Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
415
116.591.638
 
Từ Địa Ngục Âm Ty cho đến Cung Trời Đâu Suất
Phan Tấn Thiện

 

(Kính dâng Thầy Thích Mãn Giác)  

 

            Dưới tất cả là mặt đất, và cũng chính trên mặt đất này nền văn minh thế giới đã được thành lập [i].  Đất đai nuôi dưỡng con người và cũng đưa con người trở về cát bụi!  Đất với người như cá với nước!  Cá không có nước chắc hẳn chẳng còn!  Người không có đất sẽ trở thành kẻ vong nô thất thổ!

 

            Bỡi thế cho nên từ xưa đến nay lịch sử loài người cứ lập đi lập lại mãi, và hầu như nguyên nhân của các cuộc chiến tranh đều dính líu ít nhiều đến đất đai và lợi nhuận.  Nước lớn xâm lăng nước nhỏ, không ngoài ý đồ thâu tóm đất đai lãnh thổ sát nhập vào quốc gia mình.  Trong một nước cũng vậy, nhóm này đè bẹp nhóm kia, vua này cướp ngôi vua nọ, tổ chức này thâu tóm tổ chức khác cũng không ngoài mục đích tranh giành lãnh thổ, mở rộng biên cương, gia tăng quyền lực cho của riêng mình.

 

            Khi biên cương mở rộng, khi lãnh thổ được tranh đoạt, các nhà lãnh đạo lại đặt ra những luật lệ quản lý đất đai, và họ muốn quản lý cách nào hữu hiệu nhất để giữ vững được quyền lợi của mình tồn tại lâu dài mà không sợ kẻ khác giành lại.

 

            Và có lẽ cũng do nhiều yếu tố khác nhau, quan điểm khác nhau, triết lý khác nhau, thể chế chính trị khác nhau mà chúng ta thường thấy có nhiều hệ thống luật pháp khác nhau đang có mặt trên thế giới này.

 

            Common Law là một trong những hệ thống luật pháp đang được áp dụng một cách rộng rãi trong những quốc gia nói tiếng Anh và một vài cựu thuộc địa của Anh như các nước, Hoa kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Tân Tây Lan, Nam Phi, Ấn Độ, Hồng Kông và vân vân...

 

            Hiện nay, dân Việt chúng ta có một số không nhỏ đang sinh sống tại những quốc gia có ít nhiều liên hệ đến những cựu thuộc địa của Anh Cát Lợi ngày xưa tức là chúng ta đang bị sự chi phối toàn diện bởi Common Law trong nhiều lãnh vực liên quan đến luật pháp và đời sống.  Vậy chúng ta hãy bỏ chút thời gian xem lại Common Law quan niệm thế nào về quyền sở hữu đất đai và giới hạn của quyền làm chủ này trong con mắt của những nhà làm luật.

 

Vấn đề tài sản qui định trong Common Law có những nét đặc thù mà bất cứ ai là chủ những bất động sản cũng cần phải biết.  Một trong những nét đặc thù ấy là sự qui định của quyền sở hữu về đất đai mà mình đang làm chủ và những giới hạn của quyền làm chủ ấy.  Nói một cách dễ hiểu hơn, khi bạn mua một căn nhà tọa lạc trên một mảnh đất, dĩ nhiên điều đầu tiên bạn muốn biết là quyền làm chủ căn nhà và làm chủ mảnh đất của bạn theo luật được qui định đến đâu?   Muốn trả lời câu hỏi này trước hết mời bạn hãy xem thử chủ quyền của bạn trên mảnh đất ấy được căn cứ theo định lệ nào?  Hay nói nôm na hơn là được qui định dưới hình thức nào?  Từ hình thức đó may ra ta mới tìm ra được một lời giải mà hầu như đa số chúng ta cũng đều cảm thấy thõa mãn phần nào. 

 

            Trong Common Law hình thức qui định về chủ quyền của bất động sản được chia ra làm nhiều cách khác nhau, từ đơn giản cho đến phức tạp mà trong một bài viết ngắn không thể nào đề cập cho hết.  Hình thức chủ quyền trên bất động sản thông dụng nhất hiện nay là Fee Simple [ii].  Chúng tôi xin tạm gọi là quyền sở hữu tuyệt đối.  Hình thức của quyền sở hữu này được áp dụng rộng rãi trong luật tài sản của Common Law, trong nhiều quốc gia mà cộng đồng tị nạn Việt Nam chúng ta đang sinh sống.  Trong phạm vi bài viết này tôi xin mạn phép đề cập đến vấn đề chủ quyền của sở hữu chủ trên mảnh đất của mình đang sống mà thôi, còn những vấn đề khác thuộc phạm vi của Fee Simple được qui định trong Luật Tài Sản của Common Law thì chúng tôi xin phép được đề cập đến trong những bài viết khác. 

Vậy vấn đề đặt ra là: Nếu bạn làm chủ một ngôi nhà tọa lạc trên mảnh đất dưới hình thức là Fee Simple thì chủ quyền luật định của bạn sẽ tới đâu?  Câu trả lời đúng nhất sẽ là: Khi bạn làm chủ một mảnh đất dưới hình thức sở hữu của Fee Simple tức là bạn làm chủ trong phạm vi miếng đất của bạn kéo dài từ tâm của quả địa cầu cho đến khoảng không gian vô tận lên cho đến dãi Ngân Hà.  Tôi không biết phải diễn dịch làm sao cho đúng với ý nghĩa của chủ quyền này cho nên khi cầm bút để viết đoản văn này tôi đành phải mượn tạm một danh từ Phật Pháp thường nhắc đến nhân Mùa Lễ Vu Lan, tuy hơi mơ hồ một chút, nhưng ít ra cũng diễn dịch được những gì mà tôi muốn thưa chuyện cùng bạn ấy: Từ Địa Ngục Âm Ty Cho Đến Cung Trời Đâu Suất.

 

Xin các bạn cứ tưởng tượng và tạm hình dung chủ quyền của các bạn như vậy đi, và rồi từ sự hình dung đó bạn ắt hẳn sẽ nảy ra những nghi vấn mà chỉ có những nhà làm luật mới lý giải nổi những nghi vấn này mà thôi.  Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi như thế này: - Nếu tác giả bảo rằng quyền sở hữu của tôi lên đụng tới tận trời xanh vậy thì nếu có một chiếc máy bay nào bay qua mảnh đất của tôi thì máy bay đó đã vi phạm vào vùng đất của tôi rồi? Hoặc giả bạn cũng có những thắc mắc như thế này: - Nếu tác giả bảo rằng chủ quyền của tôi đi sâu xuống tận cùng trung tâm của quả đất vậy nếu dưới mảnh đất của tôi có một kho tàng hay quặng mỏ thì tôi sẽ là chủ của kho tàng hay quặng mỏ đó có phải không?  Câu trả lời đúng nhất sẽ là: -Đúng vậy, thưa bạn ạ!  Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ rằng trong luật pháp cái gì cũng phải có sự miễn trừ tương đối của nó.  Hai câu hỏi nói trên nghe qua thật đơn giản khó tin, nhưng nó là sự thật và đã làm cho những nhà làm luật để tâm thâm cứu và tranh luận suốt tháng năm dài.    

       

Nói có sách, mách có chứng không thôi các bạn sẽ cho rằng tôi đang kể chuyện Liêu Trai.  Mọi sự bắt đầu từ một ngạn ngữ cổ trong luật La Mã mà những nhà làm luật ở Âu Châu đều coi như là những khuôn vàng thước ngọc khi tranh luận về chủ quyền của một bất động sản.  Ngạn ngữ mang đậm nét văn chương này thường nằm trên đầu môi chót lưỡi của những luật sư và những nhà làm luật và đã được một luật gia cổ nổi danh là Accursius [iii] lập lại bằng tiếng La Tinh ở Bologna [iv] vào thế kỷ 13 như thế này: Cujus est solum, ejus est usque ad coelum et ad infernos.  Theo chỗ tôi được biết thì ngạn ngữ này có ý nghĩa đại để như sau: Nếu trên địa cầu này mà một mảnh đất nào thuộc về ai thì người đó cũng là chủ nhân của khoảng không gian từ mảnh đất ấy kéo dài cho đến tận trời xanh và cũng là chủ nhân của phần đất từ mảnh đất ấy đi sâu cho đến tận cùng của tâm quả đất.     

     

               Nếu căn cứ theo ý nghĩa của ngạn ngữ trên thì sự vi phạm chủ quyền trên mảnh đất của bạn đã xảy ra hàng bữa.  Một chiếc máy bay vô tình bay ngang qua không phận của căn nhà bạn đang ở.  Một quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên vùng trời mà theo luật định là thuộc chủ quyền của bạn.  Một hỏa tiễn, một vệ tinh bay qua biên giới của căn nhà bạn.  Phải chăng những chuyện trên đều vi phạm quyền sở hữu của bạn chăng?  Và nếu ai ai cũng vịn vào quyền sở hữu của mình mà dựng đứng một cây sào từ mảnh đất của mình cho đến tận trời xanh ắt hẳn gây trở ngại không ít cho nghành khoa học và kỹ thuật không gian đang trên đà phát triển mạnh như hiện nay.  Thế thì theo ý bạn những sự việc như vậy xảy ra có vi phạm chủ quyền của bạn hay không?   Và nếu là như vậy bạn có quyền khiếu tố chuyện này và rồi kết quả sẽ ra sao?  Bạn cũng đang nóng lòng muốn biết lắm chứ gì?  Thôi thì mời bạn hãy từ từ châm điếu thuốc, uống chén trà rồi ngẫm nghĩ xem và phỏng đoán rằng trong những trường hợp này luật phải thẩm định thế nào? 

 

            Đến đây thì bạn hẳn đồng ý với chúng tôi phần nào về giới hạn chủ quyền của bất động sản.  Tuy nhiên chúng ta đều là những người dễ tính, chuyện chiếc máy bay bay ngang qua đầu trong khoảnh khắc, cứ kể như nó là một con chim bằng sắt bay ngang qua khu vườn của mình cho nên chúng ta cũng không bận tâm mấy về vấn đề vi phạm chủ quyền làm gì.  Một chiếc hỏa tiễn, một vệ tinh trong không gian nếu có bay qua không phận của mình cùng lắm chỉ là một tích tắc thôi; kiện tụng làm gì vô ích.  Vã lại đôi khi chúng ta cũng suy nghĩ rằng kiện tụng  chưa chắc gì mình đã thắng, biết đâu mấy ngài quan tòa "sợi tóc cũng muốn chẻ làm tư" có những ý tưởng lạ, đi những nước cờ mà mình nghĩ chưa ra, bác đơn kiện của mình khiến mình mất tiền và mất công vô ích. 

            Nếu cuộc đời cứ thế mà trôi thì làm gì có chuyện nói.  Có nhiều người không nghĩ như bạn và tôi.  Họ lại thích đi kiện nên mới có chuyện nói ra đây.  Chuyện là vầy: Có một ngài Nam Tước người Anh tên là ông Bernstein, ông này hơi khó tính một chút.  Ông ta có một nông trại rộng 150 ắc-cơ (acres).  Ngày mùng ba tháng Tám năm 1974, công ty Skyview & General Ltd., là một công ty chuyên chụp hình không ảnh những ngôi nhà đẹp rồi đem bán lại cho chủ nhân những ngôi nhà ấy.  Công ty cho máy bay bay ngang qua nông trại của ngài Nam Tước Bernstein và chụp hình ngôi nhà của ông ta rồi đem rao bán lại cho ông.  Công ty  chuyên kinh doanh kiểu này được 17 năm rồi.  Nhưng ngày ấy lại là ngày không được tổ đãi cho nên khi công ty gởi hình tới cho ngài Nam Tước và yêu cầu mua thì ngài nổi trận lôi đình viết thư cho công ty yêu cầu công ty phải giao nạp toàn bộ phim ảnh về căn nhà của ông ta vì rằng khi máy bay bay ngang qua nhà ông ta để chụp hình mà không được sự cho phép hay sự đồng ý của ông như vậy công ty đã vi phạm trắng trợn quyền làm chủ bất động sản của ông rồi [v]

 

            Rủi thay bức thơ của Ngài Nam Tước lại không đến tay của ông Giám Đốc công ty hoặc giả ông ta làm bộ không biết chuyện này.  Nếu bức thư nói trên đến tay của ông Giám Đốc công ty thì có lẽ ông này đã đem phim ảnh giao nạp cho ngài Nam Tước để cầu hòa.  Nội vụ hẳn đã được xếp lại lâu rồi, đâu phải có chuyện ra tòa, cãi vã nhau làm chi cho mệt.  Rủi thay, bức thư trên lại vô tình lọt vào tay của cô thư ký 18 tuổi, mới gia nhập công ty.  Để trả lời thư, cô thư ký viết cho ngài Nam Tước một bức thư lời lẽ thật là dịu dàng nhã nhặn.  Trong thư cô cảm ơn ngài Nam Tước và yêu cầu bán lại phim ảnh với giá là 15 đồng Bảng Anh.  Viết thư kiểu đó đối với ai thì được chứ đối với ngài Nam Tước thì không được rồi!!!  Thay vì viết thư qua lại, đôi co, ngài không thèm làm chuyện này.  Ngài đi thẳng ra văn phòng luật sư và yêu cầu luật sư viết ngay một cái thư gởi cho công ty phàn nàn về chuyện công ty không chịu tuân theo yêu cầu của ngài Nam Tước là trả lại phim ảnh cho ông mà còn dám giỡn mặt là bảo ông phải mua lại phim ảnh kia.  Thư của luật sư đại để cũng yêu cầu công ty giao nạp lại phim ảnh, phải hứa là không được vi phạm chủ quyền của ngài Nam Tước nữa, và phải xin lỗi ngài Nam Tước. 

 

            Thêm một cơ hội nữa lại trôi qua.  Ông Ashby, Giám Đốc công ty, cũng chưa hề đọc được thư của luật sư.  Nếu ông có thấy bức thư này thì ông cũng đã dàn xếp xong xuôi chuyện này có đâu phải liên lụy đến chuyện "vô phúc đáo tụng đình" nhức đầu, bực bội như ngày hôm nay.  Theo lời ông Ashby thì ắt hẳn có ai trong công ty đã trông thấy bức thư này và cho rằng nếu công ty không làm gì thì nội vụ cũng sẽ êm.  Nhưng không, câu chuyện không êm như công ty tưởng.  Luật sư của ngài Nam Tước không nhận được thư trả lời của công ty cho nên ngày 26 tháng Sáu năm 1975 đưa nội vụ ra tòa. 

 

            Toà High Court của Anh đăng đường xét xử dưới vụ số [vi] Bernstein of Keigh (Baron) v. Skyviews & General Ltd. [1978] 1 QB 479.  Thẩm phán Griffiths J. được cử làm Chánh Thẩm.  Nguyên đơn nại rằng: Chiếu chi, vào ngày tháng nói trên bị đơn đã xâm nhập vào không phận của nguyên đơn để chụp hình căn nhà của nguyên đơn hành động này được coi như là sự xâm nhập vào lãnh địa của nguyên đơn một cách bất hợp pháp. 

 

            Bị đơn chống chế rằng: Chiếu chi, vào ngày giờ nói trên bị đơn thừa nhận là đã chụp hình căn nhà của nguyên đơn nhưng khi chụp hình căn nhà bị đơn chỉ bay trên không phận của miếng đất bên cạnh và chụp xéo qua căn nhà của nguyên đơn chứ bị đơn không hề bay trên không phận của nguyên đơn.  Hoặc giả cứ cho rằng bị đơn có bay trên không phận của nguyên đơn đi nữa thì bị đơn mặc nhiên cũng có quyền làm như vậy.

 

            Dựa trên lý luận của bị đơn, Chánh Thẩm của vụ án đã đề xuất ra hai câu hỏi pháp lý quan trọng có liên quan đến sự kiện của bản án.  Câu hỏi thứ nhất về pháp lý có liên quan đến sự kiện xuất phát từ lý đoán do bị đơn nại ra rằng trước kia vào năm 1967 bị đơn đã bay trên không phận của nguyên đơn một lần, chụp hình căn nhà của nguyên đơn và đề nghị bán hình chụp, nhưng nguyên đơn đã không mua cho nên lần này bị đơn được xem như có quyền bay trên không phận của nguyên đơn để chụp hình lần nữa.  Đối với câu hỏi đầu tiên này Chánh Thẩm Griffiths J. phán rằng : " Xét rằng lần trước xảy ra vào năm 1967, bị đơn có bay trên không phận của nguyên đơn và chụp hình căn nhà của nguyên đơn và Nam Tước Bernstein đã bày tỏ sự phẫn nộ về chuyện này bởi thế cho nên hôm nay bị đơn không thể vì chuyện chụp hình trước kia đã xảy ra mà cho rằng mình vẫn có quyền bay trên không phận của nguyên đơn và chụp hình như vậy lần nữa.  Cho nên lập luận này của bị đơn được coi như không đứng vững được." 

 

             Câu hỏi pháp lý số hai lời liên quan đến sự kiện của bổn án được đặt ra là:  Khi chụp hình căn nhà của nguyên đơn, bị đơn có thật sự bay trên không phận của nguyên đơn hay là không?  Dựa theo bằng chứng của vụ án, quan toà xác nhận rằng những tấm hình này được chụp từ một loại máy bay nhẹ có tên là Cessna, máy ảnh được dùng là loại Pentax 35 ly với ống kính thông dụng loại 135 mm.  Phi công của chiếc máy bay tự chụp một mình và không nhờ sự trợ thủ của một nhiếp ảnh gia nào.  Cả bên nguyên lẫn bên bị đơn đều tranh luận gay gắt về cao độ và vị trí của chiếc máy bay khi đang làm nhiệm vụ chụp không ảnh. 

 

            Theo chứng cớ của vụ án cho thấy khi màng trập của ống kính trong máy ảnh hoạt động bắt đứng hình ảnh bên dưới thì vị trí của chiếc máy bay nằm giữa biên giới của lô đất của ngài Nam Tước và miếng đất bên cạnh, và chiếc máy bay đang bay về hướng của miếng đất của ngài Nam Tước.  Chánh Thẩm Griffiths J. kết luận: "Một lần nữa thiễm văn phòng trộm nghĩ rằng có thể trước khi chụp hình căn nhà của ngài Nam Tước, phi công cũng lượn qua đảo lại một vài lần để chọn góc độ như thế nào để bắt cho được một hình ảnh đẹp.  Theo cách nhìn của tôi thì tôi đồng ý rằng khi chụp hình thì vị trí của chiếc máy bay phải nằm trên đường biên của hai mảnh đất, tuy nhiên trong lúc chụp hình máy bay có thể lượn vòng theo đường biên và tạo nên một đường cong lớn giữa hai mảnh đất và như vậy xác xuất vi phạm vùng tri của nguyên đơn có thể xảy ra.  Lẽ ra bị đơn phải trình toà bằng cớ của viên phi công khi chụp hình bay lượn trên không đã không xâm phạm vùng đất của nguyên đơn.  Nhưng bị đơn đã không đưa ra được bằng chứng như vậy cho nên Toà phải kết luận rằng vào ngày mồng 3 tháng Tám năm 1974 bị đơn có cho máy bay bay lượn trên phần không phận của nguyên đơn và không được sự đồng ý của nguyên đơn.” 

 

            Sau khi giải đáp hai gút mắc của những tranh chấp về sự kiện (Facts), Chánh Thẩm Griffiths J. bắt đầu quay sang áp dụng luật (Laws) để soi sáng vấn đề.  Nguyên đơn nại rằng vì lẽ nguyên đơn là chủ nhân của mảnh đất cho nên nguyên đơn cũng chính là chủ nhân của vùng trời trên mảnh đất ấy, hay ít ra nguyên đơn cũng có quyền cấm không cho kẻ khác xâm nhập vào không phận của nguyên đơn theo như tinh thần của ngạn ngữ cổ của luật La Mã mà nguyên đơn đã viện dẫn ngay trong khi khởi tố vụ kiện.  Tòa cũng đã thừa nhận rằng có rất nhiều án lệ qui định về việc tranh chấp chủ quyền trên không của tư gia và thường những vụ tranh chấp này có tầm mức thấp hơn theo nghĩa của độ cao kể từ mặt đất đi lên.  Riêng về sự tranh chấp chủ quyền đối  với máy bay bay xâm nhập vào những vùng trời của tư gia thì án lệ chưa qui định rõ.   

Nếu như người hàng xóm của bạn có một nhánh cây nghiêng qua trên phần đất của bạn hoặc giả có một đường dây điện hay điện thoại băng ngang qua vùng đất mà bạn đang làm chủ, hay giả sử có một tấm bảng hiệu treo lấn qua vùng trời của bạn.  Những vi phạm trên luật thừa nhận rằng người chủ của mảnh đất bên dưới có quyền triệt hạ những chướng ngại vật đó [vii].   

 

            Để nâng đỡ cho phán quyết của mình Chánh Thẩm đưa ra những vụ án có liên quan đến sự vi phạm chủ quyền ở trên không của tư nhân, nhất là những án lệ trong Common Law của Anh mà những Thẩm Phán nổi danh đã nhận định về giới hạn của chủ quyền trên bất động sản dựa theo ngạn ngữ của cổ luật La Mã.  Một trong những vụ án then chốt này phải được kể là Commissioner for Railways v. Valuer-General [viii]. Trong vụ án này Lord Wilberforce đã nhận định như sau về giá trị của câu ngạn ngữ trên: "Có rất nhiều ví dụ về những phán quyết của Toà án vào thế kỷ 19 dành cho sự áp dụng của ngạn ngữ trên, trong thời gian đó sự khám phá về quặng mỏ và những giá trị của khoáng sản đã tạo ra sự chú ý đối với sự mở rộng chủ quyền của bất động sản kể từ mặt đất đi xuống có thể bằng hoặc hơn sự chú ý của giới hạn này kể từ mặt đất đi lên.  Nhưng cách dùng của ngạn ngữ này đối với quyền truy tầm quặng mỏ hoặc sự xâm nhập lãnh địa tư nhân bỡi súc vật hay dây điện hay điện thoại giăng qua vùng đất của một tư nhân đều không được chính xác cho lắm, nó chỉ có giá trị khi nào khi xét xử phải kèm theo sự phân tích vụ án cho kỹ lưỡng... Những vụ án của Common Law ở vào thế kỷ 19 chưa có vụ án nào có thẩm quyền tuyên bố rằng " lãnh địa" được bao gồm từ không gian vô tận kia cho đến tận cùng của tâm quả đất:  Khẳng định như vậy thiệt là quá mông lung, không có căn cứ khoa học, và không thực tế, điều này dưng như không hợp lý chút nào đối với Common Law." 

 

            Sau khi trích dẫn thêm một số án lệ khác và những phán quyết của các Thẩm Phán tiền nhiệm về giới hạn chủ quyền của bất động sản, Chánh Thẩm Griffiths J. đi đến kết luận rằng: " Tôi không thể nào tìm được những luận cứ trong luật minh thị rằng quyền của chủ đất trên không gian được kéo dài vô tận...Tôi muốn nói thêm rằng ngạn ngữ trên nếu được áp dụng một cách văn chương thì nó chỉ là một khái niệm có tính chất văn hóa dẫn đến một sự mơ hồ về sự xâm nhập bất hợp pháp trong luật giả tỉ như có một vệ tinh mỗi lần bay ngang qua khu vườn là một lần xâm nhập lãnh địa của tư nhân bất hợp pháp hay sao!...Vấn đề đặt ra là làm sao quân bình được quyền làm chủ của tư nhân trên một bất động sản và quyền tự do công cộng dành cho những tiến bộ về khoa học liên quan đến việc sử dụng không phận.  Theo nhận xét của tôi sự quân bình này sẽ tác động mạnh vào xã hội chúng ta đang sống bằng cách giới hạn những quyền làm chủ của tư nhân trên mảnh đất của họ đến một cao độ nào đó đủ cho họ thưởng thức trọn vẹn quyền làm chủ của họ theo luật qui định, và như vậy nếu vượt quá cao độ đó thì quyền sử dụng không gian của mọi người đều bằng nhau. 

 

            Nếu áp dụng quan điểm đó trong trường hợp này, thiễm văn phòng trộm nghĩ rằng máy bay của bị đơn không hề vi phạm chủ quyền trong khoảng không gian của nguyên đơn, và như vậy tội xâm nhập lãnh địa bất hợp pháp không hề xảy ra.  Bằng cớ cho thấy, khi máy bay bay thật cao trên vùng đất của nguyên đơn điều này không có nghĩa là máy bay của bị đơn đã gây cản trở cho sự sử dụng lãnh địa của nguyên đơn.  Nguyên đơn có than phiền với thiễm văn phòng rằng chuyện máy bay bay trên trời xanh không ảnh hưởng gì tới lãnh địa của nguyên đơn nhưng chuyện chụp hình nơi cư trú của nguyên đơn mới là vấn đề đáng nói.  Nhưng tiếc thay, chẳng lẽ vì một tấm hình chụp mà mình có thể qui tội cho người khác là xâm nhập lãnh địa của mình bất hợp pháp hay sao! 

 

            Luật sư của nguyên đơn còn cho thiễm văn phòng biết thêm một chi tiết nữa rằng:  Nguyên đơn là một Nam Tước có địa vị lớn trong xã hội, ông ta rất lo lắng nếu như tấm hình chụp tư gia của ông lọt vào tay bọn khủng bố và như vậy sẽ bất lợi cho ông.  Điều lo lắng này của Ngài Nam Tước hoàn toàn thông cảm và hiểu được.  Nhưng luật sư của nguyên đơn cũng thừa nhận rằng luật sư không thể nào tìm ra được một điều khoản nào để kết tội bị đơn trong trường hợp bị đơn chụp hình căn nhà của nguyên đơn với ý đồ không ăn nhập gì tới vấn đề khủng bố hay hình sự cả. 

 

            Bởi các lẽ ấy, tôi không thể nào tìm ra được bị đơn đã vi phạm lãnh địa của nguyên đơn một cách bất hợp pháp." 

 

            Sau khi sử dụng án lệ trong Common Law để soi sáng vấn đề, Chánh Thẩm Griffith J. xoay qua áp dụng luật Hàng Không.  Chiếu theo điều 40 đọan 1 của Luật Hàng Không 1949 [ix]  section 40(1)) được đọc như sau: "Không được xem như là sự xâm nhập lãnh địa bất hợp pháp hay gây phiền nhiễu tới người khác nếu máy bay bay ở một cao độ phù hợp với điều kiện gió và thời tiết. Tùy theo lý do của những chuyến bay mà chuyến bay phải tuân thủ theo những điều khoản qui định trong Phần II hay Phần này của đạo luật Hàng Không."

 

            Từ những nhận xét trên Chánh Thẩm Griffiths J. đi đến kết luận rằng : " Dựa theo sự kiện của bổn án, dầu sự kiện đó có trái ngược với quan điểm của tôi đi nữa, thì chiếc máy bay của bị đơn vào ngày tháng nói trên có xâm nhập bất hợp pháp trong vùng lãnh địa của nguyên đơn.  Tuy nhiên theo điều 40 đọan 1 của Luật Hàng Không 1949 thì nguyên đơn không được quyền ngăn cấm máy bay của bị đơn bay trên vùng không phận của nguyên đơn.  Bởi những lý do trên đơn khởi tố của nguyên đơn được xem như thất bại.  Phán quyết có lợi cho bị đơn." 

 

            Bản án trên thật sự rất dài, tôi chỉ xin mạn phép tóm tắt những nét chính trong phán quyết của Chánh Thẩm mà thôi.  Từ bản án trên hai bài học được rút ra.  Bài học thứ nhất dĩ nhiên là sự qui định về giới hạn vùng trời của một bất động sản, và bài học thứ hai phải kể rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.  Dầu là Nam Tước hay một người thợ chụp hình thì luật pháp cũng áp dụng như nhau.  "Pháp bất vị thân" những lời nói vắn tắt trong cổ luật Việt Nam ngày nào tưởng chừng như có sự trùng hợp phần nào đối với Common Law mà chúng ta đang bị chi phối.  

         

Khi cầm bút viết đoản văn này tôi dự định sẽ chia nó ra làm hai phần.  Phần đầu nói về giới hạn của một bất động sản kể từ dưới đất đi lên.  Phần thứ hai sẽ đề cập những gì liên quan đến giới hạn của một bất động sản từ mặt đất trở xuống.  Viết đến đây chuông điện thoại văn phòng lại reo, giòng tư tưởng ít nhiều cũng bị gián đoạn.  Thôi thì hãy tạm xếp chuyện viết lách này qua một bên, lo việc mưu sinh cái đã.  Những gì nằm trong lòng đất hãy để cho nó ngủ yên ở trong lòng đất.  Khơi dậy nữa mà làm gì!  Chuyện trên trời thì đã lỡ đề cập đến rồi thôi đành tạm kết luận rằng vụ án Bernstein of Leigh (Baron) v. Skyviews & General Ltd. [1978] 1 QB 479 được kể như là vụ án đầu tiên của Common Law về sự vi phạm chủ quyền của máy bay trên không phận của một tư gia. 

  

Suy cho kỹ, nghĩ cho cùng thì sự tiến bộ của luật pháp chẳng qua là một hàm số đồng biến của thời gian.  Những nguyên tắc luật được cho rằng đúng của ngày xưa, chưa chắc ngày nay vẫn còn tồn tại!  Những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật của nhân loại đã đẩy xã hội loài người đi xa hơn những qui tắt luật được dự liệu mà người xưa đã từng quyết đoán.  Biết đâu rồi đây sẽ có những điều khoản mới qui định về sự chiếm hữu trong luật tài sản ở những hành tinh xa xôi như Mặt Trăng hay Hỏa Tinh v.v.... Dầu gì đi nữa sự tranh luận về giới hạn của chủ quyền của bất động sản Từ Địa Ngục Âm Ty Cho Đến Cung Trời Đâu Suất vẫn mãi là một đề tài sống động mà những nhà làm luật phải để tâm thâm cứu nhiều hơn nữa. Văng vẳng đâu đây những lời tranh luận hùng hồn của Accursius ở Bologna năm nào khi đề cập đến giới hạn của sự phân tranh về chủ quyền của một bất động sản: Cujus est solum, ejus est usque ad coelum et ad infernos.  Cách nay đã bao nhiêu thế kỷ, dư âm như vẫn còn vướng vất đâu đây!

                                                                       

 

 



[i] Canadian Real Estate Association, "Code of Ethic", Preamble, 1995.

[ii] H. C. Black et al., Black's Law Dictionary with Pronunciations, Abridged 6th ed (West Publishing Co., 1991) at 427.

[iii] Franciscus Accursius, Italian Francesco Accorso (born c. 1182, Bagnolo, Tuscany [Italy]—died c. 1260, Bologna), Italian legal scholar and leading jurist of the 13th century who was responsible for the renovation of Roman law. He was the last of a series of legal glossators (annotators) of Justinian’s compilation of Roman law. A professor at the University of Bologna, Accursius had access to the many legal works of the Romans that had been brought from Ravenna in the 11th century, when the institution at Bologna was first established as a law school. This circumstance enabled Accursius to compile the authoritative Glossa ordinaria ... (100 of 205 words)

 

[iv] The city, the first settlements of which date back to at least one millennium BCE, has always been an important urban centre, first under the Etruscans (Velzna/Felsina) and the Celts (Bona), then under the Romans (Bononia), then again in the Middle Ages, as a free municipality (for one century it was the fifth largest European city based on population). Home to the oldest university in the world, University of Bologna, founded in 1088, Bologna hosts thousands of students who enrich the social and cultural life of the city. Famous for its towers and lengthy porticoes, Bologna has a well-preserved historical centre (one of the largest in Italy).

[v] Bernstei of Leigh (Baron) v. Skyviewa & General Ltd., High Court of England [1978] 1 QB 479.

[vi] Ibib at 479.

[vii] Lemmon v. Webb [1894] 3 Ch. 1.

[viii] Commissioner for Railways v. Valuer-General [1974] AC 328, 351.

[ix] Civil Aviation Act 1949.

 

Phan Tấn Thiện
Số lần đọc: 1834
Ngày đăng: 10.01.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
TINH THẦN HỌC THUẬT PHẬT GIÁO - Trần Kiêm Ðoàn
Ý niệm tung hoành trong mê lộ của Tâm - Hồ Dụy
HAMVAS BÉLA- Siêu hình học của Yoga - Nguyễn Hồng Nhung
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí (Logische Untersuchungen, 1900) của Edmund Husserl - 6 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc, Fê-Bình Và So-Sánh Truy-Tầm Luận-Lí (Logische Untersuchungen, 1900) của Edmund Husserl - 5 - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Niezsche : Der Wille Zur Macht . Chí Hùng-Vĩ - Nguyễn Quỳnh USA
Friedrich Nietzsche: Lập-Ngôn Của Zarathustra 9 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Và Fê-Bình : Cơn Khủng-Hoảng Của Khoa-Học Tây-Fương - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc và Fê-bình SEIN UND ZEIT/ NGUỒN-SỐNG VÀ THỜI-JAN của HEIDEGGER 8 - Nguyễn Quỳnh USA
Đọc Cương-Lĩnh Luận-Lí 1 Và Vài Nhận-Xét Về Nền-Tảng Toán-Học Của Wittgenstein - Nguyễn Quỳnh USA