Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
683
115.983.851
 
Đọc lại Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp
Đoàn Huyền

                                     

Bài viết cũ

Bài viết này được viết lại từ một bài viết cũ dang dở, nhan đề Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp – bi kịch của kẻ tách khỏi bầy hay nỗi cô đơn muôn kiếp của con người. Trong đó người viết muốn khẳng định Trương Chi là một tác phẩm viết về cái cô đơn. Với rất nhiều nhiệt tình cộng với không ít nông nổi và cảm tính, người viết lúc đó muốn dõng dạc “tuyên bố” điều (mà hình như, không phải là phát hiện đối với tác phẩm này): Cô đơn là một định mệnh không thể tránh khỏi. Bởi thế, dù ngay khi vẫn còn luẩn quẩn ở khúc đầu và loay hoay triển khai phần nội dung, một kết luận khá ồn ào nhưng thật sự tâm đắc, trau chuốt và nóng hổi từng chữ, bấp chấp một khoảng không trắng xóa của “thân bài”, đã nằm ung dung, kiêu hãnh ở cuối trang giấy viết vội: “kết thúc như một cô đơn tuyệt đối của Trương Chi phải chăng là cái giá của tồn tại, của lựa chọn tách khỏi bầy. Hay, cái giá của việc dám xem thường những giá trị mà cuộc đời luôn kiên quyết từ chối những cánh tay e dè “xin được có ý kiến” về chúng, bởi người ta mặc nhiên cho rằng, giá trị là những chuẩn mực không cần bàn lại, không thể bàn thêm. Nhưng, không chỉ vậy. Hãy lưu ý đến tư thế sống của chàng Trương. Tư thế của kẻ luôn sống một mình. Ngày, một mình. Đêm, một mình. Sống trong bầy, một mình. Tách khỏi bầy, một mình. Không thay đổi. Như thế, cái cô đơn ấy không đơn giản là một trả giá, mà nó còn là bản thân của tồn tại. Mỗi tồn tại luôn là một cái gì đơn nhất, cô độc, riêng lẻ. Tức, một cô đơn mang tính bản thể”.

 

Một lần gặp lại...

            Nhưng lúc đó bài viết chỉ dừng ở đấy. Bởi khi ấy người viết lạc lối và mắc kẹt giữa những khúc quanh, những ngóc ngách của truyện, ở chính cảm nhận và ngộ nhận của mình. Thêm nữa, vì chưa tìm được một góc nhìn hợp lí để soi chiếu tác phẩm, nên những nhận định phần nhiều vụn vặt, võ đoán và chênh vênh. Bài viết, do đó, dang dở với lời kết như đã trình bày cùng một phần mở đầu thống thiết, và phần nội dung èo uột. Lúc đó, nó hoàn toàn hết hy vọng và được xếp vào một góc. Cho đến khi đọc lại một bài viết, cũng rất cũ, của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy, Ý thức cộng đồng và số phận cá nhân (nhìn lại bi kịch của Chí Phèo)(1), người viết mới tìm được cho mình rất nhiều gợi ý để nghĩ tiếp, kết nối và hoàn thiện những ý tưởng dang dở trước đây.

 

Ở bài viết này Chí Phèo được nhìn lại trong quan hệ giữa ý thức cộng đồng và số phận cá nhân. Dưới cái nhìn ấy, bi kịch Chí Phèo và những nhân vật đồng dạng với Chí trong “thế giới Nam Cao”, thực chất là “bi kịch về sự yếu đuối của cá nhân trước sức mạnh của ý thức cộng đồng(2). Bởi thế, cái chết mà họ chọn lấy như giá đắt nhất, để giành lại hay để chứng minh một cái gì đó ngoài tầm với, không còn được hoàn toàn nhìn nhận như một hành động can đảm, quyết liệt, hay một nỗ lực tuyệt vọng của những thân phận dưới đáy mà phần nhiều bị xem như sự bất lực và khiếp phục của cá nhân trước uy quyền của đám đông cộng đồng. Và nó, cái chết ấy, là bằng chứng cho nỗi sợ hãi cô đơn, là kết cục của cuộc đời mong cầu giá trị, hạnh phúc, và bình yên của cá nhân ở sự xác nhận, cho phép, từ phía đám đông tập thể.

 

            Tiếp tục truy vấn các vấn đề được đặt ra từ bài viết của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy, người viết nhận thấy hai điểm rất đáng lưu tâm sau đây, thứ nhất: Trong kinh nghiệm sống của người nông dân Việt Nam, và nói rộng ra là của cả người Việt, cô đơn vốn không có một vị thế đáng kể (không có một vị thế đáng kể xét ở hai khía cạnh, một: nó không có nhiều cơ hội để xuất hiện, bởi “truyền thống sống gắn bó khăng khít với các cộng đồng lớn nhỏ xung quanh họ(3), hai: nó chưa bao giờ được coi trọng, được cổ vũ như một tâm thế sống cần thiết và quan trọng với mỗi cá nhân, để trưởng thành, để sống có bản lĩnh). Các nhân vật cô đơn trong đời sống cộng đồng hình như từ xưa đến nay thường là do sự gằn hắt của cộng đồng, bị xa lánh, bị đẩy ra ngoài lề chứ không có mấy kẻ đủ gan tự li khai khỏi làng xã, thị tộc để đi con đường của riêng mình, để sống một mình. Có nghĩa, cái cô đơn ấy là một trừng phạt chứ hoàn toàn không phải là một lựa chọn, một khước từ, một thách đố. Thứ hai, do đặc điểm ấy của đời sống văn hóa – tinh thần của người Việt, nên khi đánh giá sự trưởng thành của ý thức cá nhân, của một nhân cách tự chủ, người ta không chỉ tính đến các biểu hiện, như: thái độ tự coi trọng mình như một giá trị, tự chủ lựa chọn con đường của mình để bảo vệ cũng như tôn xưng giá trị ấy, mà còn phải xét đến tư thế và cách ứng xử, trong và với cái cô đơn của cá nhân đó.

 

Đọc lại từ những đổi thay

            Từ những thay đổi trong nhìn nhận đó, truyện ngắn này được đọc lại trên một tinh thần khác. Trước hết, có thể thấy, nếu coi Chí Phèo của Nam Cao là câu chuyện về mối quan hệ giữa ý thức cộng đồng và số phận cá nhân, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ở góc độ nào đó là một tiếp nối của cái xung đột thầm lặng mà tàn khốc ấy. Nhưng, ở tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, đã có rất nhiều thay đổi. Bởi, lúc này cá nhân đã là một nhân cách tự chủ, dám “có ý kiến”, dám lựa chọn, và quan trọng dám cô đơn. Cái đổi thay đáng kể trong ý thức cá nhân và trong cách ứng xử với cô đơn của cá nhân dẫn đến một truy vấn khác: thời điểm mà người ta không đủ bản lĩnh để sống và đối diện với cộng đồng, người ta bị ý thức cộng đồng chế ngự, “nghiền nát” (chữ của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy) và san phẳng, người ta tự đẩy mình vào bi kịch, vậy khi “dám” làm một cuộc nổi loạn với trật tự, với quán tính sống và với kinh nghiệm sống của cộng đồng, thì kẻ ấy sẽ có cái kiêu hùng như một kẻ đã nắm được “chân lý”? Bi kịch liệu có chấm dứt? Và nếu không (chỉ) để trả lời cho những câu hỏi ấy thì nỗi khắc khoải từ tác phẩm muốn hướng người đọc đến vấn đề nghiệm sinh nào? Bài viết cũ được viết lại trên chính băn khoăn về những câu hỏi mới này.

            Khi một người được sinh ra và sống trong đời sống, dù anh ta là ai, anh ta sống ra sao, thì ngay từ đầu, khi bắt đầu sống với tư cách một cá nhân là anh ta phải lựa chọn một lối để bước vào đời sống và để sống cuộc đời của mình. Có mấy con đường để sống? Có thể xem lời đề dẫn của The Tree of Life* như một gợi ý: “...there are two ways through life, the way of nature and the way of grace”. (...có hai cách để sống, cách sống “nature” và cách sống “grace”). “Grace doesn’t try to please itself. Accepts being slighted, forgotten, disliked. Accepts insults and injuries” (cách sống “grace” là cách không cố làm theo ý mình, làm hài lòng bản thân. (Nó) chấp nhận bị coi thường, bị quên lãng, bị ghét bỏ, chấp nhận sự lăng mạ và tổn thương). Hiểu như trên, thì “grace” vừa có nghĩa “politeness” (lịch thiệp) và vừa có nghĩa “approval” (chấp thuận). Nếu cần chuyển nghĩa “grace” sang tiếng Việt, có lẽ từ “khoan hòa” (với hai thành tố, “khoan”: rộng rãi và “hòa”: vừa phải, đều, không tranh chấp, không xích mích) là một từ chuyển nghĩa phần nào mang chứa được nội dung của nó. Vậy với ý nghĩa đó, sống theo cách “grace” là cách sống lịch sự, tử tế, nhũn nhặn, chấp nhận thua thiệt, chấp thuận cả những những điều làm mình đau đớn, tổn thương. Do đó, tất nhiên, không đòi hỏi, không can dự, không gây hấn, đáng nói nữa, là không chủ đích và nỗ lực chứng minh sự hiện diện của mình. Cách sống “grace” (khoan hòa) ấy là một đối cực với cách sống “nature” (cách sống chỉ muốn làm theo ý mình, làm kẻ khác phải thỏa mãn mình) – “nature only wants to please itself, get others to please it too ” – cách sống “tự nhiên”, “bản thể”.

 

            Với Trương Chi, cách sống của chàng, lúc đầu, có một diện mạo rất gần với cách sống “grace” – cách sống khoan hòa, “Chàng cười nói. Chàng chịu đựng. Chàng mua bán. Chàng chấp nhận. Mọi ước lệ của thói đời lướt qua chàng không dấu vết. Chàng cũng lướt qua nó, những ước lệ của thói đời ấy không dấu vết”. Do vậy, dù không phải đã là một chân dung tốt đẹp, lịch sự, bóng bẩy của các quý ông thanh lịch nhất của “trường phái Grace”, Trương Chi cũng giữ được cho mình một hình dung khá dễ chịu, vô hại của một người “sống trong đời sống”, hay như ngôn ngữ của chính chàng bốn ngàn năm sau ngày gặp Mỵ Nương, là vẻ ngoài của kẻ “sống giữa bầy” –  “...chàng giữ được bên ngoài vẻ thường. Không ai ngờ vực chàng. Không ai sợ hãi chàng”.

 

            Chỉ có điều, cái cách sống dịu dàng, dễ thương ấy, xét về bản chất hoàn toàn không là một lựa chọn ý thức của Trương Chi, thêm nữa, ở đây hoàn toàn vắng mặt một Đức tin thần thánh, điều không thể thiếu trong hành trang của những người đi vào đời bằng lối sống này, bởi Đức tin là điểm tựa gần như duy nhất và tuyệt đối mà những người lựa chọn con đường sống khoan hòa vin vào để có thể sống kiên nhẫn với những tổn thương và đau đớn (nói như nhân vật trong The Tree of Life, “I will be true to you. Whatever comes” (con tin vào Người. Dù bất cứ điều gì xảy ra). Còn cách sống “khoan hòa” của Trương Chi, thay vào đó, là kết quả của nhiều nhân tố (giản dị, trần tục hơn, nhưng cũng tầm thường hơn rất nhiều): quán tính sống được “di truyền” từ đời này sang đời khác trong một cộng đồng ổn định và ngăn nắp, cùng “áp lực đám đông” nằm trong những luật lệ, quy ước, và những cấm đoán, kiêng kỵ, cuối cùng trong “việc tự khép kín, thói lười nhác an phận, thêm một chút khinh bạc nữa và những cố gắng không mệt mỏi để kiếm miếng ăn” của bản thân Trương Chi.

 

Là hợp chất của những yếu tố ấy, cách sống “grace”, khoan hòa của Trương Chi thực chất chỉ là một lối sống tự động (vì vận hành theo những thói quen, những “công ước” (chữ của Phạm Công Thiện) có sẵn; lười nhác (vì luôn chấp thuận mà không bao giờ thắc mắc, hoài nghi, phản biện, thậm chí phản kháng); và vô hình, vô bản sắc (vì luôn gật đầu mà không bao giờ thể hiện sự có mặt, sự hiện hữu của mình bằng những câu hỏi hay những ý kiến). Như một hệ quả, cái tồn tại, hay mượn chữ của Heidegger, cái hiện tồn (dasein) của Trương Chi lúc đó, chỉ là một vệt mờ xám đầy mơ hồ. Điều này vừa đáng buồn, vừa “phi lí” (như cách cảm thán của tác giả ở cuối truyện) bởi, đáng ra Trương Chi có thể sống sắc nét hơn thế rất nhiều. Vì chàng sở hữu một phương tiện tuyệt vời để dõng dạc ghi vào đời sự hiện hữu của mình, thậm chí để tồn tại giữa cuộc đời như một bản sắc, một giá trị, là giọng hát của chàng. Nhưng cũng có thể phản biện lại rằng, khi người ta chỉ tồn tại như một nhân ảnh, thì họ sẽ chưa ý thức được giá trị của bản thân, chưa biết trân trọng những giá trị của mình, tất nhiên chưa thể hình dung chính những giá trị ấy sẽ làm đầy bảng màu cuộc đời họ và làm ý nghĩa cho sự tồn tại của họ.

 

            Cuộc sống mơ ngủ của Trương Chi chỉ thực sự thay đổi sau khi gặp Mỵ Nương. Một cuộc gặp không hề êm đềm. Cuộc gặp gỡ ấy, không phải chỉ là cuộc chạm mặt của tình yêu, mà đúng hơn là lần đối mặt trực diện, đầu tiên và duy nhất của Trương Chi với những kẻ đại diện cho trật tự, lề thói. Lúc trước, Trương Chi luôn lảng tránh, để không phải can dự, phải thể hiện thái độ và phát biểu ý kiến về những trật tự và lề thói ấy. Đột nhiên, bị ném vào giữa một đám đông vương giả, quyền lực, chàng nghệ sĩ vốn chỉ biết cái rộng dài, trong sạch, hồn nhiên, hào phóng, hoang lộng của sông nước, mây trời, “được” ra lệnh, hát ca ngợi “công danh”, “sự nhẫn nhục”, “tiền bạc”, một nhúm những danh từ “béo bở” mà đám người kia vồ chụp lấy và thờ phụng như những chuẩn giá trị của cuộc sống bầy đàn. Với đòi hỏi ấy, chàng không thể dịu dàng “cười nói”, “chịu đựng”, “chấp thuận” như trước nữa – “Trương Chi tức nghẹn họng. Chàng biết, hát về điều ấy thật là trò cứt”, “Trương Chi luống cuống. Chàng thấy khổ quá. Giữa sông nước có ai chỉ bảo chàng đâu? Sự nhẫn nhục, thói hãnh tiến, lòng tham, tính thiện... Tất cả như nhau hết, vụn vặt và vô nghĩa lý. Chàng chỉ có một mình. Ngày cũng một mình. Đêm cũng một mình. Mưa nắng như nhau hết”.

 

            Lúc này cũng vậy, khi đối diện với tình yêu của mình, Trương Chi cũng chỉ có một mình. Vậy còn Mỵ Nương, nàng ở đâu giữa sự cô đơn của chàng. Nàng ở đó, dịu dàng, đài các, yêu kiều, nơi trang trọng, sạch sẽ và vương giả nhất giữa đám đông bầy đàn. Nhưng không phải với tư cách một người tình, mà “là cái bẫy của số phận chàng”. Nên nàng nguy hiểm và bất trắc hơn rất nhiều so với sự hăm dọa hung hăng của đám quan lại, đồng cô đang xúm vây quanh chàng. Chính cử chỉ mơn trớn “ngả người trên nệm... lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc”, “nụ cười khuyến khích”, tiếng cười rung như ngọc, “vẻ xót thương”, “độ lượng” đã làm Trương Chi mềm lòng. Và chàng đã bán mình cho cái dịu dàng, dễ thương và độ lượng ấy. Trương Chi cắt hết những cánh thơ của tiếng hát chàng, đóng sập những khoảng trời lồng lộng gió và nắng, trói chặt những kiêu hãnh, ương bướng của lòng chàng để cho vừa cái khuôn của bài hát đông người. Kết quả của những “nỗ lực” ấy, tiếng hát chàng thành tiếng kêu ré qua cổ họng, trơn tuột, vô nghĩa, thậm chí còn bất lương: “Chàng khò khè trong cổ. Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ thế này. Bài hát chỉ toàn “ấy a” với lại “huầy dô”, “... lại một bài hát toàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Có chỗ chàng lại bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác và tiếng dê kêu nữa”.

 

“Trả công” xứng đáng cho tiếng kêu ré bất lực, thảm hại của Trương Chi, “bọn hoạn quan cười ré lên: - Hát như cứt”. Nhưng thói bạc bẽo, nhẫn tâm ấy hoàn toàn không phải trải nghiệm mới mẻ với Trương Chi. Chàng không dành cho nó chút kinh ngạc nào. Mà chính bài hát đông người đã dạy chàng nhiều điều: Chàng sẽ đánh mất mình, đánh mất giọng hát và phẩm giá của mình nếu dùng nó theo ý muốn, mục đích của kẻ khác, dù kẻ đó là ai, đại diện cho điều gì; thêm nữa, mang giọng hát của mình để ve vuốt, xu phụng đám đông là một hành động không những phản nghệ thuật mà còn đớn hèn, bỉ ổi, đê tiện. Và bài hát ấy, đến lượt mình đã vẽ ra một cách chân xác chân dung của đám đông bầy đàn, một đám đông ồn ào, hỗn loạn, vô hình sắc. Thậm chí đám đông ấy còn không giữ nổi cho mình một gương mặt và giọng nói nhân sinh – người ta chỉ thấy có tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác, tiếng dê kêu. Chân dung ấy cho người ta biết, khi sống trong bầy, sống theo bầy là người ta đã từ chối trở thành một diện mạo, một bản sắc riêng, người ta bị cái tập thể, cái cộng đồng lấn chiếm, xâm thực, rồi cuối cùng hòa thành một bầy vô danh tính. Tất cả những điều này mới là những kinh nghiệm mới mẻ đáng kể với Trương Chi, làm thay đổi con người chàng, cuộc đời chàng.

 

Nhờ nó, “việc gặp Mỵ Nương xốc lại toàn bộ suy nghĩ của chàng. Trước kia, Trương Chi chỉ hình dung mơ hồ có những cuộc sống khác, lối sống khác. Chàng chỉ ngờ ngợ rằng cuộc đời chàng tẻ nhạt, nhàm chán. Rằng thân phận chàng chẳng ra gì. Rằng con thuyền này, những vật dụng này chẳng ra gì. Rằng thân xác chàng xấu xí, chẳng ra gì. Cả ngay tiếng hát của chàng cũng thế, vô nghĩa, chẳng ra gì”. Giờ, mọi sự thay đổi. Không rụt rè với những “hình dung mơ hồ”, với những thoáng “ngờ ngợ”, không ỉ ôi, dằn dỗi, trách móc với điệp khúc “chẳng ra gì... chẳng ra gì... chẳng ra ”, Trương Chi ném thẳng vào đời một xác quyết, thẳng băng, lạnh lùng, thậm chí “lỗ mãng”, “tục tĩu”, “nguyên chất vỉa hè” (chữ của Nguyễn Việt Hà): “chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc”. Không chỉ bụi bặm suông, mà nó mang đầy vẻ gây hấn, khiêu khích không thèm giấu giếm, che đậy. Trương Chi dễ chịu, dịu dàng, vô hại ngày trước, được gửi trả về quá khứ. Câu cửa miệng từ nay về sau của chàng là “cứt” – trực diện, gọn lỏn, trần trụi.

            Sự phản biện của Trương Chi với cái đám đông (bao gồm cả chàng, hoặc ít nhất, đã từng bao gồm cả chàng) hoàn toàn không phải phút say xỉn ngông nghênh của một gã chán đời. Ngược lại, nó là một bước ngoặt, một đổi thay căn bản. Khi chàng “chắc chắn rằng cuộc sống của chàng” và “cả bầy” đều là bỏ đi, vô nghĩa, thậm chí, chỉ là cặn bã, có nghĩa là ý thức về giá trị đã thức tỉnh trong chàng, câu hỏi về giá trị đang chất vấn, căn vặn chàng. Đồng thời, việc định giá cái “hiện tồn” của mình và của đám đông bằng một giọng điệu phủ nhận quyết liệt, một sự khinh rẻ đến đáy thực chất là một thái độ, một hành động khước từ, khước từ cách sống bầy đàn, khước từ cái cộng đồng tôn thờ lối sống bầy đàn ấy. Chỉ với hai điều đó thôi, đời Trương Chi đã thay đổi hoàn toàn: từ nay chàng không thể sống như xưa, nói cách khác, từ nay chàng không thể “sống giữa bầy”, không thể trở lại bầy được nữa. Nhưng “không thể” ở đây không phải là tình thế “bị ngăn cấm”, mà là trạng thái “tự ngăn cấm” ý thức và tự chủ.

 

            Khi không thể chui vào cái vỏ “khoan hòa” để sống yên ổn và an toàn như trước, khi phải một mình đối diện với bầy, Trương Chi chỉ có thể dựa vào một điểm tựa cuối cùng, niềm thiêng liêng duy nhất – tình yêu, “chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được”. Tình yêu này “không phải là Mỵ Nương, không chỉ là Mỵ Nương. Dù cho Mỵ Nương có là một con phượng hoàng kiêu hãnh hoặc một con nhện xấu xí cũng vậy. Với chàng lúc này tất cả đều như nhau. Tình yêu của chàng hướng về tuyệt đối”. Tình yêu tuyệt đối là thứ duy mỹ nguy hiểm cho trật tự bầy đàn vì nó đòi hỏi Tự do tuyệt đối, cái Đẹp tuyệt đối, nó phiêu lưu, chông chênh, không giới hạn, không ràng buộc bởi “những định kiến vướng bận cồng kềnh(4). Tình yêu ấy là ngọn gió trời, “tử tế, cao thượng, độ lượng, bao dung mà bình ổn(5). Ngọn gió hào hiệp tiếp cho tiếng hát chàng nguồn năng lượng bất tận, để phá bung những thành trì níu giữ, tung mình lên không, trải rộng đôi cánh đến vô cùng, và cất vang lời ca tự do giữa đất trời hoang lộng.

Tình yêu, bài ca mà Trương Chi hát

Cất lên từ trái tim bị thương tổn

Ngọn cờ nàng phất trên ta là tình yêu

Và tiếng trống trận là nhịp tim ta

Bài hát mà Trương Chi hát là một xác quyết tồn tại, một tuyên cáo cho sự có mặt, hiện hữu của Trương Chi, của tiếng hát chàng, của bài ca chàng hát, của tình yêu nguyên sơ, bất tử, tuyệt đối, chân thực, hồn nhiên, trinh bạch như sự sống:

Ta là Trương Chi

Ta ca ngợi tình yêu

Nở từ hạt thiện

Và bông hoa của tự nhiên

Là sự chân thực lạnh buốt...

 

...Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Vẻ đẹp tự nhiên

Sự chân thực lạnh buốt...

 

...Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Đây là thanh danh ta

Và thanh danh nàng..

 

...Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Tình yêu không xúc phạm được

Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế...

 

... Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Tình yêu cần hy sinh

Bởi nó không khoan nhượng

Sự ngu ngốc hay khôn ngoan với tình yêu đều như nhau

Sự ràng buộc hay không ràng buộc cũng thế

Tình yêu không mất đi và không sinh ra

Tình yêu tuyệt đối...

 

Bài ca chàng hát là lời xưng tụng về cái Đẹp tuyệt đối – cái đẹp tự nhiên, duy mỹ. Cái Đẹp tuyệt đối ấy, bản thân nó, mang chứa một đạo đức, đạo đức duy mỹ, thứ đạo đức “chất chứa nguy hiểm, chất chứa phiêu lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm(6). Là những “hạt thiện” bé nhỏ, tinh khôi như sương, như cỏ, nhưng “giá trị gấp triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn(7) – thứ đạo đức đã bị đóng gói, ướp lạnh bởi cái nhìn duy lý, và bị chiết xuất thành đủ kiểu loại “tính này”, “tính kia”. Đạo đức của tình yêu, của những hạt thiện bé nhỏ (nhưng là chân nguyên) của nhân tính, nhắc người ta:

Hãy ca hát tình yêu

Hỡi những trái tim lãnh cảm

Những trái tim sắt đá

Bạo lực chỉ gây oán thù

Nòi giống phải trả giá.”

 

Bài hát Trương Chi còn gửi cho nàng, Mỵ Nương, người tình trần thế, “cái bẫy của số phận chàng”. Có điều, nó không phải bài hát gửi “người tình lỡ”, như chàng Trương Chi dân gian đã nghẹn ngào phút cuối đời (Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành), cũng không phải bài hát hờn trách gửi “người tình phụ” như Trương Chi của Văn Cao sau này (...đàn đêm thâu trách ai khinh nghèo quên nhau), mà là bài hát gửi “người tình trong bầy”.

Đêm nay là đêm nao

Này người tình ơi

Rồi nàng cũng thành một bà lão lụ khụ, đáng kính và cô đơn thôi

Bây giờ nàng cứ cười đi

Ta đâu mếch lòng

Nàng còn trẻ tuổi

Nàng làm sao hiểu

Những khao khát nực cười của ta

Không ngọt ngào, say đắm, ngược lại, lạnh lùng, thậm chí “trịnh thượng”, lời hát Trương Chi cho người ta một hình dung về chân dung điển hình của kẻ sống giữa bầy: Vẻ ngoài chừng mực, đức hạnh, độ lượng, cùng một tâm hồn ngăn nắp, hoàn toàn vừa khít với cái rọ khuôn khổ của cuộc sống trong bầy. Nàng sống cuộc đời mình trong trật tự, được nuôi dưỡng bằng những chuẩn mực của bầy đàn, để cuối cùng trở thành chính chuẩn mực ấy. Tương lai của nàng, vì thế, cũng sạch sẽ, yên ổn, trơn tru. Dân gian kể về đời nàng: “Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc”. Nhưng dưới con mắt của kẻ “ngoài lề” thì cuộc đời ấy thật bi kịch và hài hước. Bởi rốt cục, trong kiếp sống của mình người ta chỉ sống rặt với (và bằng) những khái niệm chết cứng, và kết cục, người ta cũng chỉ gặt về cho mình một nhúm ngôn từ cọc cạch, lủng củng, khập khiễng – “lụ khụ”, “đáng kính”, “cô đơn”. Một cuộc đời như thế, khi rửa trôi hết mọi mỹ từ hư ngụy, còn lại gì?

Thực ra, nàng còn rỗng tuếch và tẻ nhạt

Tâm hồn nàng có những con rắn hoài nghi trơn tuột nằm phục

Nàng gian lận trong bài bạc

Nàng đánh giá điều thiện như cách nàng đánh giá đồ trang sức và tài sản

Nàng ngờ vực ngọn gió

Và gieo gặt nhờ kích thích thói xấu

Mồi thính của nàng

Là quyền lợi và danh dự hão huyền

            Bức “tình thư” này đã hoàn thành trọn vẹn cuộc tổng phản biện của Trương Chi với cuộc sống của trật tự bầy đàn, với tư cách của kẻ đã tách khỏi bầy, vĩnh viễn. Vậy, cuối cùng thậm chí đến cả tình yêu của đời mình cũng thuộc về “phía bên kia”, Trương Chi còn cầm nắm được gì trong tay? Chàng sở hữu được, duy nhất, hai thứ: nỗi buồn và niềm cô đơn tuyệt đối. Chỉ, hai thứ đó, gắn bó với chàng. Khăng khít như định mệnh. Điều này là một tất nhiên. Bởi khuôn khổ của trật tự bầy đàn làm gì có chỗ cho chàng, nó biết lấy gì để dung chứa cho tiếng hát chàng, tình yêu tuyệt đối của chàng. Nơi đây, những khung cửa quá chật, ngay cả tầng trời cũng quá thấp, tiếng hát chàng biết cất cánh ở khoảng không nào. Và những tâm hồn thì quá hẹp, lại chứa đầy những điều “rất thực”, làm sao đủ ảo tưởng, đủ mơ mộng để “bận tâm” đến “nắm gió” chàng “ném vào khoảng không kia... dạt đến chân trời nào?...Gió đi đâu? Đến bao giờ thành bão?”; cũng sẽ không đủ nhạy cảm, đủ “bao dung” để hiểu những “những ước mơ say đắm khôn nguôi”, “những khát khao”, “những cuồng vọng”, “những tín ngưỡng” của chàng.

 

            Chàng không còn thuộc về nơi đây nữa, chàng đã là cánh diều bay lên cùng tình yêu tuyệt đối của mình. Thì cũng như cánh diều kia thôi, khi đã “lên được độ cao tuyệt đích”, “nó nghiêng một cái như để khinh bỉ mặt đất, hay để chào mặt đất, rồi đứng im thổi sáo một mình(8). Đứng im thổi sáo một mình là quà tặng (cho), cũng là số phận (của) những con diều “dám chao lượn tự do... giữa chông chênh trong xanh(9). Chàng cũng vậy. Số phận chàng là ca hát một mình giữa “sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu”, là cùng với “con thuyền này” một mình “chèo qua số phận”, “chèo qua thời gian” trong một nỗi buồn “da diết choán ngợp lòng chàng”, “như cục đá đè nặng tim chàng.

 

            Cái thế tồn tại như “một ngọn gió”, hay như “một hành tinh” ấy, hoàn toàn không phải tư thế ngất ngưởng, ung dung, kiêu ngạo của kẻ chiến thắng, của kẻ nắm được chân lý. Ngược lại, nó nhiều đau đớn, u hoài, có lẽ nhiều hơn cả những ngày chàng sống cuộc sống bạc bẽo trong bầy. Chàng đã sống bốn ngàn năm “mất ngủ”, “đau đớn”, “căm giận”. Và, sống một mình. Dù giữa khoảng không trắng xóa một màu, hay “bóng tối mịt mùng”, thì quanh chàng chỉ có “sự vắng lặng”, “sự vắng lặng kinh hoàng”, “không ai đáp lại chàng”, “chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa”. Bốn ngàn năm ấy có lẽ Trương Chi đã sống tận cùng với cái tồn tại hư vô của mình. Cái tồn tại mà đến nỗi đau của tâm hồn và nỗi đau của thể xác đều không màu, đều lặn vào hư không: “Trương Chi úp mặt vào hai bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ ngón tay xuống sông. Trời tối, không thấy máu”. Kết cục, như để đẩy tồn tại của mình thành một hư vô trọn vẹn, tuyệt đối, Trương Chi thả mình vào xoáy nước giữa dòng sông, cái hốc đen bí mật của tự nhiên. Đó là cái chết hay bất tử, là trở về hay tan biến? Câu trả lời vĩnh viễn là một bí mật.

 

            Cuối cùng, người ta không tìm thấy bóng dáng vòng nguyệt quế vinh quang, và  nụ cười ngạo nghễ của kẻ đã “li khai” thành công khỏi cuộc sống bầy đàn. Người ta hiểu trong cuộc đối đầu giữa ý thức cá nhân và quán tính sống của cộng đồng, sẽ không có danh hiệu anh hùng nào được phong. Bởi chẳng có một trật tự nào lại đi trao huân chương cho kẻ “phiến loạn” chống đối nó. Đồng thời, cả những đồng loại của họ nữa, những kẻ đang yên ổn với cuộc sống bầy đàn của mình, cũng sẽ chẳng dành cho họ chút thán phục, hay thiện cảm nhỏ nhoi nào đâu, trong mắt những người ấy, họ chỉ là những kẻ “phá đám” khùng điên, không hơn. Do đó, chiến thắng của một cá nhân trước sự áp chế của ý thức cộng đồng, không phải được chứng minh bằng sự công nhận của cái cộng đồng ấy (điều này là bất khả), mà ở chính nó, ở ý thức tự do, ở thái độ và sự tự chủ trước cái cô đơn của cá nhân đó. Nó tự giành lấy và tự trao chiến thắng cho chính mình, điềm nhiên và thanh thản. Nhưng hình như đây vẫn chưa phải ám ảnh lớn nhất và duy nhất của truyện ngắn này. Những băn khoăn còn đến từ phía khác.

 

 Kết thúc của câu chuyện hiu hắt như một ngọn gió, nhẹ hẫng như hư không, và vời vợi một nỗi buồn. Nó không thôi chất vấn người ta về nỗi cô đơn không thể san sẻ của con người, về cái hiện tồn của mỗi cá nhân, về cái hư vô của tồn tại. Ở đây không có khẳng định, cũng chẳng có câu trả lời, mà chỉ có những hiu hắt, những xao xuyến. Nhưng là cái xao xuyến của “sự chân thực lạnh buốt”. Nên chúng khiến người ta không yên ổn, hay chí ít cũng đủ khiến người ta phân vân. Có lẽ thế, cái truyện ngắn bé xinh này của Nguyễn Huy Thiệp không phải là nơi trú chân đáng yêu đối với những người chỉ muốn dạo chơi, vì nó không cho người ta quyền được yên tâm khi chỉ đọc một lần. Và khi nó đã len vào tâm hồn kẻ nào đó, thì không những nó sẽ “ở lại” mà còn “trở lại nhiều lần(10). Bài viết này là kết quả của sự ở lại và nhiều lần trở lại ấy, đồng thời, là để trả nợ cho những dang dở của quá khứ. Nhưng biết đâu, có thể nó (tiếp tục) là một khởi đầu của những dang dở mới?

 

Hà nội, đầu tháng 11 – 2012.

 

 

 

 

Những đoạn trích truyện ngắn Trương Chi được lấy trong tập truyện Thương cả cho đời bạc của Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn hóa – Thông tin, 2000, trang 132-144.

* The Tree of Life là bộ phim của đạo diễn Mỹ, Terrence Malick, phát hành năm 2011, bộ phim, giành được rất nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, trong đó có giải Cành cọ vàng, tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 64.

(1), (2),(3)Ý thức cộng đồng và số phận cá nhân (nhìn lại bi kịch Chí Phèo), Nguyễn Thị Từ Huy, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học những nhà nghiên cứu ngữ văn trẻ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2004, trang 234-241.

(4)Truyện ngắn Không khóc ở California, in trong tập Thương cả cho đời bạc, trang 233.

(5), (8),(9)Truyện ngắn Những bài học nông thôn, in trong tập truyện Những truyện nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội nhà văn, 2004, trang 26 và 27.

(6),(7)Truyện ngắn Nguyễn Thị Lộ, in trong tập truyện Thương cả cho đời bạc, trang123.

(10) Mượn cách diễn đạt của Inrasara trong bài viết tưởng niệm Phạm Công Thiện – Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện và tuổi trẻ tôi, nguồn: www.tienve.org

 

Đoàn Huyền
Số lần đọc: 2825
Ngày đăng: 23.11.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đám đông cô đơn trong" ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano" - Trần Thị Ty
Tư tưởng phản kháng - Võ Công Liêm
Lại ngạc nhiên với Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Chất lượng cao của Thơ: Đích bắn chứ không phải tiếng nổ - Yến Nhi
Tâm thức Bồ-Đề-Đạt-Ma và Huệ-Khả - Võ Công Liêm
Cuối tuần với Modiano - Chân Phương
Thấy gì trong tác phẩm Hiện Hữu và Hư Không của Jean-Paul Sartre - Võ Công Liêm
Các trào lưu lối sống thẩm mỹ hiện nay. - Tuấn Giang
Hoàn cảnh Thu Tứ - Nam Dao
Đà Linh, trên những ngả đường Phương Nam - Nguyễn Đức Tùng