Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
707
116.006.325
 
75 Năm Câu Chuyện Tình Buồn : KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -3
Đỗ Thế Cường

                                               

1-Nhà văn Thanh Châu có liên quan gì với T.T.Kh?:

T.T.Kh đã viết nên những bài thơ tình bất hủ về một tình duyên ngang trái,nhưng ai mới là người đã làm cho nàng phải đớn đau đến tột cùng để đến nỗi dám vượt qua cả sự sợ hãi vô hình lẫn hữu hình của vòng lễ giáo mà thốt lên những vần thơ thấm đẫm nước mắt ấy?Ai đã làm cho nàng tan nát cõi lòng trong cái ngày lẽ ra phải là ngày vui nhất của đời người con gái: “Người xa xăm quá,tôi buồn lắm-Trong một ngày vui pháo nhuộm đường” ?.Đây là một câu hỏi quan trọng,nếu giải đáp được câu hỏi này là ta sẽ có được “chìa khóa” để mở ra cánh cửa đi sâu vào những ngóc nghách của câu chuyện bí ẩn này.T.T.Kh viết:  Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết

                                                  Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

                                                  Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ

                                                 Và đỏ như màu máu thắm phai.

Khi xem xét thật kỹ cả bài thơ Hai sắc hoa Tigôn & bốn câu thơ trên, ta sẽ thấy rằng ở khổ thơ đầu dường như nàng đã cố tình làm ra vẻ “nhầm lẫn” khi viết:Thấy ai cũng ví..sau khi xem tiểu thuyết nhưng thực ra là để che giấu điều mà nàng cũng đã biết,đã nhận ra “người quen” qua hình tượng “…chum chúm hình quả tim vỡ,đỏ hồng như nhuộn máu đào” của loài hoa Tigôn miêu tả trong truyện ngắn & với hai khổ thơ sau thì nàng lại như ngầm nói với tác giả rằng:-Nàng không nói bâng cua đâu & nàng chỉ tưởng nhầm Thấy ai cũng ví nếu như loài hoa ấy không phải là những cánh Tigôn mà thôi,chính cái từ Nhưng ấy đã cho chúng ta biết điều đó. Từ những phần trước,ta đã biết nếu không có nhà văn Thanh Châu thì đã không có T.T.Kh hay nói cụ thể hơn là nếu không có truyện ngắn Hoa Tigôn thì sẽ không có bài thơ Hai sắc hoa tigôn & các bài thơ tiếp theo… Đặt hai tác phẩm trên cạnh nhau,điều dễ nhận thấy đầu tiên là bài thơ như muốn “họa” lại truyện ngắn từ hình thức cho đến nội dung.Bắt đầu là cái tiêu đề: Hoa Tigôn-Hai sắc hoa tigôn .Truyện ngắn mở đầu bằng hình ảnh ông họa sĩ già ngày nào cũng ngẩn ngơ bên những cánh hoa dường như để hồi tưởng lại những ngày tháng êm đềm đã mất…chuyện tình thơ cũng bắt đầu “kể lại” những kỷ niệm êm đềm với loài hoa có cái tên “tây” ấy (vì tiêu đề đã nói rõ là …hoa tigôn nên ở trong những câu thơ không nhắc lại tên hoa nữa):             Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn

                                                                 Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

                                                                 Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

                                                                 Tôi chờ người đến với yêu đương

Cũng từ những phần trước ta đã nhận thấy trước & trong “giai đoạn T.T.Kh” không có bất cứ ai dùng hình tượng “Trái tim” hay “Trái tim vỡ” để chỉ hoa tigôn như nhà văn Thanh Châu & T.T.Kh đã dùng!Câu hỏi được đặt ra là vì sao mà câu chuyện của Thanh Châu & T.T.Kh đều chỉ xoay quanh cái chi tiết “Trái tim vỡ” ấy?Vì lẽ gì mà cánh hoa tigôn lại ám ảnh hai người đến như vậy?Truyện ngắn Hoa tigôn có đoạn: “…trong thư,một dây hoa tigôn nhỏ ép rơi ra: những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ,đỏ hồng như  nhuộm máu đào…”  & đây bài thơ viết:

                                           “…Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ

                                                Và đỏ như màu máu thắm phai.

Về phần mình,cũng trong tùy bút Những cánh hoa Tim ông viết: Người đàn ông chừng là một kẻ đã đứng tuổi & từng trải thường vuốt tóc nàng & thở dài lo sợ cho cái tương lai đen tối của hai người,trong khi vít những dây hoa ấy xuống…đây là đoạn nhà văn Thanh Châu đang bình luận về bài thơ Hai sắc hoa tigôn của T.T.Kh,chúng ta tìm khắp tất cả bốn bài thơ đã đăng báo cũng không hề thấy cái chi tiết “…trong khi vít những dây hoa ấy xuống” nằm ở đâu?Phải chăng là ông đang hồi tưởng lại những tháng,ngày ở bên người yêu dưới một giàn hoa tigôn trong sân nhà nàng mà T.T.Kh cũng đã viết trước đó:- “Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung” trong Bài thơ cuối cùng…?

Hay là ông đã khéo tưởng tượng ra “cảnh” này trong khi đang bồi hồi xúc động?Nhưng,như chúng ta cũng đã biết,thể loại tùy bút đâu có cho phép nhà văn hư cấu hay thêm,bớt về một sự kiện nào đó không có thật?Điều đó nói lên rằng có lẽ nhà văn Thanh Châu cũng đã nhận ra“Người xưa” khi đọc những bài thơ ấy khiến ông hồi tưởng như một cuốn “phim đời” chiếu lại mà viết ra như thế chăng?

Hoa tigôn nhỏ bé,loài hoa hình trái tim hầu như luôn hiện diện trong câu chuyện tình buồn này,nó như rụng đầy ở khắp mọi nơi,ở mọi không gian,thời gian mà câu chuyện tình nhắc đến.Trong truyện ngắn,mở đầu là chàng họa sĩ gặp người con gái sáng sáng bắc ghế hái những chùm hoa tigôn để lại trong lòng chàng một tương tư thầm kín cho đến khi hai người gặp lại & bắt đầu một mối tình đắm say & cuối cùng nhận được thông điệp của bi kịch tình yêu là một phong thư báo tang viền đen kèm theo một dây hoa tigôn…Còn trong bài thơ,cánh hoa từ chỗ là niềm vui,niềm mong đợi của người con gái “Tôi chờ người đến với yêu đương” cho đến khi kết thúc một cuộc tình:

                                          “… Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ

                                                Tựa trái tim phai tựa máu hồng”

Cho nên nếu có đặt lại tên “Bí ẩn văn chương T.T.Kh” này thành “Bí ẩn tình thơ Hoa tigôn”quả là cũng không sai.Nhưng, như chúng ta cũng đã biết hơn 70 năm về trước thời còn tư tưởng phong kiến rất nặng nề,việc yêu đương trai gái là việc ít được bộc lộ công khai chứ đừng nói là lại làm thơ than vãn cho một tình yêu bẽ bàng của chính mình mà lại dám công khai danh tính trong khi đã có chồng,dù cho tác giả đã “tây” hóa rất nhiều qua những vần thơ mang tư tưởng “tân thời”này (có lẽ ngay cả thời hiên đại cũng vậy thôi) mặt khác,nếu như sau khi truyện ngắn Hoa Tigôn ra đời mà chỉ có duy nhất bài thơ Hai sắc hoa tigôn thì chúng ta còn có thể cho rằng:- chắc là có “ai đó” xúc động vì câu chuyện đọc được mà “cảm thán” làm ra bài thơ để cho vơi bớt nỗi lòng…nhưng thực tế là đã có tất cả những bốn bài thơ,mà các bài thơ đó đều ít,nhiều liên quan đến nhau thì câu chuyện đã trở nên “rất thật” rồi.Lại có người vì vốn dĩ hay nghi ngờ kiểu “đa nghi Tào Tháo”mà cho rằng chắc có ai đó làm ra những bài thơ đối đáp với câu chuyện của nhà văn Thanh Châu cho thêm phần ly kỳ để bán báo. Ta thấy ngay rằng nhận định trên là hết sức vớ vẩn & nông cạn,vì nếu không có cảm xúc thật sự,hay nói cách khác là nếu không có “tâm sự buồn” lại ở trong một hoàn cảnh đặc biệt thì không thể có được những bài thơ như cào xé tâm can đến như thế ,nếu mà cứ “vui như tết” hoặc là loại thơ “đặt hàng” thì chỉ sản sinh ra được những bài thơ như “hô khẩu hiệu” mà thôi,ngay cả những bài thơ tình bất hủ được cho là “lãng mạn cách mạng” cũng đều xuất phát từ những kết cục buồn,hay từ những ước mơ chưa thành… ví dụ:-Bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao hay bài Đợi anh về của ximônôv…Chúng ta cùng đọc lời nhận xét thật chí lý của hai tác giả Việt nam Thi nhân tiền chiến-ông Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng: “Không uống rượu,không thể say.Không đắm đuối trong yêu đương,không thể dệt nên những vần thơ lâm ly về tình ái.Thi phẩm của T.T.Kh là tiếng lòng của một linh hồn đau khổ,héo hắt khi mộng tình tan vỡ,nàng kêu lên để thở than duyên phận với người đời.T.T.Kh đâu phải là “thợ thơ” mà phải dối trá lòng mình để cấu tạo những vần thơ bi thiết-Mà như thế để làm gì?Khoe danh à?-Vô lý! Vì T.T.Kh đâu có cho ai biết hình dạng ra sao?...” đưa thêm ví dụ thì nhiều vô kể,dẫn chứng ra chỉ làm mất thì giờ của bạn đọc.Từ những điều nêu trên,việc T.T.Kh dấu kín danh tính & nhà văn Thanh Châu tôn trọng điều đó của tác giả đã trở nên dễ hiểu,vì thế ông mới viết “… kèm với bức thư xin chữ ký của tôi.Bức thư giảng rõ vì sao nẩy ra thi hứng viết nên bài thơ…” thế thôi chứ không chịu tiết lộ gì thêm về nội dung bức thư mà chỉ có một mình ông biết.Chi tiết xin chữ ký có lẽ cũng chỉ là một động tác giúp “đánh lạc hướng” để cho mọi người tin rằng tác giả thơ giống như một người tỏ lòng ngưỡng mộ tới tác giả truyện ngắn & ngầm “thanh minh” rằng hai người chẳng có “liên quan” gì với nhau hơn là để nhằm “xác định” chắc chắn tác giả của truyện ngắn là ai của tác giả những bài thơ?Như đã phân tích ở các phần trước chúng ta thấy rõ ràng là nếu không có truyện ngắn Hoa Tigôn thì sẽ không thể có bài thơ Hai sắc hoa tigôn & nếu chỉ đơn giản là “…vì sao nẩy ra thi hứng viết nên bài thơ…” thì có lẽ cũng chỉ cần một bài thơ đầu là đủ,đằng này lại là những ba bài thơ (chưa tính Bài thơ đan áo) với nhiều hàm ý vừa trách móc vừa thở than vừa nuối tiếc đến như vậy để làm gì & tại sao?Vì nếu không phải ít nhất là “người quen”  thì có ai lại làm như vậy không?Đến đây ta đã có thể hiểu ra rằng nhà văn Thanh châu chính là “người quen” của T.T.Kh vì thế sau bài thơ đó mới có hai bài thơ tiếp theo gửi đăng ở tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy.

2-Người yêu của T.T.Kh có thể là ai?:

Vì đã nhận ra “người quen” rồi cho nên bài thơ thứ hai gửi đăng báo mới viết tiếp điều mà Hai sắc hoa tigôn chưa tiện nói hết,như một lời nhắn nhủ:  Từ đấy không mong không dám hẹn

                                                                                  Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm

                                                                                  Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ

                                                                                  Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

Bởi nếu không “…Vẫn nhớ em” thì viết ra truyện ngắn Hoa tigôn “nhắc lại” tình yêu cũ (qua hình tượng Hoa tigôn-Trái tim vỡ…) để làm gì? Và cũng trong bài thơ này T.T.Kh không chỉ nhìn nhận những cánh hoa Tigôn với vẻ lãng mạn u buồn của nó mà còn có vẻ giận hờn người đã “vô tình” nhắc đến cánh hoa xưa,khiến lòng Nàng thêm tan nát: 

                                                  Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên

                                                   Bỗng ai đem lại cánh hoa tim

                                                   Cho tôi ép nốt dòng dư lệ

                                                   Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Từ những câu thơ có tính chất thăm dò & tương đối kín kẽ để không làm lộ mối quan hệ,thế rồi diễn biến của tình cảm khi nhớ lại duyên xưa.Nàng đánh liều khi đối thoại “trực tiếp”như một lời nhắc khéo & cũng là để thanh minh cho sự “lên tiếng” của mình:    

                                  Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá

                                  Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:

                               -“Cố quên đi nhé câm mà nín

                                 Đừng thở than bằng những giọng thơ”.

Thế nhưng,mãi rồi cũng không thể dằn lòng được nên Bài thơ Cuối cùng đã làm nàng “lộ tẩy”:

                                      Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly

                                     Càng khơi càng thấy lụy từng khi

                                     Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy

                                     Mà viết tình em được ích gì?

Hóa ra nàng đã thừa nhận tác giả của truyện ngắn Hoa Tigôn không phải là “người dưng”,bởi nếu không có quan hệ gì thì sao nàng lại vô cớ đi trách “người ta”? Đoạn phân tích này của Trần Đình Thu quả là tinh tường & khá chí lý:

“Chúng tôi đã có dịp nói chuyện với nhà văn Thanh Châu & chỉ ra với ông chỗ này.Nhà văn Thanh Châu cũng hoàn toàn đồng ý với chúng tôi rằng quả thật câu thơ của T.T.Kh đã có hàm ý trách ông”.

Đến đây ta có thể kết luận rằng nhà văn Thanh Châu chính là nhân vật “Ai” & quan hệ giữa tác giả truyện ngắn & tác giả thơ không phải là mối quan hệ “người dưng” mà ít nhất phải là người đã biết rõ về câu chuyện tình ngang trái của nàng…Thế nhưng,trong thơ của T.T.Kh không chỉ có mỗi nhân vật “Ai” mà còn có cả nhân vật “Anh” nữa,không lẽ có những hai nhân vật khác nhau?.Ta hãy đọc những đoạn thơ mà nàng cũng “trực tiếp” đối thoại với người yêu của mình:

                                                      Anh hỡi,tháng ngày xa quá nhỉ?

                                                      Một mùa thu cũ một lòng đau

                                                      Ba năm ví biết anh còn nhớ

                                                      Em đã câm lời có nói đâu.

Cũng như những lời tự sự sau này của nhà văn Thanh Châu trong bài tùy bút Những cánh hoa tim: “…tôi nghĩ đến một quả tim rớm máu…&…Tôi có tất cả tâm sự của một người đã từng chua xót vì yêu… Lúc này tôi muốn tìm ra loài hoa ấy đem tặng tất cả những người đàn bà đáng thương ở trong cảnh éo le này: -có chồng rồi mà vẫn không quên được tình xưa…” & ý nàng cũng như muốn trách: -Sao anh lại quên “lời hẹn” cũ mà viết câu chuyện tình của chúng mình làm gì cho thêm đau đớn lòng nhau thế này & phải chăng hình ảnh cô đơn của ông họa sĩ già ... cứ đến mùa hoa Tigôn nở,không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về thay thế hoa cũ trong phòng vẽ,vì thứ hoa ấy chóng tàn. trong truyện ngắn Hoa Tigôn đã ám ảnh nàng,nên T.T.Kh mới viết,như một lời nhắn nhủ tới người yêu xưa?:       Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ

                                             Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ

                                             Tóc úa giết dần đời thiếu phụ

                                            Thì ai trông ngóng chả nên chờ.  

Và:        Ngang trái đời hoa đã úa rồi

              Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi

              Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp

             Đi nhớ người không muốn nhớ lời.

Thế rồi,vì ở trong một tâm trạng bối rối,nàng đã không còn giữ được bình tĩnh nữa mà quên cả việc giữ gìn danh phận nên mới “nói toạc” ra :

                                         Năm lại năm qua cứ muốn yên

                                         Mà phương ngoài gió chẳng làm quên

                                         Mà người vỡ lở duyên thầm kín

                                         Lại chính là anh,anh của em.

 Như vậy là đã rõ, hai nhân vật “Ai” & “Anh” chỉ có thể là một người! hay nói cụ thể hơn là nhà văn Thanh Châu chính là Người yêu của T.T.Kh! mà có lẽ cũng chẳng cần phải bình luật gì thêm.

3-Về “Bài thơ đan áo” của T.T.Kh:

Như chúng ta đã biết,bài thơ này tác giả viết gửi cho một người chị nào đó để nói lên cảnh ngộ của mình như một hình thức “tựa lên vai chị mà khóc cho vơi nỗi lòng”:

                                                Chị ơi,nếu chị đã yêu

                                       Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương…

 Và:              Hay chăng chị mỗi chiều đông

             Đáng thương những kẻ có chồng như em…

Một điều quan trọng nữa là ngoài người chị ra thì người yêu của T.T.Kh cũng được biết hay nói đúng hơn là cũng được tặng bài thơ này,ta hãy đọc mấy câu trong Bài thơ cuối cùng:

                                                     Chỉ có ba người đã đọc riêng

                                                     Bài thơ đan áo của chồng em

Đây là câu chuyện tình duyên ngang trái,yêu mà không lấy được nhau chứ không phải là sự phụ tình của một phía,vì thế việc gửi tặng đồng thời bài thơ nói lên nỗi lòng mình cho người yêu thấu hiểu cũng là điều bình thường & hợp lý (bài thơ này chắc chắn phải được làm trước ba bài thơ kia một thời gian khá lâu).Chẳng thế mà khi tình yêu tan vỡ nàng cũng có hận gì người mình yêu đâu,nàng trách mà cứ như là không trách:

                                                  Thuở trước hồn tôi phơi phới quá

                                                  Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương

                                                  Nhưng nhà nghệ sỹ từ đâu lại

                                                  Êm ái trao tôi một vết thương.

Vì suy cho cùng trong cuộc tình duyên ngang trái này cả hai đều không có lỗi:

                                     Như con chim nhốt trong lồng

                              Tháng ngày than tiếc ánh hồng nơi nao

                                     Ngoài trời hoa nắng xôn xao

                             Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm

                                     Ai đem lễ giáo giam em

                            Sống hờ hết kiếp trong duyên trái đời…

Chúng ta dừng lại một chút để tìm hiểu về cái từ “nhà nghệ sỹ”:-Ngày xưa nhà văn,nhà thơ,nhạc sỹ,họa sỹ…hay được gọi chung là văn nghệ sỹ hay nghệ sỹ còn diễn viên,ca sỹ,nhạc công…lại gọi chung là Tài tử (ví dụ ca sĩ Ngọc Bảo thì lại gọi là tài tử Ngọc Bảo).

 Quay lại với câu chuyện Bài thơ đan áo,câu hỏi được đặt ra là:-Điều gì đã làm cho T.T.Kh tỏ ra mất bình tĩnh & giận dữ khi Bài thơ đan áo xuất hiện trên báo Phụ nữ  khiến cho nàng phải viết tiếp Bài thơ cuối cùng để trách móc người mình yêu:

                            Chỉ có ba người đã đọc riêng

                            Bài thơ đan áo của chồng em

                            Bài thơ đan áo nay rao bán

                           Cho khắp thiên hạ thóc mách xem

Và dường như vì một điều gì đó đã xảy ra,khiến không thể tự kìm chế,Nàng hơi nặng lời:

                                                       Từ đây anh hãy bán thơ anh

                                                       Còn để yên tôi với một mình

                                                       Những cánh hoa lòng,hừ đã ghét

                                                       Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Rõ là giận quá mất khôn nên nàng “quên” mất là chính nàng đã gửi 2 bài thơ đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy từ trước đó (dù không lấy nhuận bút) thì báo họ in ra chẳng lẽ đi phát không mà không đem bán? hơn nữa bài thơ lấy tên mình chứ đâu có mang tên “người ta” mà nàng lại bảo là đổi lấy hư vinh?.Điều này chỉ có thể giải thích rằng nàng giận là vì chàng đã lỡ “cho” đi “tặng phẩm” mà nàng chỉ tặng riêng chàng & người chị (Nàng dễ dàng khẳng định ai là người tiết lộ bài thơ trên bằng cách hỏi người chị,có gì là khó?).Ta hãy lấy ví dụ ngày nay,bạn tặng người yêu một món quà,nhưng người ấy không dùng mà lại đem cho người khác,khi biết chuyện thì liệu bạn có dễ dàng bỏ qua không?huống hồ là bài thơ này lại còn chứa đựng hầu như mọi “sự thật”về đời sống hiện tại của nàng cũng như nguyên nhân đã làm tan vỡ cuộc tình của hai người, khi công khai rất dễ làm cho nàng bị lộ diện cho nên với tâm lý của người “trong cuộc” lại mang tâm trạng “thần hồn nát thần tính” khi sống trong vòng lễ giáo phong kiến thì nàng vừa sợ vừa bực mình cũng là điều dễ hiểu:

                                                      Tôi oán hờn anh mỗi phút giây

                                                      Tôi run sợ viết bởi rồi đây

Nếu không yên được thì tôi chết

                                                      Đêm hỡi,làm sao tối thế này?

Rồi như một tiếng thở dài để chia tay vĩnh viễn một mối tình đã không thể cùng nhau đi đến đoạn kết cuối cùng,nàng nhắn nhủ:       Giận anh em viết dòng dư lệ

                                                      Là chút dư hương điệu cuối cùng

Nhưng điều làm cho nàng lo sợ rồi cũng không thể lấn át đươc tình cảm gần như vẫn còn nguyên vẹn mà nàng đã dành cho người mình yêu,rằng “giận thì giận,mà thương vẫn thương” T.T.Kh viết: 

                                                    Tôi biết làm sao được hỡi trời                   

                                                    Giận anh không nỡ nhớ không thôi

                                                    Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt

                                                    Sợ quá đi anh,có một người…

Một câu hỏi nữa lại phải được đặt ra:-Vậy mục đích của ông Thanh Châu “tiết lộ” trên báo Bài thơ đan áo để làm gì? Trước tiên ta có thể khẳng định rằng cái bút danh T.T.Kh khi gửi đăng báo Phụ nữ (ở số 7 phố Hội Vũ-Hà Nội) không phải của tác giả bài thơ (trong nguyên bản bài thơ đem tặng) mà là do ông Thanh Châu. Vì là người “trong cuộc” được tặng bài thơ từ trước & biết rõ tác giả là ai nên mới lấy đúng theo bút danh của hai bài thơ đã đăng.Tại sao lại dám khẳng định điều đó? Đơn giản là bài thơ này chỉ tặng duy nhất có hai người thân thiết nhất,gần gũi nhất,tin cậy nhất thì việc gì mà phải dùng bút danh (trừ phi tác giả đã là một nhà thơ chuyên nghiệp & có tiếng tăm)?.Tuy nhiên, việc ai đã lấy bút danh đó không quan trọng bằng trả lời được câu hỏi tại sao nhà văn Thanh Châu lại đi tiết lộ bài thơ của người yêu tặng mình? Ta chỉ có thể lý giải được rằng, khi đọc hai bài thơ đầu là Hai sắc hoa tigôn & Bài thơ thứ nhất chúng ta cũng chỉ “thấy” được một tình yêu say đắm nhưng lỡ làng chứ không hề biết được nguyên nhân nào dẫn đến bi kịch ấy của tình yêu đôi lứa đã làm trái tim người con gái nát tan,thì đây:-Bài thơ đan áo đã cho biết điều đó,không những thế nó còn cho biết tâm tư tình cảm cũng như cuộc sống “thật” sau ngày phải lấy chồng của người con gái ấy & trong những ngày ôm nỗi buồn nơi đất khách quê người với nỗi nhớ khôn nguôi ông cảm thán mà viết ra câu chuyện của đời mình (tất nhiên không thể viết đúng nguyên mẫu vì còn phải giữ cho người mình yêu đã có chồng) & khi nhận ra hai bài thơ của người yêu cũ gửi đăng báo,ông muốn mọi người hiểu đúng nguyên nhân thực sự của cuộc chia ly với tình yêu của tác giả mà vẫn không làm lộ danh tính như “tìm” một sự đồng cảm & chia sẻ của cuộc đời,cũng như ngầm bác bỏ mọi đồn đoán vô căn cứ (thời gian này vốn đã có rất nhiều đồn đoán về xuất xứ của bài thơ Hai sắc hoa tigôn  như chúng ta đã biết) ý định tốt đẹp đó vô tình đã làm người ông yêu hờn dỗi vì ông đã “cho” đi “kỷ niệm xưa” của hai người,còn điều lo sợ có lẽ cũng chỉ mang nặng sự “có tật giật mình”của người trong cuộc mà thôi….

 

còn tiếp...

Đỗ Thế Cường
Số lần đọc: 5827
Ngày đăng: 15.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -2 - Đỗ Thế Cường
Văn Kết Hợp Báo Trong Tiểu Thuyết “Pa Ri 11 Tháng 8” Của Thuận - Lê Thị Hải Vân
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh? -1 - Đỗ Thế Cường
Kinh Tế Phật giáo 5 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 4 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 3 - Quán Như Phạm Văn Minh
Kinh Tế Phật giáo 2 - Quán Như Phạm Văn Minh
Bích Khê và chủ nghĩa tượng trưng - Mai Bá Ấn
Kinh Tế Phật giáo 1 - Quán Như Phạm Văn Minh
Sài Gòn Xanh Ký Ức - Thiên Hà