Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
447
116.586.801
 
Ga Xép
Quế Hương

 

Mười phút nữa chuyến tàu vét chuyển bánh ngoài kế họach mới khởi hành mà sân ga đã vắng lặng. Chẳng mấy ai còn thì giờ đưa tiễn nhau vào lúc năm cạn đáy. Đi lẻ tẻ, hành khách lặng lẽ tìm chỗ. Người đồng hành ngồi sát bên anh sùm sụp trong chiếc khăn quàng màu trắng. Chị đi một mình, không hành lý. Đối diện là một anh chàng nhỏ con dáng vẻ bồn chồn. Khoang tàu chỉ có vẻ nhộn lên khi hai cặp rất trẻ, rất mô- đen cùng bước lên. Ba lô con cóc, đồ hiệu, giày đinh, tóc nhuộm. Bốn đứa đề nghị ông già đang ôm khư khư trong lòng cái bị lát ló một bó hương to tướng và mấy đòn bánh tét qua ngồi với anh chàng nhỏ con rồi hai cặp chiếm hai ghế.

 

Con tàu đã băng qua đêm tối hai tiếng và cũng ngần ấy thời gian người đồng hành ngồi sát bên anh không thay đổi tư thế lẫn hướng nhìn – dán người vào cửa, thò đầu ra ngoài, chiếc khăn quàng mỏng phập phồng trên vai như cánh bướm.

 

- Thò đầu ra ngoài nguy hiểm lắm ! – Anh nhắc.

 

- Dạ.

 

Lại tiếng “ dạ “ nhẹ như hơi thở ấy ! Ngỡ nhu thuận mà vẫn cứ khăng khăng. Dường như chị xây một bức tường ngăn cách anh bằng những tiếng “dạ”. Không còn trẻ, cũng không hấp dẫn, người đàn bà có một vẻ khép kín không thể thấm qua. Thế nhưng anh không phủ nhận chính nét mặt buồn bã xanh xao, dáng vẻ cô đơn lạc loài cũ kỹ kia đã khiến anh chú ý. Nó gợi liên tưởng đến một bản nhạc cổ điển không lời nhưng rót đầy mênh mông.

 

Lạnh. Luồn vào tận trong khoang không chỉ vì cái rét cuối tháng chạp. Dường như nó toát ra từ những con người nằm ngồi lặng lẽ, mệt mỏi, chẳng thèm bắt chuyện với nhau cho quên đường dài. Ngay cả hai cặp bụi ở tuổi ăn, tuổi nói mà cũng uể oải câm lặng. Anh chàng ngồi bên phải nhuộm bạch lọn tóc mái. Món tóc “ bạc” lòa xòa xuống vầng trán căng bóng trông thật buồn cười. Thỉnh thoảng ông trẻ lại đưa tay vuốt ngược lên để nhúm tóc trắng rạp mình trên mớ tóc đen dày kịt. Cô nàng nằm gối đầu trên đùi thì chơi màu nắng vàng hoe. Chiếc quần jeans CK đắt tiền khóet không thương tiếc một trái tim to tướng nơi đùi để lộ một mảng da tai tái vì lạnh. Cặp đối diện cũng mô – đen hết biết nhưng dáng vẻ như bánh tráng nhúng nước. Chàng ngáp liên tu bất hồi, còn nàng thỉnh thoảng lại thì thào hắt ra :” Phòng  121 chết tiệt !” ([1]) - “ Quên nó đi !” – Chàng cáu.

 

Anh rời mắt khỏi hai đôi non chọet mà đã nhuốm bụi đời mỏi mệt kia, nén tiếng thở dài rồi khép mắt lại. Gió đêm đang ra sức giằng giật mớ tóc dài của người đàn bà bên cạnh, làm rối tung nó lên rồi quất túi bụi vào mặt anh. Thoạt đầu anh khó chịu rồi dần nhận ra cái cảm giác khó tả từ những sợi tóc nổi loạn kia. Chúng đâm anh nhoi nhói bởi một mùi hương xa ngái…Anh nhớ đến cọng cỏ Thùy vẫn thích ngậm trên môi rồi nhâm nhi trong miệng .

 

- Em là loài ăn cỏ !

 

- Ừ, kiếp trước em là bò. Bò có đôi mắt đẹp và chỉ ăn cỏ. Không nhậu, không  làm khổ đàn bà.

 

Trời bỗng trở gió. Vi vu rồi vù vù. Cỏ cây  xỏa tóc man dại như những linh hồn vật vã đòi mạng.

Hành khách đang ngủ gà ngủ gật choàng dậy. Tiếng người ném ra :

 

- Kéo cửa lại !

 

- Đóng lại chị nhé ! Gió quá !

 

- Dạ .

 

Thấy tiếng dạ lần này có vẻ hợp tác, anh nói bâng quơ :

 

- Nghĩ cho cùng, bóng tối chỉ là sự vắng mặt của ánh sáng.

 

- Sao không nói ngược lại ?

 

- Nhờ thế chị mới  mở miệng  - Anh cười .

 

Người đàn bà cũng cười nhưng dưới ánh đèn vàng vọt của khoang tàu nom chị không chút khí sắc.

 

- Chị xức chút dầu . E  trúng gió mất !

 

- Bù lại tôi được xem đêm. Những tháp Chàm trong đêm uy nghi,cô độc lạ !

 

- Chị chưa đi tàu đêm bao giờ à ?

 

- Rồi. Nhưng lúc ấy…

 

- Gió chướng đây. Lạ thật tôi chưa bao giờ thấy gió kiểu này vào cuối năm – Ông già góp chuyện – nổi tựa cuồng phong rồi thoáng là lặn. Như một đoàn âm hồn rủ nhau về ăn tết. Chẳng biết lên có gặp  không ?

 

- Thế bác đi thăm ai  ?- Anh hỏi.

 

- Cháu nó anh ạ ! Năm nào tôi cũng lên nó từ 27 tết. Năm nay mua vé tàu không  đặng. May mà có chuyến tàu vét cuối năm. Sợ nó đợi nóng ruột, về nhà rồi.

 

- Tết, ai cũng muốn về nhà.Không tiền, cháu định ở lại ký túc xá nhận giữ đồ đạc cho các bạn về quê. Thế mà cuối cùng chân cứ đưa đến ga, bắt cháu nhảy đại lên tàu – Anh chàng gầy choắt ngồi bên lên tiếng.

 

- Thế cậu không lấy vé ?

 

Không trả lời, cậu sinh viên nhìn quanh lo lắng rồi đột ngột chui tọt xuống gầm ghế. Bóng áo trắng xuất hiện hai đầu toa. Ông già bỏ cái bị lát trong lòng xuống sàn tàu, ngồi dàn chân như che chắn cho kẻ đang ẩn nấp. Kiểm soát viên nói gì đó với hai du khách nước ngoài ngồi trước.Họ đứng dậy lấy ba–lô rồi đi theo.

 

-  Nó cũng không có vé hả ?

 

- Có chứ, nhưng bọn Tây ngồi ghế cứng không quen.Cho nó lên buồng dành riêng cho nhân viên nằm cho khỏe. Hơn nữa để anh em cải thiện tí – Anh soát vé còn lại giải thích với ông già - Thế đây không có ai ngồi à ?

 

- Không.

 

Cây đèn pin đột ngột lia xuống gầm ghế.

 

- Biết quá mà! Ra ngay. Có bạn cùng xuống rồi đấy, mới túm bên kia một thằng trong toa – lét. Mùa này toàn mấy ông đi chui !

 

Cậu sinh viên nhỏ con bò ra, mặt tái xanh, năn nỉ :

 

- Đừng…đừng đuổi em xuống anh ơi ! Chỗ lạ, em lại không  tiền…

 

- Năm hết, Tết đến, anh bỏ qua cho cậu ấy kẻo tội. Sinh viên miền Trung nghèo rớt nưóc mắt – Anh xin giùm.

 

- Bố tôi, tôi cũng làm thế ! Có vé thì đi, không thì xuống. Mà đâu chỉ một. Đứa thứ ba rồi đấy. Gần Tết ,ngày nào cũng có cảnh này. Cấp trên kiểm tra có nước mất việc. Khi ấy, ai thương tôi ?

 

- Thôi thì em còn ba chục ngàn…anh cho em về ăn Tết với mẹ.Lần sau em không dám nữa.

 

-  5 phút nữa xuống ga  !

 

- Biết thương mấy thằng Tây ngồi ghế cứng, sao không thương thằng bé người mình chui dưới

gầm ghế, tim đập thình thịch chỉ vì tội nghèo? - Ông già giở lý sự.

 

- Nhưng tụi nó mua vé hẳn hoi.

 

- Mua vé cứng chứ không mua vé buồng dành cho nhân viên. Làm thế cũng trái luật nếu anh đem luật !

 

- Đi mà kiện. Chuẩn bị xuống !

 

Anh chàng sinh viên cầm cái túi rết đứng lên, mặt buồn rũ.

 

- Thế vé tàu bao nhiêu ? - Anh hỏi.

 

- Xuống ga nào, tiền ga đó.

 

Những chiếc ví lép lục đục thao thức .

 

- Còn thiếu hơn nửa - Kiểm soát viên cầm tiền.

 

- Thế cái này lấy không ? Đúng hiệu xì - cây ! ([2]) Mới rước tháng trước - Anh chàng có lọn tóc bạch rủ xuống trán uể oải rút cái ví da xẹp lép nhưng cực đẹp chìa ra.

 

- Nè, 4  “bi” đó, đấng cứu khổ ạ !  Makeno ([3]) - Thằng đi cùng can.

 

- Về nhà thiếu gì  ! Quẳng cho nó.

 

- Thôi !

 

Anh soát vé đột ngột tuyên bố rồi thả nhúm bạc lẻ xuống ghế quày quả bước đi.

Khoang tàu dần dần ấm bởi tiếng nói cười, bàn tán, cám ơn. Anh chàng được cho về ăn Tết với mẹ sướng quá “ rên” thành lời:

 

Over the mountains. Over the plains. Over the rivers. Here come the trains …

Through day and darkness. Through dusk and dawn…([4]).

 

- Sặc mùi sách giáo khoa ! - Con bé có trái tim ở đùi bĩu môi nhìn qua.

 

- “ Yêu nhau buổi sáng xa nhau buổi chiều” đi ! - Thằng bồ góp ý.

 

- Hát cho đỡ thúi ruột đi mấy đứa! Bài chi cũng được. Để tau mần trước cho – Ông già chịu chơi đằng hắng rồi cất giọng thuốc lào: “ Ai đã từng qua bãi tha ma, bãi tha ma có nhiều ma lắm ! Ai đã từng nghe tiếng ma cười, tiếng ma cười ha ha ha ha…” ([5])

 

- Thôi bố, khiếp quá! - Một cô kêu lên còn cô kia ngồi dậy hớt hãi :

 

- Kẹo ! Mua kẹo cho nó !

 

- Cho ai ? – Thằng bạn ngơ ngác.

 

- Ma nhí…ma khăn lông…cả bầy trước phòng 121…

 

- Về nhà rồi cúng !

 

Anh chàng có mớ tóc bạch bỗng hỏi ông già :

 

- Thế bố có tin có ma không bố ?

 

- Tin. Chỉ khác người là không già.Mấy chục năm, vẫn thế! Hát hò với nhau vui lắm, chỉ buồn là chưa biết tình yêu là gì? Quanh đó, toàn đực rựa với nhau. Mười tám, đôi mươi…trẻ măng…chưa kịp sống !

 

- Thế bố kể về ai thế ? - Anh sinh viên hỏi.

 

- Thằng con tao.

 

- Anh ấy ở đâu ?

 

- Nghĩa trang Trường Sơn.

 

Có tiếng rú lên.Cậu hay ngáp xen vào:

 

- Tớ có thằng bạn thân chết vì đua xe. Nó đúng là một yêng hùng.Chân còn bó bột vì cuộc đua lần trước thế mà nghe một tay chơi thách thức, nó đã rạp người trên xe bắn vun vút. Lần đó, xong ! Tháng nào bà bô nó cũng phải đốt một con Rim hay con Win giá chót nửa triệu. Bà ấy kể tháng nào không đốt, nó về nó báo, tiền không vô .Còn đòi loại kiểu mới, phân khối lớn, tốc độ cao nữa trời ạ !…Tớ lo nó về rủ tớ…

 

Ngưòi đàn bà quay qua anh hỏi nhỏ:

 

- Anh tin còn gì sau khi chết không ?

 

- Còn hình bóng.

 

- Hình bóng nhòa theo thời gian .

 

- Thế là đạt…Chị xuống ga nào ?

 

- Ga cuối.

 

- Về muộn thế cả nhà trông lắm nhỉ !

 

- Dạ… -  Tiếng dạ ngập ngừng như vướng trong cổ .

 

- Còn anh ?

 

- Tôi định không về…

 

Người đàn bà im lặng nhưng anh có cảm tưởng chị đang quan sát anh qua lổ hổng của bức tường ngăn. Những người đồng hành vẫn chưa ra  khỏi những câu chuyện về ma. Ông già kể muốn được gặp con ông phải ở lại đêm trong nghĩa trang bởi nó thành ma rồi không gặp ban ngày được. Nó và các bạn mừng lắm vì chẳng có ai đi thăm ban đêm. Đứa nào cũng gọi bố.Chúng cười, hát, ăn mứt và bánh tét ông đem theo…Con bé bên kia chen ngang :

 

- Giờ khối ma ban ngày – ma men, ma túy, ma cô …

 

- Bố xạo ! Nghĩa trang liệt sĩ có người canh gác ai cho bố ở lại xả láng vậy ?  Một người cười.

 

- Năm nào cũng lên, người gác nghĩa trang thành bạn. Thức cả đêm. Gần sáng, đứa nào về chỗ đứa nấy, hàng nối hàng như đang duyệt binh.Thương quá bước không đành. Đứa nào đứa nấy trẻ măng, mười tám, đôi mươi…

 

Giọng ông già ướt sũng khiến anh chàng sinh viên phải đổi không khí, kể chuyện cậu ta đi làm gia sư. Chỗ đối phó với một bầy chó berger to đùng rách cả chiếc quần đẹp duy nhất. Chỗ trò vấn toàn câu oái oăm - Thầy có bồ chưa ? Em có đẹp không ? Vẽ đồ thị biểu diễn tình yêu sét đánh như thế nào ?…Chịu hết xiết phải bỏ chỗ chạy lấy người, mất hai tuần dạy không lương.

 

- Thấm béo gì mấy chiêu lẻ tẻ đó. Đây từng cho hàng loạt thầy nhí chạy te tua. Không gia sư nào tụ nổi  3 buổi – Con bé có trái tim ở đùi chõ miệng sang khiêu khích.

 

Ông già vẫn chưa ra khỏi cái nghĩa trang nghìn nghịt mộ ấy, im lặng, xa vắng. Hành khách bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Cậu sinh viên cũng hết hào hứng, buồn tình dựa ngửa, lấy  mũ che mặt. Chỉ con tàu vẫn chăm chắm lao mình về phía trước, ngoạm từng mảng bóng tối rồi nhè lại đằng sau. Đêm đen chưa kịp nhận cảm giác bị xé toang đã lập tức liền lại nguyên khối còn kẻ chiếm đoạt hung hãn dường như được gió nâng đi, lướt uyển chuyển như con rắn trên cỏ, để lại những vệt lau rạp mình khuất phục, những hàng cây bối rối ngả nghiêng.

 

Người đàn bà lại kéo cửa. Ông già không ngủ cũng nhìn ra ngoài :

 

- Ngó mây kìa ! Lô xô, nhếch nhác đủ mọi dáng hình. Như một đoàn người lướt qua.

 

Anh thấy Thùy trong đám. Nàng bay qua với dáng vẻ của một con chim bị thương nhưng không nhìn thấy anh. Nàng đã thuộc về một thế giới khác. Đột nhiên anh cảm thấy buồn buồn trên mặt. Thì ra gió đã giật phăng chiếc khăn quàng của người đàn bà bên cạnh, tung hê nó trong không trung rồi tung tỏa ngàn sợi tóc ủ hương kín đáo vào mặt anh và thành tàu. Người đồng hành đứng dậy chồm người nhìn theo mảnh voan trắng bay lả lướt lần cuối trong gió. Anh hoảng hốt kéo áo chị .

 

- Này…đừng dại…

 

- Tôi muốn xem nó bay - Chị quay lại rồi bỗng lảo đảo ngồi xuống gập người, ôm ngực.

 

- Chị làm sao thế ?

 

- Kéo cửa lại. Đánh dầu vào thái dương. Ủ ấm cho chị ấy. Trúng gió đó – Ông già ngỡ họ là đôi vợ chồng nhắc.

 

- Để tôi giúp – Anh nói nhỏ rồi vén tóc, xát dầu lên thái dương chị.

 

Tay anh lướt trên gương mặt thanh tú nhưng thật xanh xao tiều tụy. Anh xoa lên mấy gợn sóng lăn tăn nơi cặp lông mày cong cong giao nhau, thoa lên huyệt nhân trung phía trên đôi môi cắn chỉ tái nhợt. Anh rùng mình khi một nốt ruồi vụt hiện lên bên mép trái…Nó nhếch lên tinh nghịch theo nụ cười, phô mấy chiếc răng cửa ngậm hững hờ cọng cỏ…

 

Bàn tay trên mặt người đàn bà khựng lại trong tích tắc. Chị mở mắt và có cảm giác anh đang nhìn một người nào đó qua chị, ánh mắt đau đớn. Cũng trong tích tắc, bàn tay, ánh mắt ấy đã trở lại bình thường - ân cần mà xa lạ. Anh nắm rõ các huyệt đạo, lặng lẽ xoa không hỏi một lời. Đôi bàn tay vướng vất mùi thuốc lá, ram ráp mà dịu dàng, thành thạo. Dường như chúng đã từng quen với công việc ấy. Dù không uống viên thuốc giảm đau, chị vẫn thấy cơn đau quái ác thường trực tấn công chị từ tháng nay sau khi mổ đang bị bàn tay mạnh mẽ của người đàn ông lạ đánh dạt qua bên. Những sợi thần kinh của chị căng lên như dây đàn. Cảm giác dịu êm thấm vào tận mạch máu. Chị thấy bàng hoàng lùi lại …

 

Anh đang xát lòng bàn tay chị, tuôn sang chị hơi ấm của sinh lực anh. Người chị nóng dần đến nỗi anh kêu lên :" Hình như sốt”. Anh đặt tay lên trán chị và bất ngờ chạm phải giòng nước mắt nóng hổi. Bàn tay anh tần ngần một thoáng rồi lặng lẽ uống những giọt nước mắt ấy. Anh đã từng khóc và anh biết niềm bất hạnh phải lớn dường nào khi khóc trước một người lạ trên chuyến tàu cuối năm. Những giọt lệ nóng cứ đầm đìa rơi như được khơi tuôn. Chị khóc không phải vì đau mà chính vì niềm dịu ngọt đến bất ngờ từ một người không quen biết. Dạo này, chị thường nghe vang lên một giọng nói điềm tĩnh: “ Mọi người sinh ra là để biết nỗi kinh hoàng khốc liệt này. Hãy chịu khó một chút rồi sẽ xong thôi mà ! “ Nhưng đêm nay, trên chuyến tàu vét thưa thớt hành lý mà ngổn ngang nỗi niềm này, giọng nói ấy câm bặt. Năm đã cạn, ngoài kia đêm đang tất bật trong đón chào, từ biệt. Chị ngửi thấy mùi nồng nàn của sự  sống hối hả quẫy cựa khi xuân về. Tiếng chồi gọi cành khô, cát bụi gọi nhau.Chị ngửi thấy cả mùi tóc anh, cái mùi của dãi dầu mưa nắng cô đơn…Anh đã ngưng xoa dầu nhưng vẫn ủ ấm  tay chị, mắt thẫn thờ xa vắng. Bàn tay thuôn mảnh, đầy gân xanh xấu hổ cựa quậy. Bàn tay to bè, ram ráp sực tỉnh buông ra. Thì mới mươi phút trước, họ là những người xa lạ !

 

- Đỡ rồi. Cám ơn - Chị mấp máy môi.

 

- Chị  đang đau,  sao đi một mình ? – Anh hỏi nhỏ.

 

- Anh cũng thế.

 

- Vâng.

 

Gương mặt cứng cỏi của người đàn ông trông nghiêng thoáng mềm đi bởi một nét buồn phảng phất. Chị chưa biết hết đường nét của nó nhưng nó tạo cho chị cảm giác gần gũi và tin cậy.

 

Bên kia, hai cặp bụi đang tổng kết  chi phí cho chuyến “ a- lê bay !”. Đi đứt 3 triệu tiền chôm của bu, gần nửa con Win, một bộ vòng xi- men và một chiến hữu bị “ cực hình” ở phòng 121…

 

- Thiệt người và của – Cậu  có nhúm  tóc bạch thở dài.

 

- Bù lại nếm đủ mùi đời. Huy hoàng thì phải cháy túi !

 

- Ta đang lo về nhà ông bô nhốt không cho ra khỏi nhà đây.

- Về cho là mừng quýnh lên rồi. Đối xử không tốt, a- lê bay ! Già còn xả láng sao bắt trẻ nhịn chơi ?

 

Mỗi đêm ông già tao đốt vài vé…

 

- Nhưng tao sợ…Mấy cô ở phòng 121 dặn: “ Một lần thôi nghen con. Tội tình lắm!"  Con bé kia rùng mình – Vả lại ...

 

- Dao động tinh thần rồi hả? Không chơi thì làm gì cho trôi ngày rộng tháng dài ?

 

Chị lại thò tay kéo cửa.

 

- Chị còn mệt không ? - Anh hỏi. Bờ vai rộng kề bên như  tiếp: “Hãy tựa vào tôi !”

 

- Chị có lạnh không ?- Anh lại hỏi. Còn chị đăm đăm nhìn bàn tay đặt trên mép ghế, kề bên tay chị. Nom nó lớn và bơ vơ. Bàn tay gầy guộc của chị lại đang lạnh. Nó ngọ nguậy như muốn xích lại gần.

 

- Lạnh quá !

 

- Không biết xấu hổ.

 

- Còn quá ít thời gian. Không có chỗ cho xấu hổ.

 

Một cái nhói như dao đâm dưới xương đòn gánh bên phải hổ trợ nó. Thắng thế, nó nhích tới và cái rùng mình của con tàu đã xô ào nó vào nơi mong đợi.

 

Hành khách lơ mơ ngủ. Ông già thức nhưng dường như không ở đó. Một mảng vai người đàn ông ướt đầm những giọt nước mắt của người đàn bà xa lạ. Đêm cháy dần như  ngọn nến. Màu đen đặc quánh cứ loãng dần.

 

- Trời  sắp sáng .

 

- Dạ.

 

Tiếng dạ ấy bây giờ đối với anh sao thân thiết lạ!

 

- Tôi còn được gặp chị nữa không ?

 

- Không anh ạ !

 

- Thế chị hết đau chưa ?

 

- Qua rồi.

 

Anh dằn lòng để khỏi hỏi tiếp. Họ chỉ là hai kẻ đồng hành trên một chuyến tàu cuối năm !

Chị lại thò đầu ra ngoài, hít lấy hít để luồng không khí lành lạnh tươi mát phảng phất hơi hướm mùa xuân.Mớ tóc dài cuồng loạn bay trong gió.

 

- Trúng gió đấy !- Anh nhắc.

 

- Bớt gió rồi. Anh không nghe biển cười à ?

 

- Còn chị cười chưa ?

 

Chị bật cười thành tiếng, ngỡ ngàng lắng nghe như tiếng cười của ai.

 

Mẩu nến cuối đã lụn tàn. Con tàu khoan khoái chui ra khỏi đêm, rít lên một hồi còi lanh lảnh.Ngày hiện ra rỡ ràng. Trời biển nắm tay nhau tình tứ lộng lẫy. Anh kín đáo quan sát chị .Khuôn mặt nhìn nghiêng của chị thanh thản và xa vắng. Anh không hề thấy dấu vết của những vệt nước mắt, của cơn đau quằn quại…Gò má xanh xao phơn phớt một chút ánh sáng lặng lẽ xa vời. Dường như đó không phải là người đàn bà đã khóc ướt cả vai anh, đưa bàn tay lạnh cho anh ủ ấm .

 

- Này chị...

 

- Dạ.

 

Lại tiếng dạ như đóng sầm cửa lại khiến anh ngơ ngác. Không quay đầu lại, chị rút bàn tay mảnh dẻ như những cánh hoa quỳnh sắp úa khỏi tay anh.

 

*

 

-  Đến rồi ! - Anh chàng sinh viên reo lên rồi xốc cái túi rết thở dài – Tiếc là lần đầu đi xa về lại chẳng mua chi làm quà cho mấy nhóc.

 

- Xuống đâu?

 

- Dạ ga Đà Nẵng rồi đi xe về Điện Ngọc.

 

- Đây tao cho đòn bánh tét đem về cho em – Ông già cúi xuống cái bị lát.

 

- Dạ thôi…để cho mấy anh. Quê cháu gói nhiều bánh lắm. Mà 30 rồi ông về ăn Tết răng kịp ?

 

- Tao xuống Huế, ra Đông Hà, thuê xe thồ lên trển đón giao thừa với nó luôn. Con chị nó lấy chồng tận Quãng Ngãi. Còn ai nữa mà về !Thôi mày đi mạnh giỏi .

 

Anh sinh viên khuất bóng. Đôi mắt côi cút của ông già còn đậu bơ vơ trên sân ga nhộn nhịp.

 

Con tàu tiếp tục cuộc hành trình. Qua những bãi cát mênh mông, lô xô những nấm mồ lạnh lẽo. Hai kẻ đồng hành vẫn ngồi  bên nhau. Nỗi buồn ở giữa. Anh im lặng suốt cả chặng đường dài, ánh mắt thẫn thờ dõi theo màu cát trắng đến nhức mắt, dài như bất tận bên đường. Thỉnh thoảng họ chạm vào nhau bởi một cái rùng mình bất chợt của con tàu nhưng bờ vai, đôi tay đã câm bặt.

 

- Đến Nam Ô rồi tề ! - Giọng một hành khách reo vui.

 

- Sao gọi là Nam Ô anh nhỉ ? - Chị gợi chuyện .

 

- Có người bảo vì đó là phía nam châu Ô, cái phần đất mà công chúa Huyền Trân đổi bằng “son phấn má hồng”, “ cay đắng muôn phần” đó !

 

- Nên thơ và hùng vĩ thế này mà vua Chiêm chịu đem đổi chứng tỏ “ son phấn má hồng ” ấy lộng lẫy muôn phần nhỉ ?

 

- Đất rứa cho nên sản vật mới quý – Người khách ngồi phía trên anh quay xuống hớt ngang - Không phải mèo khen mèo dài đuôi chứ tui đi mô ăn cái chi cũng thấy không ngon bằng ở xứ mình. Con cá, con tôm ngọt lịm. Mực cửa Thuận An cũng ngọt hơn mực Nha Trang. Đừng nói chi miếng thịt phay ở Huế cũng đặc biệt hơn thịt luộc nơi khác,  chấm mắm tôm kèm vả, khế, chuối chát cứ lịm người !

 

- Đã en ([6])bánh tráng thịt heo chấm mắm ở Khuê Trung chưa ?- Chị người Quảng vừa lên ở ga Đà Nẵng hỏi.

 

-  Chưa .

 

- Rứa thì chưa kết luận được mèo nào hơn mỉu nào !

 

- Con heo lấy thịt luộc phay ở Huế thường là heo thả nên thịt săn chắc, ngọt mềm

 

- Trong tui cũng săn chắc ngọt mềm ! Không ngon răng người ta chở nhau đi en rần rần…

 

- Ăn cả thương nhớ hèn gì không ngon! Giờ người ta đua nhau vọng ngoại, còn họ…– Anh quay qua cười với chị .

 

- Trông kìa, những chiếc xe đò cứ như những con bọ hung bò trên sợi chỉ – Một hành khách  chỉ tay lên triền núi.

 

- Lạng võng ở đó mới đã ! - Một bụi lên tiếng.

 

- Chúng bé con con như những món đồ chơi của định mệnh – Chị nhận xét.

 

- Có chiếc nằm lại không về - Anh phụ họa.

 

- Trên những tầng cây đan nhau cứ như chiếc võng xanh hiền hòa êm ái đó à ?

 

- Xanh chết người đấy !

 

- Nhưng trong nghìn nghịt xanh ấy có chỗ cho một chiếc lá vàng chứ ?

 

- Có, bởi nó cũng là một phần nhỏ xíu của sinh mệnh vũ trụ.

 

- Biển lặng thật !

 

- Những cánh buồm xa như ngủ yên !

 

Dấu lặng lại ở giữa họ.Nhưng ngay khi im lặng , trong đầu người này vẫn vọng tiếng người kia.

 

- Thả nỗi buồn xuống đây nhé !

 

- Vâng. Giữa bao la trông chúng bé như hạt bụi…

 

Con tàu đang chui vào cái hầm cuối cùng khóet trong núi. Giữa tiếng động cơ rền rĩ dội vào vách đá, chị gắng tìm hơi thở của anh.

 

*

 

- Dân chơi xứ oải mà đi tàu quê thiệt ! Đến đâu rồi ? - Con bé có trái tim ở đùi đứng dậy vươn vai, rồi tì người vào cửa nhìn ra ngoài, khoe vô tư  một khoảng lưng bụng.

 

- Không biết.

 

- Nước Ngọt rồi –  Ai đó trả lời.

 

- Nước Ngọt rồi ! Lòng chị lập lại.

 

Con tàu như lướt đi trong những cây số cuối cùng ấy rồi thở hắt ra bằng một hồi còi dài, lảo đảo rùng mình, đứng phắt lại trước một ga xép, nơi nó dừng lại ít phút để tránh tàu.Ga ven đường đìu hiu hẳn bởi ngày cuối năm không còn tấp nập cảnh chen mời mua bánh lọc, mía ở những ô cửa tàu. Chị đứng dậy, lặng lẽ đi qua anh.

 

- Chị đi đâu đấy ? Mau lên kẻo tàu chạy – Anh dặn với.

 

- Dạ.

 

Chị đi qua những hàng ghế, hao gầy, xanh xao, xiêu vẹo đến nao lòng khiến anh bật  dậy đi theo :

 

-  Xuống đó làm gì ?

 

-  Đến rồi.

 

-  Sao chị bảo ga cuối ?

 

-  Dạ .

 

Lại tiếng dạ như khóa chặt ấy khiến anh dừng lại không hỏi tiếp nữa. Anh đỡ chị xuống,  ấp úng:

 

- Chúc…ăn Tết vui vẻ - Anh chìa tay.

 

- Tôi ăn Tết rồi. Cám ơn anh nhiều lắm !

 

Chị nhìn sững bàn tay anh, nơi đã cho tâm hồn giông bão của chị trú ngụ trong một thoáng hạnh ngộ bất ngờ.Thong thả chị nắm lấy bàn tay ấy, áp nó lên chỗ trái tim đang đớn đau đập của mình  rồi nhẹ nhàng buông xuống, quay lưng.

 

Chị đi, không hành lý, không cả chiếc khăn che gió và nỗi buồn, xanh xao, mảnh khảnh như một áng mây sắp bay. Anh cảm thấy thắt lòng như vừa để vuột mất một cái gì đó thân thiết. Bóng chị bị che bởi một con tàu dằng dặc vừa chạy qua rồi lại hiện ra trong quầng nắng nhạt hiếm hoi như được chắt từ màu vàng của những nụ hoàng mai nở sớm rồi khuất hẳn. Một thằng bé gầy đen khẳng khiu chạm tay vào anh mời anh mua cái gì đó nhưng anh lắc đầu. Anh bước dọc con tàu, thẫn thờ nhìn nó như chưa hề cùng nó trong cuộc hành trình dài cho đến khi ông già thò đầu ra ngoài giục anh lên tàu. Một hồi còi đẫm ướt nỗi buồn vang lên. Con tàu rùng mình chuyển bánh, chầm chậm giã biệt ga xép. Anh vẫn chưa kịp đọc tên nó.

 

- Chị ấy đâu? - Ông già hỏi.

 

- Xuống rồi. Trông yếu đuối, lẻ loi quá !

 

- Lẻ loi nhưng không yếu đuối. Chị ấy…có dáng vẻ một kẻ sắp ra đi !

 

- Sao bác biết ?

 

- Sống riết rồi biết. Nhìn là biết.

 

Con tàu đi nốt cuộc hành trình. Hai cặp bụi bàn nhau đón giao thừa ở một sàn nhảy có tên Nghinh Xuân nào đó.Anh chàng có nhúm tóc bạch có vẻ suy nghĩ, lọn tóc trắng rủ xuống trán. Con bé có trái tim ở đùi bất chợt quay lại thả chùng chình trong khoang tàu câu hát "Đời như vô tận một mình tôi về " Môi cong cớn, dáng ngổ ngáo mà giọng là đà khắc khoải. Ông già ôm chặt cái bị lát vào lòng như  lạnh. Còn anh xích lại chỗ chị vừa  ngồi. Ở đó còn chút hơi ấm của chị , còn sợi tóc vương trên thành tàu, một sợi vướng vào tay áo anh. Anh có cảm tưỏng chị đi như là ở lại…/.

 

11-1998



([1]) Nơi những sản phụ non không muốn giữ bào thai nhờ bệnh viện Từ Dũ can thiệp.

(2) Hiệu CK

(3) mặc kệ nó

(4) Trong “ Trains “ của JAMES  S. TIPPETT

(5) Câu Hoàng Phủ Ngọc Tường hát khi khỏi bệnh.( Trong " Từ cõi chết trở về và hát…" - Lê Đức Dục )

(6) Tiếng địa phương(ăn) 

 

Quế Hương
Số lần đọc: 1625
Ngày đăng: 23.09.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những Ngày Không Định Trước - Âu thị Phục An
Tình Đầy Tình Xa Nhau - Nguyễn Trung Dũng
Lan Man Chuyện Mèo Chuyện Chó - Nguyễn Hữu Duyên
Cây Đào Già Trước Sân - Trần Huy Đức
Thềm nắng - Quế Hương
Từ Cuộc Đời Đến Trang Văn - Trần Minh Nguyệt
Buổi Sáng, Vườn Cây Chim Hót - Nguyễn Trung Dũng
Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm - Quế Hương
Tôi, Kẻ Nhiều Chuyện - Ngô Văn Cư
Quả Bóng - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Bà mụ của búp bê (truyện ngắn)
Phố Hoài (truyện ngắn)
Thềm nắng (truyện ngắn)
Ga Xép (truyện ngắn)
Con Nhồng Bù Đốp (truyện ngắn)
Siêu nhân bé bỏng (truyện ngắn)
Cội mai lưu lạc (truyện ngắn)
Đãi kiến một bữa (truyện ngắn)