Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
678
116.545.017
 
Túy bút xuôi dòng
Nguyễn Đạt

 

Nhan đề của tùy bút này, kẻ viết mượn Túy bút của một người thầy, xuôi dòng của vô số tác-giả-không-tác-giả. Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan dạy tôi môn Sử, bậc trung học đệ nhị cấp tại Trường Chu Văn An; ông là một chân dung văn nghệ tôi ái mộ. Từng có ai đấy ngớ ngẩn hỏi: túy bút là viết trong cơn say ư? Say thì làm sao mà viết được? Thế thì tôi chỉ còn cách trả lời: mưa ướt sũng trần gian, vậy mà Phạm Đình Hổ vẫn an nhiên viết Vũ trung tùy bút!

 

Tôi nhớ mãi một chuyện giữa thầy trò chúng tôi thuở ấy, chuyện áo sơ-mi tôi vận không gài cái khuy trên cùng; ông thầy họ Vũ rất gai mắt những học trò phục sức như vậy. Ông nói nghiêm giọng: “Lát nữa cậu và tôi ra sân ‘par corps’ nhé!” Sau câu nói của thầy, tôi vội gài cái khuy để hở. Và tôi gài cái khuy áo ấy chỉ khi vào giờ học thầy Vũ Khắc Khoan mà thôi; tới tận bây giờ tôi vận sơ-mi vẫn không gài cái khuy trên cùng.

 

Một chuyện nữa, là cái chuyện viết kịch. Tôi hỏi ông, viết kịch có khó hơn viết truyện ngắn? Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan trả lời, âm tiết lạnh lùng: “Cậu đừng hỏi vớ vẩn như vậy. Nếu cậu thích viết kịch, thì trước hết nên tự hỏi mình có quan tâm gắn bó với sân khấu kịch nghệ hay không. Chả quan tâm tới sân khấu kịch nghệ mà lại cứ bén mảng, học đòi viết kịch thì chỉ là viết kịch viết cợm; không khác gì một kẻ dớ dẩn ưa khuơ môi múa mép, lải nhải đọc bài diễn văn gì đấy, trong căn phòng trống vắng không người.” Khi quen biết kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tôi càng thấm thía lời Vũ Khắc Khoan. Louis Jouvet Việt Nam, Mai Thảo gọi Trần Lê Nguyễn như vậy, biết bao lần đầm đìa mồ-hôi-giữa-ngực-và-lưng, trên sân-khấu-về-khuya, mưa-dột-trên-sàn-gỗ…, Thanh Tâm Tuyền nhớ tác giả Bão Thời Đại như vậy.

 

Xuôi dòng nhạt nhẽo vô vị, vô cùng nghèo nàn cho tựa đề của những ghi nhận gì gì đấy; nó nhạt nhẽo vô vị tựa cái nhan đề của những bài thơ Vô đề. Nó hoàn toàn khác với Theo giòng in dấu nhà văn Thạch Lam. Nó là cái nhan đề của tác-giả-không-tác-giả. Ấy tuy nhiên Túy bút xuôi dòng hiển nhiên là khác; là xuôi từ đầu tới cuối những dòng túy bút; là những gì muốn quên mà sao không thể quên; là những đớn hèn vây bọc chung quanh khó bề vượt thoát; là váng vất mãi hoài dư vị men rượu đắng cay...

 

*

For Esmé with love and squalor, sao tôi nhớ mãi truyện ngắn ấy? Nhớ mãi truyện ngắn ấy, kèm theo một gã khốn kiếp, chẳng ăn nhập gì với truyện ngắn của nhà văn vô cùng đáng yêu đáng quý trọng, Jerome David Salinger.  Gã khốn kiếp nhất, ở chỗ tiếm danh văn nghệ, học đòi trí thức. Gã biết gì về ý-thức-Phóng-chiếu của Dostoyevsky? Hay chỉ là vì gã bị (quỷ) ám những chiếu-gối-drap-mền phóng lên thượng tầng một chúng cư nọ, ở Sài Gòn? Gã nói với một lài-nương của gã, lên xem triển lãm tranh của gã trên thượng tầng chúng cư. Đúng là một phòng triển lãm, trên một thượng tầng chúng cư ở Sài Gòn, với “trente-six poses” trò con heo; gã là tác giả thực hiện trò con heo ấy, cái máy chụp hình tự động làm khán giả; đồng thời cái máy chụp hình ấy tạo nên tuyệt-tác-phẩm-nhiếp-ảnh, triển lãm chật cái tư phòng ấm áp trên thượng tầng. Gã đã phóng-chiếu theo cách riêng của gã; nào ai biết được, ngoài gã và các lài-nương nhập cuộc. Ấy vậy đó, gã cũng phóng-chiếu y chang phóng-chiếu của nhà văn vĩ đại bậc nhất nước Đại Nga.  

 

 

Gã cũng khốn kiếp không kém chuyện gã tiếm danh văn nghệ và học đòi trí thức, khi gã biểu tỏ lòng tri ân của gã với một người bạn họa sĩ; người bạn đã chỉ dẫn cho gã đi vào con đường hội họa.

 

Họa sĩ ấy thật đáng thương hơn đáng giận, khi anh lãnh nhận tấm huy chương cho một bài thơ hay đích thực, bài thơ không phải của anh. Bản chất họa sĩ ấy dễ thương, chỉ phải cái tật sính làm thơ; làm thơ sẽ là một cái tật của người có lòng say mê thi ca, nhưng lại không đủ thi tài. Không đủ thi tài mà chỉ có lòng say mê thi ca, xem ra cũng chẳng đến nỗi nào để giận để trách một người như vậy, khi người ấy lãnh nhận cho mình tấm huy chương của người khác. Nhất là người ấy, họa sĩ ấy, xem ra cũng biết mình đã sinh bệnh vì yêu thơ; việc lãnh nhận tấm huy chương là việc chẳng-đặng-đừng, vì mình đã lỡ là người sinh bệnh mất rồi.

 

Cái vụ việc đã lỡ rồi; phải chi bài thơ của thi sĩ Viên Linh đừng quá hay. Dư âm bài thơ đã đừng bát ngát một thời, trắng xóa mấy bến bờ lau sậy.

 

Hoa gạo đầy trên lối mòn

Bàn tay anh đầy hoàng hôn

Tháng giêng anh về một bận

Lau trắng mưa bên ấy song

 

Tháng giêng anh về một bận

Nghe xao xác buồn trong long

Nghe xao xác buồn nửa giấc

Như thuyền ai sắp sang song

 

Chiều đến bây giờ mới trổ

Hồn mình tha hồ nhớ mong 

Lau trắng tha hồ trắng lối

Thuyền ấy bây giờ theo giòng

 

Bài thơ Hoa Gạo của Viên Linh không dừng ở câu cuối của đoạn ba; có thể họa sĩ sính làm thơ chỉ đưa ra chừng ấy cho bằng hữu đọc. Nhóm bằng hữu của họa sĩ được đọc bài thơ Hoa Gạo hẳn nhiên phải thấy bài thơ của bạn mình quá hay, hay đến không ngờ. Một bạn trong nhóm là khúc - tác - gia (Hoàng Ngọc-Tuấn, chủ trương báo mạng Tiền Vệ, gọi các nhạc sĩ sáng tác ca khúc như vậy) tài danh, đòi phổ nhạc ngay tức thì. Họa sĩ quá bối rối; nhưng đã lỡ rồi, đành ưng theo; ấy tuy nhiên bảo các bạn chỉ nên phổ-biến-nội-bộ-vì-lý-do-đặc-biệt.

 

Cũng từ lòng tri ân người bạn họa sĩ, gã khốn kiếp đã cố ý làm sai lời khẩn thiết dặn dò phổ-biến-nội-bộ-vì-lý-do-đặc-biệt của họa sĩ; gã đưa ca khúc thơ phổ nhạc này ra trước công chúng thưởng ngoạn; trong đó ắt nhiên có thi sĩ Viên Linh, tác giả đích thực của bài thơ Hoa Gạo. Như vậy đấy, sự tri ân của gã khốn kiếp cũng mang màu sắc của cái gì đấy rất squalor.

                                      

Sài Gòn, tháng IX – 2012

 

Nguyễn Đạt
Số lần đọc: 2106
Ngày đăng: 08.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tím Nhớ - Trần Dzạ Lữ
Sài Gòn – Ăn - Lê Ký Thương
Nắng Hè - Nguyễn Quỳnh USA
Ghi Chép Tháng Tám - II - Nguyễn Hồng Nhung
Bao La Tình Mẹ - Phan Trang Hy
Kỷ niệm với anh Nguyễn Mộng Giác - Thường Quán
Má Ơi ! - Nguyễn Đông Nhật
Chút Huế: Cà Phê Một Thuở - Hà Thủy
Về những tập truyện ngắn - Nguyễn Hòa vcv
Nhớ Lại Một Câu Hỏi - Mang Viên Long