Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
485
116.424.497
 
Danh Vo: Một Nghệ Sỹ Việt trình bày tại Viện Bảo Tàng Ba Lê
Nguyễn Vạn An

 

 

Viện Bảo Tàng (VBT) Mỹ Thuật Mới (Musée d’Art Moderne) là một trong hai VBT hàng đầu của Ba Lê, chuyên về nghệ thuật mới (moderne) và hiện đại (contemporain). VBT kia là Musée  Pompidou. Được trình bầy ở đây là một vinh dự rất lớn.

 

Năm 2003, VBT Mỹ Thuật Mới trình bầy các tác phẩm của một họa sỹ Mỹ rất nổi tiếng, Keith Haring. Báo chí, TV, chổ nào cũng tưng bừng viết và nói về ông này.

 

Hôm đó tôi vào xem để viết một bài về Haring. Thấy được phép chụp hình, bèn tranh thủ chụp. Đây là một bức vĩ đại về Haring, được trải dài trên bức tường trước cửa vào phòng triển lãm.

 

Nhìn bức tường tôi bỗng khám phá ra một chuyện rất thú vị. Và tôi viết bài này về một nghệ sỹ khác, không viết về Haring như đã định trước !

 

Số là nhìn hình trên về phía tay phải, tôi thấy có một khung mầu đỏ sẫm có cái gì khác lạ. Đến gần thì có một cầu thang lên từng trên. Trên tường lên gác, có đề hai chữ DANH VO, chữ viết khiêm tốn, và một mũi tên chỉ lên.

Vậy là trên gác có một triển lãm khác. Của một người nào đó, tên là DANH VO. Tên không để dấu, nhưng không thể là người Âu Mỹ. Nếu có dấu thì có thể là DANH VÔ. Nghĩa là tên một người Việt. DANH VO có thể là Vô Danh đọc ngược lại. Ngược lại của Vô Danh là Hữu Danh chứ gì ? Tôi nghĩ anh chàng nào lấy tên như thế này thì cũng là tay ngang tàng đấy ! Nếu là thế thì cũng thú vị, nhưng chỉ người Việt ta mới hiểu được !

 

Dưới chữ DANH VO có ghi tiêu đề của triển lãm : GO MO NI MA DA. Tôi cố thêm dấu, mà không nghĩ ra nghĩa 5 chữ đó. GO MO có thể là GÕ MÕ. NI là gì, là NI sư ? MA  DA là gì ? Có thể là tên một vị thần bên Ấn Độ. Đây không phải chữ Việt ! Có thể là chữ Miến Điện, Ấn Độ, Mã Lai, Tây Tạng, hay xứ nào bên Châu Phi ? Vậy họa sỹ này là ai ?

 

Tôi tò mò lên gác. Thì thấy có một gian phòng rất lớn. Trong đó bầy nhiều tượng rất đồ sộ, toàn bằng sắt. Bức nào cũng có hình hài rất kỳ lạ. Có bốn người canh gác da ngăm ngăm đen ngồi im tại bốn góc phòng. Và kỳ lạ hơn nữa là chỉ có… hai người khách vào xem. Đó là hai cô đầm còn trẻ. Hai cô xem tượng không hiểu gì hết nên rù rì nói gì với nhau rồi cười khúc khích.

 

 

Khi hai cô này bỏ đi, thì phòng vắng tanh chỉ còn các ông canh gác ngồi ủ rũ. Tôi vội chụp ngay vài tấm hình. Xin xem dưới đây. Chắc các bạn cùng như hai cô đầm và tôi, không hiểu ý nghĩa của những bức tượng này :

 

 

Chụp xong tôi mới tìm tài liệu của VBT để đọc. Thì ra đây quả là một điêu khắc gia người Việt. Đã rất nổi tiếng ở Mỹ và Âu Châu. Tên anh là DANH VO (không thấy có dấu gì cả). Tôi đọc sơ sơ, rồi xuống nhà xem Hering.

Về nhà lên mạng đọc thêm và đã hiểu được nhiều.

Bây giờ tôi xin kể về DANH VO từ đầu.

 

DANH VO sanh năm 1975 ở  Bà Rịa, miền nam Việt Nam. Năm 1979, cha anh tạo một cái thuyền nhỏ, rồi cả gia đình lên thuyền trốn ra biển, với hy vọng qua Thái Lan để xin sang tị nạn bên Mỹ. Số phận đưa đẩy, qua nhiều gian nan, gia đình anh được nhận tị nạn bên xứ Đan Mạch, và sinh sống ở bên đó đến bây giờ.

 

Không biết hồi nhỏ anh học hành ra sao, nhưng sang Đan Mạch chắc anh học về hội họa. Năm 2009, DANH VO được sang Pháp, ở nhà của Fondation Kadist, để tiếp tục học hành, khảo cứu và sáng tác.

 

DANH VO học mau, nhiều sáng tác. Các chủ đề của anh là những thông điệp sâu xa lớn lao. Anh được để ý và được mời vào nhiều phòng triển lãm lớn trên nhiều nước. Đây là vài thí dụ những phòng triển lãm rất nổi tiếng đã mời anh: Art Insitute ở Chicago (2012-13), Kunsthaus Bregen, Áo Quốc (2012), Staten Museum for Kunst, National Gallery of Denmark, Copenhagen, Danemark (2010, 2012), Kusthalle, Basel, Thụy Sỹ (2009) The Museum of Modern Art, New York (2009), Stedlijk Museum, Amsterdam, Hòa Lan (2008), Bergen Kunsthall, Na Uy (2006). Anh cũng dự Biennale de ShangHai năm 2012.

 

Vì DANH VO sanh ra trong những năm đầu khi hết chiến tranh, rồi chạy tị nạn qua Âu, rồi sang sống, học, khảo cứu bên Pháp, nên những tác phẩm của anh chịu rất nhiều ảnh hưởng của những năm đầu đời, mang nặng lịch sử của nước mình, và của vai trò của nước Pháp trong quá khứ và trong những năm gần đây về chiến tranh và hòa bình tại Việt Nam.

 

Triển lãm hiện tại của anh tại Ba Lê có 3 chủ đề, toàn là những chủ đề to lớn :

1. We The People (có nghĩa là “Người Dân Chúng Ta”), đây là 3 chữ đầu trong bản hiến pháp của Mỹ),

2. Les Trois Lustres (Ba Chùm Đèn trên trần nhà). Đây là những chùm đèn đã « soi sáng và chứng kiến » những buổi họp giữa các phái đoàn Mỹ, VN Cộng Sản và VN Cộng Hòa, trong những năm cuối cùng của chiến tranh VN. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đồ đạc trong các gian phòng này được bán đi và Danh Vo đã mua được ba chùm đèn trên. 

3. Les Missions Etrangères de Paris et Théophane Vénard (chuyện phái đoàn các vị cố đạo sang truyền đạo bên VN). Cố đạo Théophane Vénard bị bắt và xử tử một cách vô cùng dã man năm 1683.

Hôm nay tôi chỉ bàn về chủ đề thứ nhất. Các chủ đề khác mỗi chủ đề cũng phải viết một bài, nếu có dịp sẽ xin kể sau.

 

Để phát biểu chủ đề 1 nói trên, Danh Vo đã làm lại bức tượng Thần Tự Do, với kích thước 1/1. Chắc các bạn đều biết bức tượng Thần Tự Do được để ở lối vào hải cảng New York. Bức tượng khổng lồ đó bên trong có khung kiên cố do kiến trúc sư Pháp Gustave Eiffel dựng lên. Bên ngoài, phần vỏ là tác phẩm của nhà điêu khắc Pháp Bartholdi. Vỏ làm bằng đồng với một kỹ thuật chuyên môn. Bức tượng này được nước Pháp tặng cho nước Mỹ năm 1886, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Mỹ được độc lập.

 

Danh Vo làm lại bức tượng, từng mảnh một, với kích thước 1/1 như đã viết ở trên. Cũng làm bằng đồng, trong một  xưởng tại Thượng Hải. Thực hiện y theo cách làm của Bartholdi ngày xưa. Thật là một chương trình hết sức công phu và tốn kém. Ý định của anh là cứ để các mảnh rời rạc như vậy, rồi đem đi trình bầy tại mọi nơi trên thế giới ! Kỳ này anh mang sang Ba Lê 12 mảnh. Những bức ảnh các bạn xem ở trên là chụp những « mảnh » của bản cóp bức tượng Thần Tự Do !

 

Bức tượng THẦN TỰ DO là tiêu biểu cao lớn nhất, có giá trị lịch sử nhất, được phổ bá nhiều nhất, cho cái ý tưởng cao quí nhất của mọi người chúng ta. Trên đời còn gì quý hơn TỰ DO ! Tự do của cá nhân trong xã hội. Tự do của đất nước không bị ai đô hộ, ngườI dân không bị áp bức.

 

Theo tôi hiểu, anh muốn cho mọi người suy nghĩ xem cái TIÊU BIẾU CỦA TỰ DO đó, bây giờ đã chia thành từng mảnh, phui phai ra trong hiện tình của chính trị, của xã hội, và trong đời sống của « người dân chúng mình » trên nhiều nước trên thế giới như thế nào. Từ bản hiến pháp Mỹ, bức tượng của Bartholdi, đến thực tình chính trị xã hội mọi nước trên thế giới, hai chữ Tự Do xé ra từng mảnh còn gì.

 

Các bạn thấy giá trị căn bản của tác phẩm là thông điệp. Và đây là một thông điệp rất ý nghĩa và rất cao siêu. Tính cách thông điệp của tác phẩm được trân trọng tiếp đón bên Âu Mỹ, và vì thế DANH VO đã được mời đi rất nhiều phòng triển lãm lớn.

 

Còn dòng chữ « GO MO NI MA DA » thì là lời chào buổi sáng cho một bà khách, GOOD MORNING MADAME, nhại lời chào một vị nữ khách đến thăm. Nửa tiếng Anh, nửa tiếng Pháp, đọc là thấy giọng nói quê của một người ít học. Nghĩ một lúc thấy chua xót trong lòng. Cái gì của DANH VO cũng mang một suy nghĩ sâu xa cho người xem.

 

Trong gian phòng DANH VO, suốt thời gian tôi ở đó, chỉ thấy lác đác vài ba người. Khi xuống nhà vào xem Haring thì gian phòng lớn rất tấp nập.


 

Bây giờ hiểu tiểu sử và công trình của DANH VO, tôi thấy kỳ này triển lãm ở Ba Lê, anh đã chịu rất nhiều thiệt thòi. Đây là một bức ảnh Danh Vo thấy trên mạng. Rất trẻ, nét mặt thông minh. Tuổi trẻ mà suy nghĩ thật sâu xa.


 

(còn tiếp về Danh Vo)

Nguyễn Vạn An
Số lần đọc: 2679
Ngày đăng: 05.11.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Diện mạo mới của điêu khắc Việt - Thanh Lê
Ngắm nhìn Vệ nữ ở Việt Nam - Thanh Lê
Tản mạn về 500 bức tượng La Hán chùa Bái Đính - Hoàng Xuân Hoạ
Phác thảo Trịnh Công Sơn - Trần Tuấn Nghĩa
Trương Đình Quế Kẻ Rong Chơi Không Tuổi - Nguyễn Tấn Cứ
Nhịp điệu - Thái Nhật Minh
Thiếu nữ khoả thân ( thạch cao ) - Lê Văn Mậu
Sự kỳ ảo của những người thợ rèn - Nguyễn Thu Thủy
Quả địa cầu - Vũ Bích Đào
Dấu Ấn An Giang - Trương Công Khế