Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
872
116.619.934
 
CHARLOTTE BRONTË : Đường vào huyền thoại
Đỗ Nguyễn

                 

 

Anh quốc, năm 1820, mùa đông đang trở về với những cơn gió buốt và bầu trời đầy mây xám, cành lá trơ gầy và những cánh chim vội vàng rời bỏ vùng đất lạnh để bay về phương Nam. Một chiếc xe ngựa lớn chở hành khách cùng vài chiếc xe khác nặng nề kéo theo tất cả đồ đạc cần thiết và cũng là tài sản của họ đang đi băng qua ngọn đồi vắng mênh mông để đến  Haworth. Người ta có thể biết đó là một gia đình đông con đang dọn đến khu làng này …

 

Trong xe, người phụ nữ trẻ vóc dáng gầy yếu là Maria Brontë, vợ của mục sư Patrick Brontë ngồi cạnh, cùng những đứa bé im lặng ngồi sát vào nhau với ánh mắt lo âu đầy thắc mắc; hai bé gái lớn bảy và sáu tuổi là Maria và Elisabeth, cùng Charlotte, vừa lên bốn và Emily lên hai, Anne lúc này còn là một em bé. Cạnh đó còn có một bé trai duy nhất là Branwell, ba tuổi … Từ nay, Haworth trở thành nơi chốn cư ngụ của Patrick và vợ con, trong một căn nhà rộng thường gọi là “ presbytery ” có nghĩa là nhà của cha xứ, ở ngay cạnh nhà thờ của làng. Và không xa đó là một nghĩa địa, nơi sẽ là chốn yên nghỉ của toàn thể gia đình Brontë, từ người mẹ cho đến các con sẽ đều từ bỏ cuộc đời rất sớm, trong đó có 5 trong 6 chị em, do một căn bệnh ngặt nghèo mà cho đến hơn một phần tư thế kỷ sau, Robert Koch, một bác sĩ người Đức mới nhận dạng được loài vi trùng lao ghê gớm đã giết hại rất nhiều người ở thế kỷ thứ 19 tại châu Âu …

 

Gia đình và tuổi trẻ.

 

Patrick Brontë, người cha của ba phụ nữ trẻ danh tiếng nhất nước Anh trong giới văn chương, là một linh mục đạo Tin Lành; sẽ là người duy nhất trong gia đình còn tồn tại sau khi đã lần lượt sống những nỗi đau khổ lớn nhất đời mình vì những mất mát thân nhân do tử thần lần lượt cướp đi. Ông đã sống một định mệnh tàn khốc và cam chịu cho đến cùng những mất mát,  đầu tiên phải chôn người vợ trẻ yêu quý vào năm 1821, và sẽ lần lượt chôn sáu đứa con ( Charlotte là người cuối cùng). Thời gian đó, ở nước Anh, điều kiện sống khó khăn về mọi mặt, có tới 4 trẻ con trên 10 đứa không sống được hơn 6 tuổi; gia đình Brontë không phải là một trường hợp ngoại lệ … Patrick đã nuôi các con bằng đồng lương ít ỏi nhưng cho chúng một nền giáo dục tốt, một tài sản đáng kể về tri thức sẽ là nền tảng cho sự nghiệp văn chương của ba chị em Charlotte, Emily và Anne sau này.

Cũng như các chị em, Charlotte đã sống một tuổi thơ đau buồn sau cái chết của người mẹ còn trẻ vì bệnh ung thư, lúc đó, cô bé chỉ vừa mới được 5 tuổi. Lúc này, Patrick vừa tìm được một nữ quản gia có tên là Tabby, bà có lòng thương lũ trẻ và sẽ ở với gia đình này cho đến cuối đời …  Rồi ba con gái lớn được bố gửi đến một trường nội trú ở Cowan Bridge, nhưng môi trường và điều kiện sống tệ hại đã khiến Maria và Elsabeth, chịu đựng đói lạnh một thời gian rồi nhiễm bệnh lao phổi. Maria chỉ mới 11 tuổi và Elisabeth lên 10. Cái chết của Maria là một khủng hoảng vô cùng trầm trọng đối với Charlotte vì cô bé đã xem chị như mẹ thứ hai của mình, nhất là Maria lúc còn sống đã tỏ ra rất chững chạc và cực thông minh. Điều này đã khiến Charlotte đau đớn sâu xa, bị ấn tượng mạnh mẽ nên sẽ diễn tả Maria qua nhân vật Helen trong quyển tiểu thuyết Jane Eyre sau này …

 

Sau khi về lại Haworth, Charlotte giờ đây trở thành chị lớn của ba em là Emily, Branwell và Anne … Patrick Brontë có nghĩ đến việc tục huyền để các con có người phụ nữ chăm sóc nhưng việc không thành. May mắn thay, chị ruột của mẹ những đứa trẻ là bà Elisabeth Branwell nhận lời đến ở cùng và lo cho chúng. Bà quản gia Tabby vẫn tiếp tục giúp việc. Gia đình bây giờ đã bớt đi cảnh lạnh lẽo buồn thảm. Bà Elisabeth Branwell là người dạy học vỡ lòng cho lũ trẻ cũng như dạy các cháu gái thêu thùa; bà đã hy sinh cuộc đời cho các cháu mà không hề nghĩ đến việc kết hôn … Từ nay, bốn chị em học hành chăm chỉ và cả bốn đều bắt đầu cảm thấy có ý hướng viết văn từ ảnh hưởng của tờ báo Blackwood’s Magazine mà Patrick thường xuyên đọc cho các con nghe. Cũng từ tờ báo này, mấy chị em đã khám phá và yêu chuộng thơ của Lord Byron, sau này sẽ trở thành ảnh hưởng lớn cho nguồn sáng tác của họ.  Charlotte đã có ý kiến sáng tạo và điều khiển các em làm một tờ báo với những bài viết, kịch bản, thơ … với những đồ chơi thô thiển, họ cùng tạo dựng một thế giới tưởng tượng có tên là Glass Town, một thành phố sinh động có đầy các nhân vật với từng cá tính đặc sắc. Đặc biệt là Emily và Anne rất thích đóng kịch để thủ diễn những vai trò linh hoạt thú vị, đã cùng xây dựng tác phẩm Gonda. Đây cũng là cơ hội để cả 4 chị em có thể trao đổi tư tưởng với nhau, đóng góp ý kiến, phát huy năng khiếu văn chương đồng thời cố gắng sáng tác trong tinh thần ganh đua xây dựng … Và Branwell, người con trai duy nhất của gia đình, đã tỏ ra có thêm tài hội họa, Branwell đã vẽ những bức chân dung của mấy chị em, sẽ là những tác phẩm quý giá còn lại mà chồng của Charlotte là Arthur Bell Nicholls đã trân trọng lưu giữ cho đến sau này. Branwell được cha giảng dạy cho chương trình học có giá trị tương ứng với ở đại học Oxford và cũng trở thành gia sư cho nam học sinh, rồi chàng sáng tác chung một số tác phẩm văn chương với Charlotte liên hệ từ những thế giới tưởng tượng như Glass Town và Angria mà mấy chị em cùng sáng tạo. Trí tưởng tượng phong phú của họ được nuôi dưỡng bằng niềm đam mê chính trị, xã hội và văn chương sẽ tạo ảnh hưởng rất nhiều đến những sáng tác của họ sau này…

 

Thấm thoát, 4 chị em sắp vào tuổi trưởng thành, Charlotte sẽ được cha gửi đến một trường học rất tốt của Miss Wooler để trau dồi học vấn vào năm 1831, cũng tại đây, Charlotte sẽ gặp hai người bạn gái tốt cùng có nhiều sở thích và khuynh hướng sống, họ trở thành bạn rất thân thiết chân thành mãi mãi với nàng. Đó là Ellen Nussey và Mary Taylor. Trong suốt cuộc đời, Charlotte sẽ viết cho Ellen đến hơn 500 lá thư để trao đổi và tâm sự…  Thời gian này, Charlotte được vui sống với các bạn. Sau khoá học, Miss Wooler đề nghị Charlotte giúp trường với tính cách cô giáo rồi sau đó trở thành gia sư, dạy dỗ trẻ con cho những gia đình giàu có; rồi cả Emily và Anne cũng phải theo con đường này. Đây là một công việc mà thời đó, nhiều phụ nữ trẻ có trình độ nhưng gia đình không được giàu có phải chấp nhận để có điều kiện sống. Công việc này tưởng đơn giản là dạy học nhưng sự thể không dễ dàng như thế vì người nữ gia sư thường phải ở ngay trong nhà của chủ, có những đứa trẻ con nhà giàu rất khó điều khiển do tính khí kênh kiệu. Tình hình chung, bà chủ ít có thiện cảm với những nữ gia sư nếu ông chủ tỏ ra tử tế với họ. Nếu người nữ gia sư xinh đẹp, nàng sẽ bị bà chủ ghét ra mặt; nếu nàng không có nhan sắc, ngay cả bọn trẻ cũng biết tỏ thái độ khác thường nào đó … Đối với chị em Brontë, những người phụ nữ trẻ có tri thức, yêu thích tự do và có đầy tinh thần độc lập để sáng tạo thì đấy là một công việc vô cùng nhàm chán và khó thở nhưng họ phải chấp nhận vì ở thế kỷ thứ 19, nếu không lập gia đình và ở nhà lo cho con cái, người phụ nữ của giai cấp này gần như không có lựa chọn nào khác vì họ không thể làm việc của công nhân hay ở ngoài đồng áng … Charlotte có nhiều cố gắng để tập kiên nhẫn cho nghề mặc cho cá tính sôi nổi đam mê cảm thấy viết văn là một điều cần thiết nhất, và nàng không thể làm gì khác hơn là cố gắng. Emily, vốn thích cô độc và tâm hồn dù mãnh liệt nhưng luôn xa cách thế giới bên ngoài, chán ghét giao tiếp, đã phải làm việc này một cách hoàn toàn bắt buộc và chịu đựng một cách khó khăn. Chỉ ba tháng sau, Emily bỏ công việc trở về Haworth và Anne sẽ thay thế chị, cô em gái út với bản tính nhu mì hiền hậu, chấp nhận nghề nghiệp dễ dàng hơn và nàng trở thành nữ gia sư lúc chỉ hơn 18 tuổi.

 

Rồi Charlotte bắt đầu liên hệ với những văn sĩ nổi tiếng thời đó để tìm hướng đi về văn chương nhưng không có được sự khuyến khích và giúp đỡ nào. Thi sĩ Robert Shoutley đã viết cho nàng một lá thư với lời khuyên thẳng thắn rằng : “ Cô chỉ là một phụ nữ, và địa hạt văn chương không có chỗ cho phụ nữ. Người phụ nữ tốt chỉ nên rèn luyện để trở thành vợ và mẹ đồng thời hãy xem việc viết lách như để trang điểm cho đời sống mà thôi .” … Tuy thế, Charlotte không nản lòng và vẫn tiếp tục viết. Một thời gian sau, có một vị mục sư trẻ tên là William Weightman, đến Haworth vào năm 1839 để làm việc với Patrick Brontë. William rất đẹp trai và tính tình cởi mở, sinh động; thường xuyên tới thăm ba chị em Brontë uống trà nói chuyện và cả ba tỏ ra có cảm tình với chàng, nhưng William để ý Emily và sẽ gửi cho nàng một tấm thiệp vào dịp lễ tình nhân. Họ trở thành bạn và có những cuộc gặp gỡ chuyện trò vui vẻ … Khoảng thời gian này, Charlotte đã từ chối lời cầu hôn của Henry Nussey là anh của Ellen và cả lời cầu hôn của một bạn trai khác.

 

Tình yêu và con đường trước mặt.

 

Sau nhiều năm làm việc mà không nhìn thấy tương lai, Charlotte bàn với các em về việc mở một trường học ngay tại nhà vì cho đến bây giờ, dân làng chỉ được dạy học, học giáo lý ngày chủ nhật do chính cha nàng và sự giúp đỡ của chị em nàng … Bà dì Elisabeth đã có lòng tốt tài trợ cho Charlotte và Emily sang Bruxelles (nước Bỉ) năm 1842 để học tập thêm ở một trường tốt do vợ chồng Contanstin Heger làm chủ; cả hai được sống trong niềm vui ở một môi trường mới. Họ học tiếng Pháp, tiếng Đức và Emily có dịp luyện thêm nhiều về âm nhạc, đã thật sự chơi dương cầm rất giỏi với năng khiếu đặc biệt. Vợ chồng Heger đề nghị bớt học phí cho hai chị em Brontë nếu hai nàng giúp họ dạy thêm vài giờ tiếng Anh mỗi ngày cho học trò của trường. Mọi việc diễn biến tốt đẹp dù Emily vẫn không thích dạy học, nhưng Charlotte cố gắng tận tâm với nghề dù không thể dễ dãi với những cô học trò ngỗ nghịch, bà Heger ghi nhận và đánh giá cao cá tính mạnh mẽ của nàng …  Contanstin Heger là một giáo sư giỏi, một người đàn ông thông thái, chỉ hơn Charlotte 7 tuổi, bắt đầu tỏ ra có cảm tình nhiều với Charlotte … Nhưng họ nhận được tin William Weightman chết bất ngờ vì bệnh vào tuổi 26, rồi tiếp ngay đó là cái chết đột ngột của dì Elisabeth đã khiến hai chị em phải thu xếp để trở về Haworth và Emily quyết định từ nay sẽ là người chăm sóc nhà cửa, lo việc làm bánh mì, dọn dẹp, nấu ăn đồng thời giành thì giờ còn lại cho việc sáng tác. Ngoài ra, Emily không thích gì hơn là dắt chú chó đi dạo ngoài cánh đồng hoang, hay lang thang trên ngọn đồi hoa thạch thảo; thế giới của nàng là sự yên tĩnh và cô đơn, nàng rất ghét xã hội, tiếng động và luôn tìm cách xa lánh đám đông … Mối liên hệ của mấy chị em với chàng William Weightman cũng có thể là nguồn cảm xúc để họ viết tiểu thuyết sau này …

 

Ngày qua ngày, Charlotte không tìm thấy niềm vui trong cảnh sống này như em gái, vùng đất hoang ở Haworth thật không có gì quyến rũ so với cuộc sống phong phú của giai cấp trí thức văn sĩ ở những thành phố lớn với nhiều sinh hoạt và biến động. Nàng miên man nghĩ đến Bruxelles, tiếp tục miệt mài trau giồi tiếng Pháp và thầm mong mỏi sẽ được trở về đó. Ông chủ trường Heger đã không giấu được niềm ái mộ đối với người phụ nữ trẻ thông minh sâu sắc và đầy cá tính này; ông đã đề nghị khéo léo với bà Heger để mời Charlotte trở lại tiếp tục dạy môn tiếng Anh cho trường học. Bà Heger, một phụ nữ học thức, tế nhị và khôn ngoan đã vui vẻ chấp nhận ý kiến của chồng … Charlotte vui mừng khi nhận được lá thư mời được gửỉ đến từ Bỉ, không chần chờ lâu, nàng lại từ giã cha và các em lên đường, lần này, trong một nguồn hy vọng tràn đầy trái tim đã rung động bởi hình ảnh Constantin Heger.

 

Công việc dạy tiếng Anh của Charlotte tại trường này vẫn tốt đẹp, nhưng bà Heger đã đoán biết tình cảm của chồng dành cho cô giáo; mặc dù Constantin cố gắng không để lộ một thái độ nhỏ nào đáng nghi ngờ, và Charlotte, ở vị thế của mình, vẫn âm thầm chôn kín tình yêu trong đáy trái tim. Tình trạng này chỉ kéo dài trong nỗi buồn của Charlotte vì họ không thấy được ngõ thoát, nàng viết thư cho bạn là Ellen để hé lộ tâm sự về mối tình vô vọng của mình. Bà Heger lúc này đang mang thai đứa con thứ năm, nghi ngờ mối liên hệ giữa chồng mình và cô giáo Anh văn bắt đầu trở thành một đe dọa thật sự nên đã dàn xếp một cách khôn khéo để họ càng ít gặp mặt nhau càng tốt. Lúc Constantin phải sang London để nghỉ dưỡng một thời gian, Charlotte đã quyết định từ chức để trở về Haworth và viết thư cho ông, nàng thẳng thắn thổ lộ tình yêu của mình nhưng chỉ sau vài lá thư trao đổi và vài lần quà gửi của Constantin là những quyển sách, ông đã lấy quyết định ngừng liên lạc. Ông đã xé hết bốn lá thư dài của Charlotte nhưng sau đó bà vợ nhặt lại tất cả và ghép lại từng mẩu để đọc. Những lá thư này sẽ được con cái họ giữ kỹ nhưng rồi sau khi cha mẹ chết hết, họ sẽ tặng lại cho viện bảo tàng Anh quốc ( British Museum ) vào năm 1913, ( nghĩa là 58 năm sau khi Charlotte qua đời ) … Charlotte không còn tin tức của vị giáo sư mà nàng đặt trọn khối tình sâu kín, giờ đây rơi vào trạng thái tuyệt vọng và sẽ phải có nhiều thời gian để nguôi khuây sau đó … Nàng phải về với thực tế, đương đầu với hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn, nàng đã không quên dự định mở trường học có một số phòng nội trú tại gia cho học sinh nhưng trở ngại lớn nhất là vị trí của nơi chốn vắng vẻ của gia đình cư ngụ thật bất tiện cho sự đi lại : căn nhà của cha xứ tuy rộng nhưng rất xa phố xá, ở giữa cánh đồng và khu đất hoang, cạnh một nghĩa địa hoang vu …

 

Thêm một năm trôi qua, không có thay đổi nào đáng kể trong cuộc sống hết sức trầm lặng ở Haworth. Chúng ta đang ở mùa thu năm 1845 và một hôm, Charlotte đã chợt khám phá tài nghệ thi sĩ của Emily, những bài thơ mà Emily làm thật xuất sắc nhưng nàng không muốn nghe lời chị để xúc tiến việc xuất bản. Charlotte phải nói hết lời và lập chương trình,vạch kế hoạch cho cả chính mình cũng như Anne, lúc này cũng sáng tác được khá nhiều thơ. Ba chị em bàn tán trong tinh thần lạc quan và đi đến quyết định xuất bản nhưng sẽ lấy bút danh của đàn ông. Vào thời điểm nửa đầu thế kỷ 19, những phụ nữ viết văn còn bị khinh rẻ, văn chương của họ chưa được xã hội chấp nhận như của nam giới. Ba chị em đã đồng ý lấy bút danh là Currer Bell ( tức là Charlotte ), Ellis Bell ( Emilly) và Acton Bell (Anne); tên Bell chính là tên của một vị mục sư trẻ vừa đến nhậm chức làm việc tại nhà thờ với Patrick Brontë, Arthur Bell Nicholls, người bắt đầu có cảm tình với Charlotte … Ba chị em gom góp được một số bài thơ  và xuất bản được một tập thơ năm 1846 chung của ba tác giả nhưng con số bán chưa được phấn khởi lắm … Họ quyết định xoay sang văn xuôi, bắt đầu hăng say sáng tác và linh cảm con đường họ đang đi đã có ánh sáng mặt trời. Trong lúc này, Branwell, đã không mấy thành công trong ngành hội họa, thêm nỗi tuyệt vọng vì yêu một phụ nữ đã có gia đình, bỏ bê công việc, đã bắt đầu nghiện rượu và trở về sống với cha và chị em ở Haworth. Nhiều lần, Emily phải đi ra quán rượu ở làng để tìm anh trai mình, dắt anh về nhà trong tình trạng say khướt … Nàng trở thành chỗ nương dựa tinh thần cho Branwell hơn bất cứ ai trong gia đình. Đời sống cả nhà càng khó khăn hơn lúc cha họ bị đau mắt nặng đến gần như lòa và Branwell dần rơi vào tình trạng trầm cảm rồi nhiễm thêm bệnh phổi.

 

Năm 1847, với số tiền của dì Elisabeth để lại, họ đã in được những tác phẩm văn xuôi : ba quyển tiểu thuyết ra đời, quyển “ Wuthering Heights ” (Đỉnh Gió Hú ) của Emily nói về lòng thù hận và tình yêu đam mê bất diệt của một nhân vật nam vốn là một đứa trẻ vô gia cư, câu chuyện có gây choáng sốc cho giới phê bình bởi những tư tưởng táo bạo gần như thiếu đạo đức đối với thời bấy giờ ( nước Anh đang sống dưới quyền trị vì khắc nghiệt của nữ hoàng Victoria); và “Agnès Grey ”của Anne tả cuộc sống của một nữ gia sư; đây là hai tác phẩm thành công lớn, nhất là “ Wuthering Heights ”. Nhưng quyển “ The Professor ” của Charlotte (nàng đã viết quyển này dựa vào những cảm xúc về những ngày sống ở Bruxelles và nhân vật chính trong truyện là hình ảnh của Constantin), tác phẩm này lại không được hoan nghênh, và Charlotte đã viết ngay trong năm 1847 quyển “ Jane Eyre ” nói về cuộc đời và tình yêu của một cô gái độc lập, chỉ tuân theo ý hướng và tình yêu tuyệt đối của chính mình, kết thúc sẽ là một cuộc hôn nhân sau bao khó khăn trở ngại. Tác phẩm mang tính nữ quyền này sẽ nổi tiếng nhất và con đường sự nghiệp của Charlotte thật sự rỡ ràng từ đây. Giới phê bình không tiếc lời khen ngợi mặc dù cũng có những ý kiến đả phá về mặt tư tưởng của tác phẩm. Tháng 7 năm 1848, nàng quyết định ra mặt và để quần chúng biết tác giả Currer Bell của “ Jane Eyre ” là một phụ nữ trong lúc Emily phản đối điều này. Charlotte và Anne lên đường đi London theo lời mời của George Smith, người đàn ông trẻ là chủ của nhà xuất bản đã lo liệu cho việc in sách của họ. Hai chị em được George tiếp đón nồng hậu tại nhà riêng …

 

Thảm kịch.

 

Trong lúc đó, ở Haworth, bệnh lao phổi của Branwell sa vào tình trạng trầm trọng một cách nhanh chóng. Những ngày sau này cũng là giai đoạn tinh thần chàng hoàn toàn kiệt quệ vì tuyệt vọng, chàng qua đời lúc 31 tuổi ( tháng 9 năm 1848). Sau khi chôn cất Branwell, sức khỏe của Emily cũng suy yếu tệ hại nhưng nàng cương quyết từ chối không muốn chữa trị khi biết mình cũng có bệnh lao mà nàng đã nhiễm có thể từ những ngày bắt đầu săn sóc Branwell. Charlotte nhận dạng căn bệnh này ngay khi Emily có những triệu chứng đầu tiên, nhưng Emily nổi giận mỗi lần nghe nói đến bác sĩ thuốc men; nàng vốn cô độc, gan lì và không thích người khác lo lắng cho mình, đã có lần bị chó cắn vào tay, nàng đã tự lấy dùi sắt nung đỏ trong lửa để dí vào vết thương mà không hề nói cho ai biết … Còn Patrick, người cha già cảm thấy bất lực trước sự bất hạnh lớn lao của gia đình, chỉ còn biết cầu nguyện. Mùa đông lại trở về, Haworth ngập trong bầu không khí ảm đạm và tình trạng của Emily càng lúc càng vô vọng. Ngày 29 tháng 12 năm 1848, Emily đã chết trong nỗi đau đớn kinh hoàng của cha nàng và chị em. Đám tang của nàng được cử hành giữa cơn gió bão mùa đông buốt lạnh, bầu trời xám chùng thấp nỗi tuyệt vọng không lối thoát, nhưng Charlotte không thể cho phép mình quỵ ngã, nàng đi cạnh cha, dìu theo Anne lúc này như không còn sức lực, bấu chặt vào cánh tay chị để bước đi, trong chuyến đưa tiễn Emily yêu quý về với mẹ và các chị cùng Branwell, đều được chôn cạnh nhau trong nghĩa địa gần nhà … Sau đó, Charlotte viết cho bạn gái Ellen Nussey : “ Chị biết không, Emily là điều quý giá nhất trong cõi đời này mà em có thể có được và đã mất vĩnh viễn. ”

 

Những ngày sau đó, dù tinh thần khủng hoảng tột độ, Charlotte gắng gượng đứng vững, dành thời giờ chăm sóc Anne đã rất yếu và có hẳn triệu chứng bệnh lao như anh chị mình. Nhưng khác với Emily, Anne chấp nhận chữa trị, nàng viết cho Ellen Nussey mong sự giúp đỡ, tỏ ý muốn đi ra biển để nghỉ ngơi theo lời khuyên của bác sĩ. Charlotte và Ellen đưa Anne đến Scarborough ngày 13 tháng 5 năm 1849, Anne có sức để đi viếng nhà thờ và ra bãi, nhưng vài ngày sau, nàng cảm thấy rất mệt và muốn quay về Haworth để gặp cha; bác sĩ khẳng định trước mặt nàng rằng nàng sẽ không qua khỏi. Anne làm bài thơ cuối cùng lúc hấp hối và thì thào vào tai Charlotte : “ Chị hãy can đảm! ”. Buổi chiều hôm sau, ngày, 18 tháng 5 năm 1849, nàng đã chết trong tay chị và được chôn ở nghĩa địa Saint Mary ở Scarborough, hướng về mặt biển …

 

Trở về Haworth, Charlotte bây giờ hoàn toàn mất tất cả các chị em, căn nhà hoang lạnh thiếu vắng bóng dáng những người em thân yêu, nàng chỉ còn người cha già đau yếu trông cậy vào nàng. Trong hoàn cảnh đau khổ tận cùng đó, dù tinh thần suy sụp nàng phải chăm sóc cha và cố gắng viết nốt quyển tiểu thuyết thứ ba nhan đề là “ Shirley ”. Nhưng tác phẩm này được viết trong thời gian đầy khó khăn của Charlotte đã không gặt hái được thành công tốt đẹp như “ Jane Eyre .” George Smith vẫn liên lạc và khuyến khích Charlotte đi du lịch, nàng quyết định lên đường đến London rồi sẽ đi Edimbourg với George và gia đình anh … Tại London, dù rất nhút nhát, nhờ George Smith giới thiệu, Charlotte đã có cơ hội quen biết rồi có liên lạc tốt sau đó với những văn thi sĩ lớn như Thackeray, William Wordsworth, Elisabeth Barrett Browning, George Henry Lewes, George Eliot, Charles Dickens, Elisabeth Gaskell và cả Harriet Martineau … Charlotte ghé chơi nhà Elisabeth Gaskell lúc này cũng là một nữ văn sĩ học thức và nổi tiếng. Cả hai bắt đầu cảm phục và mến mộ cá tính cũng như tài nghệ của nhau. Gaskell khám phá được cá tính của Charlotte  “ nhút nhát một cách khủng khiếp nhưng vô cùng mãnh liệt và sự chân thành ngay thẳng của nàng khiến người đối diện phải cảm thấy tôn trọng sâu xa .”  Gaskell cũng biết Charlotte có cảm tình rất nhiều với George Smith, người đã rất tốt và chu đáo trong việc in sách và giúp đỡ nàng trong việc  giao thiệp với giới văn sĩ. Charlotte có ý chờ đợi George ngỏ lời tiến xa hơn nhưng chàng trai có vẻ muốn dừng ở tình bạn … Thời gian này, con đường tiến thân của Charlotte như được mở rộng thêm với những đổi mới trong đời sống. Vẫn nuôi hy vọng về George, nàng trở về Haworth trong tĩnh lặng, suy nghĩ một thời gian và quyết định đặt bút viết quyển tiểu thuyết thứ tư sẽ có tựa đề là “ Vilette ”.

“ Vilette ” được xuất bản sau gần 3 năm Charlotte ngừng viết đã gây một tiếng vang rất lớn trên văn đàn Anh quốc và cả châu Âu, tất cả các nhà văn quan trọng đương thời đều bàn luận về tư tưởng và lối hành văn của tác phẩm. Charlotte đã viết cho họ và yêu cầu hãy phê bình thẳng thắn. Văn hào người Đức, Goethe đã có ý kiến như sau : “ Trong đời sống này, có rất ít quyển sách giá trị nhưng có quá nhiều sự in ấn, có rất ít người nghĩ và nói bởi chính mình. Trong số những tác phẩm hiếm hoi đó, có “ Vilette ”. Chúng ta có thể đọc những tư tưởng và những tình cảm rất thật của một tâm hồn vững mạnh nhưng đau khổ. Chúng ta nghe thấy tiếng kêu đau đớn của một người đã yêu một cách đắm say và đã sống những sầu muộn tàn nhẫn. Không thể xác định nổi tính cách của tác phẩm. “ Vilette ”! Thật là một tiểu thuyết kỳ lạ của sức mạnh và đam mê …”.  Charlotte đã đón nhận mọi phê bình trong tinh thần phấn khởi, ngay cả từ Harriet Martineau không đồng ý về một số điều mà nàng viết trong tiểu thuyết. Patrick sung sướng và hãnh diện khi biết con gái đang bước trên con đường đầy ánh sáng.

 

Hôn nhân và những ngày cuối cùng.

 

Năm 1853, Charlotte và cha đã được trải qua một mùa đông với tính cách lạc quan hơn rất nhiều từ lúc những thảm kịch gia đình xảy ra. Họ cảm thấy cái lạnh như bớt gắt gao và cảnh sống bớt u tịch tại Haworth … Cùng lúc này, người mục sư phụ tá của Patrick là Arthur Bell Nicholls, sinh năm 1819 tại Killead, Ái Nhĩ Lan, cho đến nay đã làm việc tại nhà thờ nơi đây được 7 năm đã luôn có cảm tình với Charlotte, bây giờ quyết định đánh bạo mở lời xin Patrick được cưới nàng, nhưng ông bố vốn đặt trọn niềm tin vào cô con gái duy nhất còn sống cạnh mình, đã rất bất mãn và từ chối ngay một cách quyết liệt. Ông sẽ không thể tha thứ cho bất cứ người đàn ông nào dám có tư tưởng muốn cướp lấy con gái  từ tay mình, ông không tưởng tượng nổi có một ngày nào đứa con duy nhất còn lại có thể rời bỏ ông. Nhưng phần Charlotte, dù cũng tỏ ý không bằng lòng, nàng vẫn băn khoăn nhiều về lời cầu hôn của người đàn ông khá thân và biết rõ về hoàn cảnh của mình. Nàng đã luôn nể trọng Arthur nhưng chưa hề rung động; lúc này, nàng còn có ý đợi George Smith lên tiếng nhưng nàng biết Arthur là một người đàn ông rất tốt, nhiệt thành, mực thước, khá nguyên tắc nhưng không có tâm hồn thi sĩ nên có thể khó thích hợp với cá tính đam mê mãnh liệt của nàng. Bố nàng là một người cha rất thương con nhưng quá khe khắt, từ lúc những đứa con lần lượt ra đi vĩnh viễn, ông càng trở thành khó khăn, ngoài việc làm tại nhà thờ, suốt ngày ông ở trong thư phòng ngồi im như tượng đá và hai cha con càng ít trò chuyện cùng nhau. Charlotte không còn những tháng ngày vui sống cùng các em, nàng cũng trở nên một chiếc bóng lặng lẽ với những sinh hoạt của riêng mình trong cô đơn hoàn toàn. Nàng viết thư cho Ellen bày tỏ tâm sự : “ Em không phải là một người đàn bà đặc sắc, và chắc em sẽ không bao giờ được thế, nhưng em là một người đàn bà cô đơn, và chắc chắn em sẽ mãi là một người đàn bà cô đơn …”. Nhưng Ellen không nồng nhiệt hưởng ứng và đồng ý với Patrick rằng Arthur không thật sự xứng đáng với Charlotte. Arthur thất vọng, bỏ ăn uống nằm nhà và đưa đơn xin nghỉ việc. Patrick tìm cách gây chuyện đòi hỏi chàng phải viết giấy khẳng định hứa không liên hệ với Charlotte nữa thì ông mới chấp nhận đơn từ chức và để chàng rời khỏi Haworth. Arthur đến nhà từ giã, khóc lóc vì tuyệt vọng … Điều này đã làm Charlotte ray rứt và cảm thấy một tình cảm lạ cho Arthur bắt đầu nẩy sinh trong tim mình … Nàng không còn trẻ và cuộc sống hiu quạnh của hai cha con đã quá nặng nề buồn bã. “ Từ chối lời cầu hôn của một người đàn ông tốt có khác gì bỏ lỡ cơ hội để thay đổi cuộc đời? Charlotte sẽ hối tiếc!… ”. Đó là điều bạn gái Mary Taylor viết cho Ellen để bênh vực Arthur  lúc chàng lên đường đi nhậm chức ở Kirk Smeaton. Mary Taylor, một phụ nữ độc lập phóng khoáng, ham thích du lịch, nhà văn tranh đấu cho nữ quyền, đã trách Charlotte luôn quá hy sinh cho gia đình, nhất là quá lo nhiều cho ông bố già ích kỷ … Những ngày sau, vị mục sư thay thế Arthur không được Patrick đánh giá cao và họ rất khó chịu với nhau khi làm việc chung, Patrick đã quen và luôn thích cách làm việc của Arthur. Trong lúc đó, Charlotte hiểu rằng Arthur bỏ đi chỉ là một cách rút lui tạm thời với sự thận trọng và chàng yêu thật sự nên cương quyết tìm mọi cách để lấy nàng cho bằng được. Chàng viết cho Charlotte 5 lá thư mà không có hồi âm, nàng chỉ trả lời khi nhận được lá thư thứ 6. Arthur vui mừng tiếp tục liên lạc bằng thư từ với Charlotte và trở lại Haworth thăm nàng một cách lén lút sau đó. Charlotte đi London gặp George Smith lo cho việc in sách rồi trở về Haworth, yêu cầu Ellen đến ở nhà mình hai tuần để chuyện trò tâm sự, Miss Elisabeth Gaskell cũng tới thăm nàng. Nàng đã có thời giờ suy nghĩ chín chắn và cuối cùng quyết định nhận lời lấy Arthur trong lúc Patrick vẫn còn tỏ thái độ không đồng ý. Nhưng rồi rốt cuộc Patrick đã suy nghĩ lại, nhìn thấy điều phải làm và chấp nhận cho con gái thay đổi cuộc sống, ông viết cho Arthur để khẳng định. Charlotte hứa với cha sẽ không bao giờ rời bỏ ông, nàng vẫn muốn có trách nhiệm chăm sóc cha dù có gia đình riêng. Rồi họ bàn tán để định ngày cưới … Charlotte viết cho Ellen rằng : “ Em đã đính hôn. Vị hôn phu của em là một người chân thật, nhiều tình cảm, có lương tâm và hiểu biết; em hy vọng rồi sự nể trọng của em đối với anh ấy sẽ biến thành tình yêu. Những tính tốt mà anh ấy có là đáng quý, em sẽ thấy mình chỉ là người tự phụ và vô ơn nếu em cứ ngoan cố cho rằng tài năng và tư tưởng của anh ấy không thích hợp với em …”.  George Smith cũng vừa báo tin cho Charlotte biết chàng sẽ lấy vợ cùng thời gian.

 

Rồi Charlotte đi chào những bạn bè để lo cho lễ cưới sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 năm 1854, cùng lúc phải sắm sửa mọi thứ cần thiết, Arthur đến ở nhà để chuẩn bị. Nàng quyết định mời Ellen làm phù dâu, Miss Wooler, cô giáo cũ của nàng cũng có mặt. Nhưng đến ngày cưới, Patrick bỗng giở chứng thay đổi ý kiến, không muốn dắt tay con gái đến bàn thờ lúc hôn lễ cử hành và Miss Wooler đã vui vẻ nhận đảm trách việc này. Đám cưới diễn ra rất đơn giản và thân mật … Ba ngày sau, đôi vợ chồng mới cưới lên đường về Dublin, Ái Nhĩ Lan, để ra mắt gia đình Arthur và sẽ hưởng tuần trăng mật ở đó. Charlotte cảm thấy mỏi mệt yếu sức nhưng vui sướng vì gia đình Arthur tiếp đón nàng một cách thân tình và trang trọng. Charlotte bắt đầu ho nhưng lại phục hồi nhanh chóng nhờ sự chăm sóc của những phụ nữ họ hàng bên chồng. Đôi vợ chồng trải qua một tháng ở Ái Nhĩ Lan rất hạnh phúc, họ đi thăm viếng những cảnh đẹp của vùng và có ghé Banagher, nơi sau này Arthur sẽ về cư ngụ cho đến cuối đời. Charlotte khám phá những tiểu thuyết nàng viết được quần chúng nơi đây hâm mộ. Rồi nàng cảm thấy nóng lòng khi nghĩ đến cha già nên vội giục giã Arthur trở về Haworth.

 

Lúc về lại nhà, đôi vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới và đối với Charlotte, đó là một thay đổi hoàn toàn. Trước đây, giờ giấc sinh hoạt một ngày của nàng trong hoàn toàn tĩnh lặng và đơn điệu; những buổi sáng một mình đọc sách sau bữa điểm tâm, bữa trưa ăn cùng ông bố, cuộc đi dạo quanh khu nhà ở, buổi chiều lặng lẽ một mình viết lách cho đến nửa khuya … Từ bây giờ, nàng vô cùng bận rộn trong vai trò của người vợ yêu chồng và chu đáo bổn phận. Ngoài sinh hoạt của đời sống gia đình, nàng còn phải giúp Arthur chăm lo công việc của nhà thờ. Nàng viết cho Ellen trong tâm trạng nuối tiếc thời giờ trước đây dành riêng cho việc sáng tác, nhưng đồng thời không giấu được niềm hãnh diện : “ Em quá bận rộn nhưng em được thật sự hít thở một không khí mới và ấm áp, chồng em rất tốt, cuộc sống hôn nhân là một điều quan trọng và kỳ lạ nhưng cũng có những nguy hiểm nào đó …”  Rồi tình cảm của hai vợ chồng gắn bó thật nhanh chóng, những ngày sau đó họ thật sự hạnh phúc. Nhưng Ellen vốn ghét Arthur, cho rằng Charlotte đã không tiếp tục sáng tác được vì cách sống khắt khe của anh chồng, chàng kiểm soát gắt gao thư từ mà Charlotte tiếp tục viết cho Ellen và yêu cầu Ellen phải hủy những lá thư nhận được từ vợ mình vì điều này là một đe dọa khi họ sống dưới triều đại nữ hoàng Victoria. “ Những phụ nữ không bao giờ suy nghĩ khi đặt bút viết. ”. Đó là ý kiến của chàng …  Dù Charlotte có bắt đầu viết một tiểu thuyết khác trong thời gian này với tựa đề là  “ Emma ” nhưng theo ý Arthur, tác phẩm này sẽ không mới lạ vì cốt truyện chẳng khác gì những quyển đã in. Đồng thời, Arthur chưa bao giờ hưởng ứng công việc văn chương của vợ, điều không có ích lợi gì cho cuộc sống hôn nhân, có nói với Ellen rằng : “ Tôi cưới Charlotte Brontë, một phụ nữ, chứ tôi không hề cưới nhà văn Currer Bell .”.

 

Mùa đông năm đó, Charlotte cảm thấy yếu sức dần đi đồng thời có những triệu chứng của thai nghén. Nàng lại viết cho Ellen để nói về tình trạng của mình nhưng chưa vội khẳng định. Lúc nàng quá mệt và phải nằm suốt ngày trong phòng thì người vú già Tabby giờ đây đã 84 tuổi cũng ngã bệnh và qua đời vào giữa tháng 2 năm 1855. Charlotte không thể gượng dậy để đưa đám bà. Rồi qua mùa đông, bệnh tình của nàng trở nặng nhanh chóng, những cơn sốt và nôn mửa rất trầm trọng; các bác sĩ khám nghiệm cho biết nàng không đủ sức để mang thai, về thể xác lẫn tinh thần; một bác sĩ tâm lý khẳng định đó là căn bệnh do tinh thần người phụ nữ chống chọi kịch liệt với tư tưởng phải có con hay không. Patrick có thể giải thích bây giờ rằng ông đã luôn biết chắc con gái mình không đủ sức để sống cuộc sống hôn nhân … Có một đôi ngày, nàng tưởng như khoẻ lại và cảm thấy muốn ăn uống; nhưng điều này chỉ như một ánh nắng kỳ lạ bừng lên giữa mùa đông, nàng lại thấy kiệt sức và nằm liệt sau đó … Những ngày cuối cùng, Charlotte nói với Arthur đã luôn túc trực bên giường : “ Em không thể chết được, phải không? Vì em không muốn chết. ”.  Trước mắt nàng giờ đây là hình ảnh những ngày thơ ấu còn mẹ, cùng các chị em vui đùa trên đồi vắng, rồi những ngày lớn lên thiếu mẹ, mất chị Maria và Elisabeth, biết bao kỷ niệm cùng các em Branwell, Emily và Anne, từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành … Mùa đông đi qua khung cửa lặng lẽ, Charlotte không thể vượt qua cơn bạo bệnh, nàng đã qua đời trong vòng tay yêu thương của chồng ngày 31 tháng 3 năm 1855, chỉ khoảng chín tháng ngắn ngủi sau đám cưới, trong nỗi bàng hoàng của cả nước Anh.

 

Sau tang lễ của Charlotte, Arthur quyết định ở lại Haworth tiếp tục làm việc và chăm sóc Patrick Brontë đã rất già yếu. Cái chết của người nữ văn sĩ danh tiếng là một khủng hoảng lớn cho nền văn học Anh quốc.  Elisabeth Gaskell đã là người viết quyển đầu tiên về cuộc đời Charlotte theo lời yêu cầu của Patrick. Căn nhà của gia đình Brontë giờ đây trở thành một điểm tham quan văn học có nhiều khách thăm viếng nhất nước Anh, chỉ sau nơi sinh trưởng của Shakespeare. Khách tham quan đến từ khắp châu Âu và những nước xa xôi … Patrick sẽ từ giã cuộc đời sáu năm sau, Arthur thu xếp trở về Ái nhĩ Lan sau đó rồi cưới một người em gái họ vào năm 1864, quyết định ở Banagher, một nơi đã đến cùng Charlotte vào dịp tuần trăng mật, họ sẽ sống trong một căn nhà mang tên là Hill House rồi đổi thành Charlotte’s Way, chàng sẽ còn giữ kỹ những gì mang theo từ Haworth cho đến lúc chết, vào năm 1906, lúc 88 tuổi,  trong đó có một bức chân dung rất cũ của chị em Brontë được họa bởi chính Branwell ngày xưa.

 

Charlotte Brontë đã viết những tiểu thuyết đầy tư tưởng khác lạ, chứa đựng những đam mê và đau đớn của tình yêu, một niềm khao khát sống tự do của người phụ nữ ở một thời đại mà họ chưa được nhìn nhận từ thiên tài cho đến con người xã hội là sự bình đẳng cùng nam giới.

 

Với văn phong lưu loát trác tuyệt, những cốt truyện lạ lùng là một sáng tạo đặc sắc của riêng mình, nhưng cuộc đời và định mệnh của nàng còn phong phú và đau thương hơn tất cả những gì mà nàng đã viết. Cùng với hai em gái, Emily và Anne, cả ba chị em đã sống và viết bằng một phương hướng hoàn toàn riêng biệt, không phụ thuộc vào bất cứ trường phái nào, trong bối cảnh môi trường sống là một nơi chốn hoang vu lạnh giá, từ vực thẳm của những khổ đau tuyệt vọng, tràn ngập bóng tối và cô đơn … mà khởi đầu của đời sống như đã là một chấm dứt. Với một thể xác yếu đuối của người phụ nữ cần tình yêu và che chở, chứa đựng một sức sống vô cùng vững mạnh, vũ trụ tâm linh đầy bí ẩn tiềm tàng những đam mê mãnh liệt tràn bờ, Charlotte đã đi trên một con đường của riêng mình, vạch ra bởi định mệnh nghiệt ngã cho nàng thiên tài quý hiếm, và cũng lấy đi biết bao yêu thương của đời nàng, để cuối cùng, nàng đã bước chân vào một cõi huyền thoại vĩnh cửu.

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 2802
Ngày đăng: 22.08.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Quang Đông, xao xác những hoàng hôn truyền thuyết - Ngô Nguyên Nghiễm
Lê Trúc Khanh, một lần mộng đến nghìn thu - Ngô Nguyên Nghiễm
Nguyễn Thụy Long, Bóng chim trên ngọn khô - Ngô Nguyên Nghiễm
Gérard Chapuis Người góp nhặt mảnh vụn thời gian - Trần Trung Sáng
Văn Cao, dòng sông ba nhánh sương mù - Trần Văn Nam
HENRY MILLER Nhà văn dung tục - Võ Công Liêm
Nghiêu Minh. Cuộc phiêu hốt tang bồng của kẻ lãng tử tài hoa - Ngô Nguyên Nghiễm
Bùi Xuân Phái, đã 25 năm - Nam Dao
Ngy Do Thái, hạt bụi trăm năm ôm đất quạnh - Ngô Nguyên Nghiễm
Vũ Hoàng Chương thấu thị lẽ vô thường - Tâm Nhiên
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)