Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
743
116.497.740
 
Trích dẫn văn của Camus trong bản dịch "Kẻ xa lạ" (Dựa Vào Những Lời Giới Thiệu Giúp Thấy Rõ Triết Lý Hiện Sinh Thời Đào Sâu Tính Phi Lý)
Trần Văn Nam

 

(Bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc, xuất bản năm 1973)

 

Nhà văn Albert Camus, giải Nobel Văn Chương năm 1957, theo những lời giới thiệu của các học giả mà người viết bài này biết, ngoài tính phi lý thể hiện trong tác phẩm ở những giai đoạn đầu, còn thể hiện tính nhân bản và tính chiến đấu chống lại phi lý ở tác phẩm về sau như trong cuốn “Dịch Hạch” (La Peste) hay muốn trở về đạo đức truyền thống, như ở cuốn “Sa Đọa” (La Chute). Tác phẩm trong giai đoạn trước như ở tác phẩm “Kẻ Xa Lạ” thì đào sâu tính phi lý; có phản kháng phi lý thì chỉ ở trong ý thức, chưa thể hiện trong hành động như trong “Dịch Hạch”. Nhưng sách “Kẻ Xa Lạ” gây nhiều phản hồi nhất, và riêng ở Việt Nam có đến 6 hay 7 bản dịch ra Việt ngữ. Bản dịch trích dẫn nơi đây là của dịch giả Nguyễn Trần Sâm được tìm thấy trên internet ở trang mạng điện tử “daohieuvn.wordpresss.com”. Người viết bài này đã có một bài viết mang tên “Trích Dẫn Văn của Sartre Tuần Tự Theo Lời Giới Thiệu Của Phùng Thăng Trong Bản Dịch Cuốn Buồn Nôn”, vì vậy thấy như có cảm hứng nên thực hiện bài “Trích Dẩn Văn Của Camus…”, và chỉ giới hạn nơi tác phẩm “Kẻ Xa Lạ”, không thể cố gắng thêm đối với các tác phẩm khác của Camus cũng đã từng được dịch ra Việt ngữ. Qua lời tuyên dương khi trao giải Nobel Văn Chương cho Camus, do Thư Ký Viện Hàn Lâm Thụy Điển Anders Osterling đọc ở buổi lễ (bản dịch các tuyên dương ấy, của ông Phạm Toàn, một đôi lời được ghi lại qua các dòng trong dấu ngoặc sau đây), trong đó gần như tóm tắt trọn văn nghiệp của Camus từ đào sâu tính phi lý trong “Kẻ Xa Lạ”; “Huyền Thoại Sisyphe”, rồi ở các tác phẩm sau không phải là “sự phủ định sạch trơn không xây dựng”; do đó nhà văn “vượt xa chủ nghĩa hư vô” với “sứ mệnh đem lại công bằng trong một thế giới bất công”; và do đó “phù hợp với lý tưởng” của giải Nobel Văn Chương được Viện Hàn Lâm Thụy Điển phát ra. Trước đây, ta biết loáng thoáng qua các lược thuật ngắn về cuốn “Dịch Hạch” (nội nhan đề bệnh tật ấy đủ làm cho ta như không muốn tìm đọc bản dịch, dù lời lược thuật đã cho biết hành động cứu nhân độ thế của các nhân vật như y sĩ Rieux; như đảng viên chính trị Tarrou xả thân và không đầu cơ trục lợi theo gương xấu của nhân vật Cottard; hoặc nhà báo Rambert đến từ Paris bị kẹt lại bởi trận dịch hạch, do đó thành phố Oran ở quốc gia Algérie bị thế giới cô lâp hầu tránh vi trùng bệnh lan tràn; hoặc như linh mục Paneloux cùng các người trên dấn thân vào đời chống sự phi lý của trận dịch giết hại nhân loại… Có lời bàn “Dịch Hạch” là ẩn dụ Chiến Tranh do Đức Quốc Xã gây ra tại Âu Châu. Biết qua cốt truyện của tác phẩm Dịch Hạch khiến cho một số người yêu thích lãng mạn và thẩm mỹ không muốn đọc tới, dù trong đó chất chứa tính nhân bản và rõ ràng “vượt xa chủ nghĩa hư vô”. Ngay như tác phẩm “Kẻ Xa Lạ”, khi chưa chưa đọc kỹ lời giới thiệu nghiêm túc của học giả hoặc của Giáo Sư Văn Chương Đại Học, ta đã vội so sánh nó giống như cốt truyện của cuốn phim “Rebel Without A Cause” của điện ảnh Hollywood do tài tử James Dean thủ diễn vai trò một kẻ xa lạ, cũng nổi loạn ngoài tầm phán đoán của xã hội, có vẻ thuộc siêu hình mơ hồ nào đó chống lại thói lề quen thuộc của nhân loại. Ta không muốn đọc tới nếu nội dung cũng chỉ bấy nhiêu những hành động vô cớ bắt nguồn từ tính khí bất thường. Chỉ riêng về cuốn “Kẻ Xa Lạ” (L’Étranger), đúc kết những lời giới thiệu của các học giả và biên khảo, ta thấy những điều chính có thể lấy làm thành bốn chủ đề thuộc triết lý hiện sinh, từ đó làm kim-chỉ-nam để trích dẫn văn của Albert Camus; tuần tự trước sau: (1)Người Xa Lạ Vì Những Phản Ứng Phi Lý, Trong Khi Đó Xã Hội Cũng Áp Đặt Phi Lý, (2) Nêu Rõ Hơn Về Phản Ứng Phi Lý: Hành Động Do Bản Năng Và Động Lực Sơ Đẳng, (3) Đời Vô Nghĩa, Nhân Vật Chỉ Hòa Hợp Với Vũ trụ Lặng Thinh, Văn Diễn Tả Nghiêng Về Thi Tính, (4) Cảm Thức Điều Nghịch Lý Của Phi Lý, Bình Thản Trước Cái Chết. Điểm qua bài “Albert Camus Giữa Lòng Thế Kỷ 20” của Giáo sư Nguyễn Khắc Họah (Cựu Khoa Trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thời trước năm 1975). Ông là người thông thạo tiếng Pháp, có nhận xét hành văn của Camus uể-oải, dửng dưng, thẫn thờ: điều ấy không dễ cảm nhận trong văn chuyển ngữ. Còn nhà phê bình Thụy Khuê nêu ra những câu tiếng Pháp thường xuất hiện trong văn của Camus, như “Tôi không biết - Không có gì hết - Sao cũng được - Thì cũng thế thôi”: Phải chăng đây chính là văn phong thể hiện sự thờ ơ. “Bất khả tri là bộ mặt thứ nhất của hiện sinh con người”, theo nhà phê bình này (Trong bài “Albert Camus 1913-1960” nơi cuốn sách “Sóng Từ Trường II”, nhà xb. Văn Nghệ ở Wesminster California ấn hành năm 2002). Và rải rác trong các lời giới thiệu khác, ta cũng được biết nhà văn Albert Camus phủ nhận việc đồng hóa ông với Triết Lý Hiện Sinh của Sartre; nội dung trong các tiểu thuyết của ông thể hiện tính “Nghịch lý của Phi lý”; cụ thể như ta đánh giá cao đời sống trong khi ta biết đời người rồi thế nào cũng chết, hóa ra “đời này rất quan trọng nhưng lại là vô nghĩa” (trong “Wikipedia, the free encyclopedia”). Nghịch lý của Phi lý còn được gọi là “Triết học của Vô nghĩa” (Philosophie de l’Absurde), rõ ràng như “loài người lệ thuộc vào sự chết nên phải chiến đấu với vũ trụ mà vũ trụ thì không chết” (nhận định do ông Đỗ Thiên Thư trong bài “Albert Camus Và 3 Tác Phẩm “Kẻ Xa Lạ - Dịch Hạch - Và Ngộ Nhận”). Lời giới thiệu của ông Đỗ Thiên Thư có nói đến nhân vật chính, Mersault, không tìm ra cái gì để sống; có gì đâu hào hứng, có gì đâu để ham muốn, nên chỉ “nghe theo sự đòi hỏi của thân xác”. Nhưng theo nhận định của ông Nguyễn Khắc Hoạch (tức nhà thơ Trần Hồng Châu) thì thật ra Camus thể hiện lòng yêu đời man mác, bằng chứng ở trong tác phẩm “Noces” (Hôn Phối, có lẽ nghĩa bóng là sự gắn bó thắm thiết giữa nhà văn và cảnh trí miền Alger nồng ấm - ông Trần Thiện Đạo chuyển ngữ theo nghĩa bóng là Giao Cảm, giao cảm giữa người và thiên nhiên ven bờ Địa Trung Hải). Cảm giác hương vị trước thiên nhiên ở tác phẩm “Noces”, còn nhục cảm ta thấy có nhiều đoạn trong “Kẻ Xa Lạ”. Tác giả Trịnh Duy Mạnh trên mạng điện-tử “vnca.cand.com.vn” trong bài “Văn hào Pháp Albert Camus - Người xa lạ sớm được tôn vinh”, nhận định về việc đào sâu tính phi lý trong “Kẻ Xa Lạ”, hàm chứa ý nghĩa đích thực cho đời sống là chống lại sự phi lý xâm chiếm trần gian, như vậy đã “phát triển đạo đức mới dưới hình thức luận giải điểm cơ bản của Chủ Nghĩa Hiện Sinh”. Tác giả Trịnh Duy Mạnh có ghi lại lời của triết gia Sartre nói về Camus: “Camus không phải là một nhà hiện sinh, triết học của ông là một triết học của sự phi lý”, và Sartre nhắc lại lời của một người khác (nghĩa là Sartre cũng đồng ý nhận định này) phán đoán sự nổi loạn của Camus là “có sự suy tính” (Lời này có vẻ mỉa mai mà Sartre nhắc lại, nên Camus cắt đứt quan hệ tình bạn giữa hai người). Cũng trên mạng điện tử ấy, “vnca.cand.com.vn”, trong một bài khác nhan đề “Nhà văn Pháp Albert Camus - Danh Vọng Phù Du”, không thấy ghi tên nhưng chắc cùng tác giả (Trịnh Duy Mạnh), có những điểm làm sáng rõ tại sao Camus vẫn được các học giả xếp vào phong trào Triết Lý Hiện Sinh, dù ông đã phủ nhận; vì người ta vẫn thấy ảnh hưởng của Triết Lý Hiện Sinh chứa đựng trong các sáng tác của ông;  chống Phi Lý chỉ còn cách công nhận tính tất nhiên của nó. Điều này thể hiện trong hành động cứ tiếp tục lăn tảng đá lên đồi của SiSyphe trong “Huyền Thoại Sisyphe”; hoặc nhân vật Meursault bỏ mặc không kháng án bản án tử hình, chi-tiết trong “Kẻ Xa Lạ”. Nhắc lại bản dịch của ông Phạm Toàn về lời “Tuyên dương Camus đọc ở buổi trao giải Nobel Văn Chương 1957”, trong đó ông Thư ký Viện Hàn Lâm Thụy Điển nói đến một điều huyền ảo mà ta nghĩ chính là nguyên nhân khiến Camus đào sâu ý nghĩa Phi Lý: “đời đáng sống mà ai cũng phải chết” (Nghịch Lý Của Phi Lý, có nói ở đoạn trên). Nguyên nhân ấy là “Chủ Nghĩa Định Mệnh tiêu biểu cho vùng Địa Trung Hải mà gốc gác là niềm tin rằng ánh mặt trời huy hoàng của thế gian chẳng qua chỉ là thời khắc thoáng qua để rồi sẽ bị bóng râm che phủ”, và cũng nguyên nhân ấy dưới hình thức mô tả cụ thể hơn về không gian thời gain và tạo vật phai tàn dần: “cái đẹp kiểu Hy Lạp như ông từng được chiêm ngưỡng trong ánh sáng ngày hè nhạt nhòa dần bên bờ biển ĐịaTrung Hải tại Tipasa”. Trong lời “Giới Thiệu Sách Hay” của tác giả Hùng-Tuấn, thấy trên mạng “sachhay.org”, người giới thiệu đã cụ-thể-hóa tính máy móc của đời sống thể hiện ở việc ngày nào cũng như ngày nấy ta cứ làm đơn điệu những sinh hoạt thường lệ, “rập khuôn và buồn tẻ… như một con robot được lập trình”. Tác gỉa nhắc lại hành động của nhân vật cầm súng bắn chết người A- rập; đó là khi Meursault thấy người ấy rút ra một con dao, và vì lóa mắt: như vậy rõ ràng đã hành động tự vệ do ảo giác. Như thế thì đâu phải hành động máy móc. Máy móc có lẽ ở chỗ nhân vật bắn bồi thêm bốn phát súng nữa: máy móc hay cố sát tùy theo nguyên động lực nào mà nhân vât bị xâm nhập. Tác giả Hùng-Tuấn viết một câu diễn tả tư tưởng rủ bỏ tất cả của nhà văn Camus, lúc nhân vật Meursault từ chối Đức Tin trước thời gian cận kề bị thực-thi bản án tử hình: “Sự nổi giận của chàng đối với vị tuyên úy đã làm cho chàng mất hết mọi hy vọng ở kiếp sau”…Tóm tắt một số đặc điểm trong các bài giới thiệu kể trên, bây giờ trích dẫn văn của Camus trong “Kẻ Xa Lạ”, tuần tự theo bốn chủ đề, căn cứ từ bản dịch của ông Nguyễn Trần Sâm đang có trên  Internet: “daohieuvn.wordpresss.com”. Cũng xin nói thêm: Bài kiểu Trích Dẫn như thế này phải chăng là một việc làm ít công phu so với thể loại phê bình, nhận định, tiểu luận? Bài “Trích Dẫn…” này (và bài “Trích Dẫn Văn Của Sartre…” trước đây của cùng người viết) được thúc đẩy cần thực hiện do cảm hứng có sự liên tưởng giữa hai nhà văn lớn của Triết Lý Hiện Sinh. Tuy vậy, người viết lại theo đà việc trích dẫn kiệt tác thế giới, đã trích dẫn xong đến cuốn thứ ba. Việc này như một cố gắng Đọc Kỹ Và Ghi Nhận Thích Hợp những chỗ đặc sắc và sát với từng chủ đề, riêng trong “Kẻ Xa Lạ” gồm có:

1/ Người Xa Lạ Vì Những Phản Ứng Phi Lý, Trong Khi Đó Xã Hội Cũng Áp Đặt Phi Lý  - Lúc đó ông bảo vệ bước vào sau lưng tôi… Ông ấp úng nói: “Người ta che mặt mẹ anh đi rồi, nhưng tôi phải mở nắp quan tài ra để anh nhìn thấy bà ấy.” Ông ấy đi lại phía tôi, nhưng tôi đã ngăn lại. Ông ấy hỏi: “Anh không muốn nhìn à?” Tôi nói: “Không” (Đây là chi-tiết mà sau này quan tòa kết luận nhân vật Meursault vô cảm, liên kết nó vào vụ án anh bắn chết một người A-Rập) - Ông ấy bảo rằng tôi không muốn nhìn mặt mẹ (trong ngày tang lễ), rằng tôi còn hút thuốc, rằng tôi ngủ gật và sau đó uống cà-phê sữa… Thưa các vị bồi thẩm, chỉ sau khi mẹ chết một ngày, mà con người kia đi tắm, có quan hệ bất thường (ám chỉ nhân vật có quan hệ tình dục với Marie) và còn cười khi xem phim hài (Đây cũng lại là điều vô tình, bị nêu ra để kết tội, trong vụ án giết người đã nói trên). (Đoạn khác) - Cuối cùng thì tôi chỉ nhớ được rằng từ đường phố, xuyên qua khoảng không trong phòng xử, trong khi luật sư của tôi vẫn tiếp tục diễn thuyết, tiếng còi rao bán kem vọng lại đến tai tôi. Rồi từ đâu đó bỗng ùa tới những ký ức về một cuộc đời không thuộc về tôi nữa, nhưng trong đó tôi vẫn tìm thấy những niềm vui đáng thương nhất, và níu bám dai dẳng: hương vị của mùa hè, khu phố mà tôi yêu, bầu trời buổi tối và những chiếc áo choàng của Marie. Tất cả những thứ mà tôi tưởng như vô tích sự ở nơi này bỗng dâng lên chẹn ngang cổ họng tôi, và tôi chỉ muốn người ta kết thúc nhanh lên, để tôi trở về phòng giam và vùi vào giấc ngủ (Trưa hè oi bức trong phòng xử, có thể bị kết án tử hình, vậy mà tất cả không bằng cầu mong một giấc ngủ vùi vì quá mệt mỏi sau những dồn dập thẩm vấn: đây cũng là một phản ứng phi lý của nhân vật; như đã từng phi lý bắn liên tiếp bốn phát súng bồi thêm trên bờ biển giờ cháy nắng, được trích dẫn sau đây).

                                                             

2/ Nêu Rõ Hơn Về Phản Ứng Phi Lý: Hành Động Do Bản Năng Và Động Lực Sơ Đẳng - Đã hai giờ liền, quang cảnh không thay đổi, dường như thời gian đã thả neo trong lòng đại dương nóng bỏng.Tôi thoáng thấy một vết đen ở phía chân trời, và tôi đoán rằng đó là điểm mù trong vùng nhìn thấy của tôi, vì tôi vẫn không rời mắt khỏi người A-rập… Cái nóng làm tôi mất kiểm soát, và tôi bước thêm một bước… Tôi biết rằng như thế là điên rồ, rằng một bước đâu có thể làm tôi thoát khỏi cái nóng. Nhưng tôi đã bước.. Chỉ thêm đúng một bước.. Và lần này, thay vì lùi tiếp, tên A-rập rút dao (Ghi chú: tên A-rập cùng vài người A-rập khác đã từng đụng độ với Meursault và hai người bạn). Ánh nắng sáng quắc tóe ra từ lưỡi thép loang loáng… Đúng lúc đó, mồ hôi chảy từ lông mày xuống… làm hai mắt tôi bị xót và nhòa hẳn đi… Mọi thứ chung quanh tôi chao đảo.Từ phía biển, một luồng hơi nóng ập tới. Tôi cảm thấy bầu trời mở rộng cho cơn mưa lửa trút xuống. Cả người tôi căng lên. Tôi xiết chặt báng súng… Rồi một tiếng nổ khô khốc và đinh tai vang lên… Tôi lau mồ hôi và giơ tay xua cái nóng. Tôi hiểu rằng tôi đã phá hủy sự bình yên, sự yên tĩnh của buổi trưa hè trên bãi tắm, và tôi thấy nhẹ người. Rồi tôi bắn thêm bốn phát nữa vào khối thịt nặng nề… Chúng như bốn tiếng gõ vào cánh cửa của khổ đau… (Ta nên lưu ý nhân vật Meursault là người có tâm tính ôn hòa; trước đó đã từng bảo bạn đưa mình giữ cây súng lục, vì ngại người bạn nóng giận có thể gây án mạng). (Đoạn khác) - Khi đó tôi không biết vì sao có một cái gì đó bỗng bùng lên trong tôi. Tôi gào to hết cỡ và mắng nhiếc ông ta, bảo ông ta không cần cầu nguyện cho tôi… Từ một nơi rất xa trong tương lai của tôi, dọc theo toàn bộ kiếp sống vô lý mà tôi đã trải qua này, một dòng thác mờ mịt ập tới, xuyên qua những tháng năm còn chưa đến, và dòng thác đó san bằng trên đường đi của nó mọi thứ mà người ta đã đưa đến cho tôi trong những năm tháng mà tôi đã sống nhưng không còn thực nữa - (Đoạn khác)…vị quan tòa lại hỏi có đúng tôi đã bắn năm phát súng liên tiếp hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi chỉnh lại là tôi bắn một phát trước, sau đó bắn bốn phát liên tiếp. “Vì sao anh lại chờ một lúc mới bắn tiếp?”, ông ấy hỏi. Một lần nữa, tôi lại thấy bãi tắm màu đỏ và cảm thấy cái nóng thiêu đốt. Nhưng lần này tôi không trả lời… “Tại sao anh lại bắn vào một kẻ đang ngã xuống đất?”. Tôi vẫn im lặng (Phản ứng máy móc do cái nóng cháy của nắng, quy lại thành bằng chứng để bị kết tội cố-sát).

 

3/ Đời Vô Nghĩa, Nhân Vật Chỉ Hòa Hợp Với Vũ Trụ Lặng Thinh; Văn Diễn Tả Nghiêng Về Thi Tính -Tuy vậy, từ khi tôi bị tống giam tới giờ thì điều khó chịu nhất đối với tôi là tôi luôn nghĩ giống như người đang được tự do… Tiếp sau đó, tôi lại luôn có ý nghĩ của tên tù. Tôi chờ đến giờ đi dạo ở ngoài sân hoặc mong luật sư tới thăm. Thời gian còn lại tôi thu xếp khá ổn. Vào những lúc như vậy, tôi thường nghĩ là nếu người ta cho tôi sống trong một thân cây khô, và không có việc gì khác ngoài việc nhìn bầu trời qua một cái khe nhỏ, thì tôi cũng sẽ quen. Tôi sẽ mong có những cánh chim hay những đám mây trôi ngang qua… Còn có những người bất hạnh hơn cả tôi. Đó cũng là ý nghĩ của mẹ tôi, và bà hay nhắc đi nhắc lại rằng cuối cùng thì người ta sẽ quen với mọi thứ. (Đoạn khác)- Một hôm, người gác ngục nói với tôi rằng tôi đã ở tù được năm tháng… tôi soi mặt mình trong cái cà-mèn sắt.Tôi cảm thấy vẻ mặt tôi trong đó quá nghiêm trang, ngay cả khi tôi cố mỉm cười… Ngày kết thúc, và đến cái giờ mà tôi không muốn nói đến, giờ không tên, lúc những tiếng động của bóng tối dội lên mọi tầng của khu nhà tù vắng lặng… (Đoạn khác) - Trong bóng tối của nhà giam bồng bềnh và  trong trạng thái mệt nhoài, tôi lại nghe thấy từng âm thanh quen thuộc của một thành phố tôi yêu, vào thời khắc mà cảm giác hài lòng đến với tôi. Tiếng rao của những người bán báo trong khung cảnh yên bình, tiếng chim kêu trong công viên, tiếng mời gọi của người bán sandwich, tiếng tàu điện nghiến vào đường ray ở chỗ quay cuối đường và tiếng ồn từ ngoài cảng vọng về…

 

4/ Cảm Thức Điều Nghịch Lý Của Phi Lý, Bình Thản Trước Cái Chết - Tôi nêu ra giả thuyết tồi tệ nhất; đơn kháng án của tôi bị bác.”Tốt thôi, tôi sẽ chết”. Điều đó rõ ràng hơn bất cứ thứ gì. Nhưng ai mà chả biết cuộc đời có gì đáng sống lắm đâu. Trong thâm tâm, tôi biết rằng chết ở tuổi ba mươi hay sáu mươi không quan trọng lắm… Bao giờ thì kẻ chết cũng là tôi, dù bây giờ hay hai mươi năm sau… có những người đàn ông và đàn bà khác sống tiếp, và cứ thế hàng ngàn năm. (Đoạn khác) - Ông ta đi rồi, tôi thấy bình thản trở lại. Nhưng tôi thấy kiệt sức và nằm vật xuống chiếc ghế dài.Tôi nghĩ  tôi đã ngủ thiếp đi, vì khi mở mắt thì đã thấy sao trên trời. Những âm thanh của vùng quê vọng đến tai tôi. Những mùi hương của đêm và của muối biển làm tôi thấy dễ chịu ở hai bên thái dương… Vào lúc đó ranh giới giữa ngày và đêm, những chiếc còi tàu thủy hú lên. Chúng báo hiệu khởi hành đối với cái thế giới mà bây giờ tôi hoàn toàn không còn quan tâm nữa. Lần đầu tiên sau cả một thời gian dài, tôi nghĩ đến mẹ… Ở phía đằng kia, cả phía đằng kia, quanh cái trại dưỡng lão đó, nơi những cuộc đời đang tắt dần, không gian yên lặng một cách thê lương. Khi cái chết cận kề, chắc mẹ cũng cảm thấy được giải thoát và sẵn sàng tái sinh. Dường như cơn thịnh nộ đã tẩy rửa cảm giác bất hạnh khỏi tôi; lòng tôi trống rỗng, không hy vọng. Trước cái đêm đầy sao và những dấu hiệu khác thường, lần đầu tiên tôi mở lòng trước sự vô tình êm ái của thế giới… tôi chỉ còn mong rằng sẽ có rất nhiều người đến xem xử trảm tôi và họ sẽ thét lên những tiếng đầy căm phẫn. (Họ căm phẫn vì cũng phán đoán Meursault người vô cảm, và là kẻ cố sát).

 

City of Walnut, California, tháng 4 năm 2014

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 4876
Ngày đăng: 05.05.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dục tính trong truyện của D.H.Lawrence(1) - Võ Công Liêm
Về bản chất - Nguyễn Hồng Nhung
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 10] - Phạm Tấn Xuân Cao
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 9] - Phạm Tấn Xuân Cao
Giải phẫu sự u sầu - Nguyễn Hồng Nhung
Thấy bệnh và thấy tánh - Hồ Dụy
Khi " Lòng Nhân Ái " bị tê cóng, bại liệt! - Nguyễn Anh Tuấn
Bản chất con người - Võ Công Liêm
Cảm thức Tha-Ngã Luận [KÌ 8] - Phạm Tấn Xuân Cao
Cảm thức lưu vong trong tiểu thuyết của Milan Kundera - Trần Thanh Hà
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)