Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
486
115.989.197
 
Nhân Tính
Hướng Dương

 

Anh không thích chó. Vì nhiều lý do. Nhưng, lũ con lại không thế. Chúng thi nhau vác về đợt này đến đợt khác làm thành một bầy. Nói là bầy chứ chỉ có bốn đứa. Con mang về nhà, chăm sóc được ít tháng. Đến lúc,  tuôn đi cả, để lấp khoảng trống cho cha mẹ, chúng để lại lũ chó.

 

Đã bảo anh không thích chó. Nhưng vợ phân công anh phải cho chúng ăn hàng ngày, dọn sạch chuồng, đổ phân, lâu lâu tắm cho chúng. Phán công việc rõ ràng rồi, vợ anh thấy còn nhẹ, nên tương cho một câu để bịt miệng anh lại : “ Thế là khỏe quá rồi, chỉ phải lo cho chó. Ở nước ngoài còn mục dắt chó đi dạo đấy!”

 

Đã bảo anh không thích chó. Cái lũ chết tiệt chả được tích sự gì. Người ta nuôi chó để giữ nhà, nhà anh có của nả gì đâu mà giữ, đã thế sủa ỏm tỏi, không ai chịu nổi.

 

Người ta nuôi chó để làm cảnh, anh và vợ không rảnh ( và cũng không muốn) ôm ấp nhau huống chi là ôm chúng; vả lại lâu lâu chúng mới được tắm thì mùi chúng khủng lắm.

Người ta nuôi chó để thịt, anh không ăn thịt chó; vả lại có con chó kiểu gì mà nhỏ tí tẹo, có lúc anh nhìn nó và nói : “ mày làm ra chưa được một đĩa.”

 

Đã bảo anh không thích chó, cái lũ gì mà ngu xuẩn. Anh chia cơm cho mỗi đứa một góc, phần cơm như nhau, mùi vị như nhau…ấy thế mà cứ chạy nhặng xị đổi chỗ cho nhau, gầm gừ, cắn xé…đổ hết cơm, mất ăn luôn.

 

Đã bảo anh không thích chó. Nghe tiếng anh  là ồn ào hơn họp chợ, công việc bù đầu ở cơ quan về nhà nghe tiếng rên rỉ, ríu rít của chúng thêm nhức não. Mà sao nó không biết là anh ghét nó đến tận cùng , thế mà cứ tíu ta tíu tít, hớn ha hớn hở…Đúng là : ngu như chó!

 

Đã bảo anh không thích chó. Nhưng lũ con lại không muốn anh vứt đi. Lâu lâu chúng về thăm chó ( chứ không phải thăm anh). Nhìn lũ con chơi với lũ chó trông hạnh phúc lắm. Có điều, anh không cảm nhận được. Chúng đặt tên bầy chó theo tên nước ngoài, anh chẳng phân biệt đứa nào mang tên nào, lúc cho ăn muốn la mắng chúng thì hét, hoặc là Nô cả, hoặc là Chó cả.

 

Đã bảo anh không thích chó. Nhưng anh phải sống chung và chăm sóc chúng.

 

Anh không thích chó. Vậy mà chúng còn đẻ việc để làm khổ anh. Hồi nhỏ thì chúng tranh giành cắn nhau không là gì nhưng lớn lên một chút thì sểnh ra là phải gọi bác sĩ đến chữa. Mất công, tốn tiền. Trút nỗi bực dọc -  anh nhốt chúng thật xa nhau, cắn nhau đã thế cho nhịn luôn, có lúc tức mình anh quất cho vài roi để đỡ xót vài trăm vừa chích thuốc.

 

Một lần, chiều thứ bảy, chúng vừa cắn nhau xong, gọi bác sĩ rồi nhưng ông ta chưa đến. Con anh về thăm. Anh tức mình vì chưa kịp quất lũ chó ( đánh chúng con anh đánh anh chết). Đành phải giả bộ xót thương. Mấy lần trước lũ con về thăm chó anh để mặc cho chúng chơi với nhau. Nhưng giờ, vừa ôm con chó bị cắn rách tai máu me chảy khắp mà đưa cho con sao được. Áo quần nó đẹp thế kia. Đành phải ôm con chó bị thương mà đợi bác sĩ vậy. Con anh ngồi bên cạnh. Anh cũng phải kiếm chuyện mà nói, chứ biết sao giờ.

 

-    Ba la chúng hoài mà cứ chứng nào tật nấy.

 

-    Ba xem lại cách dạy nó đi chứ. Mấy cuốn sách chúng con mua ba đọc kỹ chưa?

 

Trời đất. Nó có đưa cho anh mấy cuốn sách và cả một đĩa phim dạy chó, hình như lâu rồi, anh có liếc qua. Thời gian đâu mà đọc chứ. Nhưng anh cũng ậm ừ cho qua chuyện :

 

-    Xem biết vậy thôi chứ dạy hoài nó có nghe đâu. Ngu lắm!

 

-    Chúng không ngu như ba nghĩ đâu ạ. Con nói chuyện với nó, nó hiểu đó ba.

 

-    Vậy sao? Để lúc nào ba thử nói chuyện với nó xem nó biết gì không.

 

-    Ba cứ thử đi, thú vị lắm đó.

 

Câu chuyện hai bố con anh ngừng lại khi ông bác sĩ tới. Mới đến cửa, thấy anh ôm con chó trong tay ông ta đã lên tiếng :

 

-    Lại cô nàng Holin ghê gớm phải không?

 

-    Dạ, rách một tai xinh đẹp rồi ạ.

 

Con anh lên tiếng trả lời. Anh ngạc nhiên là sao ông bác sĩ, con nhớ tên chúng mà anh thì không thể nhớ nổi. Sao không đặt tên theo màu lông cho thuần Việt, dễ nhớ nhỉ; có thể gọi là Vàng, Nâu, Đen, Xám…À. Mà chó ngoại thì đặt tên ngoại mới đúng điệu. Lỗi do anh không để ý mà thôi.

 

Anh ngồi nghe ông bác sĩ và con gái nói chuyện về chó, chẳng hiểu mấy. Trước đây, khi lũ chó cắn nhau anh gọi ông tới và mặc ông ta muốn làm gì thì làm, miễn cho chúng im miệng và vết thương sẽ lành là được. Hôm nay có người bắt chuyện, ông ta thao thao bất tuyệt. Họ nói với nhau hăng đến nỗi anh phải nghĩ : ở đời nhiều kẻ lạ thật, tốn thời gian, chất xám, tiền của …vào lũ chó. Đã vậy, đánh nhau rách tai, chảy máu thế kia không bị ăn đòn là may lại còn ở đó vuốt ve, nựng nịu, an ủi…Zách việc!

 

Bao nhiêu bực dọc, anh đợi hai người kia đi khỏi, rồi trút lên lũ chó. Anh tự nhủ : lần này sẽ không đánh nữa mà là nói chuyện. Đầu tiên sẽ hỏi tội cái con được gọi là Holin.

 

Anh mang một cái ghế để bên cạnh chuồng lũ chó. Sau khi quát cho bọn bên trong im miệng, anh bắt chước ông bác sĩ đặt con chó giữa hai chân, tay xoa vết thương…và bắt đầu chì chiết :

 

- Mày được gọi là Holin hả, tên đẹp nhỉ. Phải, cô nàng xinh đẹp. Nhưng tao nói cho mày biết, cái tên đó cũng là một cách gọi khác của chữ Chó thôi đấy. Mà mày biết không? Lũ chúng mày luôn được so sánh bằng nhiều thành ngữ hay đáo để lắm : ngu như chó, ác như chó, sống như chó, đồ chó chết….

 

Mày không hài lòng hả? Để bố đánh vài roi cho hài lòng nhé! Im cái miệng rên ư ử đi! Đau à? Đáng kiếp…Lì như chó! Để tao dạy mày vài điều cho kiếp sau mày được làm người.

 

Thứ nhất, con người hơn tất cả lũ động vật chúng mày vì chúng tao sống bằng trí tuệ, không chỉ là bản năng thôi đâu.

 

Thứ hai,…

 

-    Ông đang dạy chó hay người đấy?

 

Tiếng ông bạn hàng xóm hỏi, cắt ngang lời giáo huấn của anh. Anh nhìn lên, cười :

 

-    À, nói cho vui ấy mà!

 

Chẳng cần anh mời, ông bạn đã vào đến sân. Nhìn thấy anh đang ôm chú chó trong lòng, ông cũng ngồi xuống, thì thào :

 

-    Cẩn thận đấy, lũ chó nhà anh có ngày xơi bả.

 

Đang bực nên anh đáp luôn :

 

-    Chẳng sao, tôi cũng muốn rũ cho sạch của nợ này.

 

Ông bạn nhìn anh, tỏ vẻ ngạc nhiên, đổi giọng :

 

-    Này, tôi nói thật đấy. Thằng con lão giám đốc đang phá cả khu tập thể này.

 

-    Thằng đó mất dạy hồi giờ.

 

Không, đây là kế hoạch của bố nó đấy. Anh biết không. - Nói đến đó, ông bạn xích gần anh hơn và giọng thì thào :

 

-    Nghe nói khu này chuẩn bị mở đường. Giá đất sẽ lên vùn vụt. Lão cho con quấy phá khắp, ai không chịu nổi thì đi, lão sẵn sàng mua với giá rẻ. Vợ chồng lão quản đốc sau vụ mất trộm dạm bán nhà rồi đấy. Anh không biết à?

 

Anh thấy lạ nhưng chẳng tỏ ý quan tâm, đành bảo :

 

-    Lão định chơi cả khu tập thể chắc? Tiền đâu mà mua?

 

-    Xì, tiền khối, đốt anh chưa hết là… Mà căn bản là lão muốn đuổi những kẻ chống lão thôi.

 

-    Tôi can hệ gì?

 

-    Không hợp tác là chống rồi. Đừng chủ quan. Mấy chậu phong lan nhà tôi bị vặt trụi rồi kìa.

 

-    Để xem, lão làm được gì.

 

Nói đến đó, anh đặt con chó trở lại chuồng rồi mời bạn vào nhà. Như những ngày rỗi rãi, như những người đàn ông đích thực, họ uống trà, bàn luận chuyện thế sự để giết thời gian.

 

Sáng nay, chủ nhật. Vợ anh, cũng như mọi chủ nhật, hẹn hò cà phê với đám sồn sồn. Anh chẳng hẹn ai, ở nhà, tự ăn tự uống. Rảnh, anh lại chuồng chó, xem thử vết thương  của cô nàng Holin cầm máu chưa. Bế nó ra khỏi chuồng, anh lại thấy thích lên lớp, tiếp tục bài giảng hôm qua đang dang dở…

 

- Tao nói đến đâu rồi nhỉ? Hình như đang nói chúng mày vài ngàn kiếp nữa cũng chưa thành người phải không? Đúng. Bởi làm người đâu phải dễ…Đã là người thì phải biết kiềm chế, khắc kỷ. Là sao có biết không? Là không phải vì mấy hột cơm, một cục xương mà cắn nhau đến sứt tai, chảy máu…hiểu chửa?

 

Là người còn phải biết khép mình vào lễ nghĩa, tức là phải biết trên, biết dưới. Là sao có biết không? Là không phải vừa nhảy cỡn lên nhau xong rồi vì miếng ăn lại gầm gừ xé nhau…hiểu chửa?

 

Là người phải biết mở rộng tầm nhìn, có văn hóa. Là sao có biết không? Là ít ra ăn thì đừng có đục mặt xuống mà táp cho kềnh cái bụng mới thôi, là chỉ biết bảo vệ mỗi cái chuồng của mình…hiểu chửa?

 

Là người còn phải biết gắn bó với người khác. Là sao có biết không? Là không phải thấy đứa mang mùi khác thì gây sự, tru tréo…hiểu chửa?

 

Là người quan trọng nhất phải hiểu bản thân, hiểu được mệnh trời nữa. Là sao có biết không? Là không phải đếch cần biết đứt đuôi,  sứt tai…cứ hùng hục cắn nhau cho thỏa…hiểu chửa?...

Anh cứ nói bao điều nhảm nhí, chẳng biết con chó mình đang ôm hiểu không. Nó chỉ dương to đôi mắt tỏ vẻ ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy anh “tâm sự” lâu đến vậy. Mặc xác, hiểu hay không thì kệ. Nhưng anh thấy nhẹ lòng vì được lên lớp với chúng,  thấy hơn chúng vì anh được là người.

 

Như đã hẹn, ba hôm sau, ông bác sĩ đến xem xét sức khỏe cô nàng Holin. Lần này, khác với bận trước, anh trang bị vài kiến thức cơ bản bằng cách đọc sách và xem phim dạy chó mà lũ con anh đã đưa. Đợi bác sĩ kiểm tra xong, mọi việc có vẻ ổn, anh mang bình trà ra sân, gần chuồng chó, bắt chuyện  :

 

-  Tôi không am tường về cái bọn này nhưng hình như chúng chẳng phải chó bun, chẳng phải chó sục, chó chọi thế mà cứ thích cắn nhau.

 

Thấy anh đã bắt đầu quan tâm đến công việc của mình, ông hào hứng tiếp lời ngay :

 

-   Không phải chỉ những loại chó anh nói mới cắn nhau đâu. Cắn nhau là bản năng của chúng. Đó là bản năng bảo vệ, bản năng giữ gìn lãnh thổ, bản năng hưởng thụ, bản năng thống trị…tóm lại là bản năng sinh tồn.

 

-  Toàn là bản năng. Thảm nào hở tí là gầm gừ, nhe răng, xù lông…để rồi bị xơi mất lỗ tai. Cái con Holin ấy, nhỏ nhất mà cứ thích gây sự. Đáng đời!

 

-  Nó đâu cần biết hậu quả. Vả lại, nó nhỏ nhất nhưng thích thống trị.

 

-  Lại còn thế nữa ?

 

-  Phải, nó là đứa được nuôi đầu tiên mà. Nó ở đây, được âu yếm, chiều chuộng. Rồi mấy con kia xuất hiện, quyền lợi đã bị chia nhỏ. Nhưng nó không hiểu điều ấy, nó vẫn muốn làm kẻ thống trị.

 

- Mấy tháng trước chúng chung sống hòa bình lắm mà.

 

- Thì lúc đó mấy con kia đã trưởng thành đâu.

 

-  Ha, ha. Chuyển giao quyền lực đấy.

 

- Phải, như con người vậy thôi.

 

-  Hay thật.

 

- Anh cứ quan sát chúng xem, nhiều điều hay lắm.

 

Anh đồng ý và để khép lại câu chuyện mà mình chưa hiểu bao nhiêu, anh mời ông uống trà. Được một lúc, bác sĩ về.

 

Anh hết việc làm thêm ở cơ quan nên bỗng dưng rảnh. Mấy lúc đợi vợ về anh đành quan sát lũ chó. Thả ra sân, chúng sướng như điên dại, lại sinh sự. Anh lại phải lên lớp. Bài dạy của anh nghèo nàn, nhưng chẳng sao, chúng nghe và chả có ý kiến gì. Anh nói mãi. Đâm nghiện. Thế thành hay, anh có chỗ giải tỏa. Mỗi việc xảy ra, anh có một bài.

 

Bài học thứ nhất,  con người luôn có lý trí. Bài học này xuất hiện khi tuần trước thả chúng ra sân chơi, cái thằng lông vàng cứ đòi cưỡi lên con bé Holin ( nhờ cắn nhau nhiều nên anh nhớ được tên nó). Lông vàng đang hứng, phát cuồng lên, chim thòi ra cả khúc mà cô nàng cứ chạy trốn khắp. Đuổi theo vòng vòng, đã không cho cưỡi lại còn quay lại cắn cu cậu. Điên thật, cậu táp lại luôn. Anh hét mãi mới hết trò đuổi, cắn. Anh nắm lấy cô nàng, cho một trận : sao mà ngu thế, không thích à? Không thích cũng nên chịu đi chứ. Thấy bà chủ mày không, nó đâu cần thích hay không, cứ một thằng leo lên nó là nó leo lên một chức…bây giờ nó làm hiệu trưởng rồi đấy. À, mày đâu cần leo lên ghế nào nhỉ, …nhưng ít ra mày chiều nó thì tí nó nhả cục xương cho mà gặm. Hai chỗ đều sướng mà không biết. Thấy chưa, tao nói đâu có sai, con người hơn chúng mày vì có lý trí mà.

 

Bài học thứ hai, con người luôn biết kiềm chế.  Bài học này xuất hiện cũng từ cái con Holin ấy. Chả là anh cho chúng tí xương gà. Lũ béo ị to mồm ăn ào cái là hết, chị nhà này cứ nhấm nhả để dành, con Mi thì phải, tới ăn giúp. Lại xông vào ẩu đả. Mất mấy túm lông. Anh phải ôm nàng ra xa mới nguôi cơn cãi vã. Rồi anh lại phải răn đe : Đã bảo giờ mình nhỏ bé nhất thì nhín nhịn đi, ai đời cứ gây sự. Mày nhỏ nhất liệu mày có đánh thắng con Mi đó không. Mà mày xem, lúc mày bị đè ra lũ kia cũng xông vào cắn hội đồng đấy. Sao không biết kiềm chế hả? Ngu vừa thôi chứ, phải lượng sức mình. Đấy, được gì không, mất ăn lại còn bị tương một trận tơi tả. Thế mà chẳng chừa! Thấy bố mày không, là người quân tử luôn đứng trên kẻ khác. Lũ nó nốc của mình rồi có lúc cũng ói ra thôi. Chấp làm gì bọn tiểu nhân đê hèn ấy. Tao biết kiềm chế mới khỏi sinh chuyện ở cơ quan biết không, nếu như mày liệu giờ có xu nào để lo ngày hai bữa không hử?  Thấy chưa, tao nói đâu có sai, con người hơn chúng mày vì biết kiềm chế mà.

 

Bài học thứ ba, là người phải biết gắn bó với người khác. Bài học này anh dạy cả bốn đứa khi bà hàng xóm dẫn chó ngang qua nhà. Cách xa hàng chục thước, chúng đã sủa inh ỏi, sao mà thính thế không biết. Anh ra xem có chuyện gì, sợ trộm vào nhà. Đến năm phút cao ngân bản hòa âm không dứt của bầy chó anh mói thấy bà hàng xóm xuất hiện. Ngang qua cổng, lũ chó nhà anh như phát rồ, anh thét khản giọng mà chúng nào nghe thấy gì. Bọt mép tuôn ra xì xì, hai chân cào vào chuồng sồn sột…nhìn phát ghét. Đợi họ đi khỏi, chúng im mồm, anh bắt đầu bài học : Chúng mày nói tao xem con chó vừa đi qua có chuyện gì mà gào  điên dại thế? Nó khác mình à? Khác là lẽ đương nhiên. Phải biết gắn bó với người khác chứ. Gắn bó là sao có biết không? Là chia sẻ, hỏi han, vui mừng, quan tâm ấy…Không thích à? Mày còn cãi lời tao chắc? Anh quay về phía con lông vàng vừa phát ra tiếng đáp lại. -  Lên giọng : Đấy, mày là thằng đàn ông mà cũng ngu chẳng kém gì lũ chó cái kia. Nam nhi thì phải độ lượng, rộng lòng chứ. Phải vui vẻ, ân cần dù trong ruột chỉ cầu mong cho hắn chết, có đi bêu rếu xấu xa ở đâu hay tìm các thủ đoạn chơi nhau cũng chỉ sau lưng thôi, trước mặt phải nhún nhường, đon đả chứ. Vì sao biết không? Vì có thế chúng mới không phòng ngừa. Nếu chưa nói rằng, kẻ cao cơ còn phải biết khóc ròng rã thay vì cười vui trước những tai họa mà kẻ thù mình phải gánh… Thấy chưa, tao nói đâu có sai, con người hơn chúng mày vì biết chia sẻ mà.

 

Bài học thứ tư, bài dành riêng cho Holin. Mỗi lần lôi nó ra để giáo huấn anh thường cắp nó vào nách, tay kia xoa đầu. Rồi anh thủ thỉ : Muốn được làm người thì quan trọng nhất là phải hiểu bản thân, hiểu được mệnh trời, nói như người xưa là “tri Thiên mệnh” ấy. Hiểu bản thân là sao biết không? Là phải biết mình muốn gì, khả năng mình đến đâu. Khả năng chứ không phải tài năng đâu đấy. Lũ người còn ối đứa lộn. Mà mày thì muốn gì? Muốn làm đầu đàn chắc? Mày nhỏ tí teo, cắn không lại bọn kia thì làm sao được. Thế khả năng mày có cưa cẩm thằng lông vàng, cho nó chơi một cú để nó ủng hộ không? Hay mày nhường cho con Mi ít bữa ăn để nó cắn giúp hai đứa kia cho mày? Tất cả là không chứ gì. Vậy mày không đủ khả năng rồi. Thế thì từ giã ước mơ đi. Học bố mày đây, mọi thứ phải tính toán cho ra trò con ạ. Muốn lên giám đốc hả? Đủ đô chưa? Đủ phe cánh chưa? Đủ quen biết chưa? Quỳ lạy cấp trên đủ chưa? Tính đường đi thế nào là nhanh nhất…Tao tính không đủ nên thôi, thế gọi là biết mình. Nhưng tính gì thì tính cũng không qua mệnh trời được. Mệnh trời là gì mày có biết không? Là mày thấy bọn kia ngu hơn, bọn kia xấu hơn, bọn kia bẩn hơn, bọn kia ác hơn…mà chúng lại đè mày ra bắt nạt chứ gì, ấm ức quá chứ gì? Thôi đi, đó gọi là Thiên mệnh đấy! Phải, mọi sự là do mệnh trời đấy con ạ, ví như tao làm người còn mày phải làm chó; ví như mày phải làm con chó nho nhỏ còn bọn kia được làm chó to xác hơn, hung dữ hơn…

 

Mà sao mày bị đớp bao nhiêu lần mà không ngẫm ra một chân lý nhỉ : Muốn trị lại chúng thì phải ác hơn chúng. Không ác hơn chúng được thì phải biết làm đĩ với chúng. Nhớ nhé. Thấy chưa, tao nói đâu có sai, con người hơn chúng mày vì biết mình và hiểu mệnh trời mà.

Anh đã cố công an ủi và giảng giải bao lần mà lũ chó hình như đần độn hơn anh tưởng. Chúng vẫn thích gầm gừ và cắn nhau. Đợi đến ngày ông bác sĩ đến tiêm thuốc trị rận, anh hỏi cho ra nhẽ :

 

-    Tôi hỏi bác sĩ này, sao chúng ăn no ngủ kỹ rồi mà còn thích sinh sự đánh nhau, hay đó là niềm vui?

 

-    Cũng tùy, có lúc thừa năng lượng nên rượt nhau, có lúc đang vui đùa rồi đổ cáu ra cắn nhau, có lúc vì tự ái mà gây hấn.

 

-    Tự ái là thế nào hả bác sĩ? Chó mà tự ái là sao? Tôi đọc sách đâu thấy nói điều này.

 

-    Tự ái ở chó cũng như kiểu sĩ diện ở người vậy. Mà nàng Holin nhà này đánh nhau chủ yếu vì lý do đó.

 

-    Tôi cũng chưa hiểu lắm, bắc sĩ nói rõ hơn đi.

 

-    À, có thể hiểu như là nó bảo với lũ kia là nó tuy nhỏ nhưng là đứa lớn tuổi nhất, về nhà này sớm nhất, có bộ lông đẹp nhất, cô chủ yêu quý nhất,…và đừng cậy có mấy cái răng sắc nhọn và cái thân úc núc mà ăn hiếp nó. Thế đấy.

 

Anh đã hiểu ít nhiều về lũ chó. Chúng vẫn cắn xé nhau đều đều. Anh cũng lên lớp đều đều. Giờ, nói chuyện với chúng đã trở thành nhu cầu và niềm vui với anh. Anh thích chúng từ lúc nào chẳng rõ. Và anh cũng không thể ngờ chúng tác động mạnh đến cuộc sống của anh làm vậy.

 

Anh thả bầy chó ra sân, như mọi chiều thứ bảy rảnh rỗi. Đang chuẩn bị lên lớp cuối tuần cho chúng thì con anh gọi điện. Chạy vào nhà chẳng bao lâu anh nghe lũ chó ngoài sân lại gây gổ ầm ĩ. Bịt điện thoại la chúng nhưng chúng vẫn hăng, nếu không vì việc khẩn cấp mà con anh đang cần thì anh đã chạy ra cho mỗi đứa một trận rồi. Đột nhiên anh nghe tiếng kêu ré thảm thiết của Holin, anh chỉ kịp bảo con tí gọi lại và chạy ra sân.

 

Cảnh tượng khiến anh choáng váng. Holin nằm giữa vũng máu, ba đứa kia thấy anh chạy ra nép vào mấy gốc cây trốn. Vừa kêu thất thanh anh vừa mở cửa chuồng, chúng ào vào ngay. Anh quay ra xem Holin, cổ rách một miếng lớn. Vội cầm máu, xong, anh gọi ngay cho bác sĩ.

 

Anh nhìn con chó nhỏ, lông bê bết, máu loang lổ, hơi thở hồng hộc và tắc nghẹn. Anh nhìn nó xót thương. Hiểu cái nhìn ấy, đuôi nó ngoe ngẩy như xin lỗi. Anh vẫn giữ chặt miếng vải cầm máu và an ủi nó :

 

-    Nằm im đi, bác sĩ đến giờ đấy. Đã bảo là đừng gây sự với chúng mà. Giờ chúng lớn rồi, mình đánh không lại đâu.

 

Holin lim dim , nước mắt nó ứa tràn. Anh cũng khóc theo nó và xoa đầu nó bảo nhỏ :

 

-    Tao không mắng mày đâu. Ừ, không đầu hàng chúng. Dũng cảm lắm, kiêu hãnh lắm. Cố gắng nhé. Sẽ qua khỏi thôi mà.

 

Lạ thật, nghe anh nói nó hé mắt nhìn rồi mỉm cười…

 

Bác sĩ đến làm đủ thứ nhưng tối đó nó cũng chết vì mất nhiều máu quá.

 

Cái nhìn và nụ cười của Holin làm đêm đêm anh mất ngủ . Đến khi chợp được mắt thì anh lại mơ về nó. Holin đã được hóa kiếp và nói với  anh những điều rất lạ: Tôi đã được hóa kiếp nhưng không xin được làm người. Ông đã bảo con người giỏi hơn cả, cao quý hơn cả…đúng, cái gì cũng hơn …vì có trí tuệ hơn nên nhiều mưu mô hơn, ác độc hơn, gian tà hơn, nguy hiểm hơn…còn ông chủ được cái là ngụy biện hơn. Ông nhấn chìm cái nhu nhược của mình khi biết vợ ngủ với đủ thằng bằng câu : rồi nó sẽ trả giá. Ông lấp liếm cái hèn kém  của mình khi bị bọn ở công ty cho ra rìa, chơi xỏ bằng câu : chấp gì lũ tiểu nhân hèn mọn. Ông che giấu cái yếu đuối của mình khi không đủ gan trộm cắp làm giàu bằng câu : chết mang xuống mồ được chắc… Và bao nhiêu lời hoa mỹ khác.

 

Như trả nợ anh đã dạy nó từ ngày này sang tháng nọ, Holin cũng cứ một bài nói mãi…

 

Một ngày, anh dậy sớm, chuẩn bị trang phục tươm tất. Anh đến cơ quan vào thẳng phòng giám đốc, chỉ vào mặt lão và lôi tất cả những điều mờ ám, bỉ ổi của lão và bè lũ đang đục khoét công ty…cho mọi người hay. Anh sẽ bị đuổi việc, có lẽ. Mà điều đó chả là gì; bởi anh đang nghĩ đến một điều lớn lao hơn nhiều : Anh sẽ được chết giống như một con chó./.

 

Hướng Dương
Số lần đọc: 1640
Ngày đăng: 18.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Siêu nhân bé bỏng - Quế Hương
Con Nhồng Bù Đốp - Quế Hương
giàn mướp bên kia sông - Phương Trân
Trên đường - Nguyễn Đạt
Tham kiếm - Thái Quang Hy
Tên con là Hòa Bình - Từ Nguyên Thạch
Bức Chân Dung - Nguyễn Trung Dũng
Giấc mơ lân - Hòa Văn
Bí Mật Hành Trình - Trần Thị Hồng Phúc
Chiến Binh Khổng Lồ - Lại Văn Long
Cùng một tác giả
Nhân Tính (truyện ngắn)
Đêm mưa (truyện ngắn)
Khách sạn đá trắng (truyện ngắn)
Mong manh (truyện ngắn)
Ác mộng (truyện ngắn)
Chết (truyện ngắn)