Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
516
115.989.512
 
Văn nghệ miền Nam qua tác phẩm "Khi Những Lưu Dân Trở Lại"
Trần Trung Sáng

 

 

       Sau 5 năm ngày nhà văn Nguyễn văn Xuân qua đời (4/7/2007-4/7/2013), đến hiên nay, nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông vẫn chưa được ấn hành đầy đủ và phổ biến rộng rãi. Trong đó, đáng lưu ý, “Khi những lưu dân trở lại” là một tập sách khảo luận độc đáo, bàn về sự phát triển của văn nghệ miền Nam, sinh thời vẫn được chính tác giả yêu thích nhất.

 

 

      “Khi Những Lưu Dân Trở Lại” do Thời Mới  ấn hành vào năm 1969, nhưng được nhà văn Nguyễn văn Xuân hoàn tất trước đó 2 năm, khi ông đang nằm trên giường bệnh. Đây là một cuốn sách khá thú vị, và được dân văn nghệ rất chú ý, bới lối văn tự nhiên giống như những buổi nói chuyện khơi khơi của nhà văn về đời sống văn học nghệ thuật miền Nam xuyên suốt những giai đoạn thắng trầm của đất nước, đặc biệt đến nay, nó vẫn còn mang đậm tính thời sự.

 

    Ngay từ cái tựa “Văn nghệ miền Nam nhìn từ miền Trung” ở chương mở đầu tập sách, tác giả đã thể hiện rõ, ông muốn trò chuyện với bạn đọc đứng từ góc nhìn nào. Theo ông, đã có một thời ông “không hề chú ý văn chương miền Nam và cứ đinh ninh là nó sẽ chẳng đi đến đâu cả”. Dù hồi nhỏ, ông vẫn theo người trong vùng, đọc cả đống truyện Tàu được dịch sang Việt ngữ  của Tín Đức Thư Xã, những tập văn vần Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn…thậm chí đến những bộ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Thời đó, dưới mắt ông, văn nghệ miền Nam có hai loại: bình dân và trí thức. Bình dân thì thì thích tụng các loại truyện bán hai ba xu, bày bán dọc đường xuống chợ Hội An. Còn trí thức, đa số  là những người “retour de France” chỉ viết bằng Pháp ngữ, tối tăm và khó hiểu. Trong khi đó, văn chương miền Bắc hình như rất ít bán. Họa hoằn nhà nào có người đi Hà Nôi đem theo về những truyện dịch như Tuyết hồng lệ sử, Vợ tôi, Vợ lẽ yêu của tôi, thơ Á Nam Trần Tuấn Khải và dăm ba cuốn tiểu thuyết nhỏ nhoi, ái tình mơ mộng… mà cả vùng quê ông, chỉ có vài gia đình mới được cái diễm phúc ấy vào khoảng năm 1930.

        Sau này, vượt qua cái tuổi ba mươi, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều những văn phẩm có quan hệ với văn học sử dân tộc, Nguyễn Văn Xuân có cái nhìn rộng rãi và xác thực hơn, ông mới bắt đầu nhận ra “miền Nam vốn có một địa vị văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc”. Cụ thể, miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ, từ báo chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch…đến phong trào xuất bản và đến nay vẫn còn dẫn đầu về sân khấu. Ông nhận định, bộ văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như các bộ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện, vì quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng văn học Việt Nam, vì từ thế kỷ 18 trở lui chính là văn học hai Miền, mà từ 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai tiền phong. Đặc biệt, sân khấu của miền Nam không thể bỏ ra ngoài văn học sử, khi nó đã vào nghệ thuật sử. Ông viết: “ Định lại giá trị văn học miền Nam, chính là trở về sự thật, chính là biết tỏ lòng yêu quý và lo lắng cho đời sống tinh thần của dân miền Nam trong hoàn cảnh hiện tại, đó là lực lượng chủ yếu của mọi thăng trầm”.

 

     Nhắc lại lịch sử cuộc Nam tiến, nhà văn Nguyễn văn Xuân cho rằng, tiền nhân miền Bắc mở rộng miền Nam, ngoài mục đích di dân, còn mục đích tìm hậu phương sâu rộng chống lại Trung Hoa. Khi mang đai bị gồng gánh lên đường, chắc hẳn những dân còn nặng lòng cố hương không quên một tâm hồn văn nghệ. Chắc thế nào họ cũng mang theo những lối hát riêng, các điệu dân ca. Cộng vào đó, lớp di cư sau mang theo các làn điệu  phường vải, hát dặm, hò vè đã làm cho sinh hoạt văn nghệ thêm đa dạng. Chính vì vậy, nhà văn Nguyễn văn Xuân nêu rõ: “ Tôi tưởng nhà văn học sử đứng đắn phải thấy từ đây bắt đầu một biến cố lớn và vĩnh viễn ảnh hưởng đến tương lai của văn học Việt nam”

 

      Với niềm tin mạnh mẽ nền văn học sẽ phát triển không ngừng, trong nhịp tiến của chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, Nguyễn Văn Xuân bắt tay vào việc nhận định vóc dáng đã và đang có của nền văn học nghệ thuật miền Nam. Ông đi  sâu phân tích từng đề  mục rất cẩn thận, tinh tế.  Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Xuân nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vượt lên trên tất cả, miền đất này (miền Nam) giống hệt Huê kỳ để hứa hẹn một đời sống sung túc và cũng do đó, sẽ tiến tới một nền văn nghệ phồn thịnh. Đó là căn bản đất đai phì nhiêu, cuộc mưu sinh thuận lợi hơn so với những miền đất khác. Sự sung túc, cây ngọt, trái hiền đã giúp cho con người dễ có lòng tin yêu chân thật, rông lượng bao dung. Với điều kiện sống phong phú hơn hết, con người lại càng đòi hỏi được giải trí hơn hết. Chính đó đã và sẽ là sức mạnh vô địch của miền Nam để dẫn đến những thành tích văn nghệ vĩ đại  về sau nữa.

 

    Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là hiện tượng điển hình được Nguyễn văn Xuân dẫn chứng trong tập khảo luận “Khi những lưu dân trở lại”. Ông viết: “ Ông Hoài Thanh có nhận xét khá đúng là từ bên kia Hải Vân ra Bắc người ta đọc Truyện Kiều. Từ bên này vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên. Nói như thế không phải là quyển này và quyển kia không ảnh hưởng tới miền kế cận. Nhưng truyện Kiều, khi qua đèo Hải Vân rồi dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên sang bên kia, có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức!”. Nguyễn văn Xuân cũng cho rằng, cái thú vị của Lục Vân Tiên chính nằm trong sự phiêu lưu như dân miền Nam đã và đang phiêu lưu. Cái hào hứng của Lục vân Tiên chính là sự tiêu diệt những tên côn đồ, những tham quan, những ác bá như miền Nam vẫn đầy rẫy. Cái sảng khoái của Lục Vân Tiên là dám phát ra lời cương trực để đè bẹp những lời tà vạy. Cái say sưa trong Lục Vân Tiên là nhân vật hiện ra mỗi người là một điển hình…

 

    Những sáng tác, ấn phẩm của miền Nam, theo Nguyễn văn Xuân, là không quá vụ về trí thức. Trong khi miền Bắc từ nền văn chương Lê Mạt trở đi, tiến sang Đông dương tạp chí, Nam phong, Tự lực… gần như chỉ vụ về hạng trung lưu trở lên, phó mặc cho hạng bình dân cho ai lo cứ việc mà lo. Còn miền Nam thì khắc hẳn. Tất cả các ấn phẩm thì đều vụ về giới trung lưu trở xuống, hạng bình dân rất được chăm sóc. Song song với sự bành trướng của văn chương báo chí miền Nam, Nguyễn văn Xuân nhấn mạnh đến một trào lưu rất rộng lớn ở vùng này: cải lương. Đồng bào miền Nam tự đào tạo những diễn viên xuất sắc, những soạn giả trứ danh và các nhà ái mộ nghệ thuật là đông đảo khán giả rất nhiệt thành. Khi ra Trung, cải lương được quần chúng đón tiếp niềm nỡ. Miền Bắc, ai cũng nghĩ là có giọng nói khác hẳn, thế nhưng lạ lùng! Hà Nội là nơi thứ hai đón tiếp cải lương nồng hậu nhất sau Sài Gòn.

 

    Tuy nhiên, sau một thời gian thành công vang dội, thì bỗng dưng cải lương ngày càng tuột dốc, vì nó chạy theo thời thế , không còn đường lối, phương thức nào nữa. Vượt lên những điểm đó, một bộ môn khác chuẩn bị ra khơi của miền Nam: kịch. Mặc dù ban đầu, loại hình nghệ thuật này của miền Nam bị ngờ vực, vì: “Kịch dành cho người Bắc, dân Hà Nội, những ai nói tiếng Hà Nội mà thôi!”. Thế nhưng, theo Nguyên văn Xuân, luận điệu ấy hoàn toàn bị đánh bại kể từ khi sân khấu miền Nam xuât hiện Kim Cương. Ông viết: “Ai có xem Kim Cương đóng kịch, đóng những vở thật đàng hoàng, có công phu xây dựng thì đều thấy rõ là cô xứng đáng cái danh hiệu diễn viên thoại kịch mà tôi chắc không mấy diễn viên nào có tài nghệ vượt cô”.

 

   Phân tích kỹ càng sự khác biệt từng vùng đất ảnh hưởng sâu sắc đến cách thể hiện của mồi tác giả trong tác phâm văn học, Nguyễn văn Xuân nêu rõ: “ sự kiện này tôi còn thấy trong nhiều tác giả sinh trưởng tại miền Bắc khi viết về những nhân vật miền Nam, trong nhiều trường hợp dù đã được viết một cách thật khéo léo vẫn lộ ra những tỳ vết”.  Để rồi, ông xác quyết: “Có lẽ bất kỳ quốc gia lớn nào hễ có kinh đô ở miền Bắc (mà phần lớn quốc gia thế giới kinh đô nằm ở miền Bắc) thì văn hóa tập trung ở đó rồi mới chuyển lần về phương Nam. Danh ngôn Tây phương có câu “ánh sáng đến từ phương Bắc”. Nhưng khi ánh sáng của phương Bắc bớt tỏ rạng và phương Nam đủ sức vùng vẫy thì nó thường tự phát sinh nền văn nghệ lớn mạnh, ảnh hưởng lại phương Bắc”.

 

Ảnh: 1/ Nhà văn Nguyễn văn Xuân  cũng những thân hữu tại Đà Nẵng

         2/ Nhiều trang ở in lần đầu của “Khi những lưu dân trở lại” vẫn được ông sửa chữa, hiệu định với hy vọng sẽ tái bản

 

         3/ Nhà văn Nguyễn văn Xuân và nhà văn Nam bộ Sơn Nam

 

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 2994
Ngày đăng: 10.07.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngệ - thuật của Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Mỹ học là gì ? - Duy Đạo
Homage to “Graffiti Art” Kính cẩn trước ngệ - thuật ngoài vòng xã-hội - Nguyễn Quỳnh USA
Nguyên Cẩn trên cung bậc hân hoan sáng tạo - Tâm Nhiên
Bàn về cái đẹp và đẹp trong Ngệ -thuật - Nguyễn Quỳnh USA
Một Thời Kỷ Niệm Những Ấn Loát PhẩmThơ-Họa-Nhạc - Trần Văn Nam
Giã từ "mưa Huế" - Trần Trung Sáng
Để nhớ Dương Đình Sang, một họa sĩ tài hoa của Huế - Đinh Cường
Con tim nhà thơ… - Khổng Ðức
ngệ-thuật của Hoàng Ngọc Biên The Art of Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)