn có thể đóng góp hữu hiệu vào các mục tiêu nhiều hơn nữa. Giải thích hành vi của con người bằng những mô thức đơn giản ‘kích thích-phản ứng’ (stimulus-response) đã quá lỗi thời.  Behaviourism  phủ nhận khả năng phán đoán và chọn lựa của con người thông minh  (homo sapiens). Đối với Phật giáo, chọn lựa (hành) là bước khởi đầu của việc tạo nghiệp - hay giải nghiệp. Để chọn lựa sáng suốt, chúng ta cần cả hai yếu tố từ bi và trí tuệ. Để người khác chọn mình, hay chọn lựa dùm mình, là ‘định mệnh’, không phải là nghiệp theo lời dạy của đức Phật . Có trời mà cũng có ta.   

 

Cũng như Schumacher, Amartya Sen nói đến mối liên hệ của hoạt động kinh tế như một người giảng pháp thoại. Giả sử chúng ta chấp nhận tư lợi thông thường là động lực chính trong hoạt động kinh tế và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chọn lựa, khi hình thành một mô thức, nhà kinh tế phải xét đến những yếu tố khác cũng có ảnh hưởng việc hình thành quyết định. Nếu các yếu tố này không được kể đến, như các nhà kinh tế thường nói, mô thức phân tích kinh tế sẽ không tránh được phiến diện hay sai lầm. Phật giáo gọi đó là duyên khởi, ‘cái này có thì cái kia có’ trong mạng lưới trùng trùng. Lý thuyết gần gũi nhất với thuyết duyên khởi được Joanna Macy gọi là ’Systems Theory’. Mạng lưới trùng trùng này mới giải thích đầy đủ chọn lựa hành động, thí dụ như hiện tượng tham nhũng. Dù trong bất cứ chế độ nào, dân chủ hay độc tài, đông hay tây, đều có tham nhũng, nhưng cũng có nhiều người quyết liệt từ chối tham nhũng. Cho rằng tham nhũng chỉ bắt nguồn từ một chế độ chánh trị nào đó là chưa hiểu gì về lý duyên khởi của nhà Phật.

 

Hành Vi Kinh Tế và Chọn Lựa Hợp Lý

 

Giả định hành vi kinh tế là hành vi ‘hợp lý’ là một trong những giả định căn bản trong kinh tế hiện đại. Muốn hợp lý thì phải loại bỏ các yếu tố ‘phi-kinh tế’ như tình cảm đạo đức hay xã hội. Cái gì tăng lợi lộc là kinh tế, cái gì không sinh lợi là phi-kinh tế. 

 

Tuy nhiên cuộc đời vốn đa diện và phức tạp, không phải lúc nào mọi người cũng hành động hợp lý, nghĩa là chọn lựa những hành động chỉ cốt làm tăng tối đa quyền lợi của mình. Chúng ta có lúc lầm lỗi, rồi sửa đổi và hy vọng chọn lựa lần tới có thể khá hơn. Chọn lựa hợp lý là ý niệm chỉ có trong sách giáo khoa hơn là trong đời sống hàng ngày. Và chọn lựa không phải lúc nào cũng chỉ bị chi phối bởi quyền lợi cá nhân. Tôi trở lại hiện tượng tham nhũng. Thường thường thấy lợi thì ai cũng ham, nhưng không phải ai cũng tham nhũng. Có thể họ không tham nhũng vì sợ luật pháp, không ở trong địa vị có thể vòi vĩnh, không được phe đảng quyền thế che chở, nhưng cũng có những người nhất quyết không tham nhũng vì yêu nước, thấy đó là đại họa cho dân tộc về lâu về dài, có thể họ được giáo dục trong gia đình có truyền thống trọng nghĩa khinh tài và cha ông họ là những người luôn giữ lòng trong sạch trong bất cứ hoàn cảnh nào, ‘bần tiện bất năng di’. Tôi còn nhớ ở miền Nam trong lúc chiến tranh leo thang, trong khi tướng tá tham nhũng có hệ thống, có hai bác sĩ quân y (Hà Thúc Nhơn và Phạm Văn Lương- nếu tôi nhớ không lầm) cầm lựu đạn ngồi trước thềm Quốc Hội, đòi hỏi chánh phủ đương thời phải có ‘biện pháp’ chống tham nhũng. Theo họ nghĩ, miền Nam sẽ không thể nào chiến thắng nếu ‘cá ươn’ từ trên xuống dưới. Có thể đó là thái độ điên rồ của tuổi trẻ trong sạch, thái độ ‘phi-kinh tế’ vì chính họ có thể gia nhập hàng ngũ tham nhũng như ăn cắp thuốc của bệnh viện đem bán cho ‘Việt Cộng’, như các bà Tướng thời bấy giờ. Tuy nhiên không ai không ngã mũ kính phục khí tiết của hai bác sĩ này. Thu hẹp động cơ hành động vào lý do duy nhất là tư lợi, không chịu ‘factor in’ những động cơ khác, khiến kinh tế trở thành nghèo nàn. Con chó Pavlov có thể nhỏ nước miếng khi nghe tiếng chuông, nhưng con người biết suy nghĩ và phản tỉnh, homo sapiens, có thể nghe ‘tiếng chuông’ giác ngộ. Có nhiều thiền sư chỉ cần nghe tiếng hòn sỏi dội trong bụi tre cũng có thể tỉnh giấc nữa là nghe một tiếng chuông. 

 

Các nhà kinh tế hiện đại đã dùng tiêu chuẩn nào để định tính hợp lý của hành động kinh tế? Có hai tiêu chuẩn được đề ra để biện minh cho tính ‘hợp lý’. Thứ nhất là lúc nào cũng giống chọn lựa nào, trước sau như nhất và thứ hai, chọn lựa phải có tính ‘kinh tế’, nghĩa là luôn luôn phải bảo vệ quyền lợi riêng của mình.  

 

Tuy nhiên một người lầm lẫn nhiều lần vẫn là một người lầm lẫn (ví dụ lần nào cũng từ chối hối lộ), chọn lựa trước sau như nhất không thể là điều kiện cần và đủ của tính hợp lý! Yếu tố này do đó phải kết hợp với yếu tố tư lợi mới thành định nghĩa tính hợp lý trong kinh tế hiện đại. Đến đây chúng ta mới hiểu tại sao các nhà kinh tế hiện đại neocons cứ nhất định kéo Adam Smith đứng sau lưng làm hậu thuẫn cho mình.  

 

Không ai có thể phủ nhận yếu tố tư lợi chi phối phần lớn các chọn lựa kinh tế và quả thực là một điều phi lý khi chúng ta cứ tìm cách phủ nhận yếu tố này. Nhưng biện luận là một chọn lựa dựa trên những yếu tố khác ngoài yếu tố tư lợi đều không hợp lý là một lý luận quái dị! Nếu định nghĩa hợp lý là hành động có thể làm tăng tối đa khả năng thực hiện mục tiêu mà mình muốn nhắm tới, và nếu một người muốn nhàn nhã và hạnh phúc, không xem việc tích lũy tài sản là mục đích tối hậu của đời mình, họ có thể chọn những hành động ‘phi-kinh tế’ (như không chịu hối lộ hay bon chen) và chọn lựa của họ trước sau vẫn giống nhau (tiếp tục từ chối tham nhũng và bon chen), những chọn lựa này được phải xem là hợp lý. Nói các khác, không thể nào tránh được câu hỏi về ý nghĩa tối hậu của đời người khi chọn lựa, trong lĩnh vực kinh tế hay trong các lĩnh vực khác. Như ví dụ mà Gandhi nói về chính trị: nó như con rắn quấn quanh mình, có muốn tránh cũng không tránh được! 

 

Có người thích giàu có, có người thích danh vọng, có người xem ý nghĩa của đời mình là phục vụ người khác, và để đạt tới các mục đích đó, họ có thể không bao giờ chọn những hành động chỉ vì quyền lợi riêng của mình. Trong khi chúng ta không thể phủ nhận có nhiều người lúc nào cũng hành động ích kỷ, nhưng cũng có nhiều người khác xem tiền bạc như mây nổi, có đó mất đó, càng giàu càng mất an lạc. Có người chỉ muốn sống ở đời như nhà văn, nghệ sĩ, có người chỉ muốn làm việc cứu tế người đói ăn ở các nước chậm phát triển, và có những người nhất quyết chọn con đường tâm linh. Không thể gọi những chọn lựa của họ là không ‘hợp lý’. Nếu thế, chúng ta sẽ không bao giờ có văn hoá, nghệ thuật hay tâm linh nữa. Cứ tưởng tượng cả thế giới chỉ còn là những người háu ăn như ngạ quỷ, cả đời chỉ lao tâm khổ trí để dành giựt miếng ăn với người khác. Homo economicus chính ra là những con ngạ quỷ trong cảnh giới tệ hại nhất của lục đạo, địa ngục.  

 

 

George Stigler

 

Nhằm biện hộ cho động lực tư lợi, George Stigler, một kinh tế gia được giải Nobel kinh tế, trong Economics or Ethics, cho rằng hiện chúng ta đang ở trong thời đại thông tin và mọi người do đó đều có đủ dữ kiện và ‘thông minh’ để theo đuổi quyền lợi riêng tư của chính mình. Stigler tiên đoán là nếu thực hiện các trắc nghiệm khách quan giữa ảnh hưởng của hai yếu tố tư lợi và đạo đức, chắc chắn là yếu tố tư lợi sẽ thắng trong hầu hết các trường hợp. Stigler sau đó thú nhận là khó lòng thực hiện được thử nghiệm khách quan vì có quá giá trị đạo đức khác nhau. Tuy nhiên nếu dùng hai tiêu chuẩn đối nghịch ‘vị kỷ’ và ‘vị tha’ các thử nghiệm này cũng có thể thực hiện được, thay vì chỉ quyết đoán suông như Stigler.  Chỉ hơn 10 năm sau, nhà tâm lý học Daniel Kahdeman đã thi hành được các thử nghiệm này và khám phá là trên thực tế, những chọn lựa thường dựa trên nhận thức và tình cảm cá nhân hơn là trên lý trí. Cũng nhờ đó Daniel Kahdeman đã được chia giải Nobel về kinh tế với Vernon L Smith, dù ông không phải là một kinh tế gia. Thế nhưng các neocons vẫn tiếp tục đoan chắc tư lợi là động cơ duy nhất trong hoạt động kinh tế dù các thử nghiệm đã cho thấy kết quả phức tạp hơn nhiều. 

 

Sự thành công của kinh tế thị trường thực ra không chứng tỏ là do động cơ tư lợi của chọn lựa các thành viên trong nền kinh tế đó. Sự thành công của kinh tế Nhật chẳng hạn, cho thấy kết quả ngược lại. Đạo đức Nhật Bản, trong đó công nhân và ban quản lý đã chấp nhận ‘hy sinh’ quyền lợi cá nhân để phục vụ quyền lợi của công ty nói riêng và quyền lợi của quốc gia nói chung. Nhà kinh tế Nhật, Michio Morishima nhìn nhận ‘đạo đức Nhật Bản’ là một phản đề của động cơ tư lợi. Có vài nhà kinh tế khác khi tìm cách so sánh sự phát triển kinh tế của các con rồng Á Châu, nghĩ rằng đạo đức Khổng giáo có thể đóng một vai trò tương tự như ‘đạo đức Tin Lành’ trong sự thành công kinh tế.

 

Không chấp nhận tư lợi là động cơ duy nhất trong hoạt động kinh tế không có nghĩa là phủ nhận ảnh hưởng của động cơ này, nhưng Amartya Sen chỉ muốn lưu ý là có nhiều động lực phức tạp khác ảnh hưởng lên hành động của chúng ta và những động lực này cần được ‘factor in’ vào các mô thức kinh tế. 

 

Trong các cộng đồng  xã hội như gia đình, làng xóm và rộng hơn, dân tộc, con người thường hy sinh quyền lợi cá nhân của mình cho tập thể, hay tìm cách dung hòa quyền lợi đối nghịch. Đạo đức Khổng Mạnh luôn nhấn mạnh đến quyền lợi của tập thể. Xuất tức là ‘nhập’ thế, chú trọng cương thường, an bang tế thế, cho đám đông. Khi ‘xử’ tức là trở lại con người riêng tư, giống như căn bản của đạo Phật nhập thế, chuyển hoá tâm linh - chuyển hóa xã hội. Các thí dụ về thái độ thung dung tựu nghĩa của nhà Nho đầy dẫy trong lịch sử cận đại của chúng ta. Trong Tứ thư, Đại Học, bắt đầu từ minh mình đức, thân dân đến mức chỉ ư chí thiện.   Ngũ thường để duy trì tam cương, từ tề gia đến trị quốc, cuối cùng bình thiên hạ.  Vào trong để ra ngoài hành động, hành động phải dựa vào minh đức bên trong, xuất xử chỉ là hai giai đoạn khác nhau của con đường hành đạo.  Hành động (nghiệp) mà không có chính kiến thì chỉ tạo thêm nghiệp. Chánh kiến là nền tảng để hành động, để tự giúp mình và người khác tu tập chuyển nghiệp, nếu không Đức Phật đâu có mất công bụi đời 45 năm, ôm bình bát, sống đời hành khất để truyền bá chánh pháp? 

 

Trở lại hai vấn nạn căn bản của giả định ‘con người tham lam’, có hai vấn nạn chính: một, trên thực tế, có phải lúc nào con người cũng thực sự hành động vì động cơ ích kỷ không, và hai, hành động ích kỷ có đưa đến những hiệu năng kinh tế mong muốn không? Những gì xảy ra trên thực tế cho thấy nền tảng này cũng chỉ là những giả định nhắm biện minh cho chánh sách laissez faire của kinh tế tư bản, kinh tế toàn cầu và giả định này thường được gán cho cha đẻ của kinh tế cổ điển, Adam Smith. Nhưng thực sự đây có phải là tư tưởng của Smith không?

 

Nỗi Hàm Oan của Adam Smith

 

Phần lớn đồ đệ của Smith đều gán động cơ tư lợi vào miệng thầy mình, nhưng chủ trương của Smith thực sự là gì? 

 

Trong một bài diễn văn giải thích tư tưởng của Smith, Smith’s Travel on the Ship of State, Stigler dè dặt “không phải tư lợi lúc nào cũng thúc đẩy hành động, nhưng nó chi phối hành động của đa số người trong mọi giai cấp”. Trong The Theory of Moral Sentiments, Smith dùng chữ Prudence, không dùng chữ ‘self interest’ và không thể đồng hóa hai từ ngữ này được. Định nghĩa Prudence của Smith có hai phần: một, dựa trên lý luận và hiểu biết, và hai, dựa vào quan niệm self command phát nguyên từ phái Khắc kỷ (Stoics) và không chỉ có nghĩa ‘tư lợi’ và cũng không đồng nghĩa với ý niệm ‘self-love’ mà Smith hay dùng. Ảnh hưởng của phái Khắc kỷ khá đậm đà trong tư tưởng Smith, khi ông định nghĩa hành vi tốt: cảm tình với người khác sym-pathy và tự chế. Smith nói rõ trong The Theory of Moral Sentiments (trang 140)

 

Theo quan niệm của phái Khắc kỷ, con người không nên xem mình là một cá nhân biệt lập với người khác, nhưng như là một công dân của thế giới, một thành viên trong thiên nhiên bao la. Con người phải sẵn sàng hy sinh quyền lợi nhỏ nhoi riêng của mình   

 

Tôi dùng khổ chữ bold italics cho câu nói của Smith nói từ miệng cha đẻ của kinh tế hiện đại! Mặc dù khuyến khích prudence và sympathy, khuyến khích sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và công ích cho nhân loại, nuôi dưỡng tinh thần ‘công lý, độ lượng và công cộng’ (Moral Sentiments trang 189), tại sao các ‘đồ đệ’ của Smith lại cứ nhất quyết gán cho thầy chủ trương ‘tự lợi’ là động lực duy nhất trong các hoạt động kinh tế? 

 

Một trong những đoạn văn của Smith được trích dẫn nhiều nhất là đoạn nhận xét về vai trò khác nhau trong xã hội, trong đó Smith nhận xét là ‘không phải vì lòng tốt của ngưới bán thịt, người cất rượu hay người thợ bánh mì mà chúng ta có bữa ăn tối, ai cũng tự thương mình, không phải vì người khác, họ không có ý muốn cung cấp nhu cầu cần thiết cho chúng ta, mà muốn được lợi lạc khi làm các nghề đó” (trang 26-7). Nhưng đọc kỹ tinh thần đoạn đó, Smith chỉ muốn giải thích những hoán chuyển kinh tế xảy ra như thế nào và lợi ích của việc phân chia lao động trong xã hội, cũng là chủ đề của chương đó. Dĩ nhiên là ai cũng tự thương mình self love, nhưng Smith nhận xét thêm là tôn trọng lợi ích chung giữa các nghề khác nhau, thay vì chỉ lo cho mình, có thể đóng góp phần mình vào một xã hội tốt. Các đệ tử của Smith trích dẫn có chọn lựa, đầy thiên kiến và ngoài văn cảnh.      

 

Trong khi bàn về phái hưởng thụ Epicure, Smith chỉ trích thái độ giảm lược nguyên nhân của các hiện tượng bằng một yếu tố duy nhất. Éo le thay, các đồ đệ gán cho ông những gì mà ông chỉ trích người khác. Đó là thái độ giản lược động lực kinh tế vào một nguyên nhân duy nhất: làm lợi tối đa cho cá nhân.  

 

Smith chỉ biện hộ cho quyền lợi cá nhân trong trường hợp đặc biệt, như vai trò của thương gia trong các nạn đói. Dù thương gia hay đầu cơ tích trữ khi hàng hóa khan hiếm và bán hàng với giá cắt cổ, không thể đổ lỗi cho họ là thủ phạm gây ra nạn đói, mà nguyên nhân chính là nạn khan hiếm thực phẩm. Smith không đồng ý việc cấm hay giới hạn buôn bán, nhưng không có chỗ nào trong tác phẩm The Moral Sentiments cho thấy Smith phản đối việc tìm biện pháp giúp đỡ người nghèo. 

 

Các đệ tử của Smith hoặc chú giải lầm lẫn hoặc cố tình quên lãng những yếu tố đạo đức khác trong việc giải thích động lực kinh tế, chỉ vì muốn cổ võ cho chánh sách laissez faire. Ngoài yếu tố tư lợi, Smith còn chủ trương làm giảm nghèo khổ, nhắc tới sự cần thiết của lòng thương cảm … không được các đệ tử của Smith nhắc tới. Smith là giáo sư về Triết Lý Đạo Đức, không phải là người vô cảm với đói kém hay nghèo khổ. Theo Amartya Sen, đây là một điều thiếu sót lớn trong  kinh tế hiện đại.     

 

Tuy nhiên việc cổ võ cho tư lợi trong kinh tế hiện đại ngày càng trở thành nghệ thuật sử dụng khẩu hiệu trong quảng cáo, giống như các neocons hiếu chiến hiện lập đi lập lại các khẩu hiệu như ‘ democracy, freedom and civilized world’ trong khi phát động chiến tranh Iraq! Nhận thấy được mối hàm oan này, nhiều nhà kinh tế đã tìm cách giải oan cho Smith:

 

Adam, Adam, Adam Smith        Adam Smith, Adam Smith

Listen what I charge you with!     Hãy nghe lời người ta cáo buộc ông

Didn’t you say                           Có phải có lần ông nói

In the class one day                  trong lớp học

That selfishness was bound to pay? Ích kỷ sẽ mang lại lợi lộc

Nếu đội mồ sống lại, Smith có lẽ sẽ trả lời: ‘Not quite!”  “Không hẵn vậy đâu!”

 

 

Quán Như Phạm Văn Minh
Số lần đọc: 1499
Ngày đăng: 28.06.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kinh Tế Phật giáo 4 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 3 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 2 - Quán Như Phạm Văn Minh
Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng - Mai Bá Ấn
Kinh Tế Phật giáo 1 - Quán Như Phạm Văn Minh
Sài Gòn Xanh Ký Ức - Thiên Hà
Đã Hơn 70 Năm, T.T.Kh. Và Chuyện Tình Thơ “Hai Sắc Hoa Ti Gôn” Vẫn Tươi Nguyên Màu Bí Ẩn. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Nguyễn Du Không Dịch “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Ra Tiếng Việt - Nguyễn Cẩm Xuyên
Tế Hanh – Người Trò Chuyện Cùng Hoa Cỏ - Mai Bá Ấn
Từ “Kim Vân Kiều Truyện” Của Thanh Tâm Tài Nhân Đến “Truyện Kiều” Của Nguyễn Du - Nguyễn Cẩm Xuyên
Cùng một tác giả