Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
778
116.614.478
 
Thư không gửi
Nguyễn Đạt

 

Đăng là bạn thân thiết dù chúng tôi ít gặp nhau; chúng tôi cũng không biết nhiều tin tức về nhau nữa. Đứa cháu gọi Đăng là chú học chung lớp với cháu tôi; đôi lúc muốn gặp nhau, chúng tôi nhờ hai đứa cháu chuyển lời qua lại. Đứa cháu tôi rất nể phục đứa cháu của Đăng, Thằng Quân cháu chú Đăng từng đoạt giải nhất về văn toàn thành phố đấy chú ạ. Nhưng chú ơi, theo Quân nhận xét, thì hình như chú nó bị bệnh tâm thần hay sao ấy

 

Tôi không ngạc nhiên khi đứa cháu của Đăng nhận xét về người chú của mình bị bệnh tâm thần. Nhiều người quen biết Đăng cũng đã từng nhận xét Đăng không bình thường; có người nói thẳng ra rằng Đăng có lẽ điên khùng. Để cháu bảo thằng Quân đưa bức thư của chú nó cho cậu xem, cháu đọc cũng thấy chú ấy không bình thường đâu. Chú ấy có vấn đề đấy.

 

Trong bài văn đoạt giải nhất toàn thành phố, Quân đã ghi lại nguyên văn bức thư của chú mình, để nói về một người bị bệnh tâm thần. Bức thư Đăng viết cho ai đó nhưng chưa gửi; đứa cháu thấy để mở ngỏ trên mặt bàn cả mấy tuần lễ, nên đã lấy đọc.

 

------

 

Bạn Mẫn kính mến, bạn chẳng nên ngạc nhiên khi nhận thư này, của một người bạn không hề quen biết. Trước lạ sau quen, người ta vẫn nói vậy . Ấy tuy nhiên tôi cũng cần thiết nói ra lý do tại sao tôi viết thư gửi bạn; viết thư tay thay vì e-mail, vì tôi không có địa chỉ e-mail của bạn. Tôi cũng không biết địa chỉ nơi ở của bạn tại Hoa Kỳ; nhưng may mắn cho tôi: tôi có cách để thư này tới tay bạn. Lý do tôi viết thư gửi bạn, thật đơn giản là, tôi cần thiết viết về một vài chuyện cần thiết phải nói ra, với một người tôi được biết rằng rất đáng tin cậy.

 

Có hai vị khả kính đã cho tôi biết về bạn, là thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ và họa sĩ Phạm Kim Khải. Thi sĩ họ Nguyễn thảng hoặc về Sài Gòn, lần nào cũng nhắc nhớ tới bạn; đặc biệt là Vỵ được bạn thường xuyên cho thiếu tiền mua thuốc lá. Tôi nghĩ rằng, nếu có điều kiện, bạn nên bán thêm cái món ăn gọi là “hot dog”. Với thi sĩ họ Nguyễn bạn tôi, chỉ cần mua thiếu được hai thứ tối cần đó, bạn tôi sẽ chẳng cần thêm thứ gì nữa. Bạn tôi cứ thế mà làm thơ, làm thơ cho tới ngày chẳng cần làm thơ nữa. Cái ngày đó có thể chúng ta đều đi vào cõi hư vô, hay chốn vĩnh hằng thì cũng vậy.

 

Họa sĩ Phạm Kim Khải dù không phải là bạn tôi nhưng cũng là bạn tôi, bạn vong niên chẳng hạn. Họa sĩ họ Phạm, trong một bữa rượu uống với tôi, đã nói về một nhân vật cực kỳ dễ thương và cực kỳ chất chứa nỗi niềm, chính là bạn. Điều mà tôi chú ý nhất trong câu chuyện của họa sĩ họ Phạm, là con đường bạn đã và đang đi: con đường dẫn dắt vào thế giới tâm linh. Thế giới chúng ta đang sống ngày càng trở nên quá vật chất; vật chất ghê rợn, khiến một bông hồng nở ra một loài sâu khủng khiếp. Một lần nào đó, trên con đường sương mù dày đặc nào đó, bạn đã lạc lối để xe lao xuống vực. Thật may mắn ở Hoa Kỳ người ta cứu hộ kịp thời. Xe được trục lên, bạn bất tỉnh nhân sự, hiển nhiên cần người nhận diện. Người nhận diện chính xác và bảo đảm nhất, người bạn-đời của bạn, đã không tới hiện trường xảy ra tai nạn để nhận diện bạn. Người kể chuyện và người nghe chuyện còn biết nói gì, ngoài tự đặt một dấu chấm than trong cái đầu, cho câu chuyện ấy.

 

Ấy tuy nhiên chuyến xe định mệnh của bạn, tôi nghĩ rằng ý nghĩa lắm cho con đường bạn đang đi đang tìm kiếm. Và cũng từ những gì tôi được nghe nói về bạn, tôi viết thư này gửi bạn, thư-gửi-người-tin-cậy. Bạn có thể đã thấy, cần thiết hay không cần thiết xử sự sao đó, với chuyện của bạn và người bạn-đời. Chuyện tôi bày tỏ với người tin cậy, cũng là chuyện thiết thân với cả bạn và tôi. Chuyện về người bào-huynh có thể được xem là thế giá của bạn, và về cô em tội nghiệp của tôi.

 

Bạn Mẫn kính mến, tôi không đủ sức chịu đựng để trình bày lại những gì mà người bào-huynh của bạn đã gây ra cho cô em của tôi, tôi gọi nó là những cái tạo-nghiệp của bào-huynh bạn, để bạn dễ nhận biết. Thực chất trong vỏ bọc văn nghệ đẹp đẽ một cách rất giả tạo, bào-huynh của bạn là một con heo; nói cách khác, bào-huynh của bạn có hai trái thận chứ không có trái tim; bào-huynh của bạn rất khéo léo trá hình một trái thận kia là trái tim mà thôi. Bạn cho tôi được hiểu, trái thận là trái-tim-của-con-lợn-lòng. Bào-huynh của bạn đã thực hiện một album hình sưu tập chuyện-con-heo, như người ta từng biết và đặt tên cho nó như vậy. Album đó là những tấm ảnh chụp chuyện-con-heo giữa bào huynh của bạn với ít nhất ba chục nữ nhân, đa số đều đã có chồng. Bào-huynh của bạn thực hiện album đó để làm gì, hiển nhiên tôi không muốn chút nào phơi bày ra, nó thật bẩn thỉu hạ cấp để nhắc tới. Điều đã xảy ra là, tất cả thân bằng quyến thuộc của cả bên chồng lẫn bên gia đình cô em tội nghiệp của tôi, đều được chứng kiến tận mắt qua mạng internet. Bạn rất dễ hình dung, cô em tôi bây giờ sống ra sao, trong tình thế ấy? Những tấm hình chuyện-con-heo được phát tán trên mạng, chắc bạn từng nghe những chuyện dơ dáy tương tự, từ lâu rồi, trên khắp cái thế giới vật chất ghê rợn khủng khiếp này?

 

Bạn Mẫn kính mến ơi, bạn có thể góp phần biến đổi cái bản chất thối tha dày đặc của người bào-huynh? Tôi cho rằng thật khó, nếu không nói là bất khả. Ấy tuy nhiên bạn Mẫn ơi, bạn có thể cầu siêu trước cho linh hồn người bào-huynh, nếu quả thật anh ta có linh hồn. Tôi được biết, bạn thân của chồng cô em tôi, phẫn nộ và hẹn chắc chắn, sớm hay muộn cũng phải “hoạn” con-quỷ-râu-xanh đồi bại. Cắt “nguyên con” hạ bộ, tôi nghĩ bào-huynh của bạn có thể tức khắc trở thành người thiên cổ, không kịp ghi dấu chân văn nghệ sĩ giả hiệu, trong khu vườn địa đàng đã nhiều phần thối ruỗng mục nát quá rồi.

 

------

 

Tôi ngạc nhiên, rồi không ngạc nhiên gì hết: cả đứa cháu của Đăng và đứa cháu của tôi, và vô số người quen biết Đăng, đều không hiểu đích thực thế nào là kẻ bị bệnh tâm thần. Bạn tôi là một nhà văn, và hoàn toàn bình thường. Tôi nói với đứa cháu: “Cậu Đăng không hề tâm thần gì hết. Đến một lúc nào đó, khôn lớn hơn, cháu mới hiểu được như vậy.”

 

Gặp Đăng, tôi nói chuyện về bức thư gửi Bạn-Mẫn-kính-mến. Tôi hỏi anh: “Có phải anh định viết một cái truyện ngắn về con quỷ râu xanh?” Anh thản nhiên nói: “Tôi đâu có ý định viết truyện ngắn nào như vậy, đấy là bức thư thật sự đó chứ, Mẫn là người tôi sẽ kết bạn mà. Ít nhất Mẫn và tôi sẽ trở thành Bạn-correspondance. La correspondance de ces-deux hommes est très intéressante…” “Thế sao đứa cháu của anh nói, bức thư để cả mấy tuần lễ rồi mà không gửi?” “Có thể đứa cháu tôi nó nói đúng đấy, nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Có thể là ai cũng đúng hết. Gửi hay không gửi, indifférent. Ông có bao giờ nghe nói về thần giao cách cảm không nhỉ? Mẫn và tôi không cần thiết phải thư từ rắc rối gì cả; chúng tôi đã xem nhau là bạn cố tri từ thuở nào rồi.” Nghe Đăng nói vậy, tôi tự hứa sẽ không giảng giải khẳng định cho đứa cháu gì nữa, về những chuyện sống và nhận biết trên cõi đời này./.

 

Tháng VIII - 2012

 

Nguyễn Đạt
Số lần đọc: 1690
Ngày đăng: 09.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Nhà báo, nhà giáo & nàng dâu - Nguyễn Văn Ninh
Bản Nhạc Viết Lúc Không Giờ - Võ Anh Cương
Mần Ăn - Lê Văn Thiện
Người già buồn buồn... - Hòa Văn
Người Tình - Nguyễn Trung Dũng
Thây ma nổi giận - Dương Đức Khánh
Kẻ Dụ Hoặc - Nguyễn Đạt
Tạ Ơn - Chế Diễm Trâm