Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
343
116.591.190
 
Cần Sự Phối Hợp Trong Đọc Truyện Và Đọc Bút Ký Văn Học(Bài viết nhân đọc ba bút ký của nhà văn Phạm Xuân Đài)
Trần Văn Nam

 

 

 

Không hiếm gì những dòng sông có liên hệ đến tác phẩm văn học của một tác giả. Nếu kể ra hết thì nhiều quá, có khi ta bỏ sót một tên tuổi nào đó mà không hay. Nếu kể về vĩ đại trên bình diện thế giới thì chắc ta sẽ không thể bỏ sót, như “Sông Don Êm Đềm” của nhà văn Nga giải Nobel văn chương Mikhail Sholokhov viết về chuyện tình trong bối cảnh buổi giao thời nội chiến ở nước Nga giữa các phe thuộc Nga Hoàng  và lực lượng Cộng Sản Xô Viết đang dấy lên hồi đầu thế kỷ 20; và trong bối cảnh ven hai bờ sông Don hùng vĩ của dân Cossacks (loại người thuộc nhiều chủng tộc ở phía cực Nam nước Nga, rất thiện chiến, giỏi về kỵ binh, trước nội chiến vốn là sức mạnh phòng vê đắc lực cho chế độ phong kiến Nga hoàng). Hoặc như tác phẩm “Cuộc Phiêu Lưu của Huckleberry Finn” của nhà văn Mỹ Mark Twain viết về cuộc phiêu lưu trên sông Mississipi vĩ đại của một thiếu niên, qua đây nhà văn Hoa Kỳ thể hiện rất sinh động đời sống văn hóa người Mỹ ỏ hai bên bờ con sông dài, trong đó cũng có vấn đề người da trắng người da đen. Với thiếu niên này, trên chiếc bè, dài theo con sông thao thao truyện kể về một xứ sở, vềmột dân tộc, về một tình bạn (With this boy, on this raft, along this river flows the story of a country, a people and a friendship). Cũng như  âm nhạc trên bình diện phổ biến cho toàn thế giới, chắc ta sẽ không bỏ sót dòng sông Danube của nhạc sĩ Johann Strauss; với  khảo cổ thì có dòng sông Nile ở Ai Cập; với tôn giáo thì có dòng sông Hằng bên Ấn Độ; với lo âu cần phải bảo vệ môi trường xanh cho Trái Đất thì phải kể đến dòng sông dài nhất thế giới Amazon ở nước Brazil; với tranh chấp nguồn nước trong tương lai thì chắc là sông Mekong, vì nó có liên hệ đến một cường quốc đang lên gây lo ngại cho cả vùng  Đông Á… Nhưng sông Mã qua tiếng tăm bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng,sở dĩ đề-cập đến trong bài này nhờ bút ký của nhà văn Phạm Xuân Đài. Bút kýdo hồi ức, thêm cảm nghĩ hiện tại nên gần như là tùy bút, liên hệ đến bảy năm sống trong trại tù cải tạo Thanh Cẩm bên bờ sông Mã (vùng thượng du tỉnh Thanh Hóa) dành cho quân-dân-chính Miền Nam sau năm 1975.Bài bút ký-tùy bút ấy nhan đề “Nét Xuân Sơn”, đăng trên mạng điện-tử “diendantheky.net” ngày 8 tháng 2 năm 2011. Hồi ứcvùng thượng du “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” (thơ Quang Dũng), phối hợpcảm nghĩ hiện tại là bối cảnh đầu xuân Nam California năm 1992. Nhà văn Phạm Xuân Đài hồi tưởng vùng thượng du xưa khi đang ngồi trong một ngôi nhà ở thành phố Irvine vào thời gian cuối tháng chạp âm lịch, thời gian có khí hậu khá lạnh và khá đẹp ở miền Nam California với dãy núi San Gabriel phủ tuyết trắng, với cảnh trí chu-đáo của thành thị văn minh làm cho thiên nhiên cũng đầy trật tự của sự ngăn nắp với các hàng cây đều đặn hai bên đường, với công viên được coi như báu vật của cư dân, với từng đàn hải âu và bồ câu không có gì sợ sệt người vì chúng được được bảo vệ. Liên tưởng do có nét giống nhau là vẻ xuân sơn mỗi khi tàn đông sắp Tết, nhưng nhà văn đặt câu hỏi khá lạ: nét xuân sơn trở về nếu cảm nhận được sau mùa thu-đông mọi sự đều xám buồn tại trại cải tạo tư bề núi đá thì cảm nhận ấy dĩ nhiên, nhưng nét xuân sơn thấy được nơi thiên nhiên chu đáo thì có phải là nét xuân sơn chính hiệu hay là do cảm nhận vay mượn từ tiên kiến, từ tập quán mỗi độ vào Xuân và Tết. Ta sẽ đọc lại những gì nhà văn đã viết để xét xem có phải đây là một ý kiến lạ: “Cứ thế đất trời đi vào mùa đông. Khí buốt căm căm, nước buốt căm căm, núi thành vô tình, xa cách, đứng riêng một cõi, hướng về trời chứ chẳng thèm hướng về người… Rồi thì núi sẽ trở lại là núi, sông trở lại là sông, người trở lại là người… cây mơ cây đào bỗng đầy nụ, và có những toán người đi về phía núi xa kiếm lá giong về gói bánh chưng Tết, thì người tù cũng dần ra khỏi trạng thái mông muội của những ngày đông dài… Bạn sẽ sững người trông thấy núi, và tâm bạn, trí bạn, miệng bạn cũng thốt lên: “Nét xuân sơn”… Người đứng bên sông Mã đã bảy lần được tiếp sức như thế để sống còn… Buổi chiều nay, hăm bốn tháng chạp năm chín hai, tôi ngồi bên cửa sổ môt ngôi nhà ở vùng Irvine, nhìn ra cảnh vật xinh tươi bên ngoài, bỗng tim như như đập hụt một nhịp khi nhìn thấy bóng núi phía xa xa… đã mang lại cho tôi một vẻ gì gần như là một nét xuân sơn… Trong một xứ sở được sắp xếp quá chu đáo, cả thiên nhiên cũng được “tổchức”… Liệu cái cảm giác chuyển mùa mình cảm thấyrưng rưng trong lòng ấy là thật hay cũng là một sản phẩm làm sẵn… Cái nào là tiền chế, cái nào mới xuất phát nóng bỏng tự trái tim…”.Ta đồng ý với nhà văn cần nắm bắt nét đẹp thoáng qua của đất trời thiên nhiên và của cõi người; nhưng ta không quá biện biệt rung cảm đó(chẳng hạnnét xuân sơn) cái nào giả cái nào thật, do tác giả dường như hơi ngã về hướng duy tâm: ngoại giới có thể chỉ do Tâm gán ghép ý nghĩa; do cảm nghĩ tiền chế; do khuôn mẫu lặp lại không từ tình cảm mà từ tập quán. Nét đẹp thoáng qua, nét xuân sơn của rặng núi chuyển mình vào xuân, theo tác giả thì cần níu lại bằng nghệ thuật. Phù du trở thành vĩnh viễn. Một ví dụ điển hình như cành củi trôi trên sông rộng trong bài “Tràng giang” của Huy Cận là một khoảnh khắc, nó trở thành thiên thu nhờ câu thơ “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Ở bài bút ký trên, nhà văn chỉ nói nét đẹp thiên nhiên thoáng qua, nhưng nét đẹp thoáng qua của cõi người, có hay không nơi một trại cải tạo vùng thượng du tỉnh Thanh Hóa. Trong một hồi ức khác (không viết thành bút ký-tùy bút, mà như những mảnh rời) cũng liên hệ đến dòng sông văn học này, cũng liên hệ đến trại cải tạo vùng thượng du này, bài “Thanh Cẩm… Những Mẩu Chuyện”, nhà văn Phạm Xuân Đài có nhắc đến sự can thiệp của một bà thiếu úy dân tộc Mường. Bà ra lệnh cứng rắn không cho công anđánh có thể làm vong mạng phạm nhân trốn trại (đại tá Trịnh Tiếu của Việt Nam Cộng Hòa). Đại tá xác nhận nếu không có sự can thiệp ấy, chắc ông đã chết. Nét đẹp cõi người này (có thể do tình cảm cá nhân), dù tình riêng nhưng cũng là một nét đẹp nhân loại, được nhà văn kể lại. Bút ký nắm bắt cái thoáng qua bằng chữ nghĩa, rồi sau này thành nghệ thuật qua một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Nhà văn này vốn đã định cư ở Mỹ từ năm 1975, không hề ở trại cải tạo bao giờ, nhờ nghe kểmà hư cấu một truyện tình xảy ra ở trại cải tạo Thanh Cẩm. Như vậy đã rất hòa nhịp với nhà văn Phạm Xuân Đài: cần biến những nét đẹp khảnh khắc thành thiên thu qua nghệ thuật. Đưa nó hóa thân vào nghệ thuật qua truyện ngắn nhan đề “Sông Mã Êm Đềm”, đăng trên mạng “diendantheky.net” ngày 10 tháng 2 năm 2013 (đã đăng khá lâu rồi, với bút hiệu Duy Sao, trên tập san “Gia Đình Thanh Cẩm”, tháng 5 năm 2012). Nhà văn Nguyễn Tường Thiết hư cấu một truyện tình giữa một tù nhân cải tạo và một nữ nhân sống trong trại, và dường như nhà văn đã áp dụng lối viết quá khứ-hiện tại đồng xuất. Truyện mở đầu với hiện tại: một cựu tù nhân trên chuyến xe lửa ra Bắc (xưa ở trại Thanh Cẩm, đã định cư Hoa Kỳ, nay trở về du lịch việt Nam) đang qua cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã. Quá khứ truyện tình trong trại Thanh Cẩm liền hiện về trong tâm trí cựu tù nhân với chi tiết đầy đủ về đời sống sinh hoạt trong trại: nguồn này nhà văn thâu nhận chất liệu từ các bài viết hồi ký của tù nhân thực sự, trong đó có hai bài viết kể trên của nhà văn Phạm Xuân Đài. Rồi hiện tại lại hồi phục khi xe lửa rầm rầm qua cầu sắt khác. Lần này,người cựu tù nhân chợt thấyhình dáng một nữ hành kháchtrông sao quá giống với người xưa.Chắc chắn không phải người xưa vì cô này thật trẻ, không thể là người của ba mươi năm trước. Gần sáng, thiếp ngủ, Hiếu (tên nhân vật) lần thứ hai quay về quá khứ tronggiấc mơ màng do hình ảnh giống người xưa của nữ hành khách; quay về thời điểm hai người tình trốn trại thành công và lên trú ngụ trên hang Văn Dú (hang này là tên đặt do liên tưởng hang Văn Dú trong truyện “Vàng và Máu” của Thế Lữ, có nhắc đến trong hồi ký của nhà văn Phạm Xuân Đài). Rổi hiện tại trở lại lần thứ hai (kể từ đầu thì có đến ba lần ở thời điểm hiện tại, hai lần ở thời điểm quá khứ) lúc xe lửa hú còi đến ga Huế. Hai mẹ con nữ hành khách xuống ga Huế. Qua chào hỏi, Hiếu phát giác nữ hành khách đó chính là con gái của mình, kết quả do hai người tình trốn trên hang Văn Dú ba mươi năm trước. Lúc chợt phát hiện, cũng là lúc hai mẹ con nữ hành khách khuất dạng trong đám người quá đông nhốn nháo trên ga Huế… Ngoài chất liệu do hồi ký về trại cải tạo, hình như nhà văn Nguyễn Tường Thiết muốn làm ta nhớ đến truyện “Bóng Người Trên Sương Mù” của nhà văn Nhất Linh (thân phụ của nhà văn Nguyễn Tường Thiết) qua ảo giác hai mẹ con nữ hành khách phản chiếu khi gần khi xa qua tấm gương cửa sổ trên toa xe lửa. Tất cả gom lại do ý hướng muốn làm nghệ thuật, muốn biến khoảnh khắc phù du(nét đẹp thiên nhiên, nét đẹp tình cảm) thành thiên thu, như ta có nói qua ở đoạn trên. Ngoài nguồn do bút ký-tùy bút, bút ký thuần túy ghi chép, hoặc do kể chuyện trong khi hàn huyên (hai ông Phạm Xuân Đài và Nguyễn Tường Thiết vốn quen biết thân tình, thường gặp nhau tại Seattle tiểu bang Washington hoặc quán cà phê Factory ở Westminster, quận Cam, California); nhà văn Nguyễn Tường Thiết có lẽ còn được tiếp nguồn cảm hứng để hư cấu truyện tình nơi trại cải tạo nhờ bốn câu thơ chia ly: “Sông Mã cuồn cuộn chảy/ chiếc mảng đã xa bờ/ em không quay đầu lại/ cuộc tình hay trong mơ”(đăng trên “diendantheky.net”-Thơ của Trần Mộng Tú). Cảm hứng viết nên truyện từ vài câu thơ hay, nhà văn Nguyễn Tường Thiết như lặp lại cách thức cũng cảm hứng do thơ mà hoàn thành tác phẩm “Xóm Cầu Mới” của nhà văn Nhất Linh (cảm hứng từ mấy câu thơ trong bài “Tràng Giang” của Huy Cận).

 

Ta đã thấy sự phối hợp giữa hai bút ký văn học liên hệ đến con sông Mã và truyện ngắn “Sông Mã Êm Đềm”. Nhờ sự phối hợp nên cảm nhận có những gắn bó trong tâm trí người viết bài này, do đã đọc trọn vẹn truyện ngắn, và dĩ nhiên trọn vẹn hai bài bút ký (xin nhắc lại, chỉ có một bút ký pha trộn với tùy bút mang tính văn chương). Bây giờ ta thử đọc bài bút ký cũng pha trộn tính văn chương “Về Thăm Tolstoi Ở Điền Trang Yasnaya-Polyana” (Léon Tolstoi, viết theo tiếng Anh là LeoTolstoy). Bài bút ký văn học trên, nhà văn Phạm Xuân Đài lấy cảm hứngtừ chuyến du lịch Nga năm 1992. Chuyến tham quan được hướng dẫn bởi một người sống lâu năm tại Nga là ông Nguyễn Minh Cần. Đọc bút ký từ California nắng ấm, người viết bài này dĩ nhiên chỉ thu nhận được một phần nào quang cảnh lạnh và bao la 200 cây số từ Mạc Tư Khoa đến thành phố Tula, rồi từ Tula đến điền trang củatiểu thuyết gia bộ sách lừng danh “Chiến Tranh và Hòa Bình”cách Tula vài mươi cây số nữa. Rồi cũng chỉ cảm nhận được qua mường tượng khu điền trang mênh mông của Leo Tolstoy, một tác giả đầy tính nhân bản trong khi ông vốn thuộc giới quý tộc Nga hoàng thế kỷ 19 bước qua thế kỷ 20.Rồi cũng chỉ cảm nhận được vẻ tương tự như ởcác nhàtưởng niệm danh nhân lớn khác trên thế giới, cũng vẻ trang trọng cung kính bảo tồn từng chi tiết như phòng làm việc, kể cả buồng ngủ.Nhưngrồi cũng đến lúc ta cảm nhận những điều riêng chỉ có ở từng nhân vật, như trường hợp nhà đại văn hào này.Những chi tiết ấy quá đặc biệt về đời sống nên như thuộc về giai thoại.Ai đến viếng điền trang cũng được cho coi cái ao tắm của nhà văn quý tộc, cái ao chỉ dựng phên che ngoài trời lạnh.Hoặc như phòng ngủ vẫn giữ nguyên si bóng đèn thắp, đồng hồ vẫn giữ nguyên 4 giờ sáng lúc ông bỏ nhà ra đi vì giận bà vợ, và ngã bệnh rồi mất tại một nhà ga xe lửa (năm 1910, thọ 82 tuổi). Ta biết những giai thoại một cuộc đời, biết quang cảnh nơi sinh sống, biết những kỷ vật trưng bày trong tủ kính, thì chỉ là cái biết như mọi người đi du lịch. Cho dù chưa từng nghe đến tên tuổi của ông, chưa từng đọc một tác phẩm nào của ông, thì cũng đã có các bảng chỉ dẫn gần đâu đó. Giống như khi ta vào thăm nhà tưởng niệm một vị tổng thống, hay khu tưởng nhớ một tướng lãnh anh hùng…Chẳng hạn như khi ta đến viếng nhà tưởng niệm Tổng Thống Nixon gần xa lộ 57 ở thành phố Yorba Linda ở Nam California, ta thấy có những hình ảnh ông đến Bắc Kinh hội đàm với Mao Trạch Đông, nếu không rành về lịch sử thì ta chỉ biết đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Tổng Thống Hoa Kỳ đến nước Trung Hoa cộng sản. Bảng chỉ dẫn dưới hình ảnh cũng ghi rõ như vậy.Du khách nào không biết gì đến lịch sử Việt Nam thì đâu có biết đó là khởi đầu cho việc Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Việt Nam năm 1973. Cũng vậy, nếu không đọc bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộgồm tới 4 cuốn mang tên “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Leo Tolstoy, thì ta không biết gì thêm ngoài những chỉ dẫn trong nhà tưởng niệm, những bảng hướng dẫn trong khu điền trang rộng lớn đến 1500 héc-ta. Không đọc đến tác phẩm mà chỉ đọc bút ký văn học thì ta biết thật mơ hồ, có lẽ ta chỉ lưu tâm đôi điều hơn du khách chưa từng nghe tên ông hoặc tên tác phẩm lừng danh “Chiến Tranh và Hoà Bình”. Và ta đọc bút ký văn họchơi khác du khách ngao du vô tư (không phải du khách hành hương ngưỡng mộ hay du khách nghiên cứu văn học)đang đi bách bộ hoặc có xe đưa đi từng chặn vì khu điền trang quá rộng lớn, khác ở chỗ thỉnh thoảng lại bắt gặp vài câu văn cảm nghĩ mang nét tùy bút văn chương. Như khi nhà văn Phạm Xuân Đài có ý nghĩ so sánh không gian phòng tưởng niệm trong dinh thự và không gianngoài điền trang thuộc khu bảo tồn dấu tích đại văn hào: “Viện bảo tàng nào chẳng là nơi cất giữ quá khứ, nhưng điền trangYasnaya Polyana là một quá khứ sống, cây cối vẫn rì rào, ao hồ vẫn gợn sóng, và những dấu vết thuộc đời sống của nhà văn vẫn còn lưu giữ khắp nơi đúng như lúc ông còn sinh thời”. Và việc nhà văn quý tộc tắm nơi một cái ao chỉ chắn phên bằng các loại cây leo ở ngoài trời trong khu điền trang, được nhà văn viết bút ký làm nổi bật tính bình đẳng của nhân loại về phương diện đều là sinh vật người. Ý nghĩ về bình đẳng này khiến ta nhớ đến phát biểu của nhân vật Nghị Hách trong cuốn tiểu-thuyết “Giông Tố” của nhà văn Vũ Trọng Phụng “tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh”, nhưng ở đây phát biểu mang tính sự thật không mang vẻ ám-chỉ: “Nội cái việc tắm của Tolstoi đã cho chúng ta biết thế nào là nếp sống nơi điền trang. Thật ra, điền trang cũng tức là thôn quê, dù là thứ thôn quê quý tộc, sinh hoạt nơi thôn dã về căn bản thì vẫn giống nhau… dù anh nông nô hay ông bá tước thì vẫn mình trần như nhộng, cùng làm những động tác lặn hụp giống nhau…”. Rồi càng đọc những chi tiết trong bài bút ký, những chi tiết thuộc về trừu tượng quy chiếu vào nội dung tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa bình”, ta thấy lơ lửng về sự hiểu biết, nghe nói những điều mơ hồ, vì ta chưa hề đọc tới tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ này. Dù đã từng coi phim “War and Peace” trình chiếu ở rạp Đại NamSài Gòn trước 1975, nhớ như khoảng năm 1967; và nhớ rạp hát trong cao ốc khá cao nẳm trên đại lộ Trần Hưng Đạo đối diện chếch qua một khoảng với bên kia đường là Trường Nữ Tiểu Học Tôn Thọ Tường. Vốn liếng tiếng Anh lúc ấy không nghe hiểu hết nên chỉ biết lờ mờ, không nắm bắt được tình tiết truyện phim, nhưng người viết bài này không quên màu sắc rực rỡ bao la của nước Nga vào mùa đông trong thời điểm quân đội Pháp do Napoléon kéo binh qua xâm lăng; nhớ các hình ảnh oai phong của các sĩ quan Ngachuẩn bị ra chiến trường; và nhớ hơn hết cảnh một nàng thuộc gia đình hoàng tộc (do Audrey Hepburn thủ diễn) bị mê hoặc bởi một sĩ quan điếm đàng rất đẹp trai (do Victorio Gasssman đóng vai). Nay đọc bút ký văn học của nhà văn Phạm Xuân Đài, người viết bài này vẫn mơ hồ vì từ năm 1967 cho đến nay cũng chưa đọc tới tác phẩm quá lớn này, nó quá dầy nên mỗi lần định đọc tới thì lại ngán, cho dù đã có các bản dịch ra Việt Ngữ. (Trong khi những cuốn sách tiểu thuyết dịch ra Việt ngữ khác, và cũng rất dầy, người viết bài này đã đọc khá cẩn thậnvì thấy cần giới thiệu sách đọc thêm trong chương trình học văn sắp cải tổ từ niên khóa 1974-1975, như “Đỉnh Gió Hú” và “Anh Em Nhà Karamazov”; và cũng đã có bài viết liên hệ các sách trên để đăng báo trong năm 1974. Nhưng chương trình cải tổ này bất thành sau tháng 4 năm 1975).Vậy dù không nắm bắt rõ nội dung bộ truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”, nhưng ta biết sự lớn lao như thế nào do quy chiếu với sự thật một con người được mọi thời ngưỡng mộ. Sự thật đang hiện hữu nơi điền trang Yasnaya-Polyana là Nhà Bảo Tàng và khu điền trang rộng 1500 hec-ta  (bài bút ký cho ta biết lúc sinh thời của Tolstoy có đến 300 nông nô phục dịch cho điền trang này)hoàn toàn được tôn kính giữ nguyên vẹn từ hơn 100 năm, qua bao nhiêu chế độ từ thời Nga Hoàng rồi chế độ Xô Viết Cộng Sản tuyên dương giai cấp vô sản, rồi đến thời chênh vênh giữa chế độ Dân Chủ và Chế độ Độc Tài. Điền trang của bá tước Leo Tolstoy vẫn được toàn thể dân tộc Nga kính trọng, điều đó nói tính nhân bản trong “Chiến Tranh và Hòa Bình” đã vượt qua hết sự đố kỵ; không như cótrường hợp một tư tưởng lớn về đạo đứcmà vẫn từng bị xét lại, rồi về saumới được phục hồi, tại một vài nơi khác trên thế giới. Tư tưởng của Leo Tolstoy như thế là vượt thời gian, vượt tính chính trị nhất thời. Tuy vậy, theo thiển nghĩ, nó không vượt không gian như Tư tưởng Khổng Tử ảnh hưởng qua đến Việt Nam, Đại Hàn, một phần nào qua Nhật Bản. Nó không vượt không gian theo nghĩa chuyển lửa giáo dục, nhưng lại hiện hữu khắp thế giới, vì tính nhân bản nhân đạo trong tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình” cũng là chung cho toàn thể nhân loại, không cần vượt không gian mà cósẵn khắp không gian những nơi nào quy tụ nhân quần.. Tính nhân bản, tính nhân đạo, hiểu là như vậy, nhưng biểu hiện cụ thể thế nào qua các nhân vật, ta biết lờ mờ nếu chưa đọc đến “Chiến Tranh và Hòa Bình”, do đó mơ hồhiểu những điều này qua mấy dòng bút ký trong bài “Về Thăm Tolstoi Ở Điền Trang Yasnaya-Polyana” : “Phải chăng sự kiện đã sinh ra, lớn lên và sống gần trọn đời tại nơi này đã góp phần vào tư tưởng nhân đạo, bình đẳng củaTolstoi?... Nhiều người trong gia đình và chính ông nữa, đã được Tolstoi mô phỏng để xây dựng nhân vật… nhà văn đã đến với Phật giáo, đã viết ra tư tưởng bất bạo động… tính chất sâu xa, khoan dung, hồn hậu của Tolstoi cũng như bao tác giả Nga khác, họ đã sinh ra, viết lách trên mảnh đất này mà tác phẩm của họ gần gũi với cả nhân loại…”.Đến đây, ta lại có một so sánh khác: Tư tưởng giải thoát nhân loại của Phật giáo nếu không có các nhà sư rao giảng hoằng pháp, liệu tư tưởng Phật Giáo có sẵn trong bản chất nhân loại không?Phật Giáo nói có, ai cũng có Phật Tính. Nhưng theo thiển nghĩ, Phật tính là điều siêu hình cần rao giảng phổ biến thì mới hiểu, còn tính nhân bản nhân đạo là điều gần như cụ thể (ai cũng nhận ra) nên hoàn toàn dễ hiểu… Chỉ đọc bút ký văn học và không đọc truyện, như thế là thiếu sự phối hợp. Vì vậy, thiết nghĩ, ta cần hai nguồn khác trợ giúp: bản tóm tắt cốt truyện của bộ tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình”; hoặc bản phác họa cụ thể vài biểu hiện nhân đạo của các nhân vật. Chẳng hạn nguồn tư liệu sau đây, nó có thể bắc nhịp cầu chuẩn bị cho ta một khi quyết định đọc hết tác phẩm này: “Tác phẩm mở đầu với khung cảnh một buổi tiếp tân, nơi có đủ mặt các nhân vật sang trọng của giới quý tộc Nga tại kinh kỳ Sankt-Peterburg (SaintPetersburg)…Trong số những tân khách hôm ấy có công tước Andrei Bolkonsky - một người trẻ tuổi, đẹp trai, giàu có, có cô vợ Liza xinh đẹp mới cưới và đang chờ đón đứa con đầu lòng. Và một vị khách khác là Pierre người con rơi của lão bá tước Bezoukhov, vừa từ nước ngoài trở về. Tuy khác nhau về tính cách, một người khắc khổ về lý trí, một người hồn nhiên sôi nổi song Andrei và Pierre rất quý mến nhau và đều là những chàng trai trung thực, luôn khát khao đi tìm lẽ sống. Andrei tuy giàu có và thành đạt nhưng chán ghét tất cả nên chàng chuẩn bị nhập ngũ với hy vọng tìm được chỗ đứng của một người đàn ông chân chính nơi chiến trường… Lão bá tước Bezoukhov rất giàu có, không có con, chỉ có Pierre là đứa con rơi mà ông chưa công nhận. Mấy người bà con xa của ông xúm quanh giường bệnh với âm mưu chiếm đoạt gia tài. Pierre đứng ngoài các cuộc tranh chấp đó… Công tước Kuragin không được lợi lộc gì trong cuộc tranh chấp ấy bèn tìm cách dụ dỗ Pierre. Vốn là người nhẹ dạ, cả tin nên Pierre rơi vào bẫy và phải cưới con gái của lão là Hélène, một cô gái có nhan sắc nhưng lẳng lơ và vô đạo đức…Về phần Andrei chàng quyết định gởi vợ cho cha và em chăm sóc sau đó gia nhập Quân đội Nga. Khi lên đường Andrei mang một niềm hy vọng là có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống cũng như công danh trên chiến trường. Chàng tham chiến trận đánh Austerlitz - nơi Napoléon I đã đánh tan nát quân Liên minh Nga-Áo, bản thân chàng thương nặng, bị bỏ lại chiến trường. Khi tỉnh dậy chàng nhìn thấy bầu trời xanh rộng lớn và sự nhỏ nhoi của con người, kể cả những mơ ước, công danh và kể cả Napoléon I - vốn là một thần tượng của chàng.Andrei được đưa vào trạm quân y và được cứu sống. Sau đó, chàng trở về nhà chứng kiến cái chết đau đớn của người vợ trẻ khi sinh đứa con đầu lòng..Một lần, Andrei có việc đến gia đình bá tước Rostov. Tại đây, chàng gặp Natalia (Natasha) con gái gia đình của bá tước Rostov. Chính tâm hồn trong trắng hồn nhiên và lòng yêu đời của nàng đã làm hồi sinh Andrei… cha chàng phản đối cuộc hôn nhân này. Bá tước Bolkonsky (cha của Andrei) buộc chàng phải đi trị thương ở nước ngoài trong khoảng thời gian là một năm…Natasha rất yêu Andrei, song do nhẹ dạ và cả tin nên nàng đã rơi vào bẫy của Anatole con trai của công tước Vassili, nên Natasha và Anatole đã định bỏ trốn nhưng âm mưu bị bại lộ, nàng vô cùng đau khổ và hối hận… Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Nga bùng nổ…Trong trận Borodino, dưới sự chỉ huy của vị Nguyên soái Koutouzov quân đội Nga đã chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, với kết quả là chiến thắng lớn lao về mặt tinh thần. Andrei cũng tham gia trận đánh này và bị thương nặng.Trong lán quân y, chàng gặp lại tình địch của mình cũng đang đau đớn vì vết thương. Mọi nỗi thù hận đều tan biến, chàng chỉ còn thấy một nỗi thương cảm đối với mọi người… Và cũng chính Natasha đã chăm sóc cho chàng cho đến khi chàng mất… Sau trận huyết chiến ở Borodino, quân Nga rút khỏi Moskva.Quân Pháp chiếm được Moskva nhưng có tâm trạng vô cùng lo sợ. Pierre trở về Moskva giả dạng thành thường dân để ám sát Napoléon. Nhưng âm mưu chưa thực hiện được thì chàng bị bắt… Quân Nga bắt đầu phản công và tái chiếm Moskva.Quân Pháp rút lui trong hỗn loạn. Nước Nga thắng lợi bằng chính tinh thần của cả dân tộc Nga chứ không phải do một cá nhân nào... Trên đường rút lui của quân Pháp, Pierre đã trốn thoát và trở lại Moskva. Chàng hay tin Andrei đã mất và vợ mình cũng vừa mới qua đời vì bệnh. Chàng gặp lại Natasha, một tình cảm mới mẻ giữa hai người bùng nổ.Pierre quyết định cầu hôn Natasha.“ (Nguồn: Wikipedia, the free encyclopedia).

 

(City of Walnut, California, tháng 2 năm 2013)

 

 

Một góc khu điền trang Yasnaya Polyana của Leo Tolstoy (Léon Tolstoi)

 

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2830
Ngày đăng: 08.03.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thương hiệu Việt và giá trị văn hóa - Nguyễn Thị Hậu
Một vài suy nghĩ về đạo đức trong bối cảnh văn hóa ngày nay - Nguyễn Đăng Trúc
Nhà văn Phan An: Lá cải là thuộc tính của báo chí Việt Nam? - Lý Đợi
Tiếp Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia, tại Đà Nẵng, - Nguyễn Quang Chơn
Văn là chữ người viết mãi mà thành - Đỗ Quyên
Nói Hay Không Nói? - Thụy Vi
Trách nhiệm trước cái ác - Lê Hải*
Mạc Ngôn là ẩn ngữ: Nobel Văn chương 2012 - Trần Kiêm Ðoàn
Nobel văn chương 2012, một giải thưởng nhiều tranh cãi - Nguyễn Hưng Quốc
Tin về Nữ hoàng đế chế Maya có vài yếu tố không đúng - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)