Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
557
115.980.132
 
Chùa Cực Lạc – Giá trị lịch sử và văn hóa
Trần Anh Dũng

 

 

Có một ngôi chùa khá nổi tiếng được các giới nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử, văn hoá nghệ thuật và khảo cổ quan tâm đến, đó là chùa Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc tự. Ngôi chùa nổi tiếng này ở trên ngọn núi Câu Lậu (còn gọi là Tây Phương) thuộc xóm Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

 

  Tuy nhiên còn có một ngôi chùa cổ khác cách chùa Tây Phương khoảng 500m về phía Tây Bắc mà rất ít người biết đến, đó là chùa Cực Lạc thuộc thôn Yên Lạc, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội.

 

Ngôi chùa Cực Lạc đã bị sập đổ và những vật liệu kiến trúc của nó đã bị vùi sâu dưới lòng đất khiến cho nó bị lãng quên. Gần đây việc phát hiện ra những vật liệu kiến trúc cổ đã dần dần trả lại vị trí vốn có của ngôi chùa.

 

Vật liệu kiến trúc dùng để xây dựng chùa được sản xuất tại chỗ hay qua trao đổi buôn bán cũng là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đặc biệt là đối với các công trình kiến trúc ở một cộng đồng làng xã hay của nhiều cộng đồng trong vùng. Một điều khá may mắn là tại sườn núi phía Tây của chùa Cực Lạc vẫn còn lại dấu tích của một dãy lò nung vật liệu kiến trúc nên đã phần nào trả lời được câu hỏi này.

 

Những di tích và di vật tìm thấy ở ngôi chùa Cực Lạc, một mặt góp phần khôi phục lại phần nào diện mạo của ngôi chùa cổ, vào việc nhìn nhận tổng quan về hệ thống kiến trúc tôn giáo Tây Phương - Cực Lạc, mặt khác cho phép chúng ta nhìn nhận vấn đề sản xuất vật liệu tại chỗ khi xây dựng một công trình kiến trúc. Cùng với vấn đề đó là một hệ thống lò gốm dân gian không mang tính chuyên nghiệp tồn tại bên cạnh các công trình kiến trúc cổ.

 

Chùa Cực Lạc được xây dựng trên đỉnh núi đất cao, nằm ở vị trí tiếp giáp với ba thôn nên có tên gọi là Tam Thôn. Đây là trung tâm của núi Tam Thôn, nó nằm chếch về phía tây nam. Nơi đây trước kia vốn có một ngôi chùa cổ nhưng hiện tại nó đã bị san phá để xây một ngôi chùa mới. Ngôi chùa mới hiện tại được làm trên nền ngôi chùa cổ.

 

Nhân dân địa phương cho biết, ngôi chùa vốn có từ lâu đời, đã nhiều lần được tu sửa.Vài chục năm trước đây, vào thời bao cấp, trước khi bị sập đổ hoàn toàn, chùa được xây gạch, lợp mái ngói, cột và bộ mái được làm bằng gỗ bạch đàn, lâu dần chùa bị xuống cấp, từ năm 2004 chùa được làm mới lại hoàn toàn bằng tiền công đức của nhân dân.

 

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là trong quá trình đào xới làm nền móng để xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại, người ta đã phá nhiều các di tích cổ trong lòng đất như: lò nung gốm cổ, vật liệu kiến trúc của một ngôi tháp, một ngôi chùa cổ.

 

Những di vật từ các kiến trúc này hầu hết đã bị thất lạc hoặc dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng. Số ít còn lại được gom lại thành đống cất ở sau chùa. Được biết rằng còn có cả một cuốn kinh phật chôn dưới nền chùa cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên chúng tôi cũng chưa được nhìn

 

Trong quá trình đào móng và san nền xây dựng ngôi chùa mới, người ta đã phát hiện ra ở khu vực nền chùa cũ có khá nhiều ngói mũi hài, ngói bò úp nóc và tượng Phật, tượng Kim cương bằng đá và đất nung. Sự có mặt của những viên ngói mũi hài có kích thước lớn cùng những viên ngói bò có trang trí gắn những phù điêu gốm ở trên phát hiện ở khu vực nền chùa cổ là những bằng chứng về sự có mặt của ngôi chùa cổ ở đây.

 

Trong lòng đất tại khu vực núi giả và địa ngục, khi đào móng để xây dựng 2 công trình kiến trúc trên, người ta đã phát hiện ra khá nhiều loại gạch xây tháp và các mảng trang trí ở trong cây tháp đất nung. Các phù điêu gốm và gạch xây tháp chỉ phát hiện được ở khu vực này. Điều đó góp phần vào việc xác định vị trí của một cây tháp đất nung. Được xây dựng ở phía tây bắc - cách tường hậu của nền chùa cũ khoảng 30 - 40m, có thể trùng với vị trí của cây tháp đá 5 tầng hiện tại.

Tại sườn núi phía tây bắc của núi Tam Thôn, trên con đường quanh co từ cổng chùa lên đến khu vực sân chùa chúng tôi đã phát hiện được dấu vết phế tích của 2 lò nung gốm. Các lò gốm này nằm ở sườn phía tây và tây bắc của núi Tam Thôn. Nhân dân địa phương cho biết trước đây có một dãy lò gốm ở khu vực sân chùa và khu vực miếu thờ Mẫu hiện tại. Sau khi chùa mới được phục dựng, người ta đã phá huỷ một số lò gốm để làm sân điện và miếu thờ Mẫu.

Lò thứ nhất nằm ở phía tây bắc núi Tam Thôn. Khi chúng tôi đến nghiên cứu thì đàn tế trời đang xây dở. Chân móng của đàn này đã đào phá vào một lò gốm cổ, làm lộ ra một phần của lò. Hầu hết diện tích của lò nung gốm đã bị tường phía nam của đàn tế trời hiện đại xây bằng đá phá huỷ. Phần còn lại là bộ phận thân của lò hiện tại lộ ra cho thấy lò có mặt bằng hình tròn, đường kính thân lò đo được ở phần lộ ra là 1,40m, tường lò có chiều cao (đo ở phần xuất lộ ra) là 0,5m , dầy 0,15m - 0,17m. Lò được xây bằng đất sét trộn lẫn với cát và sỏi đầu ruồi để chống nứt. Có thể ở dưới chân của đàn tế trời hiện đại là một dãy lò nung gốm được xây dựng liền kề nhau. Dấu vết của vùng đất cháy(ở bên ngoài tường lò thứ nhất) không thể hiện sắc độ đậm nhạt trên tường lò đã khiến cho chúng tôi nghĩ đến một khả năng như vậy.

Lò thứ 2 cách lò thứ nhất gần 3m về phía nam. Nơi này trước đây là sườn núi, và nằm sát ngay con đường cũ đi lên chùa, song hiện tại nó đã được san phá để làm nền trước của sân chùa. Trong quá trình san phá để làm nền sân người ta đã phá huỷ hết cấu trúc bên trên của lò thứ 2, chỉ còn lại một phần mặt bằng của nền thân lò.

Lò thứ 2 cũng được xây bằng đất sét trộn với cát và sỏi đầu ruồi giống như lò thứ nhất. Phần còn lại hình bán viên, tức là một nửa của lò hình tròn, có đường kính khoảng 1,2m.

Hiện vật phát hiện được gồm nhiều loại vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, tượng đá và tượng đất nung. Ngoài ra còn một cây hương đá được thu về lưu giữ ở phía sau chùa.

Hiện vật bằng đá ở đây gồm có tượng Thích Ca sơ sinh và một cây hương đá.

Có 2 hiện vật là đầu tượng và thân tượng đều là những bộ phận của tượng Thích Ca sơ sinh. Tuy nhiên đây là các bộ phận của 2 pho tượng thích ca khác nhau bởi lẽ 2 bộ phận này được làm từ 2 chất liệu đá khác nhau.

Đầu tượng được làm từ đá màu tím nhạt, thân tượng làm từ đá màu xám xanh. Đầu tượng hình em bé, mặt tròn bụ bẫm, tai dài. Đầu tượng dài 9,5 cm, chiều ngang rộng nhất là 8cm.

Thân tượng cũng là của một em bé, bụ bẫm, tư thế đứng thẳng, một tay dơ lên chỉ lên trời, một tay đặt song song với thân chỉ xuống đất. Nhìn pho tượng này làm ta liên tưởng tới câu “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”. Thân tượng dài còn lại 17cm, rộng ngang vai 14cm.

Cây hương làm bằng đá, hiện đã được đào lên và đã được chuyển về bảo quản ở sau chùa. Cây hương gồm 2 phần (đầu và thân).

Đầu cây hương là 1 bát hương đá được tạc liền khối. Bát hương có đế hình lục giác, giữa đế và thân của bát hương thắt lõm. Thân bát hương được tạo hình đoá sen có 2 lớp cánh. Lòng bát hương trổ lỗ thủng tròn để cắm hương. Dưới chân đế của bát hương có một lỗ thủng để nối với ngõng ở thân của cây hương.

Thân cây hương hình trụ, có 4 mặt khắc chữ Hán ghi chép tên người cúng ruộng vào chùa. Một trong số 4 mặt có khắc dòng lạc khoản cho biết năm tạo tác cây hương là năm “Chính Hoà thất niên” (năm 1686). Phần cuối của thân cây hương tạo băng cánh sen, dưới nữa là phần chân để chôn xuống đất dài khoảng 35- 38cm.

Hiện vật bằng đất nung gồm có tường tháp, gạch, ngói và tượng đất nung.

Mảnh tường tháp trang trí chữ vạn: có 1 mảnh tường tháp, bị vỡ chỉ còn lại một phần, mặt ngoài của tường khắc nổi hình chữ vạn, xung quanh trang trí hoa cúc cách điệu, cạnh dày 6cm.

Gạch có 11 loại :Gạch có cạnh cong, gạch giật cấp có 2 cạnh lõm ,gạch đắp nổi phượng và hoa, gạch thỏi có 2 cạnh trang trí hoa cách điệu những đường cong đồng tâm, gạch hòm sớ trang trí hoa cúc hai lớp cánh (mỗi lớp 12 cánh) trong vòng tròn, gạch hòm sớ trang trí hoa cúc hai lớp cánh (8 cánh) trong vòng tròn, gạch trang trí hoa cúc và sóng nước hình vảy cá, gạch thỏi mặt cắt hình chữ thập, gạch trang trí hoa lá, gạch trang trí rồng , gạch đắp nổi rồng, gạch khắc nổi rồng, gạch trang trí lân.

Ngoài gạch, còn có hai loại ngói bò và ngói sen: Ngói bò lưng đắp nổi rồng, ngói bò mặt trên trang trí những vạch song song kép 2 bên.

 Ngói sen đơn, mũi nổi cao, dày, nặng. Mũi ngói cao từ 7,0- 7,7 cm, thân ngói rộng 10,5cm; dầy 5cm.

Tượng đất nung tìm thấy ở đây gồm có đầu tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, đầu tượng Kim Cương và quỷ sứ. Những tượng này được làm bằng đất trộn với trấu. Bên ngoài vẫn giữ được lớp patin và lớp sơn ta, mặt tượng mịn, lỳ.

Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu  đầu đội mũ Thiên quan, đều bị vỡ. Tượng kim cương  đầu đội mũ trụ, mặt nghiêm nghị, cũng bị vỡ chỉ còn lại một phần đầu. Màu sắc và chất liệu giống tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng Quỷ sứ mặt dài, trán dữ tợn, trán gồ, đầu có 3 sừng nhọn, sừng lớn nhất ở giữa, 2 sừng nhỏ hai bên, tai nhọn, mũi khoằm, miệng há.

 

Như đã trình bày ở trên, qua các di vật tìm thấy được ở chùa Cực Lạc chúng ta có thể biết rằng đây là một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng vào khoảng thế kỉ XVI. Ngôi chùa ít nhất là có hai thành phần kiến trúc:

Ngôi chùa chính có vị trí nằm dưới nền chùa mới được xây dựng. Tuy nhiên bố cục của ngôi chùa này do chưa được khai quật nên chưa rõ.

Một cây tháp đất nung được dựng ở phía tây bắc của chùa và cách chùa chính chừng khoảng 30 - 40m.

Căn cứ vào xương gốm của vật liệu kiến trúc được làm từ sét pha nhiều hạt sỏi đầu ruồi và hạt cát nhỏ giống như chất liệu dùng để xây lò gốm; kết hợp với tài liệu điều tra mà những người trực tiếp xây dựng cho biết có một số vật liệu kiến trúc được phát hiện ở trong và xung quanh lò nung gốm, chúng tôi có thêm những bằng chứng xác đáng về các vật liệu kiến trúc dùng xây dựng chùa đã được sản xuất tại chính những lò gốm này.

Tính chất của di tích chùa Cực Lạc là: quần thể di tích chùa và tháp; nơi sản xuất kết hợp với nơi tiêu thụ..

Các di vật phát hiện được ở đây có các niên đại khác nhau. Những di vật hiện lưu giữ ở ngôi chùa này có lẽ chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì nó đã có. Tuy nhiên với số di vật này cũng đã cho thấy niên đại của ngôi chùa này tồn tại khá dài, ít nhất là từ thế kỷ XV đến khi ngôi chùa bị phá huỷ hoàn toàn.

Ngoài cây hương đá có khắc ghi niên đại tuyệt đối là năm Chính Hoà thất niên (1686), những di vật còn lại có niên đại khác nhau:

 Niên đại của ngôi chùa hiện chỉ còn căn cứ vào ngói mũi sen và ngói bò và gạch lát nền.

Ngói mũi sen ở chùa Cực Lạc là loại ngói sen đơn mũi nổi, có kích thước lớn: Mũi ngói cao từ 7,0- 7,7 cm, thân ngói rộng 10,5cm; dầy 5cm, chất liệu thô pha nhiều hạt cát và sỏi đầu ruồi- là loại ngói muộn có niên đại thế kỉ XV đã được phát hiện ở các di tích đàn Nam Giao thành nhà Hồ (có niên đại 1493), ở di tích Li Cung nhà Hồ, thành nhà Hồ (Thanh Hoá)…

Ngói bò là loại ngói mặt cắt ngang hình chữ V, ngói dày, mặt bụng vát hai cạnh, lưng đắp nổi rồng và mây, chất liệu giống ngói sen. Hình rồng có vảy nhỏ, nổi giống với rồng ở thế kỉ XV. Ngói bò có mặt cắt hình chữ V hiện chúng ta mới biết niên đại của nó từ thời Lý đến thời Lê sơ.

Những di vật có liên quan đến kiến trúc bộ mái của ngôi chùa như: ngói sen, ngói bò, gạch lát nền có niên đại khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Trong đó gạch lát nền có niên đại muộn hơn, có thể có mặt trong đợt trùng tu vào thế kỉ XVII.

Những di vật có liên quan đến cây tháp cổ chủ yếu là gạch có trang trí như đã trình bày ở trên. Trong số đó đặc biệt phải kể đến gạch thỏi hình hòm sớ trang trí hoa cúc hai lớp cánh (mỗi lớp 12 cánh) trong vòng tròn, gạch hòm sớ trang trí hoa cúc hai lớp cánh (8 cánh) trong vòng tròn, trang trí kiến trúc dạng phù điêu đắp nổi phượng và hoa lá, ngựa bay… có niên đại phổ biến ở khoảng cuối thế kỷ XVI.

Gạch phù điêu đắp nổi hình phượng cũng đã tìm thấy ở đền Hang Xanh thuộc thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có niên đại thế kỉ XVI (Nguyễn Xuân Cần 1996: 607 - 609).

Bộ sưu tập đầu tượng bằng đất nung và bằng đá mang phong cách thế kỷ XVII - XVIII.

  Việc phát hiện ra những vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc ở chùa Cực Lạc đã cho thấy đây là một ngôi chùa cổ có niên đại kéo dài trong lịch sử. Qua các bằng chứng khảo cổ học mà chúng tôi đã trình bày ở trên, niên đại khởi dựng của nó có thể vào thế kỉ XV, từ các thế kỉ XVI -  XVIII nó đã không ngừng được bổ sung thêm các thành phần kiến trúc khác như cây tháp đất nung và có thể là Thập điện Diêm vương qua bằng chứng là tượng Qủy sứ bằng đất nung. Có thể còn một số thành phần kiến trúc khác nữa mà chúng ta chưa biết được do di tích này chưa được khai quật. Tuy nhiên với những di vật nêu trên cũng đã mang lại một giá trị lịch sử - văn hoá đích thực cho ngôi chùa, đã trả lại trên 500 năm tuổi cho ngôi chùa.

                Trong khoảng cách chỉ vài trăm mét đã có hai ngôi chùa cổ có tuổi tương đối xa xưa, tự thân điều này đã cho thấy Cực Lạc và Tây Phương nằm trong hệ thống chùa từ thời Mạc cho đến Lê Trung Hưng và Hậu Lê. Những ngôi chùa này không nằm ở trong vùng núi cao như các chùa thời Lý -Trần mà nằm ở trên đỉnh của những núi đất - những quả đồi thấp của vùng trung du tạo nên một hệ thống chùa xây trên đồi. Cảnh quan và môi trường của vùng hẳn cũng có những đặc trưng riêng. Đó là những vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn và kĩ hơn.

                Chúng ta đã biết rằng chùa Tây Phương có một lịch sử xây dựng khá lâu đời và được trùng tu nhiều lần vào các năm 1632, 1690, 1735, 1740, 1794... Trong đó có sự tham gia trùng tu của nhiều đời chúa Trịnh, chính phi và công chúa của chúa Trịnh như chúa Trinh Tráng, Trịnh Doanh, Trịnh Giang, công chúa Trịnh Thị Ngọc Thể, chính phi Trịnh Thị Ngọc Tài… Qua các vật liệu kiến trúc ở chùa Cực Lạc, cũng đã cho thấy ngôi chùa cũng được trùng tu nhiều lần. Tuy chưa tìm thấy văn bia ở chùa Cực Lạc nhưng qua các mảng phù điêu, ngói bò có hình rồng, phù điêu có hình chim phượng cũng đã gián tiếp cho thấy chùa Cực Lạc không hẳn chỉ là một ngôi chùa mang tính dân dã mà rõ ràng có sự đầu tư xây dựng của vua chúa trong triều đình. Sự đầu tư của những người đứng đầu bộ máy phong kiến Việt Nam cùng với những trang trí kiến trúc mang tính cung đình là những bằng chứng hết sức thuyết phục về hệ thống chùa được xây dựng dưới sự bảo trợ của những người đứng đầu triều đình. Với tính chất như vậy chắc hẳn chùa Cực Lạc phải có kiến trúc rất hoành tráng.

                Tượng đất nung được sơn bằng khoáng chất và thảo mộc có niên đại tương đối cổ được phát hiện dưới lòng đất. Đó là các tượng Kim cương, Quỷ sứ, Nam Tào, Bắc Đẩu hoàn toàn được làm bằng đất nung, bên ngoài có sơn một lớp sơn ta được làm từ khoáng chất và thảo mộc. Nghệ thuật làm tượng ở nước ta hiện nay hầu như đã thất truyền. Việc phát hiện ra những tượng đất nung có niên đại thế kỉ XVIII có giá trị lớn góp phần vào việc nghiên cứu nghề làm tượng bằng chất liệu này.

                Một hệ thống lò nung vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc tại chỗ: Từ thế kỉ XVI trở đi và đặc biệt là thế kỉ XVII- XVIII, trước khi xây dựng chùa người ta đã xây dựng những lò nung gốm tại chỗ. Tuy nhiên những lò nung gốm này hầu hết đã bị phá huỷ sau khi chùa đã xây dựng xong khiến cho việc nghiên cứu hệ thống lò này gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến nay chúng ta đã biết được chắc chắn có 6 di tích kiến trúc vẫn còn sót lại các lò nung vật liệu kiến trúc tại chỗ là lò Cổ Loa, ở khu vực Đền Thượng, lò Hang Xanh (thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), lò Thượng Mạo (xã Phú Lương, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ), lò Đồng Cổ (Từ Liêm, Hà Nội), lò gốm Xuân Thu (Sóc Sơn, Hà Nội). Hệ thống lò gốm này có giá trị lớn trong việc nghiên cứu nghề thủ công cổ truyền và nghề gốm cổ Việt Nam.

  Qua vật liệu và trang trí kiến trúc phát hiện được ở chùa, trong đó có những di vật trang trí rồng phượng, ngói mũi hài đã cho thấy xưa kia ngôi chùa có một vị trí khá quan trọng, có thể nó được xây dựng dưới sự bảo trợ của những nhân vật có thế lực trong triều đình. Việc tìm hiểu ngôi chùa cũng gợi lên vấn đề cần nghiên cứu, đó là việc tại sao nhiều đời chúa Trịnh lại quan tâm đến các ngôi chùa trong vùng này? Vậy vấn đề đặt ngược lại là vùng đất này đã có những ảnh hưởng gì khiến cho nhiều đời chúa Trịnh và cung phi, công chúa phải quan tâm đến?

                Qua những gì còn lại có thể thấy rằng đây là một ngôi chùa cổ có giá trị, với một số di tích quan trọng, nó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng và Ban quản lý di tích chùa nên tạo điều kiện đào thám sát và khai quật một số vị trí và di tích nhằm tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, vị trí vai trò của ngôi chùa cổ trong lịch sử.               

                Cực Lạc là một ngôi chùa cổ nằm trong hệ thống chùa vùng trung du Bắc Bộ ở phía tây của kinh thành. Chùa Cực Lạc và chùa Tây Phương chắc hẳn phải có một mối quan hệ nào đó trong lịch sử và chắc chắn rằng cả hai ngôi chùa này đều được sự bảo trợ cuả các chúa Trịnh. Nhờ các phát hiện khảo cổ học mà bước đầu chúng ta đã khẳng định được các giá trị lịch sử văn hoá của nó. Công việc này cần được tiếp tục khi khu di tích này được khai quật khảo cổ học.

                Nghệ thuật trang trí trên gốm thời Mạc và Hậu Lê qua các trang trí kiến trúc và phù điêu đã được bổ sung và sưu tập nữa qua những di vật phát hiện được ở chùa Cực Lạc.

                Các lò gốm ở chùa Cực Lạc đã đóng góp thêm vào hệ thống các lò nung vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

                1. NGUYỄN XUÂN CẦN (Bảo tàng Bắc Giang) 1996. Những bức phù điêu gốm ở Nghè Hang Xanh (Bắc Giang). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 607 -609.

                2. TRẦN ANH DŨNG VÀ LẠI VĂN TỚI 2009. Báo cáo điều tra thám sát chùa Cực Lạc. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

                3. HÀ VĂN PHÙNG 1985. Khu lò nung cổ Thượng Mạo (Hà Sơn Bình). Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1984, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 194 -195.

                4. Http//www: google.com.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

       
     
 
   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Anh Dũng
Số lần đọc: 5909
Ngày đăng: 17.06.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dị dạng sự tích Hòn Bà ? - Phan Chính
50 năm ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu 11.6.1063 – 11.6.2013 - Vũ Ngọc Anh
Những loại đàn tì bà - Vương Trung Hiếu
Xã Hội Dân Sự : Đó chính là Sự Hy sinh Dũng cảm - Đoàn Thanh Liêm
Phải chăng chu thần Cao Bá Quát là Cha đẻ của phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải!? - Thái Doãn Hiểu
Dịch phẩm cho Lễ Phục Sinh - Nguyễn Hồng Nhung
Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? - Nguyễn Cung Thông
Du xuân Tà Cú - Phan Chính
HỎA LINH, SỰ THẬT VÀ THẦN THÁNH - Nguyễn Hồng Nhung
BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Làng gốm Hiển Lễ (dân tộc học)
Làng gốm Hương Canh (dân tộc học)