Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.005.054
 
Sau đồi vọng cảnh.
Trần Kiêm Ðoàn

            Khi hai nền văn hóa khác nhau tiếp cận thì sự "xâm thực văn hoá" (Cross- cultural invasion) là một tiến trình tự nhiên và tất yếu, không thể nào tránh khỏi như khi hai con nước cao thấp giao lưu. Một nền văn hóa cao cấp và đa dạng hơn sẽ đóng vai trò xâm thực trong khi  một nền văn hóa khép kín và sơ khai hơn sẽ bị xâm thực. Sự xâm thực nầy thường diễn ra dưới ba mức độ: (1) Toàn phần, (2) từng mảng, (3) từng lĩnh vực và (4) từng chi tiết2.

            Nếu sự xâm thực văn hóa diễn ra trên một mức độ cao cấp mang tính tích cực thì đấy sẽ là một sự khai sáng văn hóa (Cultural glorification); nếu ngược lại thì đấy là một sự ô nhiễm văn hóa (Cultural detestation) hay nói một cách gợi hình hơn là một sự "xả rác văn hóa".   Có khi sự xâm thực văn hóa lại mang một tác dụng nhị trùng là vừa khai sáng vừa ô nhiễm.  Cuộc đối đầu trong sự tiếp cận giữa hai nền văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông trong thế kỷ 19 và 20 là ví dụ đìển hình ngay trên đất nước Việt Nam.  Khi dòng văn hóa Pháp chảy vào dòng văn hóa Việt Nam thì ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nhanh hay chậm, mặc nhiên hay minh nhiên... sự xâm thực văn hóa bắt đầu xảy ra.

            Tác dụng "nhị trùng" trong cuộc đối đầu văn hóa nầy có thể nói là văn hoá Việt Nam vừa được khai sáng về mặt văn chương, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật; nhưng đồng thời, cũng bị ô nhiễm về mặt đạo lý và triết lý sống cổ truyền.  Trong cuộc đối đầu và tiếp cận văn hóa nầy sự giao lưu văn hóa diễn ra dưới nhiều hình trạng rất nhiêu khê, không đơn giản để có một sự phân tích, đánh giá chi li và dứt điểm.

            Sự xâm thực văn hóa mang hai yếu tính "mềm" và "cứng".  Mềm như nghệ thuật âm nhạc, văn học thi ca lãng mạn.  Cứng như súng đồng đại bác, những tư tưởng bạo loạn, những phong trào chống lại xã hội.

            Khái niệm mềm và cứng trong văn hóa không nhất thiết mang nặng tính vật thể và vật lý.

 

            Hiện tượng xâm thực văn hóa của ngành kinh doanh khách sạn-du lịch.

 

            Theo nhóm nghiên cứu văn hóa đa phương (multi-cultural research) của Doug Lancaster, Adam Lindsey, Robert Hughes3... (Đại học LPU, Oregon, 2003) thì một sự ô nhiễm văn hóa tồi tệ nhất nhưng thường được"mỵ trang" (velvet masking) dưới vẻ khai sáng văn hóa đã và đang diễn ra tại các nước nghèo Á Phi, các nước thứ ba kém phát triển là "Văn Hóa Ô Ten" hay là "văn hóa kỹ nghệ khách sạn" (The Culture of Hotel Industry).   Hay nói một cách nôm na theo ngôn ngữ đại chúng là sự xâm lăng của giới đầu tư khách sạn giàu có vào các xứ nghèo.  Đấy là một lối kinh doanh xông xáo mang bản chất thuộc địa và khai thác tài nguyên từ một quá khứ lịch sử chưa xa.  Nhưng tất cả đều được ngụy trang dưới dáng vẻ đẹp đẽ của kỹ nghệ du lịch, kỹ thuật kiến trúc và phát huy xây dựng qua hình thái thiết kế và bành trướng khách sạn.  Theo nhóm nghiên cứu vừa nêu dẫn thì những tập đoàn kinh doanh kỹ nghệ khách sạn "bạo" (aggressive) nhất trên thế giới đều phát xuất từ Âu châu và Mỹ châu như Hilton, Sheraton, Holiday Inn, Marriott, Red Lion... Hay những thế lực "trùm" nầy sẽ biến tướng thay tên khi đến một địa phương nào đó cho thích nghi nhưng cổ phần khai thác thì vẫn là một.

            Nói tóm lại, kỹ nghệ khai thác khách sạn trong thế kỷ 20 và đầu thế kỹ 21 cũng là một thế lực kinh tế viễn chinh mà những mục tiêu chinh phục đầu tiên là thị trường du lịch và nắm thế thượng phong khai thác cảnh quan của những xứ sở chưa phát triển.

            Về mặt kinh tế, kỹ nghệ khách sạn tạo ra một sự "phồn vinh giả tạo" tại một địa phương nào đó.  Sự phồn vinh nầy có khi là một sư mâu thuẫn đầy mĩa mai và cay đắng với đám dân nghèo bản địa.  Như ở xứ quần đảo Brahmas ngoài khơi Caribbean,  là nơi khách sạn có giá đắt nhất thế giới,  trong lúc dân Brahma phần đông còn làm nghề đan đát thủ công và chữa thuốc bằng lá cây.  Khó tưởng tượng nổi là giá một đêm tại  the Atlantis Bridge Suite của khách sạn Atlantis, Brahmas, là 25 nghìn đô la Mỹ (so với giá một đêm tại the Imperial Suite của khách sạn President Wilson Hotel ở Thụy Sĩ là 23 nghìn đô la.  Hilton Hotel ở HàNội là 109 đô la. New World Saigon là 92 đô la Mỹ trong cùng thời điểm quảng cáo trên Tourist Web-Site4).

            Cái gì đã làm cho khách sạn Atlantis ở Brahmas đắt đến như vậy? - Vị trí thiên nhiên!  Vẻ đẹp thiên nhiên mê hồn của biển trời, núi non, mây nước trên quần đảo Brahmas chỉ cách tiểu bang Florida của Mỹ 50 dặm là yếu tố quyết định.

            Các nhà kinh doanh khách sạn chỉ đặt sự hưởng thụ của khách lên hàng đầu, bất chấp văn hóa và con người bản địa.  Lợi nhuận là ưu tiên sinh tử và cũng là đối tượng cao nhất mà các nhà kinh doanh khai thác khách sạn hướng đến.

            Cũng theo nhóm nghiên cứu nêu trên thì cũng chính thế lực kỹ nghệ khách sạn nầy đã tạo ra những "mảnh vá đáng ghét" (outrageous patches) trên những chiếc áo thiên nhiên tuyệt tác khắp năm châu.  Họ không ngần ngại cày núi, lấp sông, phá thành, xé biển để chiếm lĩnh những vị trí tuyệt hảo nhất tại một nơi nào đó mà họ đặt chân đến.  Khẩu hiệu sinh tử của giới kinh doanh khách sạn là "Location! Loacation! Location!" (Location trong tiếng Anh có nghĩa là nơi chốn, vị trí, địa điểm.)  Bởi vậy những "chiến sĩ xung kích tiền phong" trong quá trình xây dựng  một đại khách sạn là đi tìm địa điểm. Ưu tiên cao nhất của họ là chiếm cho bằng được thế sông, thế núi, thế biển, thế thiên nhiên và văn hóa... bất chấp sự chiếm lĩnh ưu thế nầy có tác dụng như thế nào đối với toàn khung cảnh văn hoá và xã hội của địa phương mà họ đến đầu tư và khai thác.

            Âu châu là chiếc nôi văn hóa của phương Tây có mấy nghìn năm lịch sử.  Thế nhưng kỹ nghệ khách sạn với lịch sử chỉ có hơn 100 năm đã có một tác động vừa sâu, vừa rộng trên những kinh đô ánh sáng của Âu Châu.  Khi đến Rome, nơi có Michelangelo, thiên tài điêu khắc muôn thuở của nhân loại, du khách sẽ cảm thấy khó chịu như phải đọc một vần thơ lạc điệu sai vần khi đi ngang qua những con phố cổ đầy di tích lịch sử trộn lẫn với những công trình xây dựng khách sạn mới.  Những đường nét lạc lõng ngang phè của một số khách sạn đời mới, chiếm cứ những vị trí đáng lẽ phải dành cho những công trình văn hóa. Những người am hiểu lịch sử của những công trình mỹ thuật và điêu khắc tại địa phương đã kể lại những cuộc đối đầu giữa giới nghệ sĩ hậu duệ Michelangelo và giới kinh doanh có quyền thế trong thế kỷ 19, 20.  Nhưng giới kinh doanh thường mạnh hơn nên giới mỹ thuật chỉ còn biết ngậm ngùi chấp nhận.  Dẫu thế, nhưng Rome đã quá đẹp với muôn nghìn tượng đài có đường nét tuyệt tác dựng khắp nơi từ cả hàng thế kỷ trước.  Vậy mà đã có nhận xét: "Rome chắc sẽ đẹp hơn nhiều nếu có một sự phối hợp hài hoà giữa các công trình mỹ thuật truyền thống và xây dựng đời mới5."  Paris, London, San Francisco, Washington DC, New York...  cũng có dáng vẻ chật chội tương tự trong những khu phố cũ.  Nhưng so với một số những thành phố lớn nổi tiếng ở châu Âu, phần lớn thì kiến trúc ở Mỹ có vẻ trẻ trung và khoảng khoát hơn.  Ai  ở Mỹ cũng đều biết là mọi công trình xây dựng ở Mỹ từ đầu thế kỷ 20 về sau luôn luôn có một Họa đồ chủ đạo (Master Plan) được chỉ đạo và áp dụng chặt chẽ từ phía lãnh đạo và các thành viên triển khai, tức là các nhóm tư nhân hay nhà thầu xây dựng.  Khi một cơ sở công cộng  được dự trù xây cất, luôn luôn có sự  phối hợp ý kiến của 3 thành phần thông qua 3 lần hội nghi:

            - Thứ nhất: Cơ quan xây dựng của chính quyền ra trình bày dự án xây cất chi tiết trước hội nghị.

            -Thứ nhì: Công ty chịu trách nhiệm xây cất kết hợp với nhóm người chủ xướng và chủ trì xây cất có trách nhiệm  phải trình bày công khai và đại chúng đầy đủ các mặt lợi hại của cơ sở sắp được xây dựng và phương cách thực hiện cùng tiến trình thi công.

            -Thứ ba: Chất vấn, ý kiến phản bác hay ủng hộ của những người trong địa phương khu vực có cơ sở sắp được thực hiện.

            Công trình chỉ được thực hiện sau khi mọi ý kiến đã được tham khảo và thống nhất tán đồng thông qua hình thức biểu quyết công khai và dân chủ từ phía quần chúng tại nơi có công trình xây cất dựng lên.

            Ngay một cơ sở xây cất đang trên đà thi công, hay thậm chí đã hoàn thành nhưng tập thể quần chúng phát hiện ra rằng, cở sở vừa mọc lên  có phương hại cho môi trường sống và hạ thấp giá trị văn hóa, quần chúng sẽ kiện ra tòa án địa phương, tiểu bang, liên bang và có khi lên tới tối cao pháp viện.  Không ít công trình xây dựng đồ sộ ở Mỹ phải bị đình hoãn hay vô hiệu hóa vì quần chúng thắng kiện.

            Sự cân đối trong tổng thể của một bức tranh xây dựng đòi hỏi sự phong phú về tài nguyên và vật chất đã đành, nhưng trên tất cả vẫn là sự chỉ đạo đúng đắn của những người lãnh đạo vừa tôn trọng luật pháp và nguyên tắc, vừa có tầm nhìn xa thấy rộng và đặc biệt là cần có tâm hồn.  Một hậu duệ trường phái Michelangelo, Milo Delgo nói về quan điểm xây nhà, dựng tượng: "Kẻ có tâm hồn và tầm nghĩ đúng đắn trong xây dựng sẽ không nhầm lẫn giữa cánh hoa dại và viên kim cương; giữa giá trị vật chất tạm thời và gia tài văn hóa miên viễn để đặt đúng vào vị trí của mỗi thứ6."

 

            Trên đồi Vọng Cảnh

           

            Cũng giống như các ngành du lịch tại những quốc gia có kỹ nghệ du lịch đang còn trẻ trung và đang trên đà phát triển, ngành du lịch của Huế đang có những nhu cầu và cần những cơ sở vật chất trước mắt.  Nhưng bên cạnh đó, cũng cần bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên trong dòng sinh mệnh tồn tục lâu dài thường được coi như là linh hồn của ngành du lịch. Tại những quốc gia có ngành du lịch phát triển rực rỡ nhất của thế giới như Ý, Pháp, Anh, Mỹ... người ta bảo vệ và làm thăng hoa những "điểm nóng" mang tính lịch sử và thiên tạo độc đáo của một thành phố, một địa phương cực kỳ nghiêm cẩn. Chẳng hạn như di tích cung điện và đấu trường La Mã ở Rome tuy chỉ còn là những phiến thành đổ vỡ hoang phế nhưng mỗi ngày có hàng hàng lớp lớp người từ khắp nơi trên thế giới lũ lượt đến viếng.  Cũng thế, ở nhiều nước khác, những điểm nóng du lịch thiên nhiên trở thành tài sản vô giá của quốc gia và gia tài văn hóa quý báu của nhân loại mà không một thế lực nào có quyền xâm phạm.

            Những khách sạn năm sao, bảy sao nơi nào cũng có.  Đấy chỉ là những phương tiện tạm thời làm chỗ nghỉ chân. Khách sạn, dù sang trọng đến đâu và giá mỗi đêm vài chục nghìn đô la như ở Brahmas hay vài ba chục đô la như những Motel Six dọc đường của Mỹ thì cũng chỉ là những phòng ngủ sang trọng hay tiện nghi bình dân qua đêm mà thôi.  Khách sạn là tiện nghi. Tự bản chất và thực tế khách sạn hiếm khi là một công trình văn hóa cho dẫu đó thực sư là những lọai khách sạn văn hóa (cultural hotels) kiến trúc theo những đường nét cung điện tuyệt vời như ở Trung quốc,  cheo leo và hoà điệu với thiên nhiên như ở Siri Lanka, hay với hình thức lâu đài cổ xưa như ở Pháp (Symboles de France - Chateaux).  Văn hóa khách sạn không thể nào thay thế cho văn hóa truyền thống của một quốc gia, một dân tộc, một địa phương.  Vua thiết kế khách sạn Mỹ Edward Flynn trước khi phủi tay gác kiếm về hưu đã nói một câu đầy luyến tiếc cho đời mình vì đã từng phá bỏ những tụ điểm văn hóa để biến thành những tiêu điểm kinh doanh khách sạn: "Di sản văn hóa thế giới bị ngành du lịch bành trướng đe dọa. Nhiều nơi, sự tham lam của kỹ nghệ khách sạn đã phá hủy những khung cảnh văn hóa không thua gì chiến tranh." (World's cultural heritage is threatened by mass tourism.  In several situations, greedy hotel industry destroyed cultural sites as wars7.)

            Huế là một thành phố có thế mạnh về du lịch.  Nhưng cái gì là giá trị quý báu và đích thực giúp nâng chất lượng và giá trị du lịch của Huế lên tầm mức hôm nay?  Về điều nầy, không ai có thể chối bỏ được thực tại hiển nhiên rằng, chính khung cảnh thiên nhiên, môi trường địa lý, truyền thống văn hóa và di tích lịch sử đã chung phần vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về Huế.  Nhưng trong đó, yếu tố thiên nhiên đóng vai chủ đạo.  Chính đồi núi, sông ngòi, biển cả, cây cảnh của Huế đã định nghĩa cho bảng giá trị du lịch của Huế.

            Đầu năm 2005, có tin là công tu Du Lịch Huế, phối hợp với công ty Xây Dựng Khách Sạn Việt Nam có sự đầu tư của một công ty khách sạn lớn Hà Lan-Áo, Projekt BV, đã đi dến quyết định xây dựng một khách sạn cao tầng ngay trên đồi Vọng Cảnh.   Quyết định nầy đã bị sự chống đối mạnh mẽ từ nhiều phía:  Phía báo chí, phía đồng bào, nhân sĩ Huế trong và ngoài nước, phía các nhà văn hóa và nhân văn tích cực tại địa phương... Đã có sự khởi công và đình hoãn.  Nhưng vấn đề đã được hâm nóng trở lại khi các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên  Huế đã bỏ phiếu "thuận" (48 thuận và 1 chống) trong ngày 6 tháng 4 năm 2005 vừa qua.  Nghĩa là Đồi Vọng Cảnh vẫn đang đứng trước nguy cơ sẽ bị phá bỏ để làm khách sạn8!

            Điều đáng ngạc nhiên ở đây là Huế vẫn còn nhiều địa điểm rất tốt để làm phòng ngủ, khách sạn để phục dụ ngành kinh doanh du lịch. Cớ sao lại phải chọn Đồi Vọng Cảnh là một danh địa được xem như là con mắt thiêng liêng, là một vị trí thiên nhiên truyền thống, một địa điểm lịch sử trong toàn cảnh sông núi Huế? 

            Nếu một khách sạn được xây cất trên Đồi Vọng Cảnh thì rõ ràng là chỉ có 01 điểm lợi nhỏ là giúp ngành du lịch và đầu tư khách sạn Huế chiếm ưu thế kinh doanh.  Trong lúc đó, tạo ra 03 điểm tai hại lớn: (1) Thất nhân tâm, (2) Phá hủy một địa điểm địa lý, lịch sử và văn hóa đã thành danh thắng, (3) Tạo một tiền lệ tiêu cực "bất chấp" của kỹ nghệ kinh doanh khách sạn vào các danh lam thắng cảnh Việt Nam.

            Gần như các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng trên thế giới, thu hút nhiều du khách đều có "điểm ngắm" (scenic view/bellevue).  Một điểm ngắm lý tưởng là nơi có thể nhìn được toàn khung cảnh hữu tình của một thành phố hay toàn cảnh của vùng đất địa phương trãi rộng trong tầm mắt bên dưới.  Đồi Vọng Cảnh là một điểm ngắm địa đầu lý tưởng khung cảnh thiên nhiên của Huế.  Từ Đồi Vọng Cảnh, du khách có thể nhìn thấy dòng sông Hương xanh biếc uốn lượn quanh co dưới chân các ngọn đồi tả hữu.  Đồi Vọng Cảnh được người xưa xem là con mắt thần, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế, cần thiết phải giữ gìn và xây dựng.  Vọng Cảnh nằm bên dòng Hương thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng và là tiền án của quần thể lăng tẩm của các triều vua ở Huế9.

            Khu vực đồi Vọng Cảnh là một điểm nằm trong không gian qui hoạch của một số di tích như: Lăng Tự Đức, Lăng Đồng Khánh, Điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế. Và cũng theo các nhà nghiên cứu và biên khảo về Huế thì người xưa còn tin rằng nơi đây có âm phần linh thiêng, không nên tác động thô bạo đến nó, bởi sẽ gây hậu quả khôn lường...

            Theo cụ Cao Đình Dương thì trước đây đã có đề nghị xây "Vọng Cảnh Lâu" cho cựu Hoàng Bảo đại trên Đồi Vọng Cảnh.  Nhưng khi các vị lão thần thừa lệnh đến thắp nhang khấn vái phát quang, đã chạm phải một phiến đá có ghi hàng chữ: "Vọng Cảnh vong thân.  Thất thần khiếm thị"  Câu nầy được giải thích theo hai cách: (1) Nếu Đồi Vọng Cảnh mất đi thì thần khí của vùng đất nầy không còn và tầm nhìn, tầm soi ngắm cảnh đẹp cũng mất theo; (2) Nếu ai phá hủy Đồi Vọng Cảnh thì sẽ bị liên lụy điên khùng (thất thần) và đui mù (khiếm thị).  Người đương thời có khuynh hướng giải thích theo ý thứ hai nên sợ hãi, xin bãi bỏ lệnh phát quang xây nhà mát từ đó. Tuy đây chỉ là chuyện tương truyền mang tính thần thoại,  nhưng về mặt tâm lý, câu chuyện cũng nói lên được nỗi lòng yêu mến, trân trọng và bảo vệ thiên nhiên của người dân khi Đồi Vọng Cảnh sắp biến thành nhà mát, dù là nhà mát cho vua, chứ không đến nỗi là... nhà ngủ cho bàng dân tứ xứ có tiền!

            Sự việc đem một khung cảnh văn hóa và lịch sử gắn liền với sinh mệnh của xứ Huế như Đồi Vọng Cảnh để làm sân bãi cho một khách sạn là một sự cố nhân văn không bình thường.  Sự cân nhắc cần được đặt trên tầm mức quốc gia và có khi là quốc tế chứ không chỉ là địa phương. Nếu việc xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh diễn ra thì  rõ ràng đây là sự phế bỏ một cảnh quang văn hóa vô tình như chiến tranh.  Những người Huế sống xa quê hương không tin đồi Vọng Cảnh sẽ bị kỹ nghệ khách sạn phá hủy dễ dàng như thế.  Càng có dịp tiếp cận với khung cảnh xã hội và kỹ nghệ du lịch thế giới, người Việt càng được thấy tinh thần bảo vệ thiên nhiên và di tích văn hóa của các nước tiên tiến chặt chẽ đến dường nào.  Ngành du lịch Huế càng phát triển trên một quy mô rộng lớn hơn, lẽ ra, càng có lợi cho Huế vì một cách vô hình chung, kỹ nghệ kinh doanh du lịch phải có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ các di tích và khung cảnh văn hóa Huế.  Du lịch là cuộc sống sinh động giao hòa giữa đôi mắt và thiên nhiên.  Du lịch không sống bằng bánh mì và phòng ngủ!

            Kinh nghiệm ngành xây dựng kiến trúc Âu Châu và Mỹ Châu là những bài học đáng quý cho ngành du lịch thế giới.   Các nhà kiến trúc học Âu Châu đều lấy làm tiếc vì cuộc cách mạng kỹ nghệ của những thế kỷ trước đã đặt kỹ thuật xây dựng nhân tạo lên trên thiên nhiên.  Sự đô thị hóa vội vàng đã mang theo di lụy "bê tông hóa và cao ốc hóa" những trọng điểm thiên nhiên đáng lẽ phải được bảo tồn và tôn tạo.  Ngành xây dựng kiến trúc Mỹ Châu trẻ trung hơn nên đã học được bài học "vôi hóa" tiêu cực và đáng tiếc của Âu Châu.  Ngành kiến trúc cận đại và đương đại của Mỹ phát triển theo một tốc độ đáng chóng mặt.  Những cánh đồng mênh mông, những vùng núi đồi bạt ngàn được xây dựng trở thành khu dân cư và phố xá sầm uất chỉ trong vòng vài ba năm.  Nhưng điều đáng tham khảo và nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng trên xứ Mỹ nầy là tinh thần tôn trọng và quy chế nghiêm ngặt trong vấn đề bảo vệ những di tích, quang cảnh lịch sử và thiên nhiên.  Những con suối, dòng sông, núi đồi  tô điểm cho tổng thể thiên nhiên; những vùng hoang dã (wild life) và thậm chí những cây sồi (oaks) cổ thụ cũng được khéo léo bảo vệ trong những công trình thiết kế và xây dựng có quy mô dầu nhỏ hay lớn.  Nhờ vậy mà khi đi vào những thành phố mới của Mỹ Châu, du khách có cảm giác bình an, tươi mát, gần với thiên nhiên cây cỏ hơn là cảm giác nặng nề, nghẹt thở như khi đi giữa những thành phố "vôi hàu bê tông cao ốc"!

            Những người xa quê hương lâu ngày, có dịp du lịch nhiều nơi trên thế giới, khi trở về thăm lại quê hương Việt Nam thường có một cảm nhận chung là thiên nhiên Việt Nam mình đẹp quá. Những cánh đồng bằng xanh ngút mắt, những vùng cao nguyên đồi núi chập chùng, những thành phố ven biển mây nước mênh mông, những ốc đảo ẩn hiện ngoài khơi... đẹp đến lặng người. 

            Trong một bài viết trước đã được đăng tải và xuất bản, nhan đề : "Dòng Sông Biệt Xứ", người viết bài nầy đã có dịp mô tả và nhận định về "sự vôi hóa" của những dòng sông. Có những dòng sông đẹp như một ân sủng của thiên nhiên dành cho trái đất như sông Seine, sông Danube, sông Tiber, sông Thames... đã bị kỹ nghệ lâu đài biến thành những lạch nước chảy một cách tội tình giữa hai bờ bê-tông và nhà cửa, cao ốc san sát. Tham vọng của con người đã lấn chiếm thiên nhiên để phô trương vẻ giàu sang thô nhám trên vẻ đẹp mượt mà của tạo vật. Những núi biển, sông hồ, cảnh quang thiên nhiên nhiều nơi đã bị con người đày đi biệt xứ.  Nếu hiện tượng nầy đang xẩy ra trên quê hương Việt Nam thì quả thật là một điều đang quan ngại cần phải cân nhắc một cách cẩn trọng trên tầm mức quốc gia. 

            Nếu tự hào là một Cố Đô, một thành phố văn hóa thì khía cạnh văn hóa vật thể đang thiếu nghiêm trọng ở Huế là tượng đài chứ không phải là phòng ngủ và khách sạn.  Nếu cần có một công trình xây dựng để nâng cao ngành du lịch Huế thì với một diện tích khiêm tốn 70.000m2, Đồi Vọng Cảnh là nơi thích hợp để xây dựng tượng đài chứ không phải là khách sạn.  Nhiều thế hệ đi qua, đã có bao nhiêu người đặt vấn đề rằng, với 700 năm lịch sử Công Chúa Huyền Trân, tại sao Huế vẫn chưa có một tượng đài Huyền Trân Công Chúa.  Trên quy mô địa bàn thành phố Huế phát triển và mở rộng, Đồi Vọng Cảnh sẽ là nơi thích hợp nhất để dựng tượng đài Công Chúa Huyền Trân.

           

Sau Đồi Vọng Cảnh

           

            Với một tâm lý lành mạnh, ai mà chẳng muốn quê hương mình giàu đẹp.  Sự giàu đẹp của bất cứ một đất nước nào đang đang trên đà vươn lên và phát triển, nhìn trên khía cạnh nhân văn, thường diễn ra trong ba mô thức: Tha hóa, tục hóa và văn hóa.

            Mô thức phát triển tha hóa là bị trói buộc và hướng dẫn bởi động cơ lợi nhuận.  Đa phần nguồn vốn đầu tư từ các thế lực kinh doanh nước ngoài.  Những dự án đầu tư xây dựng nặng tính cá thể, bất chấp hình thái và phương tiện kinh doanh có phù hợp với quyền lợi và hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hóa xung quanh hay không.

            Mô thức phát triển tục hóa là sự diễn dịch sai lầm dấu hiệu văn minh tiên tiến.  Để rồi, nhắm mắt để bị cuốn theo sức hút mù mịt của một sự đổi mới vội vàng đầy vọng động.  Đổi mới thiếu hướng chủ đạo (master plan) là đổi bình mới, lấy rượu cũ.  Bề mặt "nổi" của mô thức phát triển tục hóa là sự chạy theo những phong trào thời thượng hình thức tại các thành phố đông người. Điển hình là sinh hoạt nặng dục tính, suy tôn vật chất.  Nếp sống tri thức bị giới hạn và tinh thần tù đọng. Khung cảnh văn hóa và xã hội nặng hình thức, nghèo nội dung.

            Mô thức phát triển văn hóa là có sự kết hợp hài hòa và phối hợp đồng bộ giữa hai lĩnh vực nhân văn và kinh tế.  Bên cạnh một đời sống xã hội mang tính văn hóa phù hợp với truyền thống và hướng đi lên của một đất nước, sự kiến thiết và xây dựng những cơ sở vật chất có sự quân bình giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến -- mà bất cứ ở đâu hay thời nào cũng có.

            Nếu Đồi Vọng Cảnh mai kia biến thành Khách Sạn Vọng Cảnh, điều đáng quan ngại không phải là từ đó, con mắt Huế phải đeo kính cửa sổ phòng ngủ để nhìn về Huế. Vấn đề đáng quan tâm hàng đầu ở đây là sẽ có bao nhiêu danh lam thắng cảnh, bao nhiêu vị trí thiên nhiên của đất nước Việt Nam, xuyên suốt cả ba miền Bắc Trung Nam sẽ bị khiếm dụng (misuse) hay lạm dụng (abuse) vì sự bành trướng của kỹ nghệ du lịch và khách sạn phối hợp.

            Công ty kinh doanh khai thác khách sạn du lịch Hà Lan-Áo "Dutch-Austrian Life Resort" đang năng nổ bắt tay vào chương trình đầu tư một loạt khách sạn hạng B & C (trên dưới 100 phòng với giá thuê phòng dưới 100 đô la Mỹ mỗi đêm) tại Hội An, Qui Nhơn, vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc, Huế, Đà Lạt... Ông Louk Lennaerts, tổng giám đốc của công ty Dutch-Austrian Life Resort đã tỏ ra là nhân vật tiêu biểu cho giới doanh nhân phương Tây với tinh thần rất thực dụng và chủ quan khi ông tuyên bố rằng, dự án xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh vẫn tiến hành nhưng có thay đổi chút ít về vị trí và quan tâm hơn về việc xử lý rác và chất thải.  Lennaerts cũng đã trả lời trong cuộc phỏng vấn của Trần Nguyên, báo Tuổi Trẻ On Line (lên mạng ngày 08-04-2005) rằng, ông không cho Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi thiêng vì chẳng có sự thờ cúng gì trên ngọn đồi nầy cả.  Nhưng Công Ty ông ta mong muốn xây cho  được khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh vì vị trí nầy quá đẹp.

            Khi phát biểu như thế với phóng viên Trần Nguyên, không hiểu Lennaerts có liên tưởng đến một rừng tiếng kêu xác quyết hơn, tha thiết hơn, nặng tình nặng nghĩa hơn phát ra từ trái tim của những người Huế, những người yêu Huế và những người mong có ngày thăm lại Huế xưa.  Đấy là tiếng kêu văn hóa, ngược lại với tiếng kêu thương mãi, rằng: Vì vị trí Đồi Vọng Cảnh quá đẹp nên chúng tôi muốn giữ nó phong quang như giữ đôi mắt của mình.  Nhất định không muốn phá nó đi để biến thành một "hệ thống phòng ngủ cao cấp cho mướn" gọi là khách sạn!        

            Mong rằng, Louk Lennaerts hãy tìm đọc lại những cuốn sách nổi tiếng như The Ugly American (Người Mỹ Xấu Xí) của William Lederer hay The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) của Graham Greene... để tránh một thái độ hời hợt và máy móc Âu Mỹ đáng tiếc khi đến làm ăn tại một đất nước Á Châu tuy chưa giàu, nhưng đã có lịch sử văn hiến mấy nghìn năm như Việt Nam.  Cái lô-gích thuần lý phương Tây của Lennaerts may lắm là chỉ mô tả được vẻ mặt và bộ áo bên ngoài, chứ làm sao đủ mẫn cảm để "thấy" được những đền thờ thầm lặng trong tâm hồn người Việt Nam đối với quê hương yêu dấu của họ.

            Hoàn cảnh phát triển ngành du lịch của các nước nhỏ vùng quần đảo Caribbean     và Thái Bình Dương rất giống Việt Nam.  Giới kinh doanh khách sạn du lịch quốc tế đã đến khai thác những bãi biển thiên nhiên đẹp nhất của các xứ chậm phát triển và thiếu nguồn vốn đầu tư nầy.  Sau hơn nửa thế kỷ bị bóc lột, đến thập niên sau cùng của thế kỷ 20, giới lãnh đạo của các nước Caribbean mới tĩnh ngộ để chủ động bắt tay nhau đứng lên thành lập Liên Minh Bảo Vệ Ngành Du Lịch Vùng Caribbean (The Caribbean Alliance For Sustainable Tourism).  Bất cứ công ty khai thác khách sạn du lịch nào muốn họat động ở vùng nầy, điều kiện tiên quyết phải là hội viên của tổ chức kinh doanh khách sạn trong vùng, được Liên Minh chấp nhận tư cách pháp lý và cấp giấy phép hành nghề.

            Trong Hội Nghị bảo vệ thiên nhiên và môi sinh "Green Tourism Conference" tổ chức tại Montego Bay ngày 23-7-2004, bà Berthia Parle, chủ tịch Liên Minh Bảo Vệ Ngành Du Lịch Caribbean đã mạnh mẽ yêu cầu Liên Minh tuyệt đối không nhượng bộ các nỗ lực mua bán, đổi chác những tụ điểm lịch sử hay thiên nhiên cho các tập đoàn kinh doanh khách sạn.  Họ thường xuyên dựa vào thế lực lãnh đạo địa phương và sức mạnh của nguồn vốn đầu tư hùng hậu để chiếm lĩnh cho bằng được những vị trí thiêng liêng và đẹp đẽ nhất để xây khách sạn bằng bất cứ giá nào.  Đơn giản bởi vì đấy là sự đầu tư "nhất bản vạn lợi" hàng đầu trong ngành kinh doanh khách sạn du lịch.   Bà Parle đã lập đi lập lại trong bài diễn văn được cử tọa tán thưởng nồng nhiệt rằng, những tụ điểm danh lam thắng cảnh là văn hóa, là gia sản tinh thần cũng như vật chất của của thế hệ đàn em.   Parle đã tha thiết kêu gọi: "Nền văn hóa của chúng ta và tương lai của thế hệ đàn em không thể nào đem bán được, nó là vô giá" (Our culture and the next generation's future cannot be sold, it's priceless10!)

            Chuyện du lịch xứ người là thế, còn chuyện xứ ta thì sao?  Số phận chung quyết của Đồi Vọng Cảnh ở Huế trong những ngày sắp tới sẽ là câu trả lời cụ thể và hùng hồn nhất cho thế hệ đàn anh hôm nay và đàn em mai sau.

                                                                                               

Sacramento, California 4-2005

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3526
Ngày đăng: 14.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
C. G. Jung và lý thuyết phân tích văn hóa. - C.G.Jung
Nghệ thuật múa cung đình Huế - Võ Quê
Một bài thơ cứu một đời thơ - Triệu Xuân
Bữa tiệc chay ở Huế - Tiểu Kiều
Dạy và học muôn đời - Phạm Lưu Vũ
Tín ngưỡng thờ ông Bảo & Nguyên Tiêu Thăng Hội - Trần Dũng
Hướng tới đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII - Nguyễn Trọng Tín
VÕ PHI HÙNG VÀ 10.000 QUÀ TẶNG BẠN ĐỌC - Viễn Giao
Văn chương, hay là một cách ứng xử văn hóa - Trần Mạnh Hảo
Từ phương ngữ Nam bộ đến sáng tạo văn bản thành văn - Hồ Tĩnh Tâm
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)