Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
629
116.538.645
 
Bình Luận Đề Thi Đại Học Môn Văn Năm 2012
Phạm Ngọc Hiền

 

Đề thi môn Ngữ văn khối D

.
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm) 


Câu 1 (2,0 điểm) 

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lý của nhân vật Mị?

 

Câu 2 (3,0 điểm) 

Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

 

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

 

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc câu 3.b)

 

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm) 

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:

Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua... (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155)

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới... (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32)

Cảm nhận của anh/chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.

 

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) 

Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

(Tràng giang - Huy Cận, Ngữ văn 11 Nâng cao,

Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.49)

 
 NHẬN XÉT

 

Mỗi mùa thi tuyển sinh Đại học, người ta quan tâm nhiều tới đề thi môn Văn. Bởi lẽ, nó mang tính xã hội và đề cập tới những vấn đề thời sự, ai cũng bình luận được... Đề thi Đại học khối D môn Văn năm 2012 có những cái hay và dở nhau sau:

 

Câu 1: Cho thí sinh bàn luận về ý nghĩa giọt nước mắt của A Phủ. Đây là đề thi có độ mở cao, yêu cầu thí sinh phải tự đào sâu vấn đề, tự suy luận mà không cần phải học thuộc trong sách vở. Đợt thi Đại học này yêu cầu bình luận giọt nước mắt, đợt thi Tốt nghiệp vừa rồi bình luận hai hạt cát. Cả hai hình tượng đều nhỏ nhoi nhưng đều gợi ra những ý nghĩa lớn lao và mang tính nhân văn.

 

Câu 2: Yêu cầu thí sinh trình bày cảm nghĩ của mình về câu nói: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Đề này cũng mang tính mở nhưng vì mở rộng quá nên mơ hồ, có thể gây hiểu nhầm. Trong bài làm, thế nào thí sinh cũng có phần giải thích về "thần tượng", mà cách hiểu từ này rất rộng. Đó có thể là thần tượng chính trị, khoa học, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo... Nếu thí sinh hiểu thần tượng ở đây thuộc lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, đạo đức thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu hiểu mê muội một thần tượng - lãnh tụ nào đó mà gây nên "thảm họa" cho đất nước thì có thể gây tranh cãi trong khâu chấm thi. Vả lại, từ "thảm hoạ" thường dùng để chỉ thiên tai hoặc chiến tranh chứ không dùng để chỉ thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Nếu các nữ sinh Việt Nam mê muội các chàng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc thì đó chỉ là điều "không nên" chứ đâu phải là "thảm họa".

 

Câu 3a: Phân tích ý nghĩa của cách kết thúc truyện Chí Phèo và Vợ nhặt. Đây là đề hay, mang tính sáng tạo cao. Nhưng theo tôi, không nên dùng cụm từ "cảm nhận của anh / chị" mà nên dùng cụm từ "Cho biết suy nghĩ của anh / chị". Bởi đây là vấn đề cốt truyện văn xuôi khô khan, không thể "cảm nhận" ngẫu hứng được mà phải "suy nghĩ" bằng lý trí, tư duy lô gíc hẳn hoi. Những đề thi kiểu này có thể lựa chọn được những thí sinh có tư duy tốt để đào tạo thành những trí thức tương lai.

 

Câu 3b: Người ra đề cố gắng tân trang đề thi cho mới mẻ bằng câu "Cảm nhận của anh / chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau". Nhưng khi làm bài, thí sinh vẫn làm theo dạng đề cũ "Anh / chị hãy phân tích hai khổ đầu của bài Tràng giang". Những thí sinh có khả năng học vẹt giỏi vẫn có thể đạt điểm cao ở câu này. Một vấn đề nữa rất đáng bàn ở câu này là chữ "và" chia tách nội dung của đề thành hai phần biệt lập: thiên nhiên và con người. Thí sinh sẽ say sưa phân tích vẻ đẹp thiên nhiên, nào là sông dài bao nhiêu mét, trời cao bao nhiêu tầng, con thuyền đó thuộc loại gì, cây củi có hình dáng ra sao, buổi chiều có màu sắc như thế nào... Phân tích như vậy là vô bổ, chẳng có ý nghĩa gì. Đến phần hai, phân tích con người, thí sinh lúng túng vì không thấy con người nào trong bài thơ cả. Đáng lẽ, cần phải phân tích thiên nhiên và tâm trạng con người lồng vào nhau, theo bút pháp "lấy cảnh ngụ tình". Bởi vậy, nên ra đề thi dưới dạng như sau: "Anh / chị hãy phân tích bức tranh thiên nhiên trong hai khổ đầu của bài Tràng giang (Huy Cận) để thấy được tâm trạng của chủ thể trữ tình". Hoặc "Có ý kiến nhận định về tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận như sau: "Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn" (Văn học 11, tập I, NXB GD 2000, trang 142). Anh / chị hãy phân tích hai khổ đầu của bài thơ Tràng giang để làm sáng tỏ nhận định trên. Những đề như vậy vẫn mới mẻ, chặt chẽ và tránh tình trạng học vẹt.

Nhìn chung, ngoại trừ một vài ý kiến nhỏ cần trao đổi ở câu 2 và 3b, đề thi Đại học môn Văn khối

 

D năm nay có nhiều mới mẻ, thiết thực. Nó có khả năng đo được tư duy sáng tạo để tuyển chọn được những thí sinh có năng lực. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn còn có nhiều chỗ cần phải cải tiến trong những lần thi tiếp theo.

 


 

Đề thi môn Ngữ văn khối C

 
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

 
Câu 1 (2,0 điểm)

 

Trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), ở phần nói về thượng nguồn sông Hương, Hoàng Phú Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông này với hình ảnh hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?

 

Câu 2 (3,0 điểm)


Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)


Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc câu 3.b) 


Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)


Cảm nhận về vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011).


Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) 


Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

 

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

                                                                           

(Tương tư - Nguyễn Bính)



 NHẬN XÉT

 

Xét trong mối tương quan giữa hai đề thi ĐH môn Văn khối C và D năm 2012, ta thấy đề thi khối D có phần hấp dẫn hơn. Đề thi khối C có vẻ không hấp dẫn không phải vì có ít thí sinh dự thi mà là cách ra đề không quá mới mẻ và đôi chỗ khó hiểu.

 

Câu 1: Nói về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Tác phẩm này mới được đưa vào nhà trường và do viết theo thể loại kí, không có cốt truyện, nhân vật nên học sinh khó nhớ kĩ. Nhìn chung, phần đông học sinh không quan tâm lắm mặc dù vẫn biết đó là một tác phẩm hay. Vả lại, phải đi tìm hai cô gái sông Hương trong cái rừng từ ngữ, lau lách bạt ngàn ấy cũng là điều khổ nhọc. Có thể trong lúc đi dạo sông Hương, các sĩ tử quên để ý tới hai kiều nữ này nên không biết dung nhan của các nàng thế nào, tiếc thật ! Nhưng cũng có người cho rằng, thí sinh thi khối C là dân văn chương nên phải chịu khó, chịu khổ học cho kĩ từng dấu chấm, dấu phảy trong các trang thi phú. Nhưng thực ra, đâu phải ai thi khối C cũng theo nghiệp văn chương.

 

Câu 2: Đề yêu cầu bàn về kẻ cơ hội và người chân chính, đây là vấn đề còn mới lạ với học sinh phổ thông. Bởi nhiều cô cậu còn chưa rời khỏi con gấu bông thì làm sao biết chủ nghĩa cơ hội là gì. Từ "thành tích" bỗng gợi liên tưởng đến bệnh thành tích trong nhà trường. À, hay là đề thi ý muốn ám chỉ "kẻ cơ hội" là các thầy cô giáo của mình ? Thầy cô giáo mà là "kẻ" không "chân chính" thì biết tin vào ai bây giờ ? Đề thi bảo, muốn lập nên thành tựu thì phải kiên nhẫn nhưng thực ra, nhiều khi cơ hội tốt cũng tạo ra thành tựu lớn. Nói chung, thí sinh sẽ lạc vào một ma trận không biết giải quyết như thế nào một vấn đề chẳng liên quan gì tới mình. Trong khi câu nghị luận xã hội của khối D bàn về thần tượng của giới trẻ, mang tính thiết thực hơn. Có thể nhiều bạn đang thi khối C cũng khao khát nhảy sang phòng thi khối D để tham gia tranh luận bảo vệ thần tượng của mình.

 

Câu 3a. Nói về "vẻ đẹp sử thi" của nhân vật Tnú. Truyện Rừng xà nu thì không lạ, từ thời cha mẹ của các thí sinh đã biết phân tích anh Tnú rồi, thậm chí có người còn mổ xẻ rất kỹ để kết luận rằng anh Tnú không có móng tay. Nay, người ra đề quyết tâm sơn phết lại anh Tnú cho mới một chút bằng cách tiếp cận anh từ "vẻ đẹp sử thi". Đây là một cụm từ hơi mới, lâu nay người ta nói "sử thi" đã nhiều nhưng ít khi nói "vẻ đẹp sử thi". Bản thân tôi đã có nhiều bài viết về cách tiếp cận Rừng xà nu từ góc độ loại hình sử thi và có nhiều công trình nghiên cứu về sử thi nên tôi biết để hiểu đúng thuật ngữ này không phải dễ. Thí sinh không biết "sử thi" là gì nên dễ làm theo đề thi khuôn mẫu mấy mươi năm nay "phân tích nhân vật Tnú". Nếu đề yêu cầu dùng thao tác "phân tích" thì dễ làm. Nhưng làm sao "cảm nhận" được mười đầu ngón tay bị cụt của Tnú cùng với một rừng lửa đạn, giáo mác tuốt trần, máu tuôn xối xả ? Trong khi những thí sinh này đang sống trong thời hòa bình, và có thể cha mẹ của các em cũng chưa từng sống trong thời chiến.

 

Câu 3b. Lại "cảm nhận" một lần nữa, lần này dùng từ "cảm nhận" là chính xác, bởi vì đối tượng tiếp cận là hai đoạn thơ trữ tình trong Đây thôn Vĩ Dạ và Tương tư. Cái khoản này thì thí sinh "tán" rất giỏi, tha hồ mà "cảm" và "nhận", yêu và thương. Tuy nhiên, xin góp ý nhỏ một chút với người ra đề là dùng cái câu "Cảm nhận hai đoạn thơ sau" sao mà cụt lủn, không có chủ - vị gì cả, người ta gọi đây là câu "què". Nên chăng, nói một cách đầy đủ là thế này: "Nêu cảm nhận của anh / chị về hai đoạn thơ sau". Như vậy, thí sinh sẽ căn cứ vào chữ anh / chị để biết rằng đề thi đang yêu cầu mình chứ không phải yêu cầu một ai khác ở ngoài phòng thi giải đề này.

Trên đây là một vài góp ý nhỏ không đáng kể. Về cơ bản, đề thi như vậy là tương đối được, có một số điểm mới mẻ. Nhưng cũng có một vài điểm nên xem xét lại mặc dù những điểm này không làm giảm sự thành công của kỳ thi./.

 

 

 

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 2824
Ngày đăng: 13.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thực trạng xã hội hóa sân khấu - Tuấn Giang
Anhekđot - Huỳnh Văn Úc
Giả đạo phạt Quắc - Huỳnh Văn Úc
Nghĩ về một tương lai đầy ẩn số trong tay thế hệ trẻ - Lê Hải*
Thư ngỏ của Trần Mạnh Hảo Viện trưởng viện văn học - Trần Mạnh Hảo
Ngọn giáo - Huỳnh Văn Úc
Ksenia Sobchak - Huỳnh Văn Úc
Việt Nam không có báo lá cải ? - Tu Hú
"Ai cũng biết chỉ tổ chức tham mưu không biết" - Diệp Văn Sơn
Thảm họa báo lá cải, trách nhiệm thuộc về ai ? - Hồng Chung
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)