Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
490
115.870.303
 
Net
Trần Yên Hòa

 

Sống ở Mỹ có những ngày buồn như chấu cắn.“”Chấu cắn” là gì Ngạc không biết rõ, anh chỉ đọc trên những trang sách, các nhà văn thường viết vậy. Nhưng anh biết nổi buồn của anh, đó là ngày anh tan vỡ mối tình với Thương, mối tình cũng được mấy năm, một mối tình già. Tình già hay tình trẻ gì đến lúc tan vỡ thì tan vỡ. Tan vỡ một cách vô duyên với những lần cự cải thâu đêm suốt sáng. Anh phải thoát ra. Nhưng thoát ra, anh thấy mình hụt hẫng, như rớt từ trên thinh không xuống, rớt không trọng lượng, rồi bay la đà, vật vờ đâu đó làm anh bất tĩnh. Mãi đến mấy tháng sau anh mới gượng dậy nổi, như người bị đau thương hàn nhập lý. Anh vật vờ, lang quạng thêm mấy tháng nữa. Người anh trông rã ra đến tội nghiệp.

 

Không biết làm gì trong những giờ phút rãnh rổi sau giờ làm việc ở hãng. Có người bạn tên Nam mách nước:

 

- Ông mua cái computer về chơi, mê lắm, vừa đọc tin tức hàng ngày, vừa xem hình mấy em ở truồng hay kết bạn bốn phương.”

 

Ngạc không có ý nghĩ gì về chuyện mua cái computer, vì đầu óc anh còn chờn vờn bóng hình Thương, anh muốn để vậy, không xua đuổi và giữ mãi hình ảnh đó cho đẹp cái trang tình sử đời anh.

 

Đến cuối năm thì hãng có đợt thanh lý dụng cụ văn phòng, một số computer cũ được thải ra, Ngạc bắt thăm trúng một cái nên anh phải ì à, ì ạch mang nó bỏ lên xe chở về.

 

Cô Ngọc làm chung “line” với anh, nhìn anh cười mím chi rồi nói:

 

- Anh Ngạc trúng số đó nhe, nhớ đãi anh em một chầu buffet nhá.

 

Ông bạn già Nam thì cố vấn:

- Ông về ghi danh học một lớp căn bản computer thì xài được liền hà, ông chỉ cần biết đánh máy chút đỉnh và xử dụng con chuột cho nhuần nhuyễn, một tháng sau ông sẽ “chơi” được thôi.”

 

Ngạc quay sang trả lời chị Ngọc, với cái giọng bất cần:

 

- Chị lấy không? tôi cho chị đó, chị đãi anh em một chầu buffet thế tôi đi.

 

Chị Ngọc cười khanh khách:

 

-“Nhà tôi đầy rồi, phòng nào con tôi cũng có một cái, đem về nữa để thờ hả ông?”

 

Ngạc quay sang nói với Nam:

- Thôi, không ai lấy thì tui đem về xài thử, hôm nào ông tới dạy tôi chút đỉnh nhe ông.

Nam sốt sắng:

 

- Được mà, ông yên tâm đi.

 

Thế là Ngạc có cái computer cũ. Nam đến dạy cho Ngạc cách xử dụng sơ đẳng, biết đánh máy bức thư, viết cái i-meo gởi đi, rồi lên internet. Nam lo hết mọi chuyện cho Ngạc vì biết Ngạc đang thất tình nặng. Đây là viên thuốc tiên, thuốc an thần để cứu Nam thoát khỏi cơn mê tình ái, đang hoành hành dữ dội trên thân xác chỉ nặng không hơn 100 lbs cuả anh.

 

Những đêm tối, ở trong căn phòng thuê chật chội, Ngạc loay hoay với cái computer, anh dò từng chữ, từng nút bật lên màu sáng xanh hiện hình những bóng dáng đàn bà. Ngày một, ngày hai, anh bị nỗi say mê đó cuốn hút, đưa anh từng bước qua những ”chuyện tình người lớn”, với mấy cái web site tầm bậy, tầm bạ. Anh thấy mình sống trên mây, muốn kêu hình bóng giai nhân nào trên không trung về với anh, để anh nhìn thấy đều được cả. Một thời gian sau, mối tình với Thương chỉ còn lãng đãng, hình bóng lẫn khuất đâu đó lần hồi rồi cũng nhạt nhoà dần đi.

 

Anh réo gọi người từ trên không, như ngày xưa trong cổ tích, có những phép biến hoá thần thông, anh dò tìm những lời giới thiệu tìm bạn, anh lôi trong ảo ảnh đó ra một cô gái ở tận Gò Quao với những dòng giới thiệu như sau:

 

“Rặng Trâm bầu, 28 tuổi, hiền lành như những điệu hò Nam Bộ, trong sáng mỏng manh như những cánh có bay lã trong vườn chim. Tìm bạn hiền, biết thông cảm và thành thực.”…

 

Ngạc thấy mình “kết” cô gái này, có lẽ cái tên “rặng trâm bầu” giống như tựa đề một truyện đồng quê của nhà văn Lê Xuyên. Anh hồi nhỏ rất mê truyện đó, truyện vừa dâm đủ cho những người con trai mới lớn tưởng tượng, chỉ chuyện cởi áo người nữ ra thôi mà tác giả đã viết cả mười trang sách, cuối cùng thì trớt quớt, thường thường kết cục cũng bị một ai đó đến phá đám lãng xẹt, nên anh và đám bạn bè đồng trang lứa rất mê “rặng trâm bầu”. Bây giờ có “rặng trâm bầu” trên web, nên anh đắc ý, viết i-meo gởi đi.

Nam Bộ! cả chữ Nam Bộ nữa cũng quyến rũ anh, có một cái gì đó đã kích thích anh từ mấy chục năm về trước. Có thể là anh muốn gần gũi cái tính thật thà, hồn hậu, nhưng đôi lúc cũng nổi loạn của những cô gái, mà anh đã đọc ở Bình Nguyên Lộc, ở Lê Xuyên, ở Sơn Nam. Hay là anh có những lần quen biết với mấy cô gái bắc kỳ đỏng đa đỏng đảnh, “pha vị điêu ngoa”, những cô gái trung kỳ “bà la sát” nên anh sợ, muốn tìm một bóng mát của khu vườn cây Nam bộ, những vườn ổi, vườn xoài, vườn măng cụt, những con kinh rạch nước chảy trong xanh. Những xáng, những mương, những bờ lau lách. Tất cả các thứ  đó, sao thấy gần gủi với anh quá, cho nên anh chọn “rặng trâm bầu”.

 

I-meo bay lên không trung, qua vệ tinh hay qua đâu đó trong muôn ngàn tinh tú kia, như một phù phép nhiệm màu, nó lẹ làng đến đổi, ngay tối hôm đó, anh nhận được cái i-meo trả lời của cô gái mang tên Ngọc Trâm.

 

“Em là Ngọc Trâm, em rất vui khi được thư anh gởi cho em, anh ở tận bên Mỹ lận hả anh, xa em quá mà, những nửa vòng trái đất, chao ôi. Em là cô gái quê nên em “nhà quê” lắm, anh có chê em không?

 

Em đang sống với cha mẹ em. Em là cô giáo viên xã ấp, trường em dạy học là một miền đất hoang vu ở một xã tận cùng, có tên Gò Quao.  Hàng ngày, em  vừa làm cô giáo, vừa là bạn của những đứa học trò khét lẹt mùi nắng gió, có đứa ngỗ ngáo, có đứa thật thà, có đứa khờ khaọ. Nhưng nói chung là học trò em hiền lành cũng như em vậy.

 

Em mong anh sống những ngày xa quê hương vui vẻ.”

…

“Ngọc Trâm thương! 

 

Anh vui mừng khi được i-meo của em trả lời. Anh đồng ý liền liền là nhận em làm em gái của anh. Anh không có em gái nên anh thích cô em gái lắm. Mà anh cũng thích cái “nhà quê” của em nữa, nhà quê mà biết lên net, biết email là em đã tiến bộ lắm rồi đó nhe.

Anh sống một mình bên Mỹ nên anh rất cô đơn, mong một ngày nào đó anh sẽ về thăm em, em dẫn anh đi chơi suốt miền lục tỉnh. Anh thích lục tỉnh và nam bộ lắm, đó là quê hương trong ước mơ anh mà.”

 

“Anh Ngạc thương!

 

Nói vậy chứ em chỉ thích con đường quê của em, ngôi trường của em, học trò của em thôi. Em không thích đi xa, hình như từ nhỏ đến lớn em chỉ biết đến con đường có những rặng trâm bầu và tuổi thơ em gắn chặt với những thứ đó mà thôi.

 

Bây giờ thì ở thị xã Gò Quao của em cũng có những cửa hàng internet nên em mới biết vào mạng, biết i-meo, Thời đại kinh tế thị trường và vi tính mà anh. Anh ở thật xa em như từ một hành tinh lạ nào đến với em, những giòng chữ của anh từ trên cao nhẹ nhàng bay đến với em đã vỗ về em trong giấc ngủ. Ơi, cuộc đời của cô gái xã ấp như em mà nay  bỗng chốc được gần anh, được tâm sự với anh, em hạnh phúc vô cùng, anh ạ!”

 

*

Đến tuần thứ 12, tức là ba tháng sau đó, Ngạc lên Net đòi Trâm mở  Webcam để nhìn thấy cô qua màn hình.

 

Thật ra thì Ngạc cũng sợ mình vướng vào một con “chằn tinh” nữa, nên anh phải tìm hiểu. Anh tự dặn lấy lòng mình, không có đàn bà nào hiền cả, từ bắc vào nam, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đàn bà là con dao bén ngót lúc nào cũng chực chờ cứa cổ anh nếu anh léo hánh đến vùng đất của họ. Đó là vùng đất riêng đầy tươi mát nếu ta đứng ngoài nhìn vào. Dĩ nhiên đàn bà cũng có năm bảy loại, anh biết thế, nhưng anh cũng đã “tởn da gà”. Anh thường nói với những người đàn bà anh quen là anh đi tìm  “vợ hiền”, như là một cảnh giác, nói với họ rằng, nếu cô là ác phụ thì đừng quen tôi.

 

Đã mấy lần anh “vào sinh ra tử” với cõi tình trong cuộc đời ô trọc này, nhưng cái cảnh giác của anh đều bị họ đánh bật ra, họ thường ngụy trang khéo quá làm anh quên bén đi. Lúc đầu, họ hiền như con chi chi làm anh ngây ngất cảm động, nhưng khi cho anh “vào tròng” rồi thì họ lại quay ngoắt đi 180 độ, họ nhe răng nanh, nhe móng vuốt ra cào cấu, đâm thủng da thịt anh, làm quả tim anh rướm máu biết bao lần. Nên lần này anh cảnh giác cao độ hơn. Phải nhìn cho rõ mặt, dù qua hình ảnh, để anh phân tích, lý giải những điều anh nhìn thấy trong hình (đôi lưỡng quyền có cao không, miệng có rộng không, mủi có hở không v.v...)  Nếu những nghi ngờ, đánh giá về Ngọc Trâm cũng thuộc vào giới “bà la sát” thì anh sẽ gài số “de”.

 

Khi Webcam bật lên, anh không ngờ anh đối diện và nhìn được một cô gái trẻ đẹp thế kia, tóc dài thế kia, da trắng thế kia.…Cô gái có khuôn mặt bầu, hai hàng mi dày, má hồng (chắc là cô đánh phấn trước khi vào Webcam) Ngạc tự nghĩ: Thì cũng như người đi trình diễn trên sân khấu, phải chải chuốt lên cho đẹp chứ, sao mình khó tính thế, già chát như mình mà còn đòi hoa hậu, hoa khôi hay sao?.

 

Anh loay hoay đánh giá Trâm trong mấy ngày liền, nhưng anh thất vọng, không có chỗ nào anh cho điểm dưới trung bình. Chỉ còn dáng đi là anh chưa biết, anh sợ người đàn bà có dáng đi uốn éo như rắn, dáng đi này đa dâm nên có thể lăng nhăng này nọ. Hay dáng đi tất bật, chưa đi đã chạy là người vô duyên. Anh tặc lưởi, chịu, em ngồi ở dịch vụ “nét” công cộng, không thể nào bảo em đứng lên đi đi lại lại như một người mẫu thời trang được, thôi để đó lần sau hãy tính.

 

Cái hình ảnh này như hình ảnh của chàng Tú Uyên thấy được hình Giáng Kiều trong tranh hiện ra khi Tú Uyên đi vắng, Giáng Kiều lo nấu cơm, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa xong rồi vào lại trong tranh. Nhiều ngày như vậy, Tú Uyên nghi ngờ rồi lén về sớm thì nhìn được người con gái trong tranh hiện ra. Còn bây giờ, người con gái ở bên kia đại dương đang hiện ra trong màn hình của cái computer. Anh đánh máy liên tiếp những chữ Việt Nam không dấu, nét chữ quờ quạng run run.

 

Anh Yêu Em. Trâm ơi!

 

Đó là biểu lộ sự cô đơn thê thảm và kinh khủng. Từ ngày xa Thương đến giờ, anh có mấy lần đi show girl nhưng anh chỉ được đứng nhìn những cô gái tóc vàng, mắt xanh trần truồng nhún nhẩy, chứ không được động tĩnh gì, từ đó, vắng hoe trong anh những bóng dáng đàn bà, nên tự dưng anh viết lên như một sự kêu gào thảm thiết.

 

*

 

Cái xã Gò Quao từ ngày có dịch vụ Internet về xóm như một hiện tượng lạ lùng từ trên trời rơi xuống. Mới đầu một dịch vụ, rồi từ từ lên hai, lên năm, lên mười dịch vụ được mở ra. Mọi chuyện đã được sắp xếp, như ngày trước dịch vụ Karaokê. Người thuê máy chỉ đến nói tên, nhân viên phục vụ sẽ cho một cái địa chỉ i-meo, vào messenger, thì người thuê muốn email hoặc chat với ai cũng được, tha hồ. Mới đầu thì các cô cậu học sinh vào đọc truyện, coi hình, rồi đến những người lớn muốn biết tin tức đó đây. Dần dà tin lành đồn xa, các cô cậu muốn tìm bạn bốn phương, kết bạn thư tín cũng đua nhau lên “net”. Chuyện như đùa, như trong một giấc mơ nào, nhưng mà đó sự thật. Xã Gò Quao, một xã nghèo nàn, dịch vụ Net cũng lan tràn cùng khắp.

“

”Rặng trâm bầu” tên thật là Nguyễn thị Tràm. Tràm là tên của cha mẹ đặt cho cô vì vùng đất này trồng nhiều cây tràm, cây đước. Tràm lớn lên trong cái xứ chung quanh lạch xẻo. Cô lớn lên như cỏ, như cây. Đi học phải bơi xuồng ngót cả tiếng đồng hồ mới đến trường. Cha cô chèo đò thuê, rồi đơm cá, đặt lờ, kiếm bông súng, bông điên điển cho bữa ăn hằng ngày. Mỗi buổi sáng, người cha chở đứa con gái trên cái thuyền nhỏ, len lách qua những bụi tràm, bụi đước, đến ngôi trường làng xây trên miếng đất gần cơ quan hội đồng nhân dân xã. Suốt nhiều năm như thế. Tràm tốt nghiệp cấp 1 rồi lên huyện học cấp 2, rồi cô thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm.

 

Như một phép lạ, Tràm quen Ngạc qua dịch vụ Internet, và nay Ngạc đã về đây xin cưới cô làm vợ.

 

Ngày đám cưới, Ngạc thuê  2 chiếc xe,  một chiếc xe hơi hiệu Toyota Camry bóng loáng, và một chiếc xe van 12 chỗ ngồi, từ thành phố Sài Gòn chạy xuống Gò Quao, cùng với dăm người bạn thuở thiếu thời, thuở ấy tóc Ngạc còn để chổm. Nay thì thằng nào cũng lên chức ông ngoại, ông nội, chỉ còn mình Ngạc là lao đao.

 

Tràm lấy chồng, một Việt kiều lớn tuổi, nhưng cô chấp nhận. Cái tình yêu trên Net cũng lạ lùng, tự nhiên nối kết hai người với nhau như quen nhau tự thuở nào. Hai người tự thăng hoa cho mối tình cách xa hàng vạn dặm.

 

Mưa, trời mưa rắt hạt nhỏ vào ngày đám cưới là một báo hiệu tốt lành. Tràm mặc bộ áo cưới màu hồng xác pháo, đeo găng tay trắng, khuôn mặc che cái khăn voan mỏng, nửa như dấu đi, nửa như khoe ra cái gương mặt rạng rỡ hạnh phúc. Mọi chuyện Ngạc đã sắp đặt từ Sài Gòn, anh thuê hai chiếc xe, đặt mua con heo quay được sơn phết màu đỏ loét. Những mâm quả đỏ đựng vải vóc, quà cưới và tiền của nhà trai cho cô dâu. Một mâm cau trầu, những lá trầu xanh xếp lớp và một buồng cau nầng nẩng quả.

 

Ngạc nói với Tràm về lễ cưới:

- Mình làm đơn giản thôi, nhưng mà đúng thủ tục và sang trọng, cho em nở mày nở mặt với họ hàng, láng giềng. Rồi anh sẽ đưa em về thành phố trong đêm tân hôn, anh sẽ thuê một phòng khách sạn sang trọng.””

 

Ngạc đã nói thế với Tràm trong ngày anh xuống Gò Quao và đưa ra quyết định cưới Tràm làm vợ.

 

Người thợ quay phim được Ngạc thuê từ thành phố, đạo diễn cho hai người đi, đứng, choàng tay qua eo ếch, lạy trước bàn thờ tổ tiên, đeo nhẫn và hôn nhau trước đông đủ quan viên hai họ. Hai dãy bàn được đặt vuông góc, bên trên có trải tấm vải nhựa đỏ và một bình hoa tươi. Thủ tục lễ cưới chấm dứt nhanh, gọn và bây giờ khách được mời ngồi vào bàn ăn.

 

Ngay lúc đó hướng mắt Tràm nhìn ra phía bãi sông, nơi thuyền đò từ các nơi lạch xẻo về đậu. Nàng trông thấy Ngãi. Tràm chợt rùng mình như có một cơn gió lạnh theo mưa thấm vào cơ thể cô làm cô bủn rủn. Ngạc hỏi, em sao thế, cô nói, không. Nhưng tim cô như bị bóp mạnh.

 

Ngãi đứng đó, trên bãi sông, hình như anh bước ra từ một con đò nào đó, tóc anh rũ rượi, thấm đầy nước mưa, anh vẫn bận cái áo sơ mi xám dài tay, bỏ vô quần, như hằng ngày anh đi dạy ở trường học.

 

Tràm và Ngãi yêu nhau một thời gian đủ dài, có thể nói là dài nhất trong những cuộc tình của Tràm đã qua, của tuổi thơ cô, tuổi mới lớn của cô, và cả những ngày cô đi dạy học. Anh và cô cùng sống trong vùng Gò Quao quê mùa sông nước. Ngãi dạy văn, Tràm dạy sinh vật. Anh thường nói cuộc tình hai người là mối tình quê chân chất, như củ khoai, gốc rạ, cây tràm, cây đước, cái xáng, con kinh, mương, dè lục bình… Nhưng Tràm nói lại, lương hai đứa cộng lại chỉ đủ ăn mười ngày, thì lấy nhau chỉ ngồi ngó nhau sao? làm sao nuôi con?

 

Lần đó, Tràm báo với anh, có một ông Việt kiều sẽ về cưới em, em tạ tội cùng anh, xin đi lấy chồng, để cho cha mẹ em bỏ đi được con đò chở khách mà chạy chiếc xe Honda, bỏ nơi xẻo mương bùn lầy nước đọng mà được về sống trên thị xã. Ngãi khoát tay đuổi Tràm, thôi em về đi, đừng nghĩ đến anh nữa, em hạnh phúc và giàu sang thì anh vui. Ngãi lúc nào cũng tỏ vẻ cao thượng.

 

Đôi mắt anh, từ ngày đó, Tràm nhìn vào sao thấy nó hun hút thế, nó gợn lên một nỗi buồn u uất, sâu thăm thẳm, có lúc nó long lên, nhưng rồi lại sụp xuống ngay, như cố ghìm sâu  những oán hờn, trách móc.

 

Lần gặp anh cách đây một tháng, lúc nào cô đến phòng anh trọ cô cũng tự nhũ lòng, thôi lần này là lần cuối đây, nhưng rồi, một vài tuần, nhớ đôi mắt u uẩn của anh từ dưới bến đò, cô lại đến căn phòng anh trọ. Lần đó, anh cầm tay cô rồi nói, giọng run run, em cho anh gởi em một đứa con,  để nó được đi Mỹ với em. Cô rùng mình, không được đâu, ổng biết được thì “bể” hết. Mắt anh long lên sòng sọc, sao mà bể được, bây giờ đến ngày cưới còn khoảng một tháng, xê xích một tháng làm sao ổng khám phá ra. Rồi anh lăn xã vào cô. Hôn, hôn, hôn, làm cô nhột nhạt, anh vồ vập cởi áo, kéo quần cô xuống như sợ cô sẽ tan biến đi mất. Cô nói, đừng anh, anh kỳ quá hà, nhưng cô không cản được. Anh kéo cô nằm xuống trên cái giường được giát bằng những thanh tre, mỗi khi anh ấn người xuống, cái giường kêu lên kin kít, che khuất, nhận chìm đi tiếng hít hà của hai người.

 

Tràm cũng yên tâm, một lần “chát” với Ngạc, Ngạc đã bày tỏ suy nghĩ của mình, ở Mỹ, chuyện trinh tiết đâu có cần thiết em. Tràm nghĩ là Ngạc cả tin, hay tại cô là cô gái quê xứ Gò Quao này nên ai cũng tin vào sự thật thà. 

 

Khi tiệc tan, khuôn mặt khách mời ai cũng đỏ ké, ai cũng đến chắp hai tay trước ngực, nhìn Ngạc xá xá, như một sự biết ơn. Đám cưới Việt kiều họ chỉ đem theo cái bụng trống trơn để ăn uống no say thoả thích mà không tặng quà, điều này là ý kiến của Ngạc đã nói với Tràm, Ngạc bỏ ra một ngàn đô là đã đầy đủ. Ngạc bắt tay những người thanh niên, thiếu nữ đến chung vui. Anh nhìn Tràm trong bộ đồ cưới, anh nhớ đến một bản nhạc và thầm thì, em đẹp nhất hôm nay.

 

Ngạc đưa Tràm lên chiếc xe Toyota màu trắng sữa, những người bạn đàng trai lên chiếc xe van. Bây giờ thì hai xe khởi hành hướng về Sài Gòn. Chuyện Tú Uyên và Giáng Kiều hay Hoàng Tử và cô Tấm đã đến hồi kết thúc, tất cả đều bay về trời.

 

Mưa vẫn rắt hạt nhẹ nhưng cũng làm mờ kính xe, người tài xế ngồi băng trước mở cái quạt nước. Tràm thấp thoáng thấy Ngãi đang đi trên chiếc xe đạp cà tàng trên con đường đất đỏ, dáng anh vẫn lôm côm, đèo phía sau là một cô gái trẻ. Tràm nhướn mắt nhìn kỹ, đó là con Ngát học lớp chín, con bé này mê thầy Ngãi từ lâu, cô học trò ngồi sau vùi mặt vào lưng Ngãi.

 

Tràm bỗng nghe nghèn nghẹn ở cổ, tự dưng cô đặt tay lên bụng mình, có một cái gì chòi đạp trong đó chưa?.

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 2623
Ngày đăng: 10.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân cách sống - Trương Quang Cảm
Thư không gửi - Nguyễn Đạt
Thành Viên Mới - Nguyễn Đình Phư
Mùi cam chín nẫu - Hoàng Mai
Nhà báo, nhà giáo & nàng dâu - Nguyễn Văn Ninh
Bản Nhạc Viết Lúc Không Giờ - Võ Anh Cương
Mần Ăn - Lê Văn Thiện
Người già buồn buồn... - Hòa Văn
Người Tình - Nguyễn Trung Dũng
Thây ma nổi giận - Dương Đức Khánh
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)