Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
615
116.534.526
 
Viết Về GS Nguyễn Văn Thành
Nguyễn Đăng Trúc

 

Nguyễn Đăng Trúc tổng hợp

 

*

 

-          Tiểu sử Lm GS  Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành

-          Điếu văn Nguyễn Đăng Trúc

-          Bài từ biệt Võ Thị Khóai

-          Thương tiếc GS Nguyễn Văn Thành  Lê Trân

-          Lời chứng về  Lm Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành   Fr. Martin Phạm Thanh Toàn, O.Cist.

-          Nhân Sự Ra Đi của Giáo Sư Nguyễn Văn Thành và Cuốn Sách “Em là Đại Dương…Từ tâm lý đến Mầu Nhiệm Giáo Hội”  Nguyễn Đức Tuyên

-          G.S. Nguyễn Văn Thành và cuốn sách “Trong Đức Kitô” viết cho Phong Trào Cursillo                                                                      Nguyễn Đức Tuyên

-          Đọc Tác Phẩm " Nguyễn Trãi (1380-1442),  Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt " của Giáo sư Nguyễn Văn Thành           Lê Đình Cai

 

 

 

Ai tín

 

Anh nvthanh----------------------------------

 

Lm GS Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành, sinh ngày 20.04.1937, đã tạ thế vào lúc 08 giờ ngày 14 tháng 11 năm 2008 tại bệnh viện Fribourg, Thụy Sĩ.

Sáng 15.11.08 lúc 09 giờ 30 Linh cữu sẽ được đưa về quàng ở Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Fatima, tại Orsonnens, Thuỵ Sĩ.

Tối  Chúa Nhật, 16.11.08, lúc 19 giờ 30 sẽ có buổi canh thức cầu nguyện cho người quá cố tại Đan Viện.

Chiều ngày thứ hai, 17.11.08, Thánh Lễ an táng ở Nguyện Đường Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Fatima, lúc 15 giờ.

Và sẽ được an táng tại nghĩa trang giáo xứ Orsonnens, Thuỵ Sĩ, sát Đan Viện.

 

______________

 

Tiểu sử Lm GS  Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành

 

Linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Huế

Nguyên Giám Đốc Trường Thiên Hữu (Institut de la Providence) Huế

Nguyên Tuyên Úy Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Huế (1972-1973)

Nguyên Giáo sư dạy tại Đại Học Huế

Nguyên Giáo sư Trưởng Ban Tâm Lý, Phân Khoa Nhân Văn Và Nghệ Thuật, Đại Học Minh Đức Sài Gòn, trước 1975

Chuyên viên về tâm bệnh tại các bệnh viện tâm thần Saigon và miền Nam Việt Nam

Chuyên viên về tâm bệnh tại Lausanne, Thụy Sĩ

Thành viên sáng lập Trung Tâm Văn hóa Nguyễn Trường Tộ, Tập San Định Hướng, Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại

Thường xuyên viết trong Mạng lưới văn hóa

Liên Lạc Nhân Văn,

Dũng Lạc, Chứng Nhân Đức Ki-tô,

Công giáo Việt Nam 

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&id=16

Nguyễn Văn Thành  trong  http://ttntt.free.fr/

Tĩnh dưỡng tại Dòng Xitô Thánh Mẫu Fatima  Orsonnens, Thụy Sĩ

Tạ thế vào lúc 08 giờ ngày 14 tháng 11 năm 2008 tại bệnh viện Fribourg, Thụy Sĩ.

Đã xuất bản ở Hải ngoại hơn 20 tác phẩm.

 

 

Những cuốn sách chính yếu

 

  1.-  Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học của S. FREUD – 1997

  2.-  Le projet pédago-éducatif 1997

  3.-  Phát huy Nhân Lực – 1998

  4.-  Đối thoại với các tôn giáo – 1998          

  5.-  Đối Thoại, Quê Hương Tình Người – 1999

  6.-  Lắng Nghe – 1999

  7-  Quan Hệ Mẹ Con – 2000

  8.- Tự Tin – 2000

  9.-  Khung trời mở rộng - 2000

10.-  Trong Đức Kitô- 2001

11.-  NGUYỄN TRÃI, một tấm lòng Vạn Xuân và Đại việt – 2001

12.- Nguyễn Trãi và vấn đề giáo dục con cái  – 2001

13.- Bản đồ tâm lý và tư duy sáu màu – 2002

14.- Tư duy và hành động – 2002

15.- Đồng Cảm để Đồng Hành – 2003

16.- Sơn Tinh và Thủy Tinh, hai con đường một Nước Non – 2003

17.- Nguy cơ tự kỷ nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi – 2006

18.- Phát huy quan hệ xã hội trong vấn đề giáo dục trẻ em tự kỷ – 2007

19.- Huyền Sử Việt Nam, con đường Luyện Vàng – 2004, 2008

20.- Con đường Bao Dung – 2008

21.- Lắng Nghe Chúa Thánh Thần – 2008

22.- Hãy thăp lên một ngọn đuốc… – 2008.

 

 

 

Điếu văn

 

Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành, Cha Thành kính mến,

 

-          Thay mặt cho người trong gia đình, thân quyến của Anh tại Việt-Nam cũng như đang sống rãi rác khắp thế giới,

-          thay mặt cho bạn hữu của anh, các giám mục, linh mục, các cựu chủng sinh xuất thân từ mái ấm chủng viện Huế, cho học sinh, giáo sư từ Trường Thiên Hữu nơi mà anh đã từng học và từng làm giám đốc,

-          thay mặt cho các sinh viên mà anh tận tụy phục vụ, các giáo sư mà anh luôn mãi là huynh đệ chân tình, tại các Đại Học Huế, Đại Học Minh Đức, Sàigòn, các Dòng Tu, các khóa huấn luyện cán bộ y tế, các khoá Đại Học Hè, các Tuần Lễ Văn Hóa Xã Hội Việt Nam Hải Ngoại,

-          thay mặt cho những người khuyết tật tâm thần mà anh đã hiến trọn mấy chục năm sống để yêu thương và đồng hành với họ,

-          thay mặt cho những người đang tích cực dấn thân phục vụ sinh hoạt văn hóa giáo dục trong và ngoài nước,

 

chúng tôi xin nghiêng mình trước linh cửu của anh.

 

Giây phút nầy đây, tôi muốn học bài học của anh để có đôi lời về anh, với bà con, bạn bè đang quay quần bên anh trong nguyện đường đan viện Thánh Mẫu Fatima Orsonnens nầy, và với anh. Bài học đó là lòng thành thực mà suốt những ngày tháng cùng sống với anh tôi đã học được.

Những người có duyên gần gũi anh, trong mối tương giao Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành hay Cha Thành…, hẳn đều đồng ý với tôi một điểm: con người của anh đúng là THÀNH.

Đúng như thế, thời gian 36 năm sát cánh bên anh, tôi chứng thực đã tìm gặp được nơi anh kho tàng quí giá nhất, đó là lòng thành thực của người ngay chính.

Tuy đồng hương Quảng Trị với anh, cùng xuất thân từ tiểu chủng viện thuộc địa phận Huế, cùng đã từng học trường Thiên Hữu, cùng dấn thân phục vụ trong lãnh vực văn hóa giáo dục như anh, nhưng mãi đến năm 1972, tôi mới thực sự gặp anh tại Văn Phòng của Viện Đại Học Minh Đức, Sàigòn. Và từ đó, trong 36 năm, tưởng chừng như chúng ta luôn đồng hành bên nhau trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt nghề nghiệp và văn hóa.

Nơi môi trường giáo dục đại học nầy, người giáo sư chuyên môn về tâm lý thực nghiệm Nguyễn Văn Thành đã giúp Hội Đồng Phân Khoa Nhân Văn và Nghệ Thuật Đại Học Minh Đức thiết lập lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt nam Ban Tâm Lý Thực Nghiệm.

Bước đường tiên phong của vị giáo sư Trưởng Ban Tâm Lý chưa đầy 35 tuổi nầy không những mở ra một bộ môn mới, nhưng, qua phong cách sư phạm đầy tình người của Thầy Thành, nó cống hiến cho đất nước Việt Nam một gương mẫu trong sinh hoạt của con người trí thức, của nhà giáo dục.

Giáo án, tài liệu, sách báo giáo sư Thành viết ra, lối giảng dạy của Thầy Thành, lời tâm sự chia sẻ với đồng liêu, cung cách cư xử với bạn hữu, cái nhìn, thái độ im lặng lắng nghe trong cuộc sống… thật kỳ lạ vì tưởng chừng tất cả như là lời tâm sự của mẹ nói với con, lời trìu mến giữa đôi tình nhân đang đắm đuối, và hơn hết là như lời cầu nguyện âm thầm vọng ở đằng sau chữ viết, ở nơi ánh mắt, ở trong nụ cười hiền hòa. Đúng thế, nơi Nguyễn Văn Thành, ai ai có duyên gặp gỡ hẳn nhận ra được một con người thành thực với một cuộc sống nội tâm kỳ diệu.

Chính nhờ nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn, ngưồn sinh lực mà tác giả Nguyện Văn Thành gọi là Phật tính, là Thần Lực của Thánh Thần Thiên Chúa ban cho mỗi người, mà Nguyễn Văn Thành đã vượt qua, vượt lên được những dị dạng, vấp ngã, yếu hèn mà mỗi người, anh, tôi, tất cả chúng ta, đang mang trong người, để tìm gặp, tôn trọng, tha thứ, thân thương và khoan dung một cách thành thực đối với nhau.

Chính nguồn sinh lực sâu kín của tâm hồn ấy thúc đẩy Nguyễn Văn Thành thể nghiệm những bước đường canh tân, đối thoại và thành thực yêu thương trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp văn hóa giáo dục của mình:

Không phải Nguyễn Văn Thành đã khai phá được con đường có thể gặp gỡ giữa văn hóa dân gian, văn chương quần chúng với kiến thức khoa học hàn lâm hay sao?

Không phải chính Anh đã can đảm viết một chuyên khảo tựa đề từ tâm lý đến đức tin hay sao?

Không phải chính Anh là tác giả đã giúp người đọc nhân ra những nguyên nguồn của tâm thức tôn giáo làm cầu nối cho ngôn ngữ truyền thống Phật giáo và Kitô giáo gặp gỡ nhau hay sao?

Phải, Nguyễn Văn Thành là con người tài ba trong nhiều địa hạt, nhưng bên trên tài ba đó, Nguyễn Văn Thành là người trí thức, là nhà giáo dục chân chính, là hiền nhân, vì Nguyễn Văn Thành đã biết tiếp nhận và sống Thần Lực đến từ bên kia bờ, vì Nguyễn Văn Thành giữ được Đạo Tâm.

Nguyễn Văn Thành ấy luôn là người con thân yêu của Đất Nước và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, và mải là bậc thầy cho nhiều thế hệ mai sau.

Chúng tôi ngậm ngùi vĩnh biệt, Bạn Thành, Anh Thành, Thầy Thành, Cha Thành  kính mến.

Và xin được cùng Anh là người khiêm tốn, nhân hậu và đem lại an bình cho nhiều tâm hồn, xin được cùng Anh là kẻ tin vào sức mạnh yêu thương của Đức Kitô mà anh là linh mục của Ngài, và là người lữ hành của niềm hy vọng cứu độ mà Ngài mang đến cho Anh và cho chúng ta,

xin được cùng Anh lặp lại lời chúc phúc của Ngài:

 

Phúc cho người khiêm tốn hiền lành, vì họ sẽ nhận đất làm gia nghiệp.

Phúc cho người nhân hậu hay thương xót, vì họ sẽ được xót thương,

Phúc cho người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa  Mt  5,4.7.9

 

Nguyễn Đăng Trúc

Hội trưởng Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ

Đọc trong ngày lễ an táng  Linh mục Giáo sư Nguyễn Văn Thành - 17/11/2008

 

 

Bài từ biệt

 

Kính thưa Quý Cha, Quý Ông Bà và anh chị em bạn hữu

 

Nhân dịp được tu nghiệp về ngành giáo dục đặc biệt ở Âu Châu 3 tháng, con được diễm phúc tham dự Thánh lễ An Táng Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành, và hôm nay con xin được hân hạnh chia sẻ cùng Quý Vị lãnh vực bác ái xã hội mà Giáo Sư Linh Mục đã thực hiện thời gian qua tại Việt Nam.

Kể từ 1993, suốt 15 năm Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành đã tình nguyện trở về Việt Nam vào những dịp Hè để huấn luyện và đào tạo các chuyên viên, giáo viên ngành giáo dục đặc biệt trẻ em khuyết tất về tâm thần cho cả nước. Đây là một ngành học mới đối với Việt Nam.

Ngoài lãnh vực chuyên môn là một nhà Tâm Lý, một nhà Phân Tâm Học Giáo Sư Linh Mục còn hết lòng phục vụ Giáo Hội Việt Nam qua các buổi chia sẻ về kiến thức Tâm Lý cho giới trẻ, giáo lý viên, cho nhiều Xứ Đạo. Các Dòng Tu ... thuộc Giáo Phận Sàigòn.

Ba năm gần đây nhất kể từ 2005 đến 2007 Ủy Ban Bác Ái Xã Hội, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành về hướng dẫn và đào tạo chuyên viên Giáo Viên, các Phụ Huynh có con em Tự Kỷ, Các Nữ Tu, những người trực tiếp làm việc với Trẻ Em Tự Kỷ thuộc 26 Giáo Phận, thuộc các vùng sâu vùng xa ... tại Sàigòn, khoá học được tổ chức tại Học Viện Phaolô Nguyễn Văn Bình Giáo Phận Sàigòn. .

Các lớp đào tạo như trên cũng được sự cộng tác của Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành qua sự tổ chức của Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội - Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Con được may mắn đồng hành với Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành trong suốt 15 năm qua tại Việt Nam và con cảm nhận Ngài là một người cha nhân hậu, khiêm tốn, sống tinh thần khó nghèo, nhiệt tâm và đạo đức trong cung cách phục vụ và đặc biệt hết lòng thương yêu  trẻ em khuyết tật tâm thần vô điều kiện...

Việc làm của Ngài đem lại nhiều hoa trái thiết thực tốt đẹp cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và cho ngành giáo dục đặc biệt các trẻ em Tự Kỷ nói riêng tại quê nhà.

 

Võ Thị Khoái

Hiệu Trưởng Trường Chuyên Biệt Gia Định

Đọc  trongThánh Lễ An Táng Giáo Sư Linh Mục Nguyễn Văn Thành tại Đan viện Orsonnens ngày 17.11. 2008

 

 

 

 

 

Thương tiếc

 GS Nguyễn Văn Thành

 

Ôi cát bụi tuyệt vời...

 

Lê Trân

Nguyệt San Ngày Mới, Paris

14/11/2008

  

Vẫn biết bụi đất một mai sẽ trở về đất bụi.  Vẫn biết nơi đến, chốn về như nhau: tất cả chỉ là phù du, vô nghĩa. Nhưng sáng nay khi mở e-mail, tin Anh Thành vừa mất lúc 8 giờ, 14/11/2008, vẫn làm tôi bàng hoàng...

Mới thứ tư tuần trước (5/11/08), sáng, điện thoại thăm anh ở bệnh viện, anh cho biết trưa nay anh sẽ trải qua một cuộc giải phẫu lần chót, mong rằng sẽ tốt đẹp. Tôi định hỏi thêm về sức khỏe của anh, anh cười: "Tình trạng vẫn thế, từ ngày nhập viện mình không ăn uống gì cả, chỉ được truyền "nước biển". Anh xoay  ra hỏi: "Anh khỏe mạnh thế nào? Chị DT khỏe không?" Tôi báo cho anh biết, trưa nay tôi có hẹn với bác sĩ chuyên về "rythmologie" vì "con tim mình" cứ thích nhảy "Lambada", không chừng cũng phải qua một cuộc phẫu thuật. Sau đó tôi và anh cùng hẹn sẽ gặp nhau một ngày nào đó... khi sức khỏe (của nhau) bình phục, như anh thường rủ tôi sang Thụy sĩ hàn huyên cùng anh.

Tôi, sau khi "được" chẩn bệnh, bác sĩ cho biết không cần phải giải phẫu để "khắc phục" điệu "Lambada", chỉ cần điều trị bằng thuốc thì đâu lại vào đấy.

Mừng cho tôi, nhưng lại khắc khoải cho anh.

Mới hôm qua, tôi điện thoại vào bệnh viện thăm anh, hy vọng sẽ nhận được tin lành, nhưng ái nữ của anh cho biết, anh hiện còn chưa tỉnh hẳn, tuy vậy tôi vẫn mừng, nghĩ rằng cuộc giải phẫu thành công, bây giờ là hy vọng, đợi khi anh tỉnh dậy, sẽ bình phục và anh lại tiếp tục "lao động" trí óc như xưa.

Thế mà... "Cái hẹn" của chúng ta lại không bao giờ thực hiện được nữa... Anh vừa ra đi về Nhà Cha.

Phải chăng trong lòng Anh, “từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” đang mong chờ một điều gì đó thâm sâu hơn, cao quý hơn những gì tầm thường đang cuốn hút hạt bụi xoay vòng trong cơn lốc đảo điên của trần thế !

Tâm hồn Anh đã nghe được lời mời gọi thiêng liêng nào đó.  À, thì ra cát bụi mệt nhoài sau những chuỗi ngày "mặt trời soi một kiếp rong chơi"[1] sau những tháng năm hòa mình vào những "tiếng động gõ nhịp không nguôi" cuộc đời, sau "bao nhiêu năm làm kiếp con người" Anh bỗng chợt nhận ra thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống.  Hạt bụi nhỏ bé như giọt sương mai được mặt trời soi sáng để rồi trái tim khát khao tin yêu thổn thức "xin úp mặt bùi ngùi, từng ngày qua mỏi ngóng tin vui".

Ngay khi còn sống, con người đã mang trong mình sự chết, vì thế mà con người sẽ phải chết. Chết là một kết thúc của ta trong cuộc sống này, và mọi cái ta sở hữu cũng đều chấm dứt. Thật là một tư tưởng cay đắng cho những ai chỉ biết vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là một viễn tượng đáng khát vọng cho những người sống cơ cực (x. Hc 41, 1).

Kiếp người cứ mãi chạy theo những nhu cầu của xã hội:  nhà cửa, xe cộ, tiền tài, sự nghiệp của mình, tương lai con cái…

    "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt .."1

Rồi mỏi mệt nhắm mắt xuôi tay mới chua chát nhận ra rằng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, và đôi tay đó đã bóp chết bao kiếp người trong những nhu cầu tầm thường.

Đi mà "chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà", đi mà không biết mình sẽ đi đâu, sẽ đến nơi đâu?

Hàng năm Giáo Hội Công Giáo dành tháng mười một, tháng nằm giữa mùa Thu - mùa lá vàng để cầu nguyện cho các người quá cố, Anh đã ra đi giữa mầu sắc rực rỡ của lá thu vàng điểm thêm những vùng lá đỏ ối để về Nhà Cha, cuộc sống bây giờ sẽ không còn là phù du vô nghĩa, không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng từ đáy vực sâu mà là những tiếng kêu ngạc nhiên hoan lạc, những bản tình ca bất tận ca ngợi tình yêu Thiên Chúa bao la: Anh đã sống trong Thiên Chúa là sống để yêu - Anh đã sống trong thời gian là yêu để sống.

    Ôi Tình Chúa yêu Anh thật tuyệt vời !

Con người được sinh ra từ bụi đất nhưng con người không bằng bụi đất vì con người có hơi thở và hơi thở này là hơi thở Sự Sống của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Hạt bụi được hóa kiếp là nhờ tình thương của Thiên Chúa. Vì nếu không, muôn đời hạt bụi vẫn còn mãi mãi là hạt bụi. "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật". (St 2,7)

    Ôi cát bụi tuyệt vời !

Cuộc đời con người chúng ta xuất thân từ bụi cát, một cách vô tình cứ để mặc cho dòng đời cuốn trôi không biết đâu là bến, đâu là bờ, đâu là núi cao, đâu là vực thẳm, để rồi cuối cùng cảm thấy mệt nhoài. Tuy nhiên, tự trong thâm sâu, một lời mời gọi không ngừng vang lên khiến cho hạt bụi dừng chân, Anh khắc khoải lên đường đi theo "tiếng gọi" bỏ lại sau lưng thân phận bọt bèo của kiếp người.

Vâng, Chúa ơi ! Mặc dù “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” nhưng Anh biết vinh quang Thiên Chúa thì vô biên không bút mực nào tả xiết, Anh đáp lại lời mời gọi của Chúa khi "Hạt bụi nào hòa kiếp thân tôi ..." thì hôm nay Anh được hội ngộ với Chúa. Hạnh phúc ngất ngây ở bên Chúa khi được mạc khải vẻ huy hoàng rực rỡ của Chúa, khiến Anh thật sự đã quên mất đường về. Ở đây không có cảnh “ta về lại nhớ ta đi” nữa !

Năm 2007 về Việt Nam, được biết rõ thêm những công trình Anh đã làm: thiết lập những Trung tâm điều trị các trẻ em tự bế ở Saigon và Hà Nội. Ngoài ra Anh còn mở ra nhiều khóa học đào tạo các chuyên viên chăm sóc và điều trị các trẻ em tự kỷ.

Những công việc Anh thực hiện cho quê hương cho dân tộc, quả tuyệt vời !

Không hẹn mà gặp, chúng ta đã gặp nhau ở Saigon, hôm đó Anh đã chẩn bệnh cho một cháu trai do tôi dẫn đến. Cháu lên bốn, thân thể phát triển bình thường, nhưng không nói được. Sau khi chẩn bệnh, Anh cho biết bệnh tình của cháu không có gì nghiêm trọng, chằng qua là cháu "lười nói". Sau đó Anh giới thiệu qua trường dành cho các trẻ em tự kỷ ở Gia Định. Giám đốc trung tâm là học trò của anh. Nhờ Anh, cháu Khang đã nói được bình thường, mang niềm vui, hạnh phúc cho bố mẹ và gia đình.

Không chỉ duy nhất cháu Khang, đã có hàng trăm cháu nhờ phương pháp trị liệu của Anh đã khỏi bệnh.

Hiện nay ở Việt Nam số trẻ em bị chứng bệnh tự kỷ rất là nhiều, các em đang cần đến Anh để Anh đào tạo thêm nhiều chuyên viên điều trị.

Thứ tư tuần trước, điện thoại cho Anh, tôi đã nói: "Anh còn phải tiếp tục "lao động" !

Một người yêu đất nước, hăng say đóng góp cho sự thăng tiến của dân tộc trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục như Anh. Sao anh bỏ cuộc sớm thế!

Bây giờ Anh không còn phải "...đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt"

Chúa đã "thương gọi Anh về ..."

Về đi ... Anh Thành !

Cám ơn Anh về những đóng góp Anh đã hiến cho đời, cho người.

Anh Thành, hãy nghỉ yên, người con yêu của Chúa !

 


 

Lời chứng

về

Lm Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành

 

 

Một con người khiêm hạ và "bị" Tình Thương của Thiên Chúa đeo đuổi.

1-       Đó là một người được ghi dấu bởi những công trình nghiên cứu rất đồ sộ (trên 20 tác phẩm và nhiều bài viết có giá trị), nhưng con người này đã dùng cái học cái biết của mình để cống hiến mình cho dân tộc Việt Nam. Thường, người ta sẽ dễ dàng đánh giá giá trị của một người dựa theo những công trình người đó đã làm được. Đối với cha Phanxicô Xavie Thành thì khác. Giữa công trình của cha và con người của cha dường như là hai chuyện khác nhau. Những gì làm được chỉ là phương tiện để đạt được chính con người hoàn thiện là tác nhân của những công việc đó. Theo con được biết, suốt mấy chục năm sống tại Thụy Sĩ, vì là con người "rất đau đớn cho gia sản văn hoá và con người Việt Nam", nên cha đã chuyên chú trong việc đào tạo người trẻ, viết lách nhiều cũng chỉ nhằm một mục đích duy nhất đó. Chính vì vậy, với số vốn hiểu biết chuyên môn về Tâm Lý Học, cha đã giúp rất nhiều trẻ em khuyết tật tâm thần (autisme) cả tại Lausanne,Thụy Sĩ và tại Việt Nam. Động cơ của cha để làm những việc này, không gì khác, chính là lòng nhân ái và khiêm hạ.

Lòng nhân ái và khiêm hạ đó đã thể hiện ra trong đời sống cộng đoàn với đan viện Thánh Mẫu Fatima-Orsonnens/Thụy Sĩ trong suốt một năm qua (từ tháng 12/2007): gần gũi và thân thiện với tất cả mọi người, những người lớn đã đành mà ngay cả những anh em chỉ đáng tuổi cháu đều được cha coi là "bạn bè" trong cư xử. Quả thật chúng con đã nói đủ thứ chuyện vui buồn với nhau, đã "triết lý" với nhau về những vấn đề xã hội bên Tây bên Ta. Và, nhất là một khám phá mới: trên giường bệnh suốt hai tháng, ưu tư lớn nhất của cha chính là những em khuyết tật tâm thần (autiste - tự kỷ). (Xem ra sự đau đớn kinh khủng của căn bệnh ung thư gan và mật này không đáng kể. Tất cả mọi anh em trong cộng đoàn đều không nghe thấy một lời kêu đau nào của cha. Ngay cả mấy ngày trước khi đi bệnh viện, cha vẫn đến lớp dạy cho ba Thầy kinh viện ở đây, mặc dù những cơn đau đã hoành hành từ mấy tuần trước rồi). Mỗi lần nhắc đến những em này cha lại khóc. Thì ra, trên giường bệnh, nhất là khi nghe được tin của bác sĩ cho biết bị ung thư, một thoáng thất vọng đã ập tới nhưng rồi cũng mau chóng đi qua, cho thấy những công việc của cha đang làm bị bỏ dở. Thì ra, hằng ngày với mạng Internet, cha thường xuyên liên lạc với những "khách hàng" của mình, nghĩa là những gia đình cha mẹ đang có con mắc bệnh khuyết tật tâm thần, giải thích cho họ cách chữa trị thế nào, vì đây là quá trình điều trị lâu dài. Thế mới hay, một con người trí thức thật cao nhưng đã trở nên nhỏ bé, nhỏ bé đến nỗi đã thẩm thấu vào được ngay cả những con người khuyết tật tâm thần, những người xem ra "bó tay" đối với những phương pháp khoa học tân tiến. Một lần cha đã cho biết: bí quyết chữa trị bệnh này chính là tình thương. Thì ra, khác với các loại bệnh khác, loại bệnh này chỉ được chữa trị hiệu quả do bởi tình thương của thầy thuốc mà thôi !

 

2-       Chính vì vậy mà con đã cảm nhận nơi ngài: có một Tình Thương lớn quá đang đeo đuổi ngài. Một khi ngàí đã có trái tim liên đới như thế, những con người xấu số kia đã trở nên người nhà của ngài. Và chính vì đã đồng hình đồng dạng với Tình Thương của Thiên Chúa, nên Chúa đã tỏ Tình Thương của Ngài cho cha Phanxicô Xavier Thành. Rõ ràng Tình Thương quan phòng đó đã an bài cho cha Thành có được một năm sống trong đan viện Xitô Thánh Mẫu Fatima tại làng Orsonnens tỉnh Fribourg bên Thụy Sĩ. Chúng con đã chứng kiến nhiều lần những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má chỉ vì cảm nghiệm được một Tình Thương lớn quá cứ trào tràn trên cuộc đời của mình. Hạnh phúc quá và cứ thế lan toả trong cuộc sống đời thường. Hầu như cha tham dự tất cả các Giờ Kinh với Cộng Đoàn, nhưng vẫn có giờ dạy học cho ba Thầy kinh viện mà cũng chẳng sao nhãng việc "chữa trị từ xa" cho các em khuyết tật tâm thần, đồng thời vẫn có thời gian nghiên cứu và viết sách.

Rồi như thể không buông tha, Tình Thương đó cứ đeo đuổi cha Thành cho đến chân giường bệnh, hai tháng trước khi qua đời. Trong thời gian này, một biến cố quan trọng đã diễn ra trong đời của ngài: phục hồi thiên chức linh mục. Cha Viện Trưởng Clêmentê Phạm Đăng Mẫn đã có ý âm thầm tiến hành việc đó cho cha Thành khi ngài về Việt Nam họp Tổng Hội của Dòng Xitô vào tháng 11/2008 này. Nhưng Chúa đã thúc bách ngài làm sớm hơn trước khi ngài về Việt Nam bằng cách liên lạc bằng điện thư cho Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể và đã được trả lời bằng sự ưng thuận như bằng chứng của Tình Thương Thiên Chúa đối với cha Thành. Thì ra Tình Thương của Thiên Chúa không buông tha bất cứ ai và nhất là những người mà tình thương đã trở nên "đồng hình đồng dạng" với Tình Thương Thiên Chúa.

 

Sau cùng, con chỉ nói gọn lời này: cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành đã kết thúc cuộc đời của mình một cách rất tốt đẹp và thánh thiện. Ngài là một vị thánh của Chúa chúng ta.

 

Ghi nhớ ngày an táng cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thành, 17.11.2008.

 

Fr. Martin Phạm Thanh Toàn, O.Cist.



[1] Trích "Cát bụi - Một cõi đi về"  (Trịnh Công Sơn).

 

Nguyễn Đăng Trúc
Số lần đọc: 3006
Ngày đăng: 19.07.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
G.S. Nguyễn Văn Thành và cuốn sách “Trong Đức Kitô” viết cho Phong Trào Cursillo - Nguyễn Đức Tuyên
Tác Giả “Mùa Biến Động” Đã Qua Đời. - Ban Mai
Nguyễn Tất Nhiên, Thà Như Giọt Mưa Vỡ Trên Tượng Đá - Ngô Nguyên Nghiễm
Đỗ Hồng Ngọc, Khói Trời Phương Đông - Nguyễn Lệ Uyên
Nguyễn Mai, Ngọn Gió Cô Đơn Không Ngừng Thổi Giữa Đời - Ngô Nguyên Nghiễm
Trần Yên Thảo, Khúc Ngâm Du Tử Vỡ Oà Quanh Đây - Ngô Nguyên Nghiễm
Vũ Hữu Định, Đường Gian Nan Chạy Suốt Kiếp Người - Ngô Nguyên Nghiễm
Các Nhà Thơ Mới Cầm Tinh Con Rồng - Bùi Tuý Phượng
CÕI RIÊNG Trần Kiêu Bạt [1945-2005] - Trần Văn Sơn
Lã Văn Cường, Ôm Đàn Tới Giữa Đời. - Nguyễn Tấn Cứ
Cùng một tác giả
Nhớ Nguồn 1 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 2 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 3 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 4 (tiểu luận)
Nhớ Nguồn 5 (tiểu luận)