Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
796
116.012.238
 
Ngọc Châu giới thiệu phần 6 tập "108 Bài thơ Đường chọn dịch"
Ngọc Châu

 

 
 

24. TRƯƠNG HÚC

                                                               (658 - 747)

            Trương Húc tên chữ Bá Cao, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Ông là nhà thơ và là nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Đường, Trung Quốc. Trong thời Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, Trương Húc làm quan đến Thường Thục Úy, về sau thăng đến Hữu suất Phủ trưởng, nên còn được gọi là Trương Trưởng sử. Ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Nhược Hư và Bao Dung được người đương thời liệt vào “Ngô trung tứ sĩ” (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ngoài tài thơ, hay rượu, Trương Húc còn là một nhà thư pháp nổi tiếng. Đặc biệt ông giỏi “cuồng thảo”,là một trong nhiều hình thức viết chữ trong nghệ thuật thư pháp. Do vậy, ông và Hoài Tố, người cùng thời, được người đời xưng tụng là “Cuồng thảo nhị tuyệt” tức hai bậc tuyệt đỉnh về cuồng thảo, là “Điên Trương, Tu‎ý Tố” nghĩa là Trương Húc điên và Hoài Tố say.Tương truyền, Trương Húc đã lấy cảm hứng từ những màn múa kiếm của Công Tôn Đại Nương rồi đưa vào phong cách viết đặc biệt của mình..


 

                          41.  ĐÀO HOA KHÊ

Nguyên tác                       谿

隱 隱 飛 橋 隔 野 煙


石 磯 西 畔 問 漁 船


桃 花 盡 日 隨 流 水


洞 在 清 溪 何 處 邊

Phiên âm :                    Đào hoa khê

Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,

Thạch kỵ tây bạn vấn ngư thuyền :

Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy,

Động tại thanh khê hà xứ biên?

Dịch thơ:                     

                               Suối hoa đào

                                    Phạm Đình Nhân

                                              Dịch 2004

Một chiếc cầu treo ẩn khói sương,

Hỏi thăm thuyền cá đậu bờ mương

Ngày tàn nước chảy hoa trôi hết,

Động tại khe xanh, đâu nẻo đường?

 

 

                                 Suối hoa đào

                                                     Ngọc Châu

                                                     Dịch 2013

 

Cầu treo ẩn giữa khói sương

Hỏi thuyền câu tựa bờ mương đôi lời:

Ngày tàn nước chảy hoa trôi

Khe xanh tìm đến mong người chỉ cho?

 

 

25. TRƯƠNG KẾ

( - 756 - )

Tên chữ là Ý Tốn. Quê Tương Châu (Hồ Bắc). Đỗ Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 14 đời Đường Huyền Tông (năm 756), làm chức Diêm thiết Phán quan. Cuối đời Đường Đại Tông, vào triều làm Tư bộ Viên ngoại lang.

 

42. PHONG KIỀU DẠ BẠC

Nguyên tác :                      

                        月  落  烏  啼  霜  滿  天

                        江  楓  漁  火  對  愁  眠

                        姑  蘇  城  外  寒  山  寺

                        夜  半  鐘  聲  到  客  船

 

Phiên âm :        Phong kiều[1] dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô[2] thành ngoại Hàn Sơn tự[3]

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

                  Thuyền đêm đậu bến Phong Kiều

                                    Phạm Đình Nhân

                                              Dịch 2004

 

1. Quạ réo, trăng tà trời đẫm sương,

Bến phong, ánh lửa, giấc sầu vương.

Cô Tô, đêm vắng Hàn Sơn tự

Vẳng tiếng chuông ngân tới chủ xuồng.

                                                  

                                             Dịch 2011

 

2. Trăng tà, quạ rú, trời sương,

Bến Phong, ánh lửa, buồn vương giấc hồ

Hàn San ngoài trấn Cô Tô

Nửa đêm vẳng tiếng chuông chùa vọng ngân

 

            Thuyền đêm đậu bến Phong Kiều

 

                                    Ngọc Châu

                                              Dịch 2013

        

          Quạ kêu sương lúc trăng tà

          Cầu Giang ánh lửa lập lòa sương đêm

          Cô Tô ai đậu con thuyền

            Hàn San chuông gọi nửa đêm vọng về.

       

26. TRƯƠNG TỊCH

(765 – 830)

 

Trương Tịch tự là Văn Xương. Quê ở Ô Giang, Hoà Châu tỉnh An Huy. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 799 đời Đường Đức Tông. Đang làm Bí thư lang, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ. Rồi lên chức Thuỷ bộ Viên ngoại lang. Cuối cùng làm Quốc tử tư nghiệp.

 

43. TIẾT PHỤ NGÂM

 

Nguyên tác :                    

君  知  妾  有  夫

贈  妾  雙  明  珠

感  君  缠  绵  意

系  在  红  羅  孺

                        妾  家  高  樓  連  苑  起

                        良  人  執  戟  明  光  裏

                        知  君  用  心  如  日  月

                        师  夫  誓  擬  同  生  死

                        完  君  明  珠  雙  淚  垂

                        恨  不  相  逢  未  嫁 

 

Phiên âm :                    Tiết phụ ngâm

Quân tri thiếp hữu phu,

Tặng thiếp song minh châu.

Cảm quân triền miên  ý,

Hệ tại hồng la nhu.

Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,

Lương nhân chấp kích Minh Quang lý.

Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt.

Sư phụ thệ nghĩ đồng sinh tử.

Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ,

Hận bất tương phùng vị giả thi.

 

Dịch thơ :                     Khúc ngâm tiết phụ

                                    Phạm Đình Nhân

                                              Dịch 2007

Biết em đã có chồng,

Tặng em đôi ngọc châu.

Cảm ơn chàng ngỏ ý,

Bên mình em giữ lâu

Lầu gác nhà em gần ngự uyển,

Chồng em đứng gác cửa Minh Quang.

Biết chàng tâm sáng như vầng nguyệt,

Tình nghĩa vợ chồng cốt  thuỷ chung.

Gửi lại hạt châu đôi dòng lệ,

Tiếc không cùng gặp lúc còn xuân.

 

 Tiết phụ ngâm

 

                                                Ngọc Châu

                                                Dịch 2012

 

                   Biết rằng em có chồng

                    Vẫn tặng đôi châu ngọc

                        Giấu tình chàng trong bọc

                    Cài vào áo lót hồng

Lầu nhà, Ngự Uyển gần không

Chồng  vác kích canh cửa hồng Minh Quang

Biết lòng chàng sáng như gương

Nghĩa phu thê em phải mang trọn đời

Ngọc châu trả lại chàng thôi

Tiếc thay người chẳng gặp người trước kia.

                       

 

27. VƯƠNG CHI HOÁN

 

Vương Chi Hoán quê ở Tịnh Châu nay là huyện Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.  Ông sinh vào thời nhà Đường. Thơ ông nổi tiếng một thời, thường hay cùng  với Vương Xương Linh, Thôi Quốc Phu và Trịnh Hộ xướng hoạ. Ông thi nhiều lần không đỗ. Thơ của Vương Chi Hoán thường được các nhạc công thời đó phổ nhạc

 

44. XUẤT TÁI

Nguyên tác :          

黃  河  遠  上  百  雲  間

一  片  孤  城  萬  仞  山

笛  羌  何  須  怨  楊  柳

春  風  不  度  玉  門  關

 

 

Phiên âm :                           Xuất tái

Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian,

Nhất phiến cô thành  vạn nhận[4]  san.

Khương[5]  địch hà tu oán dương liễu,

Xuân phong bất độ Ngọc Môn[6]  quan.

 

Dịch thơ :                     Ra ngoài biên ải

 

                                    Phạm Đình Nhân

                           Dịch 2006

Hoàng Hà xa tắp trắng mây đan

Một bức thành đơn giữa núi ngàn.

Tiếng sáo Khương sao ai oán liễu,

Gió xuân chẳng đến Ngọc Môn quan.

 

                                   Ngoài biên ải

 

                                    Ngọc Châu

                                              Dịch 2013

 

Hoàng Hà mờ trắng mây đan

Trường thành đơn độc giữa ngàn non xa

Sáo Khương ai oán liễu tà

Gió xuân chẳng đến quan hà Ngọc Môn

 

45. ĐĂNG QUÁN TƯỚC LÂU

 

Nguyên tác :                      

白  日  依  山  盡

黄  河  入  海  流

欲  窮  千  里  目

更  上  一  層  樓

 

Phiên âm :        Đăng  Quán Tước lâu

Bạch nhật y sơn tận,

Hoàng Hà nhập hải lưu.

Dục cùng thiên lý mục,

Cánh thướng nhất tằng lâu.

 

Dịch thơ :         Lên lầu Quán Tước

              

                                     Phạm Đình Nhân

                           Dịch 2006

Mặt trời đã khuất núi cao,

Hoàng Hà uốn lượn chảy vào biển khơi.

Muốn nhìn ra tận chân trời,

Một tầng lầu nữa, xin mời leo lên.

 

Lên lầu Quán Tước

 

                                                Ngọc Châu

                               Dịch 2013

 

Mặt trời khuất hẳn phia non cao

Uốn lượn Hoàng Hà nhập biển trào

Ai muốn nhìn nơi trời tiếp đất

Mời leo tầng nữa thử xem sao.

 

28. VƯƠNG DUY

(699 – 759)

 

Vương Duy tên chữ là Ma Cật, người huyện Ky thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi đời Đường Huyền Tông, làm quan đến Lại Bộ Lang trung. Khi có loạn An Lộc Sơn, ông bị ép ra làm việc. Sau hết loạn, ông được tha và phục chức nhờ ở bài thơ Ngưng Bích trì. Về sau ông làm đến Thượng thư Hữu thừa. Ông còn giỏi về âm nhạc và hội họa. Tranh sơn thuỷ của ông nổi tiếng đại biểu cho phái Nam Tông. Người đời thường khen ông là “trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ”. Đối với Phật giáo đương thời, ông có địa vị cao trong Thiền phái Nam tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật (Lý Bạch được gọi là Thi Tiên, Đỗ Phủ được gọi là Thi Thánh)

 

 

46. NGƯNG BÍCH TRÌ

 

Nguyên tác :                    

                        萬  户  傷  心  生  也  烟

                        百  何  官  日  再  朝  天

                        秋  槐  花  落  空  宮  俚

                        凝  璧  池  头  奏  管  絃  

 

Phiên âm :                    Ngưng Bích trì

Vạn hộ thương tâm sinh dã yên,

Bách quan hà nhật tái triều thiên.

Thu hòe hoa lạc không cung lý,

Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền.

 

Dịch thơ :                    

                     Ao Ngưng Bích (1)

                                    

                                      Phạm Đình Nhân

                            Dịch 2004

Muôn dân đau khổ bao giờ yên?

Quan lại khi nào được yết thiên?

Hoa hòe thu rụng, quanh cung trống,

Ngưng Bích  đàn vang tiếng sáo huyền

 

      Thơ viết ở ao Ngưng Bích

 

                                     Ngọc Châu

                           Dịch 2013

 

 Muôn dân khổ bao giờ yên

 Trăm quan còn được ngước lên bệ rồng?

 Hòe thu rụng, cung trống không

 Đàn vang Ngưng Bích, sáo cùng họa theo.

 

47. TRÚC LÝ QUÁN

 

Nguyên tác:               

獨  坐  幽  篁  裏

彈  琴  復  長  嘯

深  林  人  不  知

明  月  来  相  照

Phiên âm :              Trúc lý quán

Độc toạ u hoàng lý,

Đàn cầm phục trường khiếu,

Thâm lâm nhân bất tri,

Minh nguyệt lai tương chiếu

 

Dịch thơ:              Quán Trúc Lý [7]

                                      

                                       Phạm Đình Nhân

                            Dịch 2006

 

          1. Một mình bên khóm trúc,

Đánh đàn, lại hát vang

Rừng thẳm ai biết được

Trăng sáng chiếu ánh vàng.

 

          2. Một mình dưới bụi tre xanh,

Chơi đàn ta lại một canh hát dài,

Rừng sâu chẳng có một ai,

Ánh trăng sáng rực chiếu hoài đến ta

 

       Quán Trúc Lý

                                        Ngọc Châu

                              Dịch 2013

 

Mình ta bên khóm trúc

Chơi đàn rồi hát vang

Nơi rừng xanh ai biết

Rực sáng ánh trăng vàng.

 

29. VƯƠNG HÀN

( - 710 - )

Tên chữ là Tử Vũ. Người đất Tần Dương, Tĩnh Châu (Sơn Tây) Trung Quốc. Đỗ Tiến sĩ đời Đường Huệ Tông (năm 710). Làm quan đến chức Giá bộ viên ngoại lang. Cuối đời làm Tư mã tại Dao Châu

48. LƯƠNG CHÂU TỪ

Nguyên tác:                 

葡  淘  美  酒  夜  光  杯

欲  飮  琵  琶  馬  上  催

醉  臥  沙  場  君  莫  笑

古  来  征  戰  幾  人  回

 

 

Phiên âm:           Lương Châu[8]  từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Dịch thơ:                                                                        

                             Khúc từ biệt Lương Châu

                                     

                                      Phạm Đình Nhân

                            Dịch 2003

 

1. Rượu ngon muốn một chén say,

Đàn kia, ngựa đấy vơi đầy dục ai!

Sa trường mặc kẻ say dài,

Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về?

 

                                Dịch 2012                        

 

2. Rượu quý Bồ Đào muốn thỏa thuê

Tỳ bà lại dục ngựa mau đi

Say mềm nằm đó ai chê được

Chinh chiến từ xưa mấy kẻ về

                                                              

 

3. Bồ Đào rượu ngọt chén lưu ly

Muốn uống, tỳ bà thúc ngựa đi

Say ngủ chiến trường cười cũng mặc

Xưa nay chinh chiến mấy ai về?

 

 

 

Giã từ Lương Châu

                                                                                   

                                         Ngọc Châu

                              Dịch 2013

 

Rượu bồ đào chén lưu li

Tì bà đã giục ngựa đi mất rồi.

Sa trường say, ngủ môi cười

Xưa nay chính chiến mấy người hồi quê?

           

30. VƯƠNG XƯƠNG LINH 

( ? – 756)

 

Nhà thơ Trung Quốc đời Đường. Tự là Thiều Bá. Quê đất Giang Ninh, tỉnh Giang Tô. Đỗ tiến sĩ năm 727 đời Đường Huyền Tông được bổ làm Hiệu thư lang. Sau vì sơ xuất bị hạ làm chức Uý tại Long Tiêu, phía tây sông Tương. Khi trở về quê nhà gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiến giết chết vì tư thù.

Vương Xưong Linh được người đương thời gọi là Thi Thiên tử.

 

49. KHUÊ OÁN

Nguyên tác :                  

          閨  中  少  婦  不  知  愁

春  日  凝  粧  上  翠  樓

忽  見  陌  頭  楊  柳  色

悔  教  夫  壻  覓  封  侯

           

Phiên âm:         Khuê oán

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu.

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

 

Dịch thơ :                    

                     Hận phòng the

                                      Phạm Đình Nhân

                            Dịch 2007

 

Phòng the thiếu phụ há chi sầu,

Tô điểm, ngày xuân lên trước lầu.

Bỗng thấy ven đường vương sắc liễu,

Hối xui chàng kiếm tước phong hầu.

                                                                               

 Nỗi lòng khuê phụ

                                       Ngọc Châu

                                       Dịch 2005

 

Tươi trẻ nàng đâu biết nỗi sầu.

Điểm trang xuân sắc bước lên lầu.

Ngắm đường xanh liễu lòng chợt hối.

Xui chàng chinh chiến mộng "phong hầu".

 

50. TÂY CUNG XUÂN OÁN

Nguyên tác :             西

                        西  宮  夜  靖  百  花  香

                        慾  卷  珠  帘  春  恨  長

                        邪  抱  雲  和  深  見  月

                        嚨  巃  澍  色  印  昭  扬

 

Phiên âm :        Tây cung xuân oán

                        Tây cung dạ tĩnh bách hoa hương,

Dục quyển châu liêm xuân hận trường,

Tà bão Vân hoà thâm kiến nguyệt,

Mông lung thụ sắc ấn Chiêu Dương.

 

Dịch thơ :        

               Oán hận mùa xuân ở Tây cung

 

                                                Phạm Đình Nhân

                                                        Dịch 2006

 

Đêm thanh hoa ngát chốn Tây cung,

Gượng vén rèm châu hận nhớ mong,

Ôm ấp cung đàn trăng sáng tỏ,

Chiêu Dương cây khuất bóng mông lung

                                        

 

                        Oán hận mùa xuân ở Tây cung

 

                                                   Ngọc Châu

                                                           Dịch 2013

                       

                        Đêm thanh hoa ngát Tây cung

                        Vén rèm vừa hận vừa mong một người

                        Ôm đàn dạo dưới trăng ngời

                        Mông lung cây khuất bóng trời Chiêu Dương

 

--------------------------------------------------------------------------

Ngọc Châu giới thiệu phần 7 tập


                         "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" 


 
Phần thứ Hai

THƠ ĐƯỜNG DỊCH

CỦA CÁC TÁC GIA VIỆT NAM

(Gồm 58 bài thơ chữ Hán của 36 nhà thơ xếp theo thời gian)

************

 

1. THIỀN SƯ VẠN HẠNH

(?-1018)

 

Thiền sư họ Nguyễn, quê ở làng Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh. Thuở nhỏ thông minh khác thường, thông suốt Tam học. Lớn lên xem thường công danh phú quý. Năm 21 tuổi, xuất gia cùng thiền sư Đinh Huệ theo học Thiền Ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức, nay là Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Sau khi Thiền Ông tịch, thiền sư kế tiếp trụ trì chùa Lục Tổ và chuyên tu tập pháp “Tổng trì tam ma địa”. Sư được vua Lê Đại Hành kính trọng thường mời Sư đến hỏi việc nước. Sư có công đóng góp trong việc lên ngôi vua của Lý Thái Tổ.

Năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), ngày rằm tháng năm, Sư gọi đệ tử đến căn dặn, nói kệ rồi thị tịch.

           

                51. HỮU HOÀN VÔ[9]

Nguyên tác:                   

            身  如  電  影  有  還  無

萬  木  春  荣  秋  有  枯

任  運  盛  衰  無  怖  畏

盛  衰  如  露  草  頭  鋪

Phiên âm :                    Hữu hoàn vô   

            Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

                        Vạn mộc xuân vinh thu hữu khô

                        Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

                        Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

                       

Dịch thơ:                     

                     Có rồi không

                                    Phạm Đình Nhân

                                              Dịch 2011

Thân như ánh chớp có, không

Cỏ cây xuân thắm mênh mông thu buồn

Mặc cho suy thịnh không cùng

Thịnh suy như hạt sương đông đầu cành.

 

                    Có - Không                     

                           

                                     Ngọc Châu

                                               Dịch 2013

                        Đời như ánh chớp, có rồi không

Cây lá xuân tươi, thu héo cong

Suy thịnh tùy nghi cùng thế thái

Thịnh suy như sương giọt đầu đông

 

 

2. ĐẠI SƯ MÃN GIÁC

(1052 – 1096)

Đại sư Mãn Giác tên huý là Trường, người họ Lý sau đổi sang Nguyễn, quê làng Lũng Điền, huyện An Cách. Thân phụ là Lý Hoài Tố làm quan đến chức Trung thư viên ngoại lang, đi sứ nhà Tống năm 1073. Đại sư vốn tinh thông Nho học, Phật học, được vua Lý Nhân Tông ban hiệu là Hoài Tín. Sau khi xuất gia được thiền sư Quảng Trí truyền tâm ấn. Sau về trụ trì chùa Cửu Liên Giác Nguyên, xây gần cung vua và được vua Lý phong cho làm Hoài Tín đại sư đứng đầu Giác Nguyên thiền viện. Sau vua lại xuống chiếu phong cho chức Nhập nội đạo tràng Tử y đại sa môn, được dự bàn chính sự. Ông thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông.

 

Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (năm  Bính Tý - 1096) đời vua Lý Nhân Tông, sư lâm bệnh, gọi đệ tử đến đọc kệ rồi ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Bài kệ thị tịch đó chính là bài Cáo tật thị chúng (sau còn gọi là Nhất chi mai)

            Cáo tật thị chúng trở thành một tác phẩm thi kệ nổi tiếng của văn học Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học Phật giáo ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương.

 

52. CÁO TẬT THỊ CHÚNG

Nguyên tác:   告疾示衆 (一枝梅)

                        春 去 百 花 落

春 到 百 花 開

事 逐 眼 前 過

老 從 頭 上 來

莫 謂 春 殘 花 落 盡

庭 前 昨 夜 一 枝 梅

 

Phiên âm:         Cáo Tật Thị Chúng (Nhất chi mai)

                        Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân lai bách hoa khai,

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch thơ:         

                    Có bệnh bảo mọi người (Một nhành mai)

           

                                          Phạm Đình Nhân

                                          Dịch 2011

          1. Xuân tàn trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười,

Sự đời qua trước mắt,

Tuổi già trên đầu rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua  sân trước  một nhành mai.

                                        2. Xuân đi hoa rụng tơi bời

 Xuân về hoa lại mỉm cười với nhau

Dòng đời qua trước mắt mau

Trên đầu tóc đã điểm màu thời gian

Chớ tin xuân hết hoa tàn

Đêm  qua  một  nhánh  mai  vàng trước  sân.

                                               

Một cành mai

 

                                         Ngọc Châu

                                                   Dịch 2013

Xuân đi trăm hoa rã

Xuân về  ngàn hoa cười

Đời trôi qua mắt người

Tóc đen thành trắng xóa

Chớ tin xuân hết hoa tàn nhá

Đêm qua sân trước nở nhành mai.

 

 

3. THIỀN SƯ KHÔNG LỘ

(?- 1141)

 

Thiền sư Không Lộ họ Dương, quê ở Hải Thanh, trấn Sơn Nam hạ, nay thuộc tỉnh Nam Định. Nhà nhiều đời làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1050-1065) đời Lý Thánh Tông Sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du, dấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ. Sau Sư về quê hương dựng chùa trụ trì.

 

53. NGƯ NHÀN

 

Nguyên tác:         

萬 里  清 江  萬  里  天

一  村  桑  柘  一  村  煙

漁  翁  睡  著  無  人  喚

過  午  醒  來  雪  滿  船船

 

Phiên âm:                        Ngư nhàn

                        Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên

                        Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.

                        Ngư ông thuy trước, vô nhân hoán,

                        Quá ngọ tỉnh lai, tuyết mãn thuyền

 

Dịch thơ:                     

 

                     Cái nhàn của ngư ông

                                          Phạm Đình Nhân

                                          Dịch 2011

 

Nước biếc trời xanh vạn dặm sâu

Một thôn sương khói, một thôn dâu

Ngư ông ngủ tít không ai gọi

Quá ngọ tỉnh ra, tuyết ngập đầu.

 

Ngư nhàn

 

                                         Ngọc Châu

                              Dịch 2013

 

Trời xanh nước biếc thẳm sâu

Một thôn sương khói, thôn dâu liền kề

Mặc cho ngư ông ngủ mê

Trưa mới tỉnh, tuyết tràn trề thuyền câu

                                   

54. NGÔN HOÀI

Nguyên tác:            

            迭 得 龍 蛇 地 可 居

                        野 情 終 日 樂 無 餘

                        有 時 直 上 孤 峰 頂

                        長 嘯 一 聲 寒 太 虛

Phiên âm:              Ngôn hoài

            Tuyển đắc long xà địa khả cư

                        Dã tình chung nhật lạc vô dư

                                        Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh

                        Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Dịch :                       

                     Tỏ lòng

                                           

                                          Phạm Đình Nhân

                                          Dịch 2011

 

                     Chọn nơi linh địa an cư

                        Ngày ngày vui thú chẳng từ nơi đây

                        Khi lên đỉnh núi tầng mây

                        Tiếng kêu lành lạnh vang đầy trời đêm

 

                        Nỗi lòng

 

                    Ngọc Châu

                                                   Dịch 2013

                                    

Đất thiêng chọn để sống an vui

Vui thú tháng ngày chẳng muốn rời

Đỉnh núi lên nhìn mây thắm sắc

Đêm nghe lành lạnh tiếng chim trời

 

4. TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

(1230-1291)

            Tuệ Trung thượng sĩ tên húy là Trần Tung, là con đầu của An Sinh Vương Trần Liễu, là  anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là bác ruột của vua Trần Nhân Tông. Ông có công trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và 1288.

            Từ nhỏ, ông đã tỏ ra có phẩm chất cao sáng, thuần hậu và yêu mến đạo Phật. Tuệ Trung không xuất gia, là một cư sĩ nhưng ông có trình độ thiền học rất cao. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng mà nay còn lưu giữ trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục. Đó là một tài liệu rất quý giúp việc tìm hiểu tư tưởng Phật giáo thời Trần nói chung và của Tuệ Trung thượng sĩ nói riêng.

            Trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, nhiều tác phẩm của ông  không  những  thể  hiện  một  cách  xuất sắc tư tưởng thiền học mà ở đây còn thể hiện một tài năng văn học.

              55. KHUYẾN THẾ TIẾN ĐẠO

 

Nguyên tác :        

四 序 循 環 春 復 秋

駸 駸 已 老 少 年 頭

榮 華 肯 顧 一 場 夢


歲 月 空 懷 萬 斛 愁

苦 趣 輪 迴 如 轉 轂


愛 河 出 沒 等 浮 漚

逢 場 亦 不 摸 來 鼻

無 限 良 緣 只 麼 休

 

Phiên âm:     Khuyến thế tiến đạo           

Tứ tự tuần hoàn xuân phục thâu (thu),


Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.


Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng,


Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.


Khổ thú luân hồi như chuyển cốc,


Ái hà xuất một đẳng phù âu.


Phùng trường diệc bất mô lai tị,


Vô hạn lương duyên chỉ má hưu

Dịch thơ :        

Khuyên đời vào đạo

                                          Phạm Đình Nhân

                                Dịch 2012

 

Năm tháng qua dần thu lại xuân

Tuổi son ngoảnh lại tóc phai dần

Vinh hoa phú quý là cơn mộng

Năm tháng long đong cái nợ nần

Nỗi khổ trầm luân lưu chuyển mãi

Ái tình chìm nổi kiếp phù vân

Cuộc đời nếu chẳng nhìn ra gốc

Vạn kiếp duyên lành chẳng đến gần

 

Khuyên đời học đạo

                                               

                                          Ngọc Châu

                                                    Dịch 2013

 

Thu đi xuân đến, năm qua

Tuổi xanh trôi, đã phôi pha mái đầu

Vinh hoa phú quí là đâu

Long đong chỉ thấy nợ sầu quanh năm

Trầm luân khổ ải xoay vần

Yêu thương lận đận phù vân kiếp người

Nguyên do gì hỡi cuộc đời

Duyên lành vạn kiếp xa rời tầm tay.

 

 

5. TRẦN NHÂN TÔNG

(1258 – 1308)

        

            Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, con của vua Trần Thánh Tông,  lên ngôi vua năm 20 tuổi (1278), Ở ngôi 15 năm, đến năm 1293 (35 tuổi) thì nhường ngôi cho con, sáu năm làm Thái Thượng hoàng, rồi xuất gia năm 41 tuổi (1299) được chín năm thì mất, thọ 51 tuổi. Từ nhỏ, đã có ý không muốn làm vua, lớn lên thông minh, hiếu học, nhiều tài, ham đọc sách Phật và nghiên cứu thiền học. Ông tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy. Khi xuất gia lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đầu Đà, có công xây dựng nên thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử. Trúc Lâm Đầu Đà trở thành vị tổ đầu tiên của Phật giáo Trúc Lâm. Trúc Lâm Đầu Đà còn là tác giả của nhiều tác phẩm như : Thiền Lâm Thiết Chỉ Ngữ Lục, Trúc Lâm Hậu Lục, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Đại Hương Hải ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự và nhiều bài viết bằng chữ nôm. Các tác phẩm trên hiện nay còn để lại một số trích in trong sách Tam Tổ Thực Lục, Việt Âm Thi Tập và Toàn Việt Thi Lục.

 

      56. CƯ TRẦN LẠC ĐẠO[10]

Nguyên tác:                 

            居 塵 樂 道 且 隨 缘

饑 則 餐 兮 困 則 眠

家 中 有 寶 休 尋 覓

對 境 無 心 莫 問 禪

Phiên âm:                     Cư trần lạc đạo          

                        Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Dịch :              

                           Sống đời vui đạo

                                            

                                           Phạm Đình Nhân

                                 Dịch 2011

                     Ở đời vui đạo cứ tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà vật quý thôi tìm kiếm

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền

 

      Sống đời vui đạo

 

 

                                          Ngọc Châu

                                Dịch 2013

 

Ở đời vui đạo tùy duyên

Đói thì ăn, mệt ngủ liền vô lo

Vật quí chẳng nên mong chờ

Tĩnh tâm ngắm cảnh, thiền cho đẹp đời.

 

6. TRƯƠNG HÁN SIÊU

(? – 1314)

 

Trương Hán Siêu (?-1314), danh sĩ đời Trần, tự Thăng Phủ, quê làng Phúc Thành, huyện Gia Khánh, nay thuộc thành phố Ninh Bình. Ông vốn là môn khách của Hưng Đạo Vương. Năm 1308 được bổ làm Hàn lâm học sĩ, qua nhiều chức rồi thăng đến Gián nghị Đại phu Tham chính sự. Ông mất, được truy tặng Thái bảo. Ông có bài Bạch Đằng giang phú nổi tiếng và nhiều thơ văn khác. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn soạn bộ Quốc triều đại điển. Bài thơ Dục Thúy sơn của ông được khắc trên sườn núi Dục Thúy (núi Non Nước) Ninh Bình.

 

                   57. DỤC THÚY SƠN

 

Nguyên tác :              

山  色  尙  猗  猗

遊  人  乎  不  歸

中  流  洸  塔  影

上  介  啟  喦  扉

浮  世  如  今  別

嫻  名  誤  是  非 

五  虎  天  地  闊

好  放  舊  渔  期

 

Phiên âm:         Dục Thuý Sơn 

Sơn sắc thượng y y .

Du nhân hồ bất quy?

Trung lưu quang tháp ảnh,

Thượng giới khải nham phi.

Phù thế như kim biệt

Nhàn danh ngộ tạc phi,(1)

Ngũ hồ thiên địa khoát,

Hảo phóng cựu ngư ky

Dịch thơ:         

               Núi Dục thúy

 

                                       Phạm Đình Nhân

                             Dịch 2005

Sắc núi vẫn xanh trong,

Khách đi không trở lại.

Bóng tháp in giữa dòng,

Cửa trời lên thượng giới.

Cõi đời như cách biệt,

Mới hiểu rõ sự đời.

Ngũ hồ trời đất rộng,

Nơi câu cũ ta ngồi.

 

                    Núi Dục Thúy     

                                     

                                          Ngọc Châu

           Dịch 2013

  

          Sắc núi vẫn mãi xanh trong

            Khách đi liệu có hẹn mong quay về?

            Tháp in bóng suối sơn khê

            Lên thượng giới cửa trời kia mở đường

            Cõi người tách biệt xa phương

Sự đời như thể tỏ tường thêm ra

Ngũ hồ trời đất bao la

Nơi câu cũ, giờ đây ta lại ngồi

           

7. MẠC ĐĨNH CHI

(1280 – 1350)

 

            Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đỗ Trạng nguyên năm 1304, vua thấy tướng mạo xấu có ý chê, ông dâng bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen giếng ngọc) khiến vua khâm phục. Ông làm quan trải ba đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông, làm đến Tả Bộc xạ Đại liêu ban. Từng đi sứ Trung Quốc hai lần, được các danh sĩ nước ngoài khâm phục. Ông mất năm 1350 thọ 70 tuổi. Ông có nhiều tác phẩm còn để lại đăng trong Toàn Việt thi lục.

 

 

58. ĐỘNG ĐÌNH HỒ

Nguyên tác :                    

雲 涛 雪 浪 四 谩 谩

砥 住 中 流 屹 一 山

鶴 跡 不 來 松 歲 老

妃 魂 猶 在 竹 痕 班

乾 坤 卵 破 洪 蒙 後

日 月 平 浮 浩 渺 間

岸 芷 汀 蘭 無 限 興

片 心 空 羨 白 鷗 閒

 

 

Phiên âm :           Động Đình hồ[11]

Vân đào tuyết lãng tứ man man,

Chỉ trụ trung lưu ngật nhất san.

Hạc tích bất lai tùng tuế lão,

Phi hồn[12] do tại trúc ngân ban.

Càn khôn noãn phá hồng mông hậu,

Nhật nguyệt bình phù hạo diểu gian.

Ngạn chỉ đinh lan vô hạn hứng,

Phiến tâm không tiển bạch âu nhàn.

Dịch thơ :          

 Hồ Động Đình

                                          Phạm Đình Nhân

                                Dịch 2007

 

                     Sóng mây mưa tuyết bốn bề bay

Một ngọn non nhô mặt nước này

Tùng cũ vẫn nguyên, không vết hạc

Trúc Phi còn đó, lệ vơi đầy

Đất trời tan vỡ thời hoang vắng

Nhật nguyệt bồng bềnh giữa thức mây

Chen chúc nhành lan bên sóng nước

Nhàn như chim trắng rẽ trời mây.

                                                                               

 

Động Đình hồ

                                  Ngọc Châu

                                Dịch 2013

 

Mây, mưa, sóng, tuyết bay bay

Hồ xanh chỉ  ngọn núi này nhô lên

Không vết hạc, tùng vẫn nguyên

Hồn xưa phi lệ lưu truyền trúc cây

Đất trời tan buổi chia tay

Bồng bềnh nhật  nguyệt vào mây mịt mờ

Cành lan chen chúc ven bờ

Rẽ mây chim trắng nhạt nhòa nhàn du.

 

 

59. TRƯỞNG AN THÀNH HOÀI CỔ

Nguyên tác :            

木  落  禾  刁  帝  業  移

李  家  收  得  版  圖  歸

山  圍  故  國  规  模  小

竹  暗  荒  城  草  木  非

古  寺  僧  鐘  敲  落  日

斷  溪  牛  笛  弄  斜  暉

英  雄  舊  事  無  尋  處

獨  倚  江  亭  看  翠  微

 

 

Phiên âm :  Trường An[13] thành hoài cổ

Mộc lạc hoà điêu đế nghiệp di,

Lý gia thu đắc bản đồ quy.

Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,

Trúc ám hoang thành thảo mộc phi.

Cổ tự tăng chung xâo lạc nhật,

Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.

Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,

Độc ỷ giang đình khán thuý vi.

Dịch thơ :  

Nhớ thành Trường An xưa

                                   

                                         Phạm Đình Nhân

                              Dịch 2008

Cây cỏ tiêu điều, vua đổi thay,

Đất đai nhà Lý dựng nên đây.

Núi vây đất cũ quy mô nhỏ,

Tre phủ thành hoang không cỏ cây

Chùa cổ chuông ngân chiều xế bóng,

Khe sâu tiếng sáo vút tầng mây.

Anh hùng việc cũ tìm đâu được,

Tựa chốn đình ta ngắm cảnh này.

Dịch 2008

                                      

            Nhớ Trường An xưa

                                     

                                         Ngọc Châu

                               Dịch 2013

 

Thay vua, cây cỏ tiêu điều

Đất đai nhà Lý vương triều từng xây

Núi vây miền đất nhỏ này

Thành hoang thưa cỏ tre dày bao quanh

Chùa cổ chiều ngân chuông thanh

Khe sâu vút tiếng sáo nhanh lên trời

Hùng anh tích cũ đâu rồi

Sân đình nhìn ngắm một thời vàng son.

 

(còn tiếp lần 8)



[1] Phong Kiều : địa danh vùng phụ cận cửa Xương môn, thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô

[2] Cô Tô : thành phố Tô Châu ngày nay

[3] Hàn San tự : Ngôi chùa ở phía  tây Phong Kiều, có 2 nhà sư tên là Hàn San và Thập Đắc trụ trì tại đây, nên chùa mới có tên là Hàn San

[4] Nhận : đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc thời xưa bằng 6,48m hiện nay.

[5] Khương : một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, xưa hay gọi là rợ Khương.

[6] Ngọc Môn quan : Cửa ải ở phía Tây huyện Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc.

(1) Đầu đề do người dịch đặt. Vương Duy làm bài thơ này khi đang bị loạn An Lộc Sơn buộc phải ra làm việc. Một hôm Lộc Sơn mở đại tiệc ở ao Ngưng Bích, Vương Duy nghe chuyện ấy, cảm thương làm bài thơ này nói lên suy tư của mình. Nhờ bài thơ này, sau khi loạn dẹp yên, Vương Duy được tha tội và được phục chức

[7] Quán Trúc Lý ở trong trang Võng Xuyên của Vương Duy

[8] Lương Châu tức là tỉnh Cam Túc ngày nay

[9]  Đầu đề do tác giả đặt

[10] Đây là bài thơ bằng chữ Hán, là phần kết của Cư trần lạc đạo phú, một bài phú bằng chữ nôm nổi tiếng của Trần Nhân Tông.

(1) Có bản ghi là : Trần thế kim như thị, Phù sinh ngộ tạc phi

[11] Động Đình hồ : hồ nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

[12] Phi hồn : Tương truyền bà Tương Phi khóc chồng là Thuấn ở Tương Giang, nước mắt chảy xuống đất mọc lên thành một loài trúc, gọi là Tương Phi trúc.

[13] Trường An : thành Trường An ở phủ Trường An đời Lý, đời Trần đổi phủ thành châu, đời Nguyễn lại gọi là phủ, là phần đất thuộc tỉnh Ninh Bình. Sau khi nhà Lý đời đô về Thăng Long, thành Trường An dần dần thành hoang phế

 

Ngọc Châu
Số lần đọc: 5759
Ngày đăng: 08.06.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc thơ Võ Văn Luyến – Người câu bóng mình - Khaly Chàm
Phần 5 & 6 "108 bài thơ Đường chọn dịch" - Ngọc Châu
“108 Bài thơ Đường chọn dịch” (Tiếp phần 5) - Ngọc Châu
Patrick Lane: nếu tình cờ cái đẹp xuống trên tay - Nguyễn Đức Tùng
Dịch SZABÓ LÖRINC – Chợt đọc Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Một số truyện ngắn của A.S.Puskin - Ngọc Châu
Chùm thơ: viết ở Bắc Kinh - Nguyễn Thị Thúy Hạnh
Đọc thơ vì sự thay đổi của thế giới - Nguyễn Hồng Nhung
Ngọc Châu giới thiệu phần 3 tập "108 BÀI THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH" - Ngọc Châu
Ngọc Châu giới thiệu phần 2 tập “108 Bài thơ Đường chọn dịch” - Ngọc Châu
Cùng một tác giả
Chết (truyện ngắn)
Tâm nguyện (truyện ngắn)
Hoàng Sa (truyện ngắn)
Người vợ bị bán (truyện ngắn)