Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
698
116.607.429
 
Điều ấy đã xảy ra
Hào Vũ

Chính hắn đã gợi cho chị nghĩ đến một thế giới khác với thế giới quen thuộc của chị. Những buổi sáng yên bình, những tháng ngày tẻ nhạt, những cuộc làm tình vô vị với chồng … Hình như còn có một thế giới với những mối quan hệ khác, những suy nghĩ khác, một lối hành xử khác. Nó gần ngay bên cạnh chị mà cũng hết sức xa vời. Biên giới của nó hết sức mong manh lúc nào cũng có thể bước qua được, nhưng lại chẳng thể dễ dàng bước qua.

 

Hắn đen đúa và có phần dơ dáy, hắn làm nghề bơm nước mướn. Nhà chị nghèo, một túp lều lụp xụp như bao gia đình ở đồng bưng này. Một mẫu ruộng đất mới thuộc , một bờ kinh nhỏ trước cửa nhà, và dòng kinh nhỏ bên dưới ngày hai chiều nước lên xuống cũng là con đường nối với thế giới bên ngoài, còn là nguồn sống của gia đình chị. Bơm nước tưới ruộng vào mùa khô, chị làm lúa hai vụ, là nơi cung cấp cá tôm cho bữa ăn hàng ngày. Có khi cả mấy tháng chị không ra tới cái quán đầu ngã ba kinh, nói chi tới chợ thị trấn. Một đôi chiếc ghe thương hồ hàng tuần đi ngang qua cửa nhà chị rao bán đồ tạp hóa, những thứ thiết yếu cho đời sống con người. Cùng với nó là thông tin về cuộc sống ngoài chợ, cuộc sống xung quanh. Hai đứa con đầu chị sanh ở nhà hộ sinh xã, hai đứa sau chị sanh tại nhà, chính chiếc ghe thương hồ quen thuộc chuyên bán đồ tạp hóa đã rước bà mụ về cho chị cùng với mọi thứ vật dụng cần thiết cho một đứa bé ra đời.

 

Năm nay chị 28 tuổi, có bốn đứa con.

 

Buổi tối cả nhà xây quanh chiếc đèn dầu nghe chồng chị kể chuyện tiếu lâm, những câu chuyện nhiều khi hết sức tục tĩu mà anh nghe được ở tiệc nhậu nào đó. Trước đó là tiết mục đánh lửa châm đèn của chồng chị. Hộp quẹt hư, chị cũng chẳng tính mua cái mới, tốn tiền, tốn dầu, rắc rối. Chồng chị đã sáng chế ra kiểu lấy lửa độc đáo. Anh gài cục đá lửa vô thanh gỗ, dùng lưỡi dao mài qua lại cho lửa bật lên. Lửa sẽ bén vô miếng bùi nhùi để kế bên. Một làn khói lúc đầu rất mơ hồ sau rõ dần, rồi ngọn lửa cháy. Cuộc đánh lửa mất tới 10 phút có khi hơn, và khá cực nhọc. Không quan trọng. Thời gian và sức lực … đó là những thứ ở đây thừa thải.

 

Nhưng hắn đã tới, con người đen đúa có phần dơ dáy ấy. Hắn ngồi trên chiếc xuồng, kiểu Cần Thơ, chứng tỏ hắn không phải là dân vùng này. Hắn đem máy và ống dẫn nước đến nhà chị. Thằng con nhỏ nhất của chị mới hai tuổi lẫm đẫm đi chơi một mình ra phía bờ kinh. Tiếng lục lạc reo phía ấy làm chị đang ở chuồng heo vội chạy ra ẳm nó vô. Trong đây vắng vẻ, lại nhiều kinh rạch nông sâu vô chừng, người ta cột vào cổ chân những đứa bé mới tập đi vòng lục lạc. Chúng đi tới đâu lục lạc reo tới đó, người lớn nghe mà trông chừng.

 

Hắn đến, leo lên chiếc cầu ghép bằng thân cây tràm cong queo nơi bến xuồng nhà chị, bước vô mảnh sân đầy cỏ mọc.

 

- Nghe ông Chín nói chị nhắn bơm nước ruộng.

 

- Anh quen với Ông Chín à?

 

- Ông Chín có ghe thương hồ bán mắm, ai mà không biết.

 

- Ừa, anh bơm đi, anh thứ  mấy? Ruộng nhà tôi đó, một mẫu.

 

Hắn nhìn theo tay chị, trong đầu hình dung ra công việc cần làm. Rồi hắn tự nhiên như ở nhà mình, bước vô nhà chị tìm lấy một chiếc xẻng đào đất vác ra ruộng đào một con mương nhỏ dẫn nước, rồi đặt máy bơm, đặt ống dẫn nước, rồi giật máy nổ. Nước dưới kinh bắt đầu chảy lên ruộng nhà chị. Hắn làm công việc ấy thành thạo, chóng vánh. Ít phút sau hắn bước vô nhà nói với chị:

 

- Ruộng nhà chị chắc phải bơm tới chiều. Lúa chị chắc trúng.

 

Chị không trả lời hắn, chỉ gật đầu. Chị lo nấu cơm trưa cho hắn ăn cùng với gia đình chị.

 

- Ông xã chị đi đâu rồi?

 

- Đi đám giỗ bên kia kinh lớn, chắc chiều mới về. Có khi mai không chừng. Mấy cha nhậu vô chẳng còn nhớ gì hết.

 

- Đàn ông ai không vậy.

 

Hắn cũng không muốn nói nhiều, y như chị. Vả chăng cũng chẳng còn chuyện gì để nói. Buổi trưa, cơm được dọn ra trong tiếng máy bơm xình xịch ngoài ruộng. Nhân có chiếc ghe bán rượu bơi ngang, hắn gọi vô mua một xị. Hắn bỏ cơm đó ra bến xuống tháo dây cột xuồng, leo xuống xuồng bơi dọc theo tay lưới chồng chị giăng khi đêm theo con kinh trước nhà. Hắn thăm lưới kiếm cá, tự nhiên và quen thuộc như hắn từng ở đây lâu. Bơi được chục thước, hắn kiếm được hai con cá rô nhỏ. Cũng tự nhiên như lúc đầu hắn bước lên bờ, vô nhà, xuống bếp nướng hai con cá vừa kiếm được. Hắn chuẩn bị mồi nhậu. Đứa con gái lớn của chị nhìn hắn nói:

 

- Sao bác không rửa sạch con cá hã nướng.

 

- Mầy đi học rồi phải không? Đi học thì hay nói vệ sinh, tao không đi học, khỏi vệ sinh mẹ gì hết, khỏi rửa. Có chết thằng tây nào đâu.

 

Chị mặc hắn làm gì thì làm, hối các con ăn cơm cho xong. Nhiều việc đang chờ chị. Con lớn phải ra đồng kiếm đìa cạn tát cá chuẩn bị cho bữa cơm chiều và sáng mai, hai đứa kế nó theo chị ra đồng tập làm cho quen, đứa nhỏ nhất phải đi ngũ để chị nấu cám heo.

 

Hắn nướng cá xong, lấy rượu ra uống một mình, vừa lắng nghe tiếng máy nổ vừa nói:

 

- Chị coi, máy bơm tôi nổ nghe sướng không?

 

- Chiều có đủ nước không?

 

- Dư sức mà.

 

Nhưng rồi hắn uống rượu say và nhìn chị với cái nhìn lạ lẫm. Chị không để ý đến hắn, bổng nhiên hắn tiến đến từ phía sau chị, ôm eo lưng chị, nói trong hơi rượu:

 

- Má sắp nhỏ cho anh … cái nghe, ai biết.

 

- Anh khùng đó à, buông ra. Chồng tôi về chết á.

 

- Nó đi chiều tối mới về mà.

 

- Anh khoái ba cái vụ đó lắm hả? Mệt thấy mẹ.

 

Hắn cười hí hí:

 

- Bộ má sắp nhỏ không khoái sao?

 

- Đàn ông mấy ông mới khoái, chớ ai thèm.

 

- Cho nghe.

 

- Không. Ra kia, để tôi còn nấu cám heo.

 

Hắn tiu nghỉu, ngật ngưỡng bước ra ruộng lúa. Phía ấy tiếng máy nổ như là mạnh hơn trước, có vẻ giận dữ. Chị không quan tâm tới chuyện vừa rồi. Mấy thằng cha nhậu xỉn có tật bốc hốt.

 

Hai hôm sau khi hắn về, ngồi một mình đột nhiên chị nhớ lại chuyện ấy, hai má nóng lên rừng rực. Một cảm giác mơ hồ về một cái gì đó chưa rõ ràng bắt đầu ám ảnh chị.

 

Đó là một kỷ niệm chị nhớ những ngày sống ở nhà cùng chồng, con, chị kể cho tôi nghe. Có thể gọi là một trong những kỷ niệm khó quên của chị xét theo cách kể và bình luận của chị.

 

Bây giờ chị là một cô gái "dân làng chơi", làm nghề bia ôm, có cả "đi khách". Không ai ngờ chị trở thành một người như thế, bỏ nhà, bỏ chồng cả bốn đứa con nhỏ đứt ruột sinh ra như thế. Tôi hỏi:

 

- Chị có tiếc những ngày sống cũ không?

 

- Tôi thương, tôi nhớ các con tôi lắm, nhất là thằng Út Đẹt, năm nay nó mới gần ba tuổi, gọi ba, gọi má còn chưa rành mà. Tôi nhớ tiếng lục lạc reo mỗi khi nó bước đi. Ba nó cột vô mỗi bên chân nó một vòng bạc có gắn lục lạc. Mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reo ở đây tôi lại giật mình, tim thắt lại vì nhớ con.

 

- Vì sao chị sa vào cái nghề này?

 

Chị thở dài:

 

- Chuyện dài lắm, nói ra anh cũng chẳng hiểu được. Thành ra không nói là hơn.

 

Tôi cố hình dung trong đầu hình ảnh người đàn bà lam lũ năm xưa. Không thể hình dung nổi, như là không có một liên hệ nào giữa chị và người đàn bà ấy, kể cả những quan hệ sinh học đơn giản nhất, mặc dù họ chỉ là một. Bàn tay chị, cả những ngón tay cũng trở nên trắng nuột nà tưởng chưa bao giờ biết tới việc đồng áng.

 

Theo địa chỉ chị cho,tôi tìm được về tới đúng nhà chị, và giữ lời hứa với chị, tôi không để lộ nơi ở hiện nay của chị với bất cứ ai. Đó là một chuyến công tác khá vất vả của tôi. Tôi đã gặp người đàn ông là chồng chị, các con chị. Tất cả đều nhớ chị, người chồng nói rằng sẵn sàng tha thứ cho chị, chỉ mong chị trở về với các con. Chúng nhớ mẹ quá chừng. Cho đến lúc ấy, và cả sau này, chồng chị và nhiều người đều cho là chị đi theo tay bơm nước thuê đen đúa ấy. Tôi không thanh minh, sau này có kể lại cho chị nghe, chị cũng cười buồn, nói:

 

- Họ nghĩ như vậy là còn nghĩ tốt cho tôi đó, anh thấy không. Thiệt ra tôi xấu hơn những điều họ nghĩ về tôi.

 

Tôi đem lời nhắn gởi của anh, của các con chị tới chị, và cũng thiệt lòng khuyên chị nên trở về. Tôi kể thêm rằng chính chồng chị đã nhiều lần cõng thằng Út Đẹt và dẫn theo đứa nhỏ kế nó đi tìm chị. Anh đã gõ cửa không biết bao nhiêu quán bia ôm để tìm mẹ cho các con. Chị nghe nước mắt ứa ra, những giọt nước mặt có lẫn màu sắc của phấn thoa mặt, hệt như trong một truyện ngắn của Tsekhov.

 

- Chị nên về với các cháu, tôi xin bảo đảm với chị là mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.

 

Chị gật đầu, chị tin lời tôi, và cứ khóc ròng. Một khách uống bia đòi được chị tiếp, chị nhìn tôi, tôi hiểu ý. Chị phải "làm việc". Tôi đứng dậy. "Một người đàn bà dâm dục nhất thế giới". Giới chơi bời nói về chị như thế. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng rõ ràng là chị luôn được khách hàng "chiếu cố" tới.

 

Sau nhiều lần trò chuyện với chị, sau cùng tôi đã thuyết phục được chị trở về quê sống với chồng con. Hoàn toàn do chị quyết định, không có bất cứ một sự đe dọa, khống chế nào từ phía "nhà hàng" hoặc từ phía tụi ma cô. Hôm ấy theo lời hẹn tôi đến đón chị cùng ra xe về quê. Chị tới điểm hẹn đúng giờ, mặt mũi rửa sạch son phấn, áo quần bận cũng giản dị hơn. Chị tỏ ra mệt mỏi hơn tôi tưởng, dường như đêm qua chị thức nhiều, và suy nghĩ nhiều, đúng như thế, thức suy nghĩ chớ không phải thức để "làm việc". Chị lên xe, ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi. Xe nổ máy từ từ trườn ra khỏi bến. chợt chị đứng dậy nói:

 

- Tôi không về nữa đâu, anh thông cảm cho tôi.

 

Chị tháo hai chiếc nhẫn đeo nơi tay, vét sạch tiền trong túi đưa cho tôi, vừa khóc vừa nói:

 

- Tôi lạy anh, nhờ anh cầm tất cả những thứ này đem về nhà tôi cho chồng tôi, và các con tôi. Tôi không thể … Nhờ anh nói với chồng tôi và các con tôi hãy tha tọâi cho tôi.

 

Rồi chị nhảy xuống xe bỏ mặc tôi ngồi đó. Xe chạy một đoạn khá xa mà tôi chưa hết bàng hoàng.

 

*

* * *

 

Thím Năm bán vải ngoài chợ là người kể cho tôi nghe câu chuyện về chị, chỉ cho tôi biết mặt chị trong một lần chị ra chợ mua đồ. Thím căm ghét và ghê tởm chị, cũng là lẽ thường, thím muốn tôi viết báo về chị, nhứt là cái cảnh chồng chị cõng con kiếm chị khắp các quán bia ôm, theo lời thím thì chị biết mà trốn không ra giáp mặt chồng con. Thím Năm còn cung cấp đầy đủ tên tuổi chị, quê quán chị, chẳng hiểu sao thím lại rành như thế, thím muốn tôi kể xấu chị trên báo, để chị xấu hỗ mà chết cũng được.

 

- Sao lại có thứ đàn bà hư đến mức như vậy. Nó đi chơi là cho sướng thân nó, chớ kiếm tiền, kiếm cơm gì. Đời này thiếu gì nghề kiếm cơm, kiếm tiền mà chọn cái nghề ấy. Nhà nó còn có cả mẫu ruộng chớ ít sao. Thứ đó chết xuống âm phủ còn bị bỏ vô vạc dầu nữa.

 

Tôi không muốn làm chị xấu hổ, tôi chỉ muốn chị trở về nhà, nhưng tôi đã thất bại.

 

Một bữa thím Năm tới tìm tôi nét mặt thím tỏ ra hết sức xúc động. Thím báo tin người đàn bà mà thím ghê tởm, căm ghét ấy đã chết. Rằng người đàn bà ấy đang đứng nói chuyện với ai đó, có thể là một khách hàng, chợt có tiếng điện thoại reo làm chị ta giật mình, rồi ngã ngang ra đất. Bác sĩ cấp cứu không kịp. Tôi thở dài nhìn thím Năm đang ứa nước mắt khóc thương cho người đàn bà ấy. Một kết thúc giống hệt trong các truyện của các nhà văn lớp trước viết về các cô gái hành nghề này. Nhìn chung số phận của họ dù cách nhau bao nhiêu thế hệ, dù là ngàn đời trước, đều giống nhau. Khác chăng là ở cách nghĩ. Thím Năm nói:

 

- Nghĩ cũng tội cho nó, cũng xong một đời người.

 

Tôi hơi ngạc nhiên trước thái độ quá thương cảm của thím, như là không có một mối quan hệ nào với sự căm ghét cũng của thím với chính người đàn bà ấy cách nay vài bữa. Cũng giống như sự khác biệt giữa người đàn bà lam lũ quê mùa và người đàn bà hành nghề bia ôm, như là chẳng có một mối quan hệ nào. Thím Năm báo cho tôi hay rằng khi chôn chị được mấy bữa anh chồng mới hay tin, cõng theo cả bốn đứa con tìm mộ chị, khóc than một hồi. Sau đó ít bữa ở nấm mộ cô quạnh ấy mọc lên một cái cây rất lạ, không giống bất cứ thứ cây nào mà thím Năm từng biết. Thím đã tới tận nơi để coi, thím cam đoan với tôi như thế. Cái cây ấy rất lạ, người lớn tới gần, chỉ cần vướng vô lá của nó là phát ghẻ ngứa, mưng mũ rất đau đớn. Con nít thì không sao, chúng có thể nghịch phá thoải mái, hái lá bẻ cành quật lên người nhau cũng chẳng sao. Và ở chổ tụi con nít bẻ cành ấy, chỉ sáng mai đã đâm ra nhánh mới, non tơ mời gọi tụi trẻ tới phá nữa.

 

Có lẽ vài năm trước đây tôi sẽ không tin câu chuyện thím Năm kể về cái cây kỳ lạ đó, nó có vẻ hoang đường. Nhưng bây giờ thì tôi tin. Bởi thời bây giờ nhiều cái tưởng không bao giờ xảy ra, đã xảy ra nhãn tiền. Như chính người đàn bà ấy. Ai dám nghĩ rằng chị ta có thể trở thành một gái bán hoa?

Hào Vũ
Số lần đọc: 3043
Ngày đăng: 17.03.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình buồn - Thiện Tùng
Người đào hát - Anh Đức
Ký ức tuổi thơ - Anh Đức
Đất - Anh Đức
Khói - Anh Đức
Chị Hiền - Thiện Tùng
Điểm hẹn - Thiện Tùng
Cây sầu riêng khổ qua - Phương Nam
Nẻo về của tình bạn - Phương Nam
Đứa con - Anh Đức