Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.381 tác phẩm
2.747 tác giả
397
116.584.068
 
Cửa Đại – Thủy Triều còn vang
Nguyễn Hùng

 

 

                                                                                                         

1. Suốt những tháng ngày rong ruổi mải mê đời mình, tôi đã đến nhiều bãi biển nổi danh của đất nước. “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước, qua mỗi nơi như thế, biển thì thầm trong tôi thật nhiều cảm xúc; nhưng chỉ có biển Hội An quẩy động trong tôi niềm yêu mến dịu dàng. Dẫu đó không phải là nơi chốn sinh thành, cũng chưa một lần hẹn ước đá vàng.

 

Cửa biển Hội An xưa kia có tên là cửa Đại Chiêm. Còn Kim Liên bạn tôi, mỗi khi nói về quê hương bản quán của mình quen gọi tắt Cửa Đại. Tôi quý bạn thành thử quý luôn tên gọi này, mặc dù tôi biết Cửa Đại còn có tên gọi khác như  cửa Faifo.

 

 Chỉ là một đó thôi nhưng tôi thích cái mộc mạc hơn. Vì thế, tôi thích ngắm nhìn miền quê Cẩm An và biển Cửa Đại của bạn tôi vào cái ngày còn “nguyên sinh” hơn là Cửa Đại bây giờ với cơ man quán xá, rồi không gian du lịch chi chít những resort, hotel đạt chuẩn quốc tế. Nói chung là những tiện nghi cho cuộc sống hiện đại để người tứ xứ dễ dàng bỏ tiền mua vội một ngày vui; nhưng lại xa rời với bản lai diện mục của chính biển kham nhẫn nuôi sống và đánh bạn với người Cửa Đại nghèo khó mà thủy chung. Biển trải lòng không dành riêng cho ai mà ai cũng thấy như của riêng mình. Ân tình này làm sào có thể mua cho được bằng tiền?

 

Chợt nhớ thuở còn đi học, tôi đọc được niềm kiêu hãnh của người Mỹ da trắng khi họ chinh phục và cải tạo miền đất phía Đông của thổ dân da đỏ bản địa để đưa Hợp chúng quốc này vươn mình tiến kịp châu Âu; nhưng tôi  thương cảm nhiều hơn về sự đau đớn trước mất mát không thể bù đắp của người da đỏ; về khung trời và hơi ấm đất đai, về mỗi chiếc lá, mỗi bờ cát hay một mảnh sa mù… rồi sẽ nhường chỗ cho cuộc sống văn minh công nghiệp mà trong bức thư thống thiết gửi Chính phủ Washinton năm 1853 khi chính phủ “đề nghị” mua đất của người da đỏ; Seatle, tù trưởng bộ lạc Duwamish và Suquamish đã dự báo.

 

Tôi đồ rằng những người dân Cửa Đại nặng niềm hoài cổ bây giờ, trước những đổi thay ấy, làm sao không bâng khuâng về bóng dáng xưa cũ như người dân xứ Duwamish và Suquamish ở tận bên kia bán cầu đã từng thương quê nhớ cội? Vì rằng, vượt qua mọi không gian, thời gian, tình yêu nguyên ủy dành cho quê hương xứ sở bao giờ cũng mang tính phổ quát.

 

2. Tôi về Cửa Đại vào một chiều nào đó của hai mươi năm trước, bằng một hành trình thật đặc biệt. Chỉ với chiếc xe đạp cũ kỹ, cùng Mai Văn Ân tâm giao thuở sinh viên từ Quế Sơn xuống biển. Chẳng thể đọc hết tâm sự của Ân dọc hành trình nối liền rừng – biển; riêng tôi, tôi đi như sự chuộc lỗi về những năm dài ở Huế sống hoài phí để quên một tình bạn với Kim Liên. Cuộc tái ngộ diễn ra tại Cẩm An - quê quán của Kim Liên - bất ngờ và xúc động. Tâm trạng ai cũng vui. Dọc đường ra biển, tôi đọc được sự e ấp con gái nơi Kim Liên khi cả ba cùng sóng bước. Không biết chút duyên ngầm ấy giành cho Ân hay tôi, nhưng tôi thấy Ân một thoáng bối rối.

Biển chiều ấy không xôn xao nhưng thật đẹp: nước xanh trong vắt, sóng vỗ nhẹ mơn man bờ cát mịn, dịu dàng như niềm thề ước chung tình. Tôi chợt có một liên tưởng lạ lung rằng: tuồng như cũng vào một chiều nào tựa hồ như buổi chiều của tôi, khi bạc tóc trần gian, Xuân Diệu đã về đây để đánh cắp một chút nhàn tản của đời và thấy nhịp bình yên của biển: “Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/Suốt ngàn năm bên sóng.”

 

Cửa Đại lơ đãng và dịu êm một vẻ thái hòa như nhạc, như thơ, như màu tranh Chagall (*) . Đó là hình ảnh lưu lại trong tôi không phôi phai, bất chấp thời gian và dâu bể đời người.

 

3. Tối đó, tôi và Ân ở lại nhà Kim Liên. Hai đứa thao thức khó ngủ. Tôi đoán là Ân đang nhớ lại cho kỳ hết câu chuyện của ba chúng tôi sau bữa cơm chiều để gói trong tâm mình một thiên lưu bút ngày xanh, cho ngày sau tái ngộ? Thì đúng thế, ai trong đời ngoài những tính toán mưu sinh mà chẳng dành cho tâm trí mình những xuôi ngược đi về.

Tôi thì nhớ mấy con ốc biển hóa kiếp phơi mình trên cát vắng, nhớ cơ man những bông hoa muống biển tím như màu mực học trò nở rợp lối đi, nhớ những hàng dấu chân đều tắp và thân mật kề nhau trên bờ cát, nhớ gió biển hào phóng mang vô tận mùi hương nồng lẫn vị mặn mòi của muối về đọng trên môi và ngon gió nào tinh quái để bạn tôi thoáng chốc thẹn thùng trước khi kịp giữ chặt đôi tà áo. Đêm ngủ lại Cẩm An, tất cả vừa mới ban chiều ùa về trong tôi lặng lẽ như một hoài vọng khắc vết vào “ngày sau sỏi đá”.

 

4. Giờ đây, hai mươi năm ngồi nhớ lại những ngày xa thật xa ấy; trong dư vang của ký ưc tôi chợt nghe ra tiếng thơ của thi sĩ Chế Lan Viên khi Ông đến biển Cửa Đại :

“Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội an xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều”

Có nhiều người bình phẩm khổ thơ này theo nhiều nỗi niềm khác nhau. Riêng tôi, tôi nghĩ đó là cách thi sĩ của chúng ta để cho những cô gái miền biển Hội An được “hờn yêu” với “khách đường xa” muốn là một nửa của mình đó thôi.

Nếu hiểu như vâỵ, có lẽ tôi chưa bao giờ được “hờn yêu” nơi mảnh đất này, nói chi đến chuyện khác. Vậy mà sao trong tôi vẫn cứ “Một đời vang thủy triều”.

 

       Tháng Tư/2013

                                                                            

 

 

            Chú thích:

(*).  Marc Chagall (1887 -  1985): Danh họa xuất sắc của Thế Kỷ 20 người Nga, gốc Do Thái, sống ở Paris (Pháp). Ông đã từng thực hiện nhiều tác phẩm đặc sắc thuộc nhiều thể loại nghệ thuật. Màu sắc quan trọng nhất của Marc Chagall là màu xanh và nhà danh họa đã trả lời thắc mắc này như sau: “Tại sao lại xanh, bởi vì tôi là màu xanh”

 

Nguyễn Hùng
Số lần đọc: 2008
Ngày đăng: 16.04.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Không còn dây chuông để gọi Võ Hồng - Lữ Quỳnh
Ăn Tết ở Mỹ, - Nguyễn Quang Chơn
Về Gò Vấp, Nhớ Những Mảnh Vườn Xưa - Phạm Nga
Miền cần lao - Nguyễn Hàng Tình
Đầu năm đi lễ phật, cúng thần - Phạm Nga
Dưới bóng hoang dã - Nguyễn Hàng Tình
Nàng thơ tuyệt vời của cha tôi. - Yến Lan
Hạnh Phương - Nguyễn Đạt
Những kỷ niệm với Hàn Mặc Tử - Lâm Bích Thủy
Ngày Thu Đông Nằm Bệnh - Khuất Đẩu