Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
723
116.521.871
 
Từ lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trần Hoài Anh

   

1. Có thể nói lý luận – phê bình văn học là một trong những phương diện không thể thiếu của hoạt động tiếp nhận văn học. Vì thế, khi nghiên cứu một nền văn học, không thể chỉ nói đến sáng tác mà còn phải nói đến hoạt động lý luận- phê bình. Bởi lẽ, tác phẩm văn học chỉ thật sự tồn sinh khi được người đọc tiếp nhận. Như thế, lý luận - phê bình là sự tự thức của đời sống văn học, là một phần không thể thiếu của lịch sử văn học.

 

       Nước ta, sau ngày thống nhất, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, khoa nghiên cứu văn học đã có nhiều thành tựu trên các lĩnh vực nghiên cứu văn học dân tộc và văn học thế giới. Trong đó có thành tựu của lý luận - phê bình, cụ thể là việc giới thiệu và ứng dụng các khuynh hướng lý luận - phê bình hiện đại của phương Tây như: phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, thi pháp học, mỹ học tiếp nhận, tự sự học... vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học mà trước kia với nhiều lý do chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu. Đó là những công trình: Các vấn đề khoa học của văn học (1990) Trương Đăng Dung (chủ biên); Từ kí hiệu học đến thi pháp học (1992) của Hoàng Trinh; Triết học và mỹ học phương Tây hiện đại  (1992) Nguyễn Hào Hải (chủ biên); Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại (1995), Mười trường phái lý luận văn học phương Tây đương đại (1998) của Phương Lựu; Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1988) của Trương Đăng Dung; Nghiên cứu văn học, lý luận và ứng dụng (1988) của Nguyễn Văn Dân v.v... Bên cạnh các công trình nghiên cứu còn có các tác phẩm giới thiệu thành tựu lý luận - phê bình văn học nước ngoài như: Alain Robbe - Grillet và sự đổi mới tiểu thuyết (1993) Lê Phong Tuyết giới thiệu và dịch; Phê bình văn học Pháp thế kỉ XX  (1995) Lộc Phương Thủy chủ biên; Octavio Paz: Thơ văn và tiểu luận (1998) Nguyễn Trung Đức dịch; M.Kundera: Nghệ thuật tiểu thuyết (1998) Nguyên Ngọc dịch;  J. P.Sartre: Văn học là gì (1999) Nguyên Ngọc dịch... Và chỉ trong vài năm đầu của thế kỉ XXI, với xu thế hội nhập và đổi mới mạnh mẽ hàng loạt công trình nghiên cứu, giới thiệu các thành tựu lý luận - phê bình văn học thế giới liên tục xuất hiện trong đời sống văn học nước nhà như: Văn học so sánh, lý luận và ứng dụng (2000) Lưu Văn Bổng (chủ biên); Phân tâm học và văn học nghệ thuật (2000) và Nghệ thuật như là thủ pháp (2000), Đỗ Lai Thúy biên soạn; M.Kundera: Tiểu luận (2000) Nguyên Ngọc dịch, 2000; Văn học phi lí (2001) Nguyễn Văn Dân biên soạn; Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX (2001) của Phương Lựu; Chủ nghĩa cấu trúc và thuyết hiện sinh (2001) của Trần Thiện Đạo; Phân tâm học và văn hóa tâm linh (2002) Đỗ Lai Thúy biên soạn; Chủ nghĩa cấu trúc và văn học (2002) Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu và dịch; Phê bình lý luận văn học Anh - Mỹ (2002) Lê Huy Bắc (chủ biên); Văn học so sánh, nghiên cứu và dịch thuật ( 2003) của Khoa Ngữ văn & Báo chí thành phố Hồ Chí Minh; Phân tâm học và tình yêu (2003) Đỗ Lai Thúy biên soạn; J.M. Lotman: Cấu trúc văn bản nghệ thuật ( 2004) do Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch; Kate Hamburger: Logic học về các thể loại văn học (2004) do Trần Ngọc Vương và Vũ Hoàng Địch dịch;  Lý luận phê bình văn học thế giới Thế kỷ XX (2007), do Lộc Phương Thủy (chủ biên); Lý luận văn học (2009) của R.Wellek và A.Warren do Nguyễn Mạnh Cường dịch …    

          Như vậy, vượt qua những rào cản phi lý của một thời khi mà tư duy lý luận -  phê bình văn học của chúng ta vẫn còn ấu trĩ và đóng khung trong cái ao làng nhỏ bé của những quan niệm hẹp hòi, lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới đã vươn ra biển lớn mạnh dạn / chủ động hòa nhập vào dòng chảy của lý luận – phê bình văn học thế giới và bước đầu đã thu được những thành tựu nhất định mà một trong những nguyên nhân tạo nên các thành tựu này phải chăng là do việc đổi mới nền lý luận - phê bình theo hướng tiếp nhận các trường phái lý luận - phê bình hiện đại của phương Tây. Tuy vậy, bộ phận văn học ở đô thị miền Nam trước 1975, trong đó có lý luận - phê bình văn học, mà việc tiếp biến các trường phái lý luận – phê bình văn học phương Tây được xem như một nhân tố quan trọng tạo nên diện mạo sinh động của lý luận - phê bình văn học ở miền Nam vẫn chưa được xem là một bộ phận của văn học dân tộc để nghiên cứu một cách thoả đáng. Vì vậy, một trong những yêu cầu của quá trình đổi mới lý luận - phê bình văn học nước nhà, ngoài việc tiếp biến các thành tựu lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới, nên chăng còn phải chọn lọc, kế thừa, phát triển các thành tựu của lý luận - phê bình văn học dân tộc trong đó có lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trước 1975.

Giai đoạn 1954 - 1975, do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Điều này đã tạo nên sự khác biệt trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc. Nếu ở miền Bắc, văn học phát triển thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng thì ở miền Nam, văn học phát triển vô cùng phức tạp với nhiều khuynh hướng khác nhau. Bức tranh văn học miền Nam vùng tạm chiếm không thể thiếu vắng lí luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Nền lý luận - phê bình ấy cũng đan xen những quan điểm, khuynh hướng khác nhau, phản ánh trung thực tình hình văn học đô thị miền Nam. Và với tinh thần đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học “đã đến lúc phải thừa nhận nhiều nguồn lý luận văn học có giá trị khoa học, tránh thái độ kỳ thị trước các lý luận gọi là phi Mác – Xít”. (1)

Có thể nói, xã hội đô thị miền Nam từ 1954 - 1975 là một xã hội tích hợp nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa phương Tây và văn hóa Mỹ. Với chủ trương mở cửa du nhập văn hóa nước ngoài một cách tự do, nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây đã tràn vào miền Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lý luận - phê bình văn học. Chính vì vậy, bức tranh lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã xuất hiện nhiều trường phái lý luận - phê bình phương Tây như: phân tâm học; chủ nghĩa hiện sinh; mỹ học tiếp nhận; cấu trúc luận; hiện tượng luận, thi pháp học, văn học so sánh (ở miền Nam trước 1975 gọi là văn học đối chiếu)... cũng là điều tất yếu. Bởi, nếu trong những năm 1930 - 1945, khi trào lưu lãng mạn chủ nghĩa của phương Tây tràn vào văn học chúng ta qua phong trào Thơ Mới và tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn thì theo Lý Hoàng Phong ở miền Nam “nếu trào lưu hiện sinh, trào lưu siêu thực có tác động trong văn thơ chúng ta cũng là thường”(2). Tình hình này cho thấy sự đa dạng trong đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam với việc khám phá các hiện tượng văn học từ những điểm nhìn khác nhau giữa các khuynh hướng lý luận - phê bình trên con đường tìm đến chân giá trị của văn chương.

Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận -  phê bình phương Tây không chỉ tạo nên sự đa dạng của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận - phê bình văn học dân tộc vốn còn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới. Nói như Nguyên Sa – Trần Bích Lan: "Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói lên sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn"(3).

Việc tiếp nhận văn hóa phương Tây trong đó có các trường phái lý luận - phê bình văn học đã tạo điều kiện cho sự phát triển của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam với những khát vọng đổi thay trên tinh thần sáng tạo. Đây chính là động lực, là tiền đề quan trọng tạo những bước nhảy vọt trong tiến trình vận động và phát triển của tư duy lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam.

2. Khi tìm hiểu một nền lý luận - phê bình văn học, không thể không nói đến đội ngũ những người làm lý luận - phê bình. Đây là nhân tố quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự hình thành và phát triển của mọi nền lý luận - phê bình văn học. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 cũng được tạo nên bởi những nhà lý luận - phê bình nhưng là những nhà phê bình không chuyên. Nghĩa là họ đến với công việc lý luận - phê bình từ nhiều ngã đường, nhiều thành phần xã hội khác nhau nhưng rẽ ngang vào lãnh địa lý luận - phê bình. Họ nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình của nhiều nước trên thế giới, đồng thời ứng dụng lý thuyết của các trường phái này vào phê bình văn học. Đó là những nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Phùng Quân, Lữ Phương, Trần Bích Lan - Nguyên Sa, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Vũ Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Đặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Tế, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tuyến, Uyên Thao, Minh Huy, Cao Huy Khanh... Trong số này có những người từng du học ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp. Chính họ là bộ phận nòng cốt của đội ngũ lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam, là những người có công giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây vào miền Nam như: Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Thiện Đạo, Trần Bích Lan – Nguyên Sa... Vì vậy, nhận định về đội ngũ lý luận - phê bình văn học ở  đô thị miền Nam, Võ Phiến cho rằng “thời kì 1954-1975 gặp cái rủi ro hiếm thấy là trong suốt hai mươi năm trời không có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp. Trên báo chí vẫn có những bài điểm sách, giới thiệu, phê bình; nhưng hầu hết là bài của giới sáng tác nhận xét lẫn nhau”(4). Còn Lữ Phương khi nói về thực trạng lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng nhận xét "chúng ta không có những nhà phê bình chuyên nghiệp đáng tin cậy và điều kiện sinh hoạt văn học hiện tại của ta đã không đủ yếu tố để tạo nên những người như vậy"(5).

Có thể nói, ở miền Nam trong thời kỳ này không có những nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp, nghĩa là họ không thuần túy làm công việc lý luận - phê bình. Nhưng không vì thế những công trình lý luận - phê bình của họ lại thiếu tính chuyên nghiệp. Ngược lại, với những gì họ viết ra trong các công trình nghiên cứu của mình thật sự đó là những tác phẩm lý luận - phê bình đúng nghĩa, có tính khoa học, có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bởi những tác phẩm này được xây dựng trên một cơ sở lý thuyết rõ ràng, không phải là những suy luận chủ quan, cảm tính theo kiểu phê bình nghiệp dư. Đó là các công trình của một số gương mặt lý luận - phê bình tiêu biểu mà tác phẩm của họ thật sự giá trị, có ảnh hưởng đến đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam như: Nguyễn Văn Trung với  Lược khảo Văn học (3 tập); Nhận định (6 tập); Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết; Ngôn ngữ và thân xác; Ca tụng thân xác... Thanh Lãng với Bảng lược đồ Văn học Việt Nam; Phê bình văn học thế hệ 1932; Văn học Việt Nam hai thế hệ dấn thân yêu đời... Lê Tuyên với Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh; Đỗ Long Vân với Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung; Đặng Phùng Quân với Triết học và văn chương; Đặng Tiến với Vũ trụ thơ; Trần Bích Lan - Nguyên Sa với Một bông hồng cho văn nghệ, Quan điểm văn học và triết học; Huỳnh Phan Anh với Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương; Võ Phiến Tiểu thuyết hiện đại; Phạm Công Thiện với Ý thức mới trong văn nghệ và Triết học, Hố thẳm tư tưởng; Tam Ích với Ý văn, Văn nghệ và phê bình; Bùi Giáng với Thi ca tư tưởng, Tư tưởng hiện đại; Doãn Quốc Sĩ với Văn học và tiểu thuyết; Nguyễn Đăng Thục với Thế giới thi ca Nguyễn Du; Lữ Phương với Mấy vấn đề Văn nghệ; Vũ Hạnh với Tìm hiểu Văn nghệ, Đọc lại Truyện Kiều; Nguyễn Trọng Văn với Phạm Duy đã chết như thế nào?; Uyên Thao với Các Nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970, Thơ Việt Nam hiện đại; Tạ Tỵ với Mười Khuôn mặt Văn nghệ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay; Trần Nhựt Tân với Dư Vang Nghệ thuật... Trong đội ngũ những nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam , có thể nói Nguyễn Văn Trung là một trong những nhà lý luận - phê bình văn học "có tầm ảnh hưởng lớn"(6). Bởi theo Nguyễn Trọng Văn ông là người "có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của phương Tây với độc giả Việt Nam. Những triết gia, những tư tưởng gia, những văn nghệ sĩ cùng những chuyển biến văn học, triết học quan trọng ở ngoại quốc thường được ông trình bày, giới thiệu một cách gọn gàng, mạch lạc" (7). Vì thế, theo chúng tôi, dù nền lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 không có những nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp đúng nghĩa như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan giai đoạn văn học 1930-1945, nhưng vẫn là một nền lý luận - phê bình mang tính chuyên nghiệp cả trong nội dung và hình thức hoạt động.

Chính vì vậy, chỉ trong hai mươi năm, lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam từ những bước đi ban đầu mang tính khai phá ở giai đoạn 1954-1963 với những bài điểm sách, điểm tình hình thời sự văn học và những cuộc trao đổi, thảo luận về một số vấn đề lý luận - phê bình như: “Nhân vật trong tiểu thuyết”, “Nói chuyện về thơ bây giờ”, “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam” trên tạp chí Sáng tạo (1960); phỏng vấn các nhà văn quan niệm "về truyện ngắn", "về sáng tác" trên tạp chí Bách khoa (1961) của Nguiễn Ngu Í ...cũng như việc giới thiệu một số trào lưu tư tưởng phương Tây mà chủ yếu là chủ nghĩa hiện sinh như: "Vấn đề giải thoát con người trong Phật giáo và Tư tưởng J.P.Sartre" của Nguyễn Văn Trung (Đại học số 2/1958); “Phật giáo và chủ nghĩa hiện sinh J.P.Sartre” của Quang Ninh (Văn hóa Á Châu số 9/1958); “Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh” của Quang Ninh (Sáng tạo số 28/1959); “Vị trí trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý” của Trần Văn Toàn (Đại học số 12/1960); “Phác họa hiện tượng luận về thẩm mỹ học của tiểu thuyết”của Nguyễn Văn Trung (Đại học số 2/1961); “Trình bày và phê bình hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus” của Thạch Chương (Sáng tạo số 9/1960); “Nietzsche (1844-1900) Con người siêu Việt” của Nguyễn Anh Linh (Bách khoa số 92/1960); “Bộ mặt của triết học hiện sinh” của Trần Hương Tử (Bách khoa số 114/ 1961); "Lược khảo phong trào thi ca siêu thực Pháp" của Lê Huy Oanh (Văn nghệ số 4,5,6 /1961)...

Nhưng đến sau 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo theo sự tan rã của chủ nghĩa "cần lạo nhân vị" thì chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chi phối đời sống chính trị xã hội ở đô thị miền Nam. Và từ đó lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã bước sang một trang sử mới.  Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học khác của phương Tây cũng được giới thiệu khá rầm rộ như: Hiện tượng học, Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận, Phê bình mới... Và từ đây lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã phát triển với nhịp độ khá nhanh trên cả bình diện phẩm và lượng. Hàng loạt các bài viết về những trào lưu tư tưởng phương Tây được tập trung giới thiệu như: "Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn" (Bách khoa từ 126 - 271/1968); "Thuyết cơ cấu và phê bình văn học" (Bách khoa số 289 - 294/1969) của Trần Thái Đỉnh; "Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một tiểu thuyết và đặt vấn đề tiếp thu" (Bách khoa số 293 - 294/1969) của Nguyễn Văn Trung; "Lịch sử của cảm giác buồn nôn trong văn chương Tây phương hiện đại" của Hoàng Văn Đức (Văn số 2/1964); "Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới" của Alain Robbe - Grillet, do Trần Thiện Đạo dịch và giới thiệu (Văn số 33/1965); "Những vấn đề của văn nghệ phương Tây hiện đại" của Triều Sơn (Văn số 34/1965); "Văn chương là gì?" của J.P.Sartre, do Nguyễn Minh Hoàng dịch và giới thiệu (Văn số 56- 65/1966); “Tìm hiểu thuyết cơ cấu” của Trần Thiện Đạo (Văn học số 2/ 1967); “Phân tâm học và thiền” của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 1/1967); “Thời gian qua Kant, Hegel và Husserl” (Tư tưởng 4,5/1968); “Triết học hiện sinh và chính trị” của Trần Thái Đỉnh (Bách khoa số 264/1968); “Sartre trong đời sống” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 267-268/1968); “Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ” của Huỳnh Phan Anh (Khởi hành số 29/1969); “Nietzsche và Mật Tông” của Ngô Trọng Anh (Tư tưởng số 5/1970); “Phê bình mới, phê bình cũ” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 381/1972)... Và rất nhiều công trình lý luận - phê bình văn học có giá trị như: Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (1966), Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (1967) của Đỗ Long Vân; Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1965), Ngôn ngữ thân xác (1967), Lược khảo văn học 2 (1966), Lược khảo văn học 3 (1968) của Nguyễn Văn Trung; Một bông hồng cho văn nghệ (1967) của Nguyên Sa; Mấy vấn đề văn nghệ (1967) của Lữ Phương; Ý Văn 1 (1967), Văn nghệ và phê bình (1969) của Tam Ích; Tạp bút -tiểu luận (1969) của Võ Phiến; Đọc lại truyện Kiều (1966); Tìm hiểu văn nghệ (1970) của Vũ Hạnh; Vũ trụ thơ (1972) của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô (1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (1972), Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực (1972) của Huỳnh Phan Anh; Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1970) của Phạm Công Thiện; Dư vang nghệ thuật (1971) của Trần Nhựt Tân; Thơ Việt Nam hiện đại (1969), Các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (1973) của Uyên Thao; Mười khuôn mặt văn nghệ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (1972) của Tạ Tỵ; Văn học và tiểu thuyết (1973) của Doãn Quốc Sỹ; Thẩm mỹ học thông khảo (1974) của Nguyễn Văn Xung; Triết học và văn chương (1974) của Đặng Phùng Quân...

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các học thuyết, các trào lưu tư tưởng nước ngoài, các nhà lý luận - phê bình còn ứng dụng các lý thuyết đó vào việc tìm hiểu giá trị của các hiện tượng văn học và đã có một số tác phẩm khá thành công như: Lược khảo văn học (3 tập) của Nguyễn Văn Trung; Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân; Vũ trụ thơ của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương của Huỳnh Phan Anh... Hay một số bài đăng trên các báo như: “Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên”của Đỗ Minh Vọng (Đại học số 4, 5/1958); “Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh”(Đại học số 9/1959), "Biện chứng phản diện trong Cung oán ngâm khúc" (Đại học số 3/1958) của Lê Tuyên; “Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Albert Camus” (Văn số 2/1964) của Đặng Tiến; “Nỗi khắc khoải siêu hình trong thơ Hàn Mặc Tử” (Văn số 73-74 /67) của Nguyễn Xuân Hoàng; "Thử phát họa một bản đồ địa ngục theo Chế Lan Viên" (Văn học giai phẩm /1974) của Đỗ Long Vân...

Với việc ứng dụng lý thuyết của các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây hiện đại như: Phân tâm học; Chủ nghĩa hiện sinh; Cấu trúc luận; Hiện tượng luận; Mỹ học tiếp nhận... vào việc tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, các nhà lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc vốn chỉ được nhìn nhận qua hệ qui chiếu của triết học và mỹ học phương Đông. Có thể nói việc dịch và giới thiệu văn học nước ngoài trong đó có các công trình lý luận - phê bình đã trở thành một trào lưu khá thịnh hành ở đô thị miền Nam từ giữa thập niên sáu mươi nên có những nhà xuất bản từ khi mới ra đời đã chủ trương chỉ in sách dịch như nhà xuất bản Giao Điểm. Hoặc như tờ báo Văn "trong hơn 11 năm đã dành ra hơn 90 số đặc biệt cho văn học ngoại quốc. Tức là xấp xỉ 1/3 tổng số báo xuất bản"(8). Và đây cũng là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng của văn học đô thị miền Nam trong đó có lý luận - phê bình. Đặc biệt trong việc ứng dụng lý thuyết nước ngoài vào phê bình văn học, các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không vận dụng cứng nhắc một lý thuyết nào mà luôn kết hợp nhiều lý thuyết khi đánh giá các hiện tượng văn học. Bởi theo Tam Ích nếu "nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả"(9). Và có lẽ đây cũng là một trong những vấn đề cần được nhận thức lại trong việc đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học của chúng ta hôm nay.

         Như vậy, với việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt lý luận - phê bình, việc mở rộng giới thiệu nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây, sự phát triển của đội ngũ các nhà lý luận - phê bình, đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đó là bức tranh lập thể nhiều sắc màu, là dàn đồng ca nhiều giọng điệu, là bầu trời nhiều vì sao tuy sinh động nhưng phức tạp và cũng có những giới hạn nhất định. Không những thế, do chịu sự tác động sâu sắc bởi các biến động của đời sống chính trị xã hội và văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng của lý luận - phê bình văn học phương Tây và cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã phân hóa thành nhiều khuynh hướng khác nhau. Đó là các khuynh hướng chủ yếu như: khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây; khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít và khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo. Sự phân hóa này phản ánh  trung thực đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Mặt khác cũng thể hiện sự đa dạng trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng văn học tránh được căn bệnh giản đơn, công thức và tính "đồng phục" trong lý luận - phê bình.

             Với độ lùi thời gian đã hơn ba mươi năm, từ yêu cầu đổi mới lý luận - phê bình văn học và thực tiễn của việc nghiên cứu văn học, trên cơ sở khảo sát những tác phẩm lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, khoa học tình hình lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trong tiến trình vận động, phát triển lý luận - phê bình văn học dân tộc, để khẳng định vai trò của nó trong nền lý luận - phê bình văn học nước nhà. Như thế nền lý luận - phê bình văn học dân tộc sẽ trở nên đa thanh, đa diện, cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu được mở rộng hơn đáp ứng nhu cầu đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển. Bởi, theo Nguyễn Khoa Điềm: “dù đất nước đã mở cửa nhưng việc khai thác thành quả của lý luận hiện đại thế giới cũng như truyền thống lý luận của dân tộc lại chưa được nghiên cứu đầy đủ có hệ thống”(10). Không những thế, theo Lộc Phương Thủy: “việc giới thiệu, dịch thuật các tác phẩm học thuật nước nước ngoài ở Việt Nam còn chưa được bao nhiêu. Cần phải mở nhiều ô cửa ra thế giới tham khảo kinh nghiệm”(11). Mở cửa ra nước ngoài là cần thiết. Nhưng mở cánh cửa quá khứ của nền lý luận - phê bình văn học dân tộc, trong đó có bộ phận lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của lý luận - phê bình văn học phương Tây cũng là một việc làm có ý nghĩa để đẩy nhanh tiến trình hội nhập của lý luận - phê bình văn học dân tộc vào nền lý luận - phê bình văn học thế giới.

3. Từ thực tiễn tình hình hoạt động của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 và yêu cầu hiện đại hoá nền lý luận - phê bình văn học dân tộc của thời kỳ hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đổi mới tư duy trong việc xây dựng nền lý luận - phê bình văn học dân tộc mà theo chúng tôi cần tập trung vào những vấn đề sau:

- Cần khảo sát và đánh giá lại nền lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, nhất là quan tâm tìm hiểu việc tiếp nhận lý luận - phê bình văn học nước ngoài, chủ yếu là lý luận - phê bình văn học phương Tây. Bởi, việc nghiên cứu sự tiếp nhận lý luận - phê bình văn học phương Tây của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam không những chỉ ra giới hạn của một nền lý luận mà còn đem lại bài học kinh nghiệm đối với lý luận - phê bình văn học hôm nay trong việc mở cửa tiếp nhận các trào lưu lý luận - phê bình hiện đại và hậu hiện đại của thế giới để đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

- Muốn hiện đại hoá nền lý luận - phê bình văn học dân tộc, chúng ta không nên bảo thủ hoặc dị ứng với các trào lưu lý luận - phê bình hiện đại của thế giới   nhưng cũng không nên quá "nô lệ" vào nó mà phải tỉnh táo tiếp nhận các giá trị lý luận - phê bình văn học này một cách khoa học để vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng nền lý luận - phê bình văn học dân tộc. Phải chuyên môn hoá đội ngũ các nhà lý luận - phê bình. Nghĩa là, những người làm công tác lý luận - phê bình dù chuyên nghiệp hay không cũng phải là những người có "tay nghề", có “kiến thức”, có năng lực “nghiên cứu độc lập” và trên hết phải có cái tâmcái tầm của người làm công tác nghiên cứu khoa học, phải khách quan trong việc đánh giá các hiện tượng văn học. Về vấn đề này thiết nghĩ qua tìm hiểu đội ngũ các nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trước 1975, chúng ta cũng sẽ có được những bài học kinh nghiệm bổ ích cho việc xây dựng đội ngũ lý luận - phê bình văn học của dân tộc hiện nay.

- Phải chủ động giới thiệu và ứng dụng các trào lưu lý luận - phê bình nước ngoài vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học để có thể khám phá giá trị của các hiện tượng văn học từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Bởi từ đây sẽ mở ra những khía cạnh mới của đối tượng nghiên cứu và phê bình văn học, giúp người đọc cũng như các nhà nghiên cứu có thêm nhiều cách tiếp nhận các giá trị văn học,  làm cho nền lý luận - phê bình văn học ngày càng đa dạng và phong phú. Điều này cũng thể hiện tinh thần dân chủ trong tiếp nhận văn học; một vấn đề cho đến nay cũng chưa thật sự bình thường trong đời sống văn học của chúng ta. Mặc dù đây  là một vấn đề hoàn toàn bình thường trong đời sống văn học của thế giới...

- Sự vận động và phát triển tư duy lý luận - phê bình văn học chỉ có thể tồn sinh trên cơ sở của một nền lý luận - phê bình luôn đổi mới theo tinh thần năng động, cởi mở. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ khách quan, khoa học trong việc tiếp nhận các trào lưu lý luận - phê bình văn học nước ngoài. Không nên độc tôn một trường phái lý luận - phê bình nào, xem đó như một chuẩn giá trị để định giá các trường phái khác và cho rằng những gì khác với hệ qui chiếu đó là lạc hậu,phản động như chúng ta đã từng ngộ nhận. Đồng thời phải thật sự cầu thị để tiếp nhận các giá trị được kết tinh từ những nền lý luận - phê bình hiện đại của nhân loại; có như thế mới đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá nền lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển theo tinh thần nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X "về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới" đó là: "Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học Việt Nam hiện đại" (12)

Phải chăng đây cũng là những định hướng cơ bản để đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học của chúng ta trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và việc nghiên cứu nền lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trước 1975 trên cả hai mặt thành tựu và hạn chế của nó sẽ cho ta những kinh nghiệm quí báu và cần thiết trong việc xây dựng một nền lý luận - phê bình văn học Việt Nam đa dạng, phong phú, sinh động nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Chú thích:

 (1) Trần Đình Sử, “Lý luận văn học Mác – Xít trong bối cảnh toàn cầu hóa tri thức”, Văn nghệ số 16, ra ngày 16/4/2005, tr.3

           (2) Lý Hoàng Phong, "Có chăng một sự kỳ lạ trong văn nghệ mới", Văn nghệ số12/1962, tr.13

(3) Nguyên Sa, Một bông hồng cho Văn nghệ, Nxb Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr.93-94.

(4), (6), (8) Võ Phiến, Hai mươi năm Văn học miền Nam(1954-1975), Nxb Văn nghệ CA - USA 1987, tr.17, tr.193, tr.240

(5) Lữ  Phương, Mấy vấn đề Văn nghệ, Nxb Trình Bày, Sài Gòn 1967, tr.99

(7) Nguyễn Trọng Văn, "Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung", Bách Khoa số 264 /1968, tr.51

(9) Tam Ích, Ý Văn1, Nxb Lá Bối, Sài Gòn 1967, tr.29

(10) Nguyễn Khoa Điềm, "Phát biểu kết luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc", Tạp chí Nhà văn số 4/2006, tr.62

(11) Lộc Phương Thuỷ "Tác động của lý luận văn học nước ngoài đối với lý luận văn học Việt Nam" Nghiên cứu Văn học số 1/2005, tr.17

(12) Trích nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ chính trị, khoá X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2008, tr.23

              

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 5008
Ngày đăng: 01.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Epistemology trong nghệ thuật triết học Tây phương - Võ Công Liêm
Tân Cương trong văn chương Việt Nam - Hương Lê
Cảm nhận nghệ thuật thơ Cát Hoàng - Khaly Chàm
Văn nghệ miền Nam qua tác phẩm "Khi Những Lưu Dân Trở Lại" - Trần Trung Sáng
Ngệ - thuật của Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Mỹ học là gì ? - Duy Đạo
Homage to “Graffiti Art” Kính cẩn trước ngệ - thuật ngoài vòng xã-hội - Nguyễn Quỳnh USA
Nguyên Cẩn trên cung bậc hân hoan sáng tạo - Tâm Nhiên
Bàn về cái đẹp và đẹp trong Ngệ -thuật - Nguyễn Quỳnh USA
Một Thời Kỷ Niệm Những Ấn Loát PhẩmThơ-Họa-Nhạc - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)