Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
772
116.612.734
 
Những loại đàn tì bà
Vương Trung Hiếu

 

 

 

Tì bà là nhạc cụ gảy dây phổ biến ở Trung Quốc, được chơi gần 2000 năm qua. Có một số nhạc cụ liên quan ở Đông Á và Đông Nam Á có nguồn gốc từ loại đàn này, cụ thể là tì bà Việt Nam, pipa Hàn Quốc và biwa Nhật Bản. Do đàn tì bà Việt Nam đã rất quen thuộc nên tôi không giới thiệu. Nếu quan tâm, các bạn có thể tìm đọc loại đàn này trên Internet hoặc sách báo. Ở đây, tôi xin phép giới thiệu đàn Tì bà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Tì bà Trung Quốc

Thuật ngữ và nguồn gốc

Từ triều đại Tần – Hán cho đến Tùy – Đường, tất cả nhạc cụ gảy dây đều được gọi là Tì bà (琵琶, bính âm: pípá, Latin hóa: pipa), do đó có nhiều nhận định khác nhau về thuật ngữ này. Theo quyển Thích danh (釋名) thời Đông Hán, tì bà có thể là từ  tượng thanh, có nguồn gốc từ âm thanh của nhạc cụ phát ra. Trong những văn bản cổ xưa nhất, cái từ “tì bà” dù được viết khác nhau (tì bà 枇杷 hay phê bà 批把) nhưng chúng vẫn có nguồn gốc từ người Hồ 胡 (có nghĩa là người ngoại quốc, người man di). Một tài liệu cuối thế kỷ thứ 3 (thời nhà Tấn) cho biết thuật ngữ “tì bà” đã xuất hiện trong triều đại nhà Tần (221–206 TCN). Ngày nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng cho rằng tì bà có khả năng xuất phát từ chữ barbat trong ngôn ngữ Ba Tư. Tóm lại, dẫu thuật ngữ tì bà xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ nào, nó là từ ngoại nhập hay do người Trung Quốc nghĩ ra thì có một điều chắc chắn rằng trong triều đại nhà Tần có một loại đàn gọi là Tần tì bà. Người ta tin rằng loại đàn này mô phỏng hình thức thô sơ của đàn Không hầu (箜篌) và Huyền đào (弦鼗) – loại nhạc cụ có những dây đàn căng trên cái trống nhỏ gắn tay cầm, được cho là do những người xây dựng Vạn Lý trường Thành chế tạo vào cuối triều đại nhà Tần. Tần tì bà có cần đàn thẳng, hộp cộng hưởng tròn và 4 dây đàn theo chuẩn 12 nốt. Kiểu này về sau phát triển thành đàn Nguyễn (阮) – nhạc cụ được đặt tên từ họ của nhạc sĩ Nguyễn Hàm (阮咸) trong nhóm Trúc Lâm thất hiền (竹林七賢). Tuy nhiên, cần chú ý, Tần tì bà có thân đàn tròn, do đó nó có thể là loại đàn trùng tên chứ không phải là loại tì bà mà chúng ta biết ngày nay (loại có thân đàn hình quả lê).

Về tì bà hình quả lê, có hai loại mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng có khả năng du nhập từ Trung Đông, từ vương quốc cổ Gandhāra (tiếng Phạn: गन्धार) hay Ấn Độ vào miền bắc Trung Quốc trong thế kỷ thứ 4. Loại thứ nhất gọi là Quy từ tì bà (龜茲琵琶, Latin hóa: Kuche pipa), có cần đàn cong với 4 chốt chỉnh dây và 4 dây đàn. Loại thứ hai gọi là Ngũ huyền tì bà (五弦琵琶, Latin hóa: wuxian pipa), có cần đàn thẳng, 5 chốt chỉnh và 5 dây. 

 

Trong triều đại nhà Hán có loại đàn gọi là Hán tì bà. Nhạc cụ này có 4 dây đàn tượng trưng cho 4 mùa, còn chiều dài của đàn tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân và Ngũ hành. Đến triều đại nhà Tống thì những nhạc cụ gảy dây khác đã có tên riêng, thuật ngữ “tì bà” chỉ còn được sử dụng độc quyền cho nhạc cụ hình quả lê.

 

Nhìn chung, việc miêu tả những loại tì bà có hình quả lê xuất hiện khá nhiều từ giai đoạn Nam Bắc triều (南北朝, 420 – 589) cho tới đời nhà Đường (唐朝,618-907). Trong triều đại nhà Đường, tì bà phát triển rực rỡ, trở thành nhạc cụ chính trong hoàng cung. Triều đình triệu những nhạc sĩ Ba Tư, Quy Từ và các thầy dạy đàn đến kinh đô Trường An (長安) để giảng dạy, biểu diễn và chế tạo tì bà. Trong thời kỳ đó, nhiều nghệ nhân làm đàn tì bà rất công phu với những nét hoa văn chạm khắc tuyệt hảo. Mô típ chạm khắc thường có liên quan đến Phật giáo.

 

Loại tì bà 4 và 5 dây đặc biệt phổ biến trong triều đại nhà Đường, chúng “lan tỏa” sang Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc cũng trong triều đại này.

 

Bên cạnh loại tì bà thông thường còn có một loại khác gọi là Nam âm tì bà (南音琵琶; Latin hóa: nanyin pipa, viết gọn là nanpa) hay Nam quản tì bà (南管琵琶, La tin hóa: Nanguan pipa), gọi dân dã là “tì bà miền nam” hoặc “tì bà nằm ngang”. Nhạc cụ này có nguồn gốc ở khu vực trung tâm Trung Quốc, về sau được đưa tới tỉnh Phúc Kiến rồi được dùng chủ yếu ở tỉnh này. Nam âm có thân đàn khá giống loại tì bà thông thường, những khác biệt chính nằm ở chỗ phím đàn, trục đàn và mặt thân đàn sơn màu đen.  Cần và thân đàn được làm từ một khối gỗ duy nhất (thường là gỗ thông, không nặng bằng tì bà thông thường); tuy nhiên có trường hợp mặt thân đàn lại làm từ  tung wood. Phần đầu trục cong ngược ra phía sau, phần này và chốt chỉnh được làm riêng. Mỗi bên hông thân đàn có một lỗ thoát âm hình trăng lưỡi liềm. Dưới ngựa đàn có một lỗ nhỏ hình thoi. Nam âm tì bà chỉ có 4 phím đàn chính (thay vì 6 như tì bà thông thường, không có phím trên cùng và phím dưới cùng), làm từ những miếng gỗ hình tam giác, phù ngoài bằng vỏ rùa biển; ngoài ra còn 9-10 phím thấp và mỏng cũng làm từ một loại gỗ theo thang âm diatonic. Phần bàn phím ở  hai bên hông những phím tam giác được khảm xà cừ. Nam âm tì bà có 4 dây nilon, chỉnh giọng giống tì bà thông thường, nhưng nhạc cụ này được chơi ở tư thế nằm ngang giống guitar chứ không dựng đứng tựa trên đùi như tì bà thông thường. Khi diễn tấu người ta thường dùng miếng gảy hơn là sử dụng ngón tay hoặc móng giả.

 

Một nhạc cụ khác có tên là Đồng tì bà (侗琵琶; Latin hóa: Dong pipa), trông không giống lắm loại tì bà thông thường, vì nó có thân đàn hình trái tim chứ không phải quả lê.  Tuy nhiên, do nhạc cụ này trùng tên nên chúng tôi cũng giới thiệu ở đây. Đồng tì bà là nhạc cụ gảy dây của tộc người Đồng (侗族) nói tiếng Đồng Thủy (侗水語), cư trú rải rác ở tỉnh Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và khu tự trị Quảng Tây (廣西; Latin hóa: Guangxi Zhuang) thuộc  miền nam Trung Quốc. Đồng tì bà được làm từ một khối gỗ khoét rỗng, có một lớp gỗ mỏng dán keo ở mặt trước thân đàn; cần và trục đàn làm từ một khối gỗ khác, thường thì trông khá giống cần đàn Tam huyền (三弦; Latin hóa: sanxien) hay cần đàn Tam vị tuyến (三味線; Latin hóa: shamisen) Nhật Bản. Đồng tì bà có 2 hoặc 3 phím đàn và 4 dây đàn chỉnh bằng 4 trục tròn dài. Các dây này chạy căng trên một ngựa đàn gỗ nhỏ tới một chốt dây nhỏ ở cuối thân đàn. Người ta thường sử dụng Đồng tì bà để đệm hát và khiêu vũ bằng cách đánh chập (strumming). 

 

 Nhìn chung, đến triều đại nhà Tống thì loại tì bà hình quả lê có 5 dây đã mai một, không còn được sử dụng nữa. Vào đầu thế kỷ 21 người Trung Quốc đã cố khôi phục lại loại đàn này, tạo ra loại tì bà 5 dây hiện đại mô phỏng từ loại đời nhà Đường, ngoài ra họ còn chế tạo tì bà điện. Trên thực tế, đây là loại tì bà thông thường, được gắn thêm những pickup nam châm kiểu guitar điện để khuếch đại âm thanh thông qua  một amplifier hay PA system (hệ thống phân bố và khuếch đại âm thanh điện tử thông qua  microphone, amplifier và loa). Trên thị trường còn có loại Tụ trân tì bà (袖珍琵琶) - nhạc cụ đồ chơi của Trung Quốc. Nó là phiên bản nhỏ xíu của đàn tì bà thông dụng, có kích cỡ khác nhau. Tùy theo kiểu, tụ trân tì bà có từ 2 đến 5 dây, thân đàn hình quả lê; cần và trục đàn dài ngắn khác nhau. Kiểu nhỏ nhất nằm gọn trong lòng bàn tay, kiểu lớn nhất dài trên 40cm.

 

Cấu trúc cơ bản

Tì bà có nhiều loại, song hầu như tất cả đều có thân đàn hình quả lê, mặt đàn thường làm từ gỗ bào đồng hay gỗ phượng hoàng; phần lưng thân đàn làm từ gỗ hồng sắc, gỗ gụ hoặc gỗ đàn hương đỏ. Cần đàn cong hoặc thẳng tùy theo loại. Đầu cần chạm khắc những biểu tượng lạc quan theo quan điểm Trung Quốc, có thể gắn thêm những hạt đá chất lượng tốt. Loại ở đây dài 94,2 cm; thân đàn rộng 22,5 cm, dầy 4,7 cm.

 

Ban đầu, tì bà có cần đàn 4 phím (gọi là tương 相) nhưng đến đầu nhà Minh nhạc cụ này có thêm những phím bằng tre (gọi là phẩm 品) trên miếng gỗ tăng âm, giúp mở rộng âm vực. Số phím đàn tăng dần từ 10, 14 hay 16 trong thời nhà Thanh, sau đó tăng lên 19, 24, 29 và 30 trong thế kỷ 20. Những phím đàn hình nêm trên cần đàn ban đầu là 4, sau đó được nâng lên là 6 cũng trong thế kỷ 20. Loại tì bà 14 hoặc 26 phím đàn được bố trí gần như tương ứng với quãng một cung và nửa cung trong nhạc phương Tây. Tính từ chốt nâng dây (nut) trên cần đàn, cao độ sẽ là 1 cung -1/2 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung -1 cung - 3/4 cung- 3/4 cung -1 cung - 1 cung - 3/4 cung - 3/4 cung, (vài phím có giọng 3/4 cung hoặc “giọng không rõ ràng”).

 

Loại tì bà truyền thống có 16 phím trở nên kém phổ biến dần, mặc dù nó vẫn được dùng trong vài loại nhạc địa phương, thí dụ như thể loại Nam Quản (南管). Loại tì bà hiện đại dài khoảng 96 cm, có 4 dây, được gắn thêm 6 phím phụ, kết hợp với 18, 24, 25 hoặc 28 phím chuẩn, bố trí khoảng cách 12 âm nửa cung. Bốn dây đàn chỉnh giọng A, d, e, a, với âm vực rộng từ A đến g3. Ngày xưa dây đàn làm bằng tơ se. Trong triều đại nhà Đường, nghệ sĩ chơi đàn bằng các ngón của bàn tay phải, về sau mới thay bằng miếng gảy lớn. Trong thập niên 1950, dây thường được làm bằng thép bọc nilon hoặc dây kim loại, giúp giọng tì bà tươi sáng và sôi nổi hơn, có vẻ tương tự giọng mandolin. Tuy nhiên, dây kim loại gây trở ngại là khó gảy bằng móng tay hơn, vì thế người ta thường sử dụng móng giả để chơi đàn. Móng giả thường làm bằng làm bằng nhựa hoặc mai rùa. Tì bà có khả năng diễn tả đa dạng cung bậc cảm xúc khác nhau, thường được dùng trong dàn nhạc lớn của Trung Quốc hay đệm cho nhạc kịch. Ngày nay người ta còn sử dụng loại đàn này trong cả nhạc pop và rock.

 

 

Kỹ thuật diễn tấu

Khi chơi người ta thường ngồi, đặt đàn trên đùi theo tư thế dựng đứng (hơi nghiêng về bên trái của người đánh đàn); bàn tay trái giữ cần đàn, những ngón tay bấm dây, trong khi đó bàn tay phải gảy dây bằng những ngón tay hay miếng gảy. Có hai kỹ thuật rất phổ biến: thứ nhất là “pí” (琵), đẩy những ngón tay của bàn tay phải từ phải sang trái, có thể sử dụng một hoặc vài ngón tay theo cách đó để đánh cùng lúc, tạo đa âm (ngón bật); thứ hai là “pá” (琶), kéo ngón cái của bàn tay phải từ trái qua phải theo chiều ngược lại.

Kỹ thuật búng dây gọi là “đàn-khiêu” (彈挑), sử dụng ngón trỏ và ngón cái. Đàn 彈 là búng dây bằng ngón trỏ, còn khiêu 挑 là búng dây bằng ngón cái. Thông thường, cách búng dây trên đàn tì bà ngược lại với cách gảy đàn guitar. Người ta búng những ngón tay (kể cả ngón cái) hướng ra ngoài, trong khi đó, khi chơi guitar thì những ngón tay lại gảy vào trong, hướng về lòng bàn tay.  Đối với tì bà, cách gảy ngược  vị trí so với “đàn” và “khiêu” gọi theo thứ tự là “mạt (抹) và “câu” (勾). Khi gảy hai dây cùng lúc bằng ngón trỏ và cái (hai ngón hoạt động riêng lẻ) gọi là “phân” (分), chuyển động ngược lại gọi là “chích” (摭). Đánh chập nhanh bằng bốn ngón tay gọi là “tảo” (掃), đánh chập nhanh ở vị trí ngược lại gọi là “phất” (拂). Tạo âm thanh đặc biệt bằng kỹ thuật vê (tremolo) thì gọi là “luân chỉ” (輪指). Kỹ thuật này thường được sử dụng cả năm ngón của bàn tay phải, tuy nhiên, có thể sử dụng chỉ bằng một hoặc vài ngón tay.        

Kỹ thuật tay trái rất quan trọng đối với sự biểu cảm của nhạc tì bà, giúp tạo ra âm rung, luyến ngắt, vuốt, bật, âm bội và những hòa âm giả (artificial harmonics) giống như kỹ thuật sử dụng trên đàn violin và guitar.  Kỹ thuật nhấn dây (string-bending) cũng có thể được dùng để tạo ra âm vuốt và luyến ngắt. Xin lưu ý, phím của tất cả các loại đàn lute Trung Quốc đều cao, do đó những ngón tay thường không chạm vào bàn phím. Đây là điểm khác biệt so với những nhạc cụ có phím của phương Tây. Điều này giúp xử lý tốt hơn trong việc tạo ra giọng và âm sắc. Thêm vào đó, có một số kỹ thuật tạo âm thanh đặc biệt, thí dụ như gõ vào bề mặt thân đàn để tạo âm gõ hoặc xoắn những sợi dây vào nhau trong khi chơi để tạo hiệu ứng tiếng chũm chọe.

Bipa Hàn Quốc

 Bipa (tiếng Hàn:비파, Hán Việt: tì bà) là nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Nó là loại đàn lute có hình quả lê, liên quan với loại tì bà Trung Quốc, Việt Nam và biwa Nhật Bản. Trong quá khứ có hai loại bipa: hyang-bipa (향비파, Hương tì bà) Dang-bipa (당비파, Đường tì bà).

 

  

hyang-bipa

Hyang-bipa là loại đàn 5 dây, chơi bằng một miếng gảy - loại chuẩn từ triều đại Cao Câu Ly (고구려, 37-668) đến triều Tân La (신라, -935). Nó là một trong ba loại đàn dây trong triều Tân La (bên cạnh đàn geomun-go (거문고) và gayageum (가야금). Loại này có cần đàn thẳng; 5 dây đàn; bên trái trục đàn có 3 chốt chỉnh dây, bên phải hai chốt;  mặt trước làm từ gỗ bào đồng, mặt sau làm từ gỗ cây hạt dẻ. Ban đầu nhạc cụ này có 5 phím đàn nhưng đến thời nhà nước Triều Tiên (조선, 1392-1897) thì tăng lên 10 phím, riêng những phiên bản hiện đại có thể lên tới 12 phím đàn (âm vực gần 3 quãng tám). Theo ký tự Trung Quốc thì hyang (鄕, bính âm: xiāng; Hán Việt: Hương) có nghĩa là "quê quán, quê nhà", nhằm nói rằng loại đàn này có nguồn gốc ở Hàn Quốc. Khi diễn tấu người ta thường ngồi, đặt đàn trên đùi theo tư thế dựng đứng (hơi nghiêng về bên trái), bàn tay trái giữ cần hoặc thân đàn và bấm dây, bàn tay phải sử dụng những móng gảy (tròng vào ngón tay) để gảy dây đàn. Trước đây người ta gảy đàn bằng que, nhưng ngày nay hiếm khi sử dụng cách này.

 

Dang-bipa

 Dang-bipa là loại đàn 4 dây, có đầu cần cong ngược ra phía sau với 12 phím đàn trên cần đàn, phiên bản hiện đại có âm vực rộng hơn 3 quãng tám. Theo ký tự Trung Quốc Dang (唐; bính âm: táng; Hán Việt: Đường) là từ nói về triều đại nhà Đường, ý nói loại đàn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Hàn Quốc từ thời nhà Đường. Trong thời kỳ Cao Ly (tiếng Hàn: 고려; 918–1392), nó được sử dụng trong nhạc Dangak (nhã nhạc Hàn Quốc). Cái tên Dangak có nghĩa là “Đường nhạc”, một loại nhạc mô phỏng từ nhã nhạc nhà Đường, Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ thời Triều Tiên, nó còn được dùng trong nhạc hyangak. Cái tên hyangak có nghĩa là “nhạc làng” (village music), một hình thức nhạc cung đình truyền thống của Hàn Quốc có nguồn gốc trong thời kỳ Tam quốc (삼국시대). Trước đây người ta đã cố phục hồi lại Dang-bipa nhưng thất bại vì không còn nhạc sĩ chuyên nghiệp về loại đàn này. 

Biwa Nhật Bản

Biwa (琵琶, Tì bà) là loại đàn lute của Nhật Bản. Chúng có nguồn gốc từ đàn tì bà Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản trong thời Nại Lương (奈良時代, 710-794). Vào thời đó có hai loại biwa: thứ nhất là gaku biwa (hay bagaku biwa), sử dụng trong nhạc cung đình Gagaku (Nhã nhạc) và đệm múa Bugaku, phổ biến trên quần đảo Ryukyu; loại thứ hai là loại kojin biwa (hay moso biwa), do những thầy tu  mù (moso) thuộc dòng Phật giáo Tendai sử dụng. Về sau, kojin biwa phát triển thành hai dòng riêng: loại của thầy tu mù ở Chikuzen và loại của thầy tu mù ở Satsuma (Chikuzen và Satsuma là hai tỉnh cũ thuộc đảo Kyushu). Loại của thầy tu mù ở Chikuzen có 4 dây và 5 phím, còn loại của thầy tu mù ở Satsuma có 3 dây và 6 phím. Đến thế kỷ 14, những người hát rong (biwa-hoshi) thường xuyên chơi biwa. Họ vừa đàn vừa hát những bài anh hùng ca thời chiến (gunki-monoratari), đặc biệt là Heike monogatari. Từ đó xuất hiện loại đàn Heike biwa 5 dây, dần dần phổ biến trong tầng lớp samuarai vào thời Thất Đinh (室町時代,1337-1573) và  thời An Thổ Đào Sơn (安土桃山時代, khoảng 1573 đến 1603), đặc biệt là trong thị tộc Shimazu ở đảo Kyushu.

 

Khoảng đầu thời Đức Xuyên (徳川時代, 1603-1868), một dòng biwa khác tiến hóa, tách khỏi loại biwa của thầy tu mù ở Satsuma, dòng đó gọi là Satsuma biwa. Khoảng giữa thời Minh Trị (明治時代, 1868-1912), thêm một dòng biwa nữa phát triển, tách khỏi loại biwa của thầy tu mù ở Chikuzen, dòng đó gọi là Chikuzen biwa. Theo thời gian, nhiều dòng biwa khác ra đời. Cho đến ngày nay, căn cứ vào số dây, âm thanh, loại miếng gảy và cách sử dụng, người ta chia biwa thành 8 loại trở lên, đó là:  Gagaku biwa, Gogen biwa, Moso Biwa, Heike biwa, Satsuma biwa, Chikuzen biwa, Nishiki biwa và Tsuruta biwa…

 

Nhìn chung, biwa có thân đàn hình quả lê, được làm từ một khối gỗ cứng hoặc từ vài miếng gỗ ghép lại; mặt đàn là một lớp gỗ mềm mỏng, thường có hai lỗ thoát âm hình bán nguyệt; cần đàn ngắn, có 3 đến 6 ngăn phím cao; trục đàn vuông, cong về phía sau một góc 90 độ với phần đầu trục uốn ngược lên. Biwa có từ 3 đến 5 dây đàn làm bằng tơ (hiện nay chỉ còn loại 4 và 5 dây, chỉnh giọng bằng những chốt gỗ tròn và dài nằm ở hai bên trục đàn). Miếng gảy (bachi) sử dụng cho biwa có hình tam giác, khá lớn, không chỉ dùng để gảy dây mà còn gõ vào mặt đàn. Thông thường, có một mảnh da thuộc hay giấy dán hồ nằm vắt ngang nửa phần dưới mặt đàn. Loại ở đây làm bằng gỗ và da thuộc, dài 105cm, rộng 40,3cm, dày 7cm, có 4 dây đàn.

 Cách chơi và âm thanh của biwa không giống như đàn Tì bà Trung Quốc. Khi diễn tấu, nghệ sĩ ngồi gập chân kiểu Nhật. Đối với loại 4 dây họ đặt thân đàn trên hai đùi, theo tư thế ngang giống như guitar, riêng loại 5 dây thì họ thường giữ đàn thẳng đứng; tay trái giữ cần đàn, những ngón trái bấm phím, trong khi đó, bàn tay phải cầm miếng gảy khá to, gảy dây bằng cạnh dưới phía trước của miếng gảy. Họ nhấn dây xuống giữa hai ngăn phím để tạo ra âm thanh có cao độ theo ý muốn. Do phần đầu của ngăn phím tròn nên âm thanh của biwa phát ra có nét đặc trưng riêng.

Miếng gảy đàn biwa

Biwa là loại đàn dùng để độc tấu, hòa tấu, chủ yếu là đệm hát, làm nền cho những câu chuyện kể bằng những giai điệu chậm. Đến thời Minh Trị, do nhạc phương Tây và nhiều nhạc cụ khác phổ biến hơn nên việc chơi đàn biwa đã trở nên mai một dần. Tuy nhiên, đến nửa cuối thế kỷ 20, biwa hồi sinh qua tài năng của nữ nghệ sĩ Nhật Tsuruta Kinshi. Tuy ít được sử dụng trong nhạc pop, song biwa đã từng xuất hiện trong ban nhạc progressive rock của Nhật (nhóm Paikappu) trong thập niên 1980 và từ năm 2003, nhóm Rin', một ban nhạc pop Mỹ-Nhật đã chơi nhạc cụ này.  

Chikuzen biwa

 

Chikuzen biwa (筑前琵琶, Trúc tiền tì bà) là loại biwa hiện đại, dài 70cm, có 4 - 5 dây đàn với 4 - 5 ngăn phím. Phần lớn nghệ sĩ chơi nhạc đương đại đều sử dụng loại 5 dây.  Miếng gảy của Chikuzen biwa rộng khoảng 13cm (nhỏ hơn nhiều so với loại Satsuma biwa), thường làm bằng gỗ hồng sắc với phần đầu là gỗ hoàng dương hoặc ngà. Kích cỡ, hình dáng và trọng lượng của loại đàn này còn tùy thuộc vào giới tính và tuổi tác của người chơi. Loại do nam giới sử dụng rộng hơn và/hoặc dài hơn một chút so với loại dành cho phụ nữ và trẻ em. Loại 4 dây được chỉnh giọng B, e, f#, b; còn loại 5 dây chỉnh C, G, C, d, g hoặc E, B, e, f#, b. Xét về lịch sử, Chikuzen biwa xuất hiện khoảng cuối thời Nại Lương (奈良時代), khởi đầu thời  Bình An (平安, 794-1185). Vào thời đó, thầy tu mù Gensei sáng lập ngôi đền Seishukuin, nơi tu hành của những thầy tu mù vùng Chikuzen. Gensei và những thầy tu mù đã chế tạo nhiều loại đàn biwa khác nhau. Dần dần loại biwa có 4 dây và 5 phím trở thành chuẩn mực, được sử dụng rộng khắp ở miền bắc đảo Kyushu, được đặt tên là Chikuzen biwa. Đến giữa thời Minh Trị (Meiji), Tachibana Satosada đã phổ biến loại đàn này khắp nước Nhật. Chikuzen biwa thường được dùng để chơi nhạc không lời. Trong lúc diễn tấu, người ta không bao giờ gõ miếng gảy vào thân đàn. Đối với loại 5 dây, họ giữ đàn thẳng đứng, còn loại 4 dây thì cầm ngang.

 Gagaku biwa

 

Gagaku biwa (雅楽琵琶, Nhã nhạc tì bà) là loại biwa cổ điển; phần bụng của thân đàn làm từ gỗ hồng sắc, dâu tằm hay gỗ mộc qua Trung Quốc, đôi khi còn sử dụng gỗ anh đào và gỗ sồi Trung Quốc; phần mặt của thân đàn làm từ gỗ hạt dẻ. Nếu phần bụng của thân đàn làm từ một miếng gỗ thì gọi là “hita ko”, còn làm từ hai đến ba miếng gỗ gọi là “hagi ko”. Hita ko được công nhận là loại giá trị nhất. Phần dưới mặt đàn lót một miếng da thuộc đi ngang qua, miếng này rộng khoảng 10-12cm. Đây là chỗ người ta gõ miếng gảy vào khi đánh đàn. Trên miếng da thuộc thường vẽ những bức tranh đẹp, ngoài ra, những cây biwa nổi tiếng còn có tên riêng, cái tên này liên quan với việc thiết kế những bức tranh. Phần trên của thân đàn gọi là “shishi kubi” (cổ gầy), nó được làm từ gỗ cứng nhập khẩu hoặc gỗ dâu tằm. Đỉnh của phần trên gọi là “kairobi” (đuôi tôm), được làm từ gỗ hoàng dương hoặc gỗ đàn hương. Những chốt chỉnh dây ngắn và nhỏ, dễ phân biệt với loại biwa hiện đại hơn như Satsuma biwa và Chikuaen biwa. Miếng gảy của Gagaku biwa mỏng và nhỏ dài khoảng 20cm), làm từ vật liệu cứng như ngà hay gỗ hoàng dương.

Nhìn chung, loại đàn này lớn và nặng, có 4 dây tơ và 4 phím đàn, chuyên dùng cho thể loại nhạc cung đình gagaku (Nhã nhạc Nhật Bản). Gagaku biwa không được dùng để đệm hát. Giống như cách chơi Heike biwa, khi diễn tấu người ta thường ngồi gập chân, giữ loại đàn này nằm ngang như guitar. Trong Nhã nhạc Nhật Bản, Gagaku biwa được gọi là Gakubiwa (Nhạc tì bà).

Gogen biwa

 

Gogen biwa (五絃琵琶, Ngũ huyền tì bà) là loại biwa cổ điển, biến thể của tì bà Trung Quốc trong thời nhà Đường. Nó được làm bằng gỗ, nhiều chỗ khắc hoa văn và cẩn xà cừ. Gogen biwa có 5 dây đàn, không nên nhầm lẫn chúng với loại biến thể hiện đại cũng có 5 dây, đó là Chikuzen biwa. Gogen biwa thường được dùng trong Nhã nhạc Nhật Bản.

 Heike biwa

 

Heike biwa (平家琵琶, Bình gia tì bà) là loại biwa xuất hiện trong thời Edo (1603-1868). Nó có 4 dây và 5 ngăn phím, chỉnh giọng A, c, e, a hoặc A, c#, e, a, thường dùng để chơi trong chuyện kể Bình gia vật ngữ (Heike Monogatari), một bản sử thi về cuộc chiến giành quyền kiểm soát Nhật Bản giữa dòng dõi samurai Taira với gia tộc quyền quý Minamoto trong cuối thế kỷ 12. Miếng gảy của loại đàn này lớn hơn một chút so với loại gagaku biwa, nhưng ngoại hình thì nhỏ hơn nhiều (có thể so sánh với kích cỡ của chikuzen biwa). Ngày xưa, loại đàn này do những người hát rong sử dụng. Ngoài ra, do có kích cỡ nhỏ nên người ta có thể chơi chúng trong nhà.

 Moso biwa

 

Moso biwa (盲僧琵琶, Manh tăng tì bà) là loại biwa cổ điển, có 4 dây, được dùng trong ca khúc và câu chú Phật giáo. Ngày xưa, loại đàn này do các thầy tu (moso) thuộc dòng Phật giáo Tendai sử dụng. Nó có ngoại hình tương tự chikuzen biwa nhưng thân đàn hẹp hơn nhiều. Miếng gảy của nó khác nhau về kích cỡ và chất liệu. Loại có 4 ngăn phím chỉnh dây E, B, E, A; loại có 5 ngăn phím chỉnh  B, e, f # và f #; còn loại 6 ngăn phím chỉnh Bb, Eb, Bb và bb.

Nishiki biwa

Nishiki biwa (錦琵琶, Cẩm tì bà) là loại biwa hiện đại. Nó có 5 dây và 5 ngăn phím, do Suitō Kinjō phổ biến. Miếng gảy của nó giống như loại dùng cho Satsuma biwa. Cách dây đàn được chỉnh giọng

C, G, c, g, g.

 Satsuma biwa

Satsuma biwa (薩摩琵琶, Tát ma tì bà) là loại biwa chế tạo ở miền nam Nhật Bản vào thế kỷ 16, rất phổ biến ở đảo Kyushu. Vào thời ấy, ông hoàng Shimazu Tadayoshi ngự trị Tát ma quốc (vùng Satsuma, thành phố Kagoshima ngày nay). Ông muốn có một nhạc cụ đệm các ca khúc do ông sáng tác, nhằm khích lệ tinh thần dũng sĩ samurai và thần dân. Shimazu Tadayoshi ra lệnh cho Fuchiwaki Ryoko cải tiến loại nhạc cụ do những thầy tu mù sử dụng ở Satsuma thành loại Satsuma biwa ngày nay.

Theo truyền thống, Satsuma biwa được làm từ gỗ dâu tằm, mặc dù những loại gỗ cứng khác như gỗ sồi Nhật đôi khi cũng được dùng trong cấu trúc của chúng. Người ta thường chọn cây dâu tằm có ít nhất 120 tuổi, phơi khô 10 năm trước khi làm loại đàn Satsuma biwa. Chúng dài khoảng 90cm. Loại truyền thống có 4 ngăn phím và 4 dây tơ thường chỉnh giọng A, E, A, B (theo giọng của người chơi); trong khi đó loại hiện đại có 5 ngăn phím trở lên, ngoài ra nó có 5 dây (dây 4 và 5 cùng cao độ), được chỉnh theo âm vực giọng của người chơi. Vài cây lại có 4 nguồn dây đôi, chỉnh giọng G, G, c, g, hay G, G, d, g và thường được dùng trong nhạc đương đại. Nhìn chung, còn nhiều cách chỉnh dây khác cho cả loại truyền thống lẫn hiện đại. Ngăn phím của Satsuma biwa truyền thống có thể nâng cao 4cm, cho phép nốt lượn lên những bậc cao hơn. Miếng gảy của chúng làm từ gỗ hoàng dương, rộng hơn nhiều so với miếng gảy của những loại biwa khác, thường rộng từ 25cm trở lên. Satsuma biwa là loại đàn dùng trong hát nói, người kể chuyện chỉ đàn khi họ nghỉ hát để lấy hơi. Kỹ thuật chơi loại đàn này kết hợp giữa cách chơi Moso biwa và Heike biwa. Khi diễn tấu, những ngón tay trái của người chơi bấm mở các dây đàn trong khi đó bàn tay trái gảy dây bằng một miếng gảy lớn.

 Tsuruta biwa

 

Trong thế kỷ 20, Tsuruta Kinshi, một nữ nghệ sĩ Nhật đã chế tác phiên bản Satsuma biwa đời mới để biểu diễn, bà gọi cây đàn này là Tsuruta biwa. Loại biwa này có cấu trúc đầu cần khác Satsuma biwa một chút. Nó có 5 dây (đôi khi dây thứ tư lại là dây đôi) và 5 phím đàn, cho phép có nhiều nốt hơn để biểu diễn những tác phẩm phương Tây và hiệu đại. Khi chơi loại đàn này bà Tsuruta Kinshi ngồi xếp chân theo kiểu Nhật, đặt thân đàn tựa lên hai đùi, bàn tay trái giữ cần đàn, còn những ngón trái bấm phím, trong lúc bàn tay phải cầm một miếng gảy khá lớn, gảy một cạnh vào dây đàn.

 

 

(tổng hợp từ ATLAS (về nhạc cụ), Wikipedia (Anh, Trung Quốc) và những tài liệu khác)

 

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 5399
Ngày đăng: 04.05.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xã Hội Dân Sự : Đó chính là Sự Hy sinh Dũng cảm - Đoàn Thanh Liêm
Phải chăng chu thần Cao Bá Quát là Cha đẻ của phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải!? - Thái Doãn Hiểu
Dịch phẩm cho Lễ Phục Sinh - Nguyễn Hồng Nhung
Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? - Nguyễn Cung Thông
Du xuân Tà Cú - Phan Chính
HỎA LINH, SỰ THẬT VÀ THẦN THÁNH - Nguyễn Hồng Nhung
BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH - Nguyễn Hồng Nhung
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 4. hết - Nguyễn Văn Thành
Nhà Văn Vũ Trọng Phụng Dưới Bút Danh Ngọa Triều - Lại Nguyên Ân
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 3 - Nguyễn Văn Thành
Cùng một tác giả