Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
571
115.979.720
 
Đỗ Thành Đồng Với Túi Ba Gang Đầy Thơ Và Máu
Hoàng Thụy Anh

 

Viết theo mạch cảm xúc của người sáng tạo cũng là căn cứ để tạo nên thứ phẩm khác biệt. Nhưng cái cốt lõi là anh ta viết như thế nào và đưa đến những giá trị gì cho nghệ thuật? Nói như Đặng Phùng Quân: "Viết cũng là một hành động để biến đổi thế giới. Nhưng thế giới nào? Biến đổi nào? - Đó mới là vấn đề"[1]. Khi phản ánh khách quan thế giới thực tại hay đẩy thế giới thực tại đến chốn siêu thực, anh ta cần phải làm chủ được ngòi bút của mình và khơi dậy những nguồn năng lượng mới từ người tiếp nhận. Có như thế, anh ta mới biến đổi được thế giới bằng chính quan điểm sáng tác và tài năng nghệ sĩ của mình. Vậy, viết trong tư thế hành động là yếu tố cần thiết để người nghệ sĩ có thể trở thành kẻ du ca về miền địa đạo của con chữ và để con chữ, tự nó, tổ chức trò chơi.

 

Trong tư thế hành động của kẻ du ca, Đỗ Thành Đồng chuyển gam sắc của bản nhạc thơ cũ sang lãnh địa của thơ tự do. Lực thơ của anh ngày càng vững, chắc hơn. Điều này được minh chứng bằng tập thơ: “Rác”[2]. Chất sống của tập thơ "Rác" đưa người đọc qua những miền phiêu lưu mới - miền của sự thực quyện với sự tưởng tượng.

 

Sự viết không có bến dừng. Khi đã đi vào cuộc "đày ải" này, anh ta phải chịu sự thử thách, chịu búa rìu của dư luận. Trải qua những bến ải ấy, anh ta là kẻ sáng tạo đích thực. Đỗ Thành Đồng cũng thế. Anh sẵn sàng lăn xả vào chiến tuyến của ngòi bút để đăng khai những dòng thơ đầy "bất ổn". Anh bố trận cho trò chơi của mình: tháo rời, cắt ghép, mảnh đoạn, dồn nén khoảng lặng... con chữ; khai phá sự thực bằng kính hiển vi, đào sâu vào vết thương để tìm ra nguyên nhân của sự lở loét. Theo Đặng Phùng Quân: "...Tiếng kêu thống thiết của nhà văn, nếu như không được cầm bút để viết, thì sẽ cầm dao, cầm đá khắc lên chữ nghĩa. Im lặng không phải của chữ viết, im lặng thuộc về lời nói. Nỗi đau đớn kia chính là đề tài của chữ viết"[2]. Vì thế mà nỗi trăn trở, băn khoăn của người thơ - Đỗ Thành Đồng trước cuộc sống nhân sinh như neo/ thắt vào câu chữ. Chất tình trong "Rác" trở thành một lớp trầm tích chi phối mọi khía cạnh của ngôn từ.

 

Trong "Rác", Đỗ Thành Đồng khai phá ngôn từ một cách tinh tế, sáng tạo. Kho thời thế tranh tối tranh sáng được nói đến một cách nghệ thuật, đầy ẩn ý, khôn khéo. Sự thật được anh bới từ "Rác". Nhiều thứ không phải là rác nhưng hiện hữu trong rác. Cuộc sống tạo/ thải rác. Con người "mưu sinh" từ rác. Rác của người này chính là cơm áo/ máu của người khác:

 

tôi ngộ ra một điều mà

người bới rác biết từ lâu

trong đống rác nhiều thứ không rác

rác người này máu của người kia

 

(Rác)

 

Biết bao nhiêu cảnh đời nhờ rác mà mới có thể đeo đẳng với cuộc sống này? Những đứa trẻ lang thang với tấm vé số, những cụ già, bà lão ngửa tay xin ăn,… đều cần “rác”. Với họ, “rác” là cái ăn, niềm hạnh phúc. Họ đào bới, tìm kiếm những thứ có thể bán/đổi chác. Thì ra, nơi nhơ nhớp, nhầy nhụa, sặc mùi ấy lại là bản lề cho những thân phận bấp bênh.

 

Đỗ Thành Đồng không chỉ nhìn thấy những thứ hiện hữu trong không gian của rác mà còn nhìn thấy sự thật trong giây phút chuyển giao giữa âm và dương, giữa người sống và người chết, giữa tiếng cười và sự tiếc thương. Thời khắc chuyển giao không lời ấy lắng đọng trong từng vi mạch suy nghĩ của con người. Cái giàu - nghèo phân chia ranh giới, định đoạt, "cưỡng bức" tâm hồn con người. Nhân phẩm biến tấu bằng hành động "khấn", "vái" qua loa trước vong linh của người chết: cỗ quan tài bầm đỏ/ vải thưa bày tỏ tiếc thương/ vội vàng khiêng vội vàng lấp vội vàng/ khấn/ vái// bên này bờ dốc/ ánh sáng trời ánh sáng đèn ánh sáng/ đời hừng hực/ cõi nhân gian khôn khéo (Chuyển đổi).

 

Sáng tác một tác phẩm nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ bao giờ cũng thể hiện tính văn hóa trong đó. Tính văn hóa trong thơ Đỗ Thành Đồng thể hiện ở cái nhìn nhân văn về thời cuộc của anh. Những đứa trẻ đi bán đũa tình thương gợi trong anh nhiều nỗi niềm: mười đôi đũa/ mười ngón tay nâu xỉn/ ngước đôi mắt cầu khẩn lên trời/ chào mời hạ giới// đũa của anh mười đôi như một/ sao bắt anh so đũa với người/ áo cơm chật hẹp dưới trời/ nụ cười không ưu đãi (So đũa). Nhà thơ nhận ra đằng sau màu nâu xỉn – màu của sự lam lũ, đói nghèo là ánh mắt như van xin của những đứa trẻ chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải hạ thấp bản thân, cầu cạnh người khác. Nhà thơ không muốn so sánh sự chênh lệch ấy nhưng biết làm sao được khi nhân tình thế thái còn nhiều âu lo và thân phận của con người còn nhiều nỗi đớn đau khác. Trong khi cả nước đang ráo riết với các tin về đại biểu Quốc hội, người người tất bật lo lắng những son phấn, những thời trang... thì bên kia đường người hành khất với gia tài chỉ vẻn vẹn một cái bị cói đang run rẩy trong mùa giá lạnh: dải khăn/ dòng sông vắt qua đồi con gái/ giọt phùn/ rắc phấn thời trang/ những bánh cao su xoen xoét dọc ngang/ người và xe phả khói// dưới cột loa phóng thanh/ lão hành khất run rẩy bị cói/ đài phát tin đại biểu Quốc hội/ nói (Chiều đông).

 

Sự trung thực trong đề tài đời tư, thế sự là điều tối quan trọng. Bởi đây là vấn đề nhạy cảm. Nhưng viết và chuyển tải nó dưới hình thức nào là điều không dễ dàng. Ở đây, Đỗ Thành Đồng đã rất khôn khéo khi đưa những bức xúc trong cuộc sống, nhiều vấn đề nhạy cảm của xã hội, nỗi âu lo của nhân thế vào thơ ca bằng chính sự đa dạng của ngôn từ và tấm lòng nhân ái. Giọng thơ anh thường không lộ trình theo kiểu xới lật, lốc xoáy của bão táp mà mặn mà thâm trầm nương theo dòng cảm xúc, chiêm nghiệm của chính nhà thơ. Điều này làm nên chủ âm riêng, vũ khúc riêng của tập thơ.

 

Trên cơ sở của tư duy đối nghịch, "Rác" còn đề cập đến chiều kích khác, đó là không gian của cái chết, nấm mồ. Hình ảnh về cái chết, về nấm mồ lặp đi lặp lại, trở thành một motif quen thuộc, ám ảnh: cỏ úa nấm mồ; người huyệt mộ; thịt xương chồng chéo cây rừng; lạnh lẽo vòng tròn chật hẹp; đất khép ngôi bạc phận; cỗ quan tài bầm đỏ; xác nguyên sinh nghẹn lối chúng sinh; cỗ áo quan khâm liệm ngày xưa; cô đơn rỉ máu xác mồ; xoáy tận cùng sào huyệt... Chúng mở ra một không gian khác của "Rác" và mở ra một sự đối cực ngay trong tình cảm của nhà thơ. Phải chăng đó chính là cách Đỗ Thành Đồng thể hiện sự bất bình, xót đau trước vận mệnh của con người?

 

Tình cảm ấy thể hiện rất rõ khi anh chứng kiến cảnh bão lụt ở miền Trung - quê hương mình. Miền Trung là cái eo của cả nước, phải đón nhận không ít những khắc nghiệt về thời tiết. Những trận đại hồng thủy kéo theo hàng ngàn cái chết: sau cơn lũ ngổn ngang rác rưởi/ xác thân/ vắt lên ngọn cây bần/ đợi (Dòng chảy). Viết về cái chết, anh không khoa trương cũng không ẩn ý mà nói thẳng, nói thật. Hình ảnh những xác chết “cuồn cuộn” đổ về “vắt” lên ngọn cây tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tình cảm của người đọc trước cảnh lũ chồng lũ của vùng “quê gió lào cát trắng”. Ẩn sau bức tranh tang thương ấy, người đọc có thể nhận ra, đó chính là cơn lũ lòng, rã rời, héo hắt, xác xơ của một tâm thơ - Đỗ Thành Đồng - trăn trở khôn nguôi với cuộc đời.

 

Chứng kiến những cảnh đời ngang trái, Đỗ Thành Đồng đớn đau, tê tái. Anh tự dằn vặt mình, tự vấn với thơ: Nhiều khi tận mắt thấy cái ác/ giếng trời nhan nhãn những gương người/ mỏng dày mặt nạ/ ngẩng đầu tự hỏi/ thơ có thể làm gì được không (Thơ có thể làm gì). Làm sao để "mái đầu dòng sông" không "ô nhiễm"? Làm sao để những cô gái có thể vui sống giữa cuộc đời mà không trở thành gái điếm, chịu "chát chua gia vị cuộc đời", chịu bao lời "cay đắng", "khinh bỉ" vì miếng cơm manh áo? Làm sao để thế gian điệp điệp/ thiên  đường (Thiên đường)? Đó là nỗi day dứt khôn nguôi, luôn trào sôi trong thơ anh. Nó như một vết thương không thể cầm được dòng máu chảy.

 

Người du ca - Đỗ Thành Đồng không cần đi qua một miền xa lạ nào mà bước ngay vào chính cuộc sống hiện tại - nơi kiếp người chông chênh để cất lên tiếng nói, cất lên cái tình của mình. Những câu thơ của người du ca ấy có được sức nặng về tình cảm cũng như sự tinh tế trong xử lý ngôn từ bởi đó là những câu chữ được viết ra bằng máu của một tâm hồn không thôi thổn thức với cuộc sống của nhân loại, của một thi sĩ hết mình vì thơ. Những câu thơ được viết ra từ máu:

 

tôi lang thang thế gian

túi ba gang đầy thơ và máu

 

(Nhặt)

 

Cái anh “nhặt” được trong miền viễn du của mình chính là thước đo cho giá trị nhân cách của con người. Anh đã đặt được dấu chân của mình trên con đường nghệ thuật - “dấu chân ngược”. Ngược không phải trái khoáy, lập dị. Mà ngược trong thái độ chối từ những ngọt ngào, giả dối của cuộc sống:

 

Câu thơ xuyên tường

niềm đau thác đổ

âm thanh độc hành

chỉ riêng nỗi cô đơn nhìn thấy

 

(Nhìn thấy)

 

Những câu thơ “xuyên tường” làm nên thanh âm riêng của anh và cũng đẩy anh vào một không gian của chính mình: cái tôi cô đơn. Dường như, trong sáng tạo, đôi khi sự cô đơn của người nghệ sĩ, hành động "di tản vào nội tâm mình..." (Elfriede Jelinek) cũng là cách để họ phản kháng với chính thế giới mà họ đang sống! Những cảnh đời không cho phép Đỗ Thành Đồng làm ngơ và cũng không cho phép anh được “tự do” mà nó cứ ràng rịt, bủa vây trái tim đầy thổn thức của anh. Đó là nghiệp chướng mà anh đã chọn và sống chết vì nó:

 

Mười năm trước tôi lên chùa hỏi Bồ Tát

sao kiếp này con khổ

Phật trả lời kiếp trước con

dèm pha đọa đày thi sĩ

tôi ôm thơ bên tượng

nam- mô

 

(Nghiệp chướng)

 

Bên cạnh mảng thơ về thế cuộc, cái tình của kẻ du ca còn dẫn lối đưa chúng ta "lội vào giấc mơ" với những hình ảnh đẹp, thơ mộng. Những hình ảnh được kết hợp, lựa chọn trên cơ sở của tư duy hội họa lập thể. Kiểu thơ tuyến tính bị phá vỡ, thay vào đó là sự nghịch lý được bắt nguồn từ sự tưởng tượng mới lạ. Nhờ thế, kí ức về tuổi thơ, về mối tình xưa... vừa hiện thực vừa huyền ảo, đưa đến những thi ảnh độc đáo: Lội vào giấc mơ/ lũy tre cong vít giọt vàng/ dốc ngược tiếng trẻ/ mo cau trắng lóe niềm trăng// tháng tư má hồng thôn nữ/ lược trời cài suối tóc đêm... (Trăng quê). Các thi ảnh: lũy tre-giọt vàng-tiếng trẻ; mo cau-trăng-má hồng; lược trời-suối tóc đêm gắn kết theo từng cặp đôi, cặp ba trên cơ sở mở dần những vùng mờ của kí ức. Các động từ: lội vào, cong vít, dốc ngược, lóe, cài hỗ trợ, gia tăng nỗi khát khao trở về của nhà thơ. Như thế, cảnh vật và con người không chỉ hòa quyện mà còn tạo nên một bức tranh đẹp, thơ, hư ảo.

 

Hình ảnh những người mẹ, người vợ tần tảo, lam lũ, thủy chung cũng là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ. Trong “Rác”, Đỗ Thành Đồng cũng dành nhiều tình cảm cho những người mẹ, người vợ. Nhà thơ thấu hiểu nỗi chờ đợi của "người đàn bà chờ chồng" đến nỗi "nghẹn ngào/ ngập ngụa/ quắt queo" (Người đàn bà chờ) cả tuổi xuân. Nhà thơ còn so sánh nếp sống và nếp nghĩ giữa những người đàn bà với cánh đàn ông bằng giọng điệu chân tình pha với sự hóm hỉnh. Anh nói về tâm lí chung của cánh mày râu, đàn ông mặc "quần cộc áo trần" hay mặc "véc-tông cà vạt" đều không chịu đổi thay trước những "chiếc áo lưới căng phồng", "những chiếc quần lọt khe", trong khi đó, những người mẹ, người vợ lại "kín mít áo yếm", "rậm rịt vải vóc". Ở đây, anh không chê, không thiên vị, ngược lại, qua cách so sánh ấy, anh tôn vinh sự giản dị mang cốt cách của người phụ nữ Á Đông. Những người mẹ, người vợ ấy, trong thơ anh, còn chịu nhiều đớn đau, "lưng còng" khi "cuộc đời đổ lên mái đầu" những đứa con "gió nồm", "gió chướng". Không chỉ nghĩ đến những người mẹ, người vợ, anh còn xót xa cho thân phận của những cô gái điếm: "lạnh ngắt bán mua/ hạnh phúc chớp lóe đêm tàn/ ánh sáng ngày ngày nhạt nhẽo/ chát chua gia vị cuộc đời// mơn trớn ban cho ngọt ngào/ phủ phàng gửi lời cay đắng/ sự khinh bỉ gọi tên/ điếm" (Về đâu); đau với nỗi đau của người con gái điên: "cuộc đời lông lốc giằng xay/ khát khao tóe máu/ trời mở cánh hồng nhan/ đất khép ngôi bạc phận // ngây thơ và dâng hiến/ những đường cong xé toạc mắt nghiêng/ thất tình và tưởng hận/ ai bắt nàng hóa điên" (Vành khăn trắng); và lặng người, nhức buốt trước những đứa trẻ bơ vơ, "lấm lem" tìm vòng tay ấm của người thân, trước những ngôi mộ tập thể "thịt xương chồng chéo cây rừng", trước cái chết của người con gái có "nụ cười phù thủy" "khỏa trần đón gió"...

 

Thiết lập không gian mới, cắt nghĩa, tạo sinh từ ngữ... đều cần thiết. Nhưng nếu thơ thiếu cảm xúc, thiếu cái tình của người nghệ sĩ, sự chết yểu của thơ là lẽ tất yếu. Bằng tâm hồn giàu suy tư, giàu sự nghiệm trải, Đỗ Thành Đồng "vắt mình kiệt khô", "đắng đót và rạc gầy/ con chữ", "chống lại sự khắc nghiệt của cuộc đời" (Aldous Huxley). Nhờ vậy, ngôn từ trong "Rác" là cuộc hội ngộ, đi về, giao thoa giữa cõi thực-siêu thực, giữa ý thức-vô thức... đầy ám ảnh và day dứt.

“Rác” khai thác khá thành công thủ pháp đối lập. Nếu thủ pháp này giúp Đỗ Thành Đồng tạo nên những thi ảnh đối nghịch, vẽ nên bức tranh muôn màu của cuộc sống thì nó cũng giúp anh thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng và cốt cách của người nghệ sĩ: “túi ba gang đầy thơ và máu”. Có thể, "người ta khen anh giỏi/ rồi lại bảo anh khờ" nhưng đó mới là túi thơ đích thực, bởi chúng được nhìn bằng "đôi mắt của thiên thần" (William Carlos Williams). Trong tập thơ "Rác", với đôi mắt ấy, với cái tình ấy, Đỗ Thành Đồng là một thi nhân thực thụ.

 

Đồng Hới, ngày 18/3/2012

 

-----------------------

 

[1]  Đặng Phùng Quân, Văn chương và lưu đày, Trung tâm xuất bản Gió Việt, 1985.

[2]  Đỗ Thành Đồng, Rác, NXB Hội Nhà văn, 2012.

[3] Đặng Phùng Quân, sđd, tr151.

 



                            

 

 

Hoàng Thụy Anh
Số lần đọc: 1712
Ngày đăng: 18.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Họng Đêm Và Những Câu Thơ Bung Gai Giữa Ngày Không Nắng - Hoàng Thụy Anh
Bàn tay nhỏ dưới mưa - Cuốn tiểu thuyết luận đề của Trương Văn Dân - Dương Kim Thoa
Có một chợ trăng của nữ nhi cửu vạn - Lâm Xuân Vi
Comment Cho Thơ Huỳnh Thúy Kiều - Bùi Công Thuấn
Đời Mong Manh Lắm, hãy yêu nhau - Trần Kim Đức
Nhà văn Duyên Anh - Nguyễn Vy Khanh
Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng / Bất Hứa Nhân Gian Kiến Bạch Đầu - Nguyễn Cẩm Xuyên
Thân Phận Người Nữ Trong Các Tác Phẩm Của Trần Minh Nguyệt - Đặng Quý Địch
Thơ Hôm Nay - Nguyễn Vy Khanh
Cảm nhận "Chơi giữa mùa trăng" - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Tin (thơ)