Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
415
116.589.142
 
Vũ Trọng Quang - gương mặt thơ tự hủy
Lê Huỳnh Lâm

 

 

Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm, đến nay nội dung và cách trình bày tập thơ vẫn chưa đề mốt. Tác giả là người làm thơ từ những năm 1970, trước 1975 anh đã cùng Linh Phương chủ trương Văn Nghệ Động Đất...

 

Chúng ta đều biết, sự chuyển động vật lý như biểu hiện cho cái đang tồn tại, cũng như sóng, đại diện cho sự lan truyền, chuyển động. Còn chuyển động là còn sống và ngược lại, bất động trong phạm vi nào đó là đồng nghĩa với cái chết. Nhưng chuyển động lùi còn tồi tệ hơn cả giẫm chân tại chỗ. Thơ là một dạng sóng để truyền cảm xúc của tác giả đến người đọc. Bài thơ còn lan truyền cảm xúc là bài thơ còn lý do để sống. Người làm thơ ngày nay rất nhiều, nhưng người có đời sống thi ca chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì sự nhầm lẫn giữa nhà thơ và thi sĩ, nên chúng ta cần phải định danh lại. Theo cá nhân tôi thi sĩ là người làm thơ và có đời sống thi ca trọn vẹn. Chẳng hạn như: Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Hữu Loan,... hay như: Arthur Rimbaud, Walt Whitman, Rabindranath Tagore,...

Với thi sĩ thì mọi nhãn mác đều vô nghĩa, thậm chí cả sự vinh danh cũng chỉ là trò chơi. Bản chất của thi sĩ là cô đơn, đứng bên ngoài và bên trên mọi tập thể hội hè. Không có chuyện đi ngược đám đông khi đang ở trong tập thể lúc nhúc được tâng bốc là các nhà này, nhà nọ...

 

Thực tế, giới hội hè văn nghệ ngày nay thường xưng tụng nhau là nhà thơ, nhà văn,... về mặt ngôn ngữ, chữ “nhà” là để chỉ không gian vật lý, là cái vỏ bọc bên ngoài, nhưng với từ thi sĩ, văn sĩ thì chữ “sĩ” ở đây có ý nghĩa về đời sống nội tâm, về nhân cách, về tri thức,... Vậy xét về mặt ngôn từ, thì ở xã hội chúng ta ngày nay, thi sĩ thật sự không có nhiều. Cũng rất mong những nhãn mác được gắn kèm chữ sĩ có đời sống và suy nghĩ thật tương xứng với cái tên gọi mà xã hội đã xưng tụng mình.

Tâm thức Vũ Trọng Quang đã đi trên con đường của ngày hôm qua, hôm qua thuộc về quá khứ, hôm nay mọi người cho là hiện tại và hôm sau được gọi là tương lai. Thật ra, mọi thứ đều trở thành hôm qua, hôm qua chính là hôm nay và cũng là hôm sau nếu xã hội đóng khung, xã hội không chuyển động,... tức là xã hội đi giật lùi, một xã hội không có hiện tại và tương lai.

Hôm qua là ký ức, là những gì đọng lại trong những trang giấy, những hình ảnh, những kỷ niệm,... cũng là cách gieo vần điệu truyền thống, khi mà những câu lục bát dập dìu trên vành nôi, những khung chữ ngũ ngôn,... đượm tình cảm quen quen nhưng cũng chứa đựng những triết lý cuộc sống trong thơ Vũ Trọng Quang, như những câu trong bài “Vị trí thời gian”:

Sớm mai lên đỉnh đồi

Dốc cao chờ tuổi trẻ

Buổi chiều xuống chân đồi

Thác rơi nhanh thế kỷ

Đầu năm chào cuối năm

Đông tàn xuyên đông mới

Chim trời xuyên không gian

Bay hoài bay không mỏi

Mũi tên xuyên thời gian

Bay hoài bay không tới

Ở hôm kia và hôm qua Vũ Trọng Quang là con người đã “chết”, là sự chết được mã hóa bằng các ký tự để kéo dài ra cái cảm xúc được tạo dựng trong thế giới thơ. Nhưng hôm qua mãi là hôm qua, không ai có thể thay thế được bản lý lịch quá khứ của chính mình. Khi đọc thơ Vũ Trọng Quang mới thấy được bi kịch quá khứ của anh và gia đình:

Mẹ khi khóc hết lá rừng

chân buông thân phận xuống đường trầm luân

Và thời khắc hôm nay như ảo ảnh đi về phía hôm qua đã dẫn đưa mọi người đến một vực thẳm hư vô, chúng ta cứ chạy về phía tương tai để được xa quá khứ, tức là xa cõi chết, nhưng tương lai chỉ là một ảo thức biến hiện, tiến trình đuổi theo một cái ảo chỉ là một cái ảo. Cho dù biết thế, nhưng không còn cách nào khác để Vũ Trọng Quang không chùn bước tới trên con đường:

Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua

Trở lại làm gì con đường mọn xưa cũ

Nhưng lực kéo của quá khứ cũng như thói quen đã biến thành quán tính, quán tính lùi của mỗi người trở thành quán tính của cả dân tộc do “nhiều bàn tay trăm tuổi kéo từ phía sau lưng”.

Và niềm hoang mộng của tác giả lại rơi vào ảo mộng khi ngỡ rằng hôm này là một sự thật.

Tôi chào mừng tôi hôm nay

Cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới

Có thể thế giới này được tạo sinh từ cơn hưng cảm, chỉ ở trạng thái như vậy thì may ra mới có sáng tạo, nếu không chúng ta chỉ tạo ra mọi thứ từ các xác ướp. Bởi vậy, với khái niệm cái mới; nếu cái mới khô cứng, cái mới không truyền được cảm xúc,... thì cái mới đó xem như chỉ là những xác chết được sơn quét lại. Tất nhiên, thế giới sẽ mở ra nhiều con đường khác, khác nhưng chưa chắc là mới, có điều mọi con đường đều nằm trên mặt đất này.

Trong tập thơ của Vũ Trong Quang, điều bất ngờ là ở thì tương lai, là hôm sau. Hình như một gã triết gia nào đó đã nói: hôm sau cũng chỉ là hôm nay. Và theo luận điệu như thế thì hôm sau rồi sẽ thành hôm qua. Cứ cái kiểu chia thời đoạn ra như vậy thì sẽ không nhảy vào khoảng trống của sáng tạo được. Đó là bi kịch của chúng ta, bi kịch của loài người. Bản chất của thế giới này là xúc cảm, không phải là thời gian theo điệu suy diễn áp đặt cho con người như vậy, càng không phải là một không gian hứa hẹn xa vời hay một sự níu giữ quá khứ.

Khi đọc đến bài “tới & ...” hình ảnh một Vũ Trong Quang đã hiện ra rất khác với những gì tôi cảm nhận về anh.

Nói về hình thức của thơ, riêng phần hôm sau chỉ với những bài: ký hiệu liên tường, eros, design, đường ray, đánh vần, nhiễm virus, tự hủy,...  thì những cái gọi là tân hình thức sẽ không tưởng tượng ra mẫu hình thức nào như vậy. Và chúng ta có quyền công nhận một dạng siêu tân tân hình thức hay siêu thực tân hình thức hoặc trừu tượng tân hình thức,... trong thi ca của Vũ Trong Quang.

Trong bài “đường ray” là hình thức sắp đặt thơ theo hình đường ray, hay trong “nhiễm virus” là một diễn trình về lắp ghép từ vựng đã bị virus máy tính làm rối tung trong một trật tự khác. Trong ““eros” là sắp đặt về ý niệm thi ca, nếu đứng sau mũi tên thì thuộc về quá khứ, bay cùng mũi tên là hiện tại và trước mũi tên là tương lai. Trong sáng tạo rất cần những con người đứng trước mũi tên, dù biết rằng mũi tên đó sẽ xuyên qua trái tim mình. Cái kiểu mà Vũ Hoàng Chương đã từng nói: “Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ”. Hình ảnh, âm thanh trong tập thơ gợi lên cho người đọc nhiều kỷ niệm như: người mẹ ngồi đan áo, rượu pha xá xị đầy nón sắt, những sân ga, chiếc thuyền giấy, tiếng rao bán báo, tiếng trống trường, tiếng dế,... Nhưng hình ảnh xuyên suốt của tập thơ là mũi tên đang bay và sự bất lực của con người trước dòng thời gian.

Với “tự hủy” thì thấy Vũ Trong Quang càng khác hơn nữa, hủy mà không hủy, khác mà không khác. Khi gương mặt tác giả bị xé thành bốn mảnh sắp ngược xuôi và bị đánh một dấu x màu đỏ. Bi kịch lại chồng lên bi kịch. Nếu biết quên nhưng đừng để bị alzheimer, thì mỗi chúng ta chỉ còn trạng thái của cảm xúc, có thể hạnh phúc hoặc khổ đau, nhưng ở đó không hiện hữu sự suy diễn. Cứ vậy mà trôi qua như nước trên dòng sông, hôm qua đã biệt tăm, hôm nay không dừng lại và hôm sau chưa đến, cứ thế mà đi, mà trôi trên dòng sông của chính mình, rồi sông cũng mất dạng, chỉ còn một vệt sáng của vì sao băng ngang nền trời... có cần phải “tự hủy” không anh Vũ Trọng Quang? Vì anh đã từng nói:

"Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác

làm thơ để được nhẹ lòng mình"

 

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 2469
Ngày đăng: 19.01.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện ngắn và Tùy bút Võ Công Liêm - Võ Công Liêm
Sách mới xuất bản tháng 11 - 2014 - Nguyễn Hồng Nhung
Sự nhập cuộc trôi chảy - Dạ Ngân
Tản mạn về tập thơ đầu tay của Tương Giang - Trần Dzạ Lữ
Ghềnh V - Nam Dao
Đọc lại Machiavelli - Chân Phương
Giọt nước mắt màu đất và những ngụ ý - Yến Nhi
Những giai điệu thơ Tiệp Khắc *) - Đọc sách “Tuyển tập thơ Séc & Slovakia” của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng - - Đỗ Quyên
Thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông: Lung linh qua bè bạn - Nguyễn Anh Nông
Bạt - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)