Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
881
116.619.046
 
Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó
Nguyễn Cẩm Xuyên

 

Ngày 30/ 6/ 1925, Phan Bội Châu trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu; vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì bị mật thám Pháp bắt cóc rồi đưa về Hà Nội. Lúc đầu tòa xử chung thân khổ sai nhưng sau vì sợ phản ứng của quần chúng cả nước, phải đổi lại là quản thúc tại gia.

 

Từ năm 1926 cho đến ngày mất (1940), cụ Phan sống trong căn nhà tranh ở Bến Ngự, Huế.

 

Ngao ngán nhẽ một đời xả thân vì nước mà ngờ đâu lại có kẻ bội phản, báo thời khắc, lộ trình đi lại của cụ cho mật thám Pháp biết mà bắt cóc tại tô giới của Anh rồi đem về nước xử án. Trong vòng lao lí cụ vẫn không ngừng chí đấu tranh, vẫn viết sách, viết báo để cảnh tỉnh hồn dân tộc.

 

Chuyện “Lịch sử con Vá” do cụ viết đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936 kể chuyện chó để ngụ ngôn cho mọi người thấy chó còn hơn những kẻ mà cụ gọi là “mặt người lòng thú”, những “hạng muông người”. Chuyện con cụ kể chủ yếu nêu cao đức trung nghĩa cùng những thành tích dũng cảm của nó.

 

Chuyện bắt đầu kể việc trồng bia mộ chó :

 

“Năm Giáp tuất âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

 

Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu…

 

Kể chuyện chó, cụ lại nói đến người :

 

Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

 

Tôi nói : Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất,  ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì ?...

 

Cụ Phan vừa kể lại vừa lí luận - đặt ngang chó với người thì kẻ “tinh thần mất hết tri giác” cũng là chó thôi nhưng chắc chắn chưa thể sánh được cùng con , bởi của cụ là tấm gương “dũng” với bao nhiêu những hành động can đảm : một mình chiến đấu với bầy dê đực hơn mười con mà chẳng hề sợ hãi;  một mình đánh nhau với cả bầy chó Tây béo tốt… Chiến đấu dũng mãnh với cường địch đến nỗi bị thương mù cả hai mắt…

 

Kể về “dũng” xong lại kể tiếp về “nghĩa”  :  

 

Còn như về phần “nghĩa” của Vá thì càng khiến cho tôi phải đặc biệt thương nhớ nó quá. Nó ở với tôi suốt tám năm hơn, trong miệng nó cắn người lạ có hơn trăm người, mà nó ghét nhất là những người thình lình vào buồng tôi nằm. Đêm nào nó cũng gác ở trong buồng tôi chẳng khác gì một tên vệ binh của Tào Tháo. Ban đêm đã thế mà ban ngày cũng vậy. Có một ngày kia, giữa buổi trưa tôi không nằm trong buồng; hai tên trò bé, đứa mười tuổi, đứa chín tuổi, lẻn vào buồng lên giường tôi nằm thẳng hai chân xuống. Bỗng Vá thấy được liền lấy miệng kéo chân bọn ấy ra (…). Một ngày kia nó đưa ông bạn tôi là cố Cháu ra ga, giữa đường bị người ta thiết mưu bắt nó, giam nó ở nhà họ từ bảy giờ mai đến tám giờ đêm mới mới thấy Vá chạy về thở ào ào, nằm thim thíp như hình đau mỏi lắm. Tôi lại thăm nó, thấy bên cổ nó còn có sợi dây buộc tròn, chắc là bọn bất nhơn kia đã trói nó riết lắm.

 

Vá ơi ? mày có nghĩa thật !

 

Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc là mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm hút rơi, ba miếng canh rau lạnh, và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta, ta thật không thể nào quên được Vá.

 

Lại có một phen nữa tôi đi lên vườn trên Nam Giao, nó đi theo tôi, tôi đuổi nó về. Đột nhiên mất nó đến bốn ngày. Ai dè tảng sáng ngày thứ năm sắc trời còn lờ mờ, người trong nhà ngủ chưa dậy, vỗ đầu nó thấy nó tiều tụy lạ thường chắc là ba bốn ngày nó không ăn một hột cơm nào. Người xưa có câu “Chó Nghiêu không ăn cơm Chích” e cũng có lẽ.  Tôi vì thế mà càng đặc biệt thương yêu nó. Chẳng những thế, từ năm kia tôi nuôi một mụ ở; mụ này tuổi ngoài bốn mươi mà tính tham lam cũng phi thường. Có một đêm,  mụ rình buổi tôi ngủ say, biết được bao giấy ở trong mình tôi, rình lẻn vào buồng, thò tay vào trong áo tôi vừa lần được bao giấy ra thì Vá ở dưới giường làm một tiếng “hộc” rất to, chụp vào chân mụ, mụ phải vứt bao giấy chạy mau ; tôi thột dậy thì bao giấy tôi đã chạy xuống chân giường.

 

(…) Trong lịch sử Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị”  là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bã chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bã. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bã nó, bã mãi bã hoài mà không bã được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay…

 

Kể về “dũng”“nghĩa” của   xong cụ Phan kết thúc :

 

“Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa,  vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư ?...

 

Vậy là kể chuyện chó để nói đến điều xa xôi, to tát hơn. Kể chó là để nói tới người mà người đây là người dân Việt lúc này đang chịu đè nén dưới cường quyền, muốn thoát thì không chỉ có nghĩa,dũng mà cần phải có cả trí nữa.

 

Câu chuyện trên năm 1992 được in lại trong Phan Bội Châu toàn tập; tập 4 ; NXB Thuận Hóa do GS. Chương Thâu sưu tầm và biên soạn.. Cả bộ sách đã tập trung được gần hết tác phẩm của cụ Phan từ rất nhiều nguồn : từ những đề từ, những câu đối quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán, những bài thơ ngâm vịnh, các bài văn nghị luận cho đến cả những bài phú, biểu, tán, văn bia, các truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí, tự truyện, các nghiên cứu về Chu Dịch…  trên báo chí hoặc rải rác khắp trong quần chúng và các nhà Nho còn lưu giữ được… Tất cả được gom lại trong cả thảy 10 tập, hơn 4.000 trang. Thật là một công trình dày công phu, nhiều tâm huyết.


NHỮNG TẤM BIA MỘ CHÓ CỦA CỤ PHAN

ĐÃ LƯU DANH VÀO SỬ SÁCH

 

Đến Huế, về thăm mộ cụ Phan : phía dưới chân mộ nhà chí sĩ là 6 tấm bia mộ của hai con chó “nghĩa- dũng” và “nhân-trí” của cụ :

 

1- NGHĨA DŨNG CẨU (con Vá) :

 

 

 

 

 

 

Phiên âm:   Nghĩa Dũng cẩu (con Vá ) chi trủng.

 

Duy dũng dã, kiến cường tắc đấu ; duy nghĩa dã, tận trung ư chủ. Ngôn giả đa, hành hãn cấu. Nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ mang, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thuỳ tai , diện nhân tâm thú. Dụng thị thê nhiên, thụ bi nhữ mộ.”

 

GS. Chương Thâu tác giả “Phan Bội Châu toàn tập” - tập 6, trang 405 - NXB Thuận Hóa 1992, đã đọc nhầm mất 02 chữ (có gạch chân) :

 

a/…Ngôn giả đa, hành hãn hữu

 

(đúng ra là : …Ngôn giả đa hành hãn cấu.  Chữ 覯 (cấu) ở cuối câu nghĩa là gặp đượcNghĩa cả câu này: Kẻ nói được thì nhiều nhưng kẻ  làm được thì ít gặp).

 

b/…Ư duy nhữ nãi kiêm nhi hữu…

 

( đúng ra là :…Ư duy nhữ mang nãi kiêm nhi hữu. Nghĩa là : Chỉ có mày là kiêm được cả (vừa  NGHĨA  lại vừa DŨNG).

Giữa câu không phải là chữ mà là chữ mang ( 庬 ) nghĩa là lẫn lộn (Khác hẳn với “Vá”  thuộc Nôm phải viết là 播 hoặc . Hơn nữa nếu đặt chữ  “ ” vào đây làm chủ ngữ thì câu trở nên sai về cấu trúc ngữ pháp). 

 

Bia quốc ngữ (cụ Phan dịch nghĩa) :

 

“Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa, nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó !

 

Ôi ! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó.”

Theo lời kể của “Lịch sử con Vá”  trên báo thì thoạt đầu cụ Phan chỉ cho trồng bia một tấm, về sau chắc là cụ đã viết và cho khắc thêm hai tấm nữa, một bằng chữ Hán, một khắc bằng quốc ngữ kể công trạng của

 

Sống trơ trọi không vợ con, không họ hàng thân thích. Mất con , cụ Phan đau xót lắm. chết năm 1934 ; ba năm sau lại chết thêm con Ky; cụ Phan cũng lập bia mộ cho nó. Mặc dù Ky không được cụ viết lịch sử lên báo như nhưng xem mấy dòng ghi năm tháng cuối bia thì ta biết được Ky chết vào năm Đinh sửu (1937).

 

2- NHÂN TRÍ CẨU (con Ky) :

 

 

 

 

Phiên âm:    Nhân Trí cẩu ( Ky ) chi trủng.

 

“Cận nhân giả, thường bần vu trí. Cận trí giả, thường bạc ư nhân. Nhân trí lưỡng bị, nan hĩ  tai ! Hà vật súc nhân, nãi kiêm nhi hữu.

 

Đồng sự nhất chủ, tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới, nhân dã ! Kiến phi kì chủ, tắc cừu địch thị chi, hoá lợi bất năng nhị , trí dã.

 

Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.

 

Nam lịch Đinh Sửu nguyệt nhật. Chủ nhân Sào Nam chí.”

 

Sách “Phan Bội Châu toàn tập”  (tập 6, trang 406 ) đã phiên âm bia này nhầm thêm 02 chữ nữa:

 

a/ …cận trí giả thường bần ư nhân

 

(đúng ra là :  …cận trí giả thường bạc ư nhân . Nghĩa là : Kẻ gần với trí thì thường ít nhân).

b/…Nhữ nãi bất thọ. Thụ lặc sở cảm ư nhữ mộ

(đúng ra là :  Nhữ nãi bất thọ ; viên lặc sở cảm ư nhữ mộNghĩa là : Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày.)

 

Bia quốc ngữ ( cụ Phan dịch nghĩa) :

 

Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí ; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con KY nầy lại đủ hai đức ấy.

 

Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó.

Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ thiệt là trí đó.

Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.

 

Mầy sao vội chết !

Hỡi trời ! Hỡi trời !

Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.

Đau đớn quá ! Đau đớn quá !

Kia những hàng muông người.

 

Bia công trạng của Ky viết dài hơn bia của và cũng là những lời ca ngợi chó để so với loại mặt người dạ thú : “…Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.”

 

( Nhân mà trí, loài vật như mày lại được như thế! Trời ơi! Trời ơi!. Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày. Ai kia là người mà lại là thú đấy, chẳng thể sánh với mày được.)

 

Xem thế, tâm trạng của cụ Phan trong những năm sống hẩm hút ở căn nhà tranh bến Ngự ấy là hết sức  cay đắng trước thói đen bạc của đời. Cụ xả thân cho xã hội mà đáp lại là những kẻ mặt người lòng thú luôn rình rập để mưu hại : kẻ đã bán cụ cho Pháp,  kẻ lại theo lệnh Tây luôn ngó nghiêng do thám quanh nhà.

 

Xem mấy bia mộ chó của cụ Phan ta trộm nghĩ rằng phải chăng trên cõi đời này có nhiều kẻ chưa thể sánh được với Ki - chưa sánh được cả về tư cách lẫn cả cuộc đời, hành trạng ./.

           

(Kiến Thức Ngày Nay  Số 724 Ngày 20. 9. 2010 ). Bản của tác giả.

 

Nguyễn Cẩm Xuyên
Số lần đọc: 8295
Ngày đăng: 18.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 3 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 2 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1 - Nguyễn Văn Thành
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo
Khi Người Tàu Nghiên Cứu Về Việt Nam - Phạm Cao Dương
Cùng một tác giả