Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
527
116.488.518
 
Đảo ngọc Phú Quốc Thiên đường nắng gió
Minh Nguyễn

Một tháng, sau chuyến đi Côn Đảo trở về của tôi, Nhã cũng bay từ Lạng Sơn vào Sàigòn mè nheo mãi về chuyện trốn đi chơi mà không báo cho cô biết. Đổi lại, cô bắt tôi phải đưa ra  Phú Quốc như đã từng hứa, nếu không muốn thấy tình bạn bị “treo” vĩnh viển. Vậy là tôi phải chìu theo ý cô, mua 2  vé xe giường nằm ngủ một giấc từ khuya cho tới tận 5 giờ sáng, nhỏm dậy đã thấy công trình nghệ thuật đặc sắc qua chiếc cổng làng Nam Bộ với 3 ô cửa vòm được gọi là cổng tam quan, dẫn vào thành phố lấn biển đầu tiên ở nước ta: Rạch Giá.

 

Để ra Phú Quốc, một là di chuyển bằng máy bay mất 25 phút, hai đi bằng tàu hơn 2 tiếng rưởi với chặng đường dài 120 cây số. Được biết, Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, là một quần đảo du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam thuộc tỉnh Kiên Giang, hấp dẫn bởi còn nhiểu bãi biển đẹp, tuy không hoang sơ bằng Côn Đảo, nhưng ai cũng mong có một lần đặt chân đến.  

 

Sau một hồi trao đổi, Nhã quyết định đi bằng tàu cao tốc ra Phú Quốc để còn có dịp ngắm trời biển bao la. Thế là bọn tôi nhờ xe trung chuyển chở ra bến tàu cao tốc, mua vé tàu Superdong. trước khi ghé vào quán gần đấy uống cà phê ăn sáng; tiện thể giúp cô gái miền núi Đông Bắc, tận mắt nhìn cảnh sinh hoạt tất bật trên bến dưới thuyền của người dân lao động vùng biển Tây Nam Bộ.

 

Đúng 8 giờ, còi tàu hụ lên vài tiếng báo hiệu rời cảng Rạch Giá, trước khi lướt đi nhẹ nhàng trong nắng sớm. Bên cầu thang dẫn lên cánh cửa bị khóa chặt trước đó, vừa được mở ra cho khách tự do đi lên boong tàu ngoạn cảnh biển, tôi và Nhã theo sau một số người leo lên trên đó, “mục sở thị” cảnh trời nước bao la. Đúng như tôi nghĩ, biển đối với con gái ở tận vùng địa đầu đất nước, quả là một món quà xa xỉ đầy bất ngờ pha lẫn sự thích thú; bởi nơi cô ở chỉ có rừng núi, sương mù và giá lạnh căm căm, nên khi được ngồi giữa con tàu to như một rạp hát, di chuyển êm ái trên mặt biển khiến cô có cảm giác như đang lơ lửng trên chín tầng mây.

 

Từ chỗ ngồi dã chiến trên boong tàu, hai tay Nhã bám chặt vào những thanh sắt rào chắn, cố nhoài đầu ra ngoài nhìn xuống hai vệt nước thoát ra ở 2 động cơ phản lực, tạo nên những đám hoa biển tan nhanh trên mặt nước. Tôi nghĩ, với vận tốc chừng này nếu thay cho 2 chiếc tàu sắt 9, sắt 10 chạy tuyến Côn Đảo, ít ra cũng rút ngắn thời gian phân nửa, giúp cho ngành công nghiệp không khói địa phương ăn nên làm ra. Thật vậy, việc phải lênh đênh trên biển suốt hơn 12 tiếng trong đêm, dù có là người yêu Côn Đảo đến mấy cũng dễ làm cho người ta bị nản lòng; ngược lại, cũng bằng ấy thời gian đi từ SG ra Phú Quốc nhưng không hiểu sao giá máy bay lại rẻ một nửa so với Côn Đảo?

Mất 2 giờ 30 phút lênh đênh trên biển, tàu bắt đầu giảm tốc cập vào cầu cảng Bãi Vòng dài 500 mét, nối từ đất liền ra tận ngoài biển, mới đưa vào sử dụng năm 2007; tuy không lớn nhưng đủ chỗ cho 2 xe nhỏ tránh nhau. Từ đây vào thị trấn Dương Đông cách xa 20 cây số, tôi và Nhã leo lên xe khách 16 chỗ đang chờ. Nhờ có vóc dáng nhìn bắt mắt, cô được xêp ngồi ở băng trước cùng với tay lái trẻ, tha hồ ngó ngang ngó dọc trên những vách đá dựng đứng nơi dãy núi  Hàm Ninh, từng được ví von là “nóc nhà Phú Quốc” và cũng là nơi bắt nguồn 2 con suối Tranh, suối Đá Bàn thơ mộng.

 

Chạy độ nửa giờ qua đoạn đường bị đào bới nham nhở rồi bỏ đó, khách cứ phải cắn răng, nín thở chịu đựng sự nhồi sóc kể cả bị hất văng ra khỏi ghế ngồi. Cuối cùng, xe cũng về đến trước cửa phi trường Phú Quốc cũ (sẽ là trung tâm thương mại), thả mọi người xuống bên đường Nguyễn Trung Trực.   

 

Sắp xếp xong chỗ ở, tôi cùng Nhã đi bộ ra chợ Dương Đông cách đấy chưa đầy 200 mét. Từ xa, dõi mắt nhìn qua hàng rào tôn vây kín khu vực chợ mới, tôi chỉ thấy mỗi nóc tầng lầu hoành tráng của khu chợ tương lai. Đi men theo con đường chật chội, do những người buôn bán ngồi lấn ra tận đường, khó khăn lắm bọn tôi mới ra được phía sau nhà lồng chợ, nhìn ghe thuyền vận chuyển tôm, cua, cá, ghẹ, ốc . . . vừa đánh bắt trong đêm đưa lên chợ bán. Đặc biệt, muốn thưởng thức món ăn không có trong menu nhà hàng như trứng sam, bún Nhăm, bánh canh cá lóc, chả cá chiên sôi sùng sục trên bếp lửa . . . nhớ ghé chợ lúc sáng sớm. Ngoài ra, còn có món bánh tét ngâm nếp với nước lá rau ngót cho ra ruột màu xanh nhẹ nhàng, do hai bà lão ngồi bán ở trước cửa chợ Dương Đông, gói rất khéo theo hình tam giác cân với lá mật cật hái từ trên núi Hàm Ninh xuống, cũng  là mặt hàng độc chỉ có ở Phú Quốc, ăn một lần nhớ đời: Bánh tét Mật Cật

Lang thang chán chê nơi chợ Dương Đông, Nhã theo tôi đi qua cầu Bạch Đằng hướng về phía có hòn đá nổi lên từ biển, bên trên có ngôi miếu thờ thần Long Vương được gọi nôm na là Dinh Cậu. Theo truyền thuyết thì, người dân trên đảo Phú Quốc phần đông sống bằng nghề đi biển, nên thường phải đối đầu với sóng to gió lớn, do đó có nhiều người ra đi mà mãi mãi không về. Bỗng một hôm, từ dưới làn nước xanh nơi cửa biển nổi lên một ghềnh đá lạ. Cho rằng đây là điềm lành linh ứng, người dân liền xây dựng trên bãi đá một ngôi đền thờ để thờ các vị thần sông nước. Từ đó, trước mỗi chuyến ra khơi, người dân thường tới đây lễ bái, dâng cúng lễ vật, cầu xin cho mỗi chuyến ra khơi gặp nhiều may mắn. Quả nhiên, sau mỗi chuyến đi họ đều mang về sự thắng lợi. Tiếng lành đồn xa, tập tục thờ cúng nhờ đó được duy trì cho đến hôm nay. Vì thế, hàng năm vào các ngày 15,16 tháng 10 âm lịch, dân trên đảo thường tổ chức lễ hội linh đình, nhằm tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với thần Long Vương.

 

Lần theo 29 bậc đá đi lên Dinh Cậu, trước tiên gặp ngôi miếu thờ vị Thổ Thần, kế tiếp là hàng rào bê tông vững chải rồi mới đến khoảng sân rộng đầy nắng gió. Đứng từ nơi này, phóng tầm nhìn ra phía biển trước mặt thấy từng đợt sóng đuổi nhau, va vào mấy hòn đá làm cho chúng nhẵn bóng, tạo nên những hình thù đá lạ lẫm. Quay lại phía sau là một hành lang trống trơn, gồm những hàng cột đắp nổi những câu liễn bằng chữ Hán: Tọa đại thạch đầu qui danh hiển (1). Vạn cổ anh linh thông tứ hải (2). Chấn phong bình lượng bảo lương dân (3). Phong điếu vũ thuận dân an lạc (4). Kế đến là kiến trúc của ngôi miếu thờ Long Vương cổ, với cửa chính bằng gỗ, bên trên ghi 3 chữ “Thạch Sơn Điện”, bên dưới ghi ngày 14 tháng 7 năm 1937.

Bước vào chánh điện thấy có bàn thờ thờ Chúa Ngọc Nương Nương và 2 khánh tượng thờ cậu Tài cậu Quí, là những bậc cao nhân bảo vệ an lành cho người dân trên đảo.

Trên đường trở xuống vừa đi Nhã vừa kêu:

- Anh ơi! Tô hủ tiếu Nam Vang ăn lúc sáng, giờ nó đã về tới Phom – Penh lại rồi.

- He! He. Người đẹp xấu tính quá, chưa đến 12 giờ đã kêu đói nhắng cả lên.

- Chứ không phải anh định hành hạ bao tử em thay cho cái tính keo kiệt?

 Để gây sự bất ngờ cho Nhã, tôi đưa cô đi ăn món gỏi cá trích dân dã nhưng chế biến rất công phu để trở thành món đặc sản của Phú Quốc.

Thoạt nhìn thấy đĩa cá trích sống nhăn, được nhà hàng dọn ra cùng với đủ loại rau rừng, Nhã kêu thét lên:

- Ối trời! Món cá sống nhăn như thế này ai dám ăn?

Tôi cười giải thích:

- Mới đầu nhìn thấy món này, ai cũng kêu lên oai oái như em vậy, nhưng sau khi ăn thử một cuốn lại muốn ăn tiếp cuốn thứ hai.

Tôi nhón miếng bánh tráng trải ra trên đĩa, lấy các loại rau thơm đặt lên trên, thêm một chút hành tây xắc mỏng, dừa nạo, vài lát thịt cá trích, đậu phọng rang giả nhuyễn, cuộn tròn lại thành một cuốn; chấm vào chén nước chấm làm từ ớt , tỏi, đường, đậu phọng, pha chung với nước mắm Phú Quốc đưa cho Nhã. Miễn cưỡng, cô mới chịu cầm lấy cuốn gỏi đưa lên miệng, cắn từng miếng nhỏ nhai thử rồi phát biểu:

- Ôi! Em cứ tưởng gỏi cá tanh lắm nhưng ăn vào mới thấy tuyệt vời làm sao. Ngọt, mặn, chua,cay, bùi, béo, hòa lẫn vào nhau tạo nên hương vị rất lạ trong miệng; thảo nào chẳng được nhiều người sành ăn, không tiếc lời khen ngợi.

 

Do yêu cầu của Nhã, anh quản lý trẻ vui vẻ chia sẻ với cô về cách chế biến gỏi cá trích, để khi về Lạng Sơn cô còn PR với bạn bè:

- Trước hết, chọn những con cá tươi có nhiều thịt đánh vảy sạch, cắt bỏ đầu đuôi, ruột, vây, rồi lạng lấy thịt filê ở dọc 2 bên lườn cá. Sau đó trộn đều thịt cá trích cùng nước sốt chua từ dấm nuôi bằng trái ổi chín của Phú Quốc. Để có hương vị chua thanh đậm, nêm vào đó muối, đường, tiêu, đậu phọng rang đâm nhuyễn cùng với rau thơm xắc nhỏ.

 

Ăn trưa xong, tôi xuống bãi đi dạo cùng Nhã trên bãi cát có dốc thoai thoải bên bờ nước lúc xanh lúc ửng hồng, lúc tím thẩm lúc chuyển qua màu ngọc bích, tùy thuộc vào độ nông sâu và  ánh mặt trời phản chiếu với mặt nước biển, kéo dài từ mũi Dinh Cậu ra đến tận khóe Tàu Rũ hay còn gọi là Bãi Trường, dài, đẹp, bao gồm nhiều đoạn nhỏ nối nhau bởi các gềnh đá, cây xanh, các làng chài . . . dài hơn 20 cây số. Tiếc rằng, thời gian đang vào lúc giữa trưa, nếu không tôi đã nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn trong làn nước mát. Bất chợt, tôi nhớ ra lời mời từ anh bạn quen biết trong dịp đến Phú Quốc lần trước: có ra đây nhớ ghé chơi với mình. Anh này khá giàu, sớm thụ hưởng một bãi tắm không những thơ mộng mà còn vô cùng lãng mạn đang bỏ không ở xã Ông Lang. Không bỏ qua cơ hội, tôi thử gọi xem anh ta có ở ngoài này hay đã bay vào Sàigòn? May quá, từ đầu bên kia giọng anh mừng rở mời bọn tôi ghé chơi.

 

Tôi liền thuê một chiếc xe máy, chở Nhã quay lại chợ Dương Đông, mua ít hải sản rồi xuôi đường sau chợ, chạy qua khu dân cư chuyên sống bằng nghề đi biển, tới một ngã ba gặp con đường đất đỏ, rẽ trái tiếp tục chạy xuyên qua các làng mạc yên bình, vườn cây ăn trái, hướng lên Bắc Đảo. Chạy miết trong bụi mù, ổ gà ổ voi, kịp đến khi nhìn thấy bên trái có bảng chỉ đường vào miếu thờ Bà Lớn, vợ kế của nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực ( người dân quen gọi bà Quan Lớn Tướng- Lê Kim Định, đã mất cùng đứa con sinh non tại sông Cửa Cạn, khi cùng với cánh nghĩa quân trên đường bôn tẩu về đất liền. Để tưởng nhớ vợ nhà yêu nước này, người dân đã chôn cất, lập đền thờ Bà tại bãi Ông Lang thuộc ấp Ông Lang ngày nay).

 

Quẹo vào đường có ngôi miếu thờ, chạy đến cuối đường và cũng là bờ biển, tôi gửi xe cho bác trông coi miếu, sóng đôi Nhã đi dưới bóng hàng dương rợp mát, nghe bên tai tiếng gió lao xao như lời tỏ tình thì thầm từ ai đó, giữa một bên là biển xanh ngút ngàn, một bên là con lạch nhỏ do thủy triều tràn bờ tạo ra, trước khi ghé đến nhà bạn ở cách xa đó một cây số.

 

Đưa hết số hải sản cho người giúp việc làm mồi nhậu, anh bạn kéo cả bọn ra ngồi nơi chiếc bàn đặt ngoài sân cỏ, đãi khách bằng rượu sim rừng do tự tay anh chế biến. Anh kể:

- Mùa sim ở Phú Quốc bắt đầu từ tháng chạp qua hết tháng 2, bất kể người lớn hay trẻ con rảnh việc, có thể tự “cứu đói” mình trên những cánh rừng sim bạt ngàn, bằng cách hái những trái sim chín mọng mang bán hoặc rửa sạch, phơi khô, ủ cho lên men với đường trong môi trường hiếm khí, thế là có rượu để uống; đặc biệt, rượu sim công nghiệp ở Phú Quốc được làm từ trái hồng sim, chứ không phải loại sim tím bình thường có tại nhiều địa phương khác nên có mùi vị rất đặc trưng.

- Tôi cầm chiếc ly thủy tinh có chân đế cao lên, ngắm cái màu nâu cánh dán đến thèm thuồng, trước khi kê miệng nếm cái mùi vị chua, cay, thơm ngọt, ngon không thua gì vang Merlot.

- Thế nào rồi anh bạn?

- Ừ! Ngon “đíu” chịu được.

Mùi hải sản thơm lừng cũng vừa chín tới, được người giúp việc dọn ra bàn làm mồi nhậu. Nhã nhìn đĩa cua rang muối đỏ gạch nằm phơi mình trên đĩa như một thách thức, khiến cô không khỏi thòm thèm nuốt nước miếng một cách âm thầm. Tội nghiệp, trông thấy vậy tôi dù có muốn trêu cô một chút cũng không đành lòng, bèn gắp vào chén cho cô một phần tư con cua, nói:

- Một miếng là một ly đó nghe em.

Nhã cười trả lời tỉnh queo:

- Hơ! Hơ. Em chỉ xin được làm dũng sĩ “diệt mồi” trước 2 ông anh thôi.

Vừa ăn uống, bọn tôi vừa trò chuyện, đùa giởn cho tới khi mồi mèn sạch trơn, anh bạn mang ra hai chiếc võng, chỉ những gốc dừa ven biển, nói: ” thế giới riêng của hai người ở đó”.

 

Ngủ một giấc cho đền chiều, anh bạn rủ rê với lời hứa dẫn đi lên Bắc Đảo vào ngày mai, khám phá vương quốc hồ tiêu, rừng sinh thái Quốc Gia, bãi Gành Dầu, bải Thơm . . . chưa biết ý Nhã thế nào, nhưng khi kịp quay lại, tôi thấy cô tỏ ra vui mừng sau lời mời mọc khá hấp dẫn ấy. Vậy là, nhân lúc trời còn vương chút nắng, tôi đưa cô men theo con đường mòn lá thấp, ghé Bleu Sea, Chen Sea, Eo Xoài, Bo resort . . . ngắm các bungalow cùng với buồng tắm thiết kế độc đáo ngoài trời bằng cây, gỗ, mái lá, lấy tận trong rừng; tạo cho du khách cảm giác như được sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã.

Đúng hẹn, sáng sớm bọn tôi điểm tâm qua loa với bánh mì, hai quả trứng ốp-la cùng tách cà phê sữa nóng, rồi dong xe lên hướng Bắc Đảo. Trên đường đi, không gặp một bóng người; ngoại trừ sương sớm còn lãng đãng bên những vườn cây ăn trái, vườn tiêu bạt ngàn nơi sườn núi Khu Tượng. Theo bạn, mùa này đi từ ông Lang lên Cửa Cạn, Cửa Dương, Cửa Lấp, đâu đâu cũng bắt gặp những vườn tiêu bạt ngàn; nhiều nhất vẫn là ở Khu Tượng “vương quốc hồ tiêu”.

 

Nhờ có sự quen biết, anh bạn được một chủ vườn vui vẻ mời vào thăm vườn nhà. Lần đầu tiên Nhã chứng kiến qui trình làm ra thứ gia vị mà bất kỳ gia đình hay hàng quán nào cũng phải dùng đến nó để tạo mùi thơm cho các món chiên, xào, kho, canh . . . bằng cách thuê lao động thời vụ, hái từng chùm tiêu chín đỏ trên cây bỏ vào những chiếc cần xé lớn, mang về nhà đổ ra sân phơi, phơi dưới nắng khoảng 8 đến mười hôm, khi thấy hạt tiêu chuyển từ màu đỏ sang màu đen sẫm là mang có thể mang đi sàng sẫy, phân loại tiêu đỏ, tiêu đen, tiêu sọ, sau đó mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Tiêu Phú Quốc có hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc, vị thơm, cay nồng hơn so với nhiều loại tiêu khác trên thị trường nên ai cũng thích.

 

Rời “vương quốc hồ tiêu”, tôi chạy bở hơi tai đến cửa rừng, thấy một đường dẫn ra Bãi Thơm, một đường đi về Suối Cái – Gành Dầu. Theo sự hướng dẫn của bạn, tôi chạy xuyên rừng nguyên sinh Quốc Gia Phú Quốc với một bên là vách núi sừng sững, một bên vực sâu thăm thẳm của biển. Càng chạy sâu vào rừng, không khí càng trở nên mát mẻ; nhất là nghe tiếng chim kêu vượn hú hay đuổi theo những đàn bướm sặc sỡ, bay lượn nhởn nhơ trước mặt, quên mất là đã ra khỏi rừng lúc nào không hay. Ngó lại, bắt gặp đền thờ nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực sừng sửng bên đường, người mà trước khi bị giặc Pháp mang ra chém đã dõng dạc hô to: “bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh giặc Tây”.

Không ai bảo ai, bọn tôi dừng xe ghé vào đền thờ, thắp cho vị anh hùng nén nhang trước khi chạy đến bãi biển Gành Dầu cách đấy không xa.

 

Để xe cho bạn trông, tôi đưa Nhã đi dạo bên bãi cát trắng mịn dài hơn nửa cây số, chắn gió 2 đầu bởi 2 vồ núi cùng với rừng nguyên sinh nhô ra tận biển, vẽ ra cảnh biển đẹp như nửa vầng trăng khuyết. Điêu này nhắc tôi nhớ tới bãi Đầm Trầu-Côn Đảo hoang sơ kỳ vĩ qua chuyến đi “bụi” vừa rồi; khác chăng, đứng ở Gành Dầu có thể nhìn thấy hòn Bàng, hòn Thầy Bói của nước ta chếch về hướng Tây và hòn Nần, núi Tà Lơn thuộc hải giới Campuchia nằm ở phía xa xa. Và, điều làm cho tôi ngạc nhiên khi biết thêm: “đã ra tới Gành Dầu mà không ghé lại Bãi Dài coi như chỉ mới biết có một nửa Phú Quốc”?

Thực vậy, khi đã đứng trước Bãi Dài, tôi cứ ngỡ mình đang đi lạc vào thiên đường nắng gió, cát trắng mịn màng, cùng khí hậu trong lành quyến rũ với hương biển hương rừng dâng lên ngồn ngộn. Bởi ngoài vẻ đẹp hoang sơ ra, bãi biển dài hơn 15 cây số này còn lôi cuốn mọi người qua những khu rừng sinh thái ngập mặn, xuất hiện tại các cửa sông nhỏ trải dài từ Gành Dầu về tới rạch Cửa Cạn. Có lẽ, nhờ phong cảnh hoang sơ đẹp không thua gì một bức tranh thủy mặc nên Bãi Dài đã lọt vào mắt nhiều hãng tin lớn như: ABC - Úc, CNN - Mỹ, BBC - Anh bình chọn là 1 trong 5 bãi biển đẹp nhất hành tinh.

 

Trong lúc tôi và anh bạn đứng bình luận vê Bãi Dài, Nhã âm thầm mang tấm vải bạt ra trải dưới tán hàng dương cổ thụ xanh mát nơi mô đất cao. Tắm biển nào. Bọn tôi thay quần áo bơi, lao người ra biển, vẫy vùng bên làn nước trong vắt cho đến mỏi nhừ tay chân, sau đó trở lên bờ mua tôm, mực . . . do người dân xỏ vào que nướng trên than củi, chấm với muối, tiêu, chanh, đường, vừa tận hưởng mùi vị thơm lừng, ngon ngọt từ hải sản mới đánh đưa vào bờ, vừa ngắm hòn Đồi Mồi xa xa, mà khách du lịch nước ngoài rất thích đi thuyền ra đó nằm phơi mình dưới nắng, đọc sách, nghe nhạc hay lặn ngắm san hô từ đáy nước xanh biết.

 

Theo dự kiến bọn tôi sẽ còn đi ra Bãi Thơm, nhưng nghe kể ở đó cũng chẳng đẹp hơn bãi Gành Dầu, mà còn có khá nhiều đá ngầm, tàu thuyền neo đậu; chỉ thích hợp cho việc cắm trại ăn uống.Thôi thì, cứ ở lại đây vui chơi đến cuối ngày rồi, trở về thị trấn luôn cho đở mất công đi xa thêm làm gì cho mệt.

Tối đến, khi đã về lại thị trấn Dương Đông, dỗ giấc ngủ mãi vẫn không được , Nhã rủ tôi đi tìm chút gì bỏ bụng:

- Chà! Kỳ này về Lạng Sơn chắc có người đi không nổi. Tôi ghẹo Nhã.

Cô đối đáp:

- Chứ! Không phải có người sợ hao hầu bao hay sao?

- He! He.

Từ chỗ ở ra tới đường Trần Hưng Đạo - Võ Thị Sáu đã ngửi thấy mùi hải sản nướng thơm lừng lùa vào mũi, trong khi bụng Nhã cứ sôi lên sùng sục bên cạnh tôi. Dừng lại trước cái cổng chào bề thế, tôi nhìn lên bảng đèn sáng rực, đọc hàng chữ “Chợ đêm Dinh Cậu” kính chào quí khách. Ôi! Một khu chợ dã chiến đông vui mà đa phần thấy bày bán các mặt hàng lưu niệm chế tác tại địa phương, sau đó mới là gian hàng ẩm thực với đủ các loại nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, ghẹ, cá . . . bên cạnh bếp lửa đỏ rực than củi. Tôi và Nhã đi diểu qua một vòng xem xét tình hình, sau đó ghé lại quán của đôi vợ chồng bự như 2 chiếc thùng phi di động đang vồn vã chào mời. Vốn là cặp đôi vui tính, vợ người chủ quán hướng dẫn bọn tôi đi chọn từng con mực, con cá tươi rói để nấu lẩu, vì thông lệ ở đây “khách chỉ con nào làm thịt con đó”. Điều này làm tôi nhớ tới lời nói têu tếu của anh chàng hướng dẫn du lịch trẻ, trong chuyến đi từ Thái Lan sang Malaya bằng đường bộ. Anh ta giới thiệu: “Trưa nay quí khách sẽ được thưởng thức món cơm chỉ, chiều đến sẽ là món cơm giỏ”. Ai nấy nghe nói thế cũng nóng lòng muốn biết món cơm chỉ, cơm giỏ đặc biệt ra sao; tới chừng xe dừng lại ở một siêu thị ăn uống dọc đường, mới hay cơm chỉ là món mà khách thích ăn món nào cứ việc chỉ cho người bán hàng gắp bỏ vào dĩa cơm cho mình. Còn cơm giỏ? Là thứ cơm dẻo như nếp, đựng trong những chiếc giỏ đan bằng tre nứa, khi ăn dùng những ngón tay phải bốc từng nhúm vo tròn ăn chung với thức ăn. Hi! Hi. Chẳng phải người đã nói “ Đi một đàng học một sàng khôn “ hay sao? Hóa ra chợ đêm Dinh Cậu cũng na ná như chợ đêm ở Siem Reap, nhưng lại thua xa sự ồn ào náo nhiệt và ăn chơi thác loạn so với chợ đêm Pattaya gấp nhiều lần.

 

Có lẽ, nhờ nạp đủ năng lượng ở chợ đêm Dinh Cậu, tôi và Nhã sau khi trở về phòng, ai nấy đều ngủ say như chết. Sáng ra, thấy tinh thần thật sảng khoái, dư sức đi tiếp lên Nam đảo rồi ghé về Đông đảo, kết thúc chuyến đi khám phá Đảo Ngọc Phú Quốc.

Do được tư vấn trước, tôi và Nhã chọn áo quần màu tối để mặc, nếu không muốn bị những đoạn đường đất đỏ bám chặt vào người giặt không ra.

 

Từ ngã 5 Trần Hưng Đạo tôi và Nhã đi thẳng một lèo đến nơi gần nhất: “Bảo tàng Cội Nguồn”. Đây là bảo tàng do tư nhân, được ví như một phiên bản Phú Quốc, bao gồm cả chục ngàn hiện vật mang đậm tính nhân văn qua nhiều thời đại. Bảo tàng cao 5 tầng; tầng 1: giới thiệu điều kiện tự nhiên về Phú Quốc; tầng 2: giới thiệu khái quát lịch sử, khám phá, hình thành, đấu tranh xây dựng đảo; tầng 3: giới thiệu bộ sưu tập hiện vật, cổ vật sưu tầm tại đảo; tầng 4: giới thiệu cổ vật được vớt lên từ những tàu bị đắm ở phía Đông đảo; tầng 5: giới thiệu cuộc sống đời thường của cư dân, đặc biệt với khu bảo tồn loài chim biển và giống chó có xoáy dọc dài trên sống lưng, được nhiều người biến nó thành loài vật huyền thoại nhờ vào thiên hướng săn mồi, bảo vệ, làm người đồng hành của nó.  

 

Rời bảo tàng Cội Nguồn, con đường đất đỏ như son, đồng hành với bọn tôi là bãi Trường xanh đẹp bên những bóng dừa đổ liêu xiu trong gió, gợi nhớ đến bãi biển Phan Thiết. Rải rác đây đó là những cửa hàng trưng bày ngọc tray cùng cơ sở nuôi cấy. Nhưng hỡi ôi, nhìn vào bảng giá của một viên ngọc trai thường thôi, tôi thấy nó đã hơn tháng lương còm của nhiều người. Biết là đứng ở đây lâu dễ bị “viêm màng túi”, tôi viện cớ đi qua dãy nhà kế bên xem người ta trình diễn các thao tác nuôi cấy ngọc trai; bởi tôi chỉ đủ khả năng mua tặng bạn những viên ngọc trai TQ bày bán rẻ rề ở chợ đêm Dinh Cậu. Để chuộc lỗi, tôi đưa cô đi ngắm Bãi Sao, chụp vài tấm hình rồi chạy thẳng tới Bãi Khem ăn món nhum nướng và còi mai nướng mở hành chấm muối ớt, nghe quảng cáo là “dzách lầu mụ pho”.

 

Chao ôi! Đường vào Bãi Khem có quá nhiều cát, ngó lui thấy bánh xe lún sâu trong cát làm tay lái tôi cứ loằng ngoằng, khiến Nhã sợ quá định nhảy xuống. Ôi! Cát ở đây thật trắng đến mịn màng, thảo nào người dân địa phương chẳng bảo giống kem nên gọi là Bãi Kem. Biển thật sạch và hoang sơ, có lẽ nhờ trước đây là khu luyện tập quân sự nên ít ai được phép ra vào.

Ngồi chơi ăn uống tới trưa, bọn tôi theo đường An Thới - Hàm Ninh đi qua Đông đảo khám phá những con suối trong vắt ẩn mình trên dãy Hàm Ninh, chảy róc rách qua những khe đá, thảm cỏ tranh mượt mà, trước khi hòa vào dòng chính đổ ầm ào vào Suối Tranh hay suối Đá Bàn . . .

Mua vé xong, tôi dẫn Nhã bước qua chiếc cổng xi măng đồ sộ cách điệu một thân cây cổ thụ ghi tên Suối Tranh, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hữu tình dưới những tán cây rừng cùng tiếng chim hót véo von trên đầu nghe thật vui tai. Tiếp tục đi dọc theo con đường nơi bờ suối lên đến chân thác, nghe bên tai tiếng nước đổ ì ầm từ trên cao xuống, tạo thành một chiếc hồ rộng mà nơi ấy đang có nhóm bạn trẻ bơi lội đừa giởn ồn ào. Thấy bọn tôi có hai người, nhóm bạn rủ rê nhập bọn đàn hát, vui chơi, ăn uống cho đến quá trưa, tôi viện cớ còn phải đi thăm nhà thùng, trước khi ghé qua Hàm Ninh mua ít cá ngựa về biếu ông bà ngâm rượu.

Tại cửa hàng trưng bày sản phẩm nước mắm Phú Quốc, nói khéo mãi ông chủ nhà thùng vui vẻ hướng dẫn tôi và Nhã đi thăm cơ sở sản xuất của mình.

 

Khi cánh cửa nặng nề được mở ra, mùi đặc trưng của nước mắm xộc lên mũi tôi và Nhã hương vị thơm lừng nơi những dãy thùng làm bằng gỗ Bời Lời xếp hàng ngay thẳng. Theo lời chủ nhân: “mỗi thùng được niềng bởi 8 sợi dây đai, mỗi đai dùng đến 120 sợi mây bện lại, nếu sử dụng thường xuyên tuổi thọ nó vó thể lên đến 60 năm. Mỗi thùng chứa từ 7-13 tấn cá cơm, ủ trong 15 tháng cho ra loại nước mắm 40-45 độ đạm, có vị ngọt cùng mùi thơm quyến rũ của loài cá cơm. Đặc biệt, giới thợ lặn hay những người đi biển vào mùa lạnh, mỗi lần ra khơi chỉ cần uống một chén nước mắm là đủ sưởi ấm cho tới chiều”.

 

Và, để kết thúc chuyến đi khám phá Đảo Ngọc Phú Quồc, tôi cùng Nhã ghé thăm những ngôi nhà tranh liếp nứa giản dị, với mặt sau dựa lưng vào núi rừng mặt trước là biển cả, nằm ngay dưới chân núi Hàm Ninh. Đây là ngôi làng cổ, từ bao đời nay người dân chuyên sống bằng nghề truyền thống mò ngọc trai, đánh bắt hải sâm, cua, ghẹ. Vào những hôm nước ròng, biển lộ ra bãi cát trắng mênh mông, trải dài từ trong bờ ra tới tận biển xa, tạo ấn tượng đối với du khách với cây cầu Hàm Ninh mỏng manh như sợi chỉ nổi lên trên mặt biển.

Trong lúc ngồi uống nước ở quán cà phê ngay đầu cầu Hàm Ninh, tôi và Nhã được một lão ngư đã mấy đời sống tại đây, kể cho nghe câu chuyện thuộc loại độc nhất vô nhị, mà nhiều người từng đặt chân đến Phú Quốc chưa hề nghe qua: “Chuyện món tiết canh chế biến từ cua”.

 

Theo lão: “Để có đủ tiết cho một đĩa tiết canh cua, người ta cần 3 đến 4 con cua gạch biển to cở 700 gram cho tới 1kí. Vì tiết cua không thể hảm theo cách của vịt hay heo nên phải chuẩn bị trước nguyên liệu từ một con cua khác, luộc trong nước có pha thêm chút rượu để làm giảm mùi tanh. Khi cua chín gở nạc cua cho vào dĩa trộn với gia vị, rau quế, ngò gai xắc nhuyễn để làm dậy mùi. Kế, dùng dây buộc chặt các ngoe ở cùng một bên cua lại thành một chụm, dùng kéo bén cắt chúng một lượt để nước cua từ từ chảy vào đĩa có nguyên liệu chuẩn bị sẳn. Cứ thế, tiếp tục cắt tât cả những chiếc ngoe của số cua còn lại, xong gở gạch ở mu cua bày lên trên mặt đĩa tiết. Khi tiết đông, thấy có phần nước nổi lên trên mặt đĩa tiết, khéo tay dùng muỗng hớt hết lớp nước bên trên mặt đĩa tiếtcho thật khô. Sau cùng rắc thêm hạt tiêu, đậu phọng rang giả nhỏ, ớt. . . ăn bằng cùng bánh tráng nướng, xúc từng miếng tiết canh cua có vắt thêm tí chanh, ăn kèm với ngỏ rí, rau hún lủi . . . “ ngon hết biết.

 

Wow! Nghe kể chuyện tiết canh cua mà nước miếng của Nhã cứ muốn trào ra nơi khóe miệng. Cô nhất định, khi về đến Lạng Sơn, thế nào cũng mang chuyện tiết canh cua này ra kể cho mọi người nghe làm quà.

Tin hay không còn tùy thuộc vào người đối diện. Hy vọng, nếu ai có dịp đến Đảo Ngọc Phú Quốc, muốn ăn món tiết canh cua này, hãy chịu khó đi lùng sục khắp nơi may ra mới gặp được người chế biến. Còn nếu, cứ nghĩ sẽ tìm thấy dễ dàng trong menu của các nhà hàng, thì đến tết Công Gô chưa chắc đã thấy./.

 

                                                                                              

(1)-Dinh Cậu nổi tiếng tọa lạc ở đầu của mõm đá giống con rùa.

(2)-Từ xưa anh linh của Dinh Cậu đã vang lừng khắp 4 biển.

(3)-Dinh Cậu như tấm bình phong bảo vệ dân lành.

(4)-Nhờ ơn Cậu mà mưa gió thuận hòa dân cư an lạc.

 

 

 

 

 

 

   

 

 

     

        

  

 

  

  

 

  

  

 

 

 

Minh Nguyễn
Số lần đọc: 1668
Ngày đăng: 08.09.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm hè Thủ Đô - Nguyễn Hồng Nhung
Kỳ thi cuộc đời - Nguyễn Nguyên Phượng
Hạ ký - Nguyễn Hồng Nhung
Hamvas Béla (trích: Hyperio Hungary) - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Hòa của VCV - Nguyễn Hồng Nhung
“Hôm nay Tôi đi học” - Hoàng Xuân Sơn
Nhớ mùa dâu Hạ Châu - Nguyễn An Bình
Nguyễn Hòa VCV - Khuất Đẩu
Tản mạn về giọt nước - Đinh Lê Na
Thầm thì mây - gió 3. - Nguyễn Hồng Nhung