Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
463
116.585.038
 
Chuyện Của Hắn
Nguyễn Hữu Duyên

 

Quê hắn cách Sài Gòn một đêm nằm ngủ trên xe là sáng đến nơi. Nhưng gần mười năm rồi, hắn không về nhà trong dịp Tết. Ai cũng bảo làm suốt năm Tết cũng phải về quê thắp ông bà nén nhang chứ. Mà đâu phải chỉ mình hắn tha hương. Hắn nói hắn nghèo không có tiền về xe. Hắn nói thiệt nhưng chẳng ai tin hắn. Ở tuổi gần sáu mươi, nhưng chẳng thấy hắn già tí nào cả. Tóc, lấy đèn soi cũng không thấy sợi bạc. Khi có bạn mời uống cà phê, hắn  ngồi quán trông cũng bài bản. Áo bỏ trong quần và được ủi thẳng tắp. Giày tất hẳn hoi. Cứ nghe hắn nói chuyện xã hội có người tò mò hỏi hắn là học những điều đó từ đâu, ai dạy. Hắn bảo, hồi hắn được mười tuổi, chiến tranh lan rộng ở nông thôn, hắn cùng gia đình về nhà ngoại ở thị trấn tạm cư. Vì là cháu ngoại trai duy nhất nên hắn được ông bà ngoại cưng. Hắn được ưu tiên học bài ở nhà trên. Và lúc nào cũng vậy cứ mỗi tối, ông ngoại dành ra nửa tiếng biểu hắn đọc các câu trong Tam Thiên Tự, Minh Tâm Bửu Giám và giải thích cho hắn nghe. Ban đầu thì hắn không hiểu, nhưng về lâu thấy thích rồi đâm ghiền. Hắn thuộc lòng mấy câu nhập môn: Thiên: trời, địa: đất, tử: mất, tồn: còn, tử: con, tôn: cháu…Đặc biệt là ông ngoại còn dạy hắn những câu hát hò đối đáp, những câu ca dao mộc mạc của đồng quê, cách tính can chi: bính, đinh, tý, sửu…Nhờ biết điều ấy nên khi xuống thị xã nhận thẻ căn cước, tay cảnh sát nhìn hắn hỏi, cái bộ như vậy mà mười lăm tuổi, thế mày tuổi con gì? Năm ấy hắn mười bảy, tuổi Ất Mùi, trụt lại hai tuổi, hắn nói ngay: tuổi Đinh Dậu. Thế là thoát. Còn nói về hò, hắn luôn là thủ lĩnh của nhóm bạn hay của lớp, của trường. Và gần như chưa có lần nào hắn bị thua cả dù là khi tham gia cắm trại ở cấp huyện, hay cấp tỉnh. Hồi đó, khi còn học đệ ngũ, tức lớp 8 bây giờ, hắn luôn là người được cả tổ chọn lên thuyết trình, phân tích nội dung, chủ đề tư tưởng tác phẩm của các tác giả Tự lực Văn đoàn. Sau này, khi bước vào đại học, ngay cả lớp đàn chị năm ba, năm tư cùng khoa Việt văn cũng không thắng được hắn ở những câu hò đối đáp ngẫu hứng thực sự thuyết phục.

 

Từ nền tảng kiến thức của ông ngoại dạy, hắn lại đam mê đọc sách nên hiểu biết nhiều mặt so với bạn bè cùng trang lứa. Khi học phổ thông, hắn thường được nhà trường giao nhiệm vụ mang báo, đặc san của trường xuống các trường ở thành phố để bán. Các lớp đàn anh thường thất bại, nhưng nhờ khả năng diễn thuyết, đoàn của hắn bao giờ cũng gặt hái mỹ mãn. Trong một cuộc thi kể chuyện toàn tỉnh, hắn về nhất. Khi lên học đại học, dù chỉ là năm nhất, nhưng hắn đại diện cho hàng ngàn sinh viên của Viện Đại học sinh hoạt giao lưu với các trường đại học khác, không hề có sự thua kém. Mới ngoài ba mươi, hắn đã được ngồi họ đám cưới mà ngồi đầu dòng. Bà con dòng họ ai cũng đều nể hắn với tài ăn nói và vốn kiến thức có từ lúc ông ngoại dạy cho hắn. Bạn bè cũng công nhận, hắn là đứa thông minh…

 

Hắn say sưa với điều mình có được, sống trong vỏ bọc của chữ nghĩa. Hắn ngất ngưởng cứ cho mình là nhất, không quan tâm đến cơm áo gạo tiền. Hắn mơ ước sau này trở thành dân biểu, nghị sĩ, hoặc là ông nầy bà kia lo chuyện kinh bang tế thế ở tầm vĩ mô... Trong khi thiên hạ kẻ vào Nam, người lên Tây nguyên, lăn xả vào công việc có được để kiếm từng đồng chăm lo cuộc sống gia đình,  và cũng có biết bao kẻ lừa đảo tráo trở vì tiền, thậm chí có kẻ giết người vì muốn có nhiều tiền, nhưng hắn vẫn thản nhiên, vẫn sách, vẫn báo, vẫn bàn chuyện thời sự từ xóm làng đến thế giới.

 

Ngày thằng con trai lớn vào đại học, hắn bán chiếc xe máy nộp học phí. Rồi hắn bán luôn mảnh đất thị trấn cấp để có tiền gửi hằng tháng cho con. Sài Gòn mà, không tiền sao sống được. Tiếp đến, con gái út vào đại học, hắn hết đường, dắt vợ vô Sài Gòn bán bún nuôi hai đứa con ăn học. Điều vất vả từ cái thiếu hoặc không có tiền, hắn đã được người cô ruột cảnh báo, nếu hắn không yêu quý đồng tiền thì đồng tiền sẽ rời xa hắn - đó là quy luật không chỉ dành riêng cho con người hay con vật. Và đây là thời gian hắn thấm đòn vì tiền. Hắn lang thang nhiều tháng liền tìm cho được cái mặt bằng vừa túi tiền ít ỏi để thuê, và đặt gánh bún ở đó.  Lúc đầu chưa bán được nhiều nên trễ tiền nhà, chủ mắng như tát nước vào mặt. Bạn bè ở quê thời học trò thành đạt ở Sài Gòn sợ hắn nghèo khổ đến mượn tiền nên tránh mặt. Điện thoại không bắt máy. Cách nhau chỉ hơn cây số nhưng gần mười năm ở trọ chẳng thấy thằng bạn cùng học cấp hai nay giàu có ở thành phố đến thăm. Thức khuya dậy sớm, lao lung vất vả, hắn mất sức, té khi đang  bưng tô bún đến cho khách. Hắn khóc. Dù có sốt, hay tiêu chảy, hoặc bị một bệnh nào khác mà còn đứng được, uống thuốc xong rồi làm liền, chứ đâu có nghỉ được. Hắn khóc. Nhưng có điều quái lạ là hắn không hề biểu hiện một chút gì về sự thay đổi nhận thức của mình trước thực tế chua xót phũ phàng của chuyện áo cơm. Vợ hắn coi hắn như thằng phụ quán. Hai đứa con tốt nghiệp xong rồi, không còn nghe lời hắn nữa. Vậy mà chuyện vợ con thì hắn không khóc. Hắn chỉ buồn và nhớ lại cái ngày mới cưới vợ. Hắn mơ ước một gia đình chan hòa tình yêu thương. Nếu có nước mắt chỉ là nước mắt của hạnh phúc. Và con của hắn phải là thế này, phải là thế nọ…

 

Xưa, hắn vốn con nhà khá giả. Ba hắn có xe khách chạy liên tỉnh. Má hắn có một sạp đường lớn nhất nhì chợ trung tâm huyện. Quần áo của hắn thuộc loại vải đắt tiền, đẹp. Về thăm quê, ai xin tiền hắn cũng cho. Anh chị em con chú, con cô, con cậu, con dì thấy hắn có cái đồng hồ, đôi giày, quyển sách hay cây viết mới, muốn làm của thì hắn cũng không tiếc. Nhà bạn bè thiếu gạo ăn cũng đến nhờ hắn giúp năm ba ký, vân vân và vân vân…Hắn nghĩ đời hắn chắc chắn sẽ không bao giờ nghèo khổ, bởi hắn là con đầu lòng, sẽ kịp thừa hưởng cái gia tài của cha mẹ để lại, chứ không đến nỗi nào…

 

Thế rồi một ngày tai nạn ập đến gia đình hắn. Chiếc xe khách nhà hắn bị lật dưới chân đèo, ba hắn bị thương rất nặng, chữa trị kéo dài nhiều năm liền. Bao nhiêu của cải đội nón ra đi, kể cả cái nhà ở thị trấn cũng bán luôn và gia đình hắn đành phải về quê ở. Có một điều rất kỳ lạ là hắn không quan tâm đến lĩnh vực kinh tế. Hắn kể rằng, ngày mười hai mười ba tuổi, hắn chứng kiến hai anh em ruột vì tranh giành miếng đất mà phải chở cái hòm đặt trên miếng đất ấy theo kiểu một mày chết hai tao chết. Hắn tởm lợm và khinh bỉ cái cảnh cốt nhục tương tàn nhục nhã và xấu xa ấy. Trong cuộc sống này có những cái đến rồi đi rất nhanh, chẳng còn ai nhớ và nhắc đến làm gì. Nhưng trong hắn cái cảnh ấy ngày càng khắc sâu, đã đưa nhận thức từ một đứa trẻ hơn mười tuổi cho đến tuổi xấp xỉ sáu mươi, gần như không một chút thay đổi. Hắn thường nói, nếu con người sinh ra mà chỉ biết kiếm ăn thì có khác chi con gà, cứ khi bước xuống khỏi chuồng là bắt đầu tìm trong đất cát, lau lách…kiếm cái để nuôi sống mình. Hắn thần phục những trang sách của những con người vĩ đại vì sự khai phá tri thức của nhân loại. Từ các câu ca dao đến những kiến thức bác học luôn là nỗi khát khao của hắn. Hắn thần tượng đến mê muội. Áo cơm rượt đuổi hắn, đè và ghì hắn xuống dưới mặt đất. Hắn vẫn tìm cách ngoi lên, sau đó đâu vẫn hoàn đấy. Vẫn yêu thương những con chữ. Hắn viết truyện làm thơ, và gửi đi khắp nơi nhưng không có báo nào đăng. Khả năng viết lách của hắn cũng tàm tạm chỉ chừng ấy, nhưng quan điểm và nhận thức của hắn thì đã lỗi thời. Hắn viết, cứ lấy chữ tình mà nói, vì tình người ta sẵn sàng hy sinh tất cả, sá gì mấy đồng bạc. Không ai nghe hắn. Hắn tự nói với chính mình, chuyện gì cũng vậy, nhất thân nhì thế mà! Thiên hạ bảo, hắn sinh nhầm thế kỷ. Hắn gàn và lập dị, đến nỗi hắn gần như không còn một thằng bạn, kể cả cái thằng bạn nghèo khổ ngày xưa mà hắn thường cho tiền để cả nhà nó mua gạo sống qua ngày, nay làm ăn khá ở Sài Gòn cũng lờ hắn đi, coi như không biết hắn đang ở thành phố này. Hắn nghĩ, có lẽ nó không muốn một ai còn biết những ngày đói rách của gia đình nó. Vợ hắn đưa đơn li dị. Hắn ký, không buồn đọc kỹ nội dung, cũng chẳng hỏi nguyên nhân. Hai đứa con vốn nghe lời mẹ, trăm sự mẹ lo nên không còn quan tâm đến hắn. Từ chỗ có nơi đi về dù là nhà thuê, giờ hắn lênh bênh không còn gì cả ngoài cái vali sách và cái xách đựng mấy bộ đồ. Cũng may là hắn cũng  tìm được một chỗ trọ giá bình dân để sống tạm qua ngày...

 

Rồi không còn cách nào khác, hắn trở thành người bán vé số dạo - một việc mà báo chí thường hay nói cho văn vẻ là người đi bán giấc mơ triệu phú. Hắn không thể tưởng tượng được có một ngày hắn lại như thế này. Và hắn cứ phân vân mãi cái thuyết nhân - quả. Có lẽ những việc thiện việc tốt hắn làm trước đây chỉ đến với hắn kiếp sau thôi. Hắn tự an ủi mình như vậy. Khoảng gần một tháng sau, hàng xóm phát hiện hắn chết tại phòng trọ, trong tư thế áo còn bỏ trong quần, bên cạnh hắn là cái vali sách.

 

Thiên hạ bàn ra bàn vào về chuyện vì sao hắn chết? Mà quan tâm đến điều ấy để làm gì, bởi dù sao hắn cũng đã không còn nữa. Mà ai có thể tránh được cái chết? Chỉ tội nghiệp cho hắn vì đến lúc chết, hắn vẫn cô đơn. Nói như vậy, bởi trước đó, những tháng năm dài đằng đẵng, hắn luôn cô đơn trong chính gia đình của mình./.

 

Nguyễn Hữu Duyên
Số lần đọc: 1703
Ngày đăng: 31.10.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng Sắc Tuổi Thơ - Trần Yên Hòa
Bây giờ chúng ta đi đâu? - Hoàng Mai
Cái Nạng - Nguyễn Trung Dũng
Con Chuột Cống - Chu Trầm Nguyên Minh
Có ghế không bàn - Thái Quang Hy
Sau Cơn Mưa Rào - Đỗ Văn An
Ngày này, năm… - Nguyễn Đạt
Đêm Mùa Hè - Nguyễn Trung Dũng
Nhân Tính - Hướng Dương
Siêu nhân bé bỏng - Quế Hương