Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
687
116.543.814
 
Nguyễn Trãi (1380-1442): Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 3
Nguyễn Văn Thành

 

Chương ba

Chuyển biến thù hận thành tình thương

 

Ý hướng chủ yếu mà chương nầy muốn trình bày là không có thù hận và bạo động trong sách lược Tâm Công của Nguyễn Trãi. Trái lại, chỉ có tình thương, mặc dù người đối diện thuộc quân Minh đang xâm lăng Đại Việt và tàn sát anh chị em đồng bào.

 

Khi khẳng định như vậy, phải chăng Nguyễn Trãi đang phản bội đoàn đoàn lũ lũ những vong linh đã can đảm hy sinh mình, để bảo vệ đất nước, qua bao nhiêu thời đại, từ đời các vua Hùng đến ngày hôm nay?

 

Để có thể khai quật chiều sâu thăm thẳm của Tâm Công, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát những vấn đề sau đây:

 

•          Nội tâm mang nhiều tầng lớp ý nghĩa và sinh hoạt khác nhau.

•          Nội tâm giống như một dòng nước, một con sông. Bao lâu nó được khai thông và lưu nhuận, mọi vấn đề xảy ra trong cuộc đời sẽ từ từ được hóa giải. Ngược lại, khi chúng ta thiếu khả năng biến chế, tiêu hóa hay là chuyển biến tất cả những hiện tượng đang xảy ra trong nội tâm, chúng ta đánh mất quyền làm chủ. Chúng ta trở thành nạn nhân hay là đối vật trong tầm tay sử dụng của người khác.

Thể theo lăng kính nầy, tất cả vấn đề của chúng ta được cô động trong một khả lực : Biết hay là thấy. Nếu chúng ta biết chúng ta là ai, đang ở đâu, cần làm gì, cách nào, chúng ta sẽ tìm ra đòn bẫy và điểm tựa, để dời núi lấp sông, trong kế hoạch Tâm Công.

•          Một cách đặc biệt, khi có một xúc động đang gây chấn động mạnh cho nội tâm, chúng ta có những chọn lựa nào, thay vì "nhắm mắt đưa chân, chờ xem con tạo xoay vần nơi nao?" Chúng ta chủ động, thay vì phản ứng, nghĩa là bị kích động từ bên ngoài.

 

Tác giả St. Cover thường kể câu chuyện sau đây cho độc giả trong nhiều tác phẩm của mình 41:

 

Hôm ấy trên chuyến tàu ra ngoại ô, tác giả ngồi bên cạnh một người đàn ông trạc 40 tuổi, với 4 đứa con 2 nam , 2 nữ. Vào lúc độ 5 giờ chiều, sau một ngày làm việc, ai ai cũng mệt nhọc, ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi. Vài người khác thinh lặng đọc báo. Duy chỉ 4 đứa bé kia gây náo động cho cả toa xe lửa. Chúng nó thét la, quấy rầy, đánh lộn. Một chốc sau đó, chúng nó làm phiền người nầy, giật tờ báo của người kia hay là bước lên chân của người nọ. Ai ai cũng tỏ ra bực bội, nhưng không làm điều gì để cải tiến hoàn cảnh.

 

Sau 10 phút, một số người bỏ đi, qua ngồi ở toa xe khác. Những người còn lại nhìn ra cảnh vật bên ngoài, cố tình tránh tiếp xúc.

 

Cơn bực bội càng lúc càng gia tăng. Trong nội tâm, tác giả lặp đi lặp lại những câu chưởi  thề, những lời phê phán tố cáo ... Cuối cùng, không còn chịu nỗi, tác giả quay qua người đàn ông với giọng điệu mất bình tỉnh:

 

- Chắc hẳn ông là cha của 4 đứa bé nầy. Chúng nó quấy rầy mọi người ở đây, sao ông ngồi yên, không làm gì cả?

 

- Cha con chúng tôi vừa ở bệnh viện ra, người đàn ông trả lời. Mẹ chúng nó vừa qua đời vì bệnh ung thư. Lòng tôi rối tơi bời không biết phải làm gì. Chắc chúng nó cũng bấn loạn như tôi. Xin ông miễn lỗi cho chúng tôi.

 

Sau khi nghe lời thú nhận ấy của người đàn ông, tác giả và những người chung quanh đã thay đổi hẳn thái độ. Họ không còn trách móc, phàn nàn. Ai ai cũng cố gắng làm một cử chỉ yêu thương, nhất là đối với 4 đứa bé. Có người yêu cầu người cha cho phép mình mang một đứa bé về nhà một vài hôm. Câu chuyện cho thấy : khi yêu thương, chúng ta sáng tạo, chủ động, chúng ta thay đổi lối nhìn.

 

Theo khoa tâm lý đương đại, chúng ta có thể nhìn một người - bất kỳ người nào, thậm chí một tên lính thuộc quân Minh - vào những năm ở giữa 1407 và 1427 - từ 3 vị trí khác nhau 42:

Vị trí thứ 1 : Đó là vị trí hiện tại của chúng ta với bao nhiêu hạn chế tự nhiên, ắt có, tất yếu. Đóng kín mình ở đây, chúng ta phản ứng nhiều hơn là sáng tạo, chủ động.

Vị trí thứ 2 : Vị trí của người đang được nhìn với bao nhiêu khổ đau và vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta cố gắng mang tất cả tâm trạng hiện tại của họ. Khắc khoải cũng có, ước mơ cũng nhiều. Khuyết điểm cũng không thiếu.

Vị trí thứ 3 : Đây là vị trí của một người đang yêu thương chúng ta một cách tha thiết. Hoài bảo của người đó là chúng ta trở thành một con người "bao la và cao thượng" như Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Đồng thời người nầy cũng biết rất tường tận về cuộc đời của người đang được chúng ta nhìn.

Chúng ta có thể tưởng tượng người thứ ba nầy là Nguyễn Trãi hay là nữ văn sĩ Y. Feray, đang mang sẵn trong mình một tấm lòng nhân ái mênh mông như đại dương, bao la như bầu trời.

 

Người thứ ba nầy cũng có thể là Đức Bụt, Đức Kitô hay là "Ông Trời" của người Việt Nam.

Trong rất nhiều vấn đề, chúng ta chỉ "biết một" mà không "biết mười". Những người thuộc loại thứ ba nầy vừa biết một, vừa biết mười. Lối nhìn họ bao trùm tất cả.

 

Thông thường những người "biết mười" là những tâm hồn vừa khôn ngoan và hạnh phúc. Trong 10 điều có cả xấu lẩn tốt. Họ không dại gì chỉ thấy điều xấu. Họ biết tận hưởng điều tốt đang có mặt. Thêm vào đó, có gì hoàn toàn tốt và có gì xấu nguyên chất, bao lâu chúng ta còn có mặt trong lòng cuộc đời?

 

Hôm đó con ngựa của nhà nông phu lạc vào rừng và biến mất. Có người bạn hay biết, tìm đến chia buồn. Người nông dân trả lời: chuyện đâu sẽ vào đấy!

 

Sau mười ngày, con ngựa đi lạc trở về, rủ theo nó mười con ngựa hoang trong rừng rất béo tốt và khỏe mạnh. Bạn bè trầm tro: Nhà có phước ! Nghe vậy, người nông phu bình tỉnh trả lời: Chuyện đâu sẽ có đó.

Đứa con trai lên 20, thấy ngựa quá tốt đẹp, chọn một con để thuần hóa. Sau chưa đầy một tiếng đồng hồ, nó bị té ngã, gãy một chân. Bà mẹ khóc lóc, la lối om sòm. Người chồng vỗ về, an ủi : chuyện đâu sẽ vào đó.

Một tháng sau đất nước có biến loạn. Con trai trong thôn làng phải lên đường nhập ngũ. Đứa con của người nông dân được miễn dịch, vì không có khả năng di chuyển bình thường ! Hẳn thực, chuyện đâu sẽ vào đó.

Theo câu chuyện nầy, trong cái tốt có cái xấu. Và trong cái xấu, hạt mầm của điều lành vẫn có mặt.

Đặt mình vào vị trí thứ 3, chúng ta sẽ có một lối nhìn càng lúc càng rộng rãi, bao quát toàn diện và lạc quan.

 

Nội tâm với 4 phần vu:

 

Để vun trồng cho mình khả năng thấy nhiều bộ mặt khác nhau của thực tại, chúng ta hãy khảo sát 4 phần vụ chính yếu của Nội tâm.

 

Phần vụ thứ nhất là tiếp thu, ghi nhận những tin tức khách quan bên ngoài, do thực tại hoặc môi trường cung cấp.

 

Đó là những hình ảnh tôi thấy, những âm thanh tôi nghe.

 

Từ một vị trí quan sát hoàn toàn giống nhau, hai người có thể ghi nhận hai loại tin tức hoàn toàn khác nhau, tùy vào tâm trạng hiện tại cũng như những điều kiện tâm sinh lý như đau đầu, khó tiêu, đói bụng, áp huyết cao ...

 

Trong một tai nạn xe hơi, hai chứng nhân có thể kể ra những dữ kiện trái ngược nhau. Để bổ túc những thiếu sót trong một tin tức, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật môi trường hóa, bằng cách nêu ra những câu hỏi như : ai, ở đâu, khi nào, cách nào, bao lâu ...

 

***

Phần vụ thứ hai là thuyên giải, nghĩa là rút ra những ý nghĩa, những kết luận, từ những tin tức khách quan  đã thu nhận, hay là từ những sự kiện do nhiều người cung cấp.

 

Trước một số sự kiện giống nhau, hai người có thể đề xuất hai cách thuyên giải khác nhau, có khi mâu thuẫn với nhau.

 

Để hạn chế tối đa những xu thế gạn lọc, xuyên tạc hay là tổng quát hóa quá khích, còn mang tên là vơ đũa cả nắm, chúng ta cần thức tỉnh và sáng suốt trước hai hiện tượng thường xảy ra, khi chúng ta thuyên giải:

 

Hiện tượng thứ nhất là sự có mặt của những thiên kiến và thành kiến. Có lẽ trong một hoàn cảnh rất xa xưa, chúng nó là những tin tức rất xác thực, có nền tảng vững chắc trong thực tế. Nhưng bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua, những dữ kiện mới đã thay thế những dữ kiện lỗi thời, lạc hậu. Không kiểm chứng, làm mới lại những tin tức, chúng ta có nguy cơ trở thành cố chấp, bảo thủ, bám sát vào một yếu tố không còn mang tính thời sự hay là giá trị khách quan.

 

Thiên kiến và thành kiến là những hệ thống tin tưởng (croyance trong tiếng Pháp và belief trong tiếng Anh) đã được thiết lập, vun trồng trong suốt thời kỳ thơ ấu, từ ngày chúng ta bắt đầu học nói tiếng mẹ đẻ. Cho nên, chúng nó luôn luôn có áp lực rất mạnh mẽ trên chúng ta. Chúng ta có thể so sánh những hệ thống tin tưởng ấy như những chương trình được chúng ta đưa vào hay có sẵn trong máy vi tính. Có chương trình đã lỗi thời. Nhưng nó vẫn còn nằm đâu đó ở bên trong. Chúng nó cản trở chúng ta sử dụng những chương trình mới mẻ và hữu hiệu hơn.

 

Hiện tượng thứ hai cản trở chúng ta thuyên giải một cách đứng đắn và không cho phép kẻ khác hiểu được chúng ta. Hẳn thực, thay vì đi lên một cách có thứ tự và hệ thống rõ ràng:

 

Bước 1        :  sự kiện,

Bước 2        :  giả thuyết

Bước 3        :  kiểm chứng

Bước 4        :  kết luận cuối cùng

Bước 5        :  hành động

Bước 6        :  đánh giá.

 

Chúng ta thường nhảy vọt lộn xộn, không theo tiến trình tự nhiên.

 

Thêm vào đó, từ bước 2 lên bước 5, mọi thể thức sinh hoạt đều xảy ra bên trong nội tâm. Từ ngoài, kẻ khác không thấy, không biết về cách thức suy luận của chúng ta. Chúng ta cũng không trình bày một cách rõ ràng và minh bạch, dùng ngôn ngữ để gọi ra ánh sáng tất cả những gì đang xảy ra trong nội tâm. Không cố gắng bộc lộ mình ra ngoài, mặc khải những đường đi nước bước của chúng ta khi thuyên giải cuộc sống và thực tại, chúng ta sẽ là người bí hiểm, bí nhiệm, bí mật, khó hiểu, bít kín ... trước con mắt của kẻ khác.

 

Thế nhưng, mặc dù cởi mở tối đa, sống trong giờ phút hiện tại, mở mắt mở tai để đón nhận tiếp thu mọi tin tức khách quan từ mọi phía, cố gắng kiểm chứng mọi nguồn tin ... Chúng ta mỗi người vẫn còn mang đầy tính chủ quan, khi phát biểu, diễn tả. ễ đâu có một trăm người (bá nhân) ; ở đó có một trăm cách thuyên giải khác nhau (bá tánh). Không cách nào giống cách nào.

 

Trong lăng kính ấy, mỗi lần thuyên giải, chúng ta có 5 lối hành xử cần luôn luôn phát huy, kiện toàn và bổ túc:

 

Thứ nhất là đảm nhiệm một cách sáng suốt, can trường và trung thực tính chủ quan của mình. Không bao giờ chúng ta khách quan hoàn toàn 100 phần trăm, khi thuyên giải.

 

Thứ hai là tôn trọng lề lối thuyên giải khác biệt và độc đáo của kẻ khác. Họ có quyền khác chúng ta.

 

Thứ ba là lắng nghe, tìm hiểu cách thuyên giải của kẻ khác. Yêu cầu họ phân biệt thật rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là giả thuyết, đâu là kết luận, sau khi rà soát, kiểm chứng mọi tin tức, dữ kiện.

 

Thứ bốn là trình bày một cách rõ ràng, thứ tự, có hệ thống những bước đi tới của chúng ta, khi thuyên giải. Gọi ra ánh sáng những gì có mặt trong nội tâm, thậm chí còn ở thể trạng mơ tưởng hay là tin tưởng đã đóng lớp rêu phong từ bao nhiêu đời.

Thứ năm là không bao giờ áp đặt một cách đơn phương, độc tài cho kẻ khác cách thuyên giải của chúng ta, bởi tưởng lầm rằng đó là sự thật, đó là chân lý.

 

Không tôn trọng 5 qui luật trên đây, giữa chúng ta và người khác không thể có đồng hành, chia sẻ. Trái lại, chúng ta đi từ xung đột nầy đến xung đột khác, vì não trạng nhị nguyên nghĩa là phân biệt hơn thua, xấu tốt, có lý và phi lý đang trấn áp tâm tư và cõi lòng chúng ta.

 

Trong tác phẩm Vạn Xuân, Nguyễn Trãi, Thái Phúc và Trương Phụ, cả ba người đều nói đến Nhân và Nghĩa (Yen-Yi). Nhưng mỗi người thuyên giải Nhân Nghĩa một cách khác nhau, theo quan điểm riêng tư của mình 43. Mỗi nền văn hóa trình bày một cách thuyên giải riêng biệt độc đáo, làm cho dân tộc nầy không thể đồng hóa với dân tộc kia. Từ ngày lập quốc cho tới hôm nay, người Việt Nam luôn luôn khẳng định một cách kiên cường về bản sắc của mình, trước mọi hiểm họa đồng hóa của xâm lăng và thực dân, từ phương Bắc, phương Tây hay là Bắc Mỹ. Lề lối khẳng định ấy thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau:

Tiếng Việt luôn luôn sinh động và phát triển thường xuyên. Có một thời, những giáo sư triết học, người Nước ngoài đã đặt nghi vấn về khả năng của tiếng Việt trong chiều hướng diễn tả các phạm trù triết học của Âu Tây. Từ năm 1960, các Đại học Việt Nam đã thành hình trong nhiều thành phố lớn. Sau mười năm sáng tạo, các Đại học Việt Nam đã sử dụng tiếng Việt trong tất cả mọi địa hạt hoạt động của mình, để tiếp thu, đón nhận và tiêu hóa những chiều kích vĩ đại trong cuộc sống con người.

 

Cùng với ngôn ngữ, người Việt phát huy theo chiều hướng văn hóa riêng biệt của mình, mọi hình thức sinh hoạt khác như phong tục, kinh tế, cách ăn mặc, thể thức tổ chức làng xóm, đời sống nghệ thuật và triết lý nhân sinh...

 

Hình thức tuyệt vời hơn tất cả có khả năng diễn tả sắc thái đặc biệt của nền văn hóa Việt Nam là rừng tre xanh bảo vệ xóm làng từ địa phương nầy lan qua địa phương khác. Đồng lúa Việt Nam là hình tượng thứ hai có mặt từ Bắc vô Nam, từ các đồng bằng lên tới các vùng cao nguyên, từ miền khô đến những vùng ẩm ướt.

 

Trong tất cả mọi địa hạt, Đất Nước và Con Người quyện sát vào nhau. Người làm cho đất nước sinh sản lương thực. Đất nước làm cho con người có quê hương và gốc rễ tình cảm, nghĩa là có khả năng nhớ và thương, hàn gắn và bồi dưỡng chính mình.

Văn hóa chính là cách thức làm người và giúp kẻ khác làm người.

Qua con đường văn hóa, người Việt Nam thuyên giải sự có mặt của mình trong trời đất, quan hệ giữa mình và người khác. Cách thức tổ chức núi sông, đất nước.

 

Một cách đặc biệt, trong cách thuyên giải đất nước của mình, người Việt Nam biết nhìn ra Đại Dương mở rộng lòng đón mọi người. Và biết nhìn lên, chấp nhận, nhìn nhận và đón nhận chiều kích Trời, chiều kích Thần Phật và chiều kích Tâm linh. Tâm linh của người Việt Nam không phải chỉ gồm có bên trong. Nhưng còn là bên trên cao vời sáng chói, chiều ngang bao la, bát ngát và chiều sâu phong phú, giàu mạnh.

 

Thiếu chiều rộng, văn hóa sẽ dẫn chúng ta vào con đường "bế quan tỏa cảng". Hiểm họa khác cũng trầm trọng là con đường "rước voi đạp mồ mã", khi chúng ta bán đứng quê hương để củng cố địa vị cá nhân hay là quyền lực của gia đình, giòng họ, phe nhóm, thậm chí tôn giáo của mình.

 

Nghĩa vụ quốc tế, tình anh em bốn bể một nhà, chỉ là huyền thoại vu vơ, quảng cáo tuyên truyền, một giáo điều lý thuyết khô cằn ...bao lâu người anh chị em đồng bào của chúng ta chưa được tôn trọng, phục vụ. Chưa có điều kiện thành người. Chưa được cư xử như một thành viên toàn phần, có lời ăn tiếng nói, có quyền lợi làm người trong lòng đất nước.

 

Cũng trong chiều hướng và ý nghĩa nầy, tôn giáo chỉ có giá trị, khi tôn giáo có khả năng hộ sinh : giúp con người trở thành người. Giúp người Việt Nam ngày ngày trở nên Việt Nam hơn ngày hôm qua. Chính vì vậy, khi một tôn giáo không tạo điều kiện cho người Việt Nam ý thức và khẳng định về bản sắc văn hóa của mình, liệu tôn giáo ấy có lý do tồn tại nữa không?

 

Theo ngôn ngữ và lối nhìn của Lão Tử, mỗi tôn giáo trong lòng đất nước phải học làm theo cách "vi-vô-vi" của mặt trời! 44

 

- Không có mặt trời cung cấp ánh sáng và năng lượng, sẽ không có sự sống trong trời đất nầy.

- Tuy nhiên, mặt trời làm cho cây nào thành cây ấy. Cây hồng không nở hoa mai. Lúa mạ không ép buộc sắn khoai phải rập khuôn theo lối sinh hoạt của mình.

- Mặt trời tôn trọng vai trò của không khí, đất màu, sương trời và nước tưới.

- Chỗ nào có quá nhiều mặt trời, cỏ cây bị khô cháy. Thiếu mặt trời, cỏ cây cũng không thể đâm chồi nẩy lộc.

 

Trong chiều hướng ấy, bao lâu một tôn giáo chưa đi vào lòng dân tộc, để chia sẻ "niềm ưu tư và hy vọng" của anh chị em đồng bào, tôn giáo ấy còn ở bên ngoài, bên lề xã hội. Còn là ngoại lai, có nguy cơ thực dân, giống như  bao nhiêu cường quốc có ý đồ xâm lăng xâm lược.

 

Ngược lại, khi được hội nhập một cách hài hòa trong lòng dân tộc, tôn giáo sẽ trở thành xương da, máu thịt ... nuôi sống anh chị em đồng bào. Tạo mọi điều kiện trong khả năng của mình, để ai ai cũng có khả năng thành người, làm người; nhất là những người không có những "Cơ May" làm người tối thiểu.

 

Và khi làm công việc nuôi sống, bồi dưỡng như một lương thực, tôn giáo đảm nhiệm cùng một lúc hai phần vu:

- Loại trừ những độc chất trong cơ thể của đất nước như hận thù, bạo động, chia rẽ, xung đột, đàn áp...

- Phát huy sự sống thuộc mọi địa hạt làm người, nhất là lòng thương, tình liên đới và quan hệ hài hòa giữa mọi người... Làm như vậy là "gieo vãi", vun tưới, bồi đắp "một tấm lòng".

 

Qua bao nhiêu nhận định về phần vụ thuyên giải của nội tâm, chúng ta ghi nhận những kết luận hay là những bài học sau đây:

1.       Chúng ta không thể không thuyên giải, nghĩa là tìm ra cho mình ý nghĩa về cuộc sống, khả dĩ sáng soi và điều hướng mọi quyết định hành động.

2.       Chúng ta có quyền thuyên giải cuộc sống. Nhưng kẻ khác cũng có những quyền lợi giống như chúng ta.

3.       Khi hai người tiếp xúc trao đổi, nói chuyện với nhau, dù muốn hay không, ý thức hay vô thức ... mỗi người đều thuyên giải cuộc sống. Lối nói bình thường là cho biết ý kiến, nói ra lập trường...

4.       Nếu có người muốn áp đặt ý kiến hay là cách thuyên giải, thế nào cũng có hiện tượng xung đột, tranh chấp.

5.       Thay vì xung đột, để rốt cùng có thể kết thúc bằng bạo động, những ai có tư cách làm người sẽ tìm cách lắng nghe, đồng hành, chia sẻ để bổ túc, kiện toàn nhau. Công việc vừa cho vừa nhận ấy mang tên là thương lượng, nhìn nhận nhau, tôn trọng nhau và đóng góp cho nhau trong vấn đề thành người.

6.       Khi chúng ta áp đặt ý kiến của mình hay là đàn áp kẻ khác, chúng ta làm cho họ trở nên phản động hay là ấu trỉ, lệ thuộc. Trong một quan hệ như vậy, cả hai bên đều thoái hóa, từ chối làm người với nhau. Mỗi người trở nên hỏa ngục cho người kia, theo lối nói của J.P. Sartre.

 

Giữa hai dân tộc , cũng có những hiện tượng tương tự :

 

1.       Mỗi dân tộc, mỗi đất nước thuyên giải cuộc sống của mình, qua quá trình dựng nước và giữ nước, từ giai đoạn thành hình cho đến hôm nay.

2.       Cách thuyên giải của cả một dân tộc mang tên là nền văn hóa.

3.       Một dân tộc trở nên xâm lăng, thực dân, khi họ muốn áp đặt nền văn hóa của mình trên một dân tộc khác. Họ có ý đồ đồng hóa, nhất là khi họ xua quân lấn chiếm và áp đặt nền đô hộ trên một xứ sở khác.

4.       Khi làm công việc chiếm đất và giành dân như vậy, luôn luôn họ khua chuông gõ mỏ về một nền văn hóa đại đồng, về ngọn cờ nhân nghĩa toàn cầu. Họ hỏ hào "mang ánh sáng cho dân man rợ".

5.       Suốt quá trình lịch sử, dân tộc Đại Việt luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ con đường văn hóa độc đáo của mình. Trước lực lượng xâm lược, họ khẳng định bản sắc của mình một cách hào hùng, liên tục, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

6.       Nếu cần, họ sử dụng khí giới, bom đạn để tự vệ và xua đuổi quân thù ra khỏi biên giới. Làm như vậy, họ khẳng quyết bản sắc của mình. Đó là cách làm người.

7.       Với kế hoạch Tâm Công, Nguyễn Trãi là người đầu tiên đã muốn loại trừ khỏi nền văn hóa của Đại Việt mọi độc tố bạo động, bằng ba cách khác nhau :

 

•          Thứ nhất là kết hợp lòng người và mọi người. Cứu nước và cứu dân là một, thay vì đặt nặng vấn đề dòng họ, triều đại của một cá nhân, hay là phe phái, ý thức hệ.

•          Thứ hai là vừa đàm vừa đánh : Ngôn ngữ trao đổi cũng quan trọng bằng vũ khí. Tâm Công - là đánh vào lòng người - còn có giá trị hơn "Thành công", nghĩa là bao vây thành lũy của địch quân và tận diệt mọi lực lượng đối kháng.

•          Thứ ba là tức khắc biết dừng lại, tôn trọng sinh mạng của quân binh phía ta cũng như phía địch, khi bạo động không còn cần thiết để khẳng định bản sắc riêng biệt của mình. Nói khác đi, chúng ta sử dụng khí giới để bảo vệ từng tất đất, từng  người dân. Nhưng chúng ta không làm nạn nhân của hận thù, bạo động và chiến tranh.

Đây là điểm vàng son của sách lược Tâm Công: Nguyễn Trãi vận dụng Tấm lòng để hóa giải mọi vấn đề trong lòng quê hương và đất nước.

 

Tấm lòng là nước có khả năng nâng đỡ thuyền. Đồng thời nước cũng lật đổ thuyền, nếu thuyền không có một tấm lòng đối với nước.

Nếu ai ai cũng có một tấm lòng như vậy, kết quả là hòa hợp, là đồng tâm, là Huyền đồng theo lối nhìn của Lão Tử. Đồng ở đây không có nghĩa là đồng nhất, đồng ý, nhất trí về mặt thuyên giải. Nhưng là hòa đồng, chấp nhận người khác cũng là người, có một tấm lòng như mình. Chúng ta đồng hành, chia sẻ. Chúng ta hiến tặng một tấm lòng.

 

Phần vụ thứ ba của nội tâm là diễn tả thực trạng và thực tại của mình bằng xúc động và tình cảm.

Nói được đây là một loại hàn thử biểu cho chúng ta biết khí hậu, độ nóng lạnh của tâm hồn. Đối với một số người, xúc động là một lời nhắn bảo rất thân thương, cơ hồ một tiếng nói của bạn bè tri kỷ cho chúng ta hay biết về hoàn cảnh hiện tại của mình.

Tâm lý học đương đại phân biệt bốn thành tố hay là bốn giai đoạn trong mỗi xúc động như buồn, khổ, lo, giận, chán nản, tuyệt vọng, sợ hãi ...

Thành tố thứ nhất : "Tôi thấy, tôi nghe". Đây là những sự kiện khách quan đưa vào hay là dẫn khởi, tạo cơ hội hay là điều kiện... để một xúc động xuất phát, hiện hình.

Thành tố thứ hai : "Tôi cảm".

Đây là một phản ứng hoàn toàn chủ quan. Để diễn tả cách đúng đắn một xúc động, chúng ta phải sử dụng chủ từ, ngôi thứ nhất, số ít " Tôi".

Dùng một chủ từ khác, ngoài "Tôi" ra, chúng ta sẽ có thái độ tránh né, xuyên tạc, hay là đánh trống lãng. Một cách xuyên tạc rất thường xảy ra là tố cáo kẻ khác, qui chụp, gắn nhản hiệu ...

Ví dụ, thay vì nói "tôi buồn", chúng ta có thể xuyên tạc : "Nó không hiểu tôi".

Thành tố thứ ba : " Tôi cần".

Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của xúc động là nhu cầu hiện tại của tác giả hay là chủ thể hiện đang có những phản ứng. Cho nên bao lâu chúng ta không sáng suốt đảm nhiệm tính chủ động và chủ quan của mình, chúng ta không tìm phương thức hóa giải, chuyển biến, bằng cách đặt tên hay gọi tên nhu cầu của mình.

Thành tố thứ bốn : "Tôi xin, tôi muốn, tôi yêu cầu..." Sau khi điểm mặt, đặt tên, gọi ra ánh sáng nhu cầu cơ bản của mình, chúng ta vận dụng mọi khả năng đáp ứng có sẵn nơi mình. Nếu không có, tôi dựa vào quan hệ nối kết tôi và kẻ khác, để xin họ giúp tôi giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.

 

Bao lâu chúng ta chưa đi hết 4 giai đoạn trên đây, tình cảm hay xúc động của chúng ta đang còn bị bế tắc, ngăn chận, ức chế. Cho nên chưa hóa giải được một cách hài hòa.

 

Trong mọi quan hệ giao tiếp với các tướng lãnh quân Minh, Nguyễn Trãi đã vận dụng tối đa phương pháp diễn tả những xúc động của mình. Qua mọi thư từ, Ông nói lên nỗi bất bình của toàn dân Đại Việt. Ông đi qua 4 giai đoạn. Và luôn luôn Ông kết thúc bức thư, bằng cách đề nghị một quan hệ hài hòa giữa Đại Việt và Trung Hoa, giữa binh lính của Minh Triều và Nghĩa Quân Lam Sơn, dưới quyền lãnh đạo của Lê Lợi 45.

 

Tâm Công ấy là một sách lược nghĩa là một quyết định và chọn lựa sáng suốt, từ lúc khởi đầu đến hồi kết thúc. Đó là một sách lược có chiều sâu tâm linh và chiều rộng của hành động. Không bao giờ Tâm Công là một mưu mô lường gạt : Nói một đàng làm một nẽo, miễn là mình "hơn"!

 

Vào giây phút cuối cùng, khi Vương Thông viết thư xin nghị hòa, chính Nguyễn Trãi đã tỏ ra trung tín. Một mình giữa đoàn lũ, có cả dân chúng, binh sĩ, tướng lãnh đầy căm thù, đòi nợ máu, Nguyễn Trãi khẳng định tấm lòng bao la và vĩ đại của dân tộc Đại Việt:

"Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,

Lấy chí nhân thay cường bạo".

 

(Lược đồ tr. 97)

 

Phần vụ thứ bốn của nội tâm là thiết lập quan hệ.

 

Bao lâu giữa chúng ta và người khác, bất kể là ai, thậm chí những người đang cưu mang ý đồ đàn áp, bốc lột, sát hại chúng ta như quân Minh, chúng ta vẫn chủ động chọn lựa quan hệ chia sẻ và đồng hành.

 

Tâm Công là một quan hệ khí khái, can trường. Can đảm làm người, khi kẻ khác chưa có tư cách làm người. Đơn phương làm người. Đơn phương nhìn nhận bản sắc làm người của người khác.

 

Tâm Công trong lăng kính ấy còn mang tên là vô úy, không sợ chết, vì khẳng định bản sắc của mình là tâm linh, bất diệt. Súng ống, bom đạn, gươm giáo có thể đụng đến thân. Nhưng hoàn toàn bất lực, vô hiệu trước Tâm. Trước một tấm lòng yêu thương. Và như tôi đã nhấn mạnh ở đầu chương, tấm lòng ấy có một lối nhìn của con mắt thứ ba. Lối nhìn Cao thượng và vĩ đại của Trời, của Đại dương. Của Rồng và Tiên, Cha mẹ của dân tộc và đất nước Đại Việt.

 

Trong tất cả những điều được trình bày, vấn đề nhìn nhận nhau, khi tiếp xúc và trao đổi là điều đáng chúng ta lưu tâm và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 

Khi biết nhìn nhận nhau, chúng ta sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề đang bủa vây và làm suy đồi bao nhiêu quan hệ giữa người với người. Một cách đặc biệt nhờ nhìn nhận nhau, chúng ta sẽ có khả năng chuyển biến những quan hệ xung đột, hận thù và bạo động đang có mặt ở khắp nơi, trong mọi hang cùng ngỏ hẻm của nhân loại.

 

Nhìn nhận nhau cũng là phương thức để làm người và sống tình người với nhau.

 

Để nhìn nhận kẻ khác, chúng ta hãy bắt đầu nhìn nhận chính mình bằng cách diễn tả một cách rõ ràng nhu cầu và yêu cầu của chúng ta, đang ẩn giấu ở dưới mỗi xúc động. Lề lối diễn tả được thu gọn như sau :

 

- Tôi đang cảm thấy ... (gọi tên xúc động như buồn, lo, sợ ...)

- Tôi cần ...

- Vậy tôi muốn ... tôi xin

Khi nhìn nhận kẻ khác, chúng ta cũng cần khám phá và gọi tên xúc động của họ. Đồng thời, chúng ta cũng bộc lộ hay là giúp họ bộc lộ nhu cầu và lời yêu cầu có liên hệ với xúc động.

- Qua lời bạn nói, bạn đang (buồn)

- Bạn đang cần (có người hiểu bạn)

- Vậy bây giờ bạn ước muốn gì? Tôi có thể làm gì cho bạn ?

 

Thay vì diễn tả một cách rõ ràng xúc động của mình, nhiều người có xu thế sử dụng hình thức trá ngụy, xuyên tạc, tấn công, đổ lỗi, tố cáo ... Trong hoàn cảnh nầy, chúng ta hãy bắt đầu nhìn nhận họ, bằng cách gọi tên xúc động và lột tẩy nhu cầu cũng như ước vọng đang ẩn núp ở bên dưới.

- Bạn đang phê bình và tố cáo thái độ của tôi trong buổi họp vừa rồi.

- Như vậy là bạn đang tức giận vì tôi không đồng ý với bạn

- Chúng ta có thể bình tỉnh trình bày lại ý kiến, để hiểu nhau hơn!

 

Sở dĩ chúng ta tôi luyện những kỹ thuật diễn tả như vậy, là vì chúng ta muốn trang trãi cho nhau một tấm lòng. Duy tấm lòng mới quí giá và thiết yếu. Cho nên chúng ta hãy lắng nghe Nguyễn Trãi: Kết hợp nhau lại, cùng nhau đứng trên một mãnh đất, một địa bàn chung. Đó là tấm lòng bất diệt và cao cả đang hội tụ mọi người.

Ở đâu có một tấm lòng, ở đó khí giới, bạo động, hận thù nhường bước, nhường lời cho tình thương.

 

 

 

 



41 Les spts habittudes, tr. 30.

42 Nguyễn Văn Thành - Đối Thoại, tr. 37-39.

43 Vạn Xuân, tr. 682-683.

44 Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch. 37 (Bản dịch của Nguyễn Duy Cần) Khai Trí, Sàigòn 1974, tr. 189.

45 Vạn Xuân, tr. 891-906.

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 2209
Ngày đăng: 17.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 2 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1 - Nguyễn Văn Thành
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo
Khi Người Tàu Nghiên Cứu Về Việt Nam - Phạm Cao Dương
NHẮC LẠI CHUYỆN NHÀ MINH CƯỚP SÁCH CỦA TA ĐEM VỀ TÀU - Phạm Cao Dương