Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
751
116.503.776
 
Đặng Chương Ngạn và Kẻ chăn dắt – Cuộc chiến chống lại cái ác
Trần Minh Lương

 

 

• Tiểu thuyết Kẻ Chăn Dắt nhà xuất bản Văn Học và Phương Nam Book,
• Tác giả : Đặng Chương Ngạn
• Phát hành tháng 01/2003.

     Đã lâu ít thấy Đặng Chương Ngạn xuất hiện trên văn đàn. Hoặc có thể góp mặt đâu đó, nhưng ít ai để ý chăng ?

     Quả thật, bây giờ các thứ văn chương từ cao siêu đến loại đèm đẹp, lãng mạn nhàn nhạt không thể, không có đường vào trong tâm trí của mọi người. Ngoài đời có bao nhiêu chuyện “hot” về cướp, giết, hiếp rùng rợn kích thích người ta, làm mê mụ người ta, làm họ khuây khỏa, sao nhãng bớt những lo toan, bức bối trước sự suy thoái, sự tan rã niềm tin …

 

     Ấy vậy mà, một ngày tháng Ba vừa rồi, thật bất ngờ, qua dịch giả Phạm Nguyên Trường, tôi nhận được một món quà từ Đặng Chương Ngạn. Đấy chính là “Kẻ chăn dắt” do nhà xuất bản Văn học và Phuong Nam Book liên kết phát hành ngay đầu năm 2013 này. Có vài người, sau khi lật lật vài trang cuốn sách, đã thốt lên, tựa như thất vọng “không phải chăn gái à ?”. Không biết người ta đùa hay thật nữa? Nhưng cũng đủ cho thấy thái độ thờ ơ của người ta với văn học nước Nam này như thế nào.

 

     Ấy vậy mà, khi tôi mang quyển sách Đặng Chương Ngạn gửi tặng về nhà thì hôm sau thấy nó biến mất. Tìm hoài không ra. Mãi sau mới bắt gặp anh cu con nhà mình đang mải miết đọc nó, mới vỡ lẽ ra. Nhưng đấy quả là một sự lạ. Vì thằng bé mười ba tuổi, tuy lớn xác nhưng chỉ thích đọc những truyện tranh Đoremon, Conan, hoặc siêu nhân thôi. Có đánh chết cũng chẳng thể bắt ép nó đọc hết được một quyển  sách mà như chúng ta vẫn thường quan niệm là “có tính văn chương”. Vậy thì hà cớ gì nó có thể mê mải đọc được hết cuốn “Kẻ chăn dắt” của Đặng Chương Ngạn ?

 

     Nhưng, cả tôi cũng vậy. Khi đã mở “Kẻ chăn dắt” ra đọc, thì tôi cũng không thể dừng lại được nữa. Tôi đọc mải miết. Cho đến tận  trang cuối. Cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn tôi như khi xem phim hành động của Mỹ. Cũng cần phải nói rằng, đã nhiều năm nay, có rất ít quyển sách văn học của các tác giả Việt Nam khiến tôi phải đọc như thế. Gần đây mới có “Bên thắng cuộc” của Huy Đức làm tôi thức suốt cả đêm. Nhưng, hai tập sách của Huy Đức với ngồn ngộn thông tin, nặng tính báo chí, chính luận, ít chất văn học. Vậy là, nếu lấy tôi làm thước đo – và tôi có quyền ấy quá đi chứ, thì Đặng Chương Ngạn đã có một bước tiến lớn. Một thành công, không thể chối cãi trong sự nghiệp văn chương của anh. Chứ còn gì nữa ! Vì, thú thật, vài quyển sách trước đây của anh, ký với các bút danh Đặng Chương Ngạn hay Đặng Trung Nhân …, có khi tôi phải đọc cả tháng. Nhưng ở “Kẻ chăn dắt” thì khác. Ngoài cái “sự văn chương” ra, nó có đầy đủ mọi thứ, từ lãng mạn, hỉ nộ ái ố, đến những cao trào kịch tính hấp dẫn của một bộ phim ăn khách. Tôi tin, nếu có một đạo diễn điện ảnh có tài, có tâm, dựng “Kẻ chăn dắt” thành phim thì người ấy chắc chắn sẽ có một tác phẩm để đời. Nhưng đấy chỉ là chuyện ngoài lề thôi …

 

     Khi gấp quyển sách lại, những xúc cảm trong lòng vẫn không thôi trào dậy. Phải chờ đợi rất lâu để những cơn bốc đồng lắng xuống, để bình tâm lại, và mấy hôm sau mới rụt rè nhắn cho Đặng Chương Ngạn  rằng: Đã đọc xong “Kẻ chăn dắt”. Đọc một mạch. Viết được lắm. Chúc mừng nhé ! Quả thật, tôi đã khá bất ngờ trước một thế giới của những lớp người dưới đáy trong “Kẻ chăn dắt”. Nó sinh động, chân thực đến khủng khiếp và cũng thật đau đớn. Nó cứ thôi thúc tôi phải nghĩ ngợi, nghĩ ngợi … và có nhu cầu muốn trao đổi, muốn tâm sự, dù chỉ là với chính mình.

 

     Phải công nhận rằng, Đặng Chương Ngạn đã có nhiều cái khác trước, và rất thành công, ở trong “Kẻ chăn dắt” lần này. Đó là sự sinh động của những chi tiết trong tác phẩm. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn Nguyên Hồng khi nói về chi tiết: Chi tiết là vô cùng quan trọng. Nhất là một chi tiết đặt đúng chỗ. Đúng vậy ! Những chi tiết sinh động được đặt đúng chỗ làm nên cái hồn vía  của một tác phẩm văn học. Và tôi rất khoái khi bắt gặp rất nhiều, trong “Kẻ chăn dắt” của Đặng Chương Ngạn, những chi tiết như vậy. Khi là một đoạn văn tả cảnh: “Cái xóm nhỏ có rất nhiều mít. Những cây mít thâm thấp, lúc lỉu quả to, quả nhỏ. Trông xa, ngỡ như bầy quả đó bò từ gốc mít bò lên. Không gian cũng thơm thơm mùi mít. Nắng thì rừng rực từ sáng đến tối. Cứ như ta đang đứng giữa một làng quê vùng Trung du trên những quả đồi bát úp vậy. Hay khi tả cảnh xem hát xẩm: “Cứ khi nào nó hát mà cha tôi không hối thúc sau lưng là tôi lại đứng há mỏ ra để nuốt từng lời và đứng “chết” trong đám khán giả”. Hay khi nói về món đồ “gia bảo” của thằng bé ăn mày, cái ca sắt xin tiền: “Nó phải là một vật dễ gây chú ý … không nên to quá …phải đủ sâu để giữ được tiền …”. Cái “vật gia bảo” này bị mất vài lần, mỗi lần đi tìm và tìm thấy được tác giả mô tả một khác, thật sống động …

     Tôi thích nhất cái đoạn Đặng Chương Ngạn kể về hai cha con người ăn mày bị bắt gặp ngủ trộm trong một sạp báo: “Một đêm, tôi đang ngủ say thì bị ai đó đá vào hông … Tôi lắp bắp:   - Cha con cháu chỉ ngủ nhờ thôi. Cha con cháu không làm hỏng cái gì cả …

… - Đúng là bọn trộm cướp – Gã dân phòng quay sang bác bán báo – Ông kiểm tra xem chúng nó đã ăn cắp những gì ?

…Bác bán báo già lẩm bẩm: - Các anh tự tiện quá … tự tiện quá …

 

… quay sang, tôi thấy cha đã thoát ra khỏi gã dân phòng lùn tịt, đang bỏ chạy về phía cuối con hẻm. Tôi đành cắm đầu chạy theo. Chạy sang nghách phố khác, tôi vẫn còn nghe tiếng quát: “Liệu hồn !” của tay dân phòng ”.

 

     Một đoạn văn ngắn thật tinh tế. Chỉ qua vài cử chỉ, hành động và cách nói năng, ta thấy hiện rõ mồn một tính cách của các nhân vật, của những hạng người nào trong xã hội. Cái chi tiết thú vị: “Bác bán báo già lẩm bẩm: - Các anh tự tiện quá … tự tiện quá …” , theo tôi, khó ai có thể bịa ra được. Tôi biết Đặng Chương Ngạn rất chịu khó quan sát, tỷ mẩn, chi li … Nhưng, chộp được nó là một chuyện, còn đặt được nó vào vị trí “người nào- vật nào- chỗ ấy” thì phải có tài, có năng khiếu. Và tôi nghĩ, với “Kẻ chăn dắt” lần này, tác giả của nó đã có đủ mọi thứ anh muốn.

 

     Tôi đã từng xem nhiều phóng sự trên các báo nói về tầng lớp ăn mày và những kẻ chăn dắt. Đọc xong, ta thấy kinh tởm bọn người dã thú, những kẻ chăn dắt, và ghét lây luôn cả những nạn nhân đáng thương của chúng. Những trò hành hạ trẻ con, kiểu như “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung …” có vẻ như bị cường điệu hóa, của báo chí, nhiều khi quá lố, có thể đã gây ra những tác dụng ngược. Ở “Kẻ chăn dắt” của Đặng Chương Ngạn cũng có nhiều chuyện kinh khiếp: nào là một kẻ chăn dắt độc ác, vô lương, nhẫn tâm đổ axit làm mù đôi mắt đứa cháu để mong làm cho thiên hạ mủi lòng, nào là bẻ gãy chân, đánh gẫy mấy cái xương sườn để biến một đứa trẻ lành lặn thành quái nhân … Nhưng cái hay của tác giả là anh không bị lôi kéo, không bị sa đà vào những chuyện như vậy. Tác phẩm của anh không bốc mùi “tố điêu”, căn bệnh truyền thống một thời mà dân ta vô phúc rước từ bên ngoài vào, để đến nay nó ngấm vào tận xương tủy, không rẫy ra được. Nó dữ dội, mà chân thực đến tận chi tiết, như cuộc sống vốn dĩ vẫn thế. Hãy xem tác giả mô tả một màn những kẻ chăn dắt tra tấn những đứa trẻ ăn xin không hoàn thành chỉ tiêu:

 

     “… Mụ Mập giằng ngay xấp tiền trên tay tôi. Mụ đếm rất nhanh và gằn lên:

-          Thằng chó ! Thiếu hơn sáu ngàn !

Rồi mụ chụp ngay lấy tai tôi và kéo mạnh về phía trước:

-          Thiếu này ! Lại thiếu này ! Chơi cho nhiều vào ! Bọn mày cứ lười biếng thế này thì đến cứt cũng

không có mà tọng vào họng đâu.

     Đầu Cua ngồi trên ghế, co chân lên đạp một cú chí mạng vào hông, khiến tôi văng ra nền nhà. Rồi vẫn ngồi trên ghế, hắn ngoắc tay gọi tôi lại gần.

     Tôi biết điều gì sắp đến với mình. Tôi bật khóc:

-          Cô chú ơi … tha cho con ! Mai con xin bù …

     Không nói gì, môi gã chỉ hơi nhếch lên và bàn tay to như cái rổ úp của gã chộp ngay lấy tay tôi.

     Những gì xảy ra tiếp theo là điều khủng khiếp mà đám ăn mày đều đã bị trừng phạt. Gã đạp chân lên ngón tay tôi và cứ thế day mạnh đế dày, mặc cho tôi kêu thét, đau đớn.”

     Chỉ vậy thôi, vỏn vẹn mươi dòng, không tô vẽ, không tán tụng gì thêm, mà sự đau đớn hiển hiện rất  nhục thể, cứ như cắt như cứa mãi, làm tôi thực sự ứa nước mắt. Sự chân thực của “Kẻ chăn dắt” có sức mạnh tố cáo, có sức mạnh khơi gợi, làm hồi sinh lại những cảm xúc thiện lương đang bị cuộc đời nhạo báng, làm cho chết dần, chết mòn đi.

    

     Tôi cứ ám ảnh mãi trong ý nghĩ rằng, cho đến chết Đặng Chương Ngạn vẫn không thôi lãng mạn. Cái máu lãng mạn ấy đã khiến anh rất thành công khi tạc nên một cô bé ăn mày, bé Châu, thật là đẹp. Như một thiên thần ! “… Con bé có gương mặt xinh xắn, ăn mặc tươm tất, áo quần khi nào cũng trắng tinh một màu. Nó chẳng bao giờ mở miệng xin tiền, chỉ đặt chiếc nón vải trước mặt rồi đứng hát. Trời, giọng con bé mới hay làm sao ! Đám sinh viên đi tàu cứ bu kín lấy nó …”.  Trong chốn địa ngục khốn cùng của lớp người dưới đáy, bé Châu lúc nào cũng đẹp, từ dáng vẻ bên ngoài, đến nội tâm bên trong … một vẻ đẹp thánh thần mà chỉ có cái chết đầy thương tâm của em mới cướp đi được. Còn nhân vật chính của tác phẩm, chú bé ăn mày tên Hy nữa. Dù tôi cứ lặng đi trước lời phán của Lão Sọc, như là tiền định, đóng đinh thân phận chú bé: “ Sinh ra là thằng bé ăn mày, lớn lên sẽ là một kẻ hành khất và chết đi như một ông lão ăn xin…”. Đó là số phận của bé Hy, hay cũng là lời chung cho số phận của bao nhiêu “ thân phận dưới đáy ” khác, những con người được sinh ra mà không được sống. Vây mà chú bé Hy là sự chứa đựng biết bao nhiêu điều tốt đẹp của con người. Hy có phải là hy vọng chăng ? Để nhà văn lãng mạn của ta dành cho chú bé một cái kết, với niềm hy vọng (dù mong manh, mơ hồ) về một cuộc đời tươi đẹp hơn ở một cái làng quê cổ tích nào đó trong tâm tưởng. Cái lãng mạn cho ta hy vọng. Cái hy vọng cho ta thêm sức sống để vượt qua trầm luân bể khổ trong cuộc đời này. Mong rằng cái ý nghĩa tích cực trong “Kẻ chăn dắt” không bị thực tế phũ phàng vùi dập.

 

     Dù cho đến giờ, tôi vẫn không tài nào xác định được thể loại văn học của “Kẻ chăn dắt”. Nó là truyện dài hay một quyển tiểu thuyết được nén lại ? Nhưng, điều đó có hề gì ! Tôi chỉ có thể hân hoan khẳng định rằng:  “Kẻ chăn dắt” của Đặng Chương Ngạn là một tác phẩm văn chương đích thực của một nhà văn đích thực vì lương tâm con người, chống lại cả thế giới cái ác, cái man rợ, và cả sự vô tâm, vô trách nhiệm đang bủa vây, đang đầu độc dần chính con người chúng ta. Đặng Chương Ngạn đã làm được một việc lớn, và nhất là đã đạt được một bước nhảy về chất trong sự nghiệp cầm bút của mình. Xin được chúc mừng anh một lần nữa !

 

    Vũng Tàu, tháng Ba năm 2013.

                                                                                             

Trần Minh Lương
Số lần đọc: 2035
Ngày đăng: 05.04.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời bàn về một tuyệt phẩm thơ :'Váy thiếu nữ bay' của Phạm Ngọc Thái - Nguyễn Đình Chúc
Siêu tuyệt thiền sư thi sĩ - Tâm Nhiên
Nghiên bút thức khuya - Đình Quân
Cảm nhân một bài thơ tình hay của Phạm Ngọc Thái - Hoàng Thị Thảo
Không hẹn mà xanh - Lâm Xuân Vi
Cảm nhận về bài thơ”chiếc áo” của Băng Sơn - Nguyễn Phương
Hồn Việt qua các gương mặt Quảng trong trường ca chân đất của Thanh Thảo - Mai Bá Ấn
TRIỆU TỪ TRUYỀN, HÀNH TRÌNH THƠ - HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG NHÂN VĂN - Nguyễn Nguyên Phượng
BÙI GIÁNG - THÂN PHIÊU BỒNG, HỒN CỐ QUẬN - Mai Bá Ấn
TẬP THƠ "ĐÔI HỒN" VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH - Phạm Ngọc Thái