Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
609
115.981.474
 
Thái Tuấn Nghệ Sĩ (1918-2007)
Nguyễn Xuân Sơn

 

Hiệp định đình chiến Genève ký ngày 20-7-1954, không đầy một tháng sau anh từ thị xã Thanh Hóa vượt vùng Việt Minh ra Hà Nội, ở lại một đêm, tìm gặp mẹ, nhận một số tiền và lời mẹ nhắn ba cùng gia đình anh chị ra HN để vào Sàigòn. Anh ở lại Hà Nội một đêm rồi trở về Thanh Hóa.

 

Đầu thu 1954, anh chị và hai cháu trai 4 và 5 tuổi từ Thanh Hóa đến được Thái Hà Ấp (Hà Nội),  lúc này mẹ và các em cùng các cháu đã vào Sàigòn. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, anh ở lại Thanh Hóa, tham gia hội văn nghệ, hòa mình với cuộc sống kham khổ trong cảnh gia đình bố mẹ phá sản. Còn hơn một tháng nữa sẽ đổi chủ, Hà Nội lúc này vẫn là vùng đất quốc gia và chính nơi đây 36 năm trước anh đã sinh ra, sau nhiều năm theo bố làm việc ở các tỉnh khác, về quê mẹ, rồi trở lại theo học trường mỹ thuật năm 1939-40, nay anh lại ra đây dừng chân ít ngày chờ chuyến bay DC 4 của quân đội Pháp đưa vào Nam.

 

Vài ngày ở Hà Nội, đến thăm Hồ Dzếnh, bạn thân đã từng có ý định gửi đứa con trai hai tuổi cho anh để về thành năm 1951, nay mới gặp lại và bạn đã đi bước nữa với nữ chủ nhân của tiệm sách Bình Minh tại phố Huế.

 

Cuối tháng 8-1954, gia đình đoàn tụ tại Sàigòn, anh chị và hai cháu tạm trú tại nhà đón tiếp di cư trên đường Champagne (sau đổi Yên Đổ và nay là đường Lý Chính Thắng). Thời gian này là dịp đoàn tụ đầy đủ nhất của gia đình có bố mẹ, các em gái, em trai mà từ sau năm 1947 tình hình kháng chiến trong vùng Thanh Hóa đã làm ly tán. Thời gian xum họp được vài tuần rồi bố mẹ, các em, các cháu phân chia đi định cư xa Sàigòn…

 

 

Tiệm thời trang Phương Tú năm 2008 ở số 63 đường Võ Thị Sáu, nguyên là phòng vẽ quảng cáo “Đẹp” năm 1954-1955 của họa sĩ Thái Tuấn.

 

Anh chị và hai cháu không theo chương trình định cư của chính quyền, của các tổ chức xã hội, tôn giáo, đã rời nơi tạm trú, mướn nhà trong hẻm 152 cùng đường Champagne (khu Bến Tắm Ngựa xưa). Lúc rời Thanh Hóa Anh chị, hai cháu chỉ có áo quần đang mặc, tư trang hầu không có gì, tiền bạc được mẹ cho khi anh ra Hà Nội dò hỏi tình hình.

 

Tại thành phố Sàigòn rộng lớn, năm 1936-1938, lúc anh trên dưới 20 tuổi đã từng vào thăm ba,  tuy khá quen thuộc với đường phố, nhất là khu Tân Định nơi Ba đã trú ngụ 10 năm khi làm việc tại sở Lúa Gạo Đông Dương.  Những ngày tháng đầu trở lại chưa gặp bạn cũ ở Sàigòn, cả những bạn xưa từ miền bắc di cư vào …

 

Ông Hà Ngọc Bích, anh ruột Hồ Dzếnh, tại số 63 đường Mayer (Hiền Vương, nay mang tên Võ Thị Sáu), Tân Định, được thư Hồ Dzếnh giới thiệu đã coi anh như người thân, nhường phòng ngoài sát mặt đường phố của căn nhà đang ở cho anh mở tiệm vẽ quảng cáo “Đẹp”. Ông Bích rất thân tình và giúp anh nhiều phương tiện trong bước đầu. Mọi công việc, dọn dẹp, trang hoàng căn phòng và giao dịch với khách hàng, từ đặt bảng đến sơn vẽ, kẻ bảng hiệu… do mình anh đảm nhiệm, thu nhập chỉ tạm sống. Từ tiệm vẽ ra chợ Tân Định vài trăm thước, về nhà hơn cây số, nơi đây cũng là chỗ giao tiếp đầu tiên với vài thân hữu và văn nghệ sĩ miền nam trong thời gian đầu.

 

Qua quen biết của ông Bích, từ vài thân chủ đặt bảng quảng cáo, anh đã dần mở rộng quan hệ, tìm gặp lại vài người quen cũ, nhà văn, bạn Hướng Đạo. Thời gian hai năm mở tiệm vẽ bảng quảng cáo, anh biết nhà báo Phạm Văn Thụ làm tờ Cải Tạo, thuộc Tổng Ủy Di Cư. Anh được mời trình bày báo và phụ trách vẽ tranh biếm họa với bút hiệu Rayon X, đôi khi có viết bài, như chuyện Hồ Dzếnh đã bị hội phụ nữ mời nhẩy “sol do mi” trong ngày tang vợ…

 

Mùa Hè năm 1956, anh theo bạn vong niên Nguyễn Xuân Chữ tham dự trại trường quốc gia Hồi Nguyên Hướng Đạo tại khu rừng Blao. Đây là trại trường toàn quốc đầu tiên sau 1945, trại viên bao gồm các huynh trưởng Hướng Đạo kỳ cựu khắp nước, một số lớn từ miền Bắc mới di cư vào. Trại trường họp bạn và huấn luyện các cấp huynh trưởng; phục hồi và phát triển Hướng Đạo Việt Nam sau 10 năm chiến tranh.  Anh chỉ đến trại với tư cách khách mời để sống lại không khí xưa, một cựu Hướng Đạo trước 1945, gặp đồng bạn, dịp này cũng để thăm bố mẹ đang hưu dưỡng tại làng di cư Tân Hà ngay bên cạnh trại trường.

 

 

Cũng trong năm này biệt hiệu Thái Tuấn lần đầu tiên xuất hiện với công chúng trên tạp chí Sáng Tạo số 1 ra tháng 10. Quen biết với các văn nghệ sĩ sau này thành nhóm Sáng Tạo chỉ tình cờ khoảng một năm trước, khi bác sĩ Trần Ngọc Ninh khách hàng kẻ bảng hiệu đã môi giới Quách Thoại, rồi từ đây anh quen Mai Thảo, và vài văn nghệ sĩ trong đó có hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng. Tạp chí Sáng Tạo số đầu có tám tác giả viết nhưng chỉ có một nửa thuộc bộ biên tập: Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Thái Tuấn và Nguyễn Sĩ Tế.  “Một vài nhận xét về nghệ thuật hội họa” bài viết của Thái Tuấn trong số 1. Đây là diễn đàn văn học nghệ thuật có bài đầu tiên về hội họa và cũng chính không khí sinh hoạt thân hữu văn nghệ nơi đây đã gây thêm hứng khởi cho bước đầu sáng tác tranh, cũng từ đây biệt hiệu Thái Tuấn gắn liền với những bài viết, các tác phẩm nghệ thuật của anh cho đến cuối đời.

 

Cũng năm này, gia đình mua căn nhà số 152/31/5 mà con trai đầu đang ở hiện nay (2012), sau khi đã đổi nhà nhiều lần trong xóm Bến Tắm Ngựa. Căn nhà có nhiều kỷ niệm qua hơn 50 năm, đã là nơi anh đi vào nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật, nơi tiếp nhiều bạn hữu, nhất là giới văn nghệ, kể cả các bạn cũ thời kháng chiến gặp lại sau năm 1975. Tại căn nhà này anh và chị đã có thêm hai trai và hai gái và dùng biệt hiệu Thái Tuấn đặt tên cho con trai út sinh năm 1961, chưa kể một cháu trai sinh vào năm thứ hai khi đến xóm này.

 

Thời gian rảnh rỗi ở phòng vẽ Đẹp, được ông Hà Bích tiếp trợ, các bạn văn nghệ mới quen khuyến khích, anh đã khởi sự vẽ tranh sơn dầu. Phòng vẽ Đẹp có thu nhập thất thường, anh nhận thêm việc biên tập về nghệ thuật và thường xuyên viết về thắng cảnh trong mục “Non nước Việt Nam” hàng tuần cho đài phát thanh quốc gia từ năm 1956 . Nghề vẽ bảng quảng cáo đã khởi làm từ những năm sống trong vùng kháng chiến Thanh Hóa, nay làm vất vả mà không khá, anh thích những công việc nhẹ nhàng có tính cách văn nghệ. Bỏ phòng vẽ Đẹp, về nhà tập trung sáng tác tranh ngay tại căn phòng bên ngoài vừa làm phòng ngủ phụ vừa dùng tiếp khách.

 

Sau hơn hai năm sáng tác, sang đầu năm 1958 anh đã thực hiện phòng triển lãm thứ nhất với 40 tranh sơn dầu khổ trung bình tại phòng bày tranh Pháp Văn Đồng Minh Hội (L’Alliance Francaise), 24 đường Gia Long, Sàigòn. Trong số các tranh trưng bày tại phòng triển lãm có các họa phẩm được nhắc đến nhiều như Người Thiếu Phụ Cầm Quạt, Chiếc Ghế Bành Vàng, Hoa Đăng, Thăm Viếng, Lễ Phục, Thôn Nữ, Người Phu Trạm…

 

 

Họa sĩ Thái Tuấn lúc 40 tuổi, trong phòng triển lãm đầu tiên tháng 1- 1958, tại D’Alliance Francaise, Sàigòn. Ảnh: Lỗ Vinh

 

Cuộc triển lãm 1958 ghi dấu bước đầu sinh hoạt nghệ thuật của Thái Tuấn với công chúng và văn giới tại miền nam. Ngoài một số trí thức có địa vị, yêu nghệ thuật như Huỳnh Văn Phẩm, Đoàn Thêm, Mai Thảo đã viết bài giới thiệu, phê bình trên các báo Sáng Tạo, Bách Khoa, tạp chí Trẻ… Một số văn nghệ sĩ, nhà sưu tầm ngoại quốc cũng đã giữ tranh từ những triển lãm đầu, viết những bài báo tán dương như Phillip Franchini họa sĩ, Pierre Faucon nhà báo Pháp, mà sau này vẫn giữ mối thâm tình với Thái Tuấn. Hầu hết bài viết trên báo Pháp, Việt đều có nhận xét và khám phá mới lạ về nghệ thuật Thái Tuấn đối với nền hội họa Việt Nam. Lúc đó Thái Tuấn chỉ mới vẽ sơn dầu, kỹ thuật chưa hoàn hảo, tuy bản sắc rất Việt nhưng phong cách và những ý tưởng diễn tả mang tính rất khai phóng, nhất là trong các bài viết về nghệ thuật đăng trên tạp chí Sáng Tạo.

 

Sau triển lãm đầu tiên, ông Nguyễn Tường Hy rủ anh về làm cho Kim Lai Ấn Quán, gần trung tâm Sàigòn, tại đây phụ trách văn phòng quảng cáo Tứ Mỹ, vẽ bìa sách, trình bày báo và nhãn hiệu (maquette)…

 

Từ năm 1959, hàng năm có tổ chức triễn lãm Mùa Xuân tại phòng Thông Tin Đô Thành, góc đường Tự Do-Lê Lợi (nay là Đồng Khởi-Lê Lợi), Thái Tuấn thường có tham gia vài tranh sơn dầu mỗi kỳ nhưng  tranh đặt trong khu vực không dự giải hoặc dành cho giám khảo.  Tham gia chấm giải hội họa nhiều lần từ năm 1961, đặc biệt làm chủ tịch hội đồng giám khảo trong một giải hội họa lớn vào dịp xuân Giáp Thìn, 1964 do chính quyền tổ chức, hai trăm họa sĩ tham gia với trên 500 họa phẩm trưng bày. Từ khi có giải thưởng văn học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa anh đã thường xuyên được mời làm giám khảo hoặc chủ khảo về hội họa.

 

 

(Phóng lớn phần dưới mặt sau)

“THÁI TUẤN NGUYỄN X CÔNG

Giám Khảo Giải Thưởng Hội Họa  1967-1969

 

Trong hơn mười năm đầu sinh hoạt nghệ thuật, Thái Tuấn có nhiều bạn mới, những người trong giới văn học nghệ thuật, gồm nhiều nhà văn, nhà báo, các trí thức và nhiều sinh viên. Phần đông tìm đến để xem tranh, bàn tán về cái đẹp, nghệ thuật và làm quen với con người giản dị, dễ cảm tình… Trong số bạn hữu bộ ba họa sĩ Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thái Tuấn từ đầu đã gắn liền trên mặt báo chí, trong các câu chuyện văn nghệ. Thực tế cung cách đối xử giữa ba người vẫn thân tình như đối với các bạn văn nghệ sĩ khác, chỉ thêm gắn bó do cùng đam mê vẽ và cùng khuynh hướng đổi mới hội họa.

 

Đối với giới họa sĩ trên dưới 30 tuổi, rất hâm mộ “bộ ba họa sĩ Sáng Tạo” qua các phòng triển lãm, tạp chí Sáng Tạo, đặc biệt Thái Tuấn có nhiều bài về nghệ thuật và cung cách khi tham gia giám khảo các giải hội họa hàng năm từ 1959. Nhiều đề nghị, quyết định tặng giải và ý kiến khuyến khích các tài năng trẻ tham gia các triển lãm hội họa, phần nào đã ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của sinh hoạt nghệ thuật trong thời gian này tại miền nam Việt Nam.

 

Giữa thập niên 60, Thái Tuấn có nhiều sinh hoạt nghệ thuật. Từ 1964 đến 1966, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ, Sàigòn. Cũng vào năm 1964 mở “xưởng vẽ” tại khu vực gần nhà. Lúc đầu mướn một phòng trệt cùng hẻm, ít lâu sau dọn đến một căn gác đầu hẽm 148, nhìn ra mặt đường Yên Đỗ. Phòng chỉ để giá vẽ, bộ bàn ghế mây tiếp khách mà Thái Tuấn gọi xưởng vẽ. Tại đây cho đến năm 1972 ngoài vẽ tranh, tiếp bạn văn nghệ còn có hướng dẫn một hai sinh viên tập vẽ. Tranh sáng tác tại xưởng vẽ đã được bày trong triển lãm năm 1966 tại L’Alliance Francaise, 24 đường Gia Long, tham gia bày tại Bieval de Sao Paulo, Brasil và hai lần triển lãm trong năm 1970 và 1973 tại phòng tranh Dolce Vita thuộc nhà hàng Continental Palace, Sàigòn. Cũng trong thời gian này báo chí miền nam, tập trung tại Sàigòn, đã viết nhiều bài về Thái Tuấn, báo Thế Giới Tự Do, Ánh Đèn Dầu, Journal d’Extrême Orient, Tiền Tuyến, Asia Magazine, Chính Luận, Diễn Đàn… Các bài giới thiệu và có chung nhận định, cổ vũ họa sĩ với các phòng tranh.

 

Năm 1967, nhà xuất bản Cảo Thơm đã phát hành cuốn “Câu Chuyện Hội Họa”, tập trung các bài mà Thái tuấn đã cho đăng rải rác trên các báo ở Sàigòn. Nội dung sách toát ra một cách nhìn mới về nghệ thuật, trình bày qua những câu hỏi và trả lời giản dị nhưng hàm ý sâu sa. Sách cũng đã được tái bản thêm hai lần, lần cuối tháng 11 năm 2006.

 

 

Khoảng năm 1972, nhà in Đông Nam Á của Trương Vĩnh Lễ ở khu Tân Định mời anh về cộng tác. Anh cố vấn về mỹ thuật, trình bày sách báo và còn biên soạn một loạt sách tập vẽ với phương pháp giản dị và có nhiều tính sáng tạo cho trẻ em. Một số tranh sơn dầu Thái Tuấn cũng được chụp lại và in màu làm bưu thiệp ở đây. Trước năm 1975, Thái Tuấn còn được mời giảng về lịch sử hội họa tại trường đại học kiến trúc sàigòn. Tại nhà in Đông Nam Á, Tân Định

 

Hai mươi năm tại Sàigòn, thời gian sinh hoạt văn học nghệ thuật bận rộn và nổi nhất của Thái Tuấn. Với gia đình bảy con, Thái Tuấn nghệ sĩ vất vả lo toan cuộc sống, làm nhiều việc, vẽ quảng cáo, viết bài cho đài phát thanh, trình bày sách báo, xuất bản tập vẽ cho thiếu nhi, dạy nghệ thuật…Nhưng phần lớn thời giờ và đam mê vẫn dành cho hội họa và giao tiếp với các bạn hữu.  Tổng kết lại, tại Sàigòn, không kể những lần trưng bày tranh chung với các họa sĩ bạn và dự các triển lãm Mùa Xuân, Thái Tuấn chỉ có bốn lần triển lãm riêng từ 1958 đến 1973, giới xem và mua tranh phần đông từ Âu, Mỹ… Không kể một số tranh bán ngay sau khi vẽ, số tranh sơn dầu các cỡ nhỏ, trung bình khác nhau bày trong bốn lần triễn lãm riêng chỉ khoảng 100 bức tranh.

 

Sau ngày 30 tháng Tư 1975, xã hội thay đổi, một số bạn văn nghệ thân quen ở Liên Khu 4 thời kháng chiến, vẫn thân mật gọi tục danh họa sĩ Công, đã từ miền Bắc vào Sàigòn thăm Thái Tuấn ngay cuối năm 1975, các họa sĩ Nguyễn Văn Tị, Nguyễn Đôn và nhà văn Nguyễn Tuân. Sau này có thêm nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Thanh Châu, họa sĩ Bùi Xuân Phái, Phan Tại, Chu Ngọc, Văn Cao, Hoàng Lập Ngôn, Đoàn Phú Tứ và một số quen sau Phan Đan, Thái Bá Vân, Lưu Công Nhân, Hoàng Hưng … Trong khung cảnh miền nam đang biến động, vợ và ba con nhỏ sang Âu châu từ cuối tháng 4, 1975, Các bạn văn nghệ miền Bắc được tiếp trong căn nhà chặt hẹp, hoang vắng, chỉ còn vài bức tranh sơn dầu và bốn con trai độc thân trong nhà. Sau tám năm ở lại Sàigòn, Thái Tuấn chỉ vẽ trên dưới 10 tranh, trong số tranh anh hay nhắc “Dư âm” vẽ trong thời gian này. Năm 1983 Thái Tuấn sang Pháp đoàn tụ với vợ con.

 

 

Từ khi sang Pháp, Thái Tuấn có nhiều cuộc triển lãm riêng cũng như chung với các họa sĩ Pháp, Việt tại Pháp, Mỹ, Canada và cả tại quê nhà khi về thăm. Cuộc sống nhàn hạ, không lo sinh kế, trong khi số tranh được nhiều người yêu nghệ thuật Thái Tuấn sưu tầm. Đến khi “người mẫu” về “Cõi Tiên” năm 1998, Anh đã tạm ngưng vẽ tranh sơn dầu và hai năm sau chuyển sang dùng con chuột computer, triển lãm đôi lần tại Hoa Kỳ và Việt Nam.  Vào dịp lễ Noel năm 2005, anh từ giã nước Pháp và đời sống tiện nghi, trở về quê hương và cố gắng sáng tác mười lăm tranh sơn dầu để trưng bày lần sau cùng tại Sàigòn, gần lễ Giáng Sinh năm 2006, trước khi mất ngày 26-9-2007.

 

Thái Tuấn nghệ sĩ tin vào trật tự tự nhiên của thế giới nhưng không yêu những gì con người sắp xếp, bày đặt. Có lẽ vì thế mà đeo đuổi nghệ thuật, thế giới không bao giờ ngưng sáng tạo. Năm năm trước đây trong những giây phút chót, Thái Tuấn đòi bỏ hết dây ống trợ sinh để mau trở về với cõi nghệ thuật vĩnh hằng!?

 

 

TÁC PHẨM THÁI TUẤN

 

 

Tại Xưởng vẽ Yên Đỗ, 1964

 

 

Tranh lập thể, 1966 - Sưu tập Xuân Nga

 

 

MÂY CŨ Bưu thiệp tranh sơn dầu, nhà in Đông Nam Á, 1970

 

 

HOÀI HƯƠNG  Tranh sau cùng vẽ năm 2007

 

 

ĐÁM TANG DIỄN VIÊN  Sưu tập Thái Văn

Tranh sơn dầu khổ lớn, nhiều nhân vật và nhiều màu sắc nhất, 1970

 

 

Sưu tập Ngọc Châm

“7 NGƯỜI BẠN” qua khắc dao Thái Tuấn

Nguyễn Xuân Sơn
Số lần đọc: 2133
Ngày đăng: 02.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tự Truyện Osho 9 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 8 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 7 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 5 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 4 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 3 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 2 - Đỗ Tư Nghĩa
Tự Truyện Osho 1 - Đỗ Tư Nghĩa
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay 12 - Tạ Tỵ
Cùng một tác giả