Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
513
115.869.889
 
Công trình nghiên cứu âm nhạc : Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -3
Tuấn Giang

 

CHƯƠNG III

 

SỰ RA ĐỜI DÂN CA CÁC DÂN TỘC.

 

1. Xuất xứ các dân tộc ít người phía Bắc

 

Theo các nhà nhân chủng học, các dân tộc miền núi phía Bắc từ phương Bắc di cư đến nước ta, có nhiều giả thuyết khác nhau. Một số nhà dân tộc học cho rằng các dân tộc mới đến nước ta khoảng 300 năm trở lại đây. Các nhà nhân chủng học cho là họ di cư đến Đại Việt muộn nhất vào những năm đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, nhiều người cho là các dân tộc vào nước ta từ trước công nguyên. Sau khi nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu, tác giả cho rằng các dân tộc mới đến nước ta vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, một số nhóm đến từ trước công nguyên, nhóm đến muộn khoảng ba, bốn trăm năm trở lại đây.

 

Căn cứ các truyện truyền thuyết, những bài hát đưa hồn, tiến hồn trong mo then nói về nguồn gốc người Mông, xuất xứ từ miền núi cao Tây Tạng Trung Hoa, họ sinh ra cách đây khoảng 10.000 năm, đến nước ta những năm đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Nơi người Mông đặt chân đến các đỉnh núi cao, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, sau đó đến các tỉnh miền nùi và Tây Nguyên. Người Mông có các nhóm: Mông trắng, đỏ, xanh, đen, hoa, họ còn các tên gọi: mông, H’Mông, Mẹo, Miêu, Mèo. Người Mông có các loại dân ca: Hát ru, Đồng giao, Giao duyên, Mo then Mông. Phải nói nhóm các dân tộc Mông – Tày – Nùng – Thái có mối quan hệ ngôn ngữ gần nhau, Suy đến cùng các dân tộc trên thế giới có vốn dân ca mang nội dung giống nhau gắn với vòng đời con người từ sinh ra đến lúc về cõi vĩnh hằng. Âm nhạc là một hình thức nghệ thuật có mỗi liên hệ gắn chặt với một đời người. Khi sinh ra nằm trong nôi nghe hát ru, biết tự chơi đùa có tiếng hát Đồng dao, khi trưởng thành trai gái yêu nhau nghe hát Giao duyên là tiếng hát tình yêu. Quá trình sống họ sản sinh ra những điệu hò tiếng hát lao động sản xuất để tồn tại, khi chết đi tiếng nhạc, bài hát linh thiêng đưa hồn về với đất. Một vòng đời người khép kín bằng những bài dân ca, dân nhạc, phản ánh tinh thần văn hoá con người nhận thức về tự nhiên, đời sống xã hội. Các dân tộc ít người đã sản sinh ra nhiều bài hát trong các thể loại đặc sắc, hấp dẫn đến muôn đời là những bài ca bất tận cùng năm tháng. Nguồn gốc xuất xứ mỗi tộc người đến nước ta dù khác nhau về thời gian, tổ chức xã hội, đời sống… thì họ còn đó vốn dân ca theo sát vòng đời mỗi con người. Âm nhạc và con người là linh hồn bất diệt.

 

Người Thái, xuất hiện ở miền núi Vân Nam Trung Quốc, họ đến nước ta khoảng năm 1200 trước công nguyên, cư trú ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu theo rải Trường Sơn vào Nam. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái, ở Trung Quốc nằm trong nhóm người Thái – Tày – Nùng, vì thế vốn âm nhạc, tiếng nói gần nhau. Một số sách sử nước ta còn ghi người Thái đến Đại Việt vào năm * 1067 thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Người Thái thời ấy sinh sống thành bộ tộc độc lập, hàng năm cống nạp Đại Việt để làm ăn hoà bình với Nhà Lý. Vào thế kỷ XII, Nhà Trần đánh tan bộ tộc Thái sát nhập người Thái thành con dân nước Việt. Người Thái gồm ba nhóm: Thái trắng, đen, đỏ, mỗi nhóm mặc sắc phục riêng phân biệt với người Thái khác, còn phần dân ca dân nhạc không khác nhau bao nhiêu.

 

Người Tày, còn gọi là Thổ, họ đến Việt Nam sớm vào những năm cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, cư trú ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn dần lan toả đến khắp mọi miền đất nước, ngay Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khá đông người Tày cư trú, làm việc trong các công sở Nhà nước. Tới nay, các dân tộc Mông Tày Nùng Thái có mặt các tỉnh thành cả nước, sang tận Mỹ. Người Tầy chiếm số đông dân chúng ở mọi nơi. Người Tầy, có vốn dân ca đặc sắc Hát then, tuy nhiên là loại ca nhạc tâm linh, các dân tộc đều có, nhưng Then Tầy phát triển mạnh trong đời sống âm nhạc đương đại, là nét độc đáo của đồng bào. Người Nùng, gốc Trung Quốc, thuộc ngữ hệ Tày Thái có các nhóm: Nùng cháo, Nùng inh, Nùng lòi, Nùng phàn sình. Mới di cư đến Đại Việt, xưa là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bắc Giang. Sau này, phát triển xuống các tỉnh thành phố ở gần hết trên mọi miền đất nước. Người Nùng đến nước ta vào thế kỷ XIII, họ bỏ đi vì các triều đại phong kiến Trung Hoa, phân biệt đối xử đây là dân tộc đến Đại Việt muộn nhất trong nhóm bốn dân tộc kể trên. Nhóm này, vốn dân ca gần với người Tày, thường gọi theo nhóm dân ca Tày – Nùng.

Vốn dân ca các dân tộc Mông – Tày – Nùng – Thái, nhiều điệu hay, đặc sắc trong mối quan hệ gần với bốn hình thức âm nhạc, mỗi hình thức diễn tả nội dung tình cảm con người. Những bài hát tâm linh trong hình thức mo then diễn tả phong phú lịch sử phát triển dân tộc, từ nguồn gốc đến quá trình tổ chức sản xuất, xây dựng xã hội. Dân ca mo then khá hoàn chỉnh vì sự phản ánh hiện thực cuộc sống, quan niệm sống các dân tộc.

 

2. Nguồn gốc ra đời dân ca các dân tộc.

 

Sự xuất hiện các dân tộc ít người miền núi phía Bắc, sớm nhất gần hai ngàn năm, muộn nhất bảy trăm năm, có dân tộc mới 300 năm. Do đó, mỗi dân tộc có vốn dân ca tương đối ổn định khác nhau, một số người Lô Lô, Sán chỉ, Giang… sưu tầm được một hai chục bài, còn bốn dân tộc Mông – Tầy - Nùng – Thái chưa sưu tầm hết, nhưng ước tính có dân tộc tới 100 hoặc hơn 150 làn điệu, không kể những dị bản khác nhau trong nhiều hình thức âm nhạc các địa phương miền núi. Số lượng dân ca Tày có thể sưu tầm nhiều làn điệu nhất, tính các loại cúng then có bảy loại, mỗi loại từ 10 đến 15 làn điệu, đem nhân với bảy, chưa kể những dị bản ở các địa phương khác nhau. Hát then nếu sưu tầm đủ, con số gần trăm điệu, còn nhiều loại dân ca khác chưa sưu tầm.

 

Sự xuất hiện dân ca các dân tộc nhiều ít khác nhau, nhưng giá trị âm nhạc nằm ở tính đặc sắc giai điệu, nhiều bài dân ca tạo dựng mỗi dân tộc một hình thái âm nhạc. Mỗi bài dân ca có nguồn gốc từ những điều kiện:

 

-          Phong tục sinh hoạt, nghi lễ.

-          Điều kiện tự nhiên xã hội.

-          Hoạt động vui chơi, lao động sản xuất.

 

Ba điều kiện trên là nguồn gốc ra đời những bài dân ca như phong tục cưới hỏi ra đời những bài dân ca hát đám cưới, tục lễ hội Hạn khuống, Ném còn, người Thái, si lượn Tày Nùng. Mỗi điều kiện ra đời một hình thức, mỗi hình thức dân ca đáp ứng một nhóm công chúng trong xã hội nông nghiệp các dân tộc. Nguồn gốc dân ca ra đời cùng lịch sử phát triển văn hoá, trình độ sản xuất, tổ chức xã hội của mỗi tộc người.

 

Các dân tộc đến nước ta theo lịch sử để lại, người Mông vào những năm cuối thể kỷ thứ nhất, khoảng những năm 80 – 90 sau công nguyên. Do đó, họ mang theo vốn dân ca Mông đầu tiên từ Trung Quốc vào nước ta, đến những năm đầu thế kỷ thứ hai sau công nguyên bắt đầu sáng tác dân ca mới. Quá trình sáng tác dân ca từ cuộc sống phát triển thành các bài dân ca, qua nhiều thế kỷ phân chia thành các loại ca hát như diễn xướng dân gian, hát múa sinh hoạt... Dân ca Mông do các nghệ nhân sáng tác tại miền núi phía Bắc nước ta sớm nhất vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên. Giả thuyết này chỉ là võ đoán nhưng có thể tin, bởi sáng tác dân gian là quá trình truyền miệng qua thời gian, nhiều người sáng tạo mới thành bài ca hoàn chỉnh. Người Mông đầu tiên đến miền đất mới vào những năm 80 – 90 sau công nguyên, họ đã sáng tác vài điệu dân ca mô tả cuộc sống mới, kể chuyện phong cảnh thiên nhiên. Nhưng ngay lúc ấy, những bài dân ca mới là khởi thảo ý tưởng chưa hoàn chỉnh, phải sang thế kỷ sau mới thành những bài hát lưu truyền trong dân gian. Vào thế kỷ thứ II, sau công nguyên dân ca Mông xuất hiện ra đời trên miền đất mới ở phía Bắc Tổ quốc Việt Nam.

Người Tày đến nước ta thuộc loại sớm nhất, vào những năm cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Do đó, vốn dân ca xuất hiện đầu tiên từ những năm trước công nguyên nhưng là vốn dân ca Tày Trung Quốc bản địa đưa sang, đến năm đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên họ bắt đầu hình thành vốn dân ca mới. Những điệu dân ca ấy qua thực tiễn đời sống ngày một nâng cao, ra đời nhiều điệu hát mới. Đồng bào Tày tổ chức xã hội kinh tế phát triển có số lượng dân ca lớn, dù mất mát đau xót trong lịch sử nước ta thiếu ý thức bảo vệ văn hóa, bởi giới cầm quyền phong kiến không coi trọng văn nghệ sĩ, coi họ là bọn xướng ca vô loài nên nhiều văn bản học nghệ thuật bị thất truyền. Nguyên nhân chủ quan, khách quan, chiến tranh, giặc giã, ý thức bảo vệ những giá trị văn hoá… đến nay còn yếu kém, nhiều di tích văn hoá bị xâm hại, phá hoại. Vì thế, nghiên cứu nghệ thuật quá khứ gặp nhiều khó khăn. Trong vô số các thể loại dân ca Tày, tạm công nhận giả thiết xuất hiện từ thế kỷ thứ II, trước công nguyên, đây là những bài dân ca ra đời sớm nhất trong dân ca các dân tộc ít người. Những bài dân ca ấy, có thể đoán định là hát ru, si lượn, tiếng hát lao động sản xuất, còn hình thức mo then Tày mới hoàn chỉnh nghi lễ khá muộn.

 

Hát then Tày, vốn dân ca hay, nhiều nhạc sĩ khai thác vào sáng tác âm nhạc đương đại. Một số điệu then do các diễn viên đoàn ca múa Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Văn Công Quân khu I, các nghệ nhân đặt lời mới biểu diễn, hát trên các nhà đài làm say đắm người nghe yêu thích nhớ mãi không quên. Then Tày một hình thức ca nhạc tâm linh, ca nhạc phong tục – nghi lễ. Hát then hình thức diễn xướng dân gian, bài hát nghi lễ này thuộc hệ thuống tín ngưỡng Tày – Nùng, ra đời từ các truyện cổ tích thần thoại, đơn giản là những bài hát cúng tế. Tế trời, thần thánh, cầu mùa, cầu phúc… mong mọi vật bình an, con người mạnh khoẻ. Hình thức múa hát then ra đời ngay những năm đầu thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Ban đầu chỉ là một hai bài hát, điệu nhạc với những bài khấn nôm, sau đó hình thành luật lệ khoa học hoàn chỉnh. Hát then là một lệ thức đầy tính niêm luật bài bản nghi lễ, ra đời tục hát then. Đây là tư liệu duy nhất có thể khẳng định nghệ thuật hát then ra đời năm 1598, do Ông Hoàng Quỳnh ở Trùng Khánh Cao Bằng đặt ra Then Giàng để dâng lễ vua Nhà Mạc. Mạc Đăng Dung xem ca múa then thấy sảng khoái, liền ban chiếu xuống nhân gian phổ biến Then Giảng. Từ đó, then phổ cập trong cung và nhân dân phát triển các loại Then: Then cầu phúc, Then bói toán, Then cấp sắc...

 

Hát Then tín ngưỡng dân gian ra đời trước công nguyên, mở đầu bằng những bài khấn nôm, đến năm 1598 phát triển vào cung đình đặt ra các luật lệ, nghi lễ then thành nhiều trò diễn xướng dân gian. Diễn xướng Then từ một đêm đến ba đêm, hai ngày, diễn nhiều câu truyện dài về các truyền thuyết, huyền thoại quân Then qua 12 cửa ải mang tính lịch sử phát triển xã hội dân tộc Tày. Dân ca Tày, nhiều bài hát đặc sắc từ hát then cùng những điệu hát giao duyên, si lượn phổ biến trong công chúng thời nay.

 

Xuất xứ dân ca Nùng theo người bản xứ Trung Hoa di cư sang Đại Việt thế kỷ XIII, là vốn dân ca đầu tiên gốc người Nùng ngoại lai. Sau nhiều thế kỷ ra đời vốn dân ca mới mang bản sắc văn hoá âm nhạc Nùng, dân ca Nùng có nhiều thể loại đặc sắc, nhiều điệu mang tên gọi cùng dân ca Tày như Si lượn, cùng thể loại giao duyên người Nùng còn hát Nàng ới, Hà lều.

 

Dân ca Nùng có hình thức diễn xướng dân gian Mộc thầu hý, Giá hai, đây là hình thức sân khấu trình diễn khác nhau nhưng chung một hệ thống làn điêu dân ca. Mộc thầu hý nghệ thuật trò diễn rối que, những trích đoạn truyện cổ. Giá hai, sân khấu người diễn, diễn cổ tích huyền thoại thành vở, hoạt cảnh sân khấu hấp dẫn, hát hay múa đẹp. Ngoài vốn dân ca các loại hát giao duyên, hát ru, đồng giao, hò lao động nương rẫy, còn những điệu Giá hai nhiều làn điệu mang âm hưởng hoặc nguyên bản dân ca Nùng Trung Quốc. Đây là vốn dân ca duy nhất trong số dân ca dân tộc Mông Tày Nùng Thái, còn nguyên dấu ấn dân ca bản địa Tung Quốc. Những làn điệu Giá hai chưa Nùng hóa, hoặc Nùng hóa nhưng còn nhiều câu nhạc âm điệu Trung Hoa như  câu nhạc lưu không trong các điệu Giá hai, Sang pìn tẻo, Sai hoa… có nét giá í ì i hai, gia í i ì hài.

Dân ca Nùng phong phú độc đáo, mới xuất hiện trên đất nước ta, còn nhiều nét văn hoá âm nhạc Nùng Trung Quốc, không chỉ làn điệu Giá hai, nhiều thể loại khác còn những điệu Hà lều, Nàng ới mang hơi hướng âm điệu dân ca Nùng nơi nguồn gốc đầu tiên của người Nùng. Xuất xứ dân ca Nùng cho thấy sự hình thành những điệu dân ca trên miền đất mới là một quá trình lịch sử lâu dài mới tạo phong cách riêng, bằng không chưa thể thoát khỏi nơi xuất xứ nguồn cội. Có thể liên hệ tới dân ca Nam Bộ*, khoảng thời gian thế kỷ thứ VII nhiều người xứ Bắc di cư vào chưa tạo dựng thành vốn dân ca, phải đến thế kỷ XIII người xứ Bắc lập nghiệp ở Nam mới ra đời nhiều hình thức dân ca. Vì thế, nhiều điệu dân ca Nam Bộ mang âm điệu dân ca Bắc Bộ, sau này mới xuất hiện những bài dân ca hay, đặc sắc vùng sông nước phương Nam.

 

Dân ca Thái xuất hiện ở nước ta năm 1200 trước công nguyên, đây là vốn dân ca đầu tiên mang âm điệu dân ca Thái Trung Quốc. Sau quá trình sinh sống, họ sáng tác làn điệu dân ca mới mang phongcách riêng dân ca Thái trên đất Việt, nhiều bài nổi tiếng như Xoè hoa, Mưa rơi, Ngày mùa… không mang âm điệu dân ca Thái ngoại lai. Vì không có điều kiện đến những vùng người Thái Vân Nam và nhiều tỉnh miền núi Trung Quốc, nhưng theo cảm nhận những bài dân ca Thái trên đất Việt không mang âm điệu dân ca Thái ngoại lai, hoặc ít thấy. Dân ca Thái trên mảnh đất mới, là những điệu hát vui tươi rộn ràng trong sáng. Nhiều điệu hát phản ánh tình yêu, cuộc sống xã hội Thái, thanh bình lạc quan. Dù Người Thái từng có quốc gia riêng cống nạp Đại Việt để chung sống hòa bình, sau này bị thu phục sống cùng các dân tộc nhưng dân ca Thái ít có bài buồn, âm hưởng chung là nhạc vui tươi. Nhiều bài dân ca phản ánh lối sống xã hội nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ nhưng đồng bào ca hát, nhảy múa sống vui nhộn, đây là nét đặc sắc dân ca khác biệt với dân ca nhiều dân tộc trên đất nước ta. Dân ca Thái, niềm kiêu hãnh của tinh thần lạc quan vượt qua mọi thách thức cuộc sống, người Thái yêu hết mình vì thiên nhiên tươi đẹp. Người Thái có diễn xướng Han khuống, một hình thức dân ca hát giao duyên mang tính luật tục nghi lễ, dù là vui chơi của trai gái trong bản nhưng hết sức phong phú và bài bản. Hạn khuống tiếng Thái là cái sàn. Hạn khuống, ra đời cùng sự nhập cư vào nước ta, lúc đầu chưa có tổ chức bài bản chỉ là trò vui sau mùa gặt trình diễn giao duyên như kiểu hội làng. Sau nhiều thập kỷ nâng lên thành nghi lễ Hạn khuống, tổ chức sàn diễn theo quy định của dân bản. Hình thức vui chơi Hạn khuống, vào mùa thu kéo dài hết mùa đông để trai gái tỏ tình. Hạn khuống điển hẹn tình yêu, là linh hồn bản mường, mỗi mường có nhiều bản ở giữa mường có Hạn khuống, đôi khi một mường có 5 – 6 Hạn khuống đáp ứng nhu cầu tuổi trẻ. Đó là chuyện xưa, từ sau hoà bình 1954 thế kỷ trước và chiến tranh liên miên Hạn khuống đã đi vào cõi nhớ. Ngày nay, nhiều địa phương phục hồi Hạn khuống nhưng không thể tồn tại trước cuộc sống mới.

 

Hạn khuống xưa, dựng một cái sàn hình chữ nhật, hoặc hình vuông cao 1,5m, dài 4m, rộng 4m, hoặc dài 6m, rộng 4m Sàn lát bằng tre, phên nứa, tường xung quanh là chấn song tròn hoặc phên nứa đan lóng mốt, mắt cáo thông gió thoáng mát. Cửa Hạn khuống mở trước mặt, giữa sàn, có thang 3 bậc lên xuống, trong giữa sàn một bếp lửa đốt vào buổi tối như gọi mời vui lửa trại. Hạn khuống 2 – 3 năm tổ chức một lần, diễn tích trò múa hát. Hình thức trình diễn nam nữ đối đáp, thách đố, trả lời, xưng danh, kể chuyện tâm tình, hẹn hò yêu đương, Kết thúc lớp múa hát tập thể chia tay trong điệu Xoè hoa.

 

Hạn khuống là hình thức múa hát, trình diễn dân gian dành riêng tuổi trẻ: Hạn Khuống Thái xưa ở hầu hết các bản người Thái, là hình thức sân khấu mang tính văn học nghệ thuật cao.

 

Mỗi dân tộc ít người có vốn dân ca phong phú, nhiều hình thức dân ca ra đời từ nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu âm nhạc đặc sắc mang nét văn hoa, tinh tế, chân thực trong đời sống xã hội các dân tộc. Tiếc thay những hồi ức ấy, chỉ còn trong truyền tụng người đời, đôi dòng sử sách do các nhà nghiên cứu các dân tộc để lại. Vốn âm nhạc mới sưu tầm được còn quá ít, nhiều hình thức ca hát của đồng bào dân tộc đang bị mất đi vĩnh viễn trong quá khứ.

 

3.Nội dung các loại dân ca.

 

Dân ca các dân tộc Mông Tày Nùng Thái hết sức phong phú, nhiều hình thức thể loại âm nhạc mỗi dân tộc. Dựa trên đặc điểm nội dung âm nhạc, đặc điểm lời ca không kể loại dân ca đặt lời mới, hoặc dịch sang tiếng việt, xếp loại để phân tích nội dung dân ca các dân tộc.

 

Dân ca các dân tộc, mỗi dân tộc một lối sống, phương thức canh tác, sản xuất, tổ chức xã hội riêng. Dân ca như những dòng ký sự ghi lại quá trình sống của đồng bào trên các miền đất. Người Mông sống trên những sườn núi cao sáu trăm, một ngàn năm trăm mét, người Thái ở ven thung lũng nơi nhiều sông suối. Người Tày, Nùng ở các làng bản, cánh đồng, đặt tên làng theo các địa danh quen thuộc. Người Tày sống theo Quằng, Thổ Ty, quan niệm thế giới đa thần. Mỗi dân tộc một đặc điểm xã hội, phong tục lối sống khác nhau, ra đời nhiều thể loại dân ca riêng, nhưng dựa vào hình thức ca hát nội dung lời ca, có thể phân loại theo 5 hình thức âm nhạc:

 

-          Hát ru.

-          Hát đồng dao.

-          Hát giao duyên.

-          Tiếng hát lao động.

-          Hát tâm linh. (Mo then)

 

Các dân tộc dù khác biệt về nhiều mặt ngôn ngữ, địa lý, nhưng có chung vốn dân ca phản ánh hiện thực đời sống xã hội. Mỗi hình thức ca hát nhằm mục đích giáo lý, ngợi ca cuộc sống con người, sống làm việc vì tương lai cộng đồng bằng nghị lực niềm tin hướng thiện.

 

3.1. Hát ru.

 

Nội dung thể loại hát ru, những bài hát ru em, ru con, ru cháu, ngủ để mẹ làm nương, đi chợ, đi rừng, lên rẫy sản xuất của cải bảo tồn đời sống hạnh phúc gia đình.

 

Hát ru kể công đức cha mẹ nuôi con khó khọc, ghi nhớ công ơn cha mẹ, mẹ yêu con, con mau lớn đừng quên những ngày bé thơ. Bài Ứ noọng nòn (Em ngủ, dân ca Tày):

 

Ngủ đi ngủ nhiều nhiều

Mẹ đi đến tối mới về

Mẹ về mẹ ra ruộng bắt muỗm

Bắt cho được muỗm môi hồng

 

Bắt lấy ve sầu là môi thâm thâm

Bắt diều hâu đen cổ khoang khoang

Bắt trâu đen về ăn cỏ

Bắt ngay con ngựa về nhà

 

Ở nhà bé ngóng chờ mẹ về

Mẹ ru em bú xong

Bé yên ngủ

 

Hoặc Ru con (dân ca Tày):

 

Con ơi con ngủ cho ngoan

Cho bu sắp xếp việc nhà xong xuôi

Nước nhà đang còn quân Tây

Cha con chiến đấu đường xa chưa về…

 

Đây là bài dân ca do nhóm ghi âm phỏng dịch lời gốc là lời mới, lời cổ bị vong bản nhưng nội dung như hình thức kể chuyện ru con ngủ. Dù lời mới nhưng đồng bào dựa vào lời cổ đặt lời mới mang nội dung kể chuyện công việc như vốn cổ. Nghiên cứu những bài dân ca các dân tộc gặp nhiều khó khăn rào cản ngôn ngữ, nhiều bài nguyên tiếng Mông, Tày, Thái, bằng chút ít hiểu biết phong tục ngôn ngữ cố gắng dịch lời gần với nội dung lời cổ.

 

Hát ru nội dung kể chuyện chân thật, kể về công việc, các con vật, loài hoa trái, công ơn cha mẹ, cộng đồng, nội dung thứ ba kể về quê hương tươi đẹp, công đức những người đi xây dựng cuộc sống bản mường… Bài dân ca Mông: Khống mi nhủa:

 

Chiều chiều

Ngủ ngoan con hỡi

Ngủ ngoan nào

Núi rừng cuả con

 

Mau lớn khôn

Con ngủ ngoan nhé

Nhớ lấy lời mẹ

Nương lúa của con

 

Hãy ngủ ngoan nhớ

Mẹ đi nương

Còn hát ru con.

 

Những bài hát ru mang nội dung hiện thực xã hội, kể chuyện con nghe bằng những hình ảnh gần gũi tuổi thơ giai điệu dịu êm ngọt ngào, lời ca giản dị từng tiếng ru em ngủ. Những bài hát ru nêu cao ý thức trẻ thơ về cuộc sống lao động, tình mẹ yêu con, công cha nghĩa mẹ, con mau lớn, yêu mẹ thương cha. Vì quê hương tươi đẹp, vì tình cảm mẹ cha hãy ngoan ngủ nhiều, ngủ yên con nhé để mẹ cha chung tay lao động dựng xây, bảo vệ bản mường, nuôi con lớn khôn. Những lời ru ngọt ngào đằm thắm, nhắn gửi bé thơ như nhắc nhở cộng đồng mọi người hãy vì tương lai con trẻ, hạnh phú gia đình, tình yêu quê hương xây dựng bản mường. Từng lời ru không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, còn ru ta, ru đời sống sao cho xứng làm người.

 

3.2. Hát đồng dao.

 

Từ tiếng hát ru, em bé lớn khôn bước vào môi trường sống cuộc sống tự lập, các em tự chơi với bạn bè xung quanh bản mường, rời xa lời mẹ ru. Bước vào thế giới tuổi thơ tươi đẹp đầu đời, mỗi người tự chơi, ham chơi. Chơi để nhận biết cuộc sống, hoà nhập cộng đồng trẻ thơ, chơi gắn mình với thiên nhiên tươi đẹp.

 

Bước chuyển tuổi thơ khám phá nhận biết cuộc sống, con người, vạn vật. Những tiếng hát đồng dao tuổi thơ bột phát tự nhiên, đôi bài mang lời giáo lý, sấm truyền sâu sắc đầy tính triết học. Chắc chắn tuổi thơ không thể nghĩ tới, có thể đôi câu từ người lớn, nhưng lại có khi là tĩnh ngẫu hứng trẻ thơ thành  lời tâm trạng thật khó đoán. Tạm cho là cả hai phía nhiều câu từ trẻ thơ, có đôi câu lời tâm trạng… Dù từ đâu, những bài hát đồng giao đầy ý nghĩa xã hội, mang tinh thần triết học, tiên đoán tương lai, kỷ cương lối sống. Chỉ điểm qua những bài hát đồng giao mới thấy lời ca chân thực, gần gũi cuộc sống, tính ngẫu hứng sáng tác trong tâm hồn các em sâu sắc trí tuệ. Nhận định này có vẻ như các em quá già, mất vẻ hồn nhiên trong sáng, nhưng sự thật lời hát đồng dao mộc mạc trong sáng - đặc tính xuất thần những triết lý đời sống con người. Đáng tiếc nhiều bài đồng dao các dân tộc không, hoặc chưa sưu tầm nhiều, hầu hết lời cổ dịch ý, chưa chuẩn xác, đôi khi mang tính phỏng đoán của những chàng người kinh đi sưu tầm. Tôi tha thiết mong muốn các nhạc sĩ,hoặc những người làm văn hóa dân tộc hãy sưu tầm, những bài hát ru, hát đồng dao đang còn nhiều khoảng trống. Hiện còn nhiều bài dân ca các thể loại của đồng bào chưa dịch lời Việt, hoặc dịch không chính xác chỉ là dựa theo ý, phỏng đoán, kính mong các bạn dân tộc hãy dịch hết những lời ca cổ. Mong Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc quan tâm phần sưu tầm, dịch lời dân ca 53 dân tộc ít người trên đất nước ta. Mong các địa phương, hãy vì nền văn hoá nghệ thuật các dân tộc, hoàn chỉnh công tác sưu tầm, biên dịch để mọi người được hưởng thụ vốn nghệ thuật đặc sắc của đồng bào.

 

Tiếng hát đồng dao các em nhỏ nhiều dân tộc chưa sưu tầm, là những mất mát to lớn giá trị tinh thần đầu đời nhiều thế hệ trẻ thơ. Xin nói qua tiếng hát đồng dao dân ca Việt, nhiều bài hát phổ biến trong các chương trình ca nhạc, ca sĩ hát, các em nhỏ hát. Những bài đồng dao ấy đầy chất xã hội như bài Con voi ai cũng thuộc lòng, các em kể chuyện với nhau, bà kể chuyện cháu nghe, đơn giản về con voi. Nhưng là lời giáo lý cuộc sống theo một trật tự sắp đạt trước, sau, trên dưới rõ ràng, để các em ý thức cuộc sống. Bài Chồng nụ Chồng hoa, bài Nu na nu nống, bài Chi chi chành chành. Mỗi bài một triết lý đời sống tất cả hồn nhiên trong sáng như tuổi thơ mà vĩ đại. Bài Chi chi chành chành, dự đoán tương lai để tuổi thơ khám phá đi tìm, chính là nhân loại hôm nay phát minh ra tên lửa vũ trụ, tìm đến các hành tinh mà nghe như một trò chơi phi lý: Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa... Ai ngờ lời ca vớ vẩn ấy, lại tiên đoán hôm nay loài người phát minh ra những điều kỳ diệu. Bài đồng dao của các em dân tộc Mông – Thái – Tày tương tự như văn hoá Việt, lời ca xuất thần tự nhiên: Bài đồng dao Mông:

 

Cấy cầy cấy cậu

Nứa tấy tua

Tua chi lâu cay

 

No tri ta chề

Su tề lù cu tè lú cu.

 

Hoặc bài:

 

Cao nà chơi đu

Cao chứ chơi đu

Mua ca dơ chao ploá

Tùa xâu lu thái

Ca lú tờ ừ trung tu plây…

 

Lời ca kể chuyện cha mẹ nuôi con, nhưng không đơn giản kể về các trò chơi mang cảm hứng, còn là lời khuyên nâng cao tinh thần, vượt lên mọi nỗi sợ hãi mang nghị lực ý thức sống vui chơi thành con ngoan. Nhiều bài đồng dao hay của các em còn thiếu trong bộ sưu tập này,  người nghiên cứu mong được bù đắp vào những công trình mới.

 

3.3. Hát giao duyên.

 

Sau tiếng hát đồng dao các em trưởng thành bao chàng trai, cô gái cất tiếng hát tình yêu, sưu tầm khá nhiều, dù chưa đầy đủ thì số bài hát tỏ tình chiếm phần lớn vốn dân ca các dân tộc. Tiếng hát tình yêu là nội dung loại hát dao duyên 54 dân tộc Việt nhiều tên gọi khác nhau, hát giao duyên, si lượn, hát phong tục đám cưới, lời ca ý nhị, đối đáp thông minh mang nét tinh hoa văn hoá dân tộc.

 

Hát giao duyên, đám cưới… nhiều hình thức trình diễn, tập thể, đối đáp, đơn ca, song ca, mỗi hình thức diễn tả tâm sự tình yêu đôi lứa. Lời ca chân thực, giản dị mang hình ảnh thiên nhiên con người, quê hương bản mường. Tiếng hát tình yêu nội dung lời ca:

 

-          Tâm sự tỏ tình.

-          Hứa hẹn yêu đương trung tình.

-          Ngợi ca quê hương tươi đẹp và tình yêu đôi lứa.

-           

Những người Việt (kinh) nghiên cứu dân ca các dân tộc gặp khó khăn, nhiều mặt, rào cản ngôn ngữ. Ngoài ra còn gặp những trở ngại sai lệch nội dung lời ca, những người nghiên cứu sưu tầm đầu tiên là người kinh chỉ phỏng dịch chưa dịch đúng nghĩa lời cổ. Mặt khác tệ nạn đặt lời ca mới vào các bài dân ca cổ bị vong bản. Người đặt lời mới mang tính văn học cao, nhạc lời tương đối hoà nhập còn tạm chấp nhận, nhưng nhiều bài lời mới làm hỏng dân ca của đồng bào. Những bài dân ca hay của các dân tộc cần giữ nguyên bản lời cổ, đặt lời mới hiện nay ngày càng làm cho dân ca 54 dân tộc xa rời nguồn cội. Tác giả mạn phép đặt một số lời mới vào các bài dân ca vì không biết dịch lời cổ, mong được tha thứ. Đặt lời mới vào dân ca là sai lầm nên giữ nguyên văn bản cổ, mong các nhà nghiên cứu sưu tầm dân ca người dân tộc không đi theo sai lạc của người Kinh nghiên cứu vốn dân ca các dân tộc. Một ví dụ trong nhiều bài dân ca vong bản mà lời ca thật khó xuôi, đây là sưu tầm từ đồng bào, bài Lượn lứn (Nùng Dín), sưu tầm tại Hoàng Xu Phì – Hà Giang, không có lời cổ. Lời mới:

 

Thấy chăng bạn ơi

Dạy chúng ta khôn

Chúng ta nên người

Chính phủ đã về…

 

Gặp nhau vào đổi công hợp tác

Ta cùng chung sức hăng hái làm việc

Vui như đàn bướm bay

Thắng bình công chấm điểm

Dựng xây xã hội chủ nghĩa…

 

Qua nội dung lời ca, có thể người đặt lời mới sưu tầm bài dân ca năm 1956 – 1957. Thời ấy, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đẩy mạnh phong trào thi đua toàn quốc vào tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã nông nghiệp. Ở miền núi vùng cao vào tổ đổi công, năm 1957 đến năm 1960, Miền Bắc vào hợp tác xã đạt 95% các vùng nông thôn, miền núi khoảng 85%. Do đó, lời bài dân ca này ra đời vào năm 1957, có hai khả năng, do người sưu tầm đặt lời mới, hoặc cán bộ văn hóa xã đặt lời. Lời ca vào thời điểm ấy là hay, được hoan nghênh nhưng thời nay, nghe sống sượng, lạc đề, chẳng có đôi trai gái nào yêu nhau tỏ tình bằng chuyện đổi công hợp tác, bàn chuyện chính phủ, xã hội chủ nghĩa. Vì thế, cần tồn tại bản thể dân ca lời cổ của đồng bào. Dù lời mới hay đến bao nhiêu thì rượu mới bình cũ sẽ bị hôi, còn bình mới rượu cũ cũng hôi. Đặt lời mới, ít nhiều đánh mất một phần âm điệu dân ca cổ.

 

Tìm về âm điệu dân ca, lời cổ hồn nhiên thi vị như điệu Lượn nài:

Hừ là ơi

Noong mở bài lăng khai hẩu ước

Chào xuân ơ ơi

 

Chắc ca táng ơ tầng

Lặng lá mì ái ân

Ơi hư a ơi chắc ca tàng…

Dịch tiếng Việt:

 

Những bài tâm sự tỏ tình chân thật hồn nhiên điệu Lượn mời:

Ơ hời cô kia ư vội vã đi đâu, dừng lại ư anh nói đôi lời

À cùng ứ cô ơi cô xin chớ lo đêm tối ư

Dừng lại ư đợi nhắn với đôi câu không lo

Cơm còn kịp đun chín

Đi về ư nấu cháo chẳng muộn…

 

Anh em bao nhiêu người đi trước rồi

Anh còn cần nói xin đi cùng đường.

 

Lời tỏ tình chân thật tự nhiên, họ nói với nhau câu chuyện lao động quanh đời sống thường ngày. Chàng trai ướm hỏi em ơi vội vã đi đâu (lời phỏng dịch cô kia vội vã đi đâu) nghe ra chưa đúng lắm, bởi vào thời gian năm 1957 – 1960, người Kinh hay xưng hô kiểu xa cách cô kia, anh kia là phát hiện ngôn ngữ mới, thay cho nàng, chàng, còn người dân tộc thường xưng hô thân thiết hơn, họ không coi là cổ. Nhưng người phỏng dịch còn giữ lại những câu chuyện thực lời ca mang tính dân tộc như “cơm còn kịp đun chín, đi về nấu cháo chẳng muốn…” Đây lời tỏ tình chân thật của người dân tộc, đọc những từ này chẳng thấy văn chương mà vui sướng vô cùng, mới hay sự vụng về chân thực thật đáng yêu trong ngôn ngữ dân tộc. Nhưng ý tứ chàng trai chẳng vụng về chút nào, đằng sau vỏ bọc ngôn ngữ là tâm sự của chàng: hãy ở lại với anh đi, mọi việc còn sớm mà…

 

Những lời tỏ tình bao chàng trai, cô gái các dân tộc gần gũi tự nhiên, ý nhị, sâu sắc, tha thiết yêu đương. Tình yêu là sức mạnh thiêng liêng, yêu người yêu quê hương bản mường, giúp họ giữ bản mường xây dựng hạnh phúc bền lâu.

 

3.4. Tiếng hát lao động.

 

Tiếng hát lao động, các dân tộc là những bài ca mô tả cuộc sống như những trang ký sự quá trình phát triển quê hương dân tộc. Tiếng hát này có phần mô tả riêng về công việc lao động, lại có những bài lẫn trong hát ru, giao duyên, mo then. Dân ca người Kinh sưu tầm nhiều loại hát lao động riêng như hò Đò dọc, Đò ngang, Dệt vải, Quay tơ, Kéo lưới, Kéo chài, Hò hái củi, Hò giã gạo. Dân ca các dân tộc, những bài hát mô tả công việc, có thể sưu tầm chưa đủ, nhưng tiếng hát lao động ghi lại hướng phát triển xã hội, tình yêu cuộc sống. Dân ca các dân tộc thể hiện dưới nhiều hình thức, ngợi ca con người với những kỳ tích xây dựng quê hương, bản mường.

 

Tiếng hát lao động, sống dậy tinh thần sáng tạo các dân tộc, phản ánh ý thức hệ thời đại, nội dung:

 

-          Kể chuyện, mô tả công việc.

-          Ngợi ca thành quả lao động.

-          Quá trình cải tạo tự nhiên xã hội.

 

Tiếng hát kể chuyện ngày mùa, công việc nương rẫy xuất hiện nhiều trong các loại ca hát, như bài Nhắn gửi dân ca Mông, Nguyễn Tài Tuệ phỏng dịch:

 

Nhắn người nhớ về bản em đây

Trồng lúa làm rẫy đêm ngày

Mùa lúa no bản

Hỡi người nhớ về – bản em

 

Nhắn anh ơi nhớ về vui cùng dân bản

Đánh tiếng cồng đó người cùng em đến đồng lúa vàng

Mùa lúa thơm bản

Nhắn người đón về đây nhớ..

 

Lời nhắn người yêu, người thân, bè bạn về thăm bản mường em trồng lúa làm rẫy, cây lúa làm no bản cùng dân bản đánh cồng mừng thành quả lao động. Tình yêu lao động, giá trị lao động hoà vang tiếng hát quê hương, dựng xây cuộc sống hạnh phúc bên nhau vui bản mường. Bài ca khẳng định giá trị lao động đem đến niềm vui cuộc sống, chỉ có lao động mới bền vững, núi rừng thân yêu là quê hương không rời xa. Bài đối ca Lượn (Nùng Dín), mô tả quê hương tươi đẹp, kể chuyện nương rẫy, sưu tầm ghi nhận tại Vị Xuyên – Hà Giang. Lời ca:

 

Xuân sang bầu trời sáng

Ngàn hoa rừng thắm tươi nàng ơi

Tháng hai về bưởi cam quýt cùng nở đều khắp vườn

Mọi người cùng ra đồng lúa nương sắn và nương chè

Mẹ và cha già cố gắng trồng được thật nhiều

 

Lời khuyên của cha mẹ còn đó

Đừng ham chơi này

Cùng nhau ta cùng chung sức cấy cày vun trồng màu

Trồng lúa bón ngô sắn được tốt

Nàng nghĩ sao…?

 

Bài ca nói về trồng cây lương thực, là truyền thống bản mường bao người cố gắng trồng nhiều lúa ngô khoai sắn. Lời ca kể chuyện trồng mầu, khuyên mọi người noi gương cha mẹ trồng nhiều cây lương thực để tồn tại. Tăng gia sản xuất làm đẹp quê hương, những bài ca kể chuyện lao động mang ý nghĩa khuyên răn mọi người cần cù lao động vì cuộc sống bản mường. Những bài kể chuyện công việc lao động sưu tầm khá nhiều trong dân ca các dân tộc, chỉ tiếc nhiều bài lời ca bị Việt hoá, còn ít tính văn học làm mất đi vẻ đẹp hấp dẫn lời ca mộc mạc của đồng bào.

 

Những bài hát lao động xây dựng quê hương còn xuất hiện chung trong nhiều bài mo then các dân tộc, những bài hát Then Tày Nùng kể chuyện quá trình khám phá miền đất hoang vu, cuộc hành hương từ cội nguồn dân tộc đến miền đất mới. Bài ca kể chuyện hành trình dân tộc, đánh nhau với giặc dã, quân then lên trời, qua 12 cửa ải, những vùng rừng thiêng nước độc, ma quỷ hiện hình. Mỗi bài dân ca phác họa công cuộc lao động xây dựng quê hương. Bài ca Vỉnh (Triều Ân sưu tầm), lời ca:

 

Đặt chân đồng ruộng thênh

Bước lên mường Đồng Vỉnh

Ca Vỉnh mười ha đang lớn

Tuổi mười làm trẻ trung

Mới tập đi làm việc

Tập ra đồng hôm qua

Tập đi ruộng hôm trước…

 

Kể chuyện cậu bé tập lao động từ nhỏ bao khó nhọc như buổi đầu những người dân xây dựng quê hương bản mường bằng nghị lực niềm tin, lòng hiếu thảo nhân nghĩa, con người đã chiến thắng như những tấm gương vào đời. Quá trình cải tạo thiên nhiên, xây dựng xã hội, từ đồ đá, phát hiện mũi tên đồng đánh giặc bảo vệ bản mường, là lịch sử phát triển các tộc người trên miền đất mới. Những bài hát lao động sản xuất không chỉ kể lại công việc, phương cách dệt vải quay tơ, trồng cây chàm… là những bước tiến trong sản xuất, phục trang dân tộc. Mỗi dân tộc ít người xưa sống độc canh, đa canh, du cư, du canh… từng bước phát triển kinh tế tự cung tự cấp từ đơn giản đến tinh xảo, thành văn hoá phục trang các sắc tộc đẹp mê hồn.

 

Kinh nghiệm lao động sản xuất, nhiều biến thiên xã hội từ hoang sơ đến tổ chức xã hội ổn định, mỗi tộc người hình thành phong tục tập quán riêng. Mỗi tập tục một hình thức, nghi lễ, các dân tộc coi vạn vật hiển linh, đa thần hình thành những bài hát tâm linh, nền đạo giáo có lệ thức thánh ca, sau công nguyên, người Việt phật ca, các dân tộc tục mo then, hát nghi lễ Bà la môn (Chăm), tín ngưỡng Đại Thừa, Tiểu Thừa, Neakta, Arak Khơme… là tiếng hát tín ngưỡng tâm linh. Tiếng hát tâm linh Mông Tày Nùng Thái, bốn dân tộc miền núi nghi lễ gần giống nhau, nhiều bài mo then Mông Tày Nùng Thái tên gọi gần nhau.

Mo Mông có những bài Kể chuyện đi đường, Vượt biển, cầu chúa, lễ hội, liên hoan. Mo then tang ma thường hát các bài Gọi vía, Đưa hồn, Tiến hồn. Những bài hát các loại mo then có phần luận về vũ trụ, phán ánh thế giới qua con người trước thiên nhiên xã hội. Đa phần đồng bào quan niệm vũ trụ chia ba: Phần thứ nhất Mường trời, thứ hai trần thế bản làng, thứ ba địa phủ.

 

Hát then Tày Nùng mô tả khá hoàn chỉnh cuộc hành hương dân tộc, quân then lên mường trời, qua 12 cửa ải cuối cùng cầu chúc dân làng bình yên, mạnh khoẻ. Hát then hiếu nghĩa, hướng thiện, ảnh hưởng nho giáo. Đồng bào quan niệm con người có hồn vía, vạn vật có thần, mọi cái tồn tại trong thế giới sống thực.

Bài Tiễn hồn dân ca Mông:

 

Cầu tua chinh lửu Tùa chùa

Pù cáy chàu nhúa bầu

Sấu đua cầu lửu tà

 

Chá giá ná tu

Cầu du giầu du lú nà lò.

 

Những bài mo then nghi lễ tang ma, nội dung gần nhau, mo Thái – Mông, Then Tày Nùng, là những bài hát nghi lễ cao nhất lệ thức tín ngưỡng các dân tộc. Nội dung, thể loại phong phú, các hình thức ca hát, nhảy múa, xuyên suốt nghi lễ mo then nhiều trò diễn xướng dân gian như hình thức tiền sân khấu các dân tộc.

 

 



* Theo Các dân tộc Việt Nam.

* Trích Hát Then Việt Bắc – trang 50.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 5562
Ngày đăng: 05.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -2 - Tuấn Giang
Đặc điểm dân ca Mông Tày Nùng Thái -1 - Tuấn Giang
Quan Hệ Nhạc Và Lời Dân Ca - Tuấn Giang
Quy Luật Phát Triển Giai Điệu Loại Thể Dân Ca Các Dân Tộc. 1 - Tuấn Giang
Quy Luật Phát Triển Giai Điệu Loại Thể Dân Ca Các Dân Tộc. 2 - Tuấn Giang
Âm hưởng dân ca - Nguyễn Đức Hiệp
Những khúc dân ca đậm nét Tây Ninh - Nguyễn Đức Thiện
Nghệ nhân TRẦN KÍCH khổ luyện và tài hoa - Võ Quê
Ca Huế trên đất Mỹ - những kỷ niệm - Võ Quê
Quan họ Bác Ninh đi về đâu thời hội nhập quốc tế ! - Nguyễn Văn Hoa
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)