Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
448
116.380.757
 
Ve Sầu
Hương Lê

Mùa Hè ở Huế

Bài 1

 

 

 

            Những người xa quê thường mang theo trong hành trang tâm tưởng của mình những hình ảnh đậm màu sắc và âm thanh của quê hương. Tôi cũng vậy. Bất chợt mùa xuân qua đi, nắng hè đang tới, len lỏi đâu đó trong cây cỏ, trong không khí nồng ấm buổi sáng mai, trong hơi gió thoảng ban chiều.

 

            Nó làm tôi bỗng nhớ Việt Nam, nhớ quê hương thời thơ ấu, nhớ Huế là nơi tôi học hành và dạy học, trước khi nhập ngũ rồi đi xa.

 

            Dĩ nhiên, Huế có nhiều cảnh sắc để nhớ như người ta thường nói: Hoàng thành, đền đài, lăng tẩm, miếu mạo, và sông Hương, núi Ngự.

 

            Trong âm thanh của Huế, trong tiếng đàn nguyệt, đàn bầu, tiếng ca Nam ai, Nam bình, khúc hát Hậu Đình (1) vang dội cả một khúc sông Hương, - khiến có người than rằng “Thương nữ bất tri vong quốc hận” - nhưng lại nhiều khi, tôi không sao quên được tiếng ve sầu.

 

Hè về là tiếng ve sầu cùng về. Tiếng ve sầu bao giờ nghe cũng gần gũi, vui vẻ, thân quen, nhắc nhở người ta nhớ những cái gì đó trong dĩ vãng: mùa hè năm trước, vui chơi, cắm trại, lội sông, du ngoạn, nắng hồng, phượng đỏ, và… ve kêu.

 

Nói cho đúng với khoa học thì các chú ve đã trở về trên cây nhãn, cây mù u, cây mít, cây cau sau một cuộc hành trình lưu đày 17 năm, hơn cô Kiều những hai năm. Kiều chỉ có mười lăm năm lưu lạc. Con ve 17 năm giam hãm, trong cái trứng ve, dưới lớp vỏ cây.

 

Sau đít con ve cái có một vật nhỏ giống hình con dao. Vật đó cứng, đục vào vỏ cây để con ve gởi trứng vào đó. Từ khi sinh ra trong cái trứng, quá trình chuyển hóa trở lại hình dạng con ve, theo khoa học, là 17 năm. Nếu như hôm nay loài ve tuyệt diệt, thì phải 17 năm sau, khi những cái trứng được sinh ra trong mùa hè năm nay, 17 năm sau mới chuyển hóa thành hình ve, thì sau đó người ta mới không còn nghe tiếng ve kêu nữa. Ai có thể ngờ một cuộc “hành trình” dài lâu đến như vậy!

            Ve là loài sinh vật của vùng nhiệt đới. Nhưng lạ, chỉ ở Huế mới có nhiều ve, đầy trong cả những vườn nhãn, vườn cau, vườn mít.

 

Huế có những khu vườn cũ, có thể cả trăm năm. Những khu vườn nầy thường chỉ trồng nhãn, thêm một ít cây mít, cây cau, cây mớc để cho giây trầu leo lên. Buổi trưa, trời đang oi nồng, khó dỗ giấc ngủ. Bỗng ngoài vườn, một tiếng ve kêu lên, rồi cả ngàn tiếng ve đáp lại. Vậy là tiếng ve vang lên ran cả khu vườn. Nó như một “hội Diên Hồng” của loài ve: Một lời kêu, vạn lời đáp. Đó là môt bản đại hợp xướng, cũng đủ giọng trầm bỗng cao thấp, dài ngắn, tiếng gần, tiếng xa. Nó kêu um trên các cây nhãn đấy, nhưng ra đứng mà xem, trong tàng cây rậm rạp, hương nhãn thơm lừng, khó tìm thấy chú ve nào. Con ve đeo vào lá, núp trong lá, khó thấy được. Nhưng tiếng kêu của nó thì rõ lắm, gần lắm, tưởng như đưa tay với lên cành nhãn thấp là bắt được.

 

            Tiếng ve không kêu đơn độc, một mình, lẻ loi, cô quạnh như tiếng dế, nhất là tiếng dế kêu lúc đêm khuya. Đó là một bản hợp xướng, nhưng tại sao lại nghe không vui. Không vui không phải bởi tiếng ve kêu rè rè, lách cách, nhưng bởi cái âm thanh kéo dài ra. Lắng tai nghe tiếng ve hòa điệu, người tinh tế thường thấy nửa vui nửa buồn. Vui là vì cái ấn tượng vui chơi ngày hè do nó đem lại, buồn là bởi cái âm thanh kéo dài, rền rền, không nặng, không nhẹ, không làm chói tai người nghe, không mơ hồ khiến người nghe không nhận rõ. Bản hợp xướng đang rộn rã, kéo dài cả nửa tiếng, một tiếng thì…

 

            Bỗng tiếng ve ngưng bặt, im lặng. Hoàn toàn im lặng. Sự im lặng ấy làm cho người nghe bỗng thấy hụt hẫng. Nó là dấu lặng bất thần hiện ra trên năm giòng nhạc. Nó đột ngột như cái archet của của cây đàn vĩ cầm rứt ra khỏi mấy sợi giây đồng, như bàn tay của người chơi đàn piano ngưng chạy trên phiếm, như tiếng đàn của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương:  “Nước suối lạnh, dây manh ngừng đứt” (2).  Sự im lặng đột ngột ấy bao giờ cũng để lại cho người nghe một dấu ấn, một ấn tượng, một sự ngạc nhiên. Tại sao đang hát, tại sao đang đàn, tại sao đang kêu gọi nhau vui thế, bỗng ngưng bặt. Có ai phá đám các nhạc sĩ, có ai quắc mắt biểu cô ca sĩ ngậm miệng lại. Không! Không có gì cả! Không ai ra lệnh. Không ai phá đám. Vậy mà bỗng nhiên cả ngàn con ve trong vườn nhãn bỗng đồng loạt im tiếng trong khi chúng đang ca vui, chào đón mùa hè?!

 

            Sau trận đánh tết Mậu Thân, tôi chuẩn bị nhập ngũ. Nhà cũ không còn, tôi dọn về một căn nhà nằm bên bờ sông An Cựu, gần cung An Định. Nhà của ông chủ phía trước, sát đường bờ sông, - đường Phan Đình Phùng - Nhà tôi ở phía sau, nằm sâu trong vườn nhãn. Đây là những cây nhãn lưu niên không dưới tuổi của nửa thế kỷ. Lại mùa xuân sắp qua hết, mùa hè đang tới. Hoa lá trở về trên những cành nhãn già. Nắng long lanh trên những lá cây màu xanh đậm. Sắp nhập ngũ, dù “tự động trình diện không có lệnh gọi”, tôi cũng buồn như tất cả mọi người trước một cuộc chia ly. Trời đã xế trưa, đang nằm mơ màng nửa thức nửa ngủ, tôi bỗng nghe ngoài vườn tiếng ve kêu um lên, buồn vui lẫn lộn.

 

            Tiếng ve sầu kêu trong một ngày sắp sửa đi xa, rời bỏ quê nhà làm tôi bỗng nhớ những tiếng ve sầu tôi đã từng nghe trước kia mà rất nhiều khi tôi không chú ý. Có thể một hôm nào đó, tôi không nhớ kỹ, đang đạp xe đạp đi học trên đường Hộ Thành - sau nầy gọi là đường Đinh Bộ Lĩnh, trước tiệm ăn Quốc Hương, - ngang phía ngoài cửa Hiển Nhơn của Đại Nội, bỗng tiếng ve vang dội từ trên những tàng cây nhãn rậm rạp trồng hai bên đường. Tôi nghĩ thầm. Té ra mình đã nghe nhiều lần mà không chú ý. Tệ thiệt. Tệ thiệt đó! Người ta đã hát cho mình nghe, cố hát cho mình nghe! Vậy mà mình chẳng chú tâm chút nào! Đâu có phải chừng đó. Thế còn những tiếng ve sầu trong vườn nhãn ở khu Canh Nông, cuối đường Kinh Thương, trong những vườn nhãn của ông Bá dạy sử địa, vườn bà tham, bà thị và cả nhà NTH, bạn tôi, ở đường Chùa Bà nữa chi?! Còn nữa đấy. Tiếng ca của hàng vạn chú ve trong “Vườn ai xanh quá, trong như ngọc” ở Vĩ Dạ, ở Phú Cam, ở làng Nham Biều phía trên chùa Linh Mụ hay ở Nguyệt Biều quá nhà máy vôi Long Thọ. Nhiều quá! nhiều quá! Làm sao nhớ hết. Nhớ không hết thì cũng cố mà nhớ. Mai đây và dài lâu nữa, trên con đường lưu vong viễn xứ, ở tận cuối miền Nam, hay Mã Lai, hay Mỹ miếc gì đó, làm sao còn nghe tiếng ve sầu, như một dư âm của một thời tôi chưa quá “tam thập nhi lập”.

 

            Người ta cũng ví con ve sầu là chàng nhạc công, cô ca sĩ nghèo mạt rệp đấy! Nghèo như con dế mèn trong bản nhạc “Thằng Cuội” của Lê Thương: “Có con dế mèn, hát trong đêm khuya, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ”. Người nghệ sĩ đã nghèo lại còn bị đời chê bai đấy. “Xướng ca vô loài”. Tội nghiệp chưa!

 

            Về mặt luân lý, người Tây phương cũng chê chú ve sầu vô tích sự, lại còn ham vui chơi ca hát, không biết “tích cốc phòng cơ”. Thật đấy, trong “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” hay “Luân lý GKT”, tôi không biết, tôi từng nghe chị tôi học hồi xưa lắm:

 

                                    Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn

Ruồi bọ không một con

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị kiến hàng xóm

Xin cùng chị cho vay

Dăm ba hạt qua ngày

Từ nay sang tháng hạ

Em lại xin đem trả

Trước thu, thề đất trời

Xin đủ cả vốn lời.

Tính kiến ghét vay cậy,

Thói ấy chẳng hề chi

- Nắng ráo chú làm gì?

Kiến hỏi ve như vậy.

Ve rằng:

                                                - Luôn đêm ngày.

Tôi hát, thiệt gì bác

Kiến rằng:

                                                 - Xưa chú hát

Nay thử múa coi đây./

 

                                                (Ngụ ngôn - La Fontaine –

Nguyễn Văn Vĩnh dịch) (3)

 

            Kiến là con vật cần cù chăm chỉ, chỉ biết làm việc, không biết vui chơi, ca hát bao giờ, thậm chí cả việc sinh dục, để đái chúng nó cũng giao cho kiến chúa lo. Chúng chỉ lo kiếm mồi, đem về chất đầy kho lẫm. Với cá tính đó, làm sao kiến có thể thông cảm chú ve sầu vui ca suốt mùa hạ, bây giờ đói kém, vác bị gậy qua nhà kiến vay mượn, xin ăn.

 

            Thế là đàn ve chết đói khi mùa hạ qua đi, khi gió bấc lạnh thổi về. Ấy là khi mùa thu đã tới. Cảm cái lạnh và cái buồn của thu, Xuân Diệu đi tìm những xác ve nhưng có thấy gì đâu:

 

                        Dưới gốc nào đâu thấy xác ve

                        Thế mà ve đã tắt theo hè

                                                (Ý thu. Xuân Diệu) (4)

 

            Xuân Diệu đúng là con người lẩn thẩn. Làm sao ông ta có thể thấy xác ve chết dưới những gốc cây! Khi chàng nhạc sĩ già yếu, không còn cất nỗi tiếng đàn, tiếng địch, khi đói quá qua nhà chị kiến xin ăn không được, chàng nghệ sĩ nghèo xác xơ hồn lìa khỏi xác. Xác ve rơi xuống cạnh gốc cây. Các chị kiến, anh kiến không bỏ lỡ cơ hội, xúm nhau lại kéo xác ve về tổ để làm một buổi thịnh soạn hay để đó chờ khi mưa xuống, tuyết rơi, không đi ra ngoài được thì đã có xác ve làm ấm lòng. Thiệt là bất nhân. Bầy kiến thiệt là bất nhân. Khi người ta đói, xin ăn, kiến không cho. Nhưng khi ve chết, bầy kiến hè nhau ăn thịt ve.

 

            Thế là tôi xa Huế 50 năm. Năm mươi năm không còn nghe tiếng ve kêu, với tâm trạng u uẩn than oán như trong câu ca dao tôi nghe mẹ hát từ khi còn thơ ấu: “Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu hỡi chàng!” Nghe con ve kêu mà sợ mùa thu lạnh lẽo, chờ chàng không về! Đó là tâm trạng ai nhỉ? Mẹ bồng con? Hòn vọng phu ở Đồng Đăng, ở Phú Yên hay ở Long Khánh. Trên dãi đất hình chữ S, ở đâu chẳng có những người đàn bà Việt Nam ôm con đợi chồng!

 

            Thế là 50 tôi không còn nghe tiếng ve kêu, dù có khi tôi ở Saigon, vui chơi trong vườn cây trái ở Lái Thiêu, lặn lội trong những vườn dừa mênh mông ở Kiến Hòa, hay lang thang ở Cái Sắn, thậm chí cả ở Hà Tiên, ngồi chơi trong vườn cây sum suê của lăng Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ.

 

            Không ở đâu tôi nghe được tiếng ve sầu kêu um cả một khu vườn nhãn như ở Huế. Tuy không được nghe bên tai, nhưng tiếng ve thì còn đấy. Nó ở sâu trong đáy hồn tôi, trong tâm tưởng của một người viễn xứ.

 

            Mấy hôm trước đây, nói chuyện ve sầu với một người bạn. Người bạn bảo: “Ở Washington D.C.” có ve sầu đấy. Uở, kỳ thiệt, Washington D.C. thuộc xứ lạnh, tuyết giá, làm sao có ve sầu? Washington D.C. và các tiểu bang chung quanh có rất nhiều người Huế tị nạn. Không lý trong hành trang di dân, họ mang theo con ve sầu, hay trứng của những con ve sầu nên bây giờ ve sầu mới sinh sôi nẩy nở ở đấy. Biết đâu! Người Huế vốn sâu sắc thì họ có mang theo con ve sầu cũng không có gì lạ. Mang theo một chút gì của Huế để cho ấm lòng!

            Người Việt định cư ở Mỹ lâu năm, nhập tịch Mỹ, người ta gọi họ là người Mỹ gốc Việt. Đó là mặt pháp lý. Hồi xưa ở quân trường, Nam-Bắc-Trung sắp chung một trung đội, một tiểu đội nên bọn sinh viên sĩ quan thường gọi đùa nhau bằng những tiếng “Người Việt gốc Rau” để ám chỉ anh Bắc Kỳ, “Người Việt gốc Ớt” để ám chỉ anh trọ trẹ, hay “Người Việt gốc Giá” để ám chỉ anh Nam kỳ. Trong cách đùa như thế, có thể gọi người Huế định cư ở Washington D.C. là “Người Việt gốc Ve Sầu” được không? Nói bậy bạ, không chừng bị mắng chớ chẳng không!

 

Nhưng dù gì thì cũng không biết chắc Washington D.C. có ve sầu hay không. Nghe có ve tôi cũng mừng. Có hay không có, thế nào mùa hè năm nay, tôi sẽ về Wasgington D.C. để hy vọng được nghe tiếng ve sầu nơi đất khách!

 

hoànglonghải

 

 

(1) Nguyên văn (Dạ Bạc Tần Hoài)

Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Đỗ Mục

 

(2) Nước suối lạnh, dây mành ngừng đứt

Ngừng đứt nên phút bật tiếng tơ

Ôm sầu, mang giận ngẩn ngơ

Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay

(Tỳ bà Hành - Bạch Cư Dị - Phan huy Vịnh dịch)

(3) La cigale ayant chanté

Tout l'été,
Se trouva fort dépourvue
Quand la bise fut venue :
Pas un seul petit morceau
….

(4) Ý thu

…..

            Dưới gốc nào đâu thấy xác ve

            Thế mà ve đã tắt theo hè

            Chắc rằng gió cũng đau thương chứ

            Gió vở ngoài kia, ai có nghe

                        ….

                                                (Xuân Diệu)

 

 

 

Hương Lê
Số lần đọc: 1630
Ngày đăng: 07.12.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một bài văn “độc đáo” về tình thầy trò, tình bạn! - Nguyễn Nguyên Phượng
Ghi chép Oktober-2013 - Nguyễn Hồng Nhung
Sáu mươi - Nguyễn Hồng Nhung
Chuyện về U19 Việt Nam đá bóng và tình yêu bóng đá - Nguyễn Nguyên Phượng
Cuộc hội ngộ của những trái tim - Trương Văn Dân
Đọc lại: Tư duy tự do của Phan Huy Đường - Nguyễn Hồng Nhung
Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi. - Quỳnh Thi
Dưới bóng cây mùa hạ - Vinh Anh
Mùa hoa ô môi, rung động thuở đầu đời - Nguyễn An Bình
Chuyện thị phi - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Ve Sầu (tạp văn)