Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
757
115.994.990
 
Cao Thị Hồng: Người cần mẫn, sáng tạo trên cánh đồng văn chương...
Trần Hoài Anh

        

    

        1. Tự bao đời, văn chương không chỉ là niềm đam mê mà còn là một định mệnh. Sự chọn lựa văn chương, vì thế, không chỉ là sự chọn lựa bình thường mà đó là sự đặt để của số phận. Đọc các tác phẩm lý luận - phê bình của Cao Thị Hồng, tôi có cảm giác, hình như số phận đã chọn chị như một thiên sứ của văn chương, cần mẫn khám phá những lý thuyết tưởng chừng  khô khan ấy để sáng tạo những vấn đề lý luận không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn, điều mà không phải người cầm  bút nào cũng có khả năng chiếm lĩnh. Lý luận - phê bình, vì thế là một vùng đất không bao giờ “bình yên” của cánh đồng văn chương. Đây là mảnh đất ít người muốn dấn thân vào, kể cả giới “mày râu”, huống chi, chị lại là một phụ nữ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự chọn lựa con đường sáng tạo trong lĩnh vực lý luận - phê bình của Cao Thị Hồng, phải chăng là sự chọn lựa của định mệnh. Và có lẽ, đây chính là khởi nguyên cho sự dấn thân của chị trên hành trình sáng tạo văn chương của mình.

 

     Niềm đam mê và sự dấn thân của Cao Thị Hồng như con ong cần mẫn hút nhụy hoa để đem đến cho đời mật ngọt, như người nông dân cần cù lam lũ trên cánh đồng để tạo nên những mùa gặt lớn. Và mùa gặt của Cao Thị Hồng đã “bội thu” bằng các công trình nghiên cứu bề thế, đầy đặn liên tục xuất hiện trên văn đàn chỉ trong hai năm với hai tác phẩm: Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) (chuyên luận, Nxb. Hội Nhà văn, 2011) và Lý luận - phê bình văn học – Đổi mới và sáng tạo (tiểu luận - phê bình, Nxb. Hội Nhà văn, 2013). Và điều đặc biệt, cả hai tác phẩm đều đạt giải thưởng chính thức của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam về lý luận - phê bình trong năm 2011 và 2013.

 

       Thật ra, vấn đề hai tập lý luận - phê bình của Cao Thị Hồng (cũng như một số các tác giả khác) được trao giải của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng chưa nói lên điều gì về tài năng của người được trao giải. Nhất là khi việc xét và trao các giải thưởng của chúng ta hiện nay có những điều chưa thật thuyết phục. Nhưng dẫu sao, giải thưởng cũng là một ghi nhận cần thiết cho những nỗ lực và cố gắng của người cầm bút, nó như một minh chứng cho sự hiện hữu của nhà văn trên văn đàn.   

 

      2. Đọc chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) của Cao Thị Hồng, điều dễ nhận thấy là sự cần mẫn hệ thống những vấn đề lý luận văn học của thời kỳ đổi mới trên tinh thần học thuật để thẩm định giá trị của chúng như: Đổi mới lý luận văn học Việt Nam sau 1986: Nguyên nhân và diện mạo; Vận động tư duy xung quanh một số vấn đề lý luận văn học cơ bản; Tiếp thu lý luận văn học hiện đại thế giới. Đây là những vấn đề không hề giản đơn nếu không muốn nói là rất hóc búa mà nếu người viết không có một tư duy tư biện sắc sảo, một khả năng lập luận chặt chẽ, khả năng tổng hợp và phân tích tinh tế và đặc biệt là khả năng nghiên cứu độc lập, sáng tạo, một phẩm chất quan trọng của người nghiên cứu khoa học thì không dễ gì thực hiện được. Tuy nhiên, rất may, ở Cao Thị Hồng lại hội đủ những phẩm chất ấy nên công trình Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) của chị đã có những đóng góp nhất định trong việc mở ra những chân trời mới cho nền lý luận văn học nước nhà. Đặc biệt, công trình đã khẳng định những đóng góp của lý luận - phê bình văn học dân tộc thời kỳ đổi mới mà theo tác giả “Đổi mới chính là điểm khởi đầu của một thời kỳ lớn – thời kỳ hội nhập với thế giới hiện đại trong thế kỷ XXI. Đổi mới lý luận chính là hiện đại hóa lý luận trên tinh thần nhận thức lại, phát triển, bổ sung và hoàn thiện nhiều vấn đề cho phù hợp với thời đại.” (1) Và trên cơ sở nhận thức mang tính khoa học và cách mạng, với một tư duy lập luận chặt chẽ, tác giả đã có những kiến giải thấu tình, đạt lý về những vấn đề lý luận văn học đã và đang đặt ra trong đời sống văn học. Chẳng hạn, khi bàn về vấn đề đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, trên cơ sở phân tích những điểm nhìn mới về con người từ thực tiễn sáng tác như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Bến không chồng (Dương Hướng), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) và Đêm thánh nhân (Nguyễn Đình Chính), tác giả đã đặt ra một vấn đề lý luận khá sắc sảo đó là: “Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người đòi hỏi lý luận phải cắt nghĩa vấn đề con người trong tác phẩm văn học từ phương diện tâm sinh lý ở tầm văn hóa cao và tầm mỹ học sâu sắc.” (2) Đây là một yêu cầu đúng đắn phù hợp với xu thế của lý luận văn học hiện đại thế giới. Bởi chính điều này sẽ giúp cho người sáng tác và người làm lý luận phê bình “ly khai” với lối mô phỏng hiện thực theo kiểu giản đơn, công thức, một chiều cũng như lối phê bình xã hội học dung tục đã làm cho nền lý luận phê bình văn học của chúng ta nghèo nàn, lạc hậu so với thế giới, ở một thời chưa xa mà hôm nay có nguy cơ đang trở lại trên văn đàn. Và trên tinh thần nhận thức sâu sắc về sự đổi mới lý luận văn học, tác giả đã khẳng định giá trị của lý luận văn học thời kỳ đổi mới, đó là một nền lý luận: “Đề cao tinh thần biện giải, xới lật, mạnh mẽ phê phán các giáo điều lý luận xơ cứng phiến diện. (...) Tinh thần biện giải, xới lật đó là sự tự phê phán, tự phản tỉnh đối với những mô thức hóa của lý luận văn học, không còn thích ứng với nhu cầu phát triển của sáng tác văn học nghệ thuật, định giá lại một số giá trị bị coi là nhất thời thậm chí là giá trị ảo, những phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu đã từng được coi là khoa học, là tối ưu giờ bộc lộ những bất cập, thậm chí chính nó là nguyên nhân gây nên sự trì trệ của nền văn học.” (3) Mặt khác, từ sự đổi mới phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu lý luận văn học cũng như những khác biệt khi bàn về vấn đề phản ánh hiện thực của văn học trước và sau thời kỳ đổi mới, Cao Thị Hồng đã nêu ra yêu cầu đối với văn học trong việc phản ánh hiện thực đó là “Khi cái nhìn về hiện thực trong văn học nghệ thuật khách quan hơn, vai trò của người sáng tác được nâng lên một tầm cao mới thì cũng là lúc xã hội kỳ vọng cao hơn về người nghệ sĩ: Nghệ sĩ phải là người luôn chủ động và có bản lĩnh đi đến cùng để tìm kiếm và kiến tạo nên một thế giới hiện thực luôn luôn mới mẻ và hấp dẫn” (4)

    Văn chương bao giờ cũng là sự “vẫy gọi”!? Và tiếng gọi thao thiết từ  cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi ở nhà văn sự “dấn thân” (Jean - Paul Sartre), sự “xuống thuyền” (Albert Camus) thì mới thấu cảm được số phận của con người, từ đó mới sáng tạo nên những tác phẩm văn học có giá trị nhân bản. Và nói như đại thi hào Nguyễn Du, một nhà nho với tư tưởng thấm đẫm triết lý phương Đông thì văn chương đích thực phải là sự kết tinh từ “nỗi đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”. Xem ra, giá trị nhân bản của văn chương từ cái nhìn triết mỹ của Đông / Tây cũng không có những khác biệt lớn. Bởi nếu không “dấn thân”, không “xuống thuyền”, không lăn lộn vào cuộc sống thì nhà văn sẽ không thể nào phản ánh được chiều sâu nhân bản của số phận con người. Văn chương đích thực không bao giờ là thứ văn chương hời hợt viết theo đơn đặt hàng hay cổ xúy cho một phong trào nào đó mà phải là thứ văn chương lặn sâu vào cuộc sống con người để từ đó bật lên những thanh âm vang vọng từ các vấn đề của thế sự và nhân sinh. Và đó mới là thứ văn chương đúng nghĩa, thứ văn chương của mọi thời chứ không phải là thứ văn chương của một thời.

 

   Một vấn đề khác cũng cần nói đến trong chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) đó là vấn đề “nhận thức mới xung quanh khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa sau 1986” mà theo Cao Thị Hồng đây là một trong những vấn đề căn bản của việc đổi mới tư duy lý luận văn học thời kỳ đổi mới. Bởi từ lâu phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đã trở thành độc tôn trong sáng tác và phê bình văn học ở nước ta. Mặc dù, phương pháp này cũng có đóng góp nhất định nhưng những giới hạn của nó trong việc tạo ra những sáng tác văn học mang tính minh họa khi nhà văn viết theo quán tính, chỉ phản ánh cái “hiện thực phải có” chứ không phải phản ánh cái “hiện thực vốn có”. Vì vậy, nó đã làm hạn chế cái nhìn của nhà văn khi phản ánh hiện thực vào tác phẩm cũng như cái nhìn của nhà phê bình khi đánh giá các hiện tượng văn học mà theo Cao Thị Hồng “Khi đặt lại vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa các nhà lý luận đổi mới không phủ nhận việc chính trị hóa văn học khi nó mang tính “hợp lý lịch sử”, nhưng cũng đúc kết bài học: nếu chính trị hóa văn học trở thành công thức, kéo dài nguyên tắc giáo điều thì sẽ là một vật cản lớn đối với con đường phát triển của văn học nghệ thuật.” (5)

 

         Xuất phát từ nhận thức có ý nghĩa khoa học và thực tiễn như đã phân tích ở trên, trong chuyên luận này, Cao Thị Hồng đã dành một phần trí tuệ và tâm huyết của mình để nghiên cứu về việc tiếp thu lý luận văn học hiện đại thế giới trong thời kỳ đổi mới. Có thể nói, đây là phần viết khá sâu sắc và có những đóng góp đáng kể của tác giả vào việc khắc họa chân dung của lý luận - phê bình văn học dân tộc thời đổi mới trên nhiều bình diện như: mở rộng biên độ giao lưu tiếp thu tư tưởng học thuật; tác động của lý luận văn học hiện đại thế giới đối với lý luận nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam; Bổ sung thay đổi một số khái niệm lý luân văn học; trong đó đặc biệt hơn cả là việc hình thành các phương pháp nghiên cứu phê bình văn học mới mà trước đổi mới chưa có như thi pháp học, phân tâm học, tự sự học. Và từ việc phân tích những thành tựu của lý luận văn học thời kỳ đổi mới tác giả đã khẳng định việc “tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng lý luận văn học hiện đại của nhân loại (chủ yếu là tư tưởng của Phương Tây) cùng tư tưởng lý luận văn học cổ điển phương Đông, di sản văn học dân tộc và thực tiễn sáng tạo nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình ở nước ta đã nỗ lực xây dựng một hệ thống lý thuyết mới (...) hệ thống lý thuyết này chính là nền tảng, là công cụ để giải quyết các vấn đề nghiên cứu phê bình văn học đang đặt ra hết sức cấp bách trong thời đại nền văn hóa và văn học nước nhà bước vào hội nhập toàn cầu.” (6) Vì vậy, có thể nói chuyên luận này là một đóng góp không nhỏ của Cao Thị Hồng trong việc phác họa chân dung khá hoàn chỉnh về diện mạo của lý luận - phê bình văn học thời đổi mới mà GSTS Trần Đình Sử khi đánh giá chuyên luận này đã cho rằng: “Phân tích, bình luận các thành tựu, tác giả đã chú ý đến những chỗ phản biện, tranh luận về học thuật để đi tới đổi mới” (7) là những điều đặc sắc trong tư duy lý luận của Cao Thị Hồng. Và có thể nói, đây cũng là dấu ấn quan trọng của Cao Thị Hồng trong tác phẩm đầu tay, một tác phẩm đánh dấu con đường dấn thân của chị vào cánh  đồng văn chương lý luận – phê bình văn học.

 

    Song đọc các tác phẩm của Cao Thị Hồng về lý luận - Phê bình, chúng ta không chỉ thấy khả năng của tác giả trong lĩnh vực lý luận văn học mà còn thấy sự sáng tạo của chị trong phê bình văn học và điều đó đã hiển lộ trong tác phẩm Lý luận phê bình văn học, đổi mới và sáng tạo. Nhìn tên sách ta thấy Cao Thị Hồng là người rất thủy chung với lý luận – phê bình văn học thời đổi mới mà chị đã chọn lựa như một sự dấn thân vào cánh đồng văn chương của lý luận phê bình. Tác phẩm này là sự tiếp nối những suy tư, trăn trở của tác giả về những điều đã đặt ra trong tác phẩm Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011) trước đó. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, tác giả đặt tiêu đề cho hai phần chính trong tác phẩm này là “Từ đổi mới lý luận văn học... Đến sáng tạo trong phê bình văn học”. Và có lẽ phần ấn tượng đối với độc giả trong tác phẩm này là những trang văn phê bình tài hoa của một nhà phê bình văn học thông minh, sắc sảo nhưng cũng không kém phần lãng mạn của một nghệ sĩ khi viết phê bình. Điều mà không phải nhà phê bình nào cũng có (vì hình như Nữ nhà văn Cao Thị Hồng còn làm thơ và đã có tác phẩm thơ đã xuất bản !?).

 

      Tôi rất ấn tượng với tên gọi của những bài phê bình như: Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá – cộng hưởng của những thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật;  Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm – cuộc tìm kiếm đầy ham muốn; Ngôn ngữ thơ Hiến Mặc Chất – cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thơ ca và âm nhạc... Chỉ nhìn vào cách đặt tiêu đề các bài viết đã cho thấy người viết trân quí đối tượng nghiên cứu của mình như thế nào!? Cách đặt tên này đã đem đến cho người đọc những mỹ cảm sâu sắc, điều rất cần cho các bài lý luận - phê bình văn học vốn được xem là khô khan và ít  hấp dẫn độc giả.

 

Song chất lượng ở các bài phê bình của Cao Thị Hồng không chỉ hấp dẫn ở tên gọi của các tiêu đề luôn có sức ám gợi mà còn lôi cuốn người đọc bởi  những trang văn giàu triết mỹ và đậm chất nhân văn của chị khi cảm thụ các tác phẩm văn học dù ở bất cư thể loại nào. Luận bàn về “Nghệ thuật xây dựng kiểu nhân vật tha hóa trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975”, trên cơ sở phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa của con người trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh, Cao Thị Hồng cho rằng:“Hiểu, thấm thía và đau đớn chân thành cùng dân tộc với những vết thương nhức nhối khó lành sau chiến tranh, nên mặc dù viết về những con người biến chất xấu xa, thậm chí đến quái gở giữa cuộc đời, Lê Minh Khuê vẫn chắt chiu và nâng niu những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kỳ diệu của thiên lương còn ẩn náu trong họ. (...) Đặt nhân vật trong nhiều quan hệ khác nhau, nhà văn soi ngắm số phận cá nhân để từ đó khái quát những vấn đề nhân thế. Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, từ niềm cảm thông sâu sắc với số phận con người trong bao biến thiên của cuộc sống, từ ý thức kỳ vọng về sự bền vững của cái đẹp, cái thiện chế ngự cái xấu, cái ác, những trang văn của Lê Minh Khuê bên cạnh sự lạnh lùng, khách quan còn thấm đượm niềm trắc ẩn, xót xa và nỗi buồn. Đọc hiểu những ẩn ngữ trong văn chương của chị, chúng ta có quyền hy vọng: Ngày mỗi ngày rồi con người sẽ sống tốt đẹp hơn.” (8) Hoặc, khi cảm nhận về ngôn ngữ thơ Hiền Mặc Chất, tác giả viết: “Sức hấp dẫn muôn đời của thi ca là ở khả năng khơi gợi, đem đến cho người tiếp nhận cảm giác về sự vật trong toàn thể tính sống động của nó thay vì chỉ biết về sự vật đó như là một ý niệm, địa hạt hoạt động chính của ngôn từ thi ca phải là địa hạt của hình dung. Những câu thơ hay không bắt người ta hiểu rồi mới yêu, âm nhạc của nó đi vào tâm hồn con người ta trước khi kịp hiểu cặn kẽ nó là cái gì. Với tinh thần tiếp thu văn hóa dân gian nghiêm túc, sáng tạo, thiết nghĩ rằng ngôn từ thơ Hiền Mặc Chất đã cảm hóa lòng người từ mạch nguồn tươi mát nhưng đầy triết lý nhân sinh.”(9) Có thể nói, từ những ví dụ nêu trên trong một bài viết không thể trích dẫn nhiều hơn cũng cho thấy thiên năng đặc biệt của Cao Thị Hồng trong cảm thụ văn học với tư cách của một nhà lý luận phê bình. Sự tinh tế đầy sáng tạo ấy đã bước đầu khẳng định năng lực của chị trong lĩnh vực lý luận phê bình mà với tư cách là một Nữ nhà văn ít ai dám dấn thân và chọn lựa.

  3. Lý luận - phê bình luôn là lĩnh vực gay go và nhạy cảm đòi hỏi người cầm bút không chỉ có một kiến văn uyên bác mà còn cần có một bản lĩnh khoa học và một cái nhìn tinh tế trước những vấn đề của đời sống xã hội vốn không bao giờ bình lặng. Vì vậy, những gì mà Cao Thị Hồng gặt hái được từ sự góp nhặt cần mẫn để sáng tạo trên cánh đồng văn chương chỉ là những thành công bước đầu chưa thể khẳng định được điều gì trong sự nghiệp văn chương của chị cũng như chỗ đứng của chị trên văn đàn nói chung và trong lĩnh vực lý luận - phê bình nói riêng. Tất cả tương lai văn học của chị cũng như tương lai của nền văn học dân tộc trong đó có nền lý luận - phê bình văn học hãy còn ở phía trước đang rất cần sự góp sức của nhiều nhà văn trong đó có Nữ nhà văn Cao Thị Hồng. Dấn thân vào lĩnh vực lý luận - phê bình là dấn thân vào chân trời của triết học và mỹ học, một lĩnh vực mà không dễ ngày một ngày hai chúng ta chiếm lĩnh được. Với Cao Thị Hồng điều ấy cũng là một thử thách và một khoảng trống cần được lấp đầy. Làm được điều này chắc chắn Cao Thị Hồng sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn nói chung và trong nền lý luận - phê bình văn học nói riêng. Tôi tin và tôi đang chờ đợi điều kỳ diệu đó ở chị, một Nữ nhà văn đang góp nhặt cần mẫn và sáng tạo trên cánh đồng lý luận - phê bình văn học để đem đến cho đời những trái ngọt văn chương. Ý thức được điều này trong hành trình sáng tạo văn học của mình, Cao Thị Hồng sẽ là một trong những Nữ nhà văn tiểu biểu của nền lý luận - phê bình văn học nước nhà không chỉ ở thời kỳ đổi mới...

                                   Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp, ngày 18/3/2014

   

Chú thích:

 

(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) Cao Thị Hồng, Một Chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 – 2011),  Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011, tr. 295, tr. 24, tr. 42, tr.105, tr.128, tr. 298, tr. 4 bìa sách,

(8) (9) Cao Thị Hồng,  Lý luận - phê bình văn học – Đổi mới và sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013, tr. 252, 253, tr. 257, 258

 

      

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 3117
Ngày đăng: 30.05.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đặng Châu Long đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Trương Văn Dân
Rỡ mình lạ vẻ cân đai, hãy còn hàm én mày ngài như xưa. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Lê Đình Cánh và bài thơ tình " Trăng nở nụ cười" Thị Nở - Chí Phèo - Phạm Ngọc Thái
Một chút thôi mà thấm đẫm tình! - Nguyễn Nguyên Phượng
Đọc "Thơ tình với Sài Gòn" của Ngô Thị Hạnh - Nhị Ka
Mai Hồng Niên "bâng khuâng thức giữa câu Kiều" - Nguyễn Anh Tuấn
Trích dẫn văn của Sartre (tuần tự theo lời giới thiệu của Phùng Thăng trong bản dịch cuốn "Buồn nôn") - Trần Văn Nam
Sự dung hợp thể loại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái nhìn từ những vỉa tầng văn hóa - Trần Thị Ty
Như một tráng ca - Phan Bá Ất
Nguyễn Trãi lại trở về cổ vũ con cháu của Người - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)