Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
821
116.472.701
 
THỊ XÃ TRÀ VINH, XƯA & NAY
Trần Dũng

Năm 1757 là một cái mốc hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử tỉnh Trà Vinh nói chung và thị xã Trà Vinh nói riêng, đánh dấu cho công cuộc khẩn hoang của cả ba dân tộc cộng cư trên vùng đất này – mà lực lượng chủ lực vẫn là cư dân người Việt, do có số lượng đông đảo, kỹ thuật khai phá và canh tác lúa nước vượt trội – căn bản đã hoàn thành. Đó là việc chúa Nguyễn cho thành lập phủ Mân Thít và phủ Trà Vang ở địa bàn nay là tỉnh Trà Vinh (Trà Vang sau đổi thành Trà Vinh). Lỵ sở của phủ Trà Vang được đặt tại thông Vĩnh Trường (nay là các ấp từ Vĩnh Bảo, Vĩnh Trường, Xuân Thạnh của xã Hòa Thuận). Đây là chính quyền pháp quyền đầu tiên và duy nhất – tính đến thời điểm ấy – đủ khả năng và trách nhiệm điều hành, quản lý lãnh thổ một cách hiệu quả.

 

 

Đầu đời Gia Long, sau những năm dài bôn tẩu lưu lạc ở xứ sở này đã nhận ra giá trị của một vùng hiểm địa, đã cho đặt một Thủ sở quang phục bên bờ tả ngạn sông Trà Vinh vừa như một đồn binh vừa như một trạm thu thuế. Năm Minh Mạng thứ tư (1823), nhận thấy địa thế thôn Vĩnh Trường quá gần sông lớn và gần biển, tuy có lợi thế lớn về giao thông, mua bán nhưng không thuận tiện trong công tác phòng thủ của một trung tâm hành chánh, nhà vua cho bãi bỏ Thủ sở quang phục và cho dời lỵ sở Trà Vang từ thôn Vĩnh Trường về sách Thanh Sái (sách là cách phiên âm ra Hán tự của chữ Srok, một đơn vị quần cư của đồng bào Khmer), vốn cũng là một con giồng cát khô ráo, dễ đi lại, nằm sâu vào trong ngọn, cách sông Trà Vinh hơn cây số về phía tây. Sách Thanh Sái được đổi lại là Thanh Lệ xã để dùng chính thức trên các văn bản nhà nước. Ngày nay, ở khu vực này, vẫn còn duy trì được một kiến trúc cổ và có giá trị về mặt văn hóa – đó là ngôi đình Thanh Lệ.

 

 

Năm 1840, lợi dụng lúc Minh Mạng băng hà, Sa Sầm (còn gịo là Lâm Sâm hay Sa Som) dấy binh, chiến lỵ sở huyện Trà Vinh (lúc này Trà Vinh từ phủ đổi thành huyện và tên Trà Vinh đã chính thức được sử dụng trong và bản nhà nước). Vua Thiệu Trị phái các tướng Bùi Công Huyên, Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Công Nhân thống lĩnh quân đội tảo trừ và nhà vua cũng cho phép dời lỵ sở Trà Vinh từ Thanh Lệ về làng mới lập là Minh Đức, cách đó chừng hơn cây số về phía đông nam, nằm cặp trên dòng chảy của sông Trà Vinh. Đó là năm Thiệu Trị thứ nhất, 1841. theo bản đồ cổ và diên cách lúc ấy, một cách đại để, Minh Đức là phần đất chủ yếu thuộc Phường Hai, một phần Phường Bảy và một phần Phường Một ngày nay. Làng Minh Đức, sau nhập với làng Long Bình thành làng Long Đức, nay đình Minh Đức (Long Đức) vẫn còn và đang được sử dụng làm Nhà Văn hóa thị xã.

 

 

Chúng ta có thể lấy cái mốc năm 1840 làm điểm phát sinh cho thị xã Trà Vinh, với tư cách là một lỵ sở hành chánh. Cần chú ý rằng cảnh quan chung của một lỵ sở cấp huyện hồi ấy là một huyện đường tương đối khang trang trong một cụm quần cư khá phát triển. Lỵ sở Minh Đức vẫn dừng lại ở chừng mực một làng nông thôn như bao thôn làng chung quanh khác.

 

Thị xã Trà Vinh, xét với tư cách một đô thị, chỉ mới xuất hiện sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm và thiết lập ách cai trị của chúng trên mảnh đất này. Đó là ngày 21/6/1867, một ngày sau khi chúng chiếm được thành Vĩnh Long. Ngay cuối năm 1867, thực dân pháp tiến hành phân chia lại các đơn vị hành chánh và quân sự trên vùng đất chiếm đóng. Ở phần đất phía nam sông Măng Thít, chúng thành lập hai Sở tham biện (còn gọi là hạt) Bắc Trang và Trà Vinh. Lỵ sở của Sở tham biện Bắc Trang đặt tại chợ Bắc Trang (nay là An Quảng Hữu), lỵ sở của Sở tham biện Trà Vinh vẫn đặt tại làng Minh Đức. Quá trình đô thị hóa địa bàn Minh Đức bắt đầu.

 

 

Năm 1868, thực dân Pháp cho nhập hai Sở tham biện Bắc Trang và Trà Vinh thành Sở tham biện Trà Vinh. Lỵ sở chính thức đặt tại làng Minh Đức.

 

 

 

Năm 1876, thực dân pháp đổi Sở tham biện thành Tiểu khu hành chánh Trà Vinh. Và ngày 1/1/1900 lại đổi Tiểu khu hành chánh thành tỉnh. Tỉnh Trà Vinh (Provincs de Travinh) chính thức được hình thành và lỵ sở vẫn là làng Minh Đức.

 

 

Bên cạnh việc sắp xếp và ổn định lại địa giới hành chánh cũng như thống nhất tên gọi, thực dân Pháp ráo riết đẩy mạnh quá trình khai thác thuộc địa nhằm củng cố vật lực, tài lực, nhân lực đủ sức tiến hành cuộc chiến tranh lấn chiếm ra miền Trung, miền Bắc theo chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Quá trình thực dân hóa ở Trà Vinh, cũng như ở cả Nam kỳ, gắn chặt với quá trình địa chủ hóa. Nếu trước ngày Pháp xâm chiếm, chế độ sở hữu ruộng đất ở Trà Vinh vẫn là chế độ “điền manh”, có nghĩa là mỗi hộ nông dân tự làm chủ trên mảnh đất mà nhiều thế hệ gia đình mình đổ công khai phá, thì nay thực dân Pháp tạo mọi điều kiện cho tầng lớp phú nông, tiểu địa chủ chịu cộng tác với chúng bao chiếm đất đai của người nông dân, hình thành giai cấp địa chủ, tạo ra gọng kềm thứ hai áp bức, bóc lột người dân nghèo, rồi trở lại tận tụy phục vụ cho chính quyền đã sản sinh và dung túng họ. Quá trình địa chủ hóa lại đi đôi với quá trình bần cùng hóa người nông dân. Một bộ phận nông dân ở nông thôn bị mất đất, bổng chốc trở thành tay trắng, buộc phải ra thành thị bán nốt phần tài sản còn lại duy nhất của mình – đó là sức lao động.

 

 Do vậy, có thể nói, khi thiết lập ách cai trị tại Trà Vinh, thực dân Pháp đã đẩy mạnh cùng lúc bốn quá trình: Thực dân hóa, đô thị hóa, địa chủ hóa và bần cùng hóa người nông dân. Bốn quá trình này tương tác, thúa đẩy lẫn nhau. Việc đô thị hóa địa bàn tỉnh lỵ là hết sức cấp bách phục vụ quá trình thực dân hóa. Trong khi, quá trình địa chủ hóa tầng lớp phú nông và bần cùng hóa giai cấp nông dân nhanh hcóng tạo ra những đợt nhập cư mới vào tỉnh lỵ, đẩy nhanh hơn tiến trình đô thị hóa. Đó là giai cấp địa chủ muốn về tỉnh lỵ để có điều kiện hưởng thụ cuộc sống vật chất (hầu hết các địa chủ lớn, dù đất đai ở các huyện xa xôi hẻo lánh, đều có nhà cửa, tài sản tại thị xã) và người nông dân mất đất buộc phải trôi dạt về đây, hình thành giai cấp công nhân, thợ thủ công và lớp nghèo thành thị.

 

Trong suốt lịch sử của mình, thị xã Trà Vinh chứng kiến ba đợt đô thị hóa mạnh.

 

Đợt thứ nhất, diễn ra vào hai thập niên trước và sau năm 1900. Giai đoạn này, thực dân Pháp tiến hành qui hoạch tỉnh lỵ Trà Vinh thành một đô thị nhỏ với qui mô dân số hơn mười ngàn dân. Địa bàn chủ yếu của đô thị này là làng Minh Đức, một cách gần đúng, được giới hạn bởi các con đường Quang Trung ở phía bắc, Nguyễn Tri Phương (nay là Trần Phú) ở phía nam, Lê Lợi ở phía đông và Lê Quang Liêm (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) ở phía tây. Chính qui mô nhỏ đã khiến cho các tuyến phố trên địa bàn này thường có lòng đường hẹp, trong khi vỉa hè khá lớn. Các con đường trong khu phố cổ này đều được trồng cây xanh theo một qui hoạch thống nhất mà ba loại cây chủ yếu cũng là cây đặc hữu trên tuyến giồng đất cát là sao, dầu, me. Chính những con đường này đã làm nên một thị xã Trà Vinh xanh nổi tiếng khắp cả nước hơn thế kỷ nay. Cùng với cây xanh, hàng loạt công sở, công thự, biệt thự có kiến trúc theo kiểu văn hóa Pháp được dựng lên. Tiêu biểu trong đó là Tòa bố, Tòa án, Bót ông cò, Bệnh viện, trường học… Một đặc trưng của thị xã Trà Vinh giai đoạn này là bên cạnh mỗi công sở đều có một công thự đi kèm, dành làm tư dinh cho viên chức phụ trách công sở đó khi đáo nhậm. Tiếc rằng, trong quá trình phát triển đô thị, nhất là từ sau năm 1992, bên cạnh qui hoạch phát triển, chúng ta chưa chú ý đúng mức đến qui hoạch bảo tồn nên hàng loạt công sở, biệt thự, công thự… đặc trưng cho khu phố cổ Trà Vinh dần biến mất. Hiện nay, chỉ còn Bót ông cò (nay là Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng) là còn gần với nguyên trạng. Tiện đây, cũng xin mở ngoặc nói thêm về giá trị lịch sử của kiến trúc cổ gần như duy nhất còn lại của thị xã này: Bót ông cò là doanh trại của đơn vị hiến binh tỉnh nên khi một đơn vị hành chánh cấp tỉnh được thành lập nhất thiết phải có Bót ông cò. Niên đại của Bót ông cò, một cách gần đúng, được xác định là tuổi của đơn vị hành chánh đó. Một lần, tôi được các cán bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh mời vào khảo sát kiến trúc này và thấy trên các vì kèo đều có khắc dòng chữ Marseille – 1887. Ở bốn góc ngôi nhà là bốn tháp canh mà lối đi lại giữa các tháp canh đều có tường bao vững chắc để bảo đảm an toàn cho lính khi đổi phiên gác. Điều này chứng tỏ tình hình an ninh đối với thực dân Pháp ở Trà Vinh giai đoạn này rất kém, nghĩa là truyền thống và ý thức phản kháng trước quân xâm lược đã được vật chất hóa ngay trong kiến trúc này. Mong sao, qua thời gian, công trình kiến trúc này vẫn được bảo tồn để các thế hệ cháu con và bạn bè trong và nước còn được tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi của thực dân Pháp khi chúng đặt chân lên đất Trà Vinh.

 

Giai đoạn này, để tạo thế phát triển lâu dài cho thị xã, thực dân Pháp mở các tuyến đường bộ nối thị xã Trà Vinh với các thị xã lân cận và các huyện trong tỉnh. Tuyến sông Long Bình cũng được uốn dòng và nạo vét để khơi thông, mở rộng dòng chảy, hình thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng, giúp thị xã Trà Vinh ngày càng phát triển.

 

 Đợt thứ hai, diễn ra vào những năm 1965 – 1975, được biết đến với tên gọi “chỉnh trang đô thị”. Đây là giai đoạn mà đế quốc Mỹ và tay sai đẩy mạnh quá trtình tư sản hóa giai cấp địa chủ nhăm làm chỗ dựa cho chúng về mặt kinh tế và chính trị, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến. Do vậy, việc đô thị hóa thị xã Trà Vinh tiếp tục được đẩy mạnh mà địa bàn chủ yếu của đợt đô thị hóa này là phần đất “xóm cù lao” của làng Long Bình cũ, tức phần đất nay thuộc các phường Ba, Bốn và Năm. Vì thế, ngày nay chúng ta dễ dàng nhận ra rằng thị xã thân yêu của chúng ta như được chia ra thành hai nửa: Nửa phía tây là những khu phố cổ với nhiều biệt thự, công thự, cây cổ thụ và đường phố xinh xắn theo dạng bàn cờ; Nửa phía đông, có ranh giới từ đường Phạm Thái Bường, là những khu phố có dạng hình hộp, kiến trúc theo kiểu Mỹ, ít cây xanh, ít công sở, công thự mà chủ yếu là nhà ở và phố mua bán. Đi đôi với quá trình “chỉnh trang đô thị”, chính quyền Sài Gòn cũng tách khu vực nội ô ra khỏi xã Long Đức để thành lập xã Phú Vinh.

 

Sau ngày giải phóng, vì điều kiện khách quan, một thời gian dài thị xã Trà Vinh tồn tại như một huyện lẻ của tỉnh Cửu Long. Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, cũng như để đảm nhận vai trò trung tâm của một tỉnh bước đầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thị xã Trà Vinh bước vào đợt đô thị hóa thứ ba với một nhịp điệu khá khẩn trương. Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Trà Vinh, thị xã Trà Vinh đang phấn đấu để được công nhận là một đô thị loại ba. Điều này đặt ra cho thị xã nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ như tốc độ đô thị hóa với vấn đề lao động nhập cư, an sinh xã hội; tốc độ đô thị hóa với vấn đề phát triển khu vực kinh tế công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; tốc độ đô thị hóa với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị của người dân…

 

Một vấn đề cũng hết sức cấp thiết phải được đặt ra, dù đã là quá muộn, là việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cần có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, khoa học giữa qui hoạch phát triển với qui hoạch bảo tồn. Đừng để một lần phát triển là một lần phủ nhận những gì hơn trăm năm qua lịch sử đã để lại; đừng để các thế hệ con cháu sau này phải ngậm ngùi hoài niệm về một “khu phố cổ” từng tồn tại và từng là niềm tự hào của người dân thị xã Trà Vinh.

 

 

TRẦN DŨNG

 

Tài liệu tham khảo:

 

- Đại Nam nhất thống chí. Quốc sử quán triều Nguyễn. Bản dịch Phạm Trọng Điềm. NXB Thuận Hóa, 1993.

- Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn. Nguyễn Đình Đầu. NXB TPHCM, 1994.

- Gia Định thành thông chí. Trịnh hoài đức. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Sài Gòn, 1972.

- Địa phương chí tỉnh Vĩnh Bình. Vĩnh Bình, 1973.

- Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập Một. Tỉnh ủy –UBND tỉnh Trà Vinh, 1995.

- Lịch sử thị xã Trà Vinh. Trần Dũng. Thị ủy – UBND thị xã Trà Vinh, 2001.

Trần Dũng
Số lần đọc: 6587
Ngày đăng: 08.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xem “Những hình ảnh chưa biết về chiến tranh Việt Nam” - Minh Trường
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 2 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam-phần 3 - Khuyết danh
Tỉnh thành xưa ở Việt Nam - Khuyết danh
6 biểu tượng thiên nhiên của Phần Lan - Khuyết danh
Văn Thánh Miếu - Khuyết danh
Nghĩ về ông Phan Thanh Giản - Nguyễn Hữu Hiệp
Thượng Tân Thị (1879-1966), giai tế đất Vĩnh Long - Lê Tương Ứng
Làng Vĩnh Hòa Đông : - Nguyễn Thị Diệp Mai
Danh nhân văn hóa – lịch sử : Trương Vĩnh Ký - Khuyết danh