Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
752
116.010.307
 
Cây Đào Già Trước Sân
Trần Huy Đức

 

“Nếu không sắc thắm hoa đào

Mùa xuân xứ Bắc – Khi nào? Còn không?”

 

Những người già nhất làng kể rằng : Xưa kia, vùng đồi này trồng nhiều đào lắm. Ngày ấy, nơi đây hẻo lánh, nghèo xác xơ, đầy rừng rậm um tùm. Nhà ở vốn đã thưa thớt mà chỉ rặt một kiểu trình khuôn đất núi làm tường, còn mái lợp rạ. Cả làng không ai có nổi cái áo bông mặc rét. Mùa đông, đứng trên triền đồi nhìn xuống, bầu trời xám ngắt bao phủ cả một vùng hoang vắng, chỉ thấy cảnh đồng chiều cuống rạ tiêu điều, không một bóng người, thật là thê lương, ảm đạm.

 

Thế mà khi mùa xuân trở lại, ngoài mầu xanh non của ngàn cây, mầu xanh rờn phủ kín các ruộng lúa,người ta thấy sắc hồng của hoa đào nở bung , rực rỡ khắp vùng.

 

Những ông già hết co ro vì sưởi lửa suốt mùa đông, chui ra từ xó nhà ám khói, để gặp nhau bàn chuyện mở hội thi đào. Chả biết hội đào có từ thời nào, kể cả những năm mất mùa đói kém, hội vẫn tổ chức vào sáng ba mươi tháng chạp. Các cụ già tập trung ở sân đình làng từ sáng sớm để thắp hương vái lạy tổ tiên, làm lễ rước đào. Sau đó họ kéo nhau tới từng nhà một. Chủ nhà phải chuẩn bị sẵn chè nước để tiếp khách.

 

Lúc đó, không kể gì các cây đào trồng xung quanh vườn, còn đào thi phải trồng trên đất trước cửa chính nhà, cạnh mép sân. Mọi người ngồi quây quần uống nước, hút thuốc lào, có thể khoan khoái ngắm nó ngay trước mắt mà bình phẩm. Dưới trời mưa xuân nhè nhẹ, nếu có mấy người bạn tâm giao cùng biết văn chương thơ phú mà ngắm đào, ngẫu hứng nảy ý, sinh tình thì thú phải biết.

 

Nói về cuộc thi đào, mỗi người thi phải tự mình chăm sóc, tỉa nhưng không được phép gò uốn dáng thế, điều đó phải do thiên tạo. Mỗi cây mỗi vẻ thì cuộc thi mới có thể tìm ra những dáng đào mới của từng năm. Trừ những cành nhỏ, người chủ được tự ý tỉa cho bớt rườm, để tạo thế nhỏ gọi là “thảo tự”. Còn các cành to bắt từ gốc lên không được chặt đi quá ba lần. Các cụ tuân theo qui tắc từ xưa để lại : “Ba lần chặt đốn, mới có đào đẹp”.

 

Cái hay của cuộc thi là, ai đã tham gia, dù giầu nghèo, có học hoặc không, đều cố tự mình học hỏi mò mẫm, để làm sao biết được ít chữ nho, thì mới thú vị khi vui hội đào. Cũng vì vậy, vùng này nghèo thế mà dân xứ khác không dám khinh rẻ. Thậm chí, họ tỏ rõ sự nể trọng mỗi khi giao tiếp. Các cụ già thì luôn giữ tư cách đạo mạo để làm gương cho con cháu. Đời nọ truyền đời kia lòng hữu ái cũng như phẩm giá, không vì nghèo hèn mà tự bôi nhọ thanh danh.

 

Hàng năm, mỗi cuộc thi đào đều tìm ra một dáng thế trời cho. Các cụ già suy đoán để vận vào sự may mắn làm ăn trong năm của cả làng. Giải nhất sẽ trao cho ai trồng cây đào đẹp mà không dùng dao tỉa phát nhiều. Phần thưởng giản dị là mươi bánh chưng, cân giò lụa và một cút rượu ngon.Cây đào đó sẽ được cưa cả gốc để đưa về cắm trước sân đình. Đó là vật không thể thiếu trong nghi lễ trọng đại của làng vào sáng mồng một tết với tổ tiên. Người nào được giải sẽ lấy thế làm vinh hạnh lắm.

 

Đào có nhiều dáng, có thể kể sơ qua như : Trực, hoành, anh hùng độc lập, huynh đệ tương hòa, phúc lộc thọ… Nhưng không hiểu sao, nhiều người khí khái lại thích dáng “bạt phong, hồi đầu” (Đây là kiểu dáng cây đào chịu cảnh đè nén do mưa gió, bão táp nhưng vẫn hiên ngang ngẩng đầu, đối chọi với hoàn cảnh gian khổ).

 

Khi trồng đào thi, các cụ chăm sóc thật cầu kỳ, ngay từ lúc cây mới chỉ có dăm ba lá. Việc tưới tắm cũng phải xem cơ trời, không thể lúc nào cũng dội nước mà được. Cây mọc vống thì nguy. Bởi nó không tạo ra các cành uốn lượn khúc triết mà cứ tua tủa thẳng lên trời như chà rào vậy. Còn ai lười chăm, cây sẽ còi cọc, chẳng có sinh lực, khác nào thân phận kẻ nghèo đói, bệnh tật.

 

Ngoài cành to đòi hỏi dáng thế cầu kỳ, nhánh nhỏ phải đan quyện nhiều vẻ mới đẹp. Nhìn kỹ, ta thấy nó như những nhát phẩy diệu nghệ của một thần bút khi chơi thư họa. Thậm chí, khi đi quanh bốn góc mà ngắm, các cụ khám phá không biết bao nhiêu nét họa của chữ nghĩa, lấy đó làm tâm đắc, thú vị lắm.

 

Truyền từ bao đời nối tiếp, hội đào là một tục lệ của dân xứ này. Nó là hơi thở, máu thịt con người vậy. Nếu có người dân nào phải phiêu bạt tới nơi khác. Dù cuộc sống có khá giả dư thừa, nhưng khi đưa tay bóc tờ lịch cuối năm, người ta không khỏi bùi ngùi khi nhớ về quê cũ với những hội thi đào.

 

Cây đào nhà ông Thiền được trồng từ đời cụ Giáo. Nó là cây đào già cuối cùng còn sót lại của hội thi đào. Mấy chục năm loạn lạc, cùng với sự qui tiên của các cụ trong làng, hội đào cũng mất luôn.

 

Ông Thiền đứng im rất lâu trong hồi tưởng, có lẽ hơn tiếng đồng hồ, từ khi sáng sớm chưa rõ mặt người, bên gốc đào già cạnh hiên sân. Hôm nay khác hẳn mọi khi, ông dậy sớm và có cử chỉ lạ lùng thế.

 

Số là hôm qua, thằng Thắng, con trai ông đã mang máy ảnh về chụp hình cây đào từ bốn phía. Ông hỏi chụp để làm gì thì nó không nói, chỉ cười. Gặng mãi, nó lấp lửng hé lộ rằng sẽ trình bày sau cho ông một kế hoạch rất bất ngờ. Mặc dù chưa rõ ý đồ của con, nhưng ông mang máng hình dung một niềm vui gì đấy mà nó sẽ đem lại.

 

Thắng là đứa con duy nhất. Ông không hề băn khoăn vì Thắng đã thành đạt trên con đường doanh nghiệp, khi ông còn giữ hàm đại tá trong quân đội. Con trai ông học hành tu chí nhiều năm ở nước ngoài, khi trở về nước được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc ở một công ty quan trọng. Thắng đã có vợ và một đứa con trai kháu khỉnh, gia đình ở riêng bên phố. Ông phần nào mãn nguyện. Nhiều lần, Thắng nài nỉ mời ông sang phố ở cùng, nhưng ông không muốn. Ông không thể rời mảnh đất tổ tiên với bao kỷ niệm, cùng bổn phận phải coi sóc phần mộ những người ruột thịt.

 

Nếp nhà đây làm từ đời cụ thân sinh ra ông, vốn là thày đồ nho nổi tiếng trong vùng về sự uyên thâm cùng đức độ. Đến lúc nhắm mắt, xuôi tay cụ được lưu truyền là người nho nhã, thanh tịnh, ai cũng kính trọng.

 

Nhìn cây đào già còn đó, ông Thiền nhớ tới cha mình, lòng không khỏi bùi ngùi. Giờ đây, năm tháng đã qua đi, dư âm kỷ niệm xa lắc bỗng trỗi dậy trong lòng, hiển hiện rành rõ. Ông Thiền như thấy cha hóa thân từ cây đào, đứng sừng sững trước mắt và văng vẳng lời hàn huyên của cụ:

 

"Con ạ, mọi vật sinh ra từ cõi hư vô rồi lại trở về với hư vô. Khi tồn tại ở trần thế, con người nên lấy việc thiện làm gốc, đừng dối lừa man trá hãm hại người đời. Con cố gắng tránh né, đừng đối đầu những việc ác, bởi đó là ý trời. Còn thú vui thì tiêu khiển cùng sách vở, cỏ cây hoa lá, mây gió trăng sao thì tâm hồn sẽ được thanh thản. Con chớ ham hố điều gì thái quá, lợi bất cập hại. Việc đời mông lung lắm. Không ai tát cạn bể khổ được đâu. Đến các vị tiền nhân như Trương Lương đời Hán bên tàu, giỏi giang thông tuệ là thế, được vua ban ân sủng là thế, mà cũng tránh hết để ôm sách trốn vào rừng sâu sống ẩn dật nữa là…”

 

Đấy là lời dạy của cha, ông vẫn nhớ. Thế sự lại khác, cuộc đời nhan nhản thói vô luân hàm hồ, áp bức bất công đầy rẫy. Bọn quan lại cường hào bóc lột dân nghèo thậm tệ, không từ một thủ đoạn bẩn thỉu nào. Cái chữ “Thiện“cụ Giáo dạy không lấp hết nỗi khổ đau của người đời, không ban phát cho mọi sinh linh khốn khó. Còn vốn chữ nho của cụ, dù uyên thâm mấy cũng không dạy dỗ nổi nhân gian.

 

Đến đời ông không chịu yên phận nối nghiệp cha. Ông không dửng dưng trước thế sự để tận hưởng thú vui an nhàn. Ông Thiền đi kháng chiến. Ông muốn dùng sức chí trai rửa hận cho bao kiếp ô nhục ở đời và dựng xây xã hội là thiên đường thực sự.

 

Sau bao năm chinh chiến, gần bảy mươi tuổi ông mới về hưu khi đất nước tạm yên tiếng súng, với những huân chương chiến tích đầy ắp một ô ngăn kéo.

Từ cuộc sống binh nghiệp chuyển về đời thường, ông cảm thấy hẫng hụt, tròng trành như con thuyền chuyển lái trước cửa sông lớn vậy.

 

Về quê, nhìn mái nhà thân yêu khi xưa, tuy ấm cúng thật đấy nhưng ông cảm thấy nó quá nhỏ bé. Cột kèo tre gỗ sau bao chục năm đã hà hỗng , nứt nẻ, cần phải được tu sửa. Đó là dấu hỏi lớn, như cái móc nhọn hoắt , ngoắc chặt một cách đau đớn vào vùng tâm thức tự trọng của ông rằng : "Phải chăng cả cuộc đời binh nghiệp của ta chỉ nhằm giữ lấy những kỷ vật xưa cũ , đang bị thời gian xói mòn, gậm nhấm này ư”.

 

Vốn là người mang dòng máu nho gia tự trọng, ông Thiền không giống các đồng hữu khác. Ông không lăm le một chức vụ bổng lộc, đặc biệt ghê ghét thói bợ đỡ, xu nịnh. Lon đại tá là do chính chiến công và mấy chục năm quân ngũ tạo nên xứng đáng với ông. Ông luôn tự hào về cuộc đời mình đã nguyện cống hiến cho lý tưởng cao đẹp.

 

Bạn đồng liêu của ông, có người nắm giữ trong tay điều khiển một cơ đồ kinh tế lớn lao, lợi nhuận mang về cho họ bạc tỉ. Họ luôn khoe trước lớp con trẻ là thế hệ bộ đội cụ Hồ. Đối lại với họ, ông khác hẳn. Không còn cái thời cơm vắt ngủ rừng, cùng cụm lưng lúc sốt rét trong ổ lá khô và chia nhau củ sắn lùi như ngày xưa nữa. Vô tình, ông tự đẩy mình tránh họ một khoảng cách. Sự xa nhau do không gian, khác nhau bởi hành động từ chính lương tâm, ông xa họ luôn để hóa mình vào đời thường.

 

Từ khi trở về, ông dần dà cảm nhận cuộc sống khác hẳn. Từ việc phải quan hệ với các vị chức sắc địa phương, đến việc tận mắt chứng kiến sự lam lũ của người lao động, sự bon chen quyết liệt vì lợi nhuận, dù chỉ là tí tỉnh, trong thâm tâm ông cộm một nỗi buồn. Ông thừa nhận mình bắt đầu bất lực. Ông muốn chống lại nó bằng hành động cụ thể nào đó nhưng cảm thấy khó quá.

 

Sáng nay ông dậy sớm, đứng ngắm cây đào mãi không chán. Mưa xuân lây rây thấm ẩm cái áo bông cũ bạc phếch, khoác trên tấm thân già nua. Ông hơi húng hắng ho. Ông cúi xuống, dán mắt vào từng cái mấu xù xì phía dưới, rồi ông lại ngẩng lên nhìn trên cao, là nơi có những chấm ruồi của chồi nụ mập khỏe, dầy dít như những hạt ngô non mới nhú, báo hiệu cây đào sẽ đua hoa khoe sắc vào ngày giáp tết. Chả là còn mươi ngày nữa mà.

 

Cái gốc đào già phải to hơn bắp vế một thanh niên lực lưỡng, trải qua bao nắng mưa dãi dầu, nó được thiên nhiên ban cho dáng vẻ phong trần kỳ ngộ mà không một nghệ nhân tài ba nào có thể tạo ra được. Ông nhìn vẻ khắc khổ già cằn của gộc đào, liên tưởng tới mầu xanh nhú lá, mầu phớt hồng tinh khôi của cánh hoa sẽ nở, một sự tương phản kỳ thú, một qui luật đối xứng của tạo hóa, giữa già và trẻ, giữa sống và chết, giữa khổ đau và hy vọng. Mà sự sống cùng niềm hy vọng thì vươn cao mãi, bất chấp gió mưa của thời gian dập vùi. Cây đào đứng đó như minh chứng về sự trường tồn của bản lĩnh tích tụ ý thức nhân văn mà ông cha tạo dựng muôn đời. Nó giống như một nhà hiền triết già vậy.

 

Ông Thiền rưng rưng cảm nhận sự thâm thúy của thú chơi đào mà thế hệ cụ thân sinh để lại. Ông ân hận vì bao năm tháng chiến chinh đằng đẵng, đã quên nó, may mà bây giờ nó vẫn sống. Ông tự nhủ sẽ đem hết tâm huyết còn lại để gìn giữ nó và mong một lúc nào, hội thi đào sẽ được tái hiện trên mảnh đất này. Ông coi đó là việc làm có ý nghĩa nhất trước vong linh cha mình.

 

Được bàn tay ông nâng niu, sức sống cây đào trỗi dậy lạ thường. Bây giờ, nó là niềm vui âm thầm của ông. Ông nhớ không biết bao nhiêu buổi sáng tiết trời đông lạnh giá, ông ngồi bó gối tư lự bên chén rượu suông, nhìn mưa phùn giăng giăng trước sân, đọng giọt trên cành đào khẳng khiu, mốc thếch vì đã trút hết lá, chỉ còn vài vỏ sâu kèn dính tơ, khẽ đung đưa một cách vô duyên trên những nhánh mảnh nhất. Lâu lâu, nước mưa đọng thành giọt, tí tách rỏ xuống dưới gốc, nghe như giọt lệ từ khóe mắt người vô hình, ẩn hồn vào cây đào, đang khóc thầm, nuối tiếc cho một thời xa vắng lắm. Ông thương cây đào và cùng nó đợi chờ mùa xuân đến. Lúc ấy, mưa phùn sẽ nhường chỗ cho mưa xuân nhè nhẹ ấm áp, chẳng khác gì cái hôn êm dịu, hữu tình của hồn trời với con người cùng vạn vật. Sắc trời nhợt nhạt, u ám của thần sầu mùa đông phải chạy trốn trước ánh thiều quang rực rỡ. Cây đào của ông dần hé nụ và tỏa ra sinh khí kỳ lạ, hòa sắc với trời cũng như an ủi con người. Nhiều lần, ông ngắm không chán mắt những con chim lích chích chuyền cành, nghiêng cái mỏ nhỏ xíu để bắt sâu trong kẽ lá. Tâm trạng ông ngây ngất như một đứa trẻ. Ông tự nhủ, xã hội đã chăm nom tạo dựng chu đáo đứa con ông đến thành đạt, tổ tiên để lại cho ông gốc đào tuyệt tác. Thế là quá đủ với một thân già mang nền nếp nho giáo như ông. Còn cần gì nữa. Ý nghĩ an ủi đó làm nguôi ngoai nỗi buồn của ông khi nghĩ tới nhân tình thế thái.

Càng gần tết, hoa nụ phô nhiều càng khiến cây đào nhà ông đẹp nức tiếng. Cái dáng bạt phong hồi đầu mà cụ Giáo cất công gìn giữ từ xa xưa, thật là không uổng. Thời gian càng lâu, thân cây càng cong queo xù xì, dáng thế càng trở thành ẩn hồn trác tuyệt. Trong vùng, mọi người biết ông chăm quí cây đào đến nỗi họ tưởng ông lẩn thaanrn nên không gọi ông bằng tên cúng cơm nữa mà gọi chệch là đại tá Đào. Ông coi những kẻ bình phẩm cây đào rồi qui ra tiền, là loại người không xứng được pha trà mời nước. Ông thẳng thừng từ chối lời gạ gẫm của những tay buôn đào , ngày nào cũng lảng vảng cạnh bờ dậu nhà ông. Quả thật, tình yêu cây đào đã ngấm vào máu ông. Nguồn cảm hứng lâng lâng chỉ có ông ngầm biết. Ông không quen khoe khoang, nhưng thật tâm đắc khi có người cảm nhận vẻ đẹp của nó một cách chân thành. Thậm chí có lần, ông đã xốc áo ra đi, cơm nắm muối vừng hàng tuần lễ, để giúp xin cho đứa cháu một ông già, được về làm văn thư ở bộ tư lệnh quân khu, chỉ vì ông già này sau khi đến chơi đã tấm tắc ngợi khen, ngắm nghía cây đào mãi, lại còn giảng giải rành rõ về dáng thế và ước đoán đúng tuổi cây đào. Đã vậy, ông ta còn tuyên bố chắc nịch: “Là tôi, cây đào này ai trả đắt bao nhiêu và có chết vì nghèo, tôi nhất quyết không bán”.

 

Ông Thiền coi tình yêu thiêng liêng của tôn tộc tổ tiên gắn chặt, hòa quyện với tình yêu cây đào. Mỗi khi có việc đi xa, ông luôn bồn chồn khi nghĩ tới nó, chẳng khác gì đứa con lo lắng cho người cha già vậy.

 

Cây đào đã thổi vào cơ thể, tâm linh ông một nghị lực khác thường, khiến ông vui sống. Ông không làm phiền con cái, cho dù chúng dư dả và hiếu thảo.

 

Mỗi khi Thắng đánh xe đưa vợ con về thăm, ông Thiền nhìn vóc dáng nhanh nhẹn của anh cùng trình độ mọi mặt về cung cách làm ăn thời mở cửa mà anh nói, ông tin con trai mình sẽ làm nhiều công việc trọng đại cho đời.

 

 

Hai mươi tám tết, không khí rộn rịp của ngày cuối năm đã bốc men say tất thảy. Thiên hạ nô nức sắm sanh .

 

Đây là chốn thôn quê, chứ ở thành thị thì phải biết.

 

Ông Thiền dùng vôi viết dòng chữ to tướng vào mặt sau chiếc nia cũ : “Không bán đào, xin các vị đừng hỏi.”, rồi để ngay cổng. Thế mà ối kẻ vẫn sán vào, xin ông cho ngắm thôi. Sau một lúc, họ lại tòi ra lời hạ gẫm, nằn nỉ. Vốn tính trầm tĩnh nhưng ông Thiền cáu lắm. Sau vì mệt, ông quyết không tiếp họ nữa và cài chặt cổng.

 

Bởi như cô gái đẹp, dù chỉ thấp thoáng sau hàng dậu, sắc hồng đầy quyến rũ của hoa đào vẫn kiêu hãnh phô ra trước mắt mọi người. Những ngày này, ông vừa khoái nhưng cũng lo lắm. Lo là vì ông sợ ban đêm, có kẻ nào đó đang rình rập, rắp tâm lấy đi vĩnh viễn cây đào của tổ tiên. Vì thế, đêm nào ông cũng thấp thỏm, ngày lại mệt do phải trả lời. Ông cảm thấy thể trạng hơi khang khác, huyết áp tăng.

 

Vào khoảng gần trưa, Thắng bất ngờ xuất hiện một mình. Thấy con tươi hơn hớn, ông vui lây. Sau khi khuân đồ sắm tết vào nhà, anh mời bố ngồi ghế, rồi hồ hởi nói chuyện:

 

- Bố ơi, con mang bộ com lê biếu bố đây. Để ngày tết bố đi thăm bạn bè. Thợ may khéo lắm bố ạ. Họ nể con nên giao hàng đúng hẹn, chứ người khác thì chưa chắc. Công việc ngày tết bộn lắm.

 

Ông Thiền nhìn con mãn nguyện, chỉ còn biết gật đầu “Ờ…Ờ“

 

- Sang năm, con quyết xây định xây nhà cho bố trên nền đất này.

Mắt Thắng sáng lên, rọi thẳng vào khuôn mặt hốc hác của bố. Anh nói chậm rãi từng tiếng một để cho cha mình có thể sung sướng hưởng thụ âm thanh ấy. Đó là sức bật trai trẻ cùng niềm tự hào, hưng phấn :

- Một – tòa – biệt – thự - bố ạ. Con phải tìm kiến trúc sư giỏi trên Hà nội, thuê họ thiết kế. Không những chỉ có nhà, còn có cây xanh trồng theo cho hợp cảnh quan, Tất cả các mẫu nhà trong vòng bán kính vài chục cây số từ đây sẽ không sánh kịp. Con muốn đền đáp công ơn bố lúc già.

 

Ông Thiền sướng quá, ngẩn người, lòng rạo rực khác thường. Ông khẽ khàng hỏi con:

 

- Mày phác qua để bố hình dung nào. Mà tiền nhiều như thế thì ở đâu ra kia chứ?

 

- Ồ, bố khỏi lo. Mọi việc đã đâu vào đấy rồi. Ra giêng con sẽ khởi công ngay. Bố chỉ việc xem xét. Con đã cắt cử chuyên môn kỹ thuật giám sát. Bố không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì. Con sẽ xây ba tầng.

 

Ông Thiền trố mắt :

 

- Ba tầng cơ à?

 

Thắng tiếp luôn :

 

- Vâng ạ. Mỗi tầng năm phòng. Hệ thống vệ sinh cao cấp đầy đủ. Con mắc sẵn mạng điện. Chỉ sang năm là lưới điện phủ đến vùng ta thôi.

 

Ông Thiền dè dặt :

 

- Nhưng con xây to thế để làm gì? Ai ở? Thực lòng bố cảm thấy không cần thiết. Xung quanh mình còn bao nhiêu người nghèo khổ, đến lo hai bữa cơm còn toát mồ hôi mà vẫn chưa đủ…

 

- Rất cần bố ạ. Con muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng con trai bố đã có đầy đủ sức mạnh trí, lực. Con không thể chịu được khi những người bạn bố họ hơn hẳn bố.Rồi họ sẽ phải đến với bố. Họ phải biết kính nể bố. Cuộc đời bây giờ là vậy. Một cuộc cạnh tranh bất tận.

 

Nghe đến đó, bất giác ông Thiền nhìn ra cây đào trước mắt. Lòng rưng rưng cảm động, ông ngập ngừng :

- Thế cái sân này còn phải cơi rộng nữa con nhỉ?

 

Thắng càng hồ hởi :

 

- Chắc chắn như vậy, bố ạ.

 

- Bố mừng lắm. Bố không ngờ con lại có thể làm được điều mơ ước suốt từ đời ông nội đến nay. Con thực xứng đáng. Thời đại quả là mĩ mãn. Bố giao cho con toàn quyền định đoạt. Bố tin ở con. Con này, nếu thế hãy xây cho cây đào một cái bồn rộng, nó sẽ ở giữa, thế càng hợp lý. Cây đào của ông con hẳn sẽ rất đẹp vào mỗi mùa xuân. Vong hồn ông đắc nguyện lắm.

 

Nói rồi ông Thiền rưng rưng nước mắt. Con ông bỗng trở nên bối rối :

 

- Không được đâu bố ạ. Cây đào tuy đẹp thật nhưng sẽ bị phải chặt đi.

 

Ông Thiền giật nảy người quay lại :

 

- Sao? Chặt à ?

 

Thắng trở lại điềm tĩnh :

 

- Vâng, phải chặt bố ạ.

 

Ông Thiền thảng thốt :

 

- Không được ! Con muốn làm gì tùy ý nhưng không được phép đụng tới cây đào. Bố cấm con!

Ông quát gần như ra lệnh. Đã hơn chục năm rồi, ông mới lại sử dụng điệu bộ quân ngũ gay gắt đến như vậy, điều mà buộc phải biểu lộ giữa những giây phút căng thẳng của chiến trận. Thắng ngớ người. Anh hoàn toàn bất ngờ trước tầm quan trọng của sự việc.

 

- Con không thể hiểu được bố ạ. Con sẽ trồng các hàng chậu cây cảnh đắt tiền, lồng chim quí hiếm, bố tha hồ chăm sóc.

 

- Tao cóc cần! tao tưởng mày quá hiểu tao chứ?

 

Ông quát thực sự.

 

Thắng co giọng lại :

 

- Có gì đâu bố, đó chỉ là cây đào già. Những cây đào khác trồng một thời gian lại nở hoa thôi, dễ không ấy mà. Đào nào cũng vậy cả. Sao bố cứ khư khư giữ mãi quan niệm cổ lỗ thế. Làm sao tiến triển được. Con thực không ngờ.

 

Nghe tới đó, ông Thiền bèn gầm lên :

 

- Đồ láo! Đồ vô tình! Tao…

 

Nhìn sắc mặt bố tái đi, Thắng không dám nói nữa. Anh đứng dậy đi ra ngoài sân, dáng điệu vừa bối rối, vừa bực bội. Từ trong nhà, ông Thiền giận run người :

 

- Từ trước tới giờ, tao cứ nghĩ chỉ có bọn bất lương vô học bên ngoài mới làm tao bận tâm , nhọc sức để canh giữ nó. Hóa ra kẻ đó bây giờ chính là mày. Thật là nuôi ong tay áo. Thì ra hiểm họa mọc lên từ chính giữa nhà này mà tao không biết. Tao thật không ngờ!!!...

 

Thắng đỏ mặt quay lại:

 

- Bố hiểu sai con rồi. Con làm đây là vì đại gia đình, có phải riêng quyền lợi ích kỷ của con đâu. Sao bố lại qui kết cho con như vậy. Bố cũng nên hiểu con chứ.

 

Ông Thiền quá giận, chỉ biết nắm chặt hai tay ghế và muốn bóp nát nó. Mắt ông như lồi ra nhìn thằng con rồi rên rỉ:

 

- Giời ôi ! Mày! Tao không ngờ!.

 

Ông lắc lắc cái đầu. Dáng điệu vô cùng đau khổ và thất vọng.

 

Thắng không dám nói nữa. Anh đi đi lại lại trước sân. Khuôn mặt lộ vẻ đăm chiêu bế tắc. Thực ra, anh không ngờ sự việc lại diễn biến như vậy.

 

Số là ông tổng giám đốc, sếp của anh, một người “máu mê“ thực sự. Với ông ta, ngày tết không có cành đào cắm trang trí trong nhà thì quả là khiếm khuyết, mà đào phải cực đẹp. Ông có hàng tá dây đèn nháy ngoại dùng để  “phi dê“ cho đào. Đó là cách nói vui bông phèng của ông khi ngẫu hứng. Ông ta tiếc gì “tiền chùa” khi mua đào. Nhiều năm, khối kẻ buôn đào nhờ ông mà sắm cho vợ con được cái tết tươm tươm. Ông sang đến nỗi, cho dù đã cắm đào đâu vào đấy rồi, nhưng hễ có cành khác đẹp hơn là ông thay liền. Ông khét tiếng chợ đào hàng tỉnh vào dịp tết. Thắng nghĩ, căn phòng của sếp sẽ rực lên đến cháy lửa nếu có cây đào này. Chẳng là trước đây một tháng, trong lúc hoan hỉ tán chuyện tết tư, sếp chìa cho thắng xem từng bức ảnh , để khoe đủ kiểu dáng cành đào mỗi năm. Vừa xem, anh vừa hình dung mỗi ảnh là một vũ nữ đào trong trò chơi mà sếp vẫn mê mẩn. Một tia chớp lóe sáng trong óc anh: Đây là cơ hội dâng tiến hiếm hoi, tuyệt cú mèo.

 

Được ân sủng trong đám cận thần, bởi anh vơ về cho sếp hàng tỉ lợi nhuận trong các phi vụ làm ăn ( Tất nhiên, anh không quên phần mình ). Sếp tin vào tài tháo vát và kín đáo của anh. Anh là cái bóng của sếp. Khi nghe tin phong thanh rằng sang năm, sếp sẽ lên chức cao hơn trên bộ, ai sẽ được vinh hạnh đặt vào chỗ sếp ra đi ?. Anh thì xứng đáng nhưng lại sợ ảnh hưởng bị hạn chế. Bố anh chỉ là đại tá về hưu, không quen khom lưng quì gối, mà đời bây giờ thì…

 

Mấy địch thủ của anh, chúng nó có ô rất lớn từ trên cao. Anh sợ cơ may tuột khỏi tầm tay. Phải làm thế nào đây để sếp sủng ái hơn nữa và cố giúp anh ngồi vào ghế của người. Tiền ư? Sếp có quá nhiều. Chỉ có gia tài của Thạch sùng sống lại mới làm cho mắt sếp lóe sáng. Còn tất cả những thứ khác chỉ rặt là những chuyện cà mèng ấm ớ. Trong cuộc đấu này, Thắng đã tìm được kẽ hở: Thú vui của sếp – Đào hoa xuân!

 

Đây là cơ hội ngàn năm có một. Anh đã lách vào kẽ hở đó khi trình sếp bốn bức ảnh chụp cây đào nhà. Sếp sướng rơn. Trong cơn sướng, sếp bá vai hôn anh ngoạn mục và thủ thỉ:

 

- Chú thực xứng đáng. Anh sẽ giúp chú tiến xa hơn nữa.

 

Cây đào già là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy cái cốc chứa niềm hoan hỉ nơi sếp, nó là vật hy sinh để tế thần. Thế mà hôm nay anh không ngờ đã vấp phải bức tường thép bởi sự bảo thủ cố cựu của bố anh. Ôi cái chất nho gia khốn khổ, không hề thích hợp với thời đại mở cửa một chút nào cả. Nhưng giữa cây đào với mọi ngả con đường công danh thênh thang rộng mở cùng lợi nhuận gặt hái, cái nào hơn ? Vả lại, anh đã hứa rồi, đừng có đùa với sếp. Nghĩ đến đó, anh cảm thấy vừa giận vừa thương bố. Giận là vì anh không thể hiểu nổi cái chất uyên thâm, nho nhã mà bố anh hấp thụ từ ông nội. Cũng đúng thôi, anh được tiếng là lọt lòng từ cái nôi một gia đình có học theo nho giáo, chuẩn mực nền nếp. Nhưng vừa mới lớn, anh đã được du học theo văn hóa châu Âu rồi. Anh chưa một lần ngó đến sách thánh hiền của ông nội gìn giữ để lại. Còn anh thương bố vì ông suốt đời hy sinh, đã được hưởng thụ một chút gì đâu. Anh có được ngày hôm nay là bởi ông đã nằm xuống , làm bậc thang để anh bước lên. Có thể cây đào là nguồn vui tuổi già với ông. Nhưng tại sao ông không thể hy sinh phần còn lại để cho con cháu đổi lấy những thứ cao sang hơn, vĩnh cửu hơn, thời đại hơn được nhỉ?

 

Thắng quay lại lấm lét nhìn bố. Anh giật mình thấy ông tiều tụy ghê gớm. Anh đánh bạo nói như phân bua :

- Thưa bố, con quả thực không ngờ. Nhưng… con đã trót hứa với người ta rồi.

 

- Ai?

 

- Sếp của con ạ.

 

Nghe thấy tiếng “sếp”, ông Thiền càng điên tiết vì cái âm thanh ấy nghe nó vừa thời thượng một cách sượng sùng, vừa có vẻ “Pháp thuộc” thế nào ấy. Ông thét gần lạc giọng:

 

- Hót đi tất cả các loại sếp của bọn mày, bọn tham nhũng sâu mọt, bọn cơ hội xâu xé bất lương, bọn giả danh… bọn…

 

Ông ức quá không thể nói tiếp được và thấy lồng ngực bị bóp nghẹt. Ông không cố nổi.

Đúng lúc đó, từ trên triền đồi này, Thắng nghe thấy tiếng còi tín hiệu của chiếc ô tô đang chờ sẵn để chở cây đào đi. Người lái xe dáng chừng sốt ruột lắm. Một thực tại hiện ra trước mắt Thắng : Hôm nay là ngày hai mươi tám tết. Chiều tối nhà sếp phải có đào. Lòng đầy bối rối và đau khổ, anh nhìn nhanh dáng điệu ủ rũ của bố nơi ghế. Ông đang gục đầu nhưng anh không biết bố bị cơn sốc quá mạnh. Cơn sốc của người già uyên thâm , từng trải nhưng thất thế.

 

Tiếng còi ô tô lại sốt ruột bấm liên hồi. Lòng Thắng rã rời, nhưng bản lĩnh quyết đoán của người sành sỏi kinh tế thị trường đã khiến anh mau chóng đi tới kết cục. Thôi thì…

 

Anh phăm phăm vào bếp lôi ra con dao phát rừng, rồi hơi ngần ngừ một tích tắc nhìn bố. Tiếng còi ô tô lại cất lên như dấu hiệu định mệnh của cây đào già. Thắng cố can đảm nói to để bố mình nghe thấy :

 

- Bố hãy tha lỗi cho con !

 

Ông Thiền đang trong tình trạng đau đớn gần hôn mê. Cơn huyết áp tăng đột ngột khiến tính mạng ông trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. con trai ông không hề biết. Ông Thiền láng máng nghe mấy câu xin tha lỗi. Ông không thể điều khiển nổi cái đầu quay ra với con ông nữa. Ông hơi nhẹ lòng. Đúng lúc đó, Thắng vung dao :

 

- Phập ! Phập ! Phập ! ! !

 

Ông Thiền giật nảy người. Ông tưởng tượng mỗi nhát chém nhằm vào ông. Trong hôn mê, ông đau đớn quằn quại. Ông định vùng chạy mà không cất bước nổi. Cả thân ông như dính rịn xuống ghế, nặng trĩu.

 

Ông thét kêu cứu nhưng chả có ai hết. Mỗi một nhát “phập”, ông thấy máu túa ra. Bầu trời trước mắt ông hoa lên những quầng đỏ lòm. Thằng con vẫn cầm dao phang thẳng vào ông chậm rãi từng nhát một. Lạ chưa, mắt nó trợn lên nhưng ứa đầy lệ. Ông có cảm nhận rất mơ hồ rằng tại sao nó lại khóc khi quyết tâm giết mình nhỉ ? Ông có thét nhưng sợi dây nằng nặng nào đó trong cơ thể bỗng đứt phựt. Ông bay bổng lên trời như một sự siêu thoát. Ông chính thức bay vào cõi vĩnh hằng.

 

“Phập !...Phập !...Phập !...” Những nhát chém chắc nịch, ghê rợn đã chậm lại vì Thắng thấm mệt. Tạm nghỉ, anh đưa cánh tay còn lại quệt dòng mồ hôi chảy dài trên trán. Thắng hơi bần thần nhìn những dăm gỗ tươi rói văng tung tóe xung quanh gốc cây và tự nhủ có lẽ phải lấy sức chặt lúc lâu nữa mới hạ gục được nó.

 

Bỗng một tiếng động vang lên trong căn nhà, nghe nặng nề như sự đổ vỡ. Thắng giật mình quay lại nhìn bố. Thật không ngờ, bố anh đổ gục cùng cái ghế, sóng xoài. Một vũng máu ộc ra từ mũi và miệng. Mắt ông trợn trừng, bất động.

 

Thắng đã hiểu. Anh quăng dao rồi luýnh quýnh vùng chạy qua sân, cúi xuống người cha. Anh không tin vào mắt mình : Bố anh đã chết.

 

Anh vò đầu, bứt tai, tự đấm ngực thùm thụp rồi nức nở nghẹn ngào :

 

- Cha ơi, hãy tha lỗi cho con. Con hoàn toàn không bao giờ muốn thế!

 

Ôm xác cha lay mạnh, anh rung người tuyệt vọng giữa chuỗi nấc nghẹn ứ dồn. Từ phía dưới đường, tiếng còi ô tô đợi chờ đầy sốt ruột , vẫn bấm “Pim…Pim” liên hồi, nghe thật xót xa, tàn nhẫn, dửng dưng…

 

Sau cái chết đột ngột của ông Thiền, hơn một năm trôi qua trong nặng nề bởi sự ám ảnh tang tóc. Nhưng trên mảnh đất ấy vẫn mọc lên ngôi nhà đồ sộ nhất vùng. Những người lạ khi đi qua miền này, từ xa ai cũng nhìn thấy nó nổi bật giữa vùng sơn cước mà không khỏi thốt ra lời trầm trồ thán phục. Bây giờ, lưới điện đã phủ kín, nên ban đêm ngôi nhà hắt ánh đèn sáng trưng, rực rỡ như một tòa lâu đài nguy nga. Nó gợi cảm niềm mơ ước cho bao đôi mắt hướng về. Những người vô tư không hiểu được bi kịch đã xảy ra phía trong vẻ dẹp chất ngất, tráng lệ ấy.

 

Nhưng với con mắt tinh đời của các bậc cao nho trong làng thì sự việc khó giấu nổi. Họ chỉ cần đưa mắt ý tứ hỏi nhau trong im lặng và cảm nhận khi nhìn những vết chém nham nhở dưới gốc đào. Dù có kẻ đã lấy đất bôi xóa đi.

 

Trong mấy xuân liền, cây đào già như đau đớn nghẹn ngào không bung hoa ra nổi. Nó bị chột đi vì vết thương quá nặng hay là nỗi nhớ tiếc con người đã chăm nom vun gốc nó. Tuy ngơ ngác nhưng nó vẫn cố sống. Lâu dần, dù dòng nhựa mãnh liệt trong thân giống ĐÀO XỨ BẮC đã dâng lên, khiến lớp da non xung quanh vết chém đầy dần, nhưng vẫn không làm sao xóa sạch thương tích vẫn há ra , ứ nhựa đỏ như máu, chẳng khác gì lời tố cáo sâu sắc và thường trực cảnh báo nguy cơ bị tiêu hủy. Có lẽ phải một thời gian rất lâu nữa, cây đào mới đơm hoa cháy bùng trở lại. Dù thiên tạo có tha thứ và con người đang sống trên mảnh đất đó biết hối hận mà chăm sóc nó , thì chứng tích vết sẹo ở gốc cây vẫn hiển hiện rành rành.

 

Rõ ràng, mỗi mùa xuân, tòa nhà đẹp lên rất nhiều bởi sắc hồng thủy chung, kiêu hãnh của nó.

 

Nỗi đau thổn thức, dằn vặt mãi trong đáy con tim Thắng. Cái sự đó dày vò không nguôi, khi bao đêm ròng anh mang sách của ông cha ra nghiền ngẫm. Vào ngày giỗ, Thắng tần ngần mãi bên những tấm huân chương của cha mình và ôm mặt khóc rưng rức. Mấy đứa con anh giật mình, giương đôi mắt ngây thơ nhìn bố nó. Chúng không hiểu nỗi đau trong lòng anh ghê gớm đến nhường nào.

 

Thắng bảo vợ con giúp anh trồng thêm nhiều cây đào mới quanh vườn nhà. Anh hy vọng lớp cây này sẽ nở hoa rộn ràng cùng với gốc cây đào già khi mùa xuân đến. Và cảnh đẹp hữu tình sẽ làm anh nguôi ngoai phần nào. Một lần, anh câm nín sững sờ khi bất chợt đứa con trai chỉ tay vào vết chém dưới gốc cây đào tổ và hỏi:

 

- Bố ơi, tại sao lại có những vết chặt này ? Ai đã làm việc đó hả bố?

 

Thắng giật mình như bị sét đánh. Anh choáng váng, mặt tái đi, mồ hôi tuôn ra đầm đẫm. Anh không có đủ can đảm trả lời con và cố tình lảng tránh.

 

 

Sau nhiều lần điều đình, những người bạn vong niên của ông Thiền không làm sao thuyết phục nổi mấy vị chức sắc trong ủy ban xã để đưa hài cốt ông an táng vào nghĩa trang liệt sĩ. Bởi một lý do rất đơn giản: Ông chết bệnh như người bình thường chứ không phải hy sinh trong lúc chiến đấu. Họ đành ngậm ngùi cùng gia đình đưa ông đặt lên lưng đồi cao, cho quay mặt xuống con đường liên xã rộng mênh mông tới mãi bờ đê giáp con sông lớn. Họ nghĩ cứ để vong hồn ông thanh thản như thế với thiên nhiên đầy nắng và gió cùng những đêm trăng mát rượi, rì rào tiếng lá reo trong ngàn cây hoang vắng, thế là đủ lắm rồi../.

 

 

Trần Huy Đức
Số lần đọc: 1438
Ngày đăng: 18.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thềm nắng - Quế Hương
Từ Cuộc Đời Đến Trang Văn - Trần Minh Nguyệt
Buổi Sáng, Vườn Cây Chim Hót - Nguyễn Trung Dũng
Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm - Quế Hương
Tôi, Kẻ Nhiều Chuyện - Ngô Văn Cư
Quả Bóng - Lê Văn Thiện
Phố Hoài - Quế Hương
Trước lúc lên đường - Hoàng Mai
Bà mụ của búp bê - Quế Hương
Đời Xin Có Nhau - Nguyễn Trung Dũng
Cùng một tác giả