Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
400
116.589.328
 
Tản mạn về giọt nước
Đinh Lê Na

 

 

Tây nguyên đang ở vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa mưa. Đất trời chỉ tuyền là nước.

 

Như vũng nước nhanh chóng bốc hơi dưới ánh mặt trời, chỉ độ vài tháng ngắn ngủi nữa của chu trình vận động vô tận của thời gian, Tây Nguyên sẽ lại phơi mình ra, khô cạn.  Ngay cả lúc này đây khi nước đang bủa vây khắp chốn, chúng tôi vẫn không thể nguôi nỗi ám ảnh của những ngày khô hạn khắc nghiệt nhất, những ngày phải đi tìm nước dưới lớp đất sâu hàng chục mét. Và ngược lại, trong những ngày đó, niềm hy vọng vô cùng về một mùa mưa sẽ đến, gần thôi, vẫn âm ỉ trong lòng.

 

Tây Nguyên khắc nghiệt đẩy đỉnh điểm cảm xúc con người về hai đầu như vậy đó. Bên nỗi hài lòng về cây cỏ tốt tươi là sự lo ngại của tàn phá, khó khăn và một tương lai khô hạn; bên sự thở phào vì đất đã khô ráo, đi lại dễ dàng hơn là sự lo âu thiếu nước và cả niềm hy vọng “chỉ mấy tháng nữa thôi”. Trong miền nhiệt đới, những cảm xúc này chắc hẳn không chỉ dành riêng cho người Tây Nguyên. Chỉ có điều, lớp đất bazan kém giữ nước kia dường như đã đẩy cảm giác của con người đi xa khỏi những giới hạn thông thường.

 

Sức mạnh đối nghịch mang đến cho nước tính chất hai mặt mà dân gian thông thường vẫn gọi là “nước đôi”. Tính chất được người Jrai bản địa mô tả tài tình trong kết cấu xã hội thông qua người đàn bà. Bà, cũng như nước, nắm giữ một quyền lực vô biên, thứ không chỉ có khả năng khắc chế lửa, người đàn ông, mà còn là ngọn nguồn của sự sống. Chính người đàn bà (thường lớn tuổi) chứ không ai khác sẽ là người “thổi tai” truyền “cái nhớ” (trí tuệ) cho đứa trẻ sơ sinh. Bởi bà là người nắm giữ cái nhớ giống nòi truyền đời thế hệ như mạch nước ngầm vẫn lẩn khuất đâu đó không bao giờ mất đi. Và cũng như nước, được “thuần hóa” thành bến nước cho làng, thành thủy lợi, người đàn bà khi ở trong biên giới làng giữ cho xã hội ổn định. Người đàn bà rừng và nước tự nhiên cần được giữ trong ranh giới để thành văn hóa. Chỉ cần người đàn bà đi lạc ra ngoài và nước bị mất kiểm soát, cuộc sống cân bằng tất yếu bị đổ vỡ. Duy chỉ có một điều không thay đổi, ở đâu, người đàn bà vẫn có sức mạnh quyết định, như nước, dù hiền hòa hay dữ dội, theo thời gian, cũng đủ sức bào mòn những vật cản trên đường đi của mình.  

 

Ý nghĩa tâm linh và triết học của nước ăn rất sâu vào đời sống văn hóa của con người. Chúng ta có “nước chảy đá mòn”, “giọt nước tràn ly”, có quê hương bên những dòng sông, có những nền văn minh Ai Cập bên sông Nile, Ấn độ bên sông Hằng. Và có cả Hội An, Sài Gòn bên những cảng thị. Người Ê Đê trong lễ đặt tên cho đứa trẻ, mâm lễ cúng luôn có một giọt sương, linh hồn người ở kiếp thứ 3 sau khi chết. Đứa trẻ sẽ liếm vào để chọn tên cho mình trong khi người cúng vừa khấn vừa đọc những cái tên của tổ tiên đã khuất. Theo tiếng khóc của trẻ sơ sinh và quá trình lớn lên, nước theo con người ngày ngày trong cuộc sống, vào sâu tận mỗi tế bào. Giọt nước mắt còn là một trong những cầu nối cảm xúc đưa chúng ta bước vào thế giới nhận thức và tâm tưởng ở ngay thời điểm chúng ta tự đặt câu hỏi về ý nghĩa tồn tại của bản thân.

 

Thế giới hiện đại đối diện với vấn đề nước ở cấp độ có tính thực tế hơn. Nguồn tài nguyên không thể thay thế mà bất kỳ ai cũng cần đến này đang trở thành nguyên nhân gây tranh chấp, đặc biệt là ở các quốc gia cùng nằm trong vùng khan hiếm nước. Một nguồn tài nguyên đang bị con người làm ô nhiễm sẽ có vai trò quan trọng như dầu mỏ ở thế kỷ XX, khi mà tương lai ra đời tổ chức “các nước xuất khẩu nước” không phải là không hiện hữu. Các công ty giải khát tư nhân không ngại ngần xây dựng nhà máy tại những quốc gia nghèo có nước để sản xuất sản phẩm cho người tiêu dùng ở các quốc gia giàu có hơn. Nhân tố nước có tính kết nối lại đồng thời phản ánh sự bất công và phân biệt giàu nghèo. Sự tranh chấp, tất nhiên, không dừng lại ở đó. Nguồn tài nguyên nước ngọt trong đất liền và nguồn tài nguyên biển, trong sức mạnh kinh tế lẫn địa chính trị, đang trở thành những đề tài nóng bỏng nhất trên chính trường mà vấn đề biển Đông là một ví dụ.

 

Nhưng mọi thứ đều có ranh giới để cân bằng. Con người hiện đại liệu có khả năng vẽ ra một “biên giới” vô hình lẫn hiện hữu để biết dừng lại. Hay chúng ta muốn chờ đợi một cơn đại hồng thủy để tái sinh?

 

 

 

 

Đinh Lê Na
Số lần đọc: 2103
Ngày đăng: 02.08.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thầm thì mây - gió 3. - Nguyễn Hồng Nhung
Còn có một nhà thơ, họa sĩ trong Nhất Linh - Nguyễn An Bình
Tiếu đàm về chuyện ‘nude để thiền” - Nguyễn Nguyên Phượng
Tuổi thu - Nguyễn Hồng Nhung
65 năm “Tây tiến” của Quang Dũng - Nguyễn Nguyên Phượng
Kỷ niệm nhỏ với một nhà thơ lớn - Mai Bá Ấn
Thầm thì mây – gió 2. - Nguyễn Hồng Nhung
Tùy Bút Hồi 3 Giờ Chiều 23 April 2013 - Trần Trung Tá
Tro Hoa - Đặng Hà My
Mắt gió - Đặng Hà My