Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
578
115.981.056
 
Sinh viên Mỹ học đờn ca tài tử
Huỳnh Kim

Tuần rồi ở Đại học Cần Thơ có ba sinh viên Mỹ học bốn tiết chuyên về đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là một phần nhỏ trong “học kỳ mùa xuân” của nhóm sinh viên Mỹ đầu tiên tới học tại Đại học Cần Thơ, gồm các môn về sinh thái và văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta: Natural and Cultural Ecology). Bốn tháng học, ngoài những giờ lý thuyết trong giảng đường, họ còn đi nghiên cứu thực địa nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long như Tràm Chim Tam Nông, Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Đốc, chợ nổi Cái Răng… Để hiểu thấu vùng đất này, họ còn đi học thực địa thêm tại đồng bằng sông Hồng và cả ở Biển Hồ Campuchia.

 

Tiến sĩ Dương Vân Thanh, giám đốc học thuật (Academic Director) thuộc Trường Đào tạo Quốc tế SIT - School For International Training (Mỹ), cho biết đây thuộc chương trình hợp tác đào tạo giữa SIT với Đại học Cần Thơ. Ba sinh viên sẽ làm tiểu luận kết thúc học phần này; và cô Thanh sẽ “trên từng cây số” với họ suốt học kỳ.

 

Trở lại chuyện họ học về âm nhạc truyền thống Việt Nam và riêng đờn ca tài tử Nam bộ. Một phòng học nhỏ của Bộ môn Văn - Khoa Sư phạm, có đàn bầu, đàn sến, đàn tranh, song loan, ghi-ta phím lõm… trước bục giảng. Giảng viên, thầy giáo Lê Đình Bích - nhà văn và cũng là người có khiếu hát hò. Phụ họa cho thầy Bích là chị Ba Tuyết và anh Hồ Phước, những người dân bình thường ở Cần Thơ mê đờn ca tài tử, ban đêm hay đi đờn ca trên du thuyền Tây Đô ở bến Ninh Kiều. Ba học trò, có hai cô gái: Gina Quiram (Đại học Gustavus Adolphus), Ashley Elliot (SIT) và chàng trai Philip Arthur Moore thuộc Rice University ở bang Texas.

 

Ba sinh viên này đã đi từ lạ lẫm tới say mê trước những tiếng đàn, câu hát sinh thành từ cái nền nhạc “vọng cổ” bài “Dạ cổ hoài lang” của cụ Cao Văn Lầu sáng tác ở Bạc Liêu từ năm 1918. Họ hiểu rằng “vọng cổ” là “mong được nghe (tiếng) trống” do rút gọn từ “Dạ cổ hoài lang”, tức là “Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng” chứ không phải “cổ” là “xưa”. Lạ nữa, họ biết rằng tiếng “đờn ca tài tử” lại có gốc từ chữ “Amateus” do người Pháp gọi từ thời Pháp thuộc vì người Pháp rất lạ khi thấy ở đâu người bình dân Nam Việt cũng biết ca hát với những ngón đàn điệu nghệ, dù bà con không được học nhạc chuyên nghiệp và dù họ làm đủ thứ nghề khác nhau.

 

Thú vị hơn, các bạn Mỹ hiểu rằng, cải lương (trong đó có vọng cổ) ở Nam bộ đã ra đời từ thuở lưu dân miền Trung đi mở cõi phương Nam. Và như lời thầy Bích: “Những sắc thái trang nghiêm của âm nhạc cung đình hòa với chất dân dã của bài chòi, xuân nữ… cùng tâm trạng của người rời bỏ quê hương, đã sanh ra vọng cổ”. Ba sinh viên Mỹ còn “nể” hơn khi biết, cây đàn sến ở phương Nam là thoát thai từ cây đàn nguyệt của phương Bắc và giờ đây cùng với cây đàn ghi-ta phím lõm và chiếc song loan, nó đã trở thành một “bộ tam” không thể thiếu trong bất kỳ một ban hát tài tử nào.

 

Các bạn Mỹ đã không hiểu nổi vì sao mình cứ vỗ tay hết sức “đã đời” mỗi khi chị Ba Tuyết hát dứt một câu trong sáu câu vọng cổ. Thầy Bích giảng giải: “Hẳn không có một loại hình âm nhạc nào trên thế giới có nét độc đáo, đáng yêu như vậy, dù cho người ta hát không hay cả bài vọng cổ”. Những câu chuyện thường ngày trong xóm làng cho tới những chuyện nhân tình thế thái xa xôi đều có thể dệt nên lời bài ca vọng cổ. Và vì vậy mà cũng không giống bất cứ hình loại sân khấu nào, người ta có thể đờn ca tài tử ở trong nhà, ngoài sân, trên đồng, dưới ruộng… chứ không nhất thiết phải xây rạp, dựng chòi làm sân khấu.

 

Giờ giải lao, cả ba sinh viên Mỹ thử khảy vài tiếng đàn tranh và hết thảy họ đều la trời than khó nhưng lại cười vang thích thú.

 

Thầy Bích kết thúc bốn tiết học: “Các bạn ra Trung, ra Bắc, vẫn có thể gặp người ta ca vọng cổ. Khác với quan họ, chèo, bài chòi… không lan tỏa vào phương Nam, thì cải lương của phương Nam lại lan tỏa ra Trung, ra Bắc. Còn sân khấu? Ngay trước mặt các bạn cũng là một sân khấu. Thầy giáo cũng thành ca sĩ. Và ngay chị Vân Thanh, người hướng dẫn của các bạn, lúc nãy cũng xung phong hát bài dân ca Nam bộ Ru Con theo tiếng đàn bầu đấy!”.

 

Trước khi ra về, ba bạn sinh viên này có ghi lại cho tôi mấy dòng “cảm tưởng” vui vui. Ashley Elliott: “Những ấn tượng này tôi sẽ lưu giữ cho cả cuộc đời tôi”. Philip Arthur Moore: “Tôi đã được học một phần độc đáo về đời sống và văn hóa Việt Nam. Có cảm tưởng, ở Việt Nam, mỗi ngày tôi có thể học được một điều mới lạ”. Còn Gina Quiram thì tỏ ra tâm đắc: “Âm nhạc này thật là đẹp. Lịch sử lan truyền vào Nam của âm nhạc Việt thật thú vị. Các loại nhạc cụ thì độc đáo và đầy tính nghệ thuật. Và ai cũng biết đờn ca một cách điệu nghệ. Tôi sẽ chia sẻ với bạn bè ở Đại học Gustavus Adolphus về cái món đờn ca tài tử này”.

 

Phần mình, tôi chỉ mong sao, hằng ngàn học sinh, sinh viên trong nước cũng có được những tiết học, nhất là cách học, bổ ích như thế này - những tiết học mà hai trường SIT và Đại học Cần Thơ đã bàn với nhau kỹ lưỡng từ hơn sáu tháng trước đây./.

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 3257
Ngày đăng: 04.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghĩa mẹ công cha - Diệp Hoài Lâm
Dòng sông bến hẹn - Văn Chí Mỹ
Vào lăng Viếng Bác - Lưu Mộng Long
Bông súng đồng quê - Trúc Linh
Chuyến xe Tây Ninh - Thanh Hiền
Quê mẹ - Trường Giang
Cau Hà Châu têm trầu Xuân Mỹ - Trần Lệ Hằng
Về với em yêu - Nguyễn Đổ Lưu
Cô bán đèn hoa giấy hồng - Viễn Châu
Dòng sông quê em - Huyền Nhung
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)