Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
545
116.487.269
 
Nguyễn Trãi (1380-1442): Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 4
Nguyễn Văn Thành

 

Chương bốn

 

Con rắn trả thù ba đời

 

Chỉ có một tấm lòng trọng đại mới có khả năng vượt lên trên mọi xung đột, hận thù, bạo động và chiến tranh. Phải chăng đó là ý nghĩa sâu xa của sách lược Tâm Công có mặt trong tất cả mọi công trình và cuộc sống của Nguyễn Trãi?

 

Phải chăng chỉ có một tấm lòng mênh mông cao cả như bầu trời và đại dương mới làm cho đất nước và quê hương trở thành Vạn Xuân, nghĩa là trường tồn, bất diệt, mang trong mình hạt mầm yêu thương và tha thứ ? Hẳn thực, từ ngày lập quốc và trải qua bao giai đoạn, bập bềnh, chìm nổi ... đất nước phải thường xuyên đối đầu với hai hiểm họa trầm trọng. Hiểm họa  thứ nhất là nạn xâm lăng và thực dân tràn đến từ mọi chân trời xa gần thuộc phương Bắc cũng như phương Tây. Trong lịch sử của Đất nước, từ trước cho tới nay, người dân Đại Việt đã tỏ ra bất khuất, không bao giờ chịu đồng hóa trước những lực lượng rất hùng hậu, nham hiểm và được vũ trang một cách tối tân về mọi mặt.

 

Với sách lược Tâm Công của Nguyễn Trãi, dân tộc Đại Việt đã bước thêm một bước khổng lồ: dùng nhu để bẽ gãy cương, lấy tình người để thắng cường bạo. Nhân đạo thay thế hận thù. Thay vì luồn cúi, đứng thẳng mình, khẳng định bản sắc làm người với tất cả tấm lòng ân thứ và bao dung.

 

Thế nhưng, với hiểm họa từ bên trong mang tên là chia rẽ hay là "nồi da xáo thịt", lịch sử đã ghi lại những vết thương nhức nhối rướm máu. Từ đời nầy qua đời nọ, vết thương ấy lại tiếp tục lở lói và tái diễn theo chu kỳ của vô minh và dục vọng. Phải chăng đó là nghiệp quả luân hồi thúc giục người Việt Nam tôi luyện lòng thứ tha? Hạt mầm giải thoát nẩy nở và lớn lên trong lòng đất khổ đau.

Kế hoạch Tâm Công đã mang lại nhiều thành quả to lớn trong lãnh vực chống xâm lăng. Nhưng Nguyễn Trãi đã tỏ ra bất lực hoàn toàn, trong địa hạt kiến dựng hòa bình và phát huy công lý. Rốt cuộc, vào tuổi 63 sau một đời cống hiến trọn vẹn cho nước cho dân, Nguyễn Trãi đã ngã quÿ trong vũng máu, bên cạnh người vợ thiếp của mình là Thị Lộ, với một án lệnh tận cùng ác độc là bị tận diệt ba đời "tru di tam tộc". Cả hai vợ chồng bị kết tội "sát hại nhà vua" tại vườn Lệ Chi.

Làm sao một "Thiền sư" có thể bị vướng vào một vụ án "đồng tình đồng lõa ám sát" một vị vua mà chính ông đã dạy dỗ ! Tôi muốn hỏi Võ Văn Ái như vậy.

 

Làm sao một "người tài đức trọn vẹn" lại làm nạn nhân cho những ghen tương nhỏ nhen, bần tiện ở triều đình! Tôi hỏi Trần Huy Liệu như vậy.

 

Làm sao "ánh sao Khuê" lại thiếu hơi ấm cho gia đình vợ con của mình ?  Tôi muốn hỏi Bùi Văn Nguyên như vậy.

Làm sao một người lãnh đạo, một vị quan luôn luôn "lo cái lo của toàn dân", lại quyết định chết một cách thảm thương, tủi nhục, để chứng minh tấm lòng với người vợ thiếp ... đương khi việc nước đang còn rối ren như tơ vò ? Đang khi các đồ đệ, giới trẻ chưa tiêu hóa trọn vẹn bài học về Tâm Công, và tập hợp mọi cõi lòng ? Tôi muốn đặt lên câu hỏi ấy cho những ai đang lãnh đạo đất nước, ở mọi lãnh vực và giai tầng khác nhau .

Khi nhìn lại thảm trạng của Nguyễn Trãi, nhiều người muốn thêm dầu vào lửa, như vua Tự Đức, với những lời lẽ tố cáo. Chê thì quá dễ. Ai lại không có điều để chê. Thương mới là chân trời mời gọi mỗi người vươn lên!

"Trãi, nếu là người hiền, thì nên sớm liệu rút lui (...). Thế mà lại đi đón rước ngự giá, thả lỏng cho vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ" 46.

Nhiều người khác muốn "coi như không có" hay là "biến đen thành trắng", tẩy xóa hết mọi tiếng đồn xuôi ngược chung quanh Thị Lộ.

Có người ngoảnh mặt làm ngơ, cố tình xem vụ "Thị Lộ" như một chi tiết nhỏ nhặt, không làm khô héo một cây đại thụ. Cho nên Phạm Công Thiện đã lên tiếng đề kháng :

 

"Nếu không có Thị Lộ thì Nguyễn Trãi có ra là Nguyễn Trãi nữa không ? " 47.

Khác với những người đàn anh còn mang xu thế khen hoặc chê, nghĩa là muốn "thu hồi" Nguyễn Trãi về phe mình hay là xô đẩy Nguyễn Trãi về phía bên kia, tôi chỉ muốn làm nổi bật một vài điểm có liên hệ đến cuộc đời:

 

1.       Tâm Công thuộc tiến trình làm người. Khi dừng lại, cho là đủ, dù là ai, người ấy bắt đầu thoái hóa. Hơn tất cả, quyền lực, chức vị làm cho chúng ta dễ thoái trào, một cách nhanh chóng.

2.       NguyễnTrãi là một con người Việt Nam như anh, như em, như tôi. Chúng ta mang dòng máu vạn xuân. Tuy thế, chúng ta còn ở trên một tiến trình.Còn sống ngày nào, chúng ta còn phải học: loại trừ độc tố và hội nhập sức sống vươn lên. Với bao nhiêu hạn chế và tồn tại, nếu chúng ta biết dâng hiến một tấm lòng giống Nguyễn Trãi, chúng ta đã cống hiến một đóng góp rất lớn lao cho đất nước và anh chị em đồng bào. Nếu đòi hỏi nhiều hơn, chúng ta chỉ nuôi dưỡng "ý chí toàn năng".

3.       Theo lối tin tưởng bình dân được lưu truyền đó đây, khắp đất nước, Thị Lộ có dính líu với chuyện một con rắn trả thù ba đời.

Với lối thuyên giải của Phân tâm học, mọi điều sẽ trở nên trong sáng và đơn sơ : Phải chăng Thị Lộ là hình tượng, trong đó chúng ta sẽ thấy được chính mình. Nhìn vào Thị Lộ, người Việt Nam sẽ biết rõ : con đường nào "đầy hoa", và con đường nào "đầy ma quái, cạm bẫy".

 

Trên đây, nhân dịp bàn đến nghệ thuật và  kỹ thuật tạo hình hay là cách kết cấu tiểu thuyết của nử văn sĩ Ỵ Feray, tôi đã nêu rõ : Tiểu thuyết Vạn Xuân kết hợp một cách hài hòa khéo léo những sự kiện lịch sử được sưu tầm rất công phu và khoa học. Đồng thời Vạn Xuân cũng có khả năng thuyên giải những khoảng trống, những dấu hỏi trong cuộc đời của Nguyễn Trãi. Ỵ Feray vận dụng kinh nghiệm làm người, làm phụ nữ, làm mẹ, làm người tình, làm một đồ đệ, làm nhà trinh thám, làm bác sĩ chuyên môn theo đường hướng phân tâm học của Freud ... Hơn tất cả, Ỵ Feray đi vào lòng văn hóa của đất nước Đại Việt với một tấm lòng, để vừa khám phá những độc tố đang làm tê liệt hay là bẽ gãy những mầm sống vươn lên. Đồng thời, người phụ nữ nầy cũng biết trân trọng những hạt ngọc quí giá cao thượng có khả năng tô điểm, làm mới, đánh sáng đất nước Đại Việt. Hơn thế nữa, với tuyệt tác Vạn Xuân, Nguyễn Trãi được nhìn nhận là một gia bảo của toàn thể Nhân loại.

 

Nhờ tuyệt tác Vạn Xuân, nhân loại từ từ nhận ra Nguyễn Trãi cũng là một tuyệt tác. Tuyệt tác không có nghĩa là toàn vẹn, hoàn hảo. Nguyễn Trãi là một sứ điệp, một giá trị trên bình diện làm người, tôn trọng sự sống và gieo vãi tình thương. Cho nên Nguyễn Trãi cần được lắng nghe.

Chính lúc Nguyễn Trãi ngã quÿ trên vũng máu, lan tràn, lai láng khắp Đại Việt, hình ảnh Nguyễn Trãi lại sáng rực lên như Ánh sao Khuê : gọi mời hận thù "dừng lại":

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương !"

Máu  Nguyễn Trãi làm cho chính mình chúng ta trở thành tuyệt tác, nếu chính chúng ta ngăn chận được những lưỡi gươm hận thù, bạo động đang còn xẩn vẩn trong cõi lòng thâm sâu của từng người dân Việt. Của chính chúng ta!

Trở thành tuyệt tác trong tinh thần và ý nghĩa của Tâm Công do Nguyễn Trãi đề xướng, là trở thành người. Điều nầy không phát sinh một cách bộc phát tự nhiên. Đó là một bài học cần được thu hóa. Nguyễn Trãi đã học, suốt cuộc đời. Đến lượt chúng ta, chúng ta tiếp tục học, cho đến ngày nào chúng ta trở thành một tấm lòng thấm nhuần và nhuần nhuyễn tình thương, tình người theo như lối nhìn của Nguyễn Trãi.

Để quãng diễn ý hướng cơ bản nầy

•          trong phần một, tôi nêu lên những "trắc trở" sau ngày Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, đúng như tầm nhìn viễn thấu của nhân vật Vô Kỹ.

•          trong phần hai, tôi nhấn mạnh rằng : Trong vụ án vườn Lê Chi, Nguyễn Trãi đã chết "Cho" Thị Lộ và trối lại cho các thế hệ tương lai một tấm lòng vạn xuân. Một Sứ Điệp làm người.

Nói khác đi, trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lăng, vô số người dân Đại Việt đã can trường chịu đổ máu, trên mỗi nẽo đường của quê hương. Chính Nguyễn Trãi, cũng ít nhất ba lần suýt chết dưới lưỡi gươm "cứu nước" của Lê Lợi. Nhờ máu của dân lành đổ ra, trong đó có máu của Tiểu Mai và Hương Thầm ... hòa bình đã trở lại. Đại Việt đã sạch bóng quân thù thực dân và xâm lược.

Trong giai đoạn xây dựng, để chuyển biến đất nước thành bất diệt - Vạn xuân và cao cả - Đại Việt, phải chăng chúng ta cũng còn cần đổ máu, tàn sát anh chị em đồng bào, do con rắn muốn báo thù ba đời, đòi lại "nợ máu" ? Nếu thực sự hiện hữu, con rắn ấy đang ở trong quả tim của mỗi người Đại Việt.

Vì hiểu lầm lời thuyên giải của Thiền sư người Ấn Độ mang danh hiệu là Atangana, Ông Ngoại của Nguyễn Trãi đã xây một ngôi đền bằng gỗ đá, để cúng hương khói cho Thần Rắn. Chưa đầy 60 năm, ngôi đền ấy đã mục nát, sụp đổ tan tành.

Cái chết của Nguyễn Trãi mang đến cho chúng ta một chiều hướng thuyên giải hoàn toàn mới lạ : để đất nước có thể trở thành Vạn Xuân và Đại Việt, chúng ta - con cháu của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ - đang cần một ngôi đền Tâm linh, một tấm lòng vạn xuân và đại việt. Hai chất liệu hoặc vật tư làm nên ngôi đền ấy là Tình Thương và lòng tha thứ. Kế hoạch Tâm Công lúc bấy giờ mới có cơ may hoàn thành viên mãn.

Nói một cách hình tượng, máu của con linh vật kỳ lân - Nguyễn Trãi có khả năng làm cho dân tộc Việt Nam trở nên trường sinh bất tử, nếu máu ấy được đón nhận với cả một tấm lòng "Vô Kỹ".

 

1.- Nhân Vật Vô Kỹ trong tác phẩm Vạn Xuân

 

Theo thiển ý của tôi, nghệ thuật sáng tạo của tác giả Vạn Xuân đạt cao điểm với nhân vật có tên gọi là Vô Kỹ.

Với hình thù và tác phong quê mùa - một cách vô tình hay hữu ý, không ai biết được - nhân vật nầy dễ gây ác cảm cho những người vừa tiếp xúc. Ông có tập quán khạc nhổ lung tung 48. Ông thèm và uống rượu như một con trâu cày khát nước, giữa trưa hè đứng ngọ. Ông đến đột xuất không biết từ đâu. Ông lại lặng lẽ biến mất khi nào không ai hay 49. Suốt thời gian 63 tuổi của Nguyễn Trãi, Vô Kỹ hiện hình nhiều lần, khi có một khúc quanh rất quan trọng trong đời Ông, đòi hỏi ở Ông một quyết định sống mái, vào thời kỳ trước cũng như sau khi gặp Lê Lợi.

 

Qua một vài ngày tiếp xúc, làm quen, chúng ta tự nhiên và từ từ khám phá nơi con người ngộ nghỉnh này rất nhiều khả năng đạt mức độ "tài tình tự nhiên" không gượng ép hoặc dò dẫm kiểu rủi may 50:

- "Chỉ chỏ Bác Phan cách làm vườn",

- "Đứng cạnh bếp lò kể câu chuyện cảm động về con voi của Trần Hưng Đạo",

- "Leo lên mái nhà để sửa lại các tấm ngói",

- "Dạy bà Hoàng cách sắp xếp các cụm hoa, một vài công thức để chăm lo chậu cảnh ..".

Và cái lạ lùng nhất là "mặc dù ông đạo sĩ là người mang đến những tin buồn, hoàng thân Trần Nguyên Hản vẫn giữ được một kỷ niệm đầy hứng thú, vì lão là biểu tượng cho một thời kỳ yên ổn " 51.

Còn đối với bà hoàng, "cái bề ngoài của một đạo sĩ chỉ là một trong vô số bộ mặt mà các thần linh khoác vào. Mà thần linh thì ở khắp nơi, thấy mọi sự, nghe mọi sự, đùa giởn với những người sống vẫn cả tin như hai ông bà mà thôi" 52.

Một đặc điểm khác của Vô Kỹ là ông thường trích dẫn vô số câu nói của Lão Tử, trong cuốn Đạo Đức Kinh. Chính cái tên Vô Kỹ của ông cũng nói lên cho chúng ta biết về bản sắc đích thực của con người ông. Qua những lần tiếp xúc với Nguyễn Trãi, nhất là khi ông nầy đang ở vào một giai đoạn chuyển tiếp, Vô Kỹ cứ nhắc lui nhắc tới những sứ điệp của Lão Tử:

Thứ nhất là "Tri Chỉ", biết dừng lại khi cần 53. Nhất cử nhất động, ai ấp ủ "Con đường" trong nội tâm, người ấy biết tự chủ, tự quyết. Thay vì phản ứng, lệ thuộc vào những sức ép, những động cơ vô hình, vô tướng đang trấn áp, lèo lái, điều khiển từ bóng tối, còn được gọi là Vô minh trong Phật giáo, hay là vô thức theo thuật ngữ của Phân tâm học.

Thứ hai, khi làm hãy làm theo cách "Vi-Vô-Vi " 54.

Theo lời thuyên giải của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, " Vi-Vô-Vi " của Lão Tử bao gồm ít nhất là ba ý nghĩa giao thoa chằng chịt và bổ túc lẫn nhau :

1.       Làm nhưng không xen vào việc kẻ khác, không dùng tư tâm, tư lợi mà can thiệp vào việc của người ngoài.

2.       Làm mà như không làm gì cả, làm một cách hết sức tự nhiên và kín đáo. Không cố cưỡng. Không dụng tâm. Làm mà như không có làm gì cả, như mặt Trời sáng soi muôn vật. Giúp muôn hoa cùng nhau đua nở. Nhưng mỗi loài hoa không hay biết mình nhờ ánh sáng mặt Trời mà lớn lên, nở hoa từ mùa nầy sang mùa khác.

3.       Làm mà không bận vướng, lệ thuộc vào cái làm của mình. Ngược lại, là cách làm cuồng tín, chấp nhất, chấp thủ bằng cách cho cái làm của mình là tốt nhất, đúng nhất, hữu hiệu nhất. Và luôn luôn có giá trị cho mọi người, ở mọi nơi!

V. Frankl gọi cái làm nhị nguyên nầy là "siêu ý chí, siêu ý định". Siêu ở đây có nghĩa là quá khích, quá độ, loại trừ mọi phương thức và ý kiến khác. Do đó, hậu quả có khi phản ngược lại với ý định ban đầu. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho một công việc quan trọng ngày mai, tôi muốn ngủ thật ngon đêm nay. Và càng muốn ngủ, tôi càng trắn trọc, mất ngủ.

Theo Phân tâm học, cái làm vừa có tình vừa có lý đáp ứng ba tiêu chuẩn cùng một lúc 55:

Thứ nhất là yêu thích.

Từ Hy lạp là Eros. Yêu thích phải là nhân tố thúc đẩy cái làm. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể làm vì Bắt Buộc và Sợ. Nhưng hai yếu tố nầy không phát huy tâm trạng hạnh phúc và sung mãn của con người muốn sáng tạo mình và vũ trụ, bằng chính lao động của bàn tay và khối óc.

Thứ hai là từ bỏ Thanatos.

Khi làm cái nầy chúng ta sáng suốt quyết định từ bỏ những cái khác. Con người không toàn năng. Khi chọn lựa, chúng ta phải sắp xếp những ưu tiên và từng bước một đi lên, bắt đầu từ ưu tiên số một. Làm khác đi, chúng ta chỉ chập chờn như loài bướm bay lượn, bỏ cuộc nửa chừng, hay là hẹn rày, hẹn mai ...

Thứ ba là tất yếu Ananké.

Cây thọ nở hoa thọ. Đó là cái làm tất yếu nhằm phát huy bản sắc có sẵn ở thể hạt mầm trong chính con người và cuộc đời của mình. Nếu người Việt Nam không chấp nhận bản sắc Rồng Tiên của mình, như một tất yếu họ sát hại lẫn nhau như muông thú theo định luật "mạnh được yếu thua". Họ thoái hóa, phản bội chính mình. Họ khước từ dòng máu bao dung và thứ tha đang lưu nhuận trong quả tim của mình, từ nguyên thủy.

Giữa Đạo học của Lão Tử và Phân tâm học của Freud, mấy nghìn năm tạo nên khoảng cách. Nhưng quan hệ huyền đồng - nghĩa là hòa hợp, kiện toàn bổ túc lẫn nhau - đang là nhịp cầu nối kết Đông và Tây, xưa và nay, tạo điều kiện cho con người vừa khác nhau nhưng vừa gặp nhau. Từ chối cái khác ấy, nhân loại sẽ nghèo nàn. Phủ nhận tính và tình người đang nối kết mọi người, chúng ta tự khắc biến con người thành một đoàn chó sói nuốt sống nhau. Mors tua vita mea, mày phải chết để cho tao sống. Trong các cung đình của vua chúa, vì miếng cơm manh áo, nhiều vị quan phải bị thiến hoạn. Từ đó do tự ti mặc cảm, họ phải cương phồng cái tôi bé nhỏ hẹp hòi của mình, để đàn áp, bôi nhọ, hạ bệ người nầy ...và nịnh hót, khen ngợi, ca tụng phe kia ... Sở dĩ như vậy, vì họ bị thiến hoạn cái tất yếu của mình. Họ không còn là con người "toàn vẹn", thậm chí trên bình diện tâm linh, làm người ...

 

Dựa vào những tiêu chuẩn hành động, do Vô Kỹ rút tỉa từ Đạo học, Nguyễn Trãi đã thành tựu mục tiêu của mình : Giúp Lê Lợi tổ chức kháng chiến nhằm khẳng quyết bản sắc văn hóa của Đại Việt và lập lại  nền hòa bình trên toàn lãnh thổ của đất nước.

Đỉnh cao của giai đoạn nầy, là toàn dân Đại Việt đã biết "Tri Chỉ", dừng lại, chọn lựa một cách sáng suốt con đường bất bạo động và hòa bình.

Phải chăng sau mười năm nằm gai, nếm mật trong chiến khu Chí Linh, Lê Lợi đã hoàn toàn thu hóa và hội nhập kế hoạch Tâm Công, nhờ ngày ngày tiếp xúc và chung sống với Nguyễn Trãi?

Hơn ai hết, Trần Nguyên Hản, Thống tướng phục vụ Lê Lợi và cũng là người anh em bà con của Nguyễn Trãi, đã rút ra những kết luận đánh giá như sau 56:

 

1.- Không có "Chiến lược Bình ngô" của Nguyễn Trãi, Lê Lợi có thể chỉ là thủ lĩnh của một băng nhóm nổi loạn vô danh mà thôi.

2.- Sở dĩ Lê Lợi đã thành công trong việc tiến hành công cuộc kháng chiến chống quân Minh, là vì nhờ Nguyễn Trãi đã làm cho ông hiểu rằng : sức mạnh thần kỳ nằm  ở nơi nhân dân. Hàng trăm ngàn nam nhân, phụ nữ đã trở thành đòn bẩy kỳ diệu làm lệch cán cân lực lượng. Họ là những chiến sĩ không mang đồng phục. Cuộc chiến thuộc về họ. Họ dốc toàn lực để chiến đấu, vì sự sống còn của họ.

Hơn ai hết, Nguyễn Trãi đã thấu hiểu nhân dân.

3.- Vì sứ mệnh phục vụ nhân dân, Nguyễn Trãi đã nhiều lần dám liều mạng mình, không sợ chết, khi phải cản ngăn, chống đối Lê Lợi.

4.- Nguyễn Trãi đã đem cả tấm lòng của mình để thuyết phục các tướng lãnh của quân Minh về sự vô ích của một cuộc chiến không tôn trọng tính người và tình người. Dù có "man rợ" vì thói ăn trầu, để răng đen, người Đại Việt trẻ già, nam nữ đều là "con người toàn diện, toàn phần", có quyền làm người, nhất là trên quê hương, xứ sở của mình, với tập tục của mình.

5.- Mối liên kết giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi có một phần nào miễn cưỡng, do sự thúc bách của tình thế kháng chiến. Tuy nhiên, sau khi hòa bình được vãn hồi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, quan hệ giữa hai người sẽ ra thế nào?

 

Đứng trên bình diện đánh giá, tôi không so sánh người nầy với người kia. Trước đây và sau nầy, Lê Lợi vẫn là Lê Lợi. Chúng ta không thể đòi hỏi Lê Lợi thay đổi bản sắc của mình. Lão Tử đã nói : Cây hoa hồng không thể nở hoa mai hay là hoa bìm bìm ...

 

Tôi đứng trên địa bàn khoa học, khi đánh giá, bằng cách so sánh Nguyễn Trãi trước và sau điểm mốc là năm 1428, năm hòa bình trở lại. Năm Lê Lợi trở thành hoàng đế Lê Thái Tổ.

 

Câu hỏi 1 : Nguyễn Trãi có biết "Tri Chỉ", dừng lại hay không?

Dừng lại, theo Lão Tử, không có nghĩa là chấm dứt, hay là " nửa chừng thoắt gãy cành thiên hương " ! Nhưng là nhìn lại mình. Nếu cần ra đi thì ra đi. Nếu ở lại, thay đổi mình vì điều kiện đã thay đổi. Đó là Thanatos.

 

Câu hỏi 2 :  Nguyễn Trãi vẫn còn kiên định trong chiều hướng "Vi Vô Vi", nữa hay không? Nói cách khác, rõ ràng hơn, Nguyễn Trãi có sẵn sàng nói những điều phải nói, và không sợ lưỡi gươm chém cổ mình. Nguyễn Trãi có đi con đường "tất yếu" Ananké không? Thấy mình bất diệt, bất tử, cho dù phải mất mạng, mất đặc ân, đặc huệ, mất nồi cơm hằng ngày! Vô trước hoàn toàn, không lệ thuộc, không bám víu ! Sáng suốt, hiên ngang ra đi, khi thấy mình bị " vắt chanh bỏ vỏ".

 

Câu hỏi 3 : Cái gì là "first things first" trong giai đoạn mới nầy? Điều nào cần được đưa lên hàng đầu?

Trước đây, ưu tiên một là việc nước. Vợ con, gia đình, nhà cửa đã bị bỏ bê, vì con đường tất yếu lúc ấy là "cứu nước". Và ai ai cũng đã sẵn sàng "từ bo" như vậy. Nhưng bây giờ con ai dạy, vợ ai thương, bàn thờ tổ tiên có ai hương đèn hôm sớm? Eros, tình thương chăn gối, vợ chồng ... có tiếng nói và vị trí trong cuộc đời hay là bị thiến hoạn?

 

Tại tháp Bồ Đề ở Đông Quan, Nguyễn Trãi là "Ánh sao Khuê" đạt đỉnh cao sáng chói của mình, sau khi khẳng quyết con đường bất bạo động cho đất nước và nhân dân Đại Việt. Chính lúc ấy, Vô Kỹ lại xuất hiện, đặt 3 câu hỏi trên đây cho Nguyễn Trãi, dưới hình thức một công án Thiền học 57:

" Này con ta, con đã đi xa đủ rồi, hãy trở về lại thôi. Đừng buồn vì số phận của một người bạn phải ra đi. Con người chỉ là khách lữ hành, người nầy nối tiếp người kia (...)

" Ta đến vào đầu năm Mậu Thân nầy để mang sứ điệp của đạo sĩ Atangana (một sứ điệp đã cách đây hơn cả 10 năm) :

" Giờ đây, con có toàn quyền tùy ý rời bỏ bể hoạn gian nguy đầy bão táp và theo lời khuyên của vị ẩn sĩ".

 

Để chuẩn bị ngày gặp Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã mất 10 năm, đã soạn thảo  " Bình Ngô Sách ", đã mất nhiều thời giờ quan sát hành vi, cử điệu, cách ăn nói của vị minh chủ.

Giờ đây, để chuẩn bị một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng đất nước, Nguyễn Trãi đã không trãi qua 10 năm. Đã không soạn thảo một kế hoạch vững chắc với nhiều mồ hôi và nước mắt của lao động.

Chỉ trong khoảng mấy giây đồng hồ, Nguyễn Trãi đã quyết định :

- " Con rút lui khi nhiệm vụ tái thiết Đại Việt vẫn còn sờ ra đó à? (...)

Treo áo từ quan vào tuổi 47? (...)

Con không thể nào chịu nỗi sự từ bỏ công việc mà con đã chờ đợi từ bao năm trời nay".

Lời từ chối xuất phát từ lý hay tình? Từ Vô minh?

Trong cuộc diện kiến giữa Nguyễn Trãi và Vô Kỹ lần nầy, có rất nhiều yếu tố đang có mặt một cách rất tế vi và đáng chúng ta lưu tâm.

- Vô Kỹ dùng tiếng " Con " để gợi lại cho Nguyễn Trãi, Ông đang đai diện tiếng nói của cha mẹ, Ông bà Ngoại Trần Nguyên Đán, những người rất thân thương.

- Vô Kỹ mang đến một sứ điệp của thiền sư Atangana, người bạn chí thân ngày xưa của Ông Ngoại, một vị A la hán. Một vị đã chứng ngộ ý nghĩa của cuộc đời trôi nổi.

- Vô Kỹ tự giới thiệu đã 800 năm tu luyện, đi theo Đạo Trời.

- Một cách nào đó Vô Kỹ là hiện thân, là biểu tượng của nền văn hóa Đại Việt, đã được từ từ thành hình, từ đời Lạc Long Quân, với bao nhiêu đóng góp của Lão Tử, Khổng Tử và Đức Bụt ...

- Vô Kỹ cũng là tiếng nói lương tri của Nguyễn Trãi. Không nghe Vô Kỹ, Nguyễn Trãi đã không nghe tiếng nói nghìn đời, thâm sâu của lòng mình. Tiếng nói ấy vọng lại lời thề nguyền giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ.

 

Khi nhận thấy không được lắng nghe, Vô Kỹ muốn vớt vát:

" Kẻ thông minh và kẻ thường quan sát sâu sắc người khác, thì rất dễ thiệt mạng, bởi vì kẻ ấy chỉ trích người ta một cách chính xác, đúng đắn. Kẻ nào minh mẫn, tinh nhuệ thì dễ mang họa cho bản thân mình, bởi vì kẻ ấy phơi bày khuyết điểm của kẻ khác ra " 58.

Bạn bè của Nguyễn Trãi như Mộng Tuân cũng có những nhận xét tương tự :

" Con người nho sĩ này thực là hết chịu nỗi " 59.

Đối với Trần Nguyên Hản, Nguyễn Trãi là " con người chuyên môn lên lớp thiên tài " 60.

Thực ra trong số các tướng lãnh của Lê Lợi, đa số khâm phục Nguyễn Trãi, nhưng không cảm thấy mến yêu 61. Chính Lê Lợi cũng thường xuyên cảm thấy một sự bức tức ngấm ngầm nào đó xâm chiếm mình. Ông ngẫm nghĩ: Cần phải tận dụng con người nầy tối đa, rồi ngày mai lại sẽ tính sau 62.

***

Và ngày ấy đã đến, sau khi Lê Lợi trở thành Lê Thái Tổ. Ngài đã sử dụng cách xử thế "Vắt chanh bỏ vỏ" đối với Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, sau 1428 Nguyễn Trãi đã thất bại, vì Nguyễn Trãi đã không sống cái đạo " Vô công, Vô tư " của Lão Tử, để dừng lại, rút lui vào đúng thời điểm của mình.

" Làm mà không cậy công ;

" Thành công mà không ở lại

" Bởi vì không ở lại,

" Nên không bị bỏ đi " 63.

Thêm vào đó, vì quá "lên lớp", Nguyễn Trãi đã quá  "BÁC" mà không tôi luyện " TRí", cho nên số lượng kẻ thù trong triều đình, càng lúc càng gia tăng. Và khi kẻ thù càng nhiều, Nguyễn Trãi càng bị tê liệt, cô lập và cô đơn. Rốt cuộc đèo bòng vô số chuyện, nhưng không làm được chuyện gì .

"Người trí không học rộng,

Người học rộng không trí" 64 .

"Trí" ở đây có nghĩa là biết mình và biết người;  "Bác" là thấy nhiều điều, biết nhiều chuyện, nhất là chỉ những điều bê bối nơi kẻ khác. Con người "Trí" có khả năng nhìn với "con mắt thứ ba", từ vị trí thứ ba. Con người "Trí" sống và hiến dâng một tấm lòng. Sứ mệnh của họ là "luyện vàng", biến không thành có. Giúp đỡ từng người, bất kể xấu hay tốt, ngày ngày trở thành người.

 

2.- Hình tượng "con rắn".

 

Từ vị trí thứ ba, với con mắt thứ ba, chúng ta có khả năng "thấy" Thị Lộ với nhiều bộ mặt khác nhau.

Cũng vậy, khi nhìn mình, chúng ta cũng có khả năng nhận ra "con rắn muốn báo thù ba đời, đòi nợ máu" đang đóng sào huyệt trong chính quả tim của chúng ta.

 

Thực ra, trước khi khoa Phân tâm học của Freud ra đời, trong mọi nền văn hóa, tôn giáo, xứ sở ... 65, những câu chuyện về rắn hóa thành người, hay là biến thân, mang lốt rắn được kể đi kể lại từ người nầy qua người khác và lưu truyền bằng miệng, từ thế hệ nầy qua thế hệ sau.

Trong văn học, những câu chuyện ấy được sắp xếp vào mục văn chương bình dân và được mang những nhản hiệu như Chuyện thần thoại, hoang đường, dị đoan, cổ tích, huyền sử ...

Khi nghe những câu chuyện như vậy, trẻ em thường rất chăm chú, và lưu tâm một cách tự nhiên. Chúng nó vừa thích thú muốn nghe, vừa run sợ nên ngồi sát lại gần nhau...

 

Rắn cũng thường hiện hình trong các giấc mơ về đêm của chúng ta.

Khoa thuyên giải của Phân tâm học, từ đầu thế kỷ 20, đã cho chúng ta một số chìa khóa, để khai mở bức màn mờ mờ ảo ảo, vừa úp vừa mở trộn lẫn với nhau.

 

Những hình ảnh được ghi nhận như " con rắn bị đứt đuôi chảy máu " mang nhiều ý nghĩa cùng một lúc, cho nên được gọi là hình tượng hay là biểu tượng đa năng, đa diện, đa phương. Đa có nghĩa là nhiều. Hẳn thực, rất nhiều ý nghĩa cô đúc lại với nhau, chồng chéo trên nhau. Đó là chìa khóa thứ nhất. Chìa khóa thứ hai mang tên là dời chỗ có phần vụ đánh lạc hướng, cho nên trong mỗi hình tượng có vấn đề bắt râu ông nọ, đặt cằm bà kia. Giống như con kỳ nhông, mỗi hình tượng thay đổi màu sắc, ý hướng tùy mạch văn, tùy bầu khí, tùy hoàn cảnh, môi trường và bình diện khảo sát. Mỗi hình tượng không nằm ù lì một chỗ. Chẳng hạn con rắn làm gì, ở đâu, nói gì, đi một mình hay là có tháp tùng. Bên ngoài làm sao và tâm tình bên trong thế nào: giận dữ, khẩn khoản hay là đau đớn. Đứng trước cảnh tượng ấy, chứng kiến mọi điều xảy ra, người nằm mơ, người trong cuộc mang tâm trạng, xúc động thế nào. Đó là chìa khóa thứ ba mang tên là tiến trình của màn kịch, cách kết thúc.

Trở về với tất cả những gì có liên hệ đến đời sống xúc động và tình cảm, chúng ta sẽ nhận thấy cách dễ dàng : mỗi giấc mơ, mỗi câu chuyện hoang đường ... khi được kể, khi được nghe cũng như khi được thuyên giải, đều vén màn, mặc khải cho người trong cuộc nhận diện và đối diện những nhu cầu thâm hiểm của chính mình. Ai là người trong cuộc ? Khi đi xem kịch - bi kịch, hài kịch hay bất kể loại kịch nào - chúng ta có thể đứng ở ngoài nhìn vào. Đó là thái độ khán giả. Hay là chúng ta đi vào bên trong: cùng khóc, cùng run, cùng sợ, cùng ghét, cùng tức tối giận hờn hay là bối rối lo âu.

 

Chẳng hạn khi đọc Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, phải chăng tôi đồng hóa với nàng Kiều hay là chỉ làm khán giả lạnh lùng, không có quan hệ tình cảm sâu xa, không muốn đồng hành và chia sẻ.

 

Nhà phân tâm trị liệu, trong những tình huống chữa bệnh, tạo điều kiện tin tưởng, đặt ra những câu hỏi "hộ sinh", giúp người thân chủ từ vị trí chủ quan chuyển qua vị trí khách quan. Để kết thúc, người thân chủ sáng tạo cho mình vị trí liên chủ quan. Khi có tình người, tình thương và lòng kính trọng ở trong nội tâm, người ấy sẽ tìm thấy con đường giải quyết những vấn đề hiện sinh. Khi thương rồi, thì không còn khổ đau "sinh, lão, bệnh, tử". Nếu vẫn còn khổ đau, thì chính khổ đau ấy trở lại nuôi dưỡng tình thương. Khổ đau lúc bấy giờ là con đường cho phép tôi làm Bụt, làm Chúa ... " No matter what the problem, love is the answer ". Trong hiện tại, bất kể vấn đề gì đang đến với bạn, bạn hãy đem tình thương vào trong mọi cách giải quyết.

Trở về với con rắn, nó là ai? Là gì? 66.

Bất kỳ một đứa bé nào ở thôn quê, ngày ngày tiếp xúc với thực tế của cuộc sống, đều hiểu rằng:

•          Rắn là loài bò sát.

•          Rắn ở trong những hang động và lùm cây. Chỉ khi nào bị quấy rầy, mất chỗ ở và sinh sống, chúng nó mới hoảng hốt bò ra, đi tìm chỗ ở nơi khác.

•          Rắn rất có ích cho người nông dân. Lương thực của nó là chim chóc, côn trùng, chuột bọ. Nhờ rắn, người nông dân giải quyết được vấn đề sâu rầy, chuột bọ phá hại mùa màng, hoa quả ...

•          Khi mất chỗ ở, bị phá phách quấy rầy, rắn có thể vào nhà, leo lên mái tranh, trốn núp trong gối chăn, giường chiếu, bàn thờ tổ tiên....

•          Rắn có thể làm món ăn " cao lương mỹ vị" hay là biến chế thành vị thuốc trường sinh, bồi dưỡng nhiều cơ phận.

•          Có những loài rắn như rắn mai, rắn hổ ... có mang nọc độc giết người ở dưới răng của mình.

•          Rắn chỉ cắn, để tự vệ, vì sợ, khi bị quấy rầy, tấn công, hay là bị chà đạp, dẫm nát.

•          Thông thường, thấy người thì rắn rút lui, đi chỗ khác. Nếu chúng ta thấy và tránh đi chỗ khác, không đe dọa chúng nó, thì chúng nó không bao giờ tìm đến cắn chúng ta một cách vô duyên cớ.

•          Nói tóm lại, trong thiên nhiên rắn là bạn hơn là thù đối với con người.

 

Môi trường sinh thái được điều chỉnh, điều hợp, nhờ vào sự kiện là rắn tiêu thụ những loài vật phá hại mùa màng. Nhờ hang động của rắn, khí và nước có thể vào trong đất, làm cho đất trở nên màu mỡ. Rắn giúp con người giải trừ nhiều độc tố xuất hiện trong môi trường sinh sống.

 

Trên bình diện tâm lý, rắn là hình tượng, mang hai ý nghĩa cơ bản là đời sống tình cảm và nhu cầu sinh lý.

Nếu hai con rắn nầy không có chỗ ở, không được nuôi dưỡng, bị quấy rầy, khinh thị hay là bị thương tích, chúng nó từ bạn biến thành thù cho con người.

Hai triệu chứng bệnh hoạn xảy ra, khi hai con rắn nầy bị thương tích, như đứt đuôi chảy máu, một cách đặc biệt, khi cơ quan sinh lý bị thiến hoạn vì nhiều lý do, trong đó có lý do nghề nghiệp như con đường hoạn quan ... Triệu chứng thứ nhất là vì lý do bù trừ quá khích, họ cương phồng cái tôi của mình để đàn áp, thủ tiêu kẻ khác. Lý do thứ hai là thái độ luồn cúi, nịnh bợ, thích hào nhoáng, vị thế chức quyền. Các hoạn quan thường là những tay sai trung tín của các bà hoàng hậu và cung nữ trong triều đình. Họ huênh hoang, hãnh diện vì việc làm ấy.

Vì những " Con rắn bị đứt đuôi, có khả năng báo thù ba đời nầy ", cái điềm "hai không, tứ họa" 67 cứ đè nặng lên số phận của Nguyễn Trãi và của mỗi người Việt Nam. Cứ mỗi lần đuổi được hai quân Minh, thì bốn người Việt Nam phải mất đầu, do chính bàn tay sát hại của người anh chị em đồng bào!

 

Phương thức hóa giải, như tôi đã trình bày trong các chương trước đây, là nhìn nhận chúng ta có những nhu cầu cơ bản, chính đáng. Khi chúng ta săn sóc, coi trọng những con rắn ấy, cho chúng nó chỗ ăn, chỗ ở, chỗ sinh hoạt ... chúng nó là những người bạn tri kỷ quí hóa.

Trái lại, khi chúng ta cắt chặt nghĩa là kiểm duyệt, dồn nén, gây thương tích, đánh đuổi ... những con rắn tình cảm và sinh lý ấy sẽ "báo thù ba đời" bằng cách nầy hay cách khác, làm cho chúng ta băng hoại.

Khi chúng ta thiến hoạn chúng nó, chúng ta thiến hoạn chính bản sắc, căn cước, gốc bản của chúng ta. Của Đồng bào. Của Đất Nước.

Theo lời của thánh Âu-cơ-tinh, hãy yêu, hãy xây dựng Đền thờ cho Tình yêu trong tâm hồn, rồi bạn hãy làm gì thì làm: phục vụ đồng bào, xây dựng đất nước, xua đuổi xâm lăng và thực dân. Khi chưa có tình yêu, mọi điều chúng ta làm là "xây nhà trên cát". Là "hai không , tứ họa".

Âu-cơ-tinh ở bên Tây, Atangana ở bên  Đông, cả hai đều đồng tâm, đều chia sẻ một lối nhìn giống nhau!

 

3.- Thị Lộ và cái chết của Nguyễn Trãi

 

Phải có tầm cỡ 800 kinh nghiệm về cuộc sống làm người 68,

- Phải có 800 năm hiểu biết về lịch sử và văn hóa  của Đại Việt,

- Phải có 800 tu luyện trong con đường "Tỉnh Thức và Tình Thương" được chắt lọc từ nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo...

- Phải có 800 năm học tập bắt mạch những nhu cầu cơ bản cũng như khám phá căn bệnh trầm kha của người Việt Nam, do tai họa của chiến tranh gây nên,

- Phải có những kiến thức tinh nhuệ về số tử vi, nhất là về ý nghĩa của " hai không bốn họa,"

- Phải luôn luôn hiện diện bên cạnh Nguyễn Trãi, vào những lúc trọng yếu, do một sợi dây liên kết định mệnh ...

Vô Kỹ mới thúc giục Nguyễn Trãi: "... hãy chia sẻ niềm vui với gia đình con mà con đã phục hồi lại trong vinh quang " 69.

Chiến tranh đã "thiến hoạn" sự có mặt của người Cha trong đời sống gia đình. Con rắn gia đình bị đứt đuôi chảy máu ...

Từ đời nầy qua đời nọ, người Cha Việt Nam phải luôn bị tống ra ngoài chiến địa :

" Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao".

Thái sơn ở đây phải được hiểu : "Công cha như núi Thái Sơn". Và vì chiến tranh, cái công ấy đã bị coi nhẹ, khinh thường, chưa được " phục hồi lại trong vinh quang", giống như ý nguyện của đạo sĩ Vô Kỹ. " Vô Kỹ "là gì theo Lão Tử? Là những con người "Vô công, vô danh", không đèo bòng, duổi bắt trên con đường công thành, danh toại và lợi ích cá nhân 70. Thế nhưng, từng từng thế hệ như Nguyễn Trãi đều bị đầu độc và ám ảnh:

 

 "Phải có công gì với núi sông!".

Kết quả trước mắt là trên cả ba miền Việt Nam, người mẹ đồng hóa với hòn núi Vọng Phu, suốt năm, suốt tháng bồng con, đợi chờ chồng từ chiến trận trở về. Nhưng không bao giờ về.

Lớn lên, những đứa con bỏ nhà ra đi tìm cha. Không có cha. Chỉ có những roi đòn, chưởi bới, la mắng. Cho nên chúng nó họp lại thành băng đảng, cướp giựt, cao bồi, hút xách, lang thang, phiêu bạt.

Chiến tranh chống thực dân xâm lăng đã chấm dứt. Những "kẻ thù ngày xưa" đã trở lại thăm viếng đất nước Đại Việt như  F. Mitterand, J. Chirac và B. Clinton. Nhưng hậu họa chiến tranh vẫn còn tiếp diễn mấy đời, mấy thế hệ nữa ? Người Việt Nam chưa trở về. Chưa "nhất tâm" với nhau.

 

Và chính trong cuộc đời từ 47 tuổi trở lên, Nguyễn Trãi có " ngó ngàng" đến vợ con hay không?

Hồi tôi còn là đứa bé, tôi được nghe thầy dạy: "Gia huấn ca" do Nguyễn Trãi sáng tác để giáo dục con cái. Các nhà nghiên cứu về Nguyễn Trãi, như Nguyễn Thạch Giang đang đặt lại vấn đề " ai là tác giả đích thực của tác phẩm ấy..."? 71

Trong vòng 20 năm, Trần Thị Thanh, vợ của Nguyễn Trãi đã sống thế nào. Ngày hòa bình trở lại, nàng còn sống hay không? 72. Có bao giờ Nguyễn Trãi nhớ lại lời từ biệt đầy nước mắt và nhức nhối tận hồn sâu, trước lúc vì đất nước ông theo cha ra đi:

" Anh yêu dấu, trái tim em xót xa vì sắp phải chia tay anh bao nhiêu, thì nó càng đau đớn hơn gấp bội, nếu nữ tì của anh cản trở anh trong việc thi hành bổn phận.

Anh hãy yên tâm ra đi!

 

Lúc vắng anh, ngày và đêm em sẽ luôn luôn ở trên núi Vọng phu " 73.

Và ngày Nguyễn Trãi trở lại, sau 20 năm xa cách biền biệt, Thị Thanh còn sống hay không?

Theo Bùi Văn Nguyên 74, Bà đã có mặt và cùng chia sẻ số phận với chồng, trong vụ án vườn Lệ Chi. Tuy nhiên, tác giả nầy khẳng định nhiều tin tức, mà không bao giờ cho biết tài liệu tham khảo hay là nguồn xuất xứ có được kiểm chứng một cách nghiêm chỉnh hay không. Đó là một điều rất đáng tiếc về mặt khoa học sử liệu.

Trong tác phẩm Vạn Xuân, Thị Thanh không còn xuất đầu lộ diện, sau năm 1428. Duy người đầy tớ Nụ Lài, đã được bà sai đến Đông Quan phục vụ chồng và lo cho chồng vấn đề chăn gối, thường gợi lại hình ảnh " bà chủ " với bộ đồ tang phục khoác trên mình suốt ngày đêm75. Đó cũng là một cách thuyên giải đầy tế nhị của Y. Feray không muốn quá bôi đen thực trạng vợ con gia đình của Nguyễn Trãi.

Phần Thị Lộ cũng không hạnh phúc, bởi vì Nguyễn Trãi không có tâm hồn bình an và thoải mái để khám phá nhiều bộ mặt khác nhau của người vợ thiếp nầy 76. Thị Lộ vừa là người học trò ngưỡng mộ thầy, ngày đêm canh phòng từng nguồn cảm hứng, từng sáng tác nhỏ nhặt của Thầy. Thị Lộ cũng là đồng chí kháng chiến, ngày đêm làm chị nuôi và mẹ nuôi cho hoàng tử Long, con của Lê Lợi, mồ côi mẹ, từ hồi còn bé thơ. Thị Lộ không có con với Nguyễn Trãi, cho nên đổ dồn tình mẹ cho hoàng tử Long. Cậu bé nầy sẽ trở thành vua Lê Thái Tông sau khi vua cha qua đời. Giữa yêu thương dịu dàng đối với Thị Lộ như người mẹ hay như người tình duyên dáng, mặn mà, Vua Lê Thái Tông không phân biệt một cách rõ ràng và sáng suốt trong mỗi phong độ hằng ngày.

 

Thay vì trao đổi, gây ý thức, giúp đỡ Thị Lộ trong vấn đề xử thế, Nguyễn Trãi nghe theo dư luận, tiếng đồn thổi, dị nghị và dèm pha của môi trường hoạn quan và cung nữ.

 

Khi tình cảm không trắng đen một cách rõ ràng minh bạch, tình cảm ấy trở thành " con rắn làm hại và trả thù ba đời".

Thêm vào đó, khi được vua Lê Thái Tông (trước kia là hoàng tử Long) phong làm Lễ nghi học sĩ, giữ công việc dạy dỗ cung nhân trong triều đình, Thị Lộ lại bước vào một hang động mới của Rắn còn hung bạo và nguy hiểm hơn 77. Hai con rắn là hai bà vợ của Lê Thái Tông : Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao,làm sao có thể chịu được nhau. Người đầu là mẹ của Băng Cơ, sau nầy là vua Lê Nhân Tông. Người thứ hai là mẹ của Tư Thành, sau nầy là vua Lê Thánh Tông. Vì Thị Lộ bênh vực Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Anh đã tìm mọi cách và mọi cơ hội để trả thù.

Giữa tình huống xung đột ấy, trong một chuyến đi kinh lý, vua Lê Thái Tông đột nhiên chết ở Vườn Lê Chi, do một cơn sốt ác tính hay là bị ngộ độc do một bàn tay bí mật cố tình, không một ai có thể xác định.

Vì Thị Lộ lúc ấy có mặt bên cạnh nhà vua, Nguyễn Thị Anh chớp lấy thời cơ, để lập nên vụ án.

 

Bị tra tấn dã man, Thị Lộ đã chấp nhận trong hôn mê mọi tội lỗi do bọn hình quan thuộc phe của Nguyễn Thị Anh bày đặt ra.

 

Thực tế trắng hay đen? Mỗi người có cách thuyên giải riêng tư của mình. Dù sao trong vụ án Vườn Lệ Chi, Thị Lộ vừa là nạn nhân, vừa là người có trách nhiệm. Cũng vậy, Nguyễn Trãi vừa là nạn nhân, vừa có trách nhiệm vì đã không gây ý thức kịp thời cho Thị Lộ. Trong mỗi điều lành hay việc dữ, ai ai cũng góp phần ít hay nhiều của mình.

 

Tuy nhiên, "Vườn Lệ Chi" chỉ là giọt nước cuối cùng của một ly nước từ từ tràn đầy, từ ngày mà tình cảm không được nhận diện và đối diện. Trên đường về Thăng Long, khi được tin bị kết tội "cùng với vợ giết vua", Nguyễn Trãi có thể trốn thoát theo lời đề nghị của một đạo sĩ vô danh. Nhưng Nguyễn Trãi đã lãnh trách nhiệm : đã ở lại, đã chết với Thị Lộ, đã dâng cho Thị Lộ một tấm lòng trung tín viết ra bằng máu của mình...

Và khi chấp nhận chết như vậy, Nguyễn Trãi muốn nói một cách rõ ràng minh bạch cho các thế hệ về sau biết rằng: "Tôi chết, vì tôi không biết hóa giải kịp thời những vấn đề thuộc đời sống xúc động và tình cảm. Con rắn nầy đã sát hại người Việt Nam từ đời nầy qua đời khác.

Vậy để sống cách tròn đầy và viên mãn, từ đây, các bạn hãy học tập hóa giải, bằng cách nhận diện và đối diện những xúc động và tình cảm của mình. Hãy coi trọng nhu cầu yêu đương và ân ái!".

Trối lại bài học ấy, Nguyễn Trãi đã để lại cho quê hương và anh chị em đồng bào một tấm lòng bao la không bến bờ ... Một cơ sở tất yếu,phải có để xây dựng con người Việt Nam.

 

Nguyễn Trãi là tác giả của kế hoạch Tâm Công. Nhưng con đường Tâm Công không bị hạn chế trong lãnh vực kháng chiến chống xâm lăng mà thôi. Tâm công phải được thu hóa và hòa nhập trong mỗi đường đi và nẽo về của cuộc đời. Nguyễn Trãi đã thành tựu vẻ vang một chặng đường. Đến lượt, đến thời của chúng ta là con cháu, chúng ta tiếp tục những gì do các bậc đàn anh đã bắt đầu. Họ thành công? Chúng ta tiếp nối mở rộng. Họ gặp trắc trở? Chúng ta can đảm "dừng lại", đánh giá để kiện toàn.

Đó là ý nghĩa thâm trầm của câu ca dao tục ngư:

 

"Con hơn cha là nhà có phúc".

 

"Hơn" ở đây không mang ý nghĩa và tâm trạng phân biệt nhị nguyên. Sở dĩ, hôm nay hơn ngày qua, vì chúng ta thừa kế một gia tài mồ hôi, nước mắt, xương máu của tổ tiên cha ông từ Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Chúng ta đang cưu mang Trời và Biển trong tấm lòng Vạn xuân và Đại việt của mình. Chúng ta, vì tư cách làm người, cần phải " tri chỉ ", dừng lại, không phản bội hai dòng máu ấy đang sôi trào trong chúng ta. Và khi làm, hãy làm với tinh thần " Vi Vô Vi": làm như "Mặt Trời". Còn hơn thế nữa, mỗi người Việt Nam là mặt trời sáng soi, sưởi ấm và nuôi sống anh chị em đồng bào của mình.

Nguyễn Trãi đề nghị một viễn tượng còn kỳ hùng hơn : mặt trời sẽ mọc lên từ Biển Đông. Sau khi vượt qua những rặng núi Trường Sơn, mặt Trời sẽ mang Ánh sáng và Hơi Ấm cho toàn Địa Cầu. Một ngày Hòa Bình sẽ là Mùa Xuân bất tận từ Đông qua Tây. Từ Nam lên Bắc. Từ trong toát ra bên ngoài. Từ "Cái Tôi" bé nhỏ bần tiện, hẹp hòi, mỗi người con dân Việt Nam sẽ ý thức mình đang làm nên " Đại Ngã" lớn lao, bao la và cao cả ...

 

Lời kết
Tấm lòng vạn xuân và Đại Việt

Trong những ngày nầy, khi cuốn sách  về Nguyễn Trãi sắp được kết thúc và hoàn thành, thế giới đang bước sang thời đại của Nghìn Năm Thứ Ba, với bao nhiêu vấn đề còn ngang ngửa, bề bộn, trầm trọng và kinh hoàng. Chính trong đêm Giao thừa, giới trẻ ở Pháp, tại thành phố xinh đẹp, duyên dáng, trử tình như Strasbourg, đã tràn ra đường bạo động, châm lửa tưới dầu xăng đốt hằng trăm chiếc xe ô tô của dân chúng đậu ở hai bên vệ đường. Nhiều người trẻ chưa " già " hơn 14 tuổi. Trước nhà hữu trách, họ điềm nhiên và lạnh lùng khai báo: "Đốt cho vui, mừng xuân".

 

Đương chính lúc ấy, ở miền Nam nước Pháp và miền Bắc nước Ý, mưa rơi tầm tã, lụt lội, nước tràn vào nhà, khi dân chúng đang ăn mừng liên hoan. Theo lời giải thích của các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình của Trái đất đang tăng lên hàng năm, gây xáo trộn, đảo ngược những nhịp điệu bình thường của hành tinh xanh, từ trước cho tới nay. Con người đang làm ô nhiễm địa cầu.

 

Cũng vào đêm Giao thừa và suốt ngày đầu năm, của năm đầu tiên 2001 thuộc thế kỷ 21, hai dân tộc Do thái và Palestine đã đụng độ nhau. Bạo động lại tràn ra đường. Ngày đầu năm trở thành ngày hận thù, đổ máu, tang chế ... Sáng mồng hai, chủ tịch Yasser Arafat đã phải bay qua Hoa Thịnh Đốn gặp Tổng Thống B. Clinton. Liệu hai nhà lãnh đạo ấy còn có một trò ảo thuật nào chưa bao giờ sử dụng, để làm xuất hiện trở lại những cánh chim bồ câu hòa bình ? Tuy nhiên, Hòa Bình thực sự chỉ đến từ bên trong một tấm lòng. Hòa Bình là mùa màng gặt hái, cho những ai đã gieo vãi hòa bình. Hòa Bình chỉ xuất hiện cho hai người, giữa hai người, khi cả hai nhìn nhận nhau là người, có quyền làm người, có quyền tạo ra cho mình một quê hương để trở về khi thương nhớ. Một quê hương để dạy con cái thành người, thay vì gửi chúng nó đi xâm lăng, thực dân, khủng bố,làm không và hải tặc. Một quê hương để mở tay, mở lòng đón nhận những ai cần một nơi nương tựa trên hai bình diện vật chất và tinh thần. Càng biết đón nhận kẻ khác bao nhiêu, chúng ta càng thành người bấy nhiêu.

Kế hoạch của con người, trong nghìn năm thứ ba nầy, theo các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ, là đổ bộ lên Hỏa Tinh (Mars) thành lập ở đó một trạm thông tin và một trung tâm nghiên cứu. " Hiện tại " của Hỏa Tinh sẽ cho chúng ta biết về "tương  lai" gần xa của Trái Đất. Thấu triệt được phương thức Hỏa tinh đang tự hóa giải bao nhiêu vấn đề về đất màu, nhiệt độ, thời tiết, núi sông ... có lẽ con người sẽ "khôn ngoan" hơn : tránh những điều cần tránh và can đảm bắt tay thực hiện để xây dựng từ bây giờ một tương lai hài hòa giữa con người và vũ trụ, cũng như giữa con người với con người. Một cách đặc biệt, hài hòa với chính mình... Đó là phương thức xây dựng "Trời mới, Đất mới".

Khi trở lại viếng thăm Nguyễn Trãi, sau 600 năm xa cách, tôi cũng đã làm một công việc tương tự giống như đổ bộ lên Hỏa Tinh.

Nguyễn Trãi là ngôi sao đã dâng hiến cho Đất Nước và anh chị em đồng bào ánh sáng và hơi ấm của một tấm lòng. Kế hoạch Tâm Công, đã được Nguyễn Trãi sưu tầm và thực hiện, cũng là nếp sống và chương trình hành động của chúng ta ngày hôm nay và ngày mai. Để mạnh mẽ, can trường bước vào tương lai, chúng ta hãy tìm lại điểm tựa và đòn bẩy, như Nguyễn Trãi đã làm, trong Tấm Lòng Trời và Biển mà Lạc Long Quân và Âu Cơ đã hiến tặng cho nhau ... khi họ yêu nhau.

 

Hôm ấy, như câu chuyện của văn sĩ M. Waddel kể lại cho trẻ em khắp năm châu, bốn bể, hai anh em Đại và Tiểu gấu dẫn nhau vào rừng dạo chơi suốt ngày 78. Hai anh em mệt nhoài, nhưng vui sướng và hạnh phúc, trở về hang động của mình, vào lúc hoàng hôn đổ xuống.

 

Sau bữa cơm chiều thanh đạm, Đại Gấu tắm gội và thay áo quần cho em. Tiểu Gấu bi bô kể lại cho anh những điều chính mình đã quan sát và ghi nhận : hình ảnh có màu sắc thế nào, âm thanh của rừng núi trầm bổng làm sao. Tâm hồn của Tiểu Gấu nhẹ nhàng phơi phới như những đám mây bồng bềnh từ ngọn đồi nầy qua ngọn đồi khác ... bao nhiêu kỷ niệm tuôn trào... như dòng suối mát lạnh đang phun ra từ những tảng đá.

 

Sau một hồi lắng nghe em  trầm trồ, Đại Gấu bồng em đặt vào giường, tắt đèn, hôn em và qua phòng bên cạnh đọc sách.

 

Đọc chưa xong mười hàng, Đại Gấu  đã thấy em đứng nhìn mình, đằng sau cánh cửa.

- Sao em không ngu?

- Em ngủ không được.

- Sao em ngủ không được?

- Em sơ!

- Sợ gì hở em?

- Bóng tối tràn lan khắp nơi, trên giường, phía dưới và chung quanh ...

Đại Gấu đến bồng em, đặt lại vào giường, hôn em và đi tìm cây đèn nho nhỏ, đốt lên, để ở giữa phòng.

- Bây giờ hết bóng tối rồi. Chúc em ngủ thật ngon.

- Cám ơn Anh.

 

Đại Gấu đi ra, trở về chỗ cũ, cầm sách lên tiếp tục đọc. Đến đoạn bắt đầu éo le, hấp dẫn, Đại Gấu lại nghe tiếng động trong phòng của em. Thì ra Tiểu Gấu cứ lăn qua, lăn về, che mặt sụt sùi.

- Em có chuyện gì?

- Em ngủ không được!

- Sao em ngủ không được?

- Em sợ.

- Lần nầy em còn sợ gì?

- Bóng tối còn tràn lan khắp nơi. Hãi hùng quá!

- Anh đã đốt đèn cho em mà!

- Ánh sáng bé tí tiu, mà bóng tối thì dày đặc, tràn lan, to tướng ... nó há to miệng chờ nuốt em..

Đại Gấu lại gần hôn em, thoa đầu cho em và đắp lại tấm mền trên mình em.

Đại Gấu đốt thêm một cây đèn.

- Anh đốt thêm một cây đèn. Hết bóng tối rồi.

Chúc em ngủ ngon.

- Cám ơn Anh.

 

 

Đại Gấu trở về bàn, đọc tiếp đoạn sách quá hấp dẫn. Nhưng tiếng động ở phòng của Tiểu Gấu lại nổi lên. Đại Gấu gải đầu suy nghĩ, rồi đi vào xem em có chuyện gì.

Tiểu Gấu ngồi dậy trên giường, đưa hai tay bịt mắt, miệng lẩm bẩm "mày dễ sợ, mày dễ sơ".

- Sao vậy em, có chuyện gì?

- Em càng lúc càng sợ, Anh ơi!

- Em sợ gì?

- Thì cũng bóng tối cứ lại gần  dọa em. Nó còn bay chập chờn, múa máy tứ tung, nhe hai hàm răng nhọn hoắc...

- Thôi Anh đi đốt cho em cây đèn bự nhất nhà nhé!

Lần nầy hết bóng tối rồi.

Em ngủ ngon nhe.

Nói xong Đại gấu hôn em và đi ra.

- Cám ơn Anh.

 

Mười phút sau, có tiếng khóc sụt sùi càng lúc càng tăng lên cường độ. Đại Gấu bỏ sách xuống, bước vào phòng của Tiểu Gấu.

 

- Anh ơi, em sợ quá. Bóng tối vẫn y nguyên, mặc dù Anh đốt hết đèn của nhà mình.

- Thôi được rồi, em khoác áo ấm vào, Anh em mình đi ra ngoài sân một chút.

- Sao ra ngoài đó? Bóng tối còn mênh mông   

   hơn. Em sợ lắm. Thôi đừng đi, Anh ơi!

- Không can gì, Anh cầm tay em. Đi với Anh.

 

Có Anh mà!

 

Hai anh em vừa ra khỏi cầu thang dẫn vào vườn. Tiểu Gấu hét la lên, ôm chặt lấy Đại Gấu. Đại Gấu cúi xuống bồng em, ôm em tựa sát vào mình. Vừa đi ra, Đại Gấu vừa đưa tay chỉ trăng và sao cho em. Đại Gấu nói lung tung và huyên thuyên :

- Tiểu Gấu ơi, em xem kìa. Trên đó có bao nhiêu ngọn đèn. Ngọn kia ở giữa thật bự, bự hơn cả cây đèn nhà mình. Trong đám sao nầy có tên Em, tên Anh ở đằng xa kìa...

Không nghe em trả lời, Đại Gấu ngưng nói, nhìn em. Thì ra Tiểu Gấu đã ngủ say mê trong cánh tay của Đại Gấu ... không còn sợ bóng tối tràn lan chung quanh ... không thèm nhìn trăng sao gì nữa. Hơi ấm của Đại Gấu đã xóa tan mọi bóng đêm hãi hùng.

 

Hỡi người em Việt Nam thân thương!

 

Có những lúc bóng tối dày đặc bao phủ quê hương, đất nước của mình ... Với cả tài đức và trí thông minh, nhiều bậc đàn anh đã lần lượt đốt lên nhiều ngọn đèn mua về từ phương Bắc, phương Tây, từ Nga, từ Ấn Độ, từ Châu Mỹ ... Không ngọn đèn nào có thể xóa tan bóng tối cả ... thậm chí Trăng sao từ trời cao, từ ngoài kia địa cầu ...

 

Cuối cùng, Nguyễn Trãi đã thắp lên một tấm lòng. Đó là tấm lòng yêu thương, an bình và tha thứ, mang tên là " Tâm Công". Đến lượt, đến phiên chúng ta, anh em mình  cũng hãy đốt lên một tấm lòng ... Tấm lòng ấy làm cho đất nước trở thành Vạn xuân và Đại Việt.

 

- Em là Nước? Anh xin làm Biển Cả:

Cũng theo Em đến những miền xa lạ,

Gieo vãi Tình Thương, khung trời mở rộng

Hiến cho đời mầm non trào nhựa sống.

***

- Em là Hoa? Anh xin làm mãnh đất:

ấp ủ vun trồng, dịu dàng thân mật.

Dưới mỗi bước chân, hương trầm bát ngát,

Trên khắp non sông, nương đồng ngào ngạt.

 

- Em là Trời? Anh xin làm không khí:

Đón nhận Em trong trái tim bình dị.

Em an bình, tâm hồn Anh diệu vợi.

Em hạnh phúc, cuộc đời Anh phơi phới.

 

- Em là Mây? Anh nguyện làm gió mát:

Thổi ân tình vào lòng ai ngột ngạt,

Gieo thái hòa trên vùng đất bạo động,

Nuôi chí khí, đánh thức người tuyệt võng.

 

- Em là Núi? Anh nguyện làm rừng xanh,

Động viên Em với tất cả lòng thành :

Luôn đứng thẳng, nhìn Mặt Trời tỏa rạng,

Tay vươn cao tiếp thu nguồn Ánh Sáng.

 

- Em là Đất? Anh hóa thân thành Nắng:

Sưởi ấm Em, bằng Đức Tin thầm lặng,

Con người cũ chết đi nuôi Em sống,

Con người mới gọi mời Em Hy vọng.

 

Lausanne, Mùa Xuân 2001

 

 

Sách Tham Khảo

 

1  Sách Nguyễn Trãi

 

1.1.       Bùi Văn Nguyên - Nguyễn Trãi và bản

Hùng Ca Đại cáo - Nxb. KHXH, Hà Nội 1999.

1.2.       Bùi Văn Nguyên - Văn Chương Nguyễn Trãi rực ánh sao Khuê - Nxb. KHXH, Hà Nội 2000.

1.3.       Hồ Sĩ Hiệp - Nguyễn Trãi - Nxb. Văn nghệ Tp. HCM 1997.

1.4.       Feray Yv - Vạn Xuân - Dịch giả Nguyễn

Khắc Dương, Nxb. Văn học và Sudestasie

Hà Nội 1997.

1.5.       Feray Yv - Dix mille Printemps - Ed.

P.Picquier, Arles 1996. Tome 1 và 2.

1.6.                   Nguyễn Trãi - Quốc Âm Thi tập -

Nguyễn Thạch Giang, Phiên khảo và

chú giải, Nxb. Thuận Hóa, Huế 2000.

1.7.                   Thiên Thụ - Nguyễn Trãi - Lửa Thiêng,

Sàigòn 1973.

1.8.       Trần Huy Liệu - Nguyễn Trãi : Cuộc đời

và sự nghiệp - Nxb. Vh. Th.tin Hà Nội,

 2000 - xb lần đầu 1966.

1.9.       Võ Văn Ái - Nguyễn Trãi : Sinh thức và

hành động - Quê Mẹ, Paris 1981.

 

2   Về Lão Tử, Khổng giáo và Phật giáo

 

2.1.       Nguyễn Duy Cần - Lão Tử - Đạo đức Kinh, 2 cuốn, Khai Trí Sàigòn 1962 , 1974.

2.2.       Trang Tử - Nam hoa Kinh, 3 cuốn, Khai Trí, 1963

2.3.       Trang Tử tinh hoa - Khai trí, 1970.

2.4.       Phật học tinh hoa - Khai Trí, 1971

2.5.       Phan Bội Châu - Khổng học đăng, 2 cuốn, Nxb. Anh Minh, Huế 1957.

 

3  Phân tâm học, Thuyết cơ cấu...Tiếp xúc, xúc động..

.

3.1.       Covey St. R - The 7 habits of hig ly effective people -  Simon & Schuster LIK 1989.

3.2.       Crèvecoeur J.J - Etre pleinement soi- même - Ed. Jouvence Genève 2000.

3.3.       Relations et jeux de pouvoir - Equinoxe 21, Belgique 1999.

3.4.       Jampolsky  G.G - Love is letling go of fear Cel. Arts, CA   1979.

3.5.       Love is the answer - Bantam, U.S.A 1991.

3.6.       Change your mind - Bantam, U.S.A 1983.

3.7        Nguyễn Văn Thành -  Đường vào nội tâm - Tình người, Lausanne 1997.

3.8.       Phát huy nhân lực - Tình người , Lausanne 1998.

3.9.       Đối thoại, quê hương Tình người - Tình Người, Lausanne 1999.

3.10.     Khung Trời mở rộng - TN, Lausanne 2000.

3.11      Senge P. -  The fifth discipline - Century B. London 1990

3.12.     The 5th discipline : Fieldbook - Century B. London 1994.

3.13.     The dance of Change - Nicholas Brealey, London 1999.

3.14.     Rosenberg. M.B - Les mots sont des fenêtres Ed. Jouvence, Genève 1999.

3.15.     Stone D... - Difficult conversations - Michael Joseph, London 1999.

 

 

 

46 Trần Huy Liệu, Sđd. tr.43.

47 Võ Văn Ái, Sđd. tr. đề tựa lần Xb 1981. Lá thư của P.c. Thiện không còn, trong 2 lần xb. tiếp theo.

48 Vạn Xuân, tr. 175

49 Vạn Xuân, tr. 234

50 Vạn Xuân, tr. 232

51 Vạn Xuân, tr. 234-

52 Vạn Xuân, tr. 234.

53 Đạo Đức Kinh, ch. 44: "Tri chỉ bất đãi", Sđd. tr. 232, trong cuốn II.

54 Sđd. ch. 63, II, tr.322, ch. 2, I, tr. 43-48, ch. 37, I, tr. 189-192.

 

55 Nguyễn Văn Thành, Khung Trồi Mổ Rộng - Tình Ngưồi, Lausanne 2000, tr.34-42.

56 Vạn Xuân, tr. 860-863.

57 Vạn Xuân, tr. 990-994.

58 Vạn Xuân, tr. 994.

59 Vạn Xuân, tr. 860.

60 Vạn Xuân, tr. 863.

61 Vạn Xuân, tr. 858.

62 Vạn Xuân, tr. 848.

63 Lão Tử, Đạo Đức Kinh, ch. 2, cuốn I, Sđd. tr. 43-47.

64 Lão Tử, cuốn II, ch. 81, tr. 403-406.

65 Để biết thêm khoa học nầy , xen Nguyễn Văn Thành:

1- Nẽo vào phân tâm học, ĐH Minh Đức, 1973; 2- Đưồng vào nội tâm, Tình Ngưồi,  Lausanne, 1997.

66 Vạn Xuân, tr. 185, 187.

67 Vạn Xuân, tr. 142, 190.

68 Vạn Xuân, tr. 992

69 Vạn Xuân, tr. 991.

70 Xem lại (53) và (54).

71 Nguyễn Trãi, Quốc Âm Thi Tập.

77 Trần Huy Liệu, Sđd. tr. 30-34.

72 Theo Bùi Văn Nguyên, vợ = Trần Thị Thành, Sđd. tr. 388 N. 15.

73 Vạn Xuân, tr. 477.

74 Sđd. tr. 94.

75 Vạn Xuân, tr. 626-718, tr. 1051.

76 Vạn Xuân, tr. 1066.

77 Vạn Xuân, tr. 1066.

78 The Hut chinson, Treasury of Stories to read aloud, Hutchinson, London 2000, tr. 191-197.

 

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 2678
Ngày đăng: 19.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó - Nguyễn Cẩm Xuyên
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 3 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 2 - Nguyễn Văn Thành
Một tấm lòng Vạn Xuân và Đại Việt 1 - Nguyễn Văn Thành
Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển Và Quyền Tài Phán Của Quốc Gia Trên Vùng Ðặc Quyền Kinh Tế - Phan Tấn Thiện
Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt Trung - Hồ Bạch Thảo
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 2 - Nguyễn Đức Hiệp
Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 1 - Nguyễn Đức Hiệp
Văn từ ngoại giao - Hồ Bạch Thảo