Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
639
116.001.877
 
Vài ý tản mạn nhân đọc thơ Vương Huy
Nguyễn Văn Hoa

Tôi đã dạy học nhiều năm ở quê Tiền Giang. Hiện nay người thân của  tôi vẫn sống ở Tiền Giang. Do vậy, khi biết Vương Huy có thơ đăng trên eVăn, tôi đã đọc những bài thơ này, trước hết bằng sự tò mò của mình, sau đó bằng sự nhẹ dạ cả tin của người đã gắn bó máu thịt với Tiền Giang.   

Khi đọc thơ tôi thường tìm cho mình những cách đọc sau đây:   

 

1- Đọc theo phương ngữ:


Đọc thơ Vương Huy, có lẽ độc giả cần biết chút ít về các phương ngữ
Nam bộ. Âm miền Nam so với tiếng Việt chuẩn có một số dị biệt: chẳng hạn phụ âm đầu V thường đọc thành D, Gi hay ngược lại (ví dụ: vùng thành dùng). Phụ âm cuối C nói thành T và ngược lại (ví dụ các thành cát). Phụ âm cuối NG đọc thành N, NH đọc thành N và ngược lại. Nguyên âm A đọc thành OA và ngược lại; nguyên âm O đọc thành U và ngược lại. Nguyên âm I đọc thành Y và ngược lại; nguyên âm UY đọc thành I. Đặc sắc của phương ngữ Nam bộ là những âm có dấu hỏi (?) được đọc thành những âm có dấu ngã (~) và ngược lại (ví dụ ngõ thành ngỏ).

 

Là người dạy học ở Tiền Giang nhiều năm, tôi nghe thì hiểu hết phương ngữ ở đây, nhưng bảo nói cho đúng tiếng ở đây thì cũng lúng túng. Do vậy, khi đọc thơ Vương Huy, nếu có từ nào chưa hiểu thì cứ thử áp dụng theo cách khái quát trên để họa may hiểu được thơ của tác giả này.

 

Hình như ngày nay đọc thơ, người đọc cứ tò mò muốn biết nơi sinh trưởng của nhà thơ. Đọc Kiều của Nguyễn Du thì tìm hiểu phương ngữ Nghệ Tĩnh hình như vẫn tốt hơn?

 

Hiện nay vẫn lưu hành cách đọc thơ gắn vào lý lịch, bằng cấp, nghề nghiệp, ghế ngồi và quê hương bản quán nhà thơ. Cách đọc thơ này hình như vẫn là chìa khoá để hiểu thơ của một nhà thơ cụ thể nào đó.


Nhưng giả dụ nếu bài thơ nào đó sống hơn 100 năm thì độc giả thế hệ sau có nhất thiết phải hiểu lý lịch, bằng cấp, nghề nghiệp, ghế ngồi và quê hương bản quán  nơi đẻ ra bài thơ không? Theo cá nhân tôi, đọc thơ theo cách này vẫn là đọc những cái ngoài bài thơ đó, có lẽ chưa ổn lắm.

 

Cách đọc thơ này chỉ thuận tiện cho bè bạn quen thân nhau để tiện "khen chê" nhau trên thông tin đại chúng . Còn những nhà thơ sống cô độc có thơ hay mà không có người "nâng đỡ"  thì rất nhất thời rất thiệt thòi với bạn đọc đương thời.

 

Cách đọc thơ này cũng có lợi cho những ai đã vào hội địa phương này nọ, câu lạc bộ này câu lạc bộ nọ. Thơ họ sẽ được lăng xê đến với độc giả với tốc độ nhanh hơn.

 

2- Đọc theo thế hệ các nhà thơ:

 

Cách đọc thơ này chia các nhà thơ ra nhiều loại. Chia nhà thơ theo nhà thơ già,  nhà thơ trẻ. Nhà thơ có bao nhiêu thâm niên ở hội này hội kia; nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp hay chống Mỹ, hay thuộc thế hệ thơ trẻ v.v...


Cách đọc thơ này thuận tiện cho quan chức quản lý thơ, nhưng với lịch sử dân tộc đã qua  30 năm thống nhất đất nước và đang đi vào hội nhập thì cách đọc thơ thứ hai này theo tôi là "lạc hậu" với độc giả trẻ tuổi, những người có thể lên mạng hàng ngày để đọc tất cả các loại thơ mà họ thích.

 

3- Đọc theo thị hiếu của  độc giả:

 

Độc giả thơ cũng có nhiều loại. Độc giả là  học sinh đang đi học, đọc thơ để thi "lên lớp", do vậy chỉ máy móc học thuộc lời truyền dạy "khuôn vàng thước ngọc" của thày. Loại độc giả này chỉ làm mẫu số cho các buổi đọc thơ hoặc hội thơ nào đó.

 

Độc giả thơ đã về hưu, độc giả thơ nữ, độc giả thơ bộ đội, độc giả thơ sinh viên, độc giả thơ công an, độc giả thơ cựu chiến binh, độc giả thơ thanh niên xung phong, độc giả thơ "Hương  ngoại ô", độc giả thơ của các câu lạc bộ phường xã...

 

Cách đọc thơ theo kiểu phân loại  độc giả sẽ còn tồn tại. Đó là một thực tế.

 

4- Đọc theo nhà  phê bình:

 

Một bài thơ hay hoặc không hay nhưng được các nhà phê bình bàn tán triền miên trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng áp đặt được cách đọc cho một số đông độc giả thơ nào đó. Phần lớn độc giả  không có thời gian đọc một cách có  hệ thống thơ của nhiều loại tác giả  khác nhau, do vậy dễ  nhẹ dạ cả tin vào nhận định của các nhà phê bình ăn lương ở nhà xuất bản này, hoặc ở viện nghiên cứu nọ.

 

Cách đọc thứ tư này theo cá nhân tôi vẫn tồn tại mãi vì nó có lợi cho việc quản lý thơ theo hành chính. Và đồng thời cũng có lợi cho độc giả đọc thơ ít thời gian và lười tìm hiểu.

 

5- Đọc "ăn theo" các giải thưởng thơ:

 

Hiện nay ta có trên 500-600 tờ báo khác nhau, hàng trăm nhà xuất bản khác nhau có thể in thơ. Do vậy thẩm định thơ hay dở thật không dễ dàng. Có độc giả chọn cách đọc thơ đơn giản nhất là "ăn theo" các giải thưởng thơ. Độc giả đinh ninh thơ mà đã được giải chắc phải là thơ hay. Chỉ cần mua các tập thơ được giải, độc giả tin là trong thư viện cá nhân của mình đã "tinh tuyển" được thơ hay Việt Nam. Cách đọc "hớt váng" này cũng tiện cho độc giả ít thời gian và lười suy nghĩ.

 

Bất chấp những lời chê bai sau mỗi lần trao giải thơ, cách đọc thứ năm này cũng sẽ tồn tại mãi đối với độc giả thơ Việt Nam.

 

Vậy nên đọc thơ Vương Huy theo cách nào?

 

Hàng ngày phải vật lộn mưa sinh nên tôi không có thời gian để đọc nhiều thơ. Tôi chọn cho mình một cách đọc thơ riêng. Tôi chỉ tập trung đọc thơ của các nhà thơ mới xuất hiện. Còn các loại thơ đã thành danh  tôi tìm mua và sưu tập. Tôi tự nhủ  chờ về hưu sẽ đọc những bài  thơ của họ vẫn chưa muộn.


Tôi thích thơ Vương Huy vì nhà thơ viết từ cảm xúc thật, viết từ vô thức. Các bài thơ chỉ  thuần tuý kể về nỗi buồn của con người "vô danh". Đây thực sự là lời nhắn nhủ của một người đã chạm đến ranh giới của sự sống và cái chết. Nói đúng hơn đó là những lời tâm huyết bằng thơ của một người ở hoàn cảnh tuyệt vọng.

Nhưng có lẽ tôi thích thơ Vương Huy chỉ đơn giản là tôi đã dạy học và sống ở quê hương nhà thơ này. Đơn giản vì người thân của tôi sống bên cạnh nhà thơ này?

 

Xóm Cò, 5/2004

Nguyễn Văn Hoa
Số lần đọc: 3633
Ngày đăng: 09.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giết thơ rất dễ (!) - Trần Mạnh Hảo
Sự mặc khải của thi ca - Trần Mạnh Hảo
Sức sống văn hóa của một vùng ngôn ngữ đầy năng động - Hồ Tĩnh Tâm
Tản mạn đôi điều về văn hóa - Hồ Tĩnh Tâm
Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - Hồ Tĩnh Tâm
H.CÁC MÁC - TÌNH YÊU VÀ BÃO TÁP - Hồ Tĩnh Tâm
Huy Cận – Lửa vẫn còn thiêng - Trần Mạnh Hảo
Phong tục ba ngày Tết của dân tộc ta - Phạm Thủy
"Ông Đồ " một di sản văn hoá Việt Nam - Quán Anh
Tát đìa – Niềm vui thôn dã - Nguyễn Kim
Cùng một tác giả
Bàn thiên Nam bộ (dân tộc học)
Vườn ổi ngự (truyện ngắn)
Tấm thiếp cưới (truyện ngắn)
Xóm NB ở cây số 6 (truyện ngắn)