Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
518
115.989.614
 
Bài Thơ Người Về Qua Một Số Lời Bình
Nhiều Tác Giả

 

(NHÂN CÔNG BỐ EBOOK TUYỂN THƠ HOÀNG HƯNG)

 

Bảy mươi tuổi, cái tuổi có thể tổng kết cái gọi là “sự nghiệp” một đời, cũng có thể mở ra một đoạn đời mới theo cách ở đâu đó người ta gọi bảy mươi tuổi là “bảy mươi năm đầu tiên của đời người”! Với Nàng Thơ, thì ở tuổi này bị Nàng gút-bai là cái chắc. Nhưng ai cấm mình ngoan cố, ai cấm mình tơ tưởng, ai cấm mình hy vọng?

 

Vậy thì, việc tập họp những bài thơ làm được trong 45 năm sung sức nhất (1961-2005) có thể mang dụng ý “sơ kết” đoạn đời đầu tiên hay “tổng kết” cả đời, còn tùy!

 

“Nước mắt một đời

Đổi một dòng hư ảo thế thôi”

 

Dẫu sao, hư ảo này cũng rất thật một kiếp sống đầy ngang trái, nghịch lý, dại khôn, tin yêu và thất vọng, khát khao và bất lực, phát điên vì không nói được rồi lại ước mong lẳng lặng tan ra thành lời…

 

Đúng 10 năm trước, nhân dịp 60 tuổi, tôi đã trình vài NXB ở Việt Nam một bản thảo tuyển tập Thơ HH gồm 108 bài. Mặc dù là bạn của tác giả, các vị Giám đốc không dám cấp giấy phép tuy có vị sau đó lập tức công bố bài viết nhiều sự cảm thông và lời khen trong sách riêng của mình!

 

Giờ đây, trước khi mời các bạn vào đọc tuyển tập Thơ Hoàng Hưng 1961- 2005 & Những bài viết về Thơ Hoàng Hưng trong dạng EBOOK (PDF), tập sách thứ ba trong bộ sưu tập HHEBOOKS, tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài bình luận về một bài thơ được chú ý trong tuyển tập trên.

 

Hoàng Hưng, giữa tuổi 70

 

 

 

BÀI THƠ NGƯỜI VỀ QUA MỘT SỐ LỜI BÌNH

 

Người về

Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình

                một cái vỗ vai

 

 

 

 

Người về và tranh Repine

Nguyễn Hữu Đang[1]

 

Càng thấm thía hơn đối với tôi là bài “Người về” mà tôi thấy đề tài và chủ đề trùng hợp – song mở rộng hơn, khơi sâu hơn – với một bức danh hoạ của Repine (Nga). Có thể nói câu:

“Bước vào cửa người quen tái mặt”

của anh đã được Repine minh hoạ chính xác, đầy đủ. (Anh có thể tìm xem bức tranh này trong tuyển tập tranh Repine do Liên Xô xuất bản, chú thích bằng Pháp văn, đã bán ở Hà Nội, hiện tôi đang có). Tên bức tranh là: "Những người không ai chờ đợi” nói tình huống bi thảm của những người tù đày chính trị từ Siberie trở về gia đình, bị xa lánh.

(Thư viết tay gửi HH, Hà Nội 6/6/1994)

 

 

 

Người về & Mùi mưa: đầu chót của sợi thừng

Paul Hoover[2]

 

Hai bài thơ của Hung thể hiện một phong cách và đề tài nhất quán của một con người ở đầu chót của sợi thừng hay ở tột đỉnh của một kinh nghiệm đau khổ hay giải thoát khỏi đau khổ. Cả hai bài thơ đều liên quan đến việc sử dụng thời gian như một phần của tấn kịch ấy. Trong bài “Mùi mưa hay bài thơ của M.” hai người yêu đã chia lìa trong 15 năm rồi lại gặp lại nhau. Tình yêu của họ bền bỉ như mưa đang rơi, nhưng xa cách một nghìn đêm đã là nỗi đau khổ cực độ, và bây giờ họ ước mong được chết cùng nhau dưới mái nhà  mưa rơi (để mà giữ cho tình yêu của họ được vĩnh cửu).Trong bài “Người về”, một người trở về sau một thời gian vắng mặt không rõ lý do từ một “cõi ấy”, để khám phá ra rằng vợ, con, và bạn bè không còn biết, không còn hiểu được mình nữa. Người ấy đã là một hồn ma đối với họ. Và sự vắng mặt đối với ông đã một vết thương nặng nề đến mức ông nghẹn giữa bữa tiệc vui, tới hai năm sau ông còn sực tỉnh vì cơn ác mộng và tới tận mười năm sau khi trở vể, ông còn ngồi một mình trong bóng tối. Ông là một người xa lạ trong cuộc sống của chính mình. Nhưng rồi ông cũng có sự giải thoát khỏi đau khổ. Có một ngày ông mệt mỏi chán chường vì ánh mắt nhìn chằm chằm, và có một đêm một tiếng nói, có thể là của một nguời đàn bà, cất lên hỏi ông. CáI vỗ vai làm ông giật mình dường như đưa ông trở lại thế giới. Ông sực tỉnh lại, hoặc là trở về cuộc sống đã từng tiện nghi với ông, hoặc là trở về sự hiện diện mới được chào đón trong lòng cái thế giới cũ kia. Tính cách bị che mờ của câu chuyện (ai vỗ vai? ai là người bây giờ đánh thức ông?) là phần có chủ đích của câu chuyện. Thơ của Hung làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một  thời gian rất rõ nhưng cũng có một tính cách vô thời gian. Nhiều năm tháng được nén lạI trong một bài thơ trữ tình ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết “Người đàn bà trong cồn cát” của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi). Chúng ta được ban cho phải sống trong những thế giới đầy đau khổ. Nhưng con tim vẫn có khả năng trỗi dậy, mặc dù đã bị chôn vùi nhiều năm tháng (“Mùi mưa”); một cái vỗ vai có thể thình lình thức tỉnh chúng ta trở về với đời sống từng đã quay mặt với chúng ta.

 

Tôi không biết có bài thơ  nào khác để so sánh với  thơ Hung. Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ (Hung) rất phức tạp và xúc động. Có lẽ trong đời thực, Hung đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình.

 

San Francisco, tháng 1/2003

 

(Thư gửi Tom Nawrocki, GS trường Columbia College Chicago trong dịp chuẩn bị sự kiện Đọc Thơ Mùa Xuân 2003)

 

 

 

Người về thanh thoát, vượt lên trên tất cả

Nguyễn Quốc Trụ [3]

 

Gấu nhớ, trong Gulag, có một đoạn Solz tả, về cái cảm giác giữa những người đã từng ở Gulag, và sau đó, được trả về đời. Họ nhận ra nhau ngay, giữa phố đông người. Chỉ ánh mắt gặp nhau, là biết liền đằng ấy và tớ đã từng ở trong đó.
Gấu mê nhất, câu "Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui".
Nhưng cũng lạ nhất, tò mò nhất, là cái thời gian "một năm sau".
 

*
Bài thơ của Hoàng Hưng, như được biết, là một trong 100 bài thơ hay. Không hiểu thi sĩ có tiên tri ra được cái sự bí nhiệm của con số hay không, nhưng có vẻ như ông rất quan tâm đến nó, chỉ để "đếm" thời gian: vợ khóc 'một' đêm. con lạ 'một' ngày. Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui, hai năm sau còn toát mồ hôi. Năm năm, muời năm... một hôm, một đêm... 
 

Liệu tất cả những cân đo đong đếm đó, là để qui chiếu về câu: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại? 
Câu này, lại trở thành một ẩn dụ, nếu so cảnh tại ngoại của ông, như được miêu tả trong bài thơ: 
Có vẻ như cái cảnh trở về đời kia, vẫn chỉ là, tù trong tù.
Tuy nhiên, khi đọc như thế, có vẻ như hạ thấp bài thơ. 
 

Bài thơ Hoàng Hưng bảnh hơn cách đọc đó nhiều. Có cái vẻ thanh thoát, vượt lên trên tất cả của nhà thơ. Đây cũng là điều nhân loại tìm đọc Gulag của Solz: Cái thái độ đạo đức, nhân bản của tác phẩm và của tác giả, mới bảnh làm sao.

 

Câu thơ "Muời năm còn quen ngồi một mình trong bóng tối" làm nhớ một chi tiết về một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn, [không nhớ là ai, NMG có nhắc tới trong một số Văn Học], ông quen ngồi một mình đến nỗi bóng in lên tường, thành một cái vệt, thời gian không làm sao xóa mờ.
Nếu như thế, một người quen ngồi một mình trong bóng tối, cái bóng của người đó in lên tường mới khủng khiếp làm sao. Không ai có thể nhìn thấy nó, để mà hỏi thử, thời gian, khi nào xoá mờ!

 

 (Tin Văn Blog)

 

 

Người về: Thơ hiện đại mà hàm súc như cổ thi

Vũ Quần Phương[4]

 

Câu đầu của bài thơ: Người về từ cõi ấy. Cõi ấy là đâu mà nhắc lại tới ba lần. Tự nhiên, trong tâm trí, người đọc cứ phải lần mò mà đoán lấy. Mới đầu đã ngờ ngợ, rồi mơ hồ nhận ra. Mỗi chi tiết một rõ. Đến ý thơ cuối thì khẳng định. Không những khẳng định được cõi ấy là đâu, mà còn cho thấy cái tính chất ghê gớm kinh hoàng của cõi ấy. Nói mà như không nói, tả mà như không tả. Tất cả hiện ra từ tâm trạng người về. Ngừoi ấy không giãi bày  mà tâm trạng tự hiện lên dần qua từng chi tiết. Chi tiết đắc địa. Diễn đạt gọn sắc. Ngôn ngữ cô đúc, đối chọi. Rất hàm súc

Người về từ cõi ấy

Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày

Vợ thì khóc, con thì lạ. Sao thế ? Thì thử đoán xem cõi ấy phải là cõi nào.Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày. Chi tiết  đêm, ngày và đều chỉ là một. Thêm một nữa thôi để tiễn biệt vĩnh viễn cái chặng vừa đi qua. Ngày mai sang chặng khác.. Câu thơ tám chữ, tách đôi thành bốn chữ cặp díp, chứa ba cặp ý sóng đôi nhau: vợ-con, khóc-lạ, một đêm-một ngày đủ cho thấy tâm trạng mọi thành viên một gia đình. Ngôn ngữ không thể gọn hơn mà diễn tả đúng nỗi lòng vợ con đến thế quả là một quan sát già dặn. Nhưng kinh ngạc hơn là từ nỗi thông hiều lòng vợ con ấy cho ta thấy sự sâu sắc trong cõi lòng người về. Anh hiếu nỗi chịu đựng của vợ và sự ngây thơ đến cay đắng của con không chỉ ở khoảnh khắc găpk mặt ấy mà còn ở cả những thàng ngày đằng đẵng khi anh vắng mặt. Thơ hiện đại mà hàm súc như cổ thi.

 

Ba lần nhắc Người về từ cõi ấy là ba lần quan sát phản ứng người mình gặp. Vợ con rồi, bây giờ đến người quen:

Bước vào cửa người quen tái mặt.

Sao mà phải tái mặt. Chắc bạn đọc thêm căn cứ để đoán ra cái cõi ấy của một thời hoặc một sách vở nào.

 

Sau người quen, đến người không quen:

Giữa phố đông người nhồn nhột sau gáy

 

Hình như có cặp mắt nào đang kín đáo dõi theo mình từ phía sau. Không dám quay lại nhưng linh cảm thấy rõ lắm nên mới nhồn nhột Cảm giác nhồn nhột sau gáy  là một phản xạ có điều kiện. Kiểu như người đã một lần ăn khế chua, sau chỉ nghe nói tiếng khế đã thấy tưa nước miéng. Kỳ thức đâu có khế, cũng như chẳng có ai dõi nhìn anh cả. Nhân vật nhầm nhưng tác giả không nhầm, ông đã tả thành công nỗi ám ảnh sợ hãi của người về

 

Ba điệp khúc, sáu câu ấy là một mảng ý. Mảng ý thứ hai là bốn nỗi ám ảnh trải theo thời gian, một năm, hai năm, ba năm, mười năm với bốn chi tiết, tinh vi đến lạnh người:

 

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui

Hai năm còn mộng toát mồ hôi

Ba năm còn nhớ một con thạch thùng

Mười năm  còn quen ngồi một mình trong tối

 

Một, hai, ba rồi nhảy vụt lên mười mà cái chữ còn vẫn nhũng nhẵng theo sau. Cái ám ảnh của cõi ấy khéo phủ lên cả đời người. Những chi tiết : nghẹn giữa cuộc vui, mộng toát mồ hôi, nhớ một con thạch thùng, quen ngồi một mình trong tối là những chi tiết nội tâm, cho thấy một thân phận, một nỗi khủng khiếp, một sự cô đơn.

 

Bốn câu thơ cuối thuộc mảng ý thư ba: nỗi sợ. Bất cứ lúc nào cũng nơm nớp. Một hôm nào đấy thấy có ai nhìn, một đêm nào đấy thấy có ai hỏi. Nhìn thì trân trối. Hỏi thì bâng quơ nên mới làm anh chột dạ. Bạn đọc ngờ rằng cái nhìn, cái hỏi này vốn tự nhiên bình thường, nhưng với người về, có lẽ thần hồn nát thần tính, nên mới thấy nó trân trối và có vẻ bâng quơ như cạm bẫy. Ý thơ cuối cùng khẳng định nỗi ngờ ngợ của người đọc là có lý. Chỉ một cái vỗ vai vu vơ mà anh chàng giật thót người.

 

Tội nghiệp quá. Kinh sợ quá. Bút pháp tả tâm trạng ở bài thơ này thật tài. Nói bóng mà ra hình, tả tình mà ra việc. Không chất chứa trong lòng không hiện ra ngòi bút được như thế.

 

6/2007

 

 

                                

Nỗi bất an của “A Man Returning Home”

Camille Dungy[5]

 

Tôi xếp bài thơ này (Người về, bản tiếng Anh của Nguyễn Đỗ-Paul Hoover) vào Hồ sơ “Những bài thơ hâm mộ” vì tôi mê cái cách sử dụng trạng thái nghiêng của nó. Tôi yêu lối bất an của cuộc sống người đàn ông này dường như đồng thời tăng tiến và giảm đi với cường độ lớn. Cái “tiếng bâng quơ hỏi” có thể sẽ dường như bớt đe dọa hơn nếu như nó đến sớm hơn trong bài thơ, như sau câu thơ nói về các con ông ta chẳng hạn. Nhưng ở đây, đến cuối bài thơ, khi chúng ta thấy được những sự bất an về thể xác như “một cái vỗ vai” khiến ông hoảng hốt đến thế, thì tiếng nói kia trở nên đáng lo ngại không thể tin nổi. Tiếng nói ấy đòi ông làm gì vậy? Dòng thơ ngắt sau cái giật mình đặc biệt có hiệu quả ở chỗ sự “giật mình” đến liền sau sự đe dọa của những câu hỏi. Bây giờ cái ý người đàn ông giật mình dường như báo động một cách khủng khiếp, và mặc dù chúng ta lẽ ra được trấn an vì thật ra ông ta giật mình chỉ vì một sự nhỏ nhặt như thế, thì cuối cùng sự đe dọa của “một cái vỗ vai” lại tăng lên chứ không mất đi. Tôi cũng yêu cái từ không xác định “cõi ấy” và việc từ này được viết hoa và in nghiêng trong bản dịch (That). Hoàng Hưng đã cho người đọc quyết định người đàn ông này trở về từ chỗ nào. Tôi có những phỏng đoán của mình, nhưng câu trả lời chính xác cho “cõi ấy” có thể ít ý nghĩa hơn nhiều so với câu trả lời mà chúng ta có được về những gì “cõi ấy” đã gây ra cho người đàn ông. Và với những chi tiết dồn dập trong bài thơ, nỗi khiếp hãi cái “cõi ấy” có thể ngày càng dồn sức nặng theo sự tiến triển của bài thơ.

 

Hãy xem xét cái cách những sự lựa chọn phản ánh những âu lo. Hay là hãy xem cái cách những âu lo phản ánh nhuững lựa chọn. Có gì khác nhau giữa hai cái?

 

(poetryfoundation.org/harriet/2009/07)

C9v 

 

 

GHI CHÚ CỦA HOÀNG HƯNG:

 

Tôi viết bài này năm 1992, tức là 7 năm sau khi ra tù. Lúc đó tôi cũng đã quen với vị thế nhà báo của mình đã được phục hồi. Nhưng trong một buổi tiệc ở Hội Mỹ thuật TPHCM, có một người lạ mặt đến gần tôi, nhìn tôi trừng trừng và hỏi: “Anh từ nơi ấy trở về chứ gì?” Rồi bỏ đi. Tôi đứng sững như trời trồng, và lặng lẽ ra về. Sự việc ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy. Nó làm tôi nhận thức được một thân phận khác của mình trong xã hội. Vài ngày sau thì bài thơ ra đời.

 

Nhân đây, tôi xin có lời ca ngợi và cảm ơn nhà thơ Quang Huy, nguyên giám đốc NXB Văn hoá Thông tin, là người đầu tiên dũng cảm cho in vài bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt vào năm 1994. Việc này khiến ông gặp khá nhiều rắc rối, nhưng ông đã khéo léo vượt qua, cũng như đã vượt qua những rắc rối khác vì sự táo bạo của mình trong lúc duyệt in sách. Cũng việc này lại dẫn tới cái may là tôi có lý do chính đáng để xin từ bỏ chức trách quyền rơm vạ đá là Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Lao Động mà tôi đã miễn cưỡng nhận vì tình nghĩa với anh TBT Tống Văn Công. (Sau khi tập thơ Người đi tìm mặt phát hành, CA đến chất vấn ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN về việc báo Lao Động trao cho tôi cái “ghế” ấy).

 

Nhưng chỉ ít lâu sau, bài rắc rối nhất trong mấy bài thơ tù ấy, bài Người về (cùng với bài Mùi mưa hay bài thơ của M.) đã được tuyển vào những tuyển thơ quan trọng như Thơ Việt Nam 1975–2000 của NXB Hội Nhà văn (2000, 2001), Thơ Việt Nam thế kỷ XX của NXB Giáo dục (2004). Về việc tuyển chọn hai bài thơ nói trên vào các tuyển tập Thơ Việt Nam, tôi phải cảm ơn trước hết nhà thơ Vân Long, biên tập viên NXB Hội Nhà văn và nhà thơ Quang Huy là những người nhiệt tình ủng hộ nó nhất, cùng những nhà thơ khác là thành viên các ban tuyển chọn. Cùng với nhiều bài khác trong Ác mộng, bài Người về đã được dịch và in ở không ít tạp chí văn chương Pháp, Mỹ (Europe, Seatle Review, Poetry International, Gravity, New American Writing, Parthenon West, Hayden's Ferry Review...), được đưa vào tuyển tập thơ VN đương đại Black Dog, Black Night, Mildweed Editions Hoa Kỳ,  vào tổng tập văn học thế giới của tập đoàn xuất bản quốc tế Mc Millan…

 

 

 



[1] Nguyễn Hữu Đang là nhà hoạt động văn hóa và chình trị, được coi là linh hồn chính trị của báo Nhân Văn.

[2] Paul Hoover là nhà thơ Mỹ, tác giả tuyển tập nổi tiếng ở Mỹ Post-modern American Poetry, đồng chủ biên tạp chí New American Writings, khi viềt bài này là Poet-in-residence của trường Columbia College Chicago, hiện là GS khoa Viết văn trường San Francisco State University.

[3] Nguyễn Quóc Trụ là nhà văn sống ở Mỹ

[4] Vũ Quần Phương là nhà thơ Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn VN.

[5] Camille Dungy là nhà thơ (nữ) Mỹ, GS khoa Viết văn trường San Francisco State University

 

 

Nhiều Tác Giả
Số lần đọc: 3544
Ngày đăng: 04.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Trung Tâm Ra Ngoại Biên, Từ Ngoại Biên Vào Trung Tâm - Lại Nguyên Ân
Yêu mãi cuộc đời này - Huỳnh Ngọc Nga
Chiều cạn - Hòa Văn
Đôi Điều Ghi Nhận Về: Hai Tập Truyên Ngắn Của Nhà Văn Mang Viên Long - Ngọc Bút
Một hướng tiếp cận khác đối với bài thơ “Bảo kính cảnh giới 43” của Nguyễn Trãi. - Trần Đình Khiêm
Thơ điên Ngu Í - Đỗ Hồng Ngọc
Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh - Trần Văn Nam
Những Chi Tiết Mới Về Văn Học Qua Phỏng Vấn Của Nguyễn Ngu Í - Trần Văn Nam
"Biển ngủ đứng", như là sự tiệm cận khuynh hướng Hậu hiện đại - Đặng Văn Sinh
“Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác”* - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
Chia Buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Cảm tạ (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
CHIA BUỒN (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn. (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)
Tin Buồn (văn hóa)
Phở Việt Nam (văn hóa)
CƠN MÊ (thơ)